Chương 22

Sau một trận đơn giản, tôi có thể kể ngay từ đầu đến cuối những sự việc chính,  công của anh em nổi nhất, cả một mớ râu ria thú vị ngoài lề nữa. Còn mới đánh  xong một trận lắt léo, ác và kéo dài như cái ngày chống càn hôm nay, tôi lại nhớ rất ít. Nếu có ai chộp hỏi ngay, tôi chỉ có thể nói về mấy tình huống khó xử nhất, mà cũng kể lơ mơ thôi, thua cả người đứng ngoài xem. Lúc thân thể tôi đầy bùn, mồ hôi và những vết sây sát, cũng là lúc đầu tôi đang chất bộn những nét vơ vẩn không đâu, từ con sâu trên lá rơi lọt cổ áo đến thằng giặc chết sao cứ  ngọ nguậy bàn chân phải tuột giày. Kỳ vậy đó.
Trong khi giao chiến, tất cả các giác quan đều mở hết máy, phóng lên óc hàng ngàn tia điện loang loáng, biến thành hàng trăm ý nghĩ xô đẩy nhau như những hạt điện từ xung quanh hạt nhân, tụ lại thành mươi cái quyết định nói ra mồm vào những lúc gay go. Cũng như anh Ba Tơ, tôi cho rằng người đại đội trưởng giỏi không nên hò hét nhiều, càng không nên quát tháo làm anh em cuống. Phải nhìn khắp, hiểu rõ địch và thấy hết ta, nghĩ kỹ, nhưng cũng phải biết để cho cán bộ trung đội tiểu đội tự tìm cách đánh tốt nhất, chỉ ra lệnh khi cần, và lúc đó cái lệnh phải mạnh như mười cân bộc phá. Tôi thường bám chỗ mũi nhọn của trận đánh, kìm mình lại để cán bộ cấp dưới cầm quân như không có tôi, nhắc khẽ để họ xử trí, có khi suốt một giờ chỉ một lần mở miệng to để phát lệnh xung phong, kéo cả đại đội lao tới. Chính vì vậy mà tôi mệt óc; bã người hơn ngày xưa làm anh đội viên súng dài, tuy chỉ vọt từ chỗ này qua chỗ khác như dạo xem, bắn mươi loạt hay ném vài trái lựu phụ với anh em. Khi đã hơi mụ đi, tôi vẫn đủ sức xoáy sâu vào cái phút đang diễn ra, vẫn lái đúng mũi khoan của xê mình thuốn vào ruột địch, còn những gì trước đấy và sau đấy thì nhoà nét dần, ngay cái xác tôi cũng biến đâu mất, có người nhắc tôi mới biết đang ngậm cơm trong mồm hay có một viên đạn vừa cứa đứt thịt đùi. Cũng may, chỉ sau một lần đi soát đơn vị, trao đổi với anh em, nghĩ một lát nữa càng hay, tôi đã đủ tỉnh táo để dựng lại cuộc chiến đấu vừa qua trên đường lên gặp tiểu đoàn. Đấy mới là bức vẽ phác, về sau mới có thung lũng nối liền các đỉnh, và cây xanh hoa đỏ sẽ dần dà hiện đủ.
Mỹ càn vào làng Cá dữ thật!
Chiều qua chúng đi lớ ngớ, húc vào cái đinh Lộc Chánh, bị sứt trán phải bỏ chạy. Hôm nay khác, chúng cố đóng đinh cho thủng vành đai của ta.
Giàn pháo Chu Lai băm vằm từ mờ sáng. Đội du kích dàn trong hào phải rút hết xuống địa đạo, chờ. Những chén mẻ đựng dầu phụng thả bấc được thắp nhỏ ngọn từ các hàm ếch nhỏ xắn vào lưng vách soi xuống từng bộ mặt đăm chiêu. Pháo nện như cả xóm cùng giã gạo chày từ trên đầu. Bà con đã gánh cát vun đống ngoài ruộng về đổ dầy trên nóc hầm nhà, đạn 155 không phá nổi. Người thoát đất, còn trâu buộc hầm cạn, còn nhà vườn… Cô Xuyến bật rên: “Cả ngàn trái”. Ai đó xuỵt, Năm Ri nhắc hà tiện đạn. Cô Rốt chị, xã đội phó mới được cử cách đây năm tiếng, sẽ nắm một tiểu chặn quân ngụy phía bắc đang vạch que bàn gì với các bạn, cười lúm đồng tiền trên má phính. Cậu Sung trung đội trưởng ngồi quãng giữa cái cầu thang chót vót trèo lên miệng, từng lúc gọi xuống: “Bớ ba quân, kíp mau mau thượng lộ!”, rồi lại xua tay khi loạt pháo mới rầm rầm trút xuống.
Tôi ngồi nghe pháo và xem Mẫn ngủ gật. Ước chừng mười hai cây 105, bốn cây 155. Không nhận ra được thứ 175 chưa quen nó. Ban chỉ huy chống càn đây: Ri xã đội trưởng, Mẫ chính trị viên, tôi cố vấn, thêm Ba Tâm chạy giấy và Út Hoà đeo túi thuốc nữa. Tất cả đều mệt lử và rất bốc sau trận Lộc Chánh. Còn Chín Cang nắm quân chính trị, anh Luân lo hậu cần nữa. Cái ngày Mẫn với tôi dắt nhau đi bắn tỉa mỗi đứa một phát đã lùi xa tít, tưởng đâu như trước đồng khởi. Riêng đội du kích xã bây giờ đã tới sáu chục người, gần năm chục súng.
