hỉnh thoảng, một vài chiếc xe hơi, phần nhiều là hình cánh cam, mở hết tốc lực chạy trên con đường Bờ sông phăng phăng, đi trong thành phố mà như là trên những con đường thiên lý của những nơi đồng quê vắng vẻ. Mỗi khi nghe thấy tiếng còi dài nạt nộ, những chiếc xe tay đi từng hàng đôi một, trên có những cặp vợ chồng hoặc tình nhân người Tây phương, lại phải né tránh vào một bên đường.Trời rất đẹp, vào một buổi chiều mùa thu.Liêm giơ cổ tay lên xem đồng hồ: 6 giờ. Chàng đi đi lại lại trên thêm viện bảo tàng của trường Bác cổ Viễn Đông [1], hưởng cái sung sướng của một thiếu niên đương đợi ở chốn hẹn hò với người yêu, và cũng sốt ruột ghê gớm, những khi thấy đợi đã lâu quá. Chàng tự nhủ: “Tuy nhiên, ta cũng chỉ mới đợi có 15 phút mà thôi”. Chợt dãy đèn bật lên sáng quắc một lượt. Liêm thấy thoáng qua cái hình ảnh một sợi chỉ có ánh sáng bắc ngang lưng chừng trời. Chàng được vui lòng vì nhận thấy cái đồng hồ của mình rất đúng.Đi đi lại lại mãi cũng thấy mỏi chân, chàng bèn ngồi vào bức tường thấp, bên cạnh con kỳ lân bằng đá. Trước mắt chàng là một cái vườn hoa tam giác, rồi đến con đường Bờ sông với cái vẻ bát ngát của một phố rộng, mà bên trái là tòa nhà đồ sộ của Sở Thương chính [2], và bên phải, dãy đê cao lù lù của hữu ngạn Hồng Hà. Liêm đăm đăm trông thẳng phía trước mặt, hồi hộp mỗi khi thấy một chiếc xe cao su trên có một thiếu nữ ngồi mà lại thẳng tiến đến phía mình, rất buồn bực khi thấy chiếc xe ấy chạy thẳng xuống “Bát-toa” [3].Bỗng chàng nghĩ ra được cách giết thời giờ: đọc thư của người yêu. Thành thử cái thư ấy lại bị moi trong ví ra, một cái thư mà Liêm đã làm nát nhàu vì đọc đã hàng mấy chục lần.Anh Liêm yêu quý nhất đời của em.Nhận được thư anh, em cảm động lắm, thật là một sự bất ngờ. Vâng, anh đã muốn em trở nên bạn trăm năm của anh, em xin nhận lời. Em còn cần gì hơn nữa? Sự thực, em cũng đã yêu vụng giấu thầm anh trong bao nhiêu lâu! Bây giờ, được anh ngỏ ý ấy ra em sướng quá, thật hả lòng hả dạ. Vậy anh mau mau nói với bề trên thu xếp cho chúng ta.Kính bútQUỲNHCái thơ ấy tuy vắn tắt song cũng đủ ban được cho Liêm một cái hạnh phúc cực điểm. Thì ra Quỳnh cũng đã yêu vụng giấu thầm chàng trong bao nhiêu lâu! Thế mà Liêm không biết đấy!Xưa kia, Liêm vẫn không dám có tư tưởng chiếm lòng yêu của Quỳnh được một cách dễ dàng đến thế. Chàng vân có ý muốn hỏi Quỳnh làm vợ song vẫn sợ một sự từ chối nó khiến chàng phải bẽ bàng. Quỳnh có một số tiền vốn riêng khá to, một cửa hàng đắt khách, thạo đường buôn bán... Liêm thấy mình không có tư cách “đào mỏ” một tí nào cả. Chàng thấy bằng tú tài triết học với cái địa vị gần như thất nghiệp của mình chưa đủ là những điều kiện để hỏi được một người như Quỳnh, một thiếu nữ đã được một số người tặng cho cái mỹ hiệu là hoa khôi phố Hàng Gai. Liêm vẫn tưởng cái lý tưởng trong óc một hạng phụ nữ như Quỳnh là lấy một người chồng có học thức đã đành, nhưng lại phải có tiền, và có địa vị chắc chắn nữa. Vậy mà, với mảnh bằng tú tài triết học, Liêm chỉ trở thành một giáo sư tầm thường của một trường tư thục tuy đông học trò nhưng cũng đông cả thầy giáo nữa, một nơi tập trung của đủ những thứ văn bằng choáng lộn của những người mà danh tiếng đã to; Liêm kiếm được một chân dạy học mỗi tháng 20 giờ! Nghĩa là mỗi tháng Liêm được ba chục bạc lương, ấy là đã phải len lỏi vận động mãi!Cho nên, mãi đến bây giờ chàng cũng vẫn còn thấy cái sung sướng nguyên lành như vào lần đầu, khi chàng tự nhủ: “À! Ra Quỳnh cũng yêu ta đã lâu!”. Nhưng trò đời cái gì thái quá cũng hóa nhàm, cho dẫu là cái sung sướng. Đến bây giờ, ý nghĩ tự hào ấy sinh ra một tính của lòng người: tính tự ái, Liêm bỗng thấy sự Quỳnh yêu vụng dấu thầm mình chỉ là một sự rất thường mà thôi. Chàng thấy mình to lắm: có học thức, có nhân cách cao, có chức nghiệp, đủ cả! Chàng chép miệng cãi cọ với hạnh phúc sắp tàn trong lòng: “Ừ, thì cũng đến lấy mình là cùng, chứ còn muốn lấy Giời hay sao?”.Liêm lôi ví ra, cất thư vào, bỏ ví vào túi áo. Chàng đứng lên nhìn thẳng phía trước mặt, rất cảm động khi thấy một chiếc xe trên đó có Quỳnh. Chàng vội chạy đến như sửa soạn đón tiếp.Quỳnh trả tiền xe, xuống xe, sợ hãi nom hết phía trước đến phía sau. Liêm sung sướng vô cùng, khi chàng được yên trí rằng người yêu của mình có thể gọi là đẹp lắm. Đẹp lắm, thật thế! Y phục của Quỳnh bữa nay sang trọng một cách đứng đắn, phấn sáp đã kín đáo, trong dáng người, trong giọng nói, lại có một vẻ thanh tao...- Em xin lỗi anh, để anh phải đợi lâu quá.Câu nói ấy, Liêm nghe như một điệu âm nhạc, tiếng Em, tiếng Anh ở cái mồm xinh đẹp ấy có một thế lực cảm người như một danh từ lọc lõi trong câu thơ hay. Liêm không hiểu rằng đó chỉ là vì lần đầu trong đời những chàng được một người đàn bà nói một câu dịu dàng có tình tứ với mình. Chàng tươi cười đỡ lời:- Không, anh cũng chỉ mới phải đợi nửa giờ. Sao lâu thế, em?- À, em đi ra đầu phố, chẳng may gặp một người bạn cũ cứ đứng nói chuyện phiếm mãi, rứt không ra...- Thì sao không đi xe ngay từ nhà có hơn không?Quỳnh nghiêng mình nhìn Liêm, mỉm cười:- Sợ cô em nghe thấy mặc cả xe đi đâu, và sợ phụ xe nó biết nhà mình.- À, à! Kể ra em cũng tinh đấy!- Anh ơi, đi chơi đường nào bây giờ?- Em muốn đi đường nào? Rẽ qua nhà Hát Tây đi về phía trường Cao đẳng hay là đi thẳng xuống gần Lò Lợn, đằng nào cũng được.- Để đi con đường Bờ sông có lẽ vắng người hơn.- Phải đấy.Hai người rẽ về phía hữu. Lúc ấy trời đã tối hẳn. Trên mặt đường vắng vẻ, chỉ thỉnh thoảng mới có một chiếc xe hơi đi rất nhanh. Tuy cũng có loáng thoáng khách bộ hành song phần nhiều là dân que, phu phen, hàng rong tan chợ chiều, những người ở một giai cấp khác, không có hại gì đến cuộc tình duyên vụng trộm ấy. Tuy vậy, Quỳnh cũng vờ câm khăn tay lau má để che mặt mỗi khi có người tò mò muốn nhìn mặt nàng. Mà người nào cũng tò mò như người nào!- Anh ạ, nhỡ ai trông thấy thì chết!- Ở đây còn có ai quen thuộc mà sợ!Tuy Liêm đã nói thế, thỉnh thoảng Quỳnh cũng vẫn nhìn lại phía sau lưng. Đến quãng đường vắng lắm, Liêm đi sát vào người Quỳnh. Tay chàng nắm bàn tay người yêu. Chàng thấy bồi hồi một cách lạ, không hiểu sao chỉ mới cầm tay của Quỳnh thôi mà cũng đã sung sướng đến như thế. Chàng lại trông thấy rõ trước mặt cái bàn tay trắng nõn có năm ngón búp măng thuôn thuôn, cái bàn tay chàng đã nhìn kỹ nhiều lần, những khi chàng phải nói chuyện công việc gì nhưng mà vì thẹn nên không dám nhìn hẳn vào mặt Quỳnh. Chàng tự nhủ: “Người đẹp ấy bây giờ ở trong tay ta!”. Rồi chàng hưởng cả cái sự kiêu ngạo của cái ý nghĩ ấy.Có lẽ ngượng ngập, tự nhiên Quỳnh rút tay ra, nhìn lên nói tiếp:- Ồ! Vai anh cao hơn vai em gần một ngón tay!- Cố nhiên! Em mới có hai mươi hai, anh đã hai mươi bảy.Trước khi ra đi Liêm đã tưởng rằng sẽ có thể trút ra ngôn ngữ tất cả bao nhiêu tình cảm và cảm giác mạnh mà chàng đã sống qua từ khi bắt đầu yêu Quỳnh, lúc quả quyết viết thư, nỗi lo sợ ghê gớm trong mấy ngày đợi tin, bao nhiêu hạnh phúc khi được Quỳnh phúc đáp. Liêm đã tưởng dễ thường vài giờ đi đôi với nhau không thể đủ cho chàng nói chuyện ấy, ấy thế mà bây giờ, chàng chẳng biết nói gì cả thì có lạ không? Chỉ nói những câu không đâu vào đâu cả. Nghĩ vậy, Liêm lẳng lặng tìm tòi... Lúc ấy hai người đi đến chỗ có con đường đường rẽ xuống bến tàu thủy. Chợt Liêm hỏi:- Này Quỳnh nhỉ, em yêu anh từ bao giờ?- Từ khi gặp anh lần đầu là em đem lòng yêu ngay! Nghĩa là ngót một năm nay rồi.Ngạc nhiên quá, Liêm dừng hẳn lại:- Thế à! Sao anh không biết? Sao em không lộ một tý gì cả, trong ngót một năm nay? Sao em kín thế?Quỳnh phì cười:- Đàn bà ai lại như đàn ông!- Thế em có biết anh yêu em độ bao nhiêu lâu rồi không?- Độ hai tháng nay là cùng chứ gì!- Ồ! Đúng đấy! Sao em biết rõ thế?- Em biết từ ngày thấy anh có ý ghen với mấy chàng công tử khi anh trông thấy dáng điệu lố bịch của họ, và nghe thấy những lời chọc ghẹo em. Bữa ấy anh buồn bã lắm, chả buồn chuyện trò gì với cô chú em cả.- Đúng lắm, em ý tứ lắm, thông minh lắm.- Này, chết, tò khi anh nhận được thư em, anh cứ đến luôn, như thế lộ lắm đấy! Cô em bắt đầu nghi rồi đấy. Anh không cẩn thận thì hỏng.- Việc quái gì! Mợ ấy là người hiền lành. Vả, biết thì làm gì? Thì chúng ta cũng đến lấy nhau thì thôi chứ sao?- Không được! Anh phải giữ tiếng cho em chứ! Một đằng là cháu cô, một đằng là cháu cậu, không họ hàng gì với nhau cả, mà lại cứ hay nói chuyện với nhau thế, thiên hạ họ nói... Nhất là lúc cô chú em ở trong nhà thì anh lại càng không nên đứng lại ở cửa hàng. Từ nay trở đi, xin anh có ý tứ hơn nữa, chỉ nên nói với em những lúc trước mặt cậu mợ em mà thôi.Liêm phì cười:- Thế thì còn nói được câu gì nữa!- Anh Liêm, bao giờ anh mới thưa chuyện với thầy đẻ...?- Anh muốn nói lót với cậu mợ anh trước đã.