Một chuyện ghê gớm (3)

     ô ta tên Thúy Liễu, con gái họ Lâm, quê ở mạn Phù Nam bên Tàu, cha mẹ nhà nghèo, chỉ có một mụn con gái làm của báu. Năm cô ta lên chín, hai ông bà kế nhau tị trần. Trong họ có bà dì nhà cũng khá giả, động lòng vì cái cảnh thương tâm cùng mực đó, đem Thúy Liễu về nuôi. Thúy Liễu ngoan nết lại thông minh, bà dì hết lòng chăm nom dạy dỗ, nhan sắc ngày một thêm dịu dàng, được nhiều người quý mến khen ngợi. Đến năm cô ta mười tám, bà dì từ chối các đám giàu có, gả Thúy Liễu cho một viên huyện quan họ Mã, tính tình thuần lương.
Mã Sinh là người ở xa đến, mãi đâu từ trên Hàn Khẩu. Nhậm huyện này kể đã năm sáu năm, mà chưa lần nào về thăm quê nhà. Từ ngày lấy nhau, vợ cũng không từng về được chào lạy họ mạc bên chồng. Mã Sinh quý vợ lắm, tình ngày thêm khăng khít mà hai người trọng lẫn kính chung. Nhưng Mã Sinh vốn ít nói, về chuyện tổ phụ mình, chàng lại kín đáo lạ thường. Thúy Liễu thường bất chợt thấy chàng băn khoăn lo lắng, có hỏi thì chỉ đáp là bận lòng về việc quan. Được dịp, giục về thăm quê, chàng bao giờ cũng tìm được cớ thoái thác. Mã Sinh làm quan hết lòng chăm chỉ, rất mực liêm khiết; thái độ nhũn nhặn; tính hiếu thiện, hay thương giúp người khốn cùng. Cả huyện ai cũng yêu mến mà nể sợ. Cảnh gia đình tuy thanh bạch song thực là đằm thắm êm ái. Mã Sinh như thế có thể gọi là người được sung sướng ít ai bì. Nhưng cái mối u uẩn kia bởi đâu, khiến vẻ mặt chàng lúc nào cũng có bóng ưu phiền? Thúy Liễu hết cách ý tứ để dò xét cũng không thể nào biết được. Có những buổi chồng nàng lặng lẽ thái quá, lại có những khi cười nói hớn hở một cách không được tự nhiên, những lúc đó Thúy Liễu lại lo hơn, mắt chàng thoáng qua những vẻ hoảng hốt.
Một hôm, thần sắc Mã Sinh biến loạn, một vẻ rất đáng sợ. Chàng bỗng như cuồng dại, không thể giữ gìn được cử chỉ, cả ngày bứt rứt đứng ngồi không yên chỗ, mà cứ quanh quẩn ở hậu đường. Đến tối, sai tôi tớ mỗi người một việc, chàng gọi Thúy Liễu vào phòng, cầm lấy hai tay nàng rồi rưng rức lên khóc. Thúy Liễu hết lời khuyên van căn vặn mãi, chàng mới đem chuyện kín ra kể cho vợ nghe.
Ông thân sinh ra cha Mã Sinh là Mã Hồng, trước kia làm quan cao phẩm, có thế lực lớn. Khi hồi hưu, vẫn giữ thói thị oai thường làm nhiều điều tà khuất ức bách dân gian. Tuổi tuy già nhưng tính đam mê nữ sắc đẹp không bớt. Đàn bà con gái, cứ thấy ai lia mắt là sai bắt về cho bằng được, gây ra nhiều tình cảnh oan khổ mà không ai dám hé răng. Sự buông túng ngày một tệ thêm, vợ con trong nhà khuyên can thế nào cũng không nổi.
Trong bọn người bị cưỡng đoạt có Trương Thị là người nhan sắc hơn cả. Trương Thị khảng khái trinh liệt, một mực không chịu để người nhục phạm được mình. Mã Hồng dụ dỗ chỉ uổng lời, đe dọa cũng không thấy chuyển. Sau cùng Hồng sai lột hết xiêm áo của Trương Thị, trói chân tay lại mà hành hạ, dùng cách tàn ngược để bắt phải theo. Trương Thị phần đau đớn, phần hổ thẹn, đến hôm thứ ba, Mã Hồng mở cửa phòng giam bước vào thì đã thấy người đàn bà cắn lưỡi chết. Mã Hồng vội sai người đắp điếm rồi ngầm đem vùi một góc vườn ngoài.
Chồng Trương Thị là Lý Chu, cùng với con trai đi buôn ngọc ở các nơi xa về căm tức đến phẫn uất, Chu biết rằng mình thấp cổ bé miệng, dù có phá sản để đi kêu đi khiếu cũng vô ích; cái quyền thế của họ Mã vững chắc như thành liền. Những nhà giầu có chẳng kém gì nhà Lý, vai vế lại không phải tầm thường mà đối với sự tàn ác của Hồng cũng đành phải nhịn nín. Chu nuốt hận, nuôi chí báo thù.
Chu để tâm hết sức dò xét, biết được chỗ đất chôn Trương Thị, nhân một đêm tối, đào lên đem xác về mai táng hẳn hoi. Trông thấy cái thân hình lõa lồ của vợ, Chu cuồng dại lên vì đau xót, thề nguyền rất độc rằng sẽ ăn gan uống máu Mã Hồng. Nhưng Mã Hồng đã dự mưu từ trước, dùng luôn việc báo thù của Lý Chu để hại Lý Chu.
Một đêm Chu lẻn được vào tướng phủ, thấy Mã Hồng ngồi đọc sách ở đại sảnh một mình Chu nhảy xổ lại đâm thì bị gia đinh của Hồng phục sẵn đó đổ ra bắt Chu trói lại. Muốn trừ tiệt hậu họa, Hồng bèn nghĩ ra một kế thâm độc là mua chứng cớ, hãm Lý Chu vào tội thái ác, Mã Hồng vu cho Lý theo nghịch đảng ước với giặc về mưu sát công thần. Trong nước bấy giờ, vào khoảng năm Đạo Quang thứ mười, bề ngoài vẫn bình trị, nhưng ngấm ngầm đã có những mối loạn lẩn nấp lẫn với những bọn cường khấu ở một vài nơi. Đạo sớ của Mã Hồng tâu lên, triều đình tin ngay, tức khắc truyền chỉ bắt lấy cả nhà Lý Chu và hạ lệnh tru lục, Mã Hồng tịch thu lấy sản nghiệp của họ Lý, bao nhiêu bạc vàng châu báu riêng lượm lấy hết, trích ra phần lớn đút lót cho mạnh thêm vây cánh, cho việc mưu tính của y chóng xong: Việc bức tử Trương Thị, người ta có đoán biết cũng làm ngơ, lấp liếm dưới của hối lộ và quyền thế.
Con trai lớn của Lý Chu là Lý Thạch đang trên đường lên Bắc Kinh để chạy chọt cố kêu oan cho cha nghe tin biến, tức khắc quay lại, nhưng không dám về nhà nữa. Hắn phải ẩn náu trốn tránh đến điều cơ cực. Khi cả nhà bị đem xử tử thì Lý Thạch đã lẩn lút ở miền Nam. Đến đâu cũng thấy bị truy nã, hắn phẫn chí, theo bọn cướp lớn Linh Lâm, một đảng có tiếng là xuất quỷ thần.
Cách đó ba năm, Mã Hồng đương ung dung tác uy, tác hại thì bị một người giữa đêm nhảy vào nội đường giết chết, cắt đầu mang đi. Bên cạnh thây, một bức thư ký tên Lý Thạch. Trong thư, Lý Thạch thách thức, đe dọa hẹn rằng sẽ giết ba đời họ Mã để rửa hờn. Việc ám sát Mã Hồng, người nhà hết sức bưng bít để tránh thêm phần nhơ nhuốc cho gia thanh, vì thế, người đến phúng viếng có hỏi, Mã phu nhân đều trả lời rằng tướng công vì ngộ cảm mà tạ thế. Mã Hồng bị giết, tống táng vừà được ba ngày, thì chính thất phu nhân tự dưng không biết đi đâu mất. Cả nhà chưa hiểu sao, cũng chưa kịp thăm hỏi các chỗ thân thích bỗng một buổi sáng Mã Hoằng là trưởng nam nhà họ Mã dậy sớm chợt thấy một mũi tên cắm ở cửa phòng phu nhân. Cuối tên buộc một cuốn giấy. Giở ra đọc thì chỉ có năm chữ: “Hảo hán báo mẫu cừu”. Mã Hoằng nhớ ngay đến bức thư bên cạnh thây cha, biết rằng mẹ chàng cũng mắc tay Lý Thạch. Hoằng lo sợ lắm. Mấy lời nguyền cả quyết báo thù kia, Lý Thạch tất không đời nào quên. Vậy thì mình, cùng với anh em mình, rồi vợ con mình, rồi đây tất sẽ lần lần bị hại. Cơ nguy bao bọc lấy con cái họ Mã trong cái trùng vây thù oán vô hình. Họ không cho tiếng tăm lọt ra ngoài, nhưng ngày đêm vẫn tìm hết phương kế phòng ngừa.