Dựa vào vai cậu Giáp, cây trung liên Ba nhô cái đầu nòng chẻ tư hau háu: chị Bỉnh huyện đội phó đã trao nó cho xã đội giữa một ngàn người hò reo, trong lễ phát động chống Mỹ. Quanh năm vẫn thấy quân ngụy vác thứ này đi nghễu nghện, trong mà ngứa mắt, nhưng đêm ấy ai cũng muốn sờ nắn cây súng. Rồi khen nhé. Du kích được thưởng trung liên là vinh dự lắm, mấy xã bên đâu được vậy. Kê tiểu liên trên thùng thiếc bắn mãi địch cũng nhận ra, quát tướng những cái lệnh đại đội bọc lưng hay tiểu đoàn xung phong riết rồi chúng cũng hết mắc mưu, chỉ có xả mấy loạt pằng pằng tụi nó mới sợ: “Chủ lực đó bây, chạy!”. Vốn liếng khá rồi, mặc sức kiếm lời làm giàu. Thứ này lại sẵn đạn, chẳng như cái anh vanh cách(1) hai cò, nổ xong một băng là lo vác đi giấu. Đánh giỏi rồi súng gì cũng có. Mà… nè các cha, một trăm cái xấu không gì xấu bằng để mất “cây hoả lực” đó nghen, trung liên rớt vô tay địch thì cả xã mang nhục, chẳng riêng gì tụi bây đâu…
Bà con xúm bàn tới tấp vậy đó. Mẫn cũng lanh, nhân cái đà bốc chung ấy mà kêu gọi cô bác vót chông nhiều gấp đôi, rán tìm bom hư đạn thối làm thêm mìn. Chông mìn thật dày, giặc đừng hòng chồm lên cướp trung liên. Lừa cho tụi nó lọt giữa bãi chông mình, xổ một băng, nó chạy toé ra, vãi xác khiêng không hết. Ngon như gỏi. Bà con hoan hô tơi bời khói lửa. Từ hôm ấy, chông gánh tới giao cho du kích không kịp đếm. Cây súng máy biến thành một cái gì tượng trưng cho sức lớn lên và sức kết chặt của du kích Tam Sa, to hơn giá trị thực của nó gấp năm mươi lần.
Năm Ri quay nhìn tôi, nói trống không:
- Lên được rồi hè…
Tôi cười, khoanh hai tay ra ý dứt khoát chỉ làm người xem. Mẫn ngấc đầu, dụi mắt:
- Bớt pháo, lên mau! Ai về chỗ nấy!
Anh em hối hả bươn tới cái cầu thang hình chữ chi. Dép cao su giẫm thình thình trên tấm phản lim bắc qua miệng hố chông lớn, dội lên các bực đất bịch bịch. Tôi liếc đồng hồ: sáu giờ kém mười, tức bảy giờ kém mười theo Sài Gòn. Tôi bấm đèn pin đi cuối cùng, thổi tắt các ngọn lửa trên vách, leo sau lưng Út Hoà, qua cửa. Khí trời mát và sáng dội ập vào mặt như một gàu nước giếng đầy ánh nắng. Tôi phải lim dim mắt khi đóng nắp, xoá dấu, khi mở mắt được hẳn thì mũi và họng đã thấy khét đắng, khói thuốc nổ còn đọng dày như sương mù trên làng. Đạn pháo rít qua đầu, đánh vùng gò. Tiếng trực thăng đến gần. Tụi Mỹ càn đúng giờ  hơn Ngụy nhiều.
Tôi đóng kỹ vai cố vấn suốt đợt chạm trán đầu tiên.
Tiếng pháo khạc đạn dưới kia bỗng tắt phụt như ai giật cầu dao điện. Bầy trực thăng đang bay xế phía nam né luồng đạn, rẽ ngoặt sang phải,  tốp “xe tăng bay” dẫn đầu áo ào bắn xuống gò Mù U đã bị cào xới đỏ loét. Số mìn chúng tôi chôn ở đấy còn sót bao nhiêu chẳng biết. Tôi chưa gặp một thứ gì ồn tai nhức óc hơn một cuộc đổ bộ trực thăng với mấy chục máy bay xúm chùm hai tầng trên đầu, tần dưới lại xối đạn như tưới nước. Nghe kỹ, vẫn tách ra được tiếng nổ nhát gừng của du kích bắn lên. Mặt ấy cầm chừng bấy nhiêu thôi. Mạn bắc, Rốt chị còn hăm he lấy cho được súng của tụi biệt kích ngụy. Nặng nhất là khúc lườn con cá này.
Mũ sắt nhô lấp ló trên ta-luy đường sắt, với năm bảy chỏm dưa hấu. Pằng! Năm Ri quay sang phải quát ngay: “Bắn bá láp, lộ hết!”. Được!
Tôi luồn theo một nhánh hào phụ đã sụt lở nhiều khúc, cầm con dao chuối mới lượm được, giơ lên ngọ nguậy mấy lần rồi dựng im. Rắắắc! Rắắắc! Ba bốn họng súng máy quạt vội vào lưỡi dao. Đợi nó nảy một cái, tôi thu dao chạy khom về hào chính. Ri với Mẫn cúi xem ba vết đạn nhỏ bằng mút đũa, rất chụm, xuyên qua chỗ sắt giày đến hai li mà  vẫn trơn mép, sắc như dấu kìm bấm trên vé xe lửa. Đạn AR.15. Ở Chu Lai, mới có tụi thám báo dùng loại này. Súng tốt, kỹ thuật khá nhưng đứa bắn không bình tĩnh, nã mãi mới trúng lưỡi dao cộng sản. Mẫn cau đôi mày rậm:
-  Thám báo rình… chắc đợi xe lên trước. Giấu quân kỹ nghen Ri. Thủ pháo phủ đầu.
Ri gật, vỗ thắt lưng.
