Về quê

     uổi sáng trời còn nắng ráo. Một màu nắng hanh hao vàng vắt ngang qua những ngọn cây như tơ lụa. Mây mù kéo sầm sập. Sương tuôn ra từ mọi ngõ ngách như khói thuốc làm nhòa cả con đường nhỏ phủ đầy cỏ dại dẫn từ chợ về nhà. Một lúc mưa bắt đầu rơi, từng hột lớn đâm vào người lạnh buốt. Nhìn quanh quẩn bãi chợ đã vắng hoe.
Cái rét ập xuống rất nhanh. Hơi lạnh luồn qua tường, phả vào người làm ông phải mặc thêm chiếc áo bông dày sụ. Ông bỏ hút, nhướng cặp mắt lờ đờ nhìn tấm trướng đang vẽ dở. Rồi tuồng không thấy gì, ông chửi đổng một tiếng. Bà lẹt quẹt đi lên, mò mẫm thắp ngọn đèn dầu trên bàn thờ. Bà chép miệng đánh chẹp “Còn có vài ngày nữa là Tết. Sao không thấy tin tức của thằng Phên ông nhỉ?”. Ông nhăn mặt, gắt “Nhắc gì đến cái giống ấy. Nó còn nhớ ai ở cái nhà này nữa mà nhắc”. “Thì tôi nhớ, tôi nhắc...”. Giọng bà nghẹn lại. Ông ngó thấy bà tồi tội, thấy mình cáu vô lý nên giọng chùng xuống “Ừ, dù gì cũng hơn hai, ba năm trời nó chưa về nhà. Tết nhất đến nơi”.
Nụ tất tả đặt gánh hàng ngoài hiên đi vào nhà, loay hoay mãi mới tìm được chiếc ghế con để ngồi. Cô khẽ khàng lên tiếng “Hai bác đã chuẩn bị Tết xong chưa?”. Bà móm mém “Tết nào chẳng thế, tiền đâu mà sắm cho nhiều hở con”. “Dưng mà đợi lúc thằng Phên về - Bà hớn hở hẳn lên - Mình thịt luôn con lợn, làm nốt bầy gà sau chuồng là cũng đủ ông nhỉ?”. Ông lầm bầm “Vớ vẩn”. Nhưng trong bụng thầm tính “Mình còn có hai chai rượu nếp Bắc Hà, bao thuốc ba số 5 con Nụ mới cho hôm trước. Thôi thì cũng ráng để dành, hai cha con ngồi hàn huyên tâm sự có hơi cay mới thấm”. Nghĩ đến đây miệng ông ngoặc ra nụ cười độ lượng, cái đầu méo mó lơm xơm mấy sợi bạc gục gặc đắc ý. Nụ lục thúng lôi ra lỉnh kỉnh các loại gói “Con mua được ít bánh kẹo ở cửa hàng, biếu hai bác dùng Tết”. Ông gạt phắt “Mày làm có tiền đâu mà bày vẽ thế”. “Từ ngày cha mẹ con mất - Mắt Nụ rơm rớm - Hai bác coi con như con trong nhà. Con muốn thế chứ có bày vẽ gì đâu”. Bà ngồi lẩn mẩn gỡ cuộn tóc rối nhìn Nụ thở dài. Thấy Nụ hệt như bà ngày xưa, nhỏ bé và nghèo khó, ngồi đúng cái góc đó, lưng xây ra cửa. Sau là quãng đời làm dâu đầu tắt mặt tối vì nhà chồng nghèo, bố mẹ chồng lại ác nghiệt. Được cái ông thương bà nhiều hơn bà mong ước. Chuyến này cưới Nụ về cho Phên, bà phải làm to, thật to mới bõ. Bà bảo có vẻ chẳng ăn nhập gì với câu chuyện “Ừ, con ạ, ở đời cái tình người là quý nhất”.
Trời tối sập. Phía cuối chân trời một vùng ánh sáng hất lên lạnh buốt, nổi rõ những dãy núi lô nhô như răng cưa. Nụ đứng dậy xin phép về, sau khi dặn “Chừng anh Phên về hai bác nhớ báo tin cho con biết nhé”. Cô cười, nụ cười rạng rỡ cả căn nhà gỗ tre tồi tàn.
