ôi tin chắc rằng làm đổ máu dưới màu áo chiến tranh không gì khác là hành động sát nhân. “It is my conviction that killing under the cloak of war is nothing but an act of murder.” Albert Einstein Có người bảo tôi rằng: Tôi là người sinh ra và lớn lên trong thời kỳ chiến tranh (1945-1975) của đất nước, sao tôi không viết một cái gì về cuộc chiến tranh đó? Thú thật, tôi không có khả năng để am hiểu nhiều về cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn này. Vả lại trong tôi đang còn mang nặng sự, căm thù, đau thương, sự mất mát không thể nào quên đi và hàn gắn lại được. Liệu có khách quan hay không, khi viết về một chuyện gì cho cuộc chiến này? Thôi việc ấy để cho những học giả quân sự, chính trị, xã hôi và nhân văn, họ tha hồ mà bàn luận… Còn tôi, qua các câu chuyện của bác Đẩu, một nông dân mà tôi quen biết, đã chứng kiến và kể lại cho tôi nghe trong mỗi lần khi tôi về quê và dừng chân tại nhà bác. Các câu chuyện bác Đẩu kể sau đây, cũng cho tôi một cảm nhận về những gì của ba mươi năm tang thương trong cuộc chiến tranh ấy. Con đường từ thành phố về quê tôi, đi qua hai huyện và mười ngôi làng. Những năm tôi tuổi mười lăm, mười sáu tôi thường đi bằng xe đạp về làng. Con đường mòn bằng đất này, do người dân các làng mà con đường đi qua đắp nên tự lúc nào tôi không được rõ cho lắm, có lẽ nó dựa trên lối mòn cũ của ngày xửa ngày xưa. Một bên đường phía về đồng ruộng, người ta trồng một lũy tre xanh dọc theo vệ đường- lũy tre này được trồng vào những năm 1958-1960, thời gian mà người ta gọi là”ấp chiến lược”, vừa để bảo vệ làng xóm trong giai đoạn chiến tranh ấy, vừa giữ cho mép đường không bị mưa bão làm xói lở, cũng như tạo sự bao bọc êm đềm cho các làng mạc ở phía trong. Mùa hè, lũy tre xanh mang bóng mát hiền hòa cho các cô, các bác đi làm nông vào giờ nghỉ trưa, hay cho khách bộ hành dừng chân sau một chặng đường dài nắng cháy. Mùa đông, lũy tre ngăn các cơn gió lạnh phía Tây Bắc tràn về, hay che chở cho các ngôi nhà tranh qua các cơn lốc xoáy hoành hành. Cho dù với mục đích gì. Tôi vẫn thấy làng quê tôi sẻ mất đi một cái gì đó nếu không có lũy tre xanh kia bao bọc. Tôi về thăm quê vào các dịp nghĩ hè của mỗi niên học. Thường hay dừng xe sau khi đã đạp qua chặng đường chừng hai mươi cây số, ngồi nghỉ chân dưới bóng của hàng tre, đối diện với căn nhà tranh của bác Đẩu. Bác Đẩu, khổ người tầm trung, nước da rám nắng màu nâu; do suốt cuộc đời của bác gắn bó với ruộng đồng, lớn lên từ ruộng nương đầy phân bón và bùn lầy, bác mặc chiếc quần xà-lỏn màu nâu, tấm lưng trần rám nắng đã chuyển thành màu nâu như chiếc quần bác mặc, đi chân đất; đôi chân ấy đã quen với đất bùn của những luống cày và tôi chưa bao giờ thấy bác đi guốc hay dép bao giờ; trong những lần tôi gặp bác. Nhìn thấy tôi, bác vội vàng gọi tên và bảo tôi vào nhà: -Lợi ơi! Vào đây mà ngồi, uống nước cho khỏe rồi về con! Không biết bao nhiêu lần bác gọi tôi như thế trong mỗi lần tôi về quê, đi khi ngang qua nhà bác. Tiếng gọi thân quen như ruột thịt, tôi không ngại ngùng gì trong tiếng đáp lời của bác. -Dạ! Ngồi ngoài bờ tre này có gió đồng lên mát hơn bác ơi! Tôi biết bác ấy và bác cũng biết tôi; là do khi còn nhỏ, tôi thường hay theo các chú tôi đi đánh chim cu và hay nghỉ trưa tại nhà bác, cùng với gia đình bác ăn những củ khoai luộc cùng bát nước lá thơm ngon. Qua câu chuyện hàn huyên giữa bác và các chú của tôi, tôi biết bác là người rất thân thiết và đầy tình cảm với gia đình chúng tôi. -Mi ưa ăn khoai khôn?