Chương 1

    
ồi chưa anh Thiêm làm?
- Chút xíu nữa.
Tôi khom lưng, hết lên gân tay, vặn cổ sợi mây song to bằng ngón chân cái. Sợi dây đánh vật với tôi như trăn với cọp. Nó vùng quẫy, trườn, nẩy ngược, quất vào sườn tôi đau điếng, rồi xoắn tròn và giẫy đành đạch. Tôi đạp chân trên lưng nó, lại vặn.
Chú Dé đến bên tôi, nói khàn khàn:
- Có du kích hai người, hỏi chỉ huy mình, gấp quá.
- Khoan, đợi đã.
Tôi mỏi rã hai tay rồi. Sợi mây chỉ cong lại một ít, không chịu nẻ dọc. Dé bật kêu:
- May lé ik đớp! (1)
- Cái gì?
- Không làm được, để tui!
Hai tiếng đại bác ngạt mũi trong mưa. Cặp đạn rít vo vo trên cao, biến mất, nổ xa. Mấy hôm nay địch bắn thưa thớt, chúng sợ hết đạn.
Tôi vừa ngừng vặn để thở phì một hơi. Dé đã giằng lấy sợi mây, kê nó trên một rễ cây, lượm hòn đá đập mươi cái cho thớ mây giập ra, xoắn cổ nó lại rất nhanh. Tôi đã từng làm kiểu ấy, nhưng vừa rồi ỷ sức quá hoá lẫn, kể cũng ngượng.
Dé buộc đầu dây vào gốc cây gạo. Tôi vành tay lên miệng, gào cho át tiếng nước đổ ầm ầm như mấy chục chiếc ô tô nổ máy tại chỗ:
- Căng dây ra! Căng dââây!
Chúng tôi hồi hộp nhìn tổ đầu tiên níu sợi mây lội qua thác. Hình như nó réo to hơn ban nãy. Anh em đã thu ngắn dây súng, treo ngang súng thật cao trên ngực. Áo quần đồ đạc gói cả vào tấm nhựa choàng, buộc túm vác một bên vai, lỡ tuột tay rơi gói xuống nước thì có thể chạy đón đầu vớt lại.
Đi đường núi, mỗi ngày năm mười lần băng suối lũ là chuyện thường. Nhưng cáu nhất là chúng tôi đang hành quân giữa đồng bằng Quảng Nam, song song với quốc lộ số Một, chỉ cách hơn mười cây số đường chim bay, mà phải mất nửa buổi để vượt một dải ruộng bậc thang kẹp giữa hai sườn đồi, cách nửa tháng chúng tôi cõng gạo qua đây còn thấy khô trắng, nẻ chân chim! Trận lụt quái quỉ đã biến quãng ruộng hẹp thành thác bùn đỏ bầm. Ban nãy tôi với chú Dé phải trút hết súng đạn, ba-lô, buộc dây dù vào bụng - mười khúc dây võng nối nhau - bơi nhào qua thác ở chỗ hẹp nhất, sau đó hì hụi kéo một đầu sợi mây song qua theo.
Tôi nhẹ người hẳn khi anh em lần lượt níu bụi mua sát mé nước, nhún chân bước lên gò. Việc đầu tiên là đặt gói xuống đất, rút ngay cái quần đùi quấn cổ mặc vào. Về đồng bằng, quân ta giữ tư thế cẩn thận lắm.
Dé trỏ ngón tay lên đầu dốc:
- Anh Thiêm đi gặp du kích. Tui qua nước, lấy đồ anh đồ tui. Du kích hai người, kia!
Tôi vuốt nước mưa tràn vào mắt, nhận ra hai cái bóng mờ mờ trong mưa, đứng im dưới cây dừa thấp. Tôi thấy lạ. Anh Năm Cẩn, chính trị viên, đã đem một tổ đi trước chúng tôi nửa ngày. Chắc hẳn anh qua đây lúc nước còn yếu nên để lại ám hiệu an toàn và đi thẳng vào xóm, tìm gặp xã đội. Nếu hai cậu đứng đấy là du kích Tam Trân được phái ra đón chúng tôi, sao họ cứ thập thò đằng xa? Cũng chẳng phải biệt kích, chúng nó sức mấy mà dám vuốt râu hùm? Coi điệu bộ kỳ lắm.
Tôi rút súng ngắn cầm tay - một đồng chí vừa đem cái nịt súng sang giùm- cho tiểu đội Một tản rộng, luồn giữa các bụi sim và mua, đi lên đồi. Nhiều trái pháo 105 liên tiếp xoáy mưa trên đầu, nổ phía đường ô-tô. Hai bóng kia vẫn đợi. Họ đội nón lá, trùm tấm nhựa xuống quá gối. Một người mang súng chúc nòng xuống đất. Tôi vạch lá, bước ra trước mặt họ, suýt kêu một tiếng "à". Hèn gì không dám xuống!
Họ là hai cô gái rất trẻ, lạ mặt, đang luống cuống gí ngón chân trên bùn, nhìn cắm xuống đất. Chú em trinh sát của tôi nói tiếng Kinh chưa sõi, đàn ông hay đàn bà đều gọi "người du kích" cho gọn. Tôi cười xí xoá:
- Xin lỗi nghen, tụi tôi dầm mưa ướt hết. Nhờ các đồng chí về báo xã đội anh em đang qua sông, à quên qua ruộng, chừng mười lăm phút nữa đi tiếp được.
Cô mang các-bin ngửng đầu, rụt rè:
- Chúng tôi... đội công tác Tam Sa, dưới kia...