Mẫn giục hai em vào hầm chỉ huy, đợi đấy, cấm cãi nhau. Cũng tức cười, Mẫn đã sắp xếp cho Tâm với Hoà mỗi đứa đi một hướng, xa nơi nguy hiểm, rốt cục tới trận này không hẹn mà bộ ba lại dồn cục như cũ. Thêm tôi nữa là bốn. Cái gia đình nho nhỏ của Mẫn chỉ bấy nhiêu. Nếu trúng một trái pháo… Thôi, hơi đâu tính chuyện rủi. Tiếng xe đã nổi bên kia con đê rải đá củ đậu, rống to nhỏ không đều. Quân Mỹ tiến chậm, quá chậm. Một trái mìn lớn nổ trên gò Mù U, tiếng trầm và đất rung tận đây, chắc được thịt. Ái chà, một trái nữa! Tụi lính H.34 nhảy xuống lớ ngớ coi như ngả rạ. Mẫn hít hà không ngớt.
Bảy giờ hai mươi. Trận địa của chúng tôi vẫn phải nằm chờ dưới L.19 bay cao và hát u rà thấp. Bốn chiếc đờn cò xếp hình chữ A, đầu chúc xuống nhưng vẫn bay ngang như bầy cá rô gặm rêu đáy suối, xăm đất túi bụi bằng rốc két xuyên sâu. Từng tràng tiếng đá hộc lăn xuôi máy tôn đập vào gáy chúng tôi. Đạn thuốn vào ruột đất, mấy giây sau mới nổ một tiếng ục xa lắc, con hào rung rinh lở vách, còn vết đạn  chỉ là một cái hang chồn xoi chéo đút lọt thân che, rắc lác đác trong lòng những mảnh đuôi rốcket cong giống như mảnh bát vỡ, đất quanh miệng hơi cộm lên và nẻ chân chim. Tới vòng quần thứ hai, tụi trực thăng bắn dữ gấp mấy, kèm rôcket có thêm đại liên gài cò xối đạn như cả chục máy bay cùng chần áo trấn thủ. Lại một cậu phát cáu chĩa Ga-ran lên lảy ba phát liền, hụt, may không lộ. Mẫn lách hào đi rảo một vòng, nhắc anh em cố nín hơi. Bắp chân Mẫn có vệt đo đỏ: vết thương hôm nọ còn rỉ máu.
Bảy giờ ba mươi tám. Phía Rốt chị, súng nhỏ rộ lên cùng một lần, rất đanh. Ta bắn trước, nửa phút sau địch mới kịp bắn trả. Mẫn quay về phía tôi, nhoẻn cười:
- Rốt chị xài ngon rồi. Địch tới gần bìa tre mới cho nổ, mặc sức lấy súng. Con nhỏ ngoéo tay với em…
Khúc hào bỗng nhảy chồm lên như con trăn đang ngủ bị đạp lưng. Chúng tôi lăn nhào. Đất sụp chụp trên mình. Tôi vọt dậy ngay trong tiếng nổ xé tai. Gì vậy? Cả một đoạn taluy trước mặt bị hắt lên trời, chới với, những tảng đất to từ trên không, từ từ rã vụn và rơi chìm vào bựng khói đen khổng lồ đang lộn tròn dâng lên. Hàng tạ, hàng tấn tô-lit. Nhiều đống thuốc nổ xếp cách quãng, bấm điện… Tôi túm vai Mẫn, hét:
- Dồn thủ pháo, chặn cửa mở, kia!
Bầy xe bên kia đường sắt rú ga như sấm đất, đang ùa tới mảng thành bị phá toác. Trước mặt chúng là một quãng ruộng cạn, không mìn, không hào, không chông rồi tới bìa xóm Giữa. Không ai ngờ chúng sẽ thúc vào đúng chỗ sườn ba(1) của làng chiến đấu! Bãi mìn lớn chen nhiều hố chông được đặt bao quanh nơi con đường làng rộng băng qua đường sắt, ở đấy đất cứng và dốc lài dễ vượt nhất. Địch đã khiếp đường, tránh được bẫy.
Đá cục xoáy vù vù như ong chưa rơi hết. Mẫn gọi lanh lảnh đằng kia, vẫn bằng giọng hằng ngày không đổi:
- Tiểu Một, tiểu Một… Để tổ Bảy Thới ở lại giữ ngã tư, còn tất cả dồn về trung đội, về trung đội.
Tôi chạy tới xóm Giữa. Chân lún sâu vào đất xới. Một cành cây từ đâu sạt xuống, gõ đầu. Xe địch chưa ló ra. Chúng đâu dám xung phong dưới mưa đá củ đậu như ta. Nhưng trước sau chúng cũng sẽ tuôn tới. Lấy gì mà bịt đê vỡ? Đạn cối huýt còn reo réo, rơi đầu gành cuối bãi, cốt lấy tiếng nổ.
Loang loáng, tôi nghĩ tới cây ĐK.57 cóc gặm của xê mình với vài trái đạn ụp ùm. Biết ta có súng không giật, chúng chuồn ngay. Hay một cây M.79 mang cái tên “cối cá nhân” rất nát người. Hay một cái nòng cối 60, không chân không đế, dựng bắn ước chừng cũng được. Hay một túi lựu đạn phóng, chụp trên nòng trường Mát mà bắn như Lăngxơ patát Pháp, lắp thêm ống trên trường Anh đầu bằng, chắp đuôi tống đi bằng trường Mỹ. Bấ cứ một thứ súng cầu  vồng nào. Năm Ri ngoảnh lại nhìn tôi, mở to riêng con mắt vảy cá giữa mặt bết bụi:
- Chặn xe cách sao anh? Chỗ mình trống hoang vầy…
Tôi thở mấy hơi, gạt mồ hôi cay như tương ớt chảy vào mắt, không nói. Ri tiếp:
- Hay là xuống đê hai?
- Không được!
Mẫn tới sau lưng tôi bao giờ, ném hai tiếng cộc lóc như súng nổ cắc bụp. Thả địch vào làng là sự thường. Co cánh tay quân sự thì đấm luôn quả chính trị, có sao. Lần này không được. Hai giờ chiều nay, Năm Ri sẽ biết vì đâu. Mẫn đếm từng tiếng rõ:
- Nằm im đã, đợi nó tới bìa xóm, nhảy lên chiếm xe! Mỹ kia!