Mã Hoằng có độc nhất một con trai là Mã Sinh, bấy giờ tuổi đã mười bốn. Mã Sinh đang ham chuyên việc khoa cử thì thấy cha bắt sửa soạn gấp rồi gửi mình cho một người cố hữu ở tận Quảng Tây. Trước khi chia tay, Mã Hoằng ghé tai dặn dò cẩn thận rằng, việc nhà chớ nên đem thổ lộ với ai, đi xa như thế lấy tiếng là du học, nhưng chính là để lánh họa. Mã Sinh cứ đi xuống Quảng trước, rồi độ dăm bữa nửa tháng gì, khi nào thu xếp cửa nhà xong, cha mẹ sẽ liệu xuống sau.
Mã Sinh đến Quảng Tây được hai hôm thì có hai tên đầy tớ cẩn tín ngày đêm đi từ nhà đến báo luôn mấy tin dữ. Mã Hoằng bị một mũi dao phóng chết trong phủ rồi ngay đêm sau Mã Thao, em ruột Hoằng cũng bị giết vì một mũi tên. Tìm hung thủ không những không thấy mà rồi mẹ với cô dì Mã Sinh cũng không biết bị bắt đi bằng cách nào.
Thế là chỉ trong vòng hai tháng trời, con gái anh em nhà họ Mã cùng bị hại về tay Lý Thạch. Trong lá thư đầu nó đã nói: Lý Thạch còn báo thù nữa kỳ lấy được mạng đủ ba đời thù nhân để hả oan hồn của cha mẹ họ hàng. Vậy thì rồi cũng đến lượt Mã Sinh. Sinh còn sống ngày nào còn phải lo sợ ngày ấy.
Ở nhà vị thân nhân của cha, Sinh hết sức kín tiếng. Quảng Tây cũng xa nơi hoạn họa hàng trăm nghìn dặm sơn xuyên. Tuy vậy Mã Sinh không mấy lúc dám ra ngoài. Một tiếng động cũng khiến chàng nghẹn hơi. Chàng e dè những kẻ ra vào, ngờ vực cả kẻ hầu cận. Thỉnh thoảng phải đi đâu, chàng tránh hết những đường vắng, nhưng cũng không yên bụng ở những chỗ đông người. Sinh thấy kẻ thù đón mình ở khắp các nẻo.
Nhưng hết năm nọ sang năm kia, lạ thay, Mã Sinh vẫn vô sự.
Chàng không ứng thí nhưng được hưởng lệ tập ấm ở Quảng được năm năm thì chàng đặc cách được bổ nhiệm một huyện ở Phù Nam. Kẻ thù chết rồi, hay bị bắt rồi chăng? Sao chàng không được tin tức gì? Sinh quyết rằng sự yên ổn đó không phải là do ở sự Lý Thạch lạc mất tăm tích chàng: chàng trốn tránh ở đâu mà cái chí báo thù kia không tìm thấy được? Có lẽ Mã Sinh vốn là người chuộng nhân nghĩa, đã hết lòng làm điều thiên, cố ý chuộc lại tội lỗi của ông cha, nên đã được thần minh giữ gìn chăng? Mã Sinh nghĩ thế nên khi làm quan, cái phẩm hạnh với đức độ liêm khiết của chàng trong quan liêu không ai sánh kịp. Hai mươi tuổi thì lấy vợ. Gặp được Thúy Liễu là người vừa đẹp vừa hiền, Mã Sinh thầm tạ ơn trời, tưởng sẽ được yên tâm mà hưởng thú đình viên. Không ngờ, một buổi sớm ra công đường lúc chưa có ai, một phát tên cắm trên án với một bức thư của Lý Thạch, thư rằng:
“Cha mẹ họ hàng ta đang an cư lạc nghiệp, tổ phụ nhà ngươi dùng thủ đoạn thái ác mà giết hại, khối máu căm giận chưa biết bao giờ mới tan. Ta may còn lọt sống lại đây, nên quyết đem cái mạng thừa này làm cho ba đời nhà ngươi cùng chịu với cha mẹ ta một số phận. Bấy lâu ngươi chưa phải chết là vì ngươi chưa có gia đình để ta đến phá. Bây giờ ngươi đã có vợ, là đã đến giờ ta ra tay. Thủ cấp ngươi, ta đem tế cha ta, còn tính mạng vợ ngươi ta sẽ đem tế mẹ ta ngày nay ở dưới cửu tuyền vẫn đợi trông ta báo phục”.
