óc vàng hoe lưa thưa như râu ngô, người mập bệu, tay chân ngùng ngoằng.Nhưng bù vào nước da trắng ngần, lúm đồng tiền trên má nó tươi quá sức. Mỗi lần nó cười, những tia nắng lại hiện sau mắt nó chấp chới.Nó không biết nói gì cả, ngoài hai câu “đẹp quá” và “em không thích” cùng dáng đi lũn cũn. Ai cũng bảo nó là đứa không tình cảm.Hai chị em tôi sống trên căn gác xép hẹp như chuồng chim câu, có hai cửa sổ khoét tròn trông thẳng lên trời. Những hôm trời mưa ba phải lấy nilon phủ kín lại. Hai cửa sổ giống hệt hai cái ống nhòm: Mây trắng và sao đủng đỉnh đi qua, thi thoảng lại ghé vào đùa chơi với nó. Nó nằm ườn trên giường phơi cái bụng chang bang. Nó đập hai bàn tay vào nhau và cười rúc rích. Tôi ngồi ở bàn học, rối tinh rối mù vì những bài tập toán hắc búa, quay sang cáu: “Bé, để yên cho tao làm bài”. Nó vẫn cười, mà cười rất to. Nó bảo “đẹp quá” nghe tức không chịu được. Tôi hét “Bé, để yên cho tao học”. Nó im bặt, lồm cồm bò dậy và lủi vào góc nhà nhìn tôi sợ hãi. Tôi học bài đến khuya quay lại đã thấy nó ngoẹo đầu ngủ, xung quanh vung vãi những thứ đồ chơi bằng những bìa xanh đỏ cắt méo mó. Tôi đánh thức nó dậy “Bé, đi ngủ”. Nó răm rắp vâng lời, không hề tự ái vì chuyện lúc nãy. Nó hiền như bụt, chẳng biết giận ai bao giờ. Nhiều lúc nghĩ, tôi thấy nó tồi tội và hối vì mình đã nặng lời. Tôi vuốt má nộ: “Ngủ đi Bé”. Nó nhìn tôi trân trân: “Em không thích”. “Thích thiết gì. Ngủ đi”. Tôi lại đâm cáu và quay lưng ngủ mất.Ở nhà ai cũng không thích nó, dù nó hiền và dễ bảo. Khách đến nhà ba mẹ chỉ giới thiệu tôi - một đứa con gái thông minh; xinh xắn lúc nào cũng vênh váo vì mình luôn đứng nhất lớp. Ba mẹ hay bỏ quên nó trên gác xép. Nó mặc quần áo cũ của tôi thành quen. Một lần mẹ mua cho nó cái quần mới, nó chối đây đẩy: “Em không thích, em không thích”. Mẹ chán. Từ đấy chẳng phải mua sắm gì cho nó nữa. Ba mẹ tập trung tất cả vào tôi, niềm tự hào, mầm non xanh tươi của ba mẹ, biến tôi thành bà hoàng con không hơn không kém.Thương nó nhất nhà là bà ngoại. Bà mới ở quê ra mà nó với bà đã quấn quýt nhau lạ. Bà già yếu, cũng tướng đi lũn cũn như nó. Từ lúc có bà lúc nào nó cũng cười, nụ cười ngớ ngẩn và da thịt săn chắc lại. Bà rẽ tóc, tết cho nó hai bím con con như hai con sâu. Bà dạy nó chơi ô quan, đánh chuyền. Cái gì nó học cũng mau. Chỉ nói thì vẫn bập bẹ hai câu “Đẹp lắm” và “Em không thích”. Mỗi lần ai cáu gì nó, bà lại bênh chằm chặp: “Nó ốm đau biết gì mà la mắng nó, tội nghiệp”. Ba mẹ tỏ vẻ quan tâm đến nó nhiều hơn. Tôi đâm ghét nó, giận lây luôn cả bà. Từ xưa tới giờ lúc nào tôi cũng quen nghĩ chỉ có tôi là duy nhất trong nhà này. Tôi chỉ muốn nó đi khuất mắt cho xong.Tôi đi học về thấy bàn học bừa bộn, hộp bút màu của tôi biến mất. Ở góc nhà, nó đang lúi húi dưới đất. Tôi lại gần, tá hỏa. Màu của tôi vứt lung tung, có cây lại bị gãy ruột. Tờ giấy nó vẽ, nhăng nhít màu. Tôi tức phát khóc. Tôi phát vào tay nó một cái đau điếng: “Bé, sao mày phá của tao?”. Nó ngơ ngác một giây rồi khóc ré lên như còi xe cứu hỏa. Tôi hét: “Cho mày đáng đời”. Bà lật đật chạy lên hốt hoảng: “Sao con ăn hiếp em hoài vậy? Nó có biết gì đâu!”