Sát hai mép lỗ hổng rộng hơn chục thước, hai cần ăng ten nhô lên, ngọ nguậy như râu gián từ hóc tủ thò ra. Hai cái đầu xe M.133 cùng rướn tới một lần, xanh bóng, trơn trùi trụi, tưởng chừng không có thứ gì xuyên nổi, đạn nào cũng trượt văng. Năm Ri bật chửi rất tục, cho truyền miệng gấp: “Núp kín, đánh gần”. Anh em lui bớt vào hàm ếch tránh trận mưa mới, lúc này là mưa phóng lựu M.79 từ đoàn xe sắt trút ra.
Chúng tiến chậm rì, lắc lư, xích cắn đất từng nấc một như lựa chọn chỗ mà bước giữa các hố bom, bắn vỡ đầu chúng rất dễ. Tôi thèm súng chống tăng đến điên người mất. Thằng lái đậy nắp chỗ ngồi, nhìn qua khe hẹp. Thằng bắn trọng liên bên phải đã chất thêm nhiều bao cát nhỏ vây quanh đầu, vỏ bao bằng nhựa trong  hắt nắng loa loá, chỉ còn thấy họng súng xịt khói không ngớt. Phải nhận tụi Mỹ che mình kín ghê gớm sau một lần trót hở bị thua đau. Tám giờ lẻ bốn phút. Chúng đã bắn suốt một trăm hai mươi bốn phút trước khi thò đầu. Tôi chưa tìm ra chỗ khe giáp trên cái vỏ cua để luồn mũi gai vào.
Mẫn buột miệng:
- Úi trời!
Anh em kêu rú lao xao dọc hào, giương súng. Tôi gào:”Bắn xe bên tay mặt, bên phảảải” nhảy tới chụp cây trung liên trên tay Giáp, xả liên tiếp mấy loạt vào hàng mũ sắt ló trên chiếc M.113.
Ai đó vừa đâm bổ ra đánh xe. Ai? Một cái bóng to lớn, ôm khối gì đen trước ngực, đang chạy sấp ngửa dọc bờ cỏ dưới chân ta luy. Mẫn gọi lạc giọng: “Bắn! Bắn che anh Xáng, ngắm kỹ!”. Súng ta nổ suốt dọc con hào. Tôi rẹt một loạt nữa. Cái nòng to như khúc tre tươi kê trên thành xe văng ra sau cùng với mũ sắt, cây M.79 câm luôn. Bớt được một!
- Giáp, thay băng!
Tôi nghiêng bụng trung liên cho Giáp đâm băng bên dưới. Cậu Xáng,… cô Tươi mới bị giết, hiểu rồi… Tay đôi với thằng trọng liên nè. Tôi soi đường ngắm vào khoảng trong giữa những bao cát. Một chùm đạn, hai chùm, ngắm lại, ba chùm, bốn chùm, tao xăm mặt mày, tao chém gẫy súng mày! Cái ống tản nhiệt đầy lỗ chợt ngoáy một cái, chổng ngược, dựng chếch lên trời, cứng khừ luôn như đợi bắn tàu bay. Bớt hai! Tôi vuốt mặt nhìn. Xáng đã tới cách xe mươi thước, trái mìn năm cân trong tay. Cậu lén lấy mìn hồi nào? Muốn đánh, sao không hỏi xin thủ pháo? Một mũ sắt nữa nhô trên thành xe, thò súng, tôi thúc cho mươi viên, nó thụp. Nhưng… thôi chết, nó tống lựu đạn! Thằng lái thấy nguy rồi. Chiếc xe giật lùi. Lùi là sai to, mắc kẹt, nhưng nó cuống. Lựu đạn ném ra đâu bảy tám trái, chỉ nổ hai, nhiều đứa quên rút chốt. Ngực tôi chợt bóp cứng, đẩy tiếng kêu vọt ra. Mẫn cũng rít đau đớn. Xáng ngã rồi! Cậu lăn xoài bên một cục khói lựu đạn vừa bùng, cách sườn xe ba thước!
- Giáp, thay băng!
Răng tôi tự nó nghiến két một cái. Coi tao trả thù đây, Mỹ nè!
Cái xác ngoài kia bỗng lật sấp, chồm dậy, chụp mìn bằng tay trái. Tay phải biến mất, chỉ còn một vòi máu. Máu từ cổ tuôn ồng ộc trên cái ngực trần hẳn còn gai góc chi chít. Xáng thét một tiếng gì không rõ, ép mìn vào ngực, lao cả thân vào sườn xe, phía trên xích.
Một búng lửa vàng óng, gần như trắng, hiện thay chỗ người chồng cô Tươi.
 
°
 
Dòng nhớ của tôi đứt quãng từ đấy, nhưng mỗi mảng còn đọng sắc hơn, sống hơn, hệt khúc suối mùa khô đầy ứ những cá quẫy.
Một lúc nào đó, trận địa vắng và im hẳn. Mẫn cho khiêng hai đồng chí bị thương xuống địa đạo, liếc ra chỗ xác xe đổ nghiêng, quệt mắt nhanh. Năm Ri cắt hai tổ rảo quanh xóm tìm hầm sụp. Tôi lầm bầm đi dọc bờ đai, cay đắng nghĩ rằng tụi Mỹ đã chọc trúng chỗ yếu nhất của làng Cá, sau đòn đổi mạng của cậu Xáng mới tạm lùi. Cũng chỉ còn lối đánh xáp lá cà của Mẫn… Các cô áo trắng lên khỏi hầm, gọi nhau ơi ới: “Tản cư ngược, chị Cang nói kia. Mau, tháo mũi trâu, còn gì đáng tiền xách theo”. Chín Cang núng nính leo qua những tre cau đổ ngang ngõ xóm, gọi hổn hển: “Nằm chặn đường cái đen, nhớ… kiện pháo phá làng…”
Một bàn tay bật  hai nút bấm trên vỏ bi đông Mỹ tôi đeo sau lưng, rất thạo. À, mẹ Sáu. Mẹ mở nút vặn, cầm cái ấm nhôm to rót nước chè đặc đầy bi đông cho tôi, nhắc tôi ăn cơm nắm.