Tôi không để ý, chỉ gọi tiểu đội Một dàn ra giữ mặt trước, rồi chào vội, bỏ đi. Cô kia bước theo mấy bước, nói hấp tấp:
- Báo cáo đồng chí, tụi tui ở Tam Sa, vùng bị chiếm...
- Đây là Tam Trân chớ?
- Nguy lắm anh à. Xã em... xã chúng tôi lụt ba thước nước, địch còn bắn ngày bắn đêm, bà con chết quá đi... Các anh làm sao xuống cứu giùm... tụi nó nhốt đồng bào trong ấp...
Tôi quay lại. Cô du kích Tam Sa nhìn tôi bằng cặp mắt đỏ, mí sưng dày. Đôi lông mày rậm đen giương cao, đợi câu trả lời. Hai cánh mũi phập phồng thở mạnh. Biết nói sao để cô hiểu bây giờ? Tôi gạt nước mưa trên mặt, lặp lại những câu đã nói nhiều lần khi qua các vùng bị ngập:
- Đồng chí hiểu cho tụi tôi phải đi xa lắm, gấp lắm. Phải như khi khác, tụi tôi nhào xuống cứu liền không đợi nhắc.
- Dạ, tôi cũng biết bộ đội phải lo đánh giặc, nhưng mà...
Một ánh chớp màu cam chợt loé trong màn mưa đục, bên phải tôi. Một tiếng "inh" rất sâu, rền dài, như trái bom tấn vừa nổ dưới mười thước đất. Đất quẫy rùng rùng. Cái gì vậy? Tôi sửng sốt ngó quanh, chợt thấy hòn Chò bên kia dải ruộng ngập có cái gì khác thường. Trái núi đang cựa mình. Đấy, rõ ràng nó cựa. Mấy thân cây cao in sọc trắng trên núi bắt đầu rung nhòe nét trên nền lá sẫm. Một đường ngoằn ngoèo màu đỏ tươi đang chạy từ đỉnh núi xuống chân, nở to rất nhanh, như luồng sét nào vừa đánh xuống và dính luôn vào sườn dốc. Một đường nứt nẻ. Núi đổ!
Bị nước lụt xói mãi vào chân, cả một mảng núi đang sụt xuống.
Sau tiếng nổ lớn, hòn Chò phát ra tiếp tiếng sấm đất, ban đầu nghe xa và bí hiểm, dần dần dội lên, rất to. Các thứ tiếng tách rời nhau mỗi lúc một rõ: lách cách, òng ọc, rắc rắc, rào rào, và từng loạt tiếng nổ râm ran như một tiểu đoàn đang bắn máy bay. Những khối đá to bằng cái nhà bắt đầu lăn, xô đẩy nhau, càng xuống thấp càng lao nhanh, chồm lên nhau như bầy trâu điên nhảy loạn. Một chùm tảng đá cỡ cái chum bị húc văng tốc lên trời, xoay tít, vẽ những đường cong đen trên mưa trắng, rơi bịch bịch; một hòn gieo xuống cách tôi chỉ một tầm ném lựu đạn, quẫy ào ào giữa các bụi mưa như heo rừng bị bắn gãy chân. Đá nhào trước, tiếp tới những cây to của mảng rừng cấm. Cây lăn ngang lông lốc một quãng, cành và rễ biến thành những bánh xe răng cưa lắp hai đầu thân, rồi lần lượt chuyển sang chuồi dọc theo dốc, chân xuống dưới. Tiếp đó, từ vết thương đỏ hỏn của núi, một dòng máu bầm lừ lừ tuôn ra, rất đặc, lan rộng, lổn nhổn những cây đá ngào trong đất lầy, với những hòn đá nhô màu trắng như bọt sủi. Trái núi bị quẩy lỏng thành thác bùn mênh mông đang chảy xuống!
Tôi đứng ngó trân trân, chợt thấy đầu nóng bỏng và chân tay lạnh sởn da gà. Rất may, mảng núi kia lở hướng khác. Nếu nó đổ xuống chỗ C.215 của tôi đang qua thác... Chúng tôi không thể nổ súng đánh bật lùi trung đoàn đá. Dù tìm được hố rãnh núp, chúng tôi cũng sẽ bị chôn dưới mấy thước bùn, cả đại đội biến mất không còn dấu vết, chao ôi! Núi còn sụt nữa. Phải vượt gấp quãng này. Tôi đâm đầu chạy xuống chỗ lội. Đằng sau tôi ai đó kêu to.
Anh em đã qua thác gần hết, đại đội trưởng Ba Tơ thắt nịt súng ngắn, hỏi:
- Gì như động đất vậy Thiêm?
Thì ra quả đồi này che khuất cảnh núi sụt. Tôi kể hối hả. Ba Tơ quay lại, hét gọi mấy tổ bên kia qua gấp. Nước lũ đang ngả dần sang màu đỏ tươi pha vàng - màu của lớp đất sâu mới bị quật lên - chảy nhanh vọt, chậm lại, rồi kêu ùng ục như nồi cháo sôi. Chúng tôi túm tay kéo hai đồng chí sang cuối cùng, họ không rút chân được nữa trong chất hồ đỏ sền sệt. Hú vía!
Ba Tơ cau mày, mặt còn tái:
- Hết sông ngăn tới núi cản. Đi như rùa bò, đây rồi xê mình mang tiếng gỡ không ra đó Thiêm... Đằng trước mau lên, rửa cái gì, lên đỉnh gò tập hợp!