. “Ai bảo nó phá màu của con” - Tôi gân cổ cãi. Bà ôm nó vào lòng xuýt xoa: “Nín đi bà thương, nín bà thương. Chị mày chẳng biết gì hết. Em đang vẽ lại đi đánh em nhỉ, nhỉ!”. Tôi làu nhàu: “Có bà chẳng biết gì hết thì có. Bà đi mà mang nó về quê ở”. Bà nghiêm mặt: “Con vừa nói gì?”. Tôi chối: “Con có nói chi đâu. Bà bảo nó lần sau đừng có hòng mà đụng vô đồ con”. Tôi thò tay nhéo lén nó một cái đáng đời. Nó đau lại nhành miệing khóc. Bà lắc đầu, khe khẽ thở dài và dắt nó xuống nhà. Một lát đã nghe tiếng nó léo nhéo dưới nhà: “Đẹp quá, đẹp quá!”.Tôi đòi mẹ cho nó xuống ở với bà dưới tầng trệt. Nhưng chưa kịp làm gì bà đã phải về quê trông dì Út sinh em bé. Bà đi từ tờ mờ sáng, sau khi dặn dò kỹ lưỡng tôi phải thương yêu và đùm bọc nó. Tôi vâng dạ, trong bụng khấp khỏi mừng vì từ giờ tôi lại trở thành nhân vật trung tâm của cả nhà.Nó trở dậy, lũn cũn đi khắp nhà tìm bà. Tôi tội nghiệp: “Bà đi rồi Bé ơi”. Nó lẩn vẩn đi ra đi vào ở phòng bà đến chóng mặt. Nó lười không chịu ăn cơm, nước mắt dấp dính trên mặt, luôn mồm “Em không thích, em không thích”. Mẹ cho gì nó cũng bảo “Em không thích” phát sốt ruột. Tôi dụ nó chơi chuyền, nó vẫn khóc. Tỉ tê, ỉ ôi đến bực mình. Đang đêm nó giật mình dậy, đưa tay sờ mặt tôi và khóc. Nó đòi bà.Mấy ngày liền nó chẳng chịu ăn uống gì, nằm sót li bì trên giường. Ba mẹ đưa nó đi bệnh viện về, bảo “Em ốm nặng lắm. Phải chiều em nghe cưng” và chuyển nó xuống phòng bà đế tiện chăm sóc. Tôi nằm một mình trên gác xép không nghe tiếng nó cười cũng buồn, quờ tay sang bên cạnh trống không cũng thấy buồn muốn khóc. Nhà vắng vẻ hẳn vì không có nó đi lũn cũn lục lạo mọi ngõ ngách căn nhà. Tôi chìa cho nó cái kẹo “Bé ăn nhá”. Nó lắc đầu. Chìa cho nó con búp bê tôi vẫn giấu kín trong tủ quần áo: “Bé chơi nhá”. Nó lắc đầu. Chìa cho nó hộp màu yêu quý mà nó thích, cũng lắc đầu. Nó chẳng chịu gì hết. Nước mắt âng ậng trên hai con mắt cách xa nhau. Nó lắp bắp: “Bà ơi, bà ơi”. Đó là câu thứ ba duy nhất mà nó có thể nói được kể từ khi nó biết nói tới nay, nghe thương không sao chịu nổi.Mẹ lặng nhìn nó và bật khóc. Ba cũng vội quay đi khịt mũi, hai giọt nước mắt to tướng lăn tròn trên má. Nó lại gọi “Bà ơi” và cười, chìa những cái răng nhỏ xíu như răng chuột. Hai mắt nó nhắm nghiền.Tôi trèo lên gác, nằm lên chỗ nó hay nằm và nhìn qua ô cửa sổ. Trời trong veo. Những con sao lấp lánh nháy mắt nhìn tôi giễu cợt. Một lát chúng bay đi. Tiếp theo lại hằng hà sa số những vì sao khác chạy đến, thò đầu vào ô cửa cười với tôi. Tôi nghe thấy tiếng vỗ tay của bé Bé, thấy nó cười giòn giã “Đẹp quá, đẹp quá”. Những tia nắng tươi đẹp hiện ra sau mắt nó lấp lóa.Tôi với tay nhặt xấp báo. Tờ giấy nó vẽ nhăng nhít từ bữa trước kẹp ở giữa hay vèo xuống đất. Nhìn mãi một lúc tôi mới nhận ra đó là cả một bầu trời sao lấp lánh, thế giới xinh đẹp và thần kỳ hằng đêm của bé.Tôi thầm bảo với những vì sao, nếu nhớ nếu thương em tôi thì hãy giúp em tôi khỏi bệnh.Tôi nhớ tiếng cười của em Bé tôi lắm. Nếu em khỏe mạnh lại, tôi sẵn sàng nhường hết tất cả cho em Bé thương yêu của tôi.