(1) Bác nói bác gái nấu cho ăn rồi về. Chưa kịp đợi tôi trả lời. Bác gọi tiếp vào nhà: -Mạ mi ơi! Nấu nồi khoai cho cháu nó ăn, chớ hắn đi từ trên Dinh(2) về đây đói nơi rồi đó! Tiếng vọng từ trong nhà hỏi lại: -Đứa mô rứa Ôn mi!(1) -Thằng Lợi con anh L.. dưới làng đó mà! -Cháu về khi mô đó cháu? -Dạ! cháu mới về tới bác ạ! Tôi vội vả trả lời, cho dù tôi chưa thấy bác gái ấy ở đâu trong căn nhà tranh. Thế là hai bác cháu tôi cùng khiêng cái giường tre nhỏ nhắn, ra đến tận dưới bóng mát của bờ tre, uống nước và đợi nồi khoai chín. Ở các làng quê như của chúng tôi, chiếc giường tre là vật không thể thiếu của mọi nhà, tiện cho cả mùa đông lẫn mùa hè, nhất là mùa hè; khiêng chiếc giường ra dưới bóng của hàng tre, ngã tấm lưng trần lên tấm vạt tre bóng mượt, một cảm giác mát lạnh dưới lưng cùng ngọn gió trưa hè; dễ đưa mình vào giấc ngủ, sau một buổi cuốc, cày mõi mệt. Tôi hỏi bác: -Bác ơi! Trên đoạn đường gần làng mình, người ta làm gì mà đào lên một đường ao dài và rộng thế hở bác? Bác Đẩu im lặng một hồi lâu, Bác nói: -Cái đường ao đó được đào vào một đêm cuối tháng giêng năm Mậu Thân, và cũng lấp vào đêm đó. Tính đến nay gần ba năm, người ta lại đào lên và không có ai lấp lại nữa con ạ. Bác Đẩu chỉ nói thế, làm cho tôi thắc mắc về đường ao nhiều hơn. Thắc mắc là vì tôi đã đi qua đoạn đường đó nhiều lần, và thắc mắc là tại sao người ta đào lên mà không lấp lại. Như đoán được trí tò mò và muốn tìm hiểu về cái điều khó nghĩ của tôi, cuối cùng bác cũng kể. - Chuyện chiến tranh mà, làm sao kể hết được cháu. Riêng cái đường ao thì chuyện như thế này: -Vào đêm tối trời cuối tháng giêng của năm Mậu Thân. Thằng Năm Ngật, đầu đội cái mũ tai bèo cũ kỹ, bộ bà ba đen bạt màu cùng chiếc quần ngắn cũng bạt màu, trong tay lăm le một khẩu súng dài, với lưỡi lê dài sáng bóng gắn phía trước, được lóe lên qua ngọn đèn dầu phía trong nhà bác hắt ra. Hắn nói: -Ông Đẩu ở mô? Ra đây! Tại răng ai cũng vác cuốc, vác xẻng ra bờ tre đào hố mà ông chưa chịu ra! Ông muốn chôn sốn khôn?(1) -Dạ! Tui ra đây thưa anh Ngật!(1) -Khi bác ra bờ tre phía ngoài đồng ruộng, bác đã thấy năm bảy chục người đứng ở đó một hàng dài, các bác trong làng thì người cầm cuốc, người cầm xẻng, có một đoàn người hai tay bị trói lui đằng sau và sau lưng họ là bác thấy ánh sáng của các lưỡi lê sáng lên ở trong tay những người như thằng Năm Ngật nắm. -Nghe lệnh của mấy người như thằng Năm Ngật bảo, các người như bác đã đào cái đường ao mà hiện nay cháu thấy đó, sâu chừng được một thước(mét) và dài nặp theo dưới những gốc bờ tre. -Thằng Năm Ngật đứng sau lưng một người mà bác biết là người ở trong làng của bác, anh ta đi quân dịch được nghĩ phép về nhà ăn Tết cháu ạ. -Bác không cần nhìn kỹ mặt của người lính ấy, bác cũng biết anh ta là con của Ông Vinh, cùng làng với bác và thằng Năm Ngật đó cháu ạ. Bác Đẩu ngưng ngang câu chuyện, vội vàng bưng tô nước lá lên, uống một hơi thật dài, bác im lặng như đang nghĩ ngợi điều gì. Bác nói: -Đi quân dịch ba năm, nay được người ta cho về ăn Tết, tưởng mô vui cửa vui nhà, gia đình đoàn tụ, gặp mạ, gặp cha, anh em sum họp. Ai ngờ…. Bác kể tiếp -Đào xong cái hố như rãnh ao ấy, mấy thằng như Năm Ngật, thằng Ba Cụt-hắn bị cụt một tay- bảo các chú, các bác ở dưới hố bước lên. Bổng những tiếng kêu la, gầm rú, than khóc, cầu xin, vang động cả không gian, bác thấy chỉ một màu xám đen trong đêm tối, những bóng hình cao to từ từ lăn ngã xuống cái rãnh ao mới đào, họ bắt các người như bác lấp lại. -Không biết liệu có ai chưa chết cũng bị chôn sống luôn không? Lúc ấy, Bác không còn nghe gì, thấy gì trong đêm ấy, khi mà bác chứng kiến cảnh rùng rợn đang xẩy ra trước mặt