Tôi mặc áo, choàng cái quần dài qua cổ, xốc ba-lô. Hai đầu gối còn hơi run, có lẽ vì cơn hoảng vừa rồi. Một cái tình huống chưa hề gặp, cũng chẳng nghe nói bao giờ. Anh Ba vẫn lắc đầu:
- Trễ hẹn mất Thiêm à. Tới ngày N, chắc tụi mình còn lội nước tận đâu đâu, tiếng bộc phá không tới lỗ tai.
- Mấy xê kia không chừng cũng mắc kẹt...
- Tụi thằng Long giữa mùa lụt cứ đi mỗi ngày hai trạm, không nhớ à?
Nhớ chứ, nhưng tôi không muốn anh sốt ruột thêm. Tôi buộc tấm choàng trùm trên mũ tai bèo, thắt múi sau gáy, khom lưng leo dốc lần nữa. Hai cô gái trên đầu dốc đã biến mất. Hình như ban nãy cô đeo các-bin gọi với theo tôi mấy tiếng thất thanh, rất tội, nhưng giờ thì đâu mà phân bua. Cái lý do đang nằm to tướng sau lưng tôi kia: dòng thác biến thành thung lũng lầy đang nở nhanh, cây gạo đứng chỗ mé nước hồi nãy đã ngập tới nửa thân, còn chưa hết ngập.
°
Chỉ có ba chúng tôi trong ban chỉ huy được biết ngày và nơi hội quân, nhưng mối lo trễ hẹn cứ day dứt từ đại đội trưởng Ba Tơ đến chú Dé em cưng mới nhập ngũ. Lính xê mình rất tài coi tướng cán bộ.
Sau bốn trận thắng khá ngon ở Quảng - Đà, tiểu đoàn chúng tôi được điều vào Quảng Ngãi theo trung đoàn đã vào trước. Sắp làm ăn to đây. Năm Cẩn đi nhận lệnh, về cười khà:
- Trung đoàn cưng lính thiệt chớ. Các ảnh cử phái viên ra, sắp đặt cho tụi mình vừa đi vừa nghỉ xả hơi, ăn uống bảnh, tới đất Sơn Tịnh là choảng được liền.
Đời lính mang nặng đi dài, chẳng mấy khi được đi một chuyến hành quân thoải mái như kỳ này. Chúng tôi sẽ đi mỗi ngày một trạm ngắn, nhiều nhất chỉ năm tiếng đồng hồ, toàn ban ngày, ngoài tầm pháo địch. Ba ngày đi, một ngày nghỉ. Hậu cần làm ăn rất cừ, đã đặt ở mỗi trạm nghỉ một chú trâu hay bò đang vỗ béo bên cạnh một rẫy sắn cỡ sư đoàn. Gạo tăng vọt lên "lon quan ba"(2). Cậu Châu, phái viên hậu cần, mọi khi tới đơn vị thường méo mặt kể khó khăn, nay rung đùi thả cửa. Cậu ta khoe tài xoay sở mãi đến nỗi anh Ba Tơ phải chặn: "Thôi được, mày cứ đi với tụi tao làm con tin. Hễ thiếu trâu, tao xẻ mày tao nướng". Tay Châu này tính cởi mở, xốc vác, rủi bị mấy lần hứa hão nên bị gọi là "ông trâu giấy". Bị trám miệng, cậu không bực, chỉ rút dao xếp ra liếc trên bàn tay: "Keo này được ăn trâu mập, đứa nào còn nhắc tới trâu giấy là tao xin khúc lưỡi!"
Quân đi được vài ngày, ông trời bắt đầu phá đám. Mây kéo lên, căng trên đầu chúng tôi một lớp bong bóng heo đều màu. Mưa tuôn xuống, mới đầu là thứ mưa phùn rây bột làm mát người mát đất. Lính ta rất khoái. Mưa vuốt dịu đợt nắng cuối mùa. Mưa làm tàu bay mù mắt, tới trạm mặc sức đốt lửa ban ngày mà lùi sắn, nướng thịt trâu, pha chè rừng nhấm nháp.
Giọt nước qua mỗi ngày đêm lại nở ra một chút, dày thêm một chút. Những đợt tạnh rút ngắn lại, biến hẳn, mưa chiếm hết trời đất. Mỗi lần sốt ruột ngửng lên nhìn trời, chúng tôi chỉ thấy những chấm bụi li ti từ nền mây đục kia tuôn xuống, chen chúc như trẻ con vừa chạy vừa nghịch huých nhau, to dần, khi rơi bộp trên mặt thì bằng hạt đậu đen. Vất vả rồi. Vắt kéo ra đón đường như tằm ăn rỗi. Quảng nhựa leo dốc, mồ hôi tuôn đầm đìa khắp người, hơi nóng bốc lên mặt hầm hập. Áo quần chịu để thối hoắc, không giặt phơi được. Củi ướt, đất ướt, cơm hết sống lại nhão. Chân bị nước ăn, ban đầu chỉ ngứa rát ở các kẽ ngón, sau cả bàn chân bị nẻ da rỉ máu, nhúng xuống nước đau nhói tận óc.
Rồi những cái phiền vặt đó không đáng kể nữa, khi trước mặt chúng tôi mọi chỗ trũng đều biến thành suối, suối thành sông, sông thành cửa biển. Cầu lớn cầu nhỏ kéo nhau về biển Đông hết sạch. Chúng tôi đi bằng cặp chân lội bùn, sau thêm cây gậy, rồi ghép thêm hai tay níu hoặc bò, thêm phao ni-lông độn áo quần và nhồi lá cho phình to đủ sức cõng trung liên. Mỗi ngày năm bảy lần chúng tôi lặn mò súng chìm, chạy dọc thác vớt ba-lô, có khi phải nhào theo các cậu trượt chân bị nước cuốn. Những luồng “nước cống”, mà chỉ khe suối trên núi mới có, hay gầm rống thốc xuống như máy bay chúi, trong chớp mắt biến chỗ lội cạn thành cái thác dữ cắt nghiến đơn vị làm đôi, và chúng tôi đành đứng hai bên bờ nhìn nhau, đợi vài giờ cho nước vợi bớt.
Cán bộ cũng ngấm nước mưa bợt người và uống đầy bụng nước lũ như anh em, nhưng cứ bị lửa đốt trong ngực: chậm nhất ngày 14-11-1964 phải có mặt tại Sơn Tịnh, sẵn sàng nổ súng. Bộ đội đi từ mờ đất đến nhọ mặt người. Chưa đủ. Năm đội mở đường được phóng lên trước, gồm các “chuyên gia cầu treo”, “chuyên gia cắt rừng”, “chuyên gia dò thác”. Vẫn mất hai ngày đêm để vượt một trạm ngắn.
Tiểu đoàn đành bỏ đường núi. Từng đại đội tách ra, toả xuống đồng bằng, chia nhiều ngả vào Quảng Ngãi. Anh tiểu đoàn trưởng cười cười, vạch cho C.125 của tôi một nét bút chì trên bản đồ:
- Các cậu đánh tao ngộ khá, cho ăn nhậu vùng thấp nhứt, tươi không?
Nét bút, vẽ rất nhạt để sau dễ tẩy, lách qua gần chợ Cẩm Khê, chợ Cây Sanh. Phải đi sát hông sáu đồn to bót nhỏ, cả chục ấp chiến lược, dễ đụng giặc lắm, mà đụng ắt ngứa tay muốn choảng. Anh tiểu đoàn trưởng lấy cuốn sổ trên tay tôi, viết luôn mấy chữ thật to: "Nhớ ba yêu cầu: bí mật, đúng hẹn, đủ quân số võ khí". Anh trả tôi cuốn sổ, vẫn cười:
- Mình gửi mấy chữ cho Ba Tơ. Ông bạn cố tri của mình nóng mũi một cây, cậu phải can không cho hắn đánh ẩu dọc đường, nhớ chưa?
Đại đội tôi đi nhanh hẳn lên sau khi rẽ cương. Chính trị viên Cẩn là cán bộ lâu năm của Quảng Nam, tới xóm nào cũng "đụng đầu người quen cộp cộp", nên chúng tôi có sẵn đò chực bến sông, du kích dẫn đường, các mẹ lo giùm cơm ăn cơm gói. Địch mắc mưa nằm co trong đồn, bắn pháo hà tiện, máy bay chỉ quần đảo mé trên lớp kính đục che trời. Chúng tôi dấn tới, bù được mấy ngày chậm trên núi, mừng rơn. Rồi nước lại dâng. Con lũ xuống núi đuổi theo chúng tôi, dai và ác như đỉa voi. Đất Tiên Phước lùi về phía sau. Đồng bằng Tam Kỳ đón chúng tôi bằng tiếng trống mõ báo động dội râm ran trên vùng nước trắng băng. Chúng tôi đổ xô vào cứu lụt một, hai, ba lần, đã trễ càng trễ thêm, vừa đi vừa chạy cũng không kịp. Nhiều anh em gục lả. Cơn lũ đã đến trước, chặn đầu những người lính sốt rét đến lập cập lảo đảo, mắt sâu và má hóp, tay rớt da, bàn chân rỉ máu, nhưng vẫn khiêng theo tất cả các đồng chí ốm, lội nước thâu đêm về hướng chiến dịch.
Ba Tơ phà một luồng khói rất đặc, nhắm mắt, nói lúng búng: "Chà, đã thèm...". Bộ mặt to ngang và sần sùi biến trong khói. Theo thói quen, anh hoa hoa điếu thuốc trước mặt, ai cần thì đón lấy rít vài khói, nếu không anh lại hút tiếp. Nhưng chúng tôi có đủ mỗi người một điếu thuốc rê cỡ bự trên tay.
Năm Cẩn đón anh em lúc sẩm tối ở thôn Sáu xã Tam Trân, gọi tắt là Sáu Trân nghe hệt tên người. Anh mua nửa con bò chết đuối và gạ vay được lúa đảm phụ giải phóng, nhờ bà con sấy và xay giã gấp, đất cũ người quen có khác. Chúng tôi đánh một chầu cháo bò nhiều hành, nêm nước mắm nhứt, ăn vào tới đâu biết tới đó. Nước mưa ngấm da bị đẩy ra từng giọt to, tôi trút được tới vài ca mồ hôi, người nhẹ thênh. Lập tức nửa đại đội được chọn đi cứu lụt ở hai thôn gần, hẹn bốn tiếng phải về để kịp lên đường lúc gà gáy đầu. Chi ủy họp gấp trong căn nhà tranh của chị xã đội trưởng Tam Trân, ngồi trên những bó lúa can sớm gặt dưới mưa còn xếp đống to giữa nhà, chảy nước ra nền lênh láng. Vùng này kịp gặt xong cả, rất may.
Hồi chiều anh Bảy quai nón, bí thư huyện Tam Kỳ, đã tìm gặp Năm Cẩn, nhờ bộ đội góp sức cứu lụt vài hôm, nhất là cứu đồng bào bị giam trong các ấp chiến lược dọc đường Một. Số người chết đến sáng nay đã ngót bốn trăm, còn tăng nữa, nước cứ lên không ngừng. Trong chuỗi tên của các ấp bị nặng nhất, tôi nghe có làng Cả thuộc Tam Sa. Cô du kích Tam Sa có đôi mắt sưng, chỉ kịp nói vài câu ấp úng...
Ba Tơ hơi gắt:
- Kéo xuống tận đường Một... Mình ăn cơm Tam Kỳ mòn răng đây nè. Mỗi lần đi gấp qua đây, cứ phải úp mũ giấu mặt, không thì bà con túm áo níu lại, bắt ghé ăn gà uống rượu suốt ngày. Năm Cẩn cũng vậy, phải chưa? Thử hỏi xê mình đứa nào mấy bữa nay khỏi sốt ruột sốt gan?
Không ai cải, nhưng anh sừng sộ to hơn:
- Các cha nhớ đó, hồi nào trực thăng nó chụp xuống đầu làng, cả xê mình xách súng chạy ra rừng, bị bà con chửi cho rát mặt. Tới khi hốt được cái Gò Sậy, dắt tù binh về một xâu, các mẹ mới nấu cơm cho ăn. Bây giờ cũng vậy. Cứ đậy mo lên mặt mà đi, nhồi đất sét vô lỗ tai mà đi...
Các đồng chí đưa mắt cho nhau qua ánh đèn dầu lù mù, thở dài, chép miệng. Mỗi người đang bị giằng xé rất đau, và hơn cả vẫn là Ba Tơ, tôi biết. Những tin xóm trôi người chết xóc mãi vào anh cán bộ huyện đội Tam Kỳ năm xưa, gãy trong thịt như gai xương rồng. Anh cáu kỉnh giục bộ đội đi gấp nữa, anh cãi nhau với mình, tự thúc mình đấy thôi. Những lời oán trách của cán bộ và đồng bào sẽ trút xuống đầu anh trước hết. "Thằng Ba Tơ dẫn đại đội nó đi thẳng một hơi, bà con chết lụt nó không thèm ngó. Thà rằng ai đâu xa lạ, chớ nó ăn dầm nằm dề đất Tam Kỳ..."
Chúng tôi lật đi lật lại các công thức gỡ bí, nhưng chính người đưa kế ra cũng biết rõ mình đang tự dối mình. Gãy hết. Một cuộc họp bị tắc tị, buốt ruột.
- Đại đội ở lại một ngày hai đêm, sau đó đi hoả tốc; anh em đã đuối càng kiệt sức hơn, số lên cơn sốt rét tăng vọt, đến nơi làm sao đủ sức đánh dài ngày?
- Chọn để lại một trung đội khoẻ mạnh, cứu lụt vài ngày, xong đuổi theo đơn vị?
Ý này của tôi, và tôi muốn lãnh trung đội ấy. Tôi còn khỏe, bơi khá. Nhưng ai sẽ vác súng cối, khiêng người ốm, gánh đạn và gạo đi trước?
- Cho người chạy hoả tốc tìm gặp ban chỉ huy tiểu đoàn xin ở lại cả đại đội? Tiểu đoàn đi trước khá xa. Chúng tôi không có tàu bay, máy điện tín. Đường bộ ngập lênh láng, xe đạp tắc. Đường sông không có. Vài người chạy bộ vào tới địa đầu Quảng Ngãi rồi trở ra, nước lụt đủ thì giờ về biển hết. Vả lại ngày hẹn là do trung đoàn hay cấp trên nữa qui định...
Chi ủy tính nát nước. Mỗi lúc chúng tôi lặng im, tiếng trống mõ từ phía Đông lại bay tới lao xao, chen những loạt cối to cối nhỏ, những tràng súng máy từ các đồn trên cao xả xuống chỗ nào có đốm sáng. Chạy lụt trong đêm mưa phải có đèn. Tôi nhìn cái đèn pin nhựa Vasa thò đầu ra khỏi túi dết của Năm Cẩn, thoáng rùng mình. Thứ đèn này bán khắp nơi, đầu bằng nhựa trong, rọi xuống đất vẫn lộ một cục sáng trắng to sù...Địch đã bắn nhào bao nhiêu bà con soi đèn chạy lụt đêm nay?
Năm Cẩn thì thào một điều chúng tôi đã biết:
- Vùng giải phóng ở mé trên này, cao hơn, ngập lác đác từng chỗ còn dễ cứu. Dưới kia khó, anh Bảy mới năn nỉ nhờ tụi mình...
Câu nói đông lại trong cổ anh. Anh rướn cổ, nuốt mạnh hai lần, nín luôn. Rõ quá rồi. Tiếng mõ và tiếng súng thay anh kể tiếp. Địch nhốt đồng bào vào các ấp chiến lược quanh chân đồn, chỗ thấp, sát họng súng, rào thép gai và mìn vây kín, cổng ấp khoá cứng. Sẽ còn ai sống sót không để tả lại cảnh địa ngục đang hiện hình dưới kia: nước dâng réo ầm ào trong đêm đen kịt, hàng ngàn con người rú thét chạy loạn, mìn nổ tới tấp dưới chân đạp, đạn giặc quét vung vãi xuống đầu, trời đất ơi! Một đồng chí bước vội ra hè, không kịp nén tiếng nấc. Anh Ba Tơ nhìn tôi trừng trừng, bàn tay anh đang nắm lặng lẽ bật lên một ngón, hai ngón. Anh hất hàm. Tôi lắc đầu. Năm Cẩn thở dài. Ba chúng tôi đều biết không thể trễ hẹn, dù chỉ vài ngày. Đến trễ là phạm kỷ luật chiến trường, là trốn chiến đấu, là đào ngũ, là làm cho trung đoàn bị què cụt, là phá vỡ cuộc tiến công rập ràng. Chúng tôi có vô khối lý do để khỏi bị trách phạt. Nhưng người đảng viên trong mỗi chúng tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho mình, chưa nói đến cả chi bộ, chi đoàn, cả xê mình sẽ cảm thấy lần đầu mang nhục...
