Có một ngày như thế

1.  Keng… keng… keng… keng… keng…
ừm…! Trời còn tối mịt thế này mà đã báo thức. Nó huých tay sang bên phải.
- Dậy đi anh Thắng, gần về rồi làm sao  phải ngủ nhiều, nằm chật chỗ anh em.
- Au… Au… Hì… Hì… đau quá, thả ra. Thắng “béo” lại giở cái trò véo tay nó. Không hiểu sao tên “béo” này véo đau thế không biết, mà toàn véo vào mạng sườn. Nhưng nó lại khoái đùa với hắn, suốt ngày hai anh em đùa nhau uỳnh uỵch rồi cười sặc sụa, mỗi lần bị cấu, dù đau đến mấy nó cũng cố kêu “Au… Au” thế là Thắng “béo” lại cười và thả ra.
-  Buồng dậy điểm đi …
Tiếng anh Long “cu ron” nghiêm khắc. Nó lồm cồm bò dậy, mò ngay cái điếu: “Lại bắt đầu một ngày cải tạo, nhưng mà phải làm một điếu thuốc lào cho đỡ “nhớ bà cụ” đã.
- Từ từ đã nào, sao anh toàn “ngáng bạc” em thế, hút điếu thuốc cũng không ngon – nó vừa nói vừa giật cái bật lửa trên tay Thắng “béo”.
Sáng nào cũng vậy, cứ mở mắt ra là cả bọn anh em quây ngay lấy cái điếu nên phải hút lần lượt, cái trò sáng ra mà không có điếu thuốc lào là không chịu nổi, cứ phải hút đã rồi làm gì thì làm. Gấp chăn màn xong tất cả mặc quần áo rồi lục đục kéo nhau xuống dưới chờ mở cửa để ra điểm. Bây giờ là 5 giờ, trời mới tờ mờ sáng, mà hôm nay lại lắm sương mù nên trời càng tối, trưa nay nắng thì phải biết.
Đánh răng rửa mặt xong, nó vừa ngáp vừa loạng quoạng trèo lên cầu thang, đầu tóc bù xù.
Phải trang điểm dung nhan chút đã, nó bước tới trước cái gương nhỏ trên tường.
- Mặt mình dạo này nhiều trứng cá quá, mà béo phị ra thế này, phải rút bớt mỡ thôi.
- Bịch! Sơ hở ra dính ngay một phát đá vào mông, cả cái lược trên tay nó cũng bị cướp mất. Thắng “béo” vừa ẩy nó ra vừa cười mãn nguyện.
- Anh hơi đầu gấu đấy, thích thì làm tí đi
Nó vừa nói vừa cười khỉnh
- À! mà phải đi xoay ấm chè đã. Vừa nghĩ nó vừa chạy xuống sàn, tạt ngay sang buồng 3. Một phút sau nó quay về với nét mặt tươi tắn và ấm chè trên tay. Sau một hồi thuyết phục, chú Cường đã bị siêu lòng. Cứ mỗi lần có chuyện gì bí, khó xử nó lại sang nhờ tới vị cứu tinh là chú Cường. Chú ấy năm nay cũng nhiều tuổi, đầu bạc phân nửa rồi, tính chú ấy vui vẻ, điềm tĩnh, chuyện gì cũng phải suy nghĩ kỹ, dù sao chú ấy cũng sống hơn nửa đời người, mà giang hồ sóng gió mãi rồi nên chú luôn có kinh nghiệm trong những trường hợp khó khăn. Đặc biệt chú ấy hay dạy bảo và rất quý nó. Ngày hai chú cháu sống với nhau, thật vui và chú luôn chỉ bảo dạy cho nó điều hay, lẽ phải ở đời, cách sống sao cho đúng trong môi trường này. Nó luôn cảm thấy mãn nguyện và tự tin khi bên chú. Chú như một người cha, người bạn vong niên của nó.
Miên man với dòng suy nghĩ, nó giật mình vì tiếng kẻng xuất trại, ở đây anh em hay gọi là kẻng “gọi hồn” bởi nghe thấy tiếng kẻng là hồn một nơi, xác một nơi.
- Nhớ nhé! Anh nào thấp bé nhẹ cân thì lên trên, anh nào thừa hoóc môn thì xuống dưới!
Tiếng anh Tuấn đội trưởng nhắc nhở đội và đi điểm lại quân số. Cả đội dồn ra ngoài sân trại xếp hàng ngay ngắn. Nó quay lên quay xuống trêu đùa mấy thằng đội 9, chúng nó cũng Hỏa Lò, lên đây cùng chuyến xe với nó đợt tháng 4 năm ngoái, trông thằng nào cũng đen trũi vì nắng.
Ngồi được một lúc, đang đùa nghịch, nó ngồi xuống “Ban” Đức – (phụ trách) nhân lực của trại từ từ đi vào sân trại, tất cả bỏ hết mũ xuống và im lặng.
- E… hèm …! trước khi trại đi làm tôi nhắc anh em một số việc…
Úi dào, lại cái bài ca muôn thuở, lúc nào cũng tiến bộ cái nọ, vi phạm cái kia, có mỗi mấy cái việc ấy mà suốt ngày nhắc. Nó nhớ ngày đi học cũng vậy, sáng thứ hai nào cô hiệu trưởng cũng hay nhắc học sinh về điểm mạnh, điểm yếu trong tuần. Giờ vẫn thế, chẳng khác là mấy.
2.  Ra đến “lô”, nó chạy vào bếp lấy xô quần áo và cái siêu, lại thêm cái chiếu cắp nách nữa. Không được, phải chuyển qua “bưu phẩm” này cho thằng nào cầm hộ mới được. Đầu hàng thằng “yểng” và thằng Đạt lùn đi đầu, chúng nó lùn nhất đội nên chuyên phải đi đầu. Tiếng thằng “yểng” cười nói oang oang, vừa đi vừa đánh mông bên nọ, vừa đánh mông bên kia loạn xị, chân đi đôi giày bốt-đờ-sô không biết của ai vứt đi, rách mũi, cao tới gần đầu gối, trông lại càng buồn cười. Ngày nó mới nhặt đôi giày ấy về đi, cả đội phải bò ra cười, cả ông Bốn - vũ trang đội cũng phải cười theo. Hắn ta quảng cáo, giầy Mỹ, “made in dasu” nghĩa là da pha với cao su, tác dụng chống vắt đỉa, gai. Thằng này nó lại hay làm trò, đi khệnh khạng, tay thì vung vẩy, vừa đi vừa đập gót giầy xuống đất cồm cộp, mồm ba hoa đủ chuyện. Gọi nó là “yểng” cũng không sai, giữa giờ làm việc đang mệt mà nghe nó kể chuyện, “chém gió” thì ai cũng phải phì cười, dường như quên cả sự mệt nhọc trong người, ở đội có thằng pha trò như vậy cũng hay hay.
Đội giờ đang cuốc rãnh trồng mía, công việc khoán làm cũng bình thường, hầu như hôm nào đội cũng xong mức khoán và nghỉ sớm. Như vậy tuy mệt nhưng anh em đội viên cũng thoải mái vì công bằng cho mọi người, cứ tích cực làm là được nghỉ sớm. Nó giờ phục vụ cho cán bộ, ngày lo hai ấm chè, sáng ra đun nước, pha chè rồi xuống suối giặt quần áo. Công việc cả ngày chỉ có vậy nên nó nhiều thời gian rỗi, ở đây như thế người ta gọi là “hái hoa, bắt bướm”. Cái gì cũng có cái giá của nó cả, chỉ cốt sao, tư tưởng thoải mái, cải tạo suôn sẻ là ổn. Bởi như lời của chú Cường: “bây giờ là ta đang tồn tại, sống để mà sống”. Đôi khi nó cảm thấy chán tất cả, chán cái cảnh sống tù đày nó muốn phá phách nhưng đó chỉ là cái suy nghĩ thoáng qua. Bởi nó là kẻ biết suy nghĩ xác định rõ về đường đời và cuộc sống của mình; thời gian sống ở ngoài xã hội sau này còn dài và khó khăn hơn nhiều. Sự mặc cảm giờ đây chỉ dành cho những kẻ yếu đuối, còn nó, nó sống mạnh mẽ và luôn khát khao cuộc sống tốt đẹp trong tương lai.
3.  Đem nước ra cho thầy xong nó quay trở lại xách xô quần áo xuống suối giặt. Bây giờ khoảng 7h, giặt xong khoảng 8h là đi chơi được rồi, mà hôm nay phải rủ cu Hiếu đi bắt cua, cá mới được. Dạo này anh em nó lại hay bắt cua về giã nấu với rau đay rừng, ăn chẳng khác gì canh cua xã hội; gọi là cây nhà lá rừng vì ở trại hiếm rau cỏ, cả trại mà nó mỗi một đội rau nên đành phải chăm chỉ mà “tạt té” mới có cái ăn. Vừa giặt nó vừa nhìn xuống lòng suối, mấy lũ cá bống bơi lởn vởn trước mặt. Ở chỗ này nước sâu bởi nó tự đắp một cái đập nhỏ để cho nước suối dâng lên, tiện việc giặt giũ và tắm rửa. Nó nhìn ngắm những con cá, trông giống như một bể cá cảnh vậy, cá thì nhiều nhưng nó chịu, không tài nào bắt được, lũ cá suối nhanh lắm, hơi động là chúng nó chạy ngay vào các khe đá. Nó vẫn nhớ lời ông Luật dặn không vắt quần áo, để khi nào phơi mới vắt không là quần áo bị nhàu. Mà tính ông Luật thì rất ngại là quần áo. Ngày ở nhà có bao giờ biết tới ba cái chuyện này đâu, chỉ ăn với chơi không, vào tới đây tự nhiên vì cuộc sống tồn tại mà biết hết, từ nấu cơm, gánh nước, chẻ củi, cuốc đất, làm rừng v.v… cái gì cũng biết hết. Đúng là “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”.
Giặt xong nó chạy lên nhà Thực ngồi chơi. - Ngồi uống nước đã chú - Thực mời.
Nó bước lên nhà, vớ ngay cái điếu,  vê một bi thuốc lào. Ở đây miền rừng người ta làm nhà sàn, mà nhà làm toàn bằng nứa đan, trông đơn sơ lắm.
- Anh ở nhà không đi đâu à?
- Ôi! Chẳng muốn đi đâu cả, ở nhà cho nó khỏe, còn trông mấy cái ao nữa. À! Mà chú uống rượu thì làm môt chén.
- Thôi! Sáng ra chưa ăn gì, uống vào là quay táng, để đến chiều kiếm cái gì nhắm, anh em mình uống.
Hầu như hôm nào cũng vậy giặt xong là nó quay lên nhà ông Thực nghỉ, dù sao cũng là chỗ che nắng, che mưa. Mà mùa này ngồi ở đây thì tuyệt, nhà làm ở sườn đồi, đúng hướng gió, lại làm bằng nứa nên thoáng và mát. Cha Thực là dân ở làng ngoài, lấy vợ rồi vào trong làng trong này lập nghiệp, dựng nhà, phát nương trồng sắn, đào hai cái ao thả cá, hắn làm cái nhà này để trông cá. Gọi là nhà thực ra chỉ là cái lều, suốt ngày chỉ thấy hắn ở nhà, sáng ra vợ con đem gạo xuống giúp một số việc vặt, thỉnh thoảng mới thấy hắn đi buôn bán quần áo của phạm ở trong trại đưa ra. Thu nhập gia đình chẳng đáng là bao, lại nuôi năm miệng ăn, hai thằng con nhỏ đi học nên gia đình rất khó khăn. Nhiều hôm nó vào chơi, thấy hắn ngồi ăn cơm một mình, chẳng thấy thức ăn, chỉ mấy hạt muối trắng trộn với mì chính, còn khổ hơn là tù. Nó nhớ những ngày ở nhà, mẹ cha nuôi ăn học chẳng thiếu thứ gì, lại được cưng chiều, suốt ngày lo chơi quên cả ăn, khi nào đói, giữa buổi ra quán, quà bánh gặp ở đâu ăn đó, bừa bãi, phung phí. Còn những đứa trẻ ở đây mới 9 - 10 tuổi đã phải theo cha mẹ vào rừng kiếm củi, gánh về bán. Ăn uống thì chẳng có gì mà chân đất đi rừng leo dốc suốt ngày, trông chúng còi cọc, nhỏ bé. Nhìn cảnh ấy, nó cảm thấy chạch lòng, tiếc nuối những ngày còn thơ, cuộc sống êm ấm cùng gia đình, tại sao nó không biết bằng lòng với cuộc sống mà phải đi tìm những cái cao sang, những thú vui vô bổ. Nó suy nghĩ miên man về cuộc sống trước đây của nó, cuộc sống của những người dân nơi đây, cuộc sống hiện tại của nó. Những bức tranh tương phản của cuộc sống. Đời thật éo le và cay nghiệt. Như ngày xưa bố nó thường nói “Nghịch cảnh”!.
- Trong chỗ chú có thuốc lào ngon anh xin mấy điếu, ngoài này hết rồi mà mấy đứa nhỏ không thấy mang lên. – Sau một hồi im lặng Thực lên tiếng.
- Có! để chiều em mang ra cho. Thuốc Hàng Gà xịn!
- À! Mà cu Hiếu chưa xuống hả anh.
- Ừ! Chắc tí nữa nó mới xuống được. Không biết nó ở nhà làm gì mà lâu thế?
Cu Hiếu là con út nhà Thực, thằng bé năm nay mới 10 tuổi mà đã tinh nhanh hơn cả thằng anh.
Cha Thực còn có một đứa con gái đầu, năm nay 16 tuổi, con bé tên là Vân, gái mới lớn nên trông cũng được, mấy đứa ở đội cứ gặp là trêu “Nhà anh Thực có Na đầu mùa ngon quá”; cha Thực chỉ cười và mắng “mấy thằng chỉ nói bậy”. Nói vậy, con bé hiền lành, chăm chỉ, lại được cái dáng người và cái nốt ruồi duyên ở mép nên trông cũng dễ thương. Ngày nào cũng gặp nhau nhưng thỉnh thoảng nó mới ngồi hỏi chuyện con bé. Tính nó là vậy, từ xưa đã ít nói và ngại tiếp xúc với người ngoài, nhất là phụ nữ, trừ người thân thiết mới hiểu được nó. Nhưng nó lại có kiểu riêng của mình, chỉ cần một vài ánh mắt đưa qua là đủ hiểu đối phương có thích hay không thích mình. Về cô bé này nó chắc là thích hoặc có cảm tình với nó. Trong thâm tâm nó cũng “không ghét” nhưng thực tình nó không có cảm hứng đối với cô bé hay ít nhất là đối với gia đình cô, nên hầu như nó thường “bơ” đi, coi như “nai vàng ngơ ngác”.
Ngồi chơi được một lúc thì cu Hiếu xuống, từ xa nó đã réo inh ỏi, vai đeo cái túi vải đựng gạo chân đi đất, đầu đội mũ kèo, dáng lon ton như Kim Đồng đi liên lạc vậy.
- Chú Tâm ơi! đi bắt cua đi!
Vừa lên tới nhà thằng bé lên tiếng, rồi chưa kịp nghe trả lời nó vứt uỵch túi gạo xuống sàn, rồi quay sang nói với bố nó cái gì đó, chắc là nói tình hình ở nhà. Ở đây, người địa phương thường nói tiếng “kinh lớ” gần giống tiếng kinh nhưng nó nói nhanh và lớ đi đâm ra không quen thì không hiểu được. Nhưng họ chỉ nói nội bộ với nhau, còn đối với người miền xuôi thì họ vẫn nói tiếng kinh bình thường. Có lần nó hỏi cu Hiếu tại sao ở nhà không nói bằng tiếng bình thường, thằng bé trả lời là bố nó bắt phải nói tiếng thổ, quy định là như vậy, với lại là từ bé đã quen như vậy.
Nói chuyện xong với bố, thằng bé cầm cái thuổng hai anh em chạy xuống suối. Cua ở suối rất nhanh và thường nằm dưới đá, con nào to thì mới có tổ hẳn hoi. Nó chỉ bắt cua nhỏ, lật các hòn đá, cua chạy ra là vồ, còn cua to thì nó chịu; hang cua thường sâu, nhiều nghách, tổ nào mới đào thì nông, có lần nó đi móc hốc bị cua nó cắp cho chảy máu tay mà như điện giật vậy nên từ đó nó sợ luôn. Còn cu Hiếu là một tay chuyên nghiệp, nó móc hốc toàn cua to, thỉnh thoảng lắm mới bị cắp, gặp hang nào sâu, thằng nhỏ lấy thuồng đào, khi nào bắt được mới thôi chứ nó chẳng chịu bỏ. Hai anh em cứ đi dọc bờ suối, một lúc là đầy hai ống cua. Hai đứa rẽ vào khe cạn, trong này nước mát và nhiều cua hơn. Nói là khe cạn vì ở đây toàn là đá to cả. Đi sâu vào bên trong thằng nhỏ bắt được cả cá, tôm nữa còn nó tranh thủ tạt sang hai bên rìa suối hái ít rau đay. Càng vào trong nhìn càng tối vì cây cối dây leo mọc um tùm thành một cái vòm, nước mát lạnh – Chẳng khác gì đi thăm quan Tây Thiên, cũng lội suối, leo đồi, ngắm cảnh, khéo ở đây còn đẹp hơn – vừa đi nó vừa nghĩ và cười tủm tỉm một mình. Độ một tiếng sau hai anh em quay ra với chiến lợi phẩm bốn ống nứa đầy cua và mấy con cua to treo lủng lẳng bên ngoài.
- Nồi canh hôm nay chất chác đây.
Nó nói với cu Hiếu. Thằng nhỏ cười nhe cái răng sún.
- Chiều nay chú nhớ cho cháu đường nhé…
- OK! Hợp đồng đã ký kết thì không phải nghĩ ngợi. Cứ chăm đi bắt cua cùng chú thì hôm nào cũng có đường ăn, chú mà gặp gia đình thì mày còn có nhiều thứ nữa.
Nói vậy thôi chứ thỉnh thoảng nó mới cho thằng bé được chén đường  còn đâu toàn đưa thằng bé vào “rừng mơ”; cứ hứa hẹn như vậy cho nó sướng chứ làm gì có mà cho. Nhiều lúc mấy anh em vào trại kể chuyện với nhau mà cười vỡ bụng.
Về tới ngoài lán thì cả đội đã nghỉ gần hết. Nó đưa mấy ống cua cho thằng “yểng” giã, lọc xong nấu luôn ở suối cuối giờ chỉ việc cầm về vì ở trại bây giờ cấm đun nấu, muốn nấu cái gì cũng khó. Bàn giao xong nó quay sang chỗ anh Tuấn ngồi uống nước. Chưa tới nơi đã thấy anh Tuấn hỏi:
- Được nhiều không em?
- Bốn ống mà toàn cua to, em đưa cho “yểng” nấu rồi.
- Mà mày đi tắm đi, đội gần về rồi đấy.
Chút nữa thì quên cả tắm, nó cầm quần áo và xà phòng chạy lên đầu nguồn. Ở chỗ này nước không sâu nhưng mà nước mạch trong núi chạy ra, bọn nó bắc cây nứa vào thành cái máng chảy xuống, cứ thế ngồi ở dưới bệ đá mà tắm. Một chỗ lý tưởng, chỉ muốn ngồi mãi ở đây tránh xa cái nóng bức của bầu trời. Tắm xong nó trở lại lán, một lúc thì đội về, từ đây về trại khoảng hơn một cây mà toàn đường đồi nên cảm tưởng như mấy cây. Dốc Vã hiện dần ra trước mắt mọi người, tầm giữa trưa này leo lên dốc “Vã”  thì “hơi bị được”. Chỉ có ai đã từng leo cái dốc này thì mới biết được vì sao người ta lại kinh sợ nó như vậy. Anh em ở đội gọi đây là cái dốc “Bà ơi”. Giờ về leo lên, dốc vừa dài, vừa cao, mỗi lần lên phải nghỉ tới 2-3 lần không thì tắc thở. Đúng như tù thường gọi: “Nhớ ông nội bà ngoại”.
4.  Nó lê từng bước một lên cầu thang, chỉ kịp cởi xong cái áo, nó phi thẳng xuống bể nước. Kiểu này thì không thể cải tạo được.
- Sao mà nóng thế này!
Nó vừa dội nước vừa gào ầm lên.
Ở cái đất miền trung này, hầu như nóng quanh năm, lại thêm những đợt gió lào thỉnh thoảng thổi về  làm cho con người ở đây khô cằn cũng như mảnh đất của nó. Ở đây một năm rồi nên nó hiểu và cũng quá quen với khí hậu nắng mưa thất thường. Nắng thì nắng như đổ lửa, mưa thì mưa tầm tã, thối đất thối cát. Nhớ mùa này Hà Nội phượng bắt đầu nở, bằng lăng tím ngắt đường về. Trưa nào nó cũng đi chơi suốt, mà nó thích và nhớ những buổi trưa như thế, cả bọn tụ tập chơi bời, trời thì nắng mà cứ lang thang ngoài đường hoài chẳng chịu ngủ nghê gì. Còn ở đây chỉ mong sao được chui vào bóng râm mà ngủ cũng không được.
Cơm trưa xong, nó tụt ngay xuống chỗ anh Toàn xí trước một chỗ để nằm, chẳng buồn nước non gì, trời này uống vào chỉ tổ ra mồ hôi.
- Trưa nay em nằm chỗ này nhé! trên kia nóng quá không ngủ được.
Nó nói với anh Tuấn rồi kéo gối nằm uỵch xuống cầm cái quạt phẩy phành phạch.
Buổi trưa nóng nên anh em trên tầng hai hầu như đều chạy xuống dưới, rải cả chiếu ra đường đi để nằm. Buồng thì đông, hơn 100 mạng, trời thì nóng, có ba cái quạt trần lại mất điện. Không khí ngột ngạt nóng bức làm nó không sao ngủ được – kiểu này phải đến chui vào bể nước mới ngủ được. Nằm được một lúc nó loay hoay trèo lên trên lục lọi lấy sổ ghi chép – ngồi viết lách còn dễ chịu hơn. Dạo này nó đang viết nhật ký, những lúc rỗi rãi lại lấy sổ ra ghi ghi, chép chép. Trong này ít người hiểu và hợp với nó. Chú Cường “cạ cứng” thì ở buồng khác, nên những lúc như thế này nó thường tâm sự cùng cuốn sổ. Cứ viết ra dù sao cũng nhẹ lòng và thanh thản. Nó cứ thế ngồi viết, kể về những ngày tháng đã qua, những bước thăng trầm của cuộc đời, sự hụt hẫng, buồn tủi, nỗi lo sợ, những tâm trạng đi qua đầu nó. Rồi nó viết về mối tình đầu, về người bạn gái nhỏ bé, dễ thương của nó; mối tình thuở học trò đó giờ vẫn đeo đẳng theo nó, bám riết, ghì chặt lấy trái tim nó. Nhiều lúc nó muốn quên đi hình bóng đó bởi sự mặc cảm tội lỗi, bởi câu nói “xa mặt, cách lòng”; nhưng dường như nó càng cố quên đi thì tình cảm trong nó lại càng trào dâng, để rồi nó lại viết, tâm sự cùng với “người ta”. Nàng vẫn thường xuyên viết thư cho nó, lời lẽ bao giờ cũng đúng mức, tế nhị động viên nó nhiều, mỗi khi nhận thư nó cảm thấy vừa hạnh phúc vui sướng lại vừa đau khổ tủi hờn. Trong mọi việc nó luôn tìm ra được biện pháp giải quyết hợp lý nhưng đối với chuyện này thì thực sự nó bế tắc hoàn toàn. Nó nhớ lại mấy câu thơ học trò ngày xưa:
Đã bao lần lý trí bảo trái tim
Thôi không yêu không giận hờn không nhớ
Nhưng trái tim là một thằng quái gở
Vẫn cồn cào, tha thiết gọi tên em
Trời mỗi lúc một nóng hơn, mồ hôi nó chảy ra đầm đìa. Với cái khăn lau mồ hôi, nó gấp quyển sổ lại – để tối viết tiếp vậy, giờ này chắc cũng sắp kẻng báo thức rồi. Cầm cái điếu, nó rít một hơi thuốc thật dài – thế mới đã…
Keng… keng… keng… lại vẫn là tiếng kẻng báo thức, không biết đến bao giờ mới thoát khỏi tiếng kẻng “gọi hồn” này, nó đá vào chân anh Tuấn:
- Dậy đi anh ơi, kẻng báo thức rồi!
- Ừ… um… kẻng rồi hả?
Quơ vội bộ quần áo nó chạy thẳng xuống sân. Phải tìm chỗ nào râm để ngồi thôi, ở trong nhà chả khác nào cái lò nung người.
- Thanh Lâm ơi! Kiếp này con xin vái lạy cái đất này, thà chết còn hơn.
5.  Sau khi xuất trại ra tới đồi, trước tiên nó phải nhúng ướt cái khăn để lau mồ hôi rồi mới xách siêu đi đun nước. Chiều nay lại rau má nhưng mà hình như hết đường từ chiều qua thì phải. Không sao, cứ nấu đặc đặc lên là được, mùa này chỉ cần giải nhiệt là được. Thường thì buổi chiều là nó đun rau má để thầy (quản giáo) uống cho mát, ở đây mang tiếng là đất Thanh mà lại hiếm rau má mới lạ, nó lại đi xuống tận dưới ruộng trong làng Tân Bình mới có.
Đun nước xong nó chạy ngay lên chỗ anh Tuấn chè tụng. Vì buổi chiều không giặt quần áo nên rảnh chân nó lên chỗ anh Tuấn cho vui chớ ngồi trong nhà cha Thực buồn muốn chết. Ngồi được một lúc nó giở tờ “Tuổi trẻ cười” ra đọc. Ở trong này đói văn hóa nên cứ rình rình ai có báo dù là báo gì cũng mượn bằng được, mỗi tội đọc xong nó toàn xé quấn thuốc lào thành thử chỉ mượn được một lần, lần sau chỉ còn cách là ăn cắp.
- Mày ngồi đây trông đội hộ anh, anh đi tắm cái nhé!
- Vâng! Nhưng mà anh đi nhanh lên, em cũng phải tắm nữa đấy, nóng lắm rồi.
Nói là trông hộ nhưng nó cứ chăm chăm vào tờ báo, đến lúc anh Tuấn quay về cũng chẳng biết. Lượn một vòng, tắm xong nó ngồi thừ ra, bây giờ chẳng biết làm gì cả. Nhàn quá đâm ra cũng chán.
À! Mà bây giờ mới nhớ vụ rượu buổi sáng. Nghĩ đến đây nó chạy một mạch vào nhà Thực, hắn vẫn ngồi với tư thế buổi sáng, khoanh hai chân, mắt nhìn xuống cái ao trước nhà. Lạ thật sao hắn suốt ngày ở nhà mà ngồi như vậy được nhỉ, nó thì có mà không ngồi yên nổi 15 phút, suốt ngày chỉ chực đi chơi, lượn như chim vậy.
- Còn rượu không anh ơi, em lại quên mất cái vụ đồ nhắm. Thôi để em xuống hái mấy quả mướp đắng vậy.
Chẳng chờ cho hắn trả lời nó chạy ngay xuống giàn mướp đắng làm mấy quả, thêm hai quả ớt nữa. Thế này cũng đủ để đi hết 1,2 chai gì đó.
- OK rồi! Lấy rượu đi anh.
Cha Thực thò tay vào cái túi trên vách lấy ra một chai 65 rót ra hai cái chén.
Từ ngày vào đây, những lúc chán anh em hay lấy rượu giải sầu, đâm ra giờ nó thích uống. Ngày ở nhà nó có bao giờ động vào rượu bia, vui lắm thì làm chén, không thì thôi. Chỉ có ông anh nó ở nhà hay uống, tên này giỏi thơ văn nên hay dùng rượu làm cảm hứng, có lẽ hắn theo gen của ông già nên mới hay rượu như vậy. Giờ thì chắc hắn toại nguyện vì sắp có một bạn rượu hợp gu luôn ở cận kề. Nó tưởng tượng ra ngày về hai anh em làm một chầu say bí tỉ, rồi đàn ca rùm beng lên.
Vừa uống nó và cha Thực vừa nói về chuyện công việc của đội trồng mía sau này, rồi lại quay sang chuyện đời tư của hắn. Nó vừa nhâm nhi từng miếng mướp đắng, vừa lắng tai nghe. Thực kể, ngày xưa hắn cũng thuộc loại phong độ, chịu chơi ở làng, đi đây, đi đó nhưng từ khi lấy vợ, sinh con thì cuộc sống thu hỏ lại từ lều cá về làng, rồi từ làng về lều cá, ít có dịp nào để đi xa. Nó vừa nghe vừa ngẫm nghĩ và tự nhủ: Ta sẽ không bao giờ lấy vợ sớm, “con là nợ, vợ là thù” tuổi còn trẻ, đời còn dài tội gì lấy dây tự trói mình. Mỗi người một ý, nhớ mấy đứa cùng tuổi với nó ở trong trại ngồi nói chuyện: Quả này về phải lấy vợ khẩn cấp để tăng sau còn có người đi tiếp tế thường xuyên. Nghe mà choáng quá, tăng này cải tạo đã chối lắm rồi, tăng nữa để mà “đi” à! Nhiều đứa nghĩ lấy vợ rồi thì phải có trách nhiệm với vợ con, lúc ấy có lẽ sẽ tu tỉnh làm ăn chân chính, nhưng theo nó thì dù gì đi nữa, bản chất của con người mới là cốt yếu. Nếu mình có bản lĩnh, nhận rõ sai lầm, thì chỉ cần qua môi trường này một lần là quá đủ mùi đắng cay, quá đủ để từ bỏ. Nó đã sắp sẵn một chương trình cho tương lai ngày về. Chắc phải từ bỏ Hà Nội dấu yêu, nó sẽ vào ngay Quy Nhơn, vùng quê ngoại. Chỉ có cách ấy mới có thể từ bỏ hẳn những thói xấu, tránh đi những con đường, tụ điểm, những đứa bạn bụi đời mà thành phần tiền án, tù về địa phương sểnh ra đi tập trung là cái chắc.
Nó từ từ nhấp nốt ngụm rượu cuối cùng, men rượu bốc lên bừng bừng, nó cảm thấy nóng ran cả người, mồ hôi toát ra đầm đìa, hôm nay oi thật, vừa tắm xong mà mồ hôi đã ra ướt áo rồi. Bây giờ khoảng 4 giờ – 4giờ 30 phút gì đó, có lẽ đội cũng sắp về rồi, phải quay ra sắp xếp đồ cho kịp.
- Thôi em xuống đội đây anh ạ!
Nó vừa bước xuống nhà, đầu choáng váng, không uống thì thôi, uống vào là đau đầu, tối về phải kiếm mấy viên thuốc uống cũng nên. Với nó bây giờ cuộc sống đáng yêu biết bao, trước kia chưa biết uống rượu thì không biết, đến bây giờ biết uống rượu thì thấy rượu thật tuyệt vời. Không khéo về nhà mà sinh ra nghiện rựợu thì chết dở. Ôi! cuộc đời!!!.
6.  Cuối cùng vẫn là cái dốc Vã, nhưng buổi chiều lên dốc còn đỡ, mỗi tội nó vừa uống rượu xong nên tay chân bải hoải, chỉ muốn bay lên cho nhanh. Mà quả thật người nó đang bay bay. Về đến cổng trại, cả trại nhảy xuống ao tắm, còn nó vẫn ngồi trên bờ, bây giờ mà tắm về dễ bị cảm lắm, đành để về trại tắm vậy. Mà không hiểu sao ở trong này, dãi nắng, dầm mưa suốt ngày mà ít khi thấy ốm đau gì, ngoài xã hội hơi tí là đau là ốm, đến người hay ốm vặt như nó, vào đây cũng chẳng thấy ốm đau gì, hơn một năm ở đây đúng hai lần nó bị sốt. Đúng là ở đâu quen đấy. Mà trong cái môi trường này không được phép ốm, nhiều khi những thằng không ốm thì được nghỉ, chỉ cần tí “điều kiện”, còn những thằng không “vặn vẹo” gì khéo ốm còn không được nghỉ. Tù mà.
Nhập trại xong, nó đi thẳng về buồng, cởi quần áo chui ngay vào bể, cướp cái gầu trên tay thằng Hùng, dội ào ào vài gáo, thằng Hùng đang tắm bị cướp mất gầu mặt xị xuống vẻ khó chịu.
À! thằng này không thoải mái đây – nó thầm nghĩ.
Với cái quần vắt trên cửa, tiện tay nó kéo luôn cái quần của thằng Hùng xuống nhét vào xô nước. Thế là lúc sau thấy cu cậu kêu ầm lên không có quần mặc.
Nó vừa đứng chải đầu vừa cười tủm – ai bảo mày “thái độ”, cho mày chết, đấy là còn nhẹ đấy, lần sau chỉ có mất luôn.
Hút xong điếu thuốc lào, hăm một hơi thật đã, bây giờ thì tỉnh hẳn rượu rồi. Thấy nó đang nằm, thằng Tùng không biết từ đâu chạy sang nằm cạnh ôm nó.
- Cút! Vừa về đã thích gọi đòn à? Giã cho mấy cái vào đùi non, lại “kêu như mìn” bây giờ.
Thằng Tùng ở cùng với nó, nhỏ nhất trong nhà, sinh năm 81 nhưng trông thằng này to cao, tù đầu nên vẫn ngây thơ và dại giống y như nó ngày mới lên trại. Thằng Tùng quý nó, nó cũng quý thằng Tùng nhưng lại ghét ở cái tính cợt nhả, nên suốt ngày thằng Tùng bị nó đánh. Vậy mà cu cậu vẫn đùa, đánh đau mà mặt cứ nhăn nhở; như thế mới tức, nhiều lúc đánh chán mà không trị được nó phải chơi bài nịnh: “thôi anh xin mày, để anh cải tạo” nhưng chỉ được một lúc, thằng chết dẫm lại cười đùa trêu trọc. Thằng này, lúc lọt lòng mẹ chắc nó cũng cười chứ không khóc như mọi người. Đành chịu thua vậy nhưng thỉnh thoảng cũng phải đấm mấy cái cho đỡ tức.
- Mày ra tắt quạt để tao lên mắc điện, tối nghe đài, xong vào mà dọn cơm đi là vừa - Nó nói với thằng Tùng.
Từ ngày có cái đài, buồng vui lên hẳn, tối nào cũng vậy, nó nằm bẹp ôm lấy cái đài, nghe những bản tình ca, thú vị như đêm nghe nhạc ở nhà vậy. Cảm tưởng như tâm hồn mình đang bay theo lời bài hát trở về quá khứ, đi tới tương lai, và chợt rơi tõm xuống trở về với thực tại là những lúc bị hết băng.
Dọn cơm xong nó và thằng Tùng bắt đầu cầm đũa gõ vào mâm cơm bản nhạc muôn thuở: “Đói, đói, đói” theo kiểu Taczăng boy.
Vừa ăn cơm nó vừa nhớ tới câu thơ thằng Tùng hay đọc:
Chiều nay ăn bát cơm tù
Cơm ăn với muối gật gù khen ngon
Bôi bác quá, nói vậy chứ đũa nó đang gắp miếng chân giò. Tù bây giờ 98 rồi chứ có phải 89 đâu mà như vậy. Nhớ ngày mới lên trại, không anh em, không tiếp tế, đi làm về mệt, nó ăn cơm chỉ độc có muối với nước rau vậy mà vẫn ngon. Thế mà bây giờ, ăn uống đầy đủ, không khác gì xã hội vậy mà những lúc vẫn ăn không ngon miệng. Đúng là con người luôn luôn nảy sinh những nhu cầu, đòi hỏi vươn tới cao hơn thực tại rồi cao hơn, cao hơn nữa, và không biết bao giờ mới đủ, không hiểu sao con người lại không bằng lòng với thực tại nhỉ? Nó tự hỏi và cười:  Chắc “trời sinh ra thế!”
Mấy anh em ngồi ăn cơm mà như đi đánh vật, mồ hôi đổ ra như tắm. Trời nóng quá, ai cũng vội cố ăn cho nhanh để còn chạy ra sân. Và nốt bát cơm, nó với cái khăn lau mồ hôi rồi chạy ra sân, phải đứng một lúc, gió dịu mát thật dễ chịu.
Ngoài sân bọn thằng “yểng” đã trải chiếu pha chè sẵn. Anh Tuấn cầm cái đài ra, tất cả anh em vừa uống nước vừa nghe đài, nói chuyện rôm rả, hết chuyện thời tiết nóng nực, rồi chuyện công việc ở đội, lại quay sang chuyện Thắng “béo” sắp về. Thằng “béo” vừa cười vừa nói:
- Quả này về phải bỏ thôi, còn nghiện còn chết, khéo phải ăn bám vợ thì đau lòng lắm.
- Thôi đi ông ạ! mày về khéo chưa được một tuần đã vào phường, có khi ở đây lấy một con “toọc” kiếm sào ruộng mà làm ăn, lần sau có vào Thanh Lâm thì không phải nghĩ.
Anh Linh vừa nói xong cả hội cười ầm lên, Thắng “béo”  thì tắc tị chỉ biết cười cầu hòa.
Anh em ngồi một lúc thì kẻng điểm tất cả vào mặc quần áo ra xếp hàng ngay ngắn.
- Lại đến giờ vào chuồng rồi!
Tiếng ai đó vang lên.
Mọi người dường như im lặng hẳn, trong đầu mỗi người một suy nghĩ, nhưng chắc không ai vô tư mà cười trước câu nói đó. Vào buồng, nó cởi quần áo dài, nằm xuống chợt rùng mình ớn lạnh trước tiếng rít của suốt cửa. Gần hai năm trời, nó quá quen với tiếng va chạm lạnh lùng đó, nhưng nhiều lúc cảm tưởng như đó là lời nhắc nhở, trách móc, một tiếng ai oán.
7.  Đổ bã, pha ấm chè mới, thằng Tùng bưng khay chén xuống, mấy anh em lại quây quần, ba điếu thuốc lào, dăm cọng chè già ngồi nói chuyện “úy”. Ngày ở nhà dường như chẳng bao giờ nó động vào nước chè, họa hoằn lắm mới làm một chén nhưng cũng là nước 5 nước 6, chẳng còn vị gì nữa. Vậy mà vào đây, ngồi buồn, uống nhiều thành quen một lạng chè chỉ đủ pha hai ấm là hết tiêu. Mà thật ra ở đây nước chè là lịch sự lắm rồi không thì chỉ có nước lã. Nhiều lúc nó nghĩ và cười thầm, tới lúc về nhà, một mình ngồi uống chè, hút thuốc lào, khéo người ta lại bảo: Thằng này hâm, tí tuổi mà như ông cụ.
Chè nhạt, thằng Quế và anh Toàn vác cờ ra ngồi tỉ thí, bọn thằng “yểng”, thằng Mạnh, bố Lợi cũng lè vè ngồi xem, thỉnh thoảng lại thò tay chỉ nước nọ nước kia. Anh Toàn bị thua phải uống nước, tức quá ngồi chửi um lên:
- Mấy thằng này ngồi ngoài xem cứ nói linh tinh, vào đánh thì toàn thua, ngồi ngoài thì chờm hớp. Đi ra chỗ khác!
Mấy anh em ngồi nhìn, cười ồ lên. Thằng Quế còn chêm vào một câu:
- Thôi! cờ thấp thì nhận đi, cứ đổ cho người nọ người kia.
Anh Toàn không chịu thua:
- Đánh thêm ván nữa.
- OK! nhưng mà thua thì phải uống, đừng có bùng đấy.
Anh Tuấn lên bật đài, lại vẫn là cái băng nhạc này. Nó và thằng Tùng thì thích nghe nhạc trẻ, vui tươi, nhưng khổ nỗi mấy ông anh lại thích nghe nhạc vàng ỉ eo.
Tối nào cũng vậy, uống nước xong là thằng Tùng giải chăn, thẳng “yểng” hoặc thằng Tuấn “lác” lại lên tẩm quất cho anh Tuấn. Cái trò tẩm quất cũng lạ, cứ đánh nhiều, quen rồi thành nghiện, hôm nào mà không tẩm quất là không chịu được, mỏi mệt khắp người. Đúng là việc gì cứ làm nhiều là thành nghiện, mà chẳng nghiện cái gì là tốt cả, đến nghiện ăn, nghiện uống còn hại cho cơ thể nữa là. Tốt nhất là không nên nghiện cái gì cả, cứ vừa phải là ổn. Nhưng ở đời mấy ai mà tránh khỏi: Rượu chè, trai gái, cờ bạc, thuốc men. Như nó đây mới 19 tuổi đầu, hết cờ bạc lại sinh ra hút hít, chơi bời, phá phách, coi trời bằng vung, ngày tháng u mê trong khói thuốc trắng, ai nói, ai khuyên cũng không nghe, đến pháp luật nhắc nhở, cảnh cáo cũng không chừa, để rồi giờ đây ngồi sau 4 bức tường nhà giam, ân hận nuối tiếc thì cũng đã muộn. Nó chỉ còn biết cố gắng chấp nhận, sống để mà sống, sống vì tương lai, một tương lai tốt đẹp hơn những ngày u tối này.
6 song sắt chắn ngang đời trai trẻ
4 bức tường giam hãm kẻ lãng du.
Nó trèo lên cửa sổ tầng hai, ngồi vắt vẻo nhìn ra phía ngoài qua song sắt. Thời tiết buổi tối mát mẻ và dịu hơn ban sáng, gió thổi dễ chịu, bầu trời lấp lánh những vì sao, chắc ngày mai nắng cũng được đấy. Nó ngước nhìn, ngắm những vì sao, chợt nhớ tới lời trong bức thư của Hòa: “Đêm nay trời đầy sao quá, kìa sao chổi, Tâm hãy ước đi, người ta nói khi nào nhìn thấy sao chổi thì ước gì thấy nấy”. Nó cười, và thầm nghĩ, vì như gặp phải sao chổi nó sẽ ước, ước mình được hòa vào giữa bầu trời đầy sao và gió lộng… Nhưng không phải  qua chấn song sắt như đêm nay.
- Làm sao mà buồn thế hả anh?
Thằng Dũng con từ đâu tới nhẹ nhàng đặt tay lên vai nó. Nó ngoái cổ lại nở một nụ cười buồn.
- Thôi! về chỗ em nằm đi.
Nó nhảy xuống sàn nhà khoác vai thằng Dũng, hai anh em đi ra đầu sàn.
Mấy đứa đang ngồi đánh bài nhìn thấy hai đứa đi qua, cười kiểu ghen tỵ, trêu tức. Mà chúng cũng quen rồi, hầu như tối nào nó cũng lên nằm nói chuyện tâm sự với thằng Dũng, hai anh em hợp tính hợp nết suốt ngày quấn quít với nhau.
- Sao anh vẫn để bộ mặt buồn thế. Thôi anh hát cho em nghe đi.
Nó gác chân lên người thằng Dũng, nhắm mắt và bắt đầu hát: “Cuộc tình dĩ vãng đã trôi đi vào quên lãng, kỷ niệm cũng chỉ là cơn sóng mơ hồ…”. Đầu óc nó suy nghĩ mông lung, bây giờ đi ngủ cũng chán, mà thức cũng chẳng có việc gì mà làm cả, nằm nhiều ươn cả người. Nó quay sang véo mũi thằng Dũng, hai đứa nằm cười như nắc nẻ. Nó quý thằng Dũng nhất, thằng nhỏ mới 16 tuổi mà người cao to, giọng nói the thé như con gái, và nụ cười cũng thật dễ thương. Thỉnh thoảng nó hay trêu: “Mẹ mày ngày xưa chắc định đẻ mày con gái út ít, nên bây giờ mày mới ỏn ẻn thế này”.
Thằng Dũng phụng phịu:
- Thế thì có làm sao không? Anh không thích thì thôi đừng có lên đây chơi nữa.
- Ôi! Bây giờ lại “giá cả” mới sợ chứù. Chưa chi mặt xị ra trông như cái hố “nhà mét”.
Thằng Dũng tức quá thọc tay cù nó, hai anh em giật người tưng tưng trên sàn, cười sặc sụa. Anh Thi đang đánh bài quay lại quát làm hai đứa mất cả hứng nhưng mặt vẫn nhăn nhở.
Nó đổi giọng nghiêm nghị:
- Thôi bây giờ lại chuyển sang chất trầm. Nằm yên, cấm nói đấy.
- Anh còn mấy tháng nhỉ?
- Anh còn đúng ba tháng nữa. Cũng sắp về rồi, thấm thoắt cũng qua một mùa đông và hai mùa hè ở cái Thanh Lâm này rồi đấy.
- Anh về chắc em sẽ buồn lắm… Anh về em sẽ chẳng chơi với ai nữa.
Nó cười xoa đầu thằng Dũng và thầm nghĩ thực sự thằng nhỏ sống tình nghĩa.
Thôi đừng buồn. Anh còn mấy tháng nữa mà đầu óc cứ rối tung lên, suy nghĩ suốt, chẳng biết về làm gì nữa. Chẳng nhẽ cứ ở nhà ăn bám bố mẹ mãi, mà lang thang vật vờ mãi cũng chẳng ra gì. Ôi! cuộc đời thật buồn tẻ.
Nó thở dài một tiếng rồi nhắm mắt lại nằm sấp xuống, mặt úp vào gối, im lặng. Thằng Dũng biết ý cũng nằm im, chỉ nghe thấy tiếng thở dài, chắc thằng nhỏ cũng đang suy nghĩ mông lung lắm. Nó ngáp dài một cái rồi  quay sang thằng Dũng:
- Em dậy dải chăn, mắc màn đi ngủ đi, tầm này chỉ có ngủ thôi, nằm nhiều thì suy nghĩ lắm.
- Ừm! ngủ gì sớm thế.
- Dậy khẩn trương!
Nó thọc tay cù thằng Dũng, với tuyệt chiêu “nhất dương chỉ” này thì khó lòng mà thằng nhỏ cưỡng lại được vậy là cu cậu bật dậy mắc màn ngay.
Nói là đi ngủ nhưng nó chỉ nằm nhắm mắt, đầu óc suy nghĩ miên man, càng suy nghĩ càng cảm thấy chán nản, mệt mỏi. 90 ngày nữa thôi, sao mà lâu vậy, giá mà có cái máy thời gian Đôrêmon thì hay biết mấy. Nó vòng ghì tay chặt thằng Dũng:
- Chó con, sao mà mặt như cái bị rách thế hả?
- Chẳng sao cả!
- À! lại “văn vở”, có gì nói xem sao.
- Lúc chiều anh Tuấn “vuông” chửi em.
- Ôi! chấp gì loại tù lâu. Mà các anh có mắng gì thì đừng có cãi, em là hay cãi lắm đấy, các anh nói chẳng qua muốn tốt cho mình thôi. Hiểu không.
- Vâng! em cũng biết thế nhưng mà cứ thấy bực bực trong người ý.
- Thôi! hãy cười đi nào!
- Đừng nói cười đi hãy nói “KONIKA”.
- À! chó con.
Hai anh em lại lăn ra cười, tự nhiên chẳng còn suy nghĩ gì nữa.
Bỗng có tiếng thằng Tùng ở dưới gọi lên.
- Anh Tâm ơi! về anh Tuấn gọi.
- Chắc dưới đấy lại gây vụ gì, em cứ ngủ trước đi nhé, tí anh lên.
Nó nói với thằng Dũng rồi chui ra khỏi màn chạy xuống dưới. Anh em đã ngồi đầy đủ cả xung quanh chậu cháo.
- Về ăn cháo cá, mày cứ đi chơi suốt.
Anh Tuấn vừa nói vừa đưa cho nó cái thìa. Vụ này cũng được đấy, mùi tía tô thơm phức, mỗi tội là không phải là cá quả xịn mà là cá nục khô, hấp sẵn. Vừa mới ăn cơm xong nên nó chỉ ăn được hai bát là đầy ứ bụng, quay sang làm chén nước chè làm điếu thuốc lào thì xong vụ, quanh quẩn ở dưới nhà một lúc, tầm này không còn chuyện gì để nói nữa, ấm bụng rồi thì lượn đi ngủ.
Thằng Tùng biết ý nó, nói kiểu không thoải mái:
- Nhà thì không ngủ, toàn đi lang chạ!
- Kệ mẹ tao, tao thích ngủ ở trên đấy đấy, có làm sao không, đạp cho phát giờ. Đồ chờm hớp - Vừa leo lên trên cầu thang nó vừa ngoái đầu lại chửi thằng Tùng. Thằng chó con này thỉnh thoảng phát ngôn linh tinh, nghe ngứa hết cái lỗ tai, không có các anh đang ngồi uống nước thì chắc phải xuống cho vài phát vào “a lô”. Nhưng thôi, nói vậy chứ ai lại đánh nó bao giờ, dù sao cũng là anh em, nhưng tại thằng chó không biết đùa đúng lúc, cứ nhìn thấy ở đâu thì mặt nhăn nhăn nhở nhở, đánh cho mãi mà không chừa. Nhiều lúc nó đành quay lại mà nói: “Anh xin mày để cho anh cải tạo nốt chỗ dở, mày kiếm thằng khác mà đùa”. Chưa nói dứt câu đã thấy thằng Tùng cười nhăn nhở: “Nhưng mà em thích đùa với anh”. Thôi, coi như mình chịu thua vậy.
Vòng lên sàn đã thấy thằng Dũng ngủ từ lúc nào, nó vén màn nhẹ nhàng nằm xuống. Đêm nay sao mà khó ngủ, nó thao thức mãi, suy nghĩ đủ chuyện. Không biết giờ này ở nhà mọi người làm gì. Chắc bố mẹ đang ngồi xem vô tuyến còn anh An chắc lại rủ Đông Hà đi chơi, không lại ở nhà nằm nghe đài. Nhớ ngày xưa ở nhà, suốt buổi tối, thỉnh thoảng, anh An lại rủ Đông Hà sang, ba anh em lại làm một chai 65, nướng cá hay mực lên ngồi nhâm nhi, nghe nhạc Trịnh Công Sơn, rồi anh An cùng anh Hà làm thơ, ngồi nói chuyện phiếm, lúc đó cả ba anh em đều lâng lâng, ngồi tâm sự cùng nhau tất cả, thật gần gũi. Ôi! sao nó thấy nhớ quá vậy. Ở trong này thỉnh thoảng mấy anh em cũng tụ tập, uống rượu với măng luộc, với lạc rang, tâm sự cùng nhau về chuyện cải tạo, rồi kể chuyện gia đình, kể những ngày ngoài xã hội. Những lúc như thế nó ngồi nghe, thỉnh thoảng có ông rượu vào ngồi “chém gió”, kể chuyện tao ngoài xã hội thế nọ thế kia, thật thì ít mà bốc phét thì nhiều. Nó nghe mà cứ buồn cười. Nhưng nghe như vậy nhiều lúc cũng hay hay, chuyện thì cũng phải molife lên thì mới hấp dẫn và lôi cuốn được người nghe; biết là thằng này bốc phét nhưng vẫn thích chuyện nó kể.
Đang mơ màng bỗng nó chợt tỉnh bởi tiếng rì rầm, tiếng cười ở đâu. Mở mắt hóa ra là thằng An Như Huỳnh. Lại cái thằng trời đánh này, đêm nào cũng thấy nó thức, ngồi lẩm bẩm nói chuyện một mình, rồi cười khanh khách như thằng điên, mà nó dở hơi thật chứ còn “như” gì nữa.
Bực mình nó chui ra khỏi màn bước lại:
- Con chó, mày có im mồm cho người khác ngủ không.
- Ơ! tôi đang đọc thơ.
Chú bồ câu trắng ngây thơ
Nó đi tìm thóc bên bồ công văn
- Lát rồi chim nhé…
Cốp!… Bụp!… Chát! - Nó gõ một phát vào trán, tạt tai rồi đấm thẳng vào ngực thằng trời đánh.
- Mày lại “bơ” à? Để tao đánh cho mày hết “bơ” luôn. Mày có im không?
- Có! Có! tôi không nói nữa.
- Nhớ nhá! mày để tao dậy lần nữa là mày dở luôn đấy.
- Vâng!
Thằng này bị bắt hai lần về tội ăn cắp hòm công đức nhà chùa nên giờ chắc bị trời hành, suốt ngày ngồi lẩm bẩm một mình. Nó vừa đặt lưng xuống chưa đầy một phút lại nghe thấy tiếng cái thằnh dở hơi, nhưng thôi, có đánh nữa cũng vậy, chấp thằng điên không ai bảo mình hay cả, mặc dù tức lộn ruột nhưng đành phải chịu.
- Huỵch! mày có để cho người khác ngủ không. Đứng dậy vào nhà mét mà nói.
Nó phì cười, lại đến lượt Mùi “dê” bị mất ngủ.
- Đúng rồi anh trói thằng điên ấy vào trong nhà mét cho nó nói chuyện với cái bể nước.
Cú thật, khéo phải xin cho nhốt cái thằng dở hơi này sang riêng một buồng không thì một tháng 30 này mất ngủ đến 31 hôm, cải tạo làm sao được.
Từ ngày vào đây thỉnh thoảng nó cũng bị mất ngủ và những đêm nằm chập chờn như thế này đây mới thấy đêm dài, đôi lúc ngồi dậy nhìn mọi người xung quanh nằm xếp thành một hàng dài trên sàn, mỗi người một kiểu ngủ khác nhau. Nó chợt nghĩ, ở ngoài ga Hàng Cỏ khéo cũng không đến nỗi hỗn độn thảm thương như thế này.
Nó cứ nằm như vậy, rồi chợt mở mắt nhìn lên nóc màn. Lâu không thức bây giờ mới phát hiện ra một cái lỗ và cái vết dấu đỏ “cải tạo” vẫn mờ mờ.
Nó nhắm mắt, sửa lại chăn đắp cho thằng Dũng, bây giờ khoảng 12 rưỡi. Lại hết một ngày cải tạo, phải cố ngủ lấy sức mai còn đi làm.
Nó thiếp đi lúc nào không biết, trong giấc ngủ nó mơ, mơ thấy dòng sông ngay gần nhà, trên sông đám lục bình trôi lững lờ, cả dòng sông chan hòa một màu tím của hoa bèo, cái màu tím nhàn nhạt mà khiến cho người ta nao lòng. Trên dòng sông hình như có ai đó, à đúng là nó và… Hòa, cùng nhau ngồi ngắm những cánh bèo trôi … trôi mãi … Một ngày như bao ngày khác lại lặng lẽ trôi đi, thấm thoát đã gần 20 tháng như thế này nó phải sống cái kiếp của một thằng tù - sống cái cảnh “cơm cân, áo số”, đi đâu, làm gì cũng phải thưa, bẩm. Những lúc ấm ức, cay cú, tiếc thay cho dòng đời trái ngang xô đẩy, những lúc vui vẻ, tươi cười, lại được quên đi hiện tại, lại được sống một chút gì đó gọi là tự do với “tâm hồn”. Rồi những lúc buồn chán, nằm bẹp một chỗ, mắt thì nhắm mà đầu óc nghĩ miên man, nỗi nhớ gia đình như xé lòng, muốn hát cho quên đi thì sợ ảnh hưởng người đang ngủ, đành phải giở cuốn sổ, tâm sự và trút nỗi buồn với chính mình. Không biết rồi đây khi trở về với gia đình, xã hội, với bạn bè, nó có nhớ được và thấm thía những lúc buồn khổ như thế này.
  Mẹ kiếp đời ơi sao mãi xa
Bể khổ làm sao mãi không nhòa
Quân tử cất bước đi chẳng được
Bóng hồng đã nhác thấy nẻo xa.
Ghi chú: Câu chuyện (những dòng tự sự) được viết để đáp lại truyện ngắn “Có một đêm như thế ” của anh An gửi lên hồi tháng 4. Từ bé đến giờ có viết lách gì đâu, “văn dốt, võ nát”. Chỉ tại anh An bầy trò bảo viết. Vậy là ra đời “Có một ngày như thế”. Truyện đầu tay đấy. Không biết hay, dở ra sao nhưng tất cả là sự thật đấy chẳng “molife” tí nào đâu.