Xuống hết dốc người Nụ đã nóng ran trở lại. Cô cúi mặt, mỉm cười. Tưởng tượng hôm Phên về, cũng vào một đêm lạnh thế này. Phên đi bên cô. Tay của anh mới ấm làm sao. Cây ven đường nở bừng hoa. Tiếng sỏi lạo xạo dưới chân trở thành bản nhạc dịu dàng. Rồi như ngày còn bé, Phên bảo “Phên sẽ xuống xuôi làm giàu rồi đưa Nụ, đưa cha mẹ xuống ở cùng luôn nhỉ”. Chao, thế mà đã trôi qua hai năm kể từ ngày Phên đi. Bao mùa chợ tình trôi qua mà không thấy Phên quay về. Tin thư của Phên nhạt dần, thưa dần như lá cuối mùa, nhưng Nụ vẫn chờ.

*

Sáng sớm tất cả bị dìm trong màn sương dầy đặc. Con dốc nhỏ hun hút thỉnh thoảng mới thấy những chiếc váy Mèo sặc sỡ ướt sũng nước bồng bềnh qua lại. Họ tới giao củi cho nhà Kinh và cất tiếng hát, đệm thêm tiếng hí của bầy ngựa xa xa.
Có tiếng còi vang trong nương. Ông vội vàng chạy ra cửa nhưng chiếc xe đã lao đi mất hút để lại hơi khói khét lẹt. Ông chậm chạp quay vào. Bà hỏi với ra “Ai thế ông?”. Ông im lặng, hút thuốc lào đánh roẹt, lại hí hoáy vẽ tiếp bức trướng xanh đỏ đầy mệt mỏi.
Một lát thằng bé con hàng xóm chạy xồng xộc vào cổng, inh ỏi “Ông bà ơi, chú Phên về. Hình như là chú Phên về. Chú béo ù, đi cái xe con đẹp lắm”. Ông luýnh quýnh làm đổ lọ mực tàu lên bức trướng, giọng khàn đặc “Thằng Phên về, bà nó ơi”. Ngoài cửa tối sầm lại. Một người đàn ông bệ vệ, tóc húi cao, da bợt bạt với hai quầng thâm vòng quanh mắt đầy vẻ u uất, mỏi mệt. Ông run rẩy “A, con”, trộm nghĩ nó già đi mau quá. Cuộc sống dưới Kinh đã làm nó thay đổi đi nhiều quá. Bà nắm chặt tay Phên, khóc ròng. Phên thả phịch túi xách xuống đất, buông thõng “Suýt nữa quên đường về. Đường ở đây xấu tệ, không thể nào đánh xe vào được - Anh ta nhìn quanh quất, mũi nhăn lại - Có cái mùi gì ấy nhỉ?”. “Mùi đất ẩm - Bà vội thanh minh - Thì cứ từ xưa đến nay trời mưa dầm là mùi ẩm mốc lại bốc lên mà”. Ông lại hút thuốc đánh sọc, chạnh lòng, cái thằng sao lâu ngày về thăm nhà nó chẳng hỏi thăm bố mẹ một câu, chỉ toàn vòng vèo ba chuyện ruồi bu phát sốt ruột.
Phên lôi ra mấy hộp bánh ngoại, cao giọng “Con biếu ông bà. Không phải của thường đâu. Ở đây hiếm lắm đấy”. Rồi đưa cho bà hai xấp vải “Cái này bà mang ra huyện mà may. Mặc mãi mấy cái bộ xậm xẹt này người ta cười cho”. Bà ngượng nghịu “Mẹ mặc thế quen. Hay để mẹ tặng con Nụ”. “Ai cơ?”. “Con Nụ ấy mà. Còn những thứ này để cúng xong mẹ chia mỗi người một ít lấy thảo”. “Tùy ông bà thôi”. Phên nhấp một ngụm chè súc miệng òng ọc rồi phun tóe ra góc nhà. Xong lại chiêu thêm một ngụm nữa, vươn người khoan khoái “Chà, đang ở nơi nóng nực về đây sướng thật, cứ như đi nghỉ mát. Ông bà ạ. Con mới ở Sài Gòn ra. Khiếp, cứ như đổ lửa. Con phải đi công tác xoành xoạch, chẳng còn tí thì giờ nào. Đợt này lên đây con phải xoay vài cái hợp đồng. Xong ngày kia lại vù vào Sài Gòn - Anh ta cười vô tư - sống bây giờ mệt lắm, ông bà ạ”. “Thế con không ăn Tết với cha mẹ à?”. Bà hốt hoảng. “Ngày rộng tháng dài, lúc khác bà ạ”.