- Thôi giải tán. Còn ba tiếng nữa, rán ngủ.
Ba Tơ nói khẽ như báo tin thất trận.
Chúng tôi treo võng dồn vào một đầu nhà. Bên kia đống lúa chưa đập, ba đứa con chị Bỉnh chủ nhà ôm nhau ngáy trên bộ ván kê sát đất, mẹ chúng đang chạy góp người góp gạo cứu lụt. Năm Cẩn viết vội mấy chữ gửi anh Bảy quai nón - lại phải phân trần. Thêm một mớ đạn 105 chừng mười hai trái nữa hú dài, chớp lửa gần, rung đất dưới chân tôi. Ba Tơ đang ngồi, co chân lên bôi thuốc đỏ vào các kẽ ngón, ngửng đầu. Mắt anh có đốm lửa.
- Thiêm à, tao muốn ăn non một cú quá, mày!
- Cú sao đó?
- Pháo kích. Sơ sơ một chục trái cối sáu mươi, thả vô chỗ hai trăm lẻ năm của tụi Chóp Chài. Cũng nhẹ vai anh em chút đỉnh. Tụi nó nghi bộ đội huyện, biết sao được chủ lực đánh lẻ...
Tôi rút cuốn sổ tay, giơ cho anh xem lại mấy chữ của tiểu đoàn trưởng ghi. Đây là lần thứ ba anh nóng mũi. Anh "hự" trong mũi, thả phịch đôi vai to bè bè xuống võng, kéo tấm đắp lên trùm đầu, không cựa quậy nữa. Tôi khoác tấm nhựa, lê chân đau nhức đi gặp các trung đội. Anh em cứu lụt đã lục đục về gần đủ. Quay lại nhà chị Bỉnh, tôi chỉ còn đủ sức nhấc hai chân đầy bùn đặt lên võng.
°
Khi lịm nhanh như hòn đá rớt xuống ao, trong tai tôi vẫn xoáy tròn tiếng trống mõ của vùng dưới. Tôi giật mình thức giấc có lẽ vì cái tiếng nhoi nhói ấy biến mất. Đúng, nó dứt rồi. Chỉ còn mưa tuôn sùi sụt, chuột kêu trên mái, vài loạt súng lạc lõng. Nước rút, hết báo động. May quá... Tôi nghĩ chập chờn bấy nhiêu, đã thấy cái đầu đặc sệt lại buồn ngủ đến nhũn người. Giọng phụ nữ nói khẽ, nói to, nói khẽ. Giọng quen quen. Của ai? Đến giờ báo thức chưa nhỉ? Lỡ cậu gác ngủ quên... Tôi cố mở cặp mi mắt đè nặng như chì, xoay cổ tay xem mặt đồng hồ lân tinh dưới tấm đắp. Mới gần hai giờ sáng. Hai rưỡi dậy, ba giờ ra đi. Vẫn cái giọng quen quen bên kia đống lúa, cạnh bếp. Tôi hé tấm dù nhìn sang.
Chị Bỉnh xã đội trưởng Tam Trân đang chất thêm củi vào bếp. Hai cô gái nữa ngồi sưởi. Cả ba đều ướt sũng, quần vo quá gối. Một cô nói rụt rè:
- Thôi chị, ngập lụt khó đi củi...
Cô rút bớt mấy thanh đang cháy. Ngọn lửa soi một khuôn mặt hơi hóp, có đôi lông mày rậm đen như mày đàn ông, nhưng uốn cong đều nên trông vẫn dịu. Người cũng gầy, cái nịt đạn Mỹ bó ngang eo lưng mảnh dẻ trông to bản hẳn ra. Cô du kích Tam Sa ban chiều đây rồi.
- Em về, chị.
Chị Bỉnh gạt phắt:
- Tầm bậy! Đạn chê thì nước cũng nuốt mày, đợi sáng đã!
- Em về. Mai chị cứ cho số anh em đó xuống thẳng gò Trúc, em đón...
- Mày điên hả Mẫn? Bộ cả chi ủy có một mình mày biết lo thôi à? Đưa súng đây!
Chị giằng cây các-bin băng cong trên tay Mẫn, dựng trái vào góc phên, nhắc cái đòn kê đến ngồi bên Mẫn, quàng tay ngang vai Mẫn. Chị to gấp đôi Mẫn, trông như mẹ bên con. Mẫn úp mặt trên đầu gối. Chị Bỉnh ghé tai Mẫn thì thào hồi lâu, tôi không nghe được. Cũng chẳng đẹp đẽ gì cái lối nghe trộm, nhưng tôi biết họ chỉ nói chuyện cứu lụt nên cứ lắng tai. Chợt Mẫn thổn thức hơi to:
- Không phải đâu chị!
- Còn ngập thì còn đánh mõ la làng chớ, đây im xo hết...
- Chết sạch trơn rồi, lấy ai nữa mà báo động!
Một luồng lạnh buốt giội từ đầu xuống chân tôi. Tại sao tôi không đoán ra cái điều dữ dội mà rất đơn giản ấy? Nước rút sao được dưới trời mưa không dứt hạt? Tôi run tay bíu vào mép võng, muốn chồm dậy, muốn kêu to rằng bộ đội sẽ đi ngay bây giờ. Nhưng tôi không hất nổi tảng đá đè trên ngực. Tôi phải ỳ ra như cái bị thịt. Áo quần biến thành tôn lạnh bó cứng chân tay, và dọc lưng tôi luồng lạnh ban đầu cứ đọng lại mãi, như nước chảy theo dây võng đã ngấm ướt nửa người bên dưới. Nằm im đấy, bịt tai, nhắm mắt, rồi cuốn gói đi trước sáng. Nhắc lại với cô du kích kia những lời phân trần xoắn xuýt để làm gì, trong khi bà con mắc lụt cần tay giúp hơn cần mồm mép!
Chị Bỉnh hất hàm về phía bốn cái võng của chúng tôi:
- Hồi chiều mày gặp ai?
- Anh gì còn trẻ, trắng trắng, cao, bộ tướng như học trò thành phố, nói giọng tỉnh trong...
- À, anh Thiêm, Tư Thiêm đại đội phó. Sao?
- Ảnh mới nghe thấy tiếng đã phủi như phủi tàu lửa. Em nghe nói có chú Ba Tơ, chú Năm Cẩn, tính hỏi thăm mà ảnh đâm đầu chạy mất. Coi người như rác!
Tôi điếng người. Rất, may chị Bỉnh nói giúp:
- Tay Thiêm đó tao biết, cũng tốt nết lắm. Cả đại đội bị bết xà lết mà phải đi thí xác, coi thiệt thương. Hồi tối chi ủy họp ở đây, tính chuyện cứu lụt, bàn riết rồi chịu bó tay, anh Cẩn nói vậy. Gà gáy đầu họ đi rồi. Đừng oán, tội anh em.
- Oán ai đâu. Chỉ ghét cái người làm bộ làm tịch. Thôi em về, dứt khoát. Dậy, Liềm!
Mẫn lay cô gái thứ hai nãy giờ ngồi dựa phên, ngoẹo đầu ngủ say. Liềm mới trạc mười lăm, gầy nhom, da nâu. Chị Bỉnh thở dài, nhấc thử cái bao bột mì to đặt trên ghế đẩu, chép miệng không nói. Dưới vải gồ lên những quả gì tròn, bằng trái cam, có lẽ là cơm cứu đói. Mẫn luồn hai tay ra sau, gạt rất gọn những thứ đeo trên thắt lưng ra trước bụng: mấy băng các-bin ngắn, hai lựu đạn mỏ vịt, một cái võng xi-ta xếp nhỏ. Xem cái dáng quen thạo của Mẫn, tôi biết cô này đã đeo súng nhiều năm, không phải mượn súng người khác đem theo giữ mình. Mẫn khoác hai quai bao cơm vào vai, chống tay trên gối, mím môi cố đứng dậy. Liềm đưa súng, choàng cho Mẫn tấm nhựa rách mấy chỗ. Vừa nhích vào bước, Mẫn lảo đảo vịn cây cột, tay run. Chị Bỉnh vội đỡ cái bao to gấp bốn vòng bụng Mẫn, gắt:
- Bỏ ra, mày bôn(3) thì đi trước, lát nữa tụi tao đem cơm xuống!
Mẫn hít mấy hơi dài, ngửng lên, gạy tay chị:
- Em ngồi lâu, đứng dậy... hoa mắt chút thôi.
Mẫn cười nhợt nhạt, trao các-bin cho Liềm, níu cửa bước ra chầm chậm. Chị Bỉnh lắc đầu, cầm đèn ra thềm. Bên ngoài tấm rèm mưa buông từ mái tranh, chỉ có một khối đen đặc của trời và đất nối liền nhau bằng những cuộn chỉ trắng tuôn hoài không dứt đoạn. Quãng ruộng ngập trước nhà, hồi mới tối còn chảy im lặng, giờ đã réo lên tiếng thác ồ ồ trong đêm, đầy đe doạ.
°
Từ mé trên, một lệnh ngắn chạy dọc hàng quân:
- Dừng lại, nghỉ chỗ khuất. Mời anh Thiêm lên.
Lại gặp một con sông nào đó mới ra đời trong lụt! Tôi đưa trả cây trung liên cho cậu Kỷ, vòng lên, lội lõm bõm dọc các bờ ruộng bậc thang đã biến thành vô số đập nước tràn, tránh một chỗ bờ bị xói sâu hoắm, chợt thấy một người đang hoa tay nói gì giữa trung đội Hai. À "ông trâu giấy". Có tin mới đây rồi!
Tay Châu nhác thấy tôi, vội kêu:
- Giật gân, gay cấn, ai yếu tim bịt tai đừng nghe!
- Trâu bứt mũi chạy ra rừng hả?
- Tào lao, Bác Hưng đánh rồi. Hốt trụi một lính dù chánh hiệu rằn ri, cha chả, đang vây đồn mần nữa. Cắt tiểu đoàn cậu ở lại Quảng Nam cứu lụt mươi ngày. Gởi tặng mỗi xê một đài chiến lợi phẩm mới tinh hảo, xê cậu được một Xô-ni. Đã đời chưa? Hơn ăn trâu mập chưa?
Anh em cười rộ. Vui thắng trận có, mà mừng được cứu lụt chắc là phần nhiều. Những đôi mắt hõm vụt tươi lên. Tôi cười theo. Hình như tôi vừa hất khỏi vai một khúc gỗ sém nặng ghê gớm trong những ngày khiêng cây dọn rẫy. Riêng anh Ba Tơ không cười. Anh lẳng lặng kéo tôi đi lách lên trước. Chính trị viên tiểu đoàn đón chúng tôi giao việc mới. Ba Tơ liếm một giọt mưa đậu trên mép, đặng hắng, hỏi ngập ngừng:
- Diệt tụi dù... gọn không?
- Cũng khá. Sẩy đâu bốn chục thằng đuôi.
- Mình bị bao nhiêu?
- Mất ba, bị thương tám. Đánh dưới mưa đỡ bớt cái tàu bay. Tù binh một trăm hai, chạy gạo cho nó ăn mệt đừ.
Đến lúc này những nét đăm chiêu trên mặt Ba Tơ mới giãn ra. Anh gật gật, cười, những giọt nước đọng trong râu rớt xuống. Trung đoàn không vì chúng tôi vắng mặt mà gặp khó, vẫn đánh ngon. Tôi thầm ngượng vì trót vui quá sớm và ồn ào khi được lệnh mới. Thân này ví xẻ làm đôi được...
Chính trị viên ngồi xổm, cầm que vạch sơ đồ trên mặt bùn, nói vội:
- Sáng nay nước lên non một thước nữa, nguy to, tràn lan hết. Mình đi trên sườn núi, ngó xuống phía Tam Sa, Tam Lộc, thấy lút ngọn tre mất rồi. Ba Tơ à, cậu là thổ công hà bá đất này, lãnh luôn cánh nam Tam Kỳ đi. Vùng giải phóng bị nhẹ, tự lực thôi, cậu đem quân nhào xuống mé đường Một mà cứu. Địch bắn thì kêu loa cảnh báo gắt, cực chẳng đã mới nổ súng. Có điều nhứt thiết phải để dành một trung đội nắm trong tay, phòng càn. Hễ ngớt mưa là trực thăng chụp xuống lập tức, nó tuyên bố mượn sư đoàn nước diệt hết Việt cộng rồi đó, mẹ nội nó chớ diệt!
Năm phút sau, C.215 quay ngược chiều, sải chân trở lại Sáu Trận. Ban chỉ huy vừa đi vừa bàn. Năm Cẩn bị buộc phải nắm trung đội "ứng viên" vì đau dạ dày. Tôi giành đi Tam Sa. Cái tên ấy được nhắc đi nhắc lại mãi, thôi thúc quá. Tôi còn mắc nợ riêng cô du kích Tam Sa có đôi mắt đàn ông. Những bà con đang chới với trên mái nhà sắp bị nước cuốn, nếu nghe Mẫn nói tới anh bộ đội nào đó "coi người như rác"... Tôi sởn gai trên mặt. Một phút vô ý, không, chỉ vài giây thôi, nhưng vô ý đối với một người đang khổ đến cùng cực...
Tôi treo cái máy thu thanh Nhật mới nhận trên cổ, vặn nút. Chưa tới giờ đài Giải phóng. Tôi tìm Hà Nội, khoảng một ngàn ki-lô-xích. Đây rồi. Một cô gái Bắc đang đọc tin chậm, tiếng cô chao đi chao lại theo nhịp chân.
... Theo tin nước ngoài, phẩy, đã có ít nhất năm nghìn người chết, phẩy, hai triệu người không còn nhà ở, chấm. Nhiều làng đã biến mất không còn dấu vết, chấm...
Một tiếng cộc lốc bật đằng sau tôi:
-Mở to nữa!
Riêng tỉnh Quảng Tín, phẩy, tức Nam Quảng Nam, phẩy, đã có tám mươi phần trăm số nhà cửa bị sập và trôi, chấm. Trong khi ấy, phẩy, bè lũ Mỹ-ngụy vẫn đẩy mạnh càn quét bắn phá vùng giải phóng cũng như vùng chúng tạm kiểm soát, chấm. Hãng thông tin Mỹ A.P thú nhận, hai chấm, mở ngoặc kép, quân đội chính phủ, mở ngoặc đơn, tức Mỹ-ngụy, đóng ngoặc đơn, đang ráo riết hành quân để tiêu diệt những toán du kích Việt cộng....
Một cặp tàu rà bay chéo qua trước mặt chúng tôi, hằn hai bóng cá chuối bơi trong nước gạo. Trung đội đi đầu lên đạn róc róc. Tôi không mở miệng. Anh em lên đạn rồi sẽ xuống đạn. Lúc này ai cũng muốn nghe sắt thép cựa mình. Tôi cắm cúi đi theo cái ba-lô lết bùn của Năm Cẩn, thoáng thấy anh đưa tay lên mặt. Nước mắt tôi đã chảy nóng cằm từ nãy rồi, anh ơi. Có tiếng gì như sịt mũi rất nhẹ trong máy thu thanh, rồi giọng người đọc tin bỗng khản đi, hơi hấp tấp:
Tôi đọc lại, Nạn lụt lớn chưa từng thấy vẫn tiếp tục tàn phá các tỉnh ven biển từ Thừa-thiên đến Bình Định...
Sau lưng tôi, anh Ba Tơ bỗng nấc dồn. Những tiếng nấc dội từ đáy ngực, nặng và sâu, những tiếng kêu của một người bị thương ở phổi. Tôi không quay lại, vẫn thấy đôi vai rộng của anh rung giật trong cơn đau. Năm ngoái, khi nghe tin đưa con trai bảy tuổi bị địch chặt đầu, anh chỉ tái mặt và run nhè nhẹ.
Chúng tôi kéo hàng dọc đi gấp trong mưa, không ai nhìn ai, từng người lặng lẽ vuốt mặt.
Chú thích
(1)Anh không làm được! (tiếng dân tộc Co)
(2)Mỗi ngày ăn ba lon (ống sữa bò)
(3) Vội, gấp