bác, đôi mắt bác tối mù, đôi tai ù lên như đoàn tàu đang chạy. Bác đứng như trời trồng, cho đến khi nghe họ bảo lấp lại. -Chuyện là: Thằng Năm Ngật dùng lưỡi lê gắn trước nòng cây súng trường hắn nắm trên tay, đâm một nhát thật mạnh từ sau lưng người lính bị trói hai tay, hắn dắt ra cùng lúc hắn vào gọi bác. Anh ta không quỵ ngã ngay xuống hố, anh ta vẫn đứng đó, sừng sững, bác chỉ nghe một tiếng “ự” từ lồng ngực của anh ta. Anh ta vẫn đứng với đôi tay bị trói. Thằng Năm Ngật dùng báng súng đưa lên cao và bổ xuống xuống thật mạnh vào đầu người lính, nhưng nhát bổ đó không trúng vào đầu người lính, vì anh ta đã ngã xuống hố trước rồi. Thằng Năm Ngật mất đà ngã nhào theo, không hiểu sao, cái lưỡi lê hắn nắm ngược đã xuyên qua tim hắn và hắn ngã xuống, nằm trên tấm thân không còn quằn quại của người lính, bác nghe cũng tiếng “ự” đó một lần nữa, phát ra không biết từ lồng ngực của thằng Năm Ngật hay là của người lính. Bác vội vàng san lấp hố lại. Người ta thường tốn nhiều công đào lên hơn là công lấp lại, nhưng riêng bác, thì lấp lại tốn nhiều công sức hơn, vì cái lưỡi lê còn dính máu vẫn lộ lù lù trên mặt đất, tay chân bác luýnh quýnh run lên bần bật, đôi tai bác lùng bùng như đạn pháo nổ gần. Cả đoạn hố dài đều bằng phẳng, riêng chỗ của bác lại cao hơn, vì bác phải cố xúc đất lên để che lấp cái lưỡi lê ấy. Đoàn lính mà khi trước họ dẫn đoàn người bị trói tay đến đây. Họ lại ra đi về phía làng của cháu, có lẽ họ về hướng ấy để đi vào rừng sâu của núi Truồi, họ không cần biết, ai còn sống, hay ai đã chết, đồng đội của họ thiếu đũ bao nhiêu người. Họ vừa đi nhanh vừa chạy như như một đoàn quân thất bại của một trận đánh năm 1954 mà bác biết. Bác kể tiếp: Gần ba năm sau, những người con mất cha, vợ mất chồng, cha mẹ lại mất các con. Họ đã về đây, họ cũng nhờ những người như bác, đào cái dãy hố dài ấy lên, họ lại tìm kiếm chồng, cha, con, cháu của mình chỉ bằng những bộ xương đang còn hôi mùi thịt rữa, những mãnh áo mục rách nhày nhụa, bộ răng có bịt bạc hay vàng, người nào may mắn lắm mới nhận dạng được người thân của mình qua một tấm thẻ bài, qua tấm căn cước được bọc nhựa, còn lại chỉ còn nắm xương với đôi tay đang còn mang sợi dây trói bằng dây điện thoại cháu thấy đó (- bác chỉ cho tôi sợi dây điện thoại hữu tuyến kéo trên hàng tre-) -Cháu biết, cũng nhờ cái gò đất bác lấp cao hơn, mà qua ba năm mưa lụt, nó vẫn còn cao hơn mọi chổ khác, bác đã chỉ cho cha của người lính đó và mẹ của thằng Năm Ngật bốc xác con mang về. Và cái lưỡi lê thì người ta đã mang nó đi đâu, hay làm gì bác không hề nghĩ nữa cháu ạ. Lạnh tới xương sống khi nhớ về nó cháu ơi! Tôi nói: Thế mà cháu cứ tưởng là chỉ có mồ chôn tập thể mà người ta đi tìm xác thân nhân của họ ở trường Gia Hội, chùa Áo Vàng ở thành phố Huế và Khe Đá ở Bảng Lãng mà thôi, té ra ở tại làng này cũng có hở bác? Bác nói: Ở đây gần cả trăm người, Họ đã ra đi trong oan khiên và tức tối bằng tiếng cắc-cù giữa đêm khuya, bằng đầu của cuốc ba, bằng cái sống rựa đập xuống trên đầu, không kịp kêu cha kêu mạ, gọi vợ, gọi con. Nồi khoai luộc đã chín, bác gái mang ra tận cái bờ tre cho hai bác cháu tôi ăn. Những cũ khoai “vồ”- tên gọi ở quê tôi cho loại khoai nhiều tinh bột ấy- mới luộc chín xong, bay lên một mùi thơm dịu ngọt. Tôi nhâm nhi từng miếng khoai nóng hổi, hồi tưởng lại những năm tháng ấu thơ của đời mình. Lắng nghe câu chuyện của bác Đẩu kể, cùng với chất giọng trầm buồn man mác của bác, cái chân thật trong ngôn từ, cái miên man đôi mắt của bác, gợi trong tâm trí tôi hình ảnh của quê hương tôi, hình ảnh của chiến tranh