Đó là Liêm nói dối. Sự thực, chàng đã tỏ tâm sự mình cho cha mẹ biết đã ba hôm nay rồi. Phụ thân của Liêm, một cụ phán già sắp hưu trí, vốn là người hiền lành, dễ dàng, thế nào cũng xong. Liêm là con trai thứ, vì đỗ tú tài nên càng được cụ quý mến lắm; vì cụ cho rằng người con cả, một người chỉ mở cửa hàng mũ, là tầm thường lắm, không để tiếng thơm cho gia đình như Liêm. Liêm nói xong bố gật đầu liền. Nhưng mẹ Liêm nghĩ khác. Bà mẹ bảo thủ gần như ác nghiệt này, tuy không chê bai gì Quỳnh nhưng mà không bằng lòng mẹ Quỳnh. Vì rằng mẹ Quỳnh, khi ngót bốn mươi tuổi, góa chồng, lại còn đi bước nữa. Cho nên bà mẹ Liêm đã nói: “Con để đẻ nghĩ vài ngày đã. Tuy cô ả thì cũng được cả người lẫn nết đấy, nhưng mẹ cô ấy quả thật không đáng mặt thông gia với nhà ta”. Liêm lúc ấy không bằng lòng lắm, đã toan cãi lại mẹ, những nghĩ rằng dùng lời ngon ngọt thì hơn, nên chàng kiên tâm vài hôm. Thấy mẹ chưa quyết cho mình, chàng cũng chưa dám nói với ông cậu họ mà Quỳnh phải gọi bằng chú.Quỳnh hỏi:- Sao anh không nói ngay đi có hơn không? Hay là nói với cô hơn... “Mợ” lại có vẻ quý mến anh hơn “cậu” nhiều.- Chưa tiện dịp đấy. Để tiện, anh nói ngay. Nếu xem chừng là mợ trả lời là có thể được thì bấy giờ người nhớn sẽ nói chuyện.Hai người lộn bước trở lại. Thỉnh thoảng Quỳnh lại hỏi giờ, làm cho Liêm cứ phải giơ cổ tay lên xem luôn. Chợt thấy phía trước có một cặp trai gái, Quỳnh hoảng hốt nói:- Chết! Có người anh ạ.- Thì mặc người ta chứ sao? Họ làm gì mình đâu, nhất là họ cũng lại là người như mình.Hai người im bặt, Quỳnh đưa khăn lên lau má. Chợt thấy Liêm cũng nhìn chòng chọc, rồi có tiếng chào:- Lạy thầy ạ!- Bonsoir! [4]Quỳnh quay lại nhìn. Cậu con trai độ 18, đi với cô con gái độ 13 mà đã áo tân thời cổ bánh bẻ trông rất đỗi trai lơ. Liêm hỏi người yêu:- Khiếp không? Học trò của anh đấy. Trẻ con bây giờ hư thật.- Chết đỗi! Rồi nó khinh thầy đi thì chết!Liêm đáp bằng một chuỗi cười. Quỳnh nói đùa:- Thôi thì thầy và trò cũng cùng... mất dạy cả!Liêm cãi:- Nó mất dạy chứ anh thì việc gì! Mình đã toan quay đi, nào ngờ nó còn chào để “giương vây” cũng có tình nhân với mình, và bắt mình phải chào lại để nhận cái tội cùng đi với gái mà gặp nó.- Anh có nhìn kỹ con bé không?- Thoáng thôi. Mới độ 14 tuổi ấy chứ gì! Em có nhìn không?- Chỉ độ 13 tuổi thôi. Cũng đẹp tệ. Ghê thật!Quỳnh nói thế mà chẳng biết cái việc mình đương làm cũng đáng gọi là “ghê thật”. Liêm thì cứ nói mãi những chuyện hư hỏng của thiếu niên, chẳng biết mình cũng hư hỏng, cũng là thiếu niên, Quỳnh hỏi lần thứ sáu:- Mấy giờ rồi anh?- Tám giờ kém năm.- Chết, thế thì về chỗ hẹn lúc nãy rồi để em thuê xe về thôi! Tối mai anh đến nhé!Liêm phì cười:- Thế mà lúc nãy em dặn anh ít lai vãng chứ!- Ừ nhỉ! Buổi chiều hôm nay anh đã đến rồi! Em quên.- Quỳnh ơi, em có yêu anh không?- Không yêu, mà lại thế này à?Hai người từ đấy cho đến lúc về cửa Viện Bảo tàng lại nhí nhảnh nói những chuyện trẻ con, những lời ngây ngô, ngớ ngẩn, lẩm cẩm, rồ dại, vô nghĩa lý, hão huyền, lố bịch, những chuyện, tóm lại một câu, mà nếu có một người thứ ba thì không thể nào người ấy cho là nghe lọt tai được.Chú thích:[1] Bây giờ là Viện Bảo tàng Lịch sử.[2] Nay là Viện Bảo tàng Cách mạng.[3] Lò lợn, gọi theo tiếng Pháp.[4] Chào buổi chiều, tiếng Pháp.