Một cậu thanh niên lơn tơn đi vào, áo dạ quần jean lù xù như một con gấu. Anh ta cúi gập người ở cửa “Chào hai bác ạ. Anh ạ, em đã báo xong phòng rồi. Chỗ lý tưởng, nhìn ra bạt ngàn đồi hoa đào. Trời này mà có em gái bên cạnh thì tuyệt”. Anh ta cười, mắt híp tịt. Phên giới thiệu “Đây là cậu lái xe của con. Nhà mình chật tối nay tụi con ra ở khách sạn cho thoải mái. Ông bà thông cảm”. Cậu lái xe lum khum bắt tay ông. Bàn tay lạnh ngắt và ướt nhượt làm ông rùng mình. Bà tỏ vẻ buồn, vân vê gấu áo “Tối nay ăn cơm ở nhà nhé. Mẹ có mấy con gà...”. “Để trưa mai bà ạ. Tối nay mời ông bà ra nhà hàng với chúng con”. Giọng anh ta tự nhiên ề à khó nghe. “Không dám, cám ơn anh - Ông nói mát - Nhà chúng tôi nghèo, cơm cà cơm muối quen rồi. Chứ nhà hàng thì chúng tôi không dám”. Bà suỵt khẽ. Ông trừng mắt nhìn bà, chùm râu dưới cằm run run. Bà biết ông sắp nổi trận lôi đình nên gắng vui vẻ. “Ừ, thế cũng được. Thôi hai anh muốn đi đâu thì đi. Lâu ngày về thăm quê dẫn nhau đi xem cho biết. Anh tên gì nhỉ?”. “Dạ Hướng”. “À, Hứng”. Hai người đứng dậy, kéo lục tục ra cửa. Đến giữa chừng sực nhớ ra, anh con trai quay lại vẻ quan tâm “Sức khỏe ông bà dạo này thế nào ạ?”. “Vẫn thế con ạ”. Bà đỡ lời ông ngồi lặng ngắt, lòng tê tái. Rồi không chịu đựng nổi ông giơ chân đá hộp mực lăn lông lốc trên đất, cấm cẳn “Hừ, con với cái”. Từ hai khóe mắt ông nước rỉ ra đục ngầu.
Hôm sau bà nhắn Nụ lên sớm. Suốt buổi sáng hai bác cháu tíu tít đi chợ, vặt lông gà, đến giữa trưa thì xong. Nụ ngồi ngẩng mặt, hình dung buổi gặp sắp tới. Ai cũng bảo với Nụ Phên giờ khác lắm, nhưng Nụ không tin. Nụ vẫn nghĩ anh như xưa, nghĩa là vẫn cao gầy, mắt buồn, da môi tươi tắn như con gái. Có tiếng ồn ào ngoài cửa, Nụ quay lại. Hai người đàn ông bước vào mặt hớn hở. Người to mập nhìn Nụ đăm đăm. Nụ hỏi “Anh Phên không nhận ra Nụ à?” rồi chạy ù xuống bếp, dúi đầu vào vai bà “Bác à, anh Phên anh ấy khác thật”. Phên xuống theo, cười “Cô Nụ dạo này xinh thế” và lại lững thững đi lên. Nụ cúi gằm mặt, ngạc nhiên thấy lòng mình sao yên lặng quá, không còn vẻ gì sung sướng hay hồi hộp như cảnh hai người yêu lâu ngày gặp nhau.