hôm qua và hôm nay, quá khứ và hiện tại, để cho tôi nhớ mãi đến tận bây giờ. Tôi đùa vui với bác: -Bác Đẩu ơi! Bác là người phu mồ, chôn một lần hai chế độ, à không, hai con người của hai chế độ!. -Mi nói bậy. Bác là người phu mồ bất đắc dĩ, cháu ơi! Bác nói tiếp: -Cháu biết không, trong làng này mỗi khi nhà nào có người quá vãng, người ta thường nhờ bác chọn cho một chỗ để chôn cất người thân của họ. Bác vừa làm phu đào mộ, vừa làm thầy phong thủy cho người ta luôn. Tôi hỏi bác: -Thế bác cũng giỏi về địa lý, phong thủy à? -Không! Bác chẳng biết gì về phong phiết, thiên địa cả. Chỉ tìm gò đất nào cao ráo, cứ đầu tựa núi, chân xuống biển là xong thôi. Thế mà nhà ai cũng được mồ yên cả cháu ạ. Tôi nói: -Lần này thì không được mồ yên mả đẹp được rồi! Bác à. -Tại sao? Bác hỏi lại. Tôi nói: -Bác không thấy người ta lại đào lên và đem đi chôn chỗ khác lại hả? Bác nói: -Do họ buộc bác phải chôn chỗ đó, chứ bác đâu có quyền chọn, mà có khi nào họ nhờ bác chôn hai người một lần mô! Chỉ có cái thời buổi loạn lạc ni, mới có chôn tập thể thôi cháu ạ. (1) Bác cười to lên và tôi ngỡ hình như chiến tranh không đi qua đời bác bao giờ. Vì bác là một nông dân thực thụ mà! Con trâu, cái cầy là niềm vui, củ khoai, củ sắn và thóc đầy bồ là hạnh phúc. Bác chỉ cần có thế thôi! Bác đâu cần chiến tranh, chiến tranh mang lợi gì cho bác; chiến tranh lại càng không cho bác làm ra củ khoai, củ sắn, bó lúa, trái ngô,…Chiến tranh không cho con trai bác ở gần cạnh bác; phụ cho bác những luống cày. Chiến tranh mà đêm đêm những quả cà-nông từ bên tận núi Truồi bay về giết đi con trâu cày giỏi nhất của bác, mấy thúng lúa trong kho của bác cũng cháy đi một nữa, và nhiều cái mất mác nữa….. Tôi thấy, đôi mắt bác cũng đã nhíu nhiều lần trong câu chuyện kể vừa qua. Có lẽ bác đang dấu đi những nỗi niềm uẫn khúc nào đó. Bác nói: Bác nhớ về một làng quê đầm ấm ngày xưa, ngày xưa; không có máy bay, bay lượn trên đầu thả khói mù mù, không có cà-nông ở đâu trong rừng đêm đêm lại dội về, không có cái cảnh có nhà không ngủ lại đi ngủ hầm, để mỗi lần cà-nông nổ gần hầm thì lại ăn cơm cùng cát, không có cảnh tre già khóc măng non. Hồi trước tiếng súng, tiếng đạn có đâu nhiều mà gieo tang tóc cho mọi người như bây giờ. Thế mà kể từ ngày có thằng Năm Ngật, thằng Ba Cụt, thằng Sáu Búa,….. con ông Khấu, con ông Bân….. và đồng bọn nó trở về cho đến nay- cả bọn thằng Năm Ngật, thằng Ba Cụt, thằng Sáu Búa…. bỏ nhà đi biệt tăm gần hai nươi lăm năm nay, hắn đi hồi năm mười ba hay mười bốn tuổi gì đó- làng mạc trở nên trơ trụi, do những cuộc hành quân, do bom rơi đạn nổ, hay do những lời cáo trạng của bọn thằng Năm Ngật, hét vào lúc nữa đêm khi thằng Năm Ngật đứng làm chánh án, xử tử ông xã trưởng Tám…... Bác không biết bọn như thằng Năm Ngật đi học từ khi nào, hắn là thằng mà trước đây là người chăn trâu cho nhà ông Thìn làng dưới, ham chơi để trâu ăn lúa của nhà ông Lương, bị người ta đánh mấy roi, hắn bỏ đi theo Việt Cọng, có học chữ nào đâu, thế mà trong đêm tối trời như vậy, nó nắm tờ giấy đọc phanh phách: Thằng Xã trưởng Tám! Mi có tội với nhân dân, tau thay mặt chính quyền Cách mạng tuyên án tử hình. Một loạt đạn bắn ra từ tay thằng Ba Cụt, ông xã Tám nằm sống xoài trên bãi cát, chúng bỏ ra đi về phía làng Đồng Di. Từ đó, dân trong làng từ từ rời làng ra đi, nhất là nhà nào có chồng, con đi lính hay thân thuộc với quốc gia - hồi đó người ta phân biệt đi lính quốc gia và đi theo du kích - là phải lo rời làng đi trước, còn ai ở lại phải ra độn cát làm hầm mà trú. Một cảnh làng quê trống vắng, con trâu trơ trọi giữa cánh đồng, không người dìu dắt trên những luống cày cho những thửa ruộng đầy màu mỡ….. Cháu còn nhớ không: Thường vào các buổi trưa hè như thế này, những con chim cu cứ gáy vang từ xóm trên đến xóm dưới. Giờ đây tiếng gáy thân quen cũng không còn nữa, tiếng súng, tiếng đạn, tiếng nổ chát chúa long trời của các quả đạn cà-nông cũng làm cho nó im bặt tiếng kêu. Con trâu cũng ngơ ngác giật mình bởi những tiếng gầm rú của máy bay hay những loạt đạn pháo. Bác nói tiếp: Lại về chuyện ông Khấu cha của thằng Năm Ngật. Chuyện là hồi đó vào khoảng năm sáu mốt, sáu hai (1961-1962) gì đó. Khi Cụ Ngô Đình Diệm bị lật đổ, thì ở các làng quê này thường hay có những thằng như Năm Ngật, đêm đêm vác súng về, rồi lại nghe tiếng súng cắc-cù nổ lẻ tẻ từ làng này hay làng bên cạnh. Sáng hôm sau, dân trong làng lại có người bị giết, rồi lại có đoàn lính quốc gia, họ bảo là đi hành quân, hay đi truy lùng gì đó. Rồi cũng cà-nông, cũng đạn bắn khắp cả làng. Những cuộc hành quân như thế vẫn thường xãy ra ở các làng quê mình cháu ạ. Dạo ấy, bác nhớ vào cái năm thằng Năm Ngật chưa về, hình như năm sáu bốn hay sáu lăm (1964-1965). Lính quốc gia đi hành quân, không biết hà cớ gì ông Khấu -cha của thằng Năm Ngật- lại bỏ nhà chạy ra ngoài đồng ruộng, máy bay đang bay lượn trên đầu ông ta, một loạt đạn từ chiếc máy bay bổ xuống, ông Khấu gục ngã trên đồng ruộng giữa ban ngày. Cuộc hành quân đi qua, trên bầu trời không còn tàu bay lượn, bác và các người trong xóm cùng vợ ông Khấu ra đồng khiêng xác ông Khấu về mai táng. Còn con trâu bên cạnh ông Khấu thì để thối rữa giữa cánh đồng. Tôi hỏi: -Tại sao có con trâu bên cạnh người ông Khấu hở bác? Bác kể: -Khi ấy, trên trời nào là máy bay, dưới đất nào là súng nổ, mọi người ai cũng chui vào hầm để trú ẩn, còn con trâu ai làm hầm trú cho nó, mà nếu có làm; liệu nó có chịu chui vào trong hầm không? nó chỉ biết chạy ra cánh đồng là nơi yên ổn của hắn, ở đó, nó có gió mát từ dưới sông lên, có những thảm cỏ non tha hồ gặm và nước sông tha hồ mà uống, mà lặn hụp. Đời con trâu là thế, cũng như đời của các người nông dân như bác ở làng quê đây: quen với khí trời, với mùi bùn lầy, với mùi phân chuồng bón khoai, bón lúa, với cái nắng mặt trời mùa hạ và sự dịu hiền của ánh trăng đêm, với màu xanh của rau và mạ lúa, với lũy tre hiền hòa, hay cái rét của những tháng đông ngồi bên bếp củi. Đó là nơi bình yên nhất cho đời mình cháu ạ. Còn ông Khấu thấy con trâu của ông chạy ra giữa đồng, sợ trâu chết, ông vội vả chạy ra dắt trâu về, thế là sợ cho con trâu bị lạc đạn, ngờ đâu con trâu cũng chết mà ông ta cũng mất đi mạng sống của mình. Con trâu của bác bị trúng mãnh đạn mọc-chê của bọn du kích mà chết, thịt cũng còn để bà con trong xóm chia ra ăn được. Đến khi con trâu của ông Khấu chết người ta không lấy thịt ăn được, chỉ vì có máu và thịt của ông Khấu trên tấm thân đồ sộ của con trâu. Tôi hỏi: -Như thế bác có xem cho ông Khấu một chổ mồ yên mã đẹp chưa? Bác trả lời: -Cỏ lẽ là chưa cháu ạ. Bác cười và nói tiếp: Chiến tranh ngày nay thấy càng ghê sợ hơn thời kỳ Tây, chiến tranh càng lâu, vũ khí giết người ngày càng tinh vi hơn, ghê sợ hơn. Xem ra, vết thương do Tây làm ra không ghê sợ cho bằng người cùng dòng máu cháu ạ. Ngày xưa khi bom rơi đạn lạc, bà con ở đây chỉ đi lánh nạn rồi trở về làng cùng nhau lo ruộng nương, vườn tược. Ngày nay, cháu thấy đó, bà con lại bỏ làng ra đi, và họ tìm một quê hương xa xôi tận trong Nam, và chỉ họa hoằn lắm mới có năm ba người trở về thăm quê trong những ngày chạp mộ. -Như ông Nghĩa trong xóm này, thường ngày ông hay dắt con trâu ra đồng, ngồi trên bờ ruộng, nhìn cánh đồng mà mấy tháng trước đây lúa đã cúi đầu, một màu xanh của hứa hẹn, giờ đây khô cháy với một màu xám xịt của tang thương, do những loạt bom xăng, con trâu ông Nghĩa một mình cũng không có đũ cỏ mà ăn ở trên cánh đồng này, cho dù không còn đàn bò hay lũ trâu nào tranh giành với nó; có chăng chỉ còn hai con trâu của nhà bác. Rồi lại dắt trâu về, ngồi với túp lều hiu quạnh. Vợ con ông Nghĩa đã chết trong cái đêm mà quả đạn mọc-chê rơi trúng nhà của ông. Ngày lại ngày, ông Nghĩa sống cùng nỗi buồn quạnh quẽ….. Rồi một ngày nọ. Ông Nghĩa lại dắt con trâu ra đi, ông ta không dắt ra hướng cánh đồng như mọi ngày, mà dắt đi phía lên Dinh ấy. Không biết ông Nghĩa dắt trâu lên Dinh để làm gì? Khi ông tới từ giã bác. Bác hỏi: Anh đi đâu mà mang bị với dắt con trâu? Ông Nghĩa nói: Anh nghĩ mà xem. Cuộc đời tôi bây giờ chẳng còn gì, chỉ còn tôi với nó. Thôi thì đi đâu cũng cho nó đi cùng, nó cậy tôi, tôi cậy nó. Tôi chỉ cần củ sắn, củ khoai còn nó chỉ cần nắm cỏ bên vệ đường là qua bửa, anh Đẩu ạ. Ông ta đã rời bỏ làng này ra đi rồi, và có lẽ gia tài của ông chỉ còn lại con trâu và ông. Nó phải sống bên ông hay ông bán cho người ta thịt, ít nhất cũng còn một chút gia tài- ông ta nghĩ thế và với sợi dây kéo con trâu lầm lũi đi về hướng Dinh, đầu còn ngoái lại nhìn túp lều làm bằng mấy tấm phên tranh, do bà con trong xóm phụ che khi nhà ông bị quả cà-nông thiêu rụi; để có cái chun vào khi mưa gió. Nhìn lại như từ giã làng quê, từ giã bà con lối xóm, từ giã những nấm mồ ở bãi độn cát trắng dài, nơi chôn cất vợ con ông, tổ tiên bao đời của ông, từ giã cánh đồng có mấy miếng ruộng, nơi đã đổ bao đời mồ hôi của ông bà, cha mẹ và của vợ chồng ông. Ông nhìn với đôi mắt buồn thiu, như nhìn lần cuối cùng của cuộc đời mình. Cho đến nay, bác chưa thấy ông Nghĩa trở về làng lần nào, không biết ông ta còn sống hay đã mất từ phương trời nào, không ai biết. Bác nói tiếp: Bác nghĩ là bác không rời làng ra đi như những người khác, bác biết đi đâu, và làm gì để sinh sống nơi xứ lạ, bác đi thì bỏ lại con trâu cho ai, bỏ ruộng nương cho ai, và phải bỏ nhiều thứ nữa. Còn ở lại, thì cháu thấy đó, đêm đêm những người như thằng Năm Ngật lại bắt bác đi đào hầm, đào giao thông hào, ban ngày thì lính Quốc gia đến hỏi hầm trú ẩn của Việt cọng ở đâu. Thế mà có được yên ổn được đâu, có người cũng đi đào hầm cho bọn thằng Năm Ngật, rồi không thấy trở về nữa, có người về được cũng bị mời lên đồn bốt. May mà thằng Được - con trai bác - bác đã cho nó đi học nghề trên Dinh khi hắn được mười một, mười hai tuổi, chứ không thì chắc nó cũng bị người ta bảo đi đào hầm rồi không về như con của nhà mụ Duy bán bánh bèo, bánh nậm đó cháu ơi! Tôi hỏi: Sao lại đi đào hầm trú ẩn cho “họ” rồi không được trở về hở bác? Bác Đẩu nói: Đứa nào mà bọn “họ” cho về là thân nhân của “họ”, hay theo du kích là còn sống, còn những đứa không theo, hay là “họ” bắt than nhân của những người đi lính quốc gia đào hầm xong là họ thủ tiêu luôn, vì “họ” sợ bị lộ đó cháu. Bác chắc lưỡi một tiếng thở dài: Ruộng nương rồi cũng thành hoang mạc thôi cháu ơi! Tình hình như thế này mãi, có lẽ bác cũng rời khỏi làng này thôi. Tôi nói: Bác ơi! “Không đi thì sợ tình nghi. Mà đi thì sợ Đồng Di-Tây Hồ”(3) Ừ! Cháu nói đúng. Đó là nỗi tuyệt vọng của những người sống trong vùng “xôi đậu” này đó cháu. Như chuyện ông Xâu Choai ở làng bên cạnh, ông ta rời làng ra đi một thời gian chừng ba, bốn năm gì đó. Có lẽ nhớ làng, nhớ xóm, nhớ mồ mả tổ tiên. Ông trở về thăm quê, vài ngày sau ông ta không còn ra đi được nữa, ông đã ở lại vĩnh viễn mảnh đất nơi quê hương ông; mảnh đất cùng với tổ tiên ông, với thân thuộc của ông - những người ở dưới những nấm mồ. Họ ghép tội với bản cáo trạng: ông ta là Việt gian, rồi xử tử ông ta. Một năm sau khi đào cái hố chôn người ấy được đào lên để bà con tìm xác người thân. Bác Đẩu lại phải ra đi, bác không thể ở lại với xóm làng cùng những ám ảnh của cái hố đầy xác người ở phía trước nhà bác được, trâu, bò rồi cũng vì súng đạn mà chết hết. Đêm đêm bọn du kích về bảo bác phải gọi thằng Được con trai bác về để đi du kích, nếu nó không về có lẽ bác cũng không sống được với bọn hắn cháu ơi. Thôi thì bác phải ra đi, thằng Được con trai bác cũng học được lấy cái nghế và cũng đã kiếm được tiền để sinh sống nơi Dinh cháu ạ. Bác bán đôi trâu với giá rẻ mạt cho người cùng xóm. Bác nói: có rẻ đôi đồng cũng được, để những người ở lại họ có cái để kéo trước cái cày, chứ dắt đi như ông Nghĩa thì ruộng đồng hoang hóa hết cháu ạ. Cùng bác gái lên Dinh, bỏ lại sau lưng làng xóm, ruộng đồng mà do con người và bom đạn làm khô khan, tiêu điều hoang hóa. Bằng đồng tiền bán đôi trâu, bác thuê cho thằng Được một cái tiệm nho nhỏ sửa xe, kiếm sống qua ngày nơi thành phố, đợi ngày đất nước bình yên, gia đình bác trở về làng cũ. Trở về với đồng ruộng, với nương khoai…..chuộc lại đôi trâu hay tậu một đôi trâu mới…. Nhưng ở Dinh có được yên ổn đâu, cà-nông cũng dội về giữa ban ngày trong Thành Nội, trên đường phố, trong bệnh viện, giữa chợ đông. Rồi các đoàn xe từ chiến trường Quảng Trị lại mang về thành phố những con người: lính có, dân có; chết có, bị thương có, cả thân hình đầy máu me. Bác Đẩu đốt diếu thuốc lá đã cuốn sẵn, hít một hơi dài, đầu bác đang nhớ cảnh thanh bình của làng quê những mấy năm về trước, bác nghĩ về cái nơi bác sinh ra, cái nơi mà tổ tiên bác bao đời xây dựng và họ cũng yên nghỉ nơi ấy, nơi cái nồi khoai nóng hổi của vợ bác vừa nấu xong, nồi nước lá Mồng Năm thơm phức, nơi những buổi trưa hè dưới hàng tre xanh, những con chim cu đấu nhau bằng tiếng gáy. Nơi mà vợ bác thường đùm mo cơm với những con cá nục kho cùng những quả ớt xanh hái sau vườn, cho bác mỗi khi dắt đôi trâu ra đồng cày xới. Bác nói: Cháu ơi! rồi một ngày nào đó, bác cũng trở về làng thôi, chứ ở đây ngồi không thì chán lắm, bác đã quen việc ruộng vườn rồi, vả lại ngày xưa bác đâu có học hành gì để mà kiếm được một miếng ăn trong thành phố này. Sẽ về…bác sẽ về…. Tôi nói với bác: Rồi đây, khi yên bình người ta ai cũng trở về bác ạ. Chiến tranh mà, người ta phải cần lánh nạn, nhất là cuộc nội chiến này, ai cũng phải ra đi bác ơi! Không bao giờ có cuộc chiến tranh nào tốt đẹp cả, cũng như không bao giờ có một cuộc hòa bình nào xấu xa. Cháu thấy chiến tranh của đất nước mình như một bệnh dịch đậu mùa, kinh khủng nhất mà bất cứ con người nào dù ở bên này hay bên kia, chính kiến này hay chính kiến khác, ý thức hệ này hay ý thức hệ khác, từ lớp người trẻ thơ cho đến các cụ già, từ người có học hay kẻ vô học v.v…Ai ai cũng mắc phải bệnh dịch ấy, ai ai cũng để lại trên thân hình, trên khuôn mặt mình những lỗ sẹo to nhỏ, chằng chịt. Nó hủy diệt mọi cái khi nó đi qua: Quốc gia, Tôn giáo, Gia đình, Tuổi thơ, Hoài bảo, Ước mơ……..Một cuộc chiến tranh mà cháu thấy: Đó là một cuộc chiến tranh mà kẻ thắng cuộc hay thua cuộc chỉ là anh em ruột thịt, máu mũ mà thôi. Bác nói: Ừ nhĩ. Tại sao bác phải từ bỏ làng để ra đi nhĩ. Liệu sau này cháu, chắc của bác có hiểu cho bác hay chăng? Bác không thể đem chuyện mà bác lớn lên, đã chứng kiến cuộc chiến tranh ấy, kể lại với một đứa trẻ bây giờ không biết chiến tranh là gì, trừ những điều nó được biết qua truyền hình, qua sách vở do những thằng như Ba Cụt, Sáu Búa dạy dỗ mà thôi. Bác chỉ kể câu chuyện đó cho cháu nghe chỉ vì cháu là người chứng kiến cuộc chiến ấy từ khi còn nhỏ-Từ ngày ba cháu mất. Tôi nói: Không chỉ có một mình bác nghĩ về cuộc chiến tương tàn này, không chỉ có người bên này hay người bên kia nghĩ về nó. Mà: Một sự thật gây đau đớn nhất của cuộc chiến tranh ấy là: Cả nạn nhân và công cụ của nó đều là những con người riêng biệt, mặc dù cùng huyết thống, cùng màu da, cùng dân tộc và những con người riêng biệt này bị kết án bởi những thỏa thuận chính trị gớm guốc, để giết hoặc bị giết do các tranh chấp không liên quan gì đến họ, có chăng chỉ cái giường ruộng, bờ tre, con gà, khóm lúa……. Bác nói: Ừ! Cháu thấy đó. Giờ đây, những kẻ thắng cuộc hay thua cuộc, họ càng đau khổ hơn khi họ kinh hãi và nhận ra rằng: Cuộc chiến tranh ấy chẳng giải quyết được cái gì cả; rằng kẻ thắng cuộc chiến ấy cũng thảm khốc như người thua cuộc vậy. Như ông Tiêm ở làng bên, thoát ly vào những năm trước 1945, thế mà ông Tiệm em ruột của ông, ở nhà cũng do những người như Năm Ngật xử bắn, họ ghép vào tội Việt gian. Không biết liệu có cơ hội để ông Tiêm về lại quê hương không? Mà nếu có, ông ta sẻ nghĩ như thế nào về cái chết của em trai ông nhỉ? Bác thấy khi họ muốn sát hại ai, thì cứ việc đêm đêm về, bắt đi rồi nắm tờ giấy đọc cáo trạng, ghép tội Việt gian là xong, và chẳng ai biết được tờ giấy đó là giấy gì cả… Tôi nói: -Cũng như hai người bác đã mai táng cho họ vào cái hố đêm hôm ấy. Họ ở hai đầu của hai chiến tuyến, họ là thù địch với nhau. Song khi chết, họ cùng gào lên một tiếng “ự”, họ cùng lăn xuống một hố mồ, và cùng chết với một cái lưỡi lê. Phải không hở bác? -Người ta nghĩ mình là người có quyền lực của một ý tưởng và người ta giao cho kẻ dưới tay mình cây súng và lưỡi lê, và họ bảo chém đi, giết đi cho dù kẻ cầm súng đó không hiểu họ giết người đó để làm gì? Bác nói: -Cuộc chiến tranh của đất nước mình trong giai đoạn ấy đã để lại cho dân tộc mình cái gì? Phải chăng những đạo quân: Què quặt, Than khóc và Trộm cắp…mà thôi cháu ạ. Những cũ khoai “vồ” đã vào trong hai cái bụng của hai bác cháu tôi tự lúc nào, nồi nước lá Mồng Năm, thơm và mát cũng đã cạn khô. Trời đã qua cơn nắng rát, Bác Đẫu lại phải ra đồng. Còn tôi, lại về làng mình mang theo câu chuyện bác Đẩu kể, về cái rãnh ao đào lên, lấp xuống cùng những con người, rồi lại đào lên cũng những con người ấy, để rồi không lấp lại được. Và sẽ không bao giờ lấp được trong lòng của những ai từng chịu cảnh đau thương, mất mát, chia ly, tang tóc,……. Những năm tháng gần đây. Mỗi khi về thăm làng, cũng trên con đường này. Bác Đẩu đã về cõi vĩnh hằng, nhưng câu chuyện bác kể cho tôi nghe vẫn còn vang vọng mãi trong tôi, cái đường ao sát cạnh lũy tre xanh vẫn còn đó, chưa được lấp đầy, dòng nước của đường rãnh ao ấy mang một màu tím thẫm, không biết có phải do độ chua phèn quá cao của nước trong ao, hay màu tím thẫm của những giòng máu tuôn trào, vào cái đêm tăm tối ngày xưa ấy. May mà bác Đẫu đã về cõi vình hằng, chứ không bác sẻ hỏi tôi là: Làng của bọn thằng Năm Ngật, thằng Sáu Búa, thằng Ba Cụt…. Cháu còn có làng đâu để mà về hở cháu? Còn tôi sẻ hỏi lại bác Đẩu, bác có còn ruộng vườn nữa đâu mà giử lại đôi trâu?........ Ghi chú: - (1) các từ địa phương ở quê tôi thường dùng -Tên của các nhân vật trong truyện được đổi tên. (2) Dinh là tên quen gọi của thành phố Huế (3)-Đồng Di-Tây Hồ là hai tên làng thuộc tỉnh Thừa Thiên-huyện Phú Vang. Viết lại năm 1985 NHẬT THIỆN