Thúy Liễu nghe chồng kể hết căn do câu chuyện kia, lo sợ lắm, bàn với chồng tìm cách tị lánh hoặc đề phòng. Mã Sinh lắc đầu thở dài, chàng biết rằng kế nào cũng vô hiệu: vì nếu mình còn có thể trốn chạy, ngăn ngừa để thoát khỏi tay nó được, tất nó đã không bắn thư đe trước làm gì. Vả lại Mã Sinh vẫn giấu kín việc nhà, cả đến Thúy Liễu mãi bây giờ sự đã đến nơi, chàng mới đem tâm sự ra thổ lộ cho hết. Thúy Liễu nghĩ cũng không thấy được mưu nào có thể tránh được họa nữa, phần thương chồng phần tự thương mình, rồi hai người chỉ biết ôm nhau mà khóc.
Mã Sinh cùng với vợ ngồi sợ hãi thâu đêm. Tường tuy cao cửa tuy kín, nhưng thâm nghiêm sao được bằng dinh phủ của cha ông chàng? Mã Hoằng cũng vẫn biết trước có ngày Lý Thạch đến, đã tìm hết phương đề phòng cẩn mật. Thế mà tên cướp rừng tự xưng là hảo hán kia cũng lẻn được vào tận nơi mà trả thù. Huống chi một khu huyện đường bé nhỏ này thì ngăn ngừa sao nổi cái tài nghệ thần bí của nó. Mã Sinh đành bó tay chịu, phó mặc thân mình cho số mệnh, kẻ thù đến chỉ cố hết lời kêu xin cho Thúy Liễu khỏi chết oan vì chàng.
Qua mấy trống canh nôn nao trong sự lặng lẽ hãi hùng, bỗng có tiếng động trên mái ngói. Rồi cửa phòng bật mở, một người to béo, nai buộc gọn ghẽ, nhảy vào, tay giơ một con dao sáng. Thúy Liễu rú lên một tiếng, ngất lịm đi. Rồi về sau tâm thần hoang mang, cứ ngơ ngác như ăn phải bùa; Lý Thạch đem đi đâu cũng theo, bảo gì cũng nghe nhưng không hiểu gì hết.
Mãi cho đến lúc Lý Thạch bỏ vào đẫy vác nàng xuống cái hầm kia, Thúy Liễu mới tỉnh lại để chịu hành hạ.
Hầm đất này trước kia nguyên là một nơi giấu của Lý Chu tìm được cùng với một bọn chuyên đi tìm vàng các nơi. Bao nhiêu vàng ngọc của người Tàu cất ở đó từ xưa, đều về tay bọn Lý Chu hết; của cải không còn gì ở trong nữa, Lý Thạch bèn dùng cái hầm bỏ không làm nơi mai táng hài cốt song thân, rồi sắm các hình cụ để làm tội các kẻ hắn đem xuống. Cái hình phạt Thúy Liễu phải chịu đó, nó nói cho biết là để tế vong hồn cha mẹ nó. Vì thế, trước khi ra tay, nó nhớ đến cái thảm cảnh nhà nó phải chịu nên động lòng gào khóc trước cái bệ nó thiết lập lên như một bàn thờ. Trong cơn thịnh nộ, Lý Thạch vừa nguyền rủa vừa quát tháo, hét vào mặt Thúy Liễu mà bảo rằng: bao nhiêu con trai nhà họ Mã đều phải chết như phụ thân nó, mà con gái, con dâu nhà họ Mã cùng chịu một khổ hình cay độc nhơ nhuốc như mẹ nó đã bị hành hạ khi xưa. Khi nó đã giết được đủ ba đời nhà Mã Hồng, nó sẽ đào lấy những thủ cấp chưa kịp cắt đem xuống chôn cùng với những thây bị hành hình ở trong hầm này, để cho cha mẹ nó ở dưới âm ty còn được báo thù một phen nữa.
Duyên do câu chuyện ghê gớm kia, phần lớn thuật lại ở bức thư của Thúy Liễu viết cho tôi lúc biết mình không sống được nữa. Bức thư tôi vẫn còn giữ. Lời chân tình có một giọng tha thiết mà cảm động, nhất là đoạn cuối cùng:
“Tiện thiếp nhờ được tráng sĩ ra tay hào hiệp, nên thoát khỏi lưỡi dao độc địa của thù nhân. Những tưởng thân được sống để còn mong có ngày báo đáp cái ơn cứu mệnh. Nào hay bấy nhiêu hình cực khổ, cùng với bấy nhiêu điều khủng khiếp, đã khiến thiếp mang trọng bệnh mà từ bỏ trần gian.
Những việc trên đây, đáng lẽ thiếp phải biết giữ kín nhưng nghĩ rằng chiếc thân gửi nơi đất lạ, không đành làm một khối oan hồn kỳ bí, khiến cho ân nhân không hiểu những tội tình kia thiếp chịu là duyên cớ vì đâu. Vậy tiện thiếp không quản bại nhược cố tĩnh tâm thần, để lại mấy hàng này, xin ân nhân soi xét”.