Bữa ăn diễn ra lặng ngắt. Phên, Hướng lôi ra chai rượu Hennessy, bảo uống rượu này quen, chứ thứ khác thì lạt miệng. Mình ông nốc rượu Bắc Hà, mặt quặm lại không nói được tiếng nào. Đến giữa bữa ăn, bà gợi ý “Thế anh Phên đã tính chuyện vợ con chưa?”. Nụ cúi mặt, không uống rượu mà mặt nóng hồng như má đào. Phên nhướng mắt, tợp một ngụm rượu “Chà nhắc đến chuyện này mới nhớ. Khoảng hai tháng sau, con sẽ cưới vợ. Vợ con là con gái rượu của thủ trưởng con. Ông bà cứ yên tâm là đẹp người tốt nết”. Chai rượu trên tay ông run bắn. Bà ngượng nghịu không dám nhìn sang Nụ. Cô vẫn ngồi rất bình thản gắp thức ăn, ngỡ ngàng vì sao lòng mình dửng dưng không đau đớn lắm. Cô bảo “Em chúc mừng anh”. Cô ngẩng nhìn Phên, mắt đen láy, hiểu rằng người như Phên không thể phù hợp với cô được. Ông gắt “Mày không coi bố mẹ mày ra gì à?”. Anh con trai trợn mắt ngạc nhiên “Sao lại không, thì đến ngày cưới con sẽ thỉnh hai cụ về dưới xóm xuôi dự đám cưới của con chứ sao. Ông bà thật lạ”. Ông xỏ chân đánh bạch, lẹt xẹt bỏ vào buồng sau khi bảo “Tao không có thằng con như thế”. Ông nằm rên hừ hừ cứ như người phải gió, làm bà xót cả ruột.
Cuối buổi Phên đề nghị “Chúng tôi đưa Nụ về nhé”. Nụ cười “Thôi cảm ơn hai anh. Mình em về được rồi. Em quen đường”. Cô vào buồng, cầm tay ông an ủi “Bác nghỉ đi, đừng nghĩ ngợi gì”. Ông than “Số tôi vô phước không cưới được cô về làm dâu. Tôi ngàn lần xin lỗi cô”. “Kìa bác - Nụ cười - Dù sao bác cũng như cha con”. Nụ đi xuống dốc, bóng nghiêng nghiêng buồn và đơn độc.
Xe về xuôi sớm. Anh con trai đứng lẩn vẩn ở vườn bảo “Chỗ này xây nhà nghỉ thì tuyệt”. Xong vào nhà nhận xét “Đất này bán được khối tiền”. Anh ta nặng nề đặt tay lên vai bà “Cha đâu?”. “Ông bị ốm nằm trong kia”. Phên đưa phong bì cho bà “Mẹ cầm lấy chăm sóc cho cha, con bận, ít về thăm nhà được”. Bà khóc “Sao con không vào thăm ông ấy?”. Phên nhún vai “Con ngại lắm” và lùi lũi đi ra cổng. Ông tỉnh dậy thấy gói tiền đầu giường liền hỏi của ai. Bà đáp “Của con, nó đi rồi”. Ông vùng dậy, vơ lấy cây gậy đầu giường rồi tập tễnh đi “Để tôi ra trả lại nó. Mình nghèo hèn nhưng không cần của ôi thiu này”. Ông đi chúi nhũi về phía trước như sắp ngã. Sương mù đặc quánh. Con đường vắng hoe, chỉ còn những cánh đào hồng rực rơi xuống vai ông nhẹ nhàng.
Ba mươi Tết, bà làm mâm cơm cúng tổ tiên. Trời lạnh nứt da nứt thịt, khói nhang cũng không làm không khí ấm lên chút nào. Ông ăn mặc chỉnh tề, ngồi thừ ở ghế. Bà tới gần nhỏ nhẹ “Thôi ông ạ, nước mắt chảy xuôi chứ bao giờ chảy ngược”. Ông lắc đầu “Con tôi nó không như thế”. Ông cầm ba cây nhang, chậm chạp đứng lên, mắt nhìn dõi ở đâu xa lắm “Tôi biết khấn gì bây giờ?”. Bà đưa vạt áo thấm nước mắt “Khấn thế nào cũng được ông ạ”.
Ông trịnh trọng cúi đầu trước bàn thờ. Trong không khí tĩnh lặng, tiếng ông trầm trầm vang lên “Con là Ngô văn Liếp, cầu xin tổ tiên phù hộ, độ trì cho con con là Ngô văn Phên đang làm ăn xa gặp nhiều tốt đẹp. Mọi bất hạnh khổ đau xin chỉ mình con gánh chịu”.
Ngoài vườn, từng cơn gió vẫn bứt vô số những nụ đào, lá đào còn tươi nguyên xuống mặt đất rắn cứng vì lạnh. Chẳng mấy chốc, dưới gốc cây đã phủ kín xác đào, chìm dần trong màn sương dày mênh mông...