- Ta ở lại cơm nước cho tụi bây đánh. Nó vô, tao đấu sau cũng được.
- Đừng mẹ, tụi con đủ hết…
- Biết bây giỏi, mà có nước đồng nước sông mới dẫy chứ. Tao cứ rập rình ngó chừng sau lưng, sợ bây bị úp như dạo đó, trâu bốn chân còn trượt huống chi người hai cẳng!
Mẹ đi gấp, tìm người khác cần nước.
Rồi tới đợt hai. Ngắn thôi. Một xe tăng nhẹ dừng trên đỉnh dốc, chỗ ngã tư vào xóm Đình, bắn pháo 40 ly che đầu cho chiếc xe rà mìn lùn tịt bò xuống dọc đường làng. Hú hồn hú vía, tôi đã tự tay chôn trên cùng một trái mìn lõm M2.A3 nặng sáu mươi cân rưỡi, vỏ bìa và phễu thủy tinh, ra đa không ngửi được. Một cột đất và lửa thốc lên  cao, chiếc xe cóc lộn hai vòng, phơi bụng giữa ruộng, bốc cháy như hàng mã. Chiếc tăng vừa rú ga đi tới mấy thước, lại giật lùi, biến mất. Chỉ kíp nắn gân nhau bấy  nhiêu, tạm biệt!
Khi địch húc vào lần thứ ba, mặt trời đã gần đứng bóng. Tôi không ngờ tụi lính công tử bột có thể say máu đến vậy. Có lẽ thằng chỉ huy không dám bỏ lại hai xác xe và cả mớ xác lính.
Pháo Chu Lai dập túi bụi thêm nửa giờ. Một khúc taluy nữa bay tan hoang. Quân đổ bộ trên gò Mù U trực xông qua ruộng. Tụi ngụy áo đen bò dưới đại liên dệt lưới lửa. Súng nổ khắp nơi, đạn cheo chéo đan nhau trên làng. Quần lộn ẩu rồi.
Một chuỗi M.113 tuôn qua cửa mới phá, băng ruộng đâm vào chỗ đuôi con cá. Năm Ri chạy đón đầu, hét như sấm:
- Dậu, tổ Dậu lên! Đánh nó hộc cơm cho tao!
Hai tay hai thủ pháo, Dậu nhảy khỏi hào, ném trái đầu. Hụt! Dậu nép gốc dừa, chuyền trái sang phải, rướn lên. Một luồng lửa dài phóng tới như rắn vọt. Đuôi vừa đứt khỏi xe, đầu đã đập vào ngực Dậu, con rắn quấn quanh người. Súng phun lửa! Dậu nhào sấp, quằn quại giữa khói. Chiếc xe rẽ tới chà Dậu dưới xích. Một trái lựu từ dưới hào bay lên, đập giữa đầu xe, rơi nổ giữa hai xích. Nó cứ chạy, leo lên bực đất vào xóm, vẫn phùn phụt nhả lửa.
Tôi kẹp AK bổ tới, bị cậu Kính húc ngã ngửa. Cậu ta xách một túi thủ pháo, mặt trắng bệch, chồm qua chân tôi định chạy tiếp. Tôi quát: ”Đưa bao đây!”. Kính ngó tôi bằng cặp mắt lạc tròng, thả cái túi, khom lưng chạy biến. Ba Tâm vừa theo kịp, chửi Kính một câu vuốt đuôi, hỏi vội:
- Em lên nghen?
- Rành không?
- Tập nhiều, chưa đánh thiệt. Chơi được mà.
Tôi gật. Hai chúng tôi luồn hào thật gấp. Qua bên Mẫn, tôi chỉ ném lại mấy tiếng: “Anh choảng đây!”. Tâm cung cúc xách túi chạy theo tôi, không nói. Người của huyện mà, được cử làm liên lạc riêng của anh Thiêm, ai cản nổi.
Đoàn xe sắt đã nghiến cây rắc rắc trong xóm Đuồi. Xe lội vườn khó thấy ta hơn. Tôi rướn cổ xem, hỏi Tâm:
- Em ném trúng đích không?
- Cũng như ném xoài…
- A, số dách.
Cái túi đựng sáu bánh thuốc bom độ ba lạng của du kích tự đúc, lắp ngòi nổ huyện cho, và bốn lựu đạn. Chúng tôi chọn chiếc xe đang phun lửa đốt nhà bà Chí, đón lõng ở rặng  mít cuối vườn chè. Ném qua ngọn chè thấp đỡ ngại cành cây hất trái vào mặt mình. Tôi kê tiểu liên thật vững, đợi. Tâm nhai cái gì tóp tép trong miệng, nhăn răng cười khì khi tôi hỏi:
- Mít khô, anh ăn không? Em đói thấy bà…
Tôi nhìn bộ mặt tỉnh khô, biết chú nhỏ này chơi được thật. Cánh tay còn khẳng kheo ấy chỉ nên ném thật gần. Con voi phá rẫy đang đi tới, chếch qua bên phải tôi, tốt lắm. Lọt vào đây trông nó cao to gấp đôi khi xéo ruộng. Lửa bên sườn nó lại phụt, đốt cái chòi chứa bồ lùa và cày bừa nép dưới bụi tre. Tôi đợi thấy hết hông nó… Rồi!
Cây AK nổ giòn quá đi mất. Tôi rẹt một đường ngang vào dãy mũ sắt ló trên thành xe, nào lại gần nữa, vừa thấy một cục đen rơi tõm giữa lòng xe. Nổ! Trái sau cũng xoay tròn, đi y nguyên đường cũ… nổ!
