gồi đọc sách trong phòng tịch mịch, hay cặm cụi làm việc giữa nơi ồn ào, hay đi trên các đường phố Hà Nội, bên những tiếng xe hơi, xe điện qua lại, bên những người tấp nập vội vàng, tôi thường có lúc như sực tỉnh ra, ngạc nhiên thấy sao mình lại sống ở đây, sống ở nơi thị thành cát bụi này.
Rồi trong giây phút, tôi thấy cảnh hùng vĩ quạnh hiu của núi cao, rừng cả, nghe thấy tiếng gió rì rào trong cây, ngửi thấy mùa hoa lá hoang dại. Những hình ảnh xa xôi đó, cùng khói hương của đời thơ âu, trong giấy phút làm rung động tâm hồn một người như lạc vào chốn đô hội, một người đồng rừng nhớ non nước cũ - tức là tôi đây.
Sáng hôm nay, đứng trên gác trông ra, cảnh xưa lại hiện đến hoàn toàn đầy đủ. Tôi hít thở gió vào đầy ngực, thấy khí vị thượng du còn đượm nồng trong huyết mạch, tôi để tiếng lòng hòa theo bài thơ rừng rú và muốn đem kể cho các bạn thành thị nghe một câu chuyện ngây thơ.
Đó là chuyện tôi vào khoảng mười lăm năm về trước. Bao nhiêu điều dĩ vãng đều ẩn sau làn sương mù của thời quá khứ, duy chỉ có chuyện ấy là vẫn còn rõ rệt tươi thắm, như mới qua đâu một ngày.
Tết năm ấy, tôi mới lên mười hai tuổi.
Chiều mồng ba, trời lạnh ráo và ấm áp hơn mấy ngày trước gió bấc, mưa phùn. Tôi sung sướng chạy ra ngoài chơi, đi lẫn với bọn con trai gái Thổ, cười nói vang đường, súng sính trong bộ quần áo chàm mới.
Xa xa, áp vào chân núi, lác đác mấy chiếc nhà sàn mái dốc, tường quét vôi trắng dán câu đối đỏ, điểm vào những vừng cây lá um xanh, cảnh vật trông đỏm dáng như một cô gái sắp về nhà chồng, trên đó phảng phất một làn sương lam lẫn với màu khói pháo.
Tôi đi khỏi một quãng đường đất đã khô, thì nhìn thấy một đám đông người đang chạy nhảy reo hò trên một vùng cỏ non rộng rãi. Chung quanh đó, từng tốp trai gái vỗ tay hòa theo, làm vang động cả hai bên núi đá.
Tôi chạy lại coi thì đó là một cuộc đánh “còn”.
Quả “còn” tức là một quả đúm bện vải màu, tròn và to gần bằng quả bưởi; năm sáu tua vải ngũ sắc đính vào làm thành một túm đuôi nheo rất dài. Mỗi năm, trai gái Thổ lại họp nhau một nơi đánh “còn” thi. Bên trai tung “còn” qua một cái vòng tròn đặt cao, để bên gái bắt tung trả lại, bên nào tung không trúng và hay rớt thì thua.
Quả đúm bay lượn trên không trông thật đẹp, rơi xuống bên gái là bên tôi đang bước tới, thì phần nhiều một cô gái trẻ nhất, và nhanh nhẹn nhất hay bắt được mà mỗi lần bắt được thì bao nhiêu miệng cùng khen: “Ché Sao giỏi a”.
Cái vui vẻ sung sướng của người con gái hiện trên khuôn mặt đầy đặn, trên đôi mắt đen láy và trên cặp môi ăn trầu đỏ tươi... Tôi cũng vỗ tay reo với mọi người, lại reo to hơn. Nàng thích chí, quay lại nhìn tôi mỉm cười, rồi liền quay đi, rún mình vung quả “còn” tung sang cho bên trai.
Tôi chạy đến bên nàng nói:
“Ché Sao tức còn đây lai!” (Ché Sao đánh “còn” giỏi lắm)
Thì nàng cầm lấy vai tôi gật đầu cười, hỏi lại bằng tiếng Thổ:
“Thật không? Thật không? Cậu con trai cũng biết đánh chứ?”
Tôi toan đáp thì nàng nhảy vội lên bắt được quả đúm một lần nữa rồi tung sang.
Tôi cùng nàng chạy lẫn vào đám chị em nàng. Lúc quả đúm bên kia đánh về, nàng mải vui cười và mải tránh tôi nên để rơi xuống đất, tôi nhặt ngay lấy đưa cho nàng và hỏi:
“Tử khỏi tức đuổi nớ, Ché Sao?” (Tôi đánh với có được không Ché Sao?)
Nàng nhìn vào tận mắt tôi và có vẻ ngạc nhiên:
“Đẩy vẩy! Đẩy vẩy!” (Được chứ, được chứ)
Rồi lại hỏi:
“Biết tôi là Ché Sao à?”
Tôi gật đầu.
“Thế em tên gì?”
Ché Sao trạc mười sáu mười bảy tuổi. Tôi thấy nàng gọi là em thì tôi thích lắm. Nhất là vì tiếng nàng nói dịu dàng, âu yếm khiến tôi thấy một thứ tình cảm sung sướng mà tôi chưa có bao giờ.
Tôi nói tên tôi là Mai (tên hồi còn nhỏ), thì nàng liền gọi tôi là Noọng Mai (em Mai) và bảo:
“Noọng Mai đánh ‘còn’ đi”.
Nhưng tôi bé quá, đúm tung lên không quá nửa cái cột cỡ vòng. Ché Sao đỡ ngay hộ rồi sẽ bảo:
“Noọng Mai đánh chưa quen, trông chị đánh đây nè”.
Tôi chỉ trông cái vẻ dẻo dang mà rắn rỏi của nàng, không để ý gì đến quả đúm nữa.
Lúc nghỉ đánh, Ché Sao rủ tôi đến một đám cỏ khô nhất ngồi xuống và bảo tôi ngồi theo. Tôi nói:
“Ché Sao đánh trông đẹp mắt quá, quả ‘còn’ cũng đẹp, em ước gì có một quả để tập đánh”.
“Noọng Mai cũng thích đánh ‘còn’ ư?”
Rồi nàng lại nhìn tôi bằng đôi mắt tươi cười, để hai tay lên má tôi, hỏi nữa:
“Noọng Mai lên đây lâu chưa? Noọng Mai là người Kinh, sao biết nhiều tiếng Thổ thế?”
“Em ở đây lâu rồi, mà em yêu người Thổ lắm, Ché Sao ạ, nên em biết nói tiếng Thổ ngay... Ché Sao à! Ché Sao có biết tiếng Kinh chứ?”
“Có biết, nhưng biết ít thôi. Chị không hay nói mấy khi”.
Rồi nàng lại hỏi.
“Noọng Mai ở đâu thế?”
“Em ở với thầy me em làm quan thầy thuốc nhà thương”.
“Nhà thương à! Thế thì tôi biết rồi, tôi đã đến xin thuốc một vài bận. Còn nhà tôi thì ở Lũng Luông, cách Quảng Uyên chừng sáu cây”.
“Thế thì xa quá nhỉ!”
Thấy tôi có vẻ buồn. Ché Sao liền nói tiếp:
“Mà phiên chợ nào, tôi cũng đem gạo, bắp ra bán”.
“Ồ, thích nhỉ! Phiên chợ mồng năm này Ché Sao vào chơi nhà em nhé!”
“Mồng năm tôi không đi bán, nhưng tôi cũng ra”.
Sau khi hỏi chuyện về gia đình tôi, nàng cho tôi biết cha nàng làm xã đoàn (một chức tương đương chức trương tuần ở dưới Kinh), em trai nàng đi học cùng trường với tôi, mà nàng thích em trai nàng biết chữ lắm.
Lúc nàng nói, đôi mắt thường trông đi, thỉnh thoảng lại ngừng lại mỉm cười, hoặc trả lời câu chào hỏi của một người chị em qua đó.
Tay nàng cầm lấy tay tôi, khen tay tôi trắng, nhưng sao nhiều gân xanh thế này?
“Mặt Noọng cũng trắng nhưng cũng có gân xanh trên trán, thế không khỏe đâu. Em của tôi ở nhà, nó đen, nhưng nó khỏe lắm cơ! Sao Noọng Mai nhìn tôi nhiều thế?”.
Tôi đăm đăm nhìn nàng không chớp mắt, tỏ ra lòng yêu mến không biết ngần nào. Thấy nàng hỏi, tôi cũng vẫn nhìn rồi yên lặng cười. Nàng cũng cười theo và bảo tôi:
“Mắt Noọng Mai trông đến hay hay!”
“Hay là làm sao kia?”
Nàng vẩn vơ nói:
“Không biết”.
Trời gần tối, mọi người ra về gần hết. Ché Sao đứng dậy cùng tôi về một đường. Lúc đến chỗ rẽ về Lũng Luông tôi không nói một lời nào. Ché Sao chào tôi rồi ngạc nhiên hỏi:
“Noọng Mai làm sao thế?”
“Không”.
“hế sao Noọng Mai lại không chào Ché Sao đi?”
Tôi chào nàng rồi phụng phịu trông chỗ khác. Nàng cầm lấy tay tôi, nắm chặt lấy một lần nữa, tiếng nói nhỏ nhẹ:
“Thôi Noọng Mai về nhé!”
Rồi tất tả đi liền.
Tôi muốn chạy theo, muốn gọi to lên rằng: “Chị ở lại với em”, nhưng tôi gọi thì tôi đến khóc mất. Đứng trông bóng nàng đi cho đến lúc khuất hẳn, tôi mới quay trở lại, trong lòng có một thứ đau đớn êm ái, một thứ buồn tủi sung sướng, mênh mông.
*
Phiên chợ mồng năm, tôi đang đứng tựa bao lan sau nhà, trông theo những người Thổ đi về các làng xa khuất, bỗng có tiếng trong trẻo gọi ngoài cửa:
“Noọng Mai có nhà không?”
Tôi nhận được tiếng quen, chạy ra reo lên:
“Ché Sao! Ché Sao ra chơi!”
Nàng âu yếm trông tôi, vừa cười vừa mở đẫy lấy ra một vật đưa cho tôi và nói:
“Nè cho Noọng Mai nè!”
“Ồ quả ‘còn’! Ché Sao cho em đấy ư? Thích nhỉ!”.
Tôi dắt nàng vào nhà. Thấy vật gì nàng cũng khen đẹp và hỏi tên; nàng ưa nhất những tranh vẽ treo trên tường với mấy bức ảnh chụp.
Nàng ngây ngô hỏi:
“Những cái này mua ở đâu thế? Cái tranh này trông giống Noọng Mai quá”.
“Anh của em đấy. Đây là me em, đây là thầy em”.
“Tài nhỉ. Ai vẽ cho em thế?”
“Không phải vẽ! Chụp đấy, Thầy em biết chụp cơ!”
“ Thế bây giờ thầy Noọng Mai còn biết chụp không?”
“Còn chứ! Bao giờ thầy em về em bảo thầy em chụp cho Ché Sao một cái”.
“Ồ, thế thì thích lắm nhỉ!”
*
Từ hôm đó, tôi đã có một người bầu bạn ở giữa nơi hoang vắng, tôi không phải thẩn thơ một mình đi trên các bờ suối như xưa nữa, tôi không phải ngẩn ngơ tìm những người êm ái tôi tưởng tượng ra nữa, vì người êm ái đó từ nay là Ché Sao của tôi.
Phiên chợ nào nàng cũng ra nhà tôi chơi. Nàng quý mến tôi cũng như tôi yêu mến nàng, sự yêu dấu đó ở một người con gái Thổ lại biểu lộ ra một cách thực thà bằng những thứ quà mọn nàng đem cho tôi. Lần nào nàng ra cũng mang theo một đẫy quả ở vườn. Nàng đưa cho tôi bảo những quả này ăn ngon, những quả này để được lâu, rồi cùng ăn với tôi trông ngon lành lắm. Tôi có kêu nhiều thì nàng nói:
“Đâu mà nhiều, vườn nhà chị còn nhiều lắm cơ! Hôm nào Noọng Mai về ‘bản’ (về làng) chơi, chị hái rõ nhiều cho mà ăn”.
“Mà Noọng Mai thế nào cũng về ‘bản’ chơi nhé”.
Thế rồi một phiên chợ kia. Ché Sao dắt hai con ngựa nhỏ đến giục tôi mau mau về Lũng Luông với nàng. Tôi ngần ngừ:
“Nhưng em phải đi học, có được nghỉ đâu?”
Nàng thản nhiên trả lời:
“Mặc kệ chứ! Em tôi bảo Noọng Mai học giỏi lắm kia mà. Cần gì phải học nhiều thế? Về ‘bản’ chơi với tôi một hôm!”
Tôi cũng chiều ý nàng, xin phép thầy me tôi về Lũng Luông.
Ché Sao giữ ngựa cho tôi lên, bảo rằng ngựa đó hiền lắm. Nhưng nàng thấy tôi không được bạo, nên dóng ngựa đi sát bên.
Chúng tôi thong thả đi theo con đường đỏ quanh co bên sườn núi. Gió ấm hây hẩy thổi đưa qua những hương lúa đồng cỏ và thứ mùi cây lá đặc biệt ở các rừng chung quanh. Mặt Ché Sao yên lặng, ngây thơ, đôi mắt đen và sáng, tươi cười nhìn thắng. Nàng có một thứ đẹp êm ái, trong trẻo, khiến tôi ngắm không bao giờ chán và cảm thấy nàng thông minh hơn các bạn gái của nàng nhiều.
Cảnh rừng núi quanh người kiều mị ấy nhuốm một thứ ánh sáng mơ hồ huyền ảo, có một thi vị thiết tha, ân ái, làm réo rắt tâm hồn tôi.
Một lần, tôi chăm chú trông nàng, nàng như cởi mở ra, tôi cảm động quá, se sẽ cất tiếng gọi:
“Ché Sao!”
Nàng nhìn tôi ngạc nhiên hỏi:
“Gì? Noọng Mai?”
“Không! Chả có gì hết!”
Rồi tôi cùng cười với nàng.
Lúc ấy tôi tự bảo tôi rằng: “Chả biết ta có được sung sướng mãi như thế này không?” Và phảng phất có mối lo âu của một người mới nằm mơ đã tiếc giấc mơ tàn.
*
Đến trước một dòng suối nước trong chảy qua những tảng đá lớn xanh và nhẵn, Ché Sao đỡ tôi xuống cho ngựa uống nước, rồi đến ngồi trên một tảng đá ở bờ suối, bên cạnh tôi. Tôi không biết nói gì trỏ những hòn sỏi trắng muốt dưới suối:
“Ché Sao! Trông đá sỏi có đẹp không, em muốn lấy về mấy hòn?”
“Đá sỏi có ăn được đâu mà lấy”.
Tôi chỉ thấy toàn ý vị trong câu đáp ngây ngô và càng yêu mến nàng thêm.
“Ché Sao ơi!”
“Gì thế Noọng Mai?”
Tôi nắm lấy tay nàng:
“Ché Sao ơi! Ché Sao đừng giận em nhé!”
“Ồ, sao chị lại giận Noọng Mai được, Noọng Mai ngoan lắm kia mà”.
Tôi liền ghé vào tai nàng, đem hết tâm hồn âu yếm thơ ngây gửi vào một câu:
“Em yêu Ché Sao lắm!”
Nàng khoa chân xuống nước, cất tiếng cười khanh khách, hai má hây hây đỏ, vừa nhìn tôi, vừa đưa tay vuốt mái tóc trên đầu tôi.
*
Khi về đến Lũng Luông, Ché Sao dắt tôi đưa lên nhà khoe với cha mẹ nàng, rồi rủ tôi ra vườn, trỏ lên các cây mà bảo:
“Em muốn ăn quả gì, chị cũng lấy cho, tha hồ mà ăn”.
“Em thích ăn cái quả vàng vàng nho nhỏ mà Ché Sao cũng thích ấy. Quả gì nhỉ?”
“À! Quả mắc phì phà!”
Tôi cười vang lên:
“Mắc phi phà! Mắc phì phà! Cái tên nghe hay nhỉ! Thảo nào ăn ngon!”
Nàng nhanh nhẹn trèo lên cây, vẫy tôi cùng lên theo, rồi đưa quả cho tôi ăn... Bỗng nàng nói:
“Noọng Mai nè, trông Noọng Mai trắng quá, Noọng Mai là em gái có hơn không!”
Tôi hơi buồn rầu:
“Còn em thì em không thích Ché Sao là con trai đâu. Em thích Ché Sao là chị em cơ!”
“Tại sao thế?”
“Tại... tại... Em không biết”
Nàng lại cười, tiếng cười rất vui vẻ thực thà, trong trẻo như nước suối.
“Noọng Mai à! Sao bảo người Kinh không tốt? Noọng Mai cũng là Kinh sao tốt thế. Chị yêu Noọng Mai lắm cơ! Noọng đừng về xuôi nữa nhé, ở đây làm con nuôi ‘bá mế’ (cha mẹ) chị, rồi chị cũng làm con nuôi ‘bá mế’ Noọng Mai”.
“Thế làm con nuôi thì phải thế nào?”
“Cứ đến tết thì phải đem gà thiến và gạo nếp đến lễ bố mẹ nuôi”.
“Ồ thế thì được lắm. Ché Sao cứ đem đồ lễ đến nhà em thì em lại lấy đồ lễ ấy biếu thầy me Ché Sao!”
“Noọng Mai nói đùa thế, tôi giận đấy!”
Tôi nũng nịu, sẽ ngả đầu bên vai nàng, ngước mắt nhìn:
“Thì bao giờ em chả là Noọng Mai của Ché Sao!”
Dưới tầng lá xanh non man mát, Ché Sao như một nàng tiên trong động, mà nàng tiên ấy ngồi bên tôi, cười nói với tôi: lòng yêu dấu của tôi vừa nhẹ nhàng vừa thấm thía như ánh nắng êm dịu, như làn khói dìu dặt đưa qua, như không khí không vẩn bụi ở cảnh núi non thanh khiết này... Tôi không biết ngồi đó với nàng bao lâu, tôi không biết rằng nàng nghĩ ngợi gì: đôi mắt nàng chỉ có vẻ bình dị, thản nhiên, nhưng mỗi khi trông đăm đắm vào mắt tôi lại khiến tôi bối rối.
Đến bữa cơm, tôi ăn cơm với cả nhà nàng. Mọi người khen tôi, chiều chuộng tôi, nhưng tôi sung sướng chỉ vì những lời khen ngợi ấy đã làm cho nàng vui thích.
Nàng cho tôi xem đệm gối hoặc khăn áo tự tay của nàng thêu ra; khoe các thứ vòng khuyên và xuyến bạc là tư trang của nàng và bảo nhỏ tôi rằng:
“Bao giờ chị đi lấy chồng, chị còn có nhiều nữa kia, lại nhiều thứ đẹp lắm”.
Tôi nghe nói, sầm mặt lại không đáp. Rồi từ lúc đó, tôi không cười nói như trước. Nàng không chú ý đến sau thấy tôi buồn thì cho tôi là nhớ nhà. Bao nhiêu lần tôi gọi nàng, đôi mắt trách móc, định nói với nàng một câu. Nhưng khi nàng quay lại, giương cặp mắt nhìn tôi, thi tôi lặng yên, hoặc nói một câu vu vơ nào khác.
*
Đến chiều, nàng đưa tôi ra Quảng Uyên, lúc từ giã về, nàng thấy tôi vẫn buồn, không hiểu sao, nàng hứa với tôi rằng đến phiên chợ sau nàng sẽ đem rất nhiều mắc phì phà ra cho tôi. Tôi muốn giữ lấy nàng, bíu lấy nàng, hết lời tha thiết cho nàng nghe một câu thôi. Tôi muốn bảo nàng rằng: “Ché Sao ơi! Chị mà đi lấy chồng thì em giận chị lắm cơ đấy!”. Nhưng tôi lại muốn cho nàng cứ trông thấy vẻ giằn dỗi của tôi cũng hiểu tôi định nói gì kia!
Một hôm nàng ra chơi, tôi không để ý gì đến hoa quả của nàng, chỉ để nàng cầm tay, yên lặng nhìn nàng như nhìn một người lạ.
Nàng hứa các cảnh đẹp nàng sẽ đưa tôi đến, hứa các cuộc hát vui nàng dẫn tôi đi xem; nhưng tôi vẫn không tỏ ra dáng vui mừng. Tôi giận nàng mà tôi lại yêu mến nàng hơn lên. Nàng buồn rầu bảo tôi:
“Hôm qua, một người quen ‘bá mế’ chị về xuôi, chị buồn quá!”
Tôi hỏi:
“Chị nhớ người ta sao?”
“Không”.
“Thế sao buồn?”
“Vì chị nghĩ đến Noọng Mai, chị không biết Noọng Mai có ở Quảng Uyên mãi không?”
“Ở mãi làm gì? Vì ở mãi rồi có ngày... em không được làm chị em chị nữa cơ mà!”
Tôi muốn nói thêm một câu hờn giận, nhưng tôi không nỡ. Thấy nàng hơi biến sắc, nên tôi vội nói.
“Em chưa chắc được ở mãi Quảng Uyên, vì thầy me em muốn cho em về Hà Nội học”.
*
Chúng tôi càng ngày càng thân thiết nhau, nhan sắc nàng đối với tôi ngày càng đằm thắm. Tôi về chơi Lững Luông với nàng luôn. Những cảnh âu yếm bao giờ cũng diễn ra giống nhau, bao giờ cũng có một hương vị mới mẻ. Nàng không muốn nhắc lại câu chuyện nàng sẽ lấy chồng, vì chuyện đó nàng không hiểu sao lại mất lòng tôi; cũng không muốn nhắc đến việc tôi sẽ về Hà Nội học. Nàng vui cười sung sướng như chim mùa xuân không biết đến ngày thu.
Nhưng tôi thường chợt có những phút lo âu, buồn bã không biết ngần nào. Những lúc đó thì tôi im lặng khi nàng nói cười, và khi nàng hỏi tôi thì tôi tỏ ra vẻ dằn dỗi. Nàng lại cầm tay tôi, vuốt bên má hay mái tóc tôi, cố soi mói đôi mắt thơ ngây của nàng để dò ý tôi. Tôi phải vui cười ngay, vì không muốn để cho trái tim kia phiền muộn.
*
Mùa hè năm sau, tôi thi đỗ bằng cơ thủy. Thầy me tôi muốn cho về Hà Nội học ban thành chung. Tôi thấy ngày phải xa cách nàng gần đến chừng nào thì lòng càng chua xót; rắp tâm hôm nào nàng ra chơi thì tôi sẽ nói một câu rất tha thiết dù tôi biết là vô lý, để cho nàng không nên quên, không nên bỏ Noọng Mai của nàng.
Nhưng bỗng có người về xuôi; thầy me tôi bắt phải về ngay, tôi không kịp than thở, từ biệt với Ché Sao của tôi nửa lời. Nhất là không được tỏ cho Ché Sao biết rằng tôi bao giờ cũng yêu nàng, yêu nàng như yêu một người chị êm ái, nhu mì, nhưng “nếu Ché Sao đi lấy chồng thì em khổ lắm đấy!”
Tôi tự bảo tôi đến mấy mươi lần rằng tôi vô lý lắm, tôi thương yêu nàng một cách không phải đường. Khi ở Hà Nội, tôi chỉ muốn nhớ nàng như nhớ một người bạn xa thôi, nhưng lòng tôi có nhiều lúc ảo não!
Tôi miệt mài học hành, tập nhiễm lấy tính tình và tư cách người thành thị, nhưng cảnh rừng núi với Ché Sao của tôi ở trong đó vẫn không bao giờ phai nhạt trong tâm trí tôi. Nên những khi đêm trăng, đứng thẩn thơ bên cửa sổ, trông cảnh sân trường vắng lặng trông cành cây đưa đẩy nỗi bâng khuâng, tôi thấy như có một bài thơ réo rắt trong tâm hồn. Tôi nhớ lại những điệu hát thật thà, mộc mạc của người Thổ, bên tai vẳng tiếng Ché Sao; tôi thường âm thầm mà tự bảo mình rằng:
“Mặt trăng kia treo cao trên trời xanh, đâu đâu ai ai cũng thấy, sao lại không là một tấm gương trong sáng để khi ta nhìn lên, ta trông thấy hình ảnh cái nhà sàn của Ché Sao? Mà khi Ché Sao có ra sân đứng thì cũng thấy bóng ta trên đó đang buồn rầu tưởng nhớ đến nàng”.
Gần Tết:
Cảnh mưa bụi sương mù của thành phố lại càng khiến cho nỗi tưởng nhớ của tôi càng thêm thấm thía. Nhưng tôi mừng vì sắp được nghỉ về Quảng Uyên chơi. Tôi đã tưởng trước đến lúc sung sướng được gặp Ché Sao, tôi sẽ kể cho nàng nghe nỗi lòng của tôi để nàng yên ủi.
Không ngờ lúc tới nhà, tôi được tin nàng đã lấy chồng từ tháng trước, nghĩa là tôi không còn hy vọng để gặp nàng! Thầy me tôi không hiểu được nỗi buồn tủi sâu xa của tôi, mà tôi cố nén lòng không để gia đình tôi thấu rõ.
Nửa năm học và sự giao tiếp với bạn bè ở Hà Nội cũng đã làm cho tôi trông rõ sự thực, làm cho tôi lúc đó biết nghĩ. Tôi biết Ché Sao lấy chồng là một việc thường lắm. Cái tâm hồn chất phác của nàng không thể có những tính tình thắm thiết lâu bền được. Tôi không oán giận nàng một cách vô lý như trước. Nàng đã là một thiếu phụ mang tên và sống chung với người khác, sống một cuộc đời bình thường như trăm, nghìn chị em cùng giống với nàng, chưa chắc có lúc nào nghĩ tới tôi.
Nhưng tôi chỉ tiếc cô con gái dịu dàng là Ché Sao của tôi thôi, tôi tiếc người sơn nữ thật thà đã yêu mến tôi một cách thật thà, và đã vô tình đeo vào lòng tôi những nỗi thổn thức mới mẻ thắm tươi của sự yêu thương lần thứ nhất.
Rút trong tập “Bên đường Thiên Lôi”