Tôi kéo Tâm xách túi vọt xuống hào, rút. Chiếc xe cố chạy tới mươi thước nữa mới dừng, bốc lửa lằng ngoằng qua khói đen. Tôi đấm lưng Tâm một quả nặng.
- Tưởng mày chỉ biết ném xoài, Tâm ơi!
- Xe to hơn xoài, dễ ném mà!
Lát sau, chúng tôi đánh què một chiếc nữa. Khối TNT ném trượt rơi trước xe, nhưng thằng lái không thấy cứ chạy sấn tới. Nổ. Sợi xích vẫn chạy, nhưng chạy tuồn tuột xuống đất và dính dài luôn đấy, để hàng bánh sắt trơ khấc ra, càng quay càng trượt và lún. Chiếc re rống, xoay tròn tại chỗ như cọp bị bẫy kẹp chân. Một chiếc khác xồ tới bắn dữ, chúng tôi phải phới gấp, vừa chạy vừa cười rúc rích.
Vừa lúc ấy, Năm Ri dẫn một tổ luồn dưới địa đạo nhô sau lưng địch, đánh cháy một chiếc nữa. Chúng móc dây lôi nhau tháo chạy. Tôi với Tâm vòng đón đầu, lại gắp khúc cuối. Trái thủ pháo lọt thùng xe nhưng bị lép. Tâm đang vò đầu bứt tai thì bị một luồng lửa thổi tới, may xe xóc nên trượt lên cao, chỉ xém ít tóc. Tôi vớt vát một tràng AK khi nó leo lên bờ ruộng để hở lưng, hình như được vài thằng. Út Liềm từ đường nhựa chạy lên, nói địch rút thẳng về Chu Lai. Tôi cười khà, ngồi xuống, chợt thấy khát, ngứa khắp người, đói, buồn ngủ, chân tay mỏi rã, lại muốn chạy quanh làng Cá một vòng để hét tin thắng trận vào các miệng hầm và khoe thằng em “thiên tài ném xoài”.
Tới một lúc khác, bà con ùa lại xem cây AK, được dán ngay cái nhãn “trung liên cá nhân xã hội chủ nghĩa” rất dài. Ấy là sau khi tôi bắn bị thương chiếc tàu rà bay cao ba trăm thước, nó xì khói đuôi sóc, xà về Chu Lai. Mới qua năm bảy cửa miệng mà đã nổi ngay tiếng đồn súng này có chất nguyên tử, anh Thiêm bắn mấy xe sắt toác loác hết. Ai nghe cũng tin rắp rắp: súng phe mình, cỡ như anh Thiêm mới được xài còn phải nói! Tôi vội cải chính rằng diệt hai xe trong vườn chè là nhờ bom lép bà con đào được giao cho du kích nấu đúc thành bánh, người đánh lại là thằng nhỏ Ba Tâm hay chơi rông, còn anh chủ lực mang AK chỉ bày mưu và bắn che tí chút. Câu chuyện mới đến đây, ông thầy Mười chống gậy đi coi vườn đã kêu ồm ồm ngoài ngõ:
- Bớ người ta, đi khiêng thịt với tôi! Được con heo rừng nặng bốn đòn, khiêng té lên té xuống, tính bỏ giòi ăn hay sao á!
Mấy chục người đang xúm xít nổi reo ầm ầm, chạy đi coi xác Mỹ.
Giữa vạt chè bị xéo tơi bời, vết tích toé đi các hướng như những đường ray ở ga chính nào đó, một thằng Mỹ nằm úp mặt. Xem vết máu, tôi biết nó trúng đạn, nhảy hoảng ra khỏi xe, rúc đầu vào bụi rậm nằm im hoặc ngất đi, khi bò ra bầy ra đã chuồn mất tăm. Cái xác còn ấm, nặng ngót tạ, tóc nâu, mắt nâu. Tôi thu hết giấy tờ. Anh em vần nó tháo nịt đạn, giày đế sắt, áo giáp. Ông thầy Mười khuyên chém đầu nó cắm cọc bêu trước cổng làng như thời xưa, làm gương cho giặc sợ. Tư Luân nãy giờ thu xếp ba thương binh về huyện, chôn cất hai cậu Xáng và Dậu, tập tễnh chống gậy đến, can ngay. Mẹ Sáu lẳng lặng ôm tới một chiếc chiếu cũ chùm kín được hai phần ba thằng Mỹ. Mẹ nói chậm với cái xác:
- Mày còn sống thì dao phay dao chuối tao cũng a vô tao chặt. Mày chết rồi, thôi… Tao thương là thương bà mẹ đẻ ra mày, chưa nhờ đỡ gì mà phải mắm đùm cơm gói đi tìm mả con. Cho mày miếng đất góc rào đó, nằm cho ấm xương đợi mẹ mày tới nhận, kiếp sau còn làm người thì bỏ nghề ăn cướp đi nghen!
Đứt một quãng nhớ nữa, trong tôi, trăm thứ việc không tên sau mỗi trận. Mẹ Sáu giặt bộ áo quần rách và bết bùn, không cho tôi giặt. Tắm xong một chầu, đã treo võng giữa hai gốc mít, ngả lưng, tôi lại bật dậy. Đánh xong núi Sàm đêm nay, tôi sẽ rời làng Cá, có lẽ phải nhờ chi uỷ gửi bản nhận xét theo chứ không còn dịp quay lại. Nghỉ sao được trong những giờ cuối cùng này. Tôi cuốn võng, ra giúp anh em đặt mìn trên hai mảng taluy bị phá.
Một cây nào đó bị mảnh phạt, tới giờ mới đổ răng rắc. Bom chậm nổ trên gò Mù U. Còn tiếng rống kia là gì? Tôi ngửng đầu, băn khoăn. Bẵng đi nửa phút, lại nghe tiếng rắc, rống, nổ lần này mạnh hơn. Pháo rồi. Chiếc tàu rà lượn trên cao tít, chỉ chỗ. Trái thứ ba bay như phản lực xẹt sát đầu, tôi thoáng thấy lằn đen của nó đâm vào xóm Giữa, dựng cây nấm khói cao bằng bom. Đạn to đến nỗi mắt người trông được. Tiếng rền khạc đạn vẳng từ xa, từ biển khơi. Pháo hạm đội Bảy! Chừng một phút sau, cả chuỗi sét đánh rung làng Cá. Ước tám họng pháo lớn. Hai trăm lẻ ba, hai trăm rưởi, ba trăm? Chịu dốt về hải quân Mỹ.
Đường về các cửa địa đạo bị chặn. Năm Ri kéo tôi xuống hầm chỉ huy. Tôi ngồi phịch gần cửa, luồn tay gãi ngực, vai, bụng, không rõ bị kiến bò hay da tôi nổi gai. Cây AK nhìn tôi bằng miệng nòng đen như một con  mắt hạt nhãn buồn, nó phải chịu ngậm câm. Tôi cũng bó tay. Có thể bắn rớt tàu bay, đút thuốc nổ vào họng pháo đất, phá xe tăng, đánh chìm tàu nhỏ, tụi chiến hạm dàn ngoài khơi kia làm sao mà diệt? Bom trút xuống còn có chừng. Lũ đạn khổng lồ không cần tránh né nhau, chẳng sợ chúng ta, cứ lăn xả tới như bầy sói điên trong khi chúng tôi đành giơ lưng chịu trận đòn huỷ diệt!
Cacbin kẹp nách, Mẫn chạy ào xuống hầm, suýt xô vào tôi.
- Vô trong đi anh, mảnh bay dữ ác! Năm Ri đâu?
- Gì đó chị Hai?
- Coi chừng nó càn chiều. Tụi mình trực luôn đây, mình chia hầm ra, đừng để sụp nhốt cả chùm. Mình cho bà con xuống đê hai núp tạm. Xếp ba trăm quân áo trắng rồi, ngớt pháo họ đi quận. Năm thôn kia Chín Cang cho xuất sớm, chắc qua khỏi cống trắng. Mẹ cha nó, pháo gì to quá chừng?
- Chưa to bằng họng đờn bà kêu kiện… Chị bám đây, tôi qua hầm bà Lạng.
Ri lách qua cửa, vọt lên hào. Tôi bước theo, bị Mẫn gọi giật:
- Đừng đi chung!
Tôi quay lại, cười. Mẫn bẽn lẽn vì quên nghĩ trong hầm chỉ còn hai đứa. Căn hầm bỗng chao nghiêng. Cây trần vập vào nhau bốp bốp. Đất bột trên đầu rơi xuống từng dải rộng và mỏng. Làn pháo đã lui đến bìa xóm. Mẫn nắm tay tôi, kéo vào trong đáy hầm:
- Ở đây với em… Mai anh đi, bữa nay còn lăn lộn đánh miết, tội quá…
Tôi ôm vai Mẫn, tránh dựa vào vách cho đỡ bị xô, chúng tôi ngồi nép vào nhau trên tấm ván kê nằm.
Bên ngoài, đá rơi từng tiếng nặng, mảnh sắt chém nhau chát ngắt. Dưới biển hình như có thêm vài chiếc tàu nữa vừa chĩa xong những dãy nòng chụm răng bừa và bấm nút. Chuỗi nổ tống đạn bây giờ nhồi dính lại như xe rồ máy. Đạn réo đủ thứ tiếng kỳ quặc tôi chưa từng nghe, tuy đã quen phân biệt các cỡ pháo. Có ngựa hí, bò rống, sáo diều trầm,  trâu bầy chạy gõ vó lốp bốp, còi xe lửa rít, có cả những cây gậy rạch mạnh xuống nước kêu rong róc. Trận pháo tách hẳn làm ba phần rời nhau: cái máy giết người chạy ầm ù tận khơi xa, một vườn bách thú treo lơ lửng trên mây, và cơn động đất phọt núi lửa làm cho làng Cá quằn quại. Những cơn giật bất lực của tôi đã tan: một lần nữa tôi quên trái đấm chính trị. Hàng vạn người ùa tới vây tỉnh đường hay quận đường, dễ sợ lắm chứ. Em tôi không quên…
Một trái rơi gần, bưng căn hầm sảy mạnh. Chân Mẫn bị đất sườn hầm ụp xuống lấp gần đến gối. Tôi đỡ cho Mẫn rút chân, moi dép, xé khăn buộc lại vết rách thịt cũ chưa lành, bỗng thấy thương Mẫn đến nghẹn thở. Sẽ tiếp nhiều cơn bão thép thế này, trong đó người yêu của tôi mềm mại như chồi tơ không có tôi đỡ bên mình, còn phải đứng trụ cho bao nhiêu bà con dựa. Mẫn vững lắm. Tôi vẫn chưa hiểu vì sao thân thể mảnh khảnh của Mẫn lại chứa nổi bấy nhiêu sức mạnh.
Lúc này Mẫn yếu hẳn. Tì cái trán lấm bụi vào cổ tôi, nhắm mắt một lát, Mẫn mới thì thào:
- Tập cho quen…
- Gì, em?
- Tập xa anh. Lỡ quen hơi bén tiếng rồi, vắng anh mấy ngày đầu chắc nhớ đứt ruột, em sợ… Phải chi em gan được như anh… Phải chi anh đừng cấm, em cắn đứt luôn ngón tay đây, đưa cho anh, để anh tin con nhỏ đó không tiếc gì với anh hết, anh thương đừng bỏ nó…
Tôi hôn mãi ngón tay út khét mùi thuốc súng của Mẫn. Tay Mẫn chai nhiều quá, đến nỗi cuối cái ngón búp măng nhỏ xíu cũng có một mảng cứng như sừng. Hở một giờ ra cuốc ruộng cũng hối hả mà.
Đạn pháo đã lùi một tí, rơi trên dưới nền đường sắt. Căn hầm chỉ còn lắc lư như khoang thuyền. Hai chúng tôi được bấy nhiêu phút thôi để yêu nhau trong khói bụi dày đặc.
- Em… cho em lên đi anh.
Mẫn gỡ tay tôi rất chậm, bước lên cửa hầm. Trong mỗi ngày đêm dài lắm trên vành đai, cái phần Mẫn dành cho hạnh phúc riêng – nghĩa là cho tôi- hẳn phải tính bằng phút trên đầu các ngón tay.
Tôi lên mặt đất, sau Mẫn một chút cho bà con đỡ thấy cặp kè như đôi sam.
Đã xế chiều, gió biển thổi nhẹ chỉ lùa thêm khói từ hàng rào lửa ven đường sắt vào làng làm rát cổ họng. Đường xóm, sân, nền nhà đã dỡ, tất cả những nơi in mòn dấu chân người đều không còn nguyên, hoặc xoáy những hố bằng vũng trâu đầm mùa hạn, hoặc phủ dày một lớp đất lổn nhổn trộn nhiều lá tươi. Mấy nhà bị thổi bay toé mỗi nơi một tấm tranh. Các vườn hư nặng. Những cành mít giòn gãy lìa vung vãi. Cau và tre bị chém ngang hông, thân gục nhưng ít chịu đứt rời khỏi gốc. Qua hơn một giờ xốc xới bằng pháo lớn, làng Cá mất thêm một người và hai trâu. Người chết là ông cụ Xíu có ba con cầm súng cho địch cả, một tình nguyện và hai bị bắt. Vẫn cái bi kịch quá quen của gia đình lính nguỵ. Bà con sắp khiêng cụ xuống quận.. Cặp trâu của cụ đứng gặm cỏ chỗ góc vườn như máy, một con ruột thòng gần đến đất, con kia cúi liếm cái chân gãy từng lúc, dường như cũng lây cái dáng cam chịu của ông già chỉ biết rên rỉ mà không dám mở miệng đòi lại một đứa con.
Bà con nối nhau leo qua miệng địa đạo, phủi, gọi nhau cười, chửi từng tràng. Quân áo trắng của Chín Cang coi bặm trợn lắm, đợt này sẽ đánh dữ đây.
Qua ngõ nhà Mẫn, tôi dòm vào, thấy ngay dãy hàm ếch khoét vào bực đất sau nhà, là hầm tạm dành cho khách. Thôi, bay mất cái tổ  nhỏ! Một hố pháo sâu ngót một sải xoáy đầu hè. Vạt chè giạt ra chung quanh, bị tuốt hết lá, như cái rá đan dở còn xoè nan. Căn nhà tranh xinh xinh bị bốc gọn, ném thốc vào các gốc mít, ép giúi giụi, bẹp gí nhưng không nát, Mẫn buộc khung nhà kỹ ghê. Trên mặt sân rải đất vụn ẩm có dấu dép hai người: Mẫn vào đến thềm rồi quay ra, Út Hoà sục kỹ thu các đồ vặt còn sót.
Mẹ Sáu đã dắt các con về xem nhà. Tôi rẽ rào sang, vừa nghe mẹ mắng con:
- Khóc thì khóc kha khá đi, lấy nước tưới mấy dây tiêu cho sống lại tao  nhờ! Hay để tao dẫn xuống quận, níu thằng quận trưởng mà khóc đứng khóc ngồi!
Cô bé càng hu hu. Mẹ dịu giọng:
- Của đi thay người, nín con… anh mày kia nè!
Cả bầy năm đứa trẻ ùa ra đón tôi, rối rít kể tội Mỹ phá hết những dây tiêu xây tròn quanh thân cau, má đã chia mỗi đứa một gốc, lo bón hái mà may áo quần. Mẹ Sáu gạt tôi ra, khong cho giúp dọn mảnh vườn bị phá.
- Rảnh rảnh, mày ghé qua nhà cho có cái hơi đàn ông, vậy được rồi, đừng rờ vô việc của tao. Ở lại cho mấy em nó vui một lát, ăn cơm rồi tao đi đấu pháo. Sẵn con nít đó, hồi nào mày với con Mẫn cưới, đẻ một đứa, cứ thả đây cho nó theo bầy dễ nuôi.
Tôi mắc cỡ, xốc con nhỏ Út Ngưng:
- Mẹ làm thầy bói, muốn đắt khách hơn bà thầy Lèo quá!
- Bói ứng gì, mày ngủ nhà tao, nhè tên con Mẫn kêu mớ hoài, bằng con Ngưng mớ thằng Hoàn chớ ít đâu. Cũng duyên phận cách sao, bao nhiêu anh ngấp nghé mà Hai Mẫn nó thương mày đành vậy.
- Chắc mẹ coi tướng…
- Ừ, coi con mắt nó gnó theo mày muốn cháy tóc đó.
Cơm xong đã bốn giờ chiều. Tôi tìm Năm Ri xem đội du kích được nghỉ chưa. Anh em cần ăn sớm để sẩm tối nhận việc mới. Tối nay đánh đồn, mai mốt còn chống càn dồn dập nữa, phải cố giữ sức.
Các họng pháo lớn đã im. Chỉ còn hai cây 155 của Chu Lai nện đều đều vào dải đất hoang kẹp giữa đường sắt và đường nhựa, đạn huýt sáo ngje rõ. Tôi bước tới bìa xóm, đứng trên miệng hào xem những bụi tre khói mọc và tan bên kia taluy, đoán tụi Mỹ bắn chặn đường quân ta đuổi theo. Nhất định thằng dưới đã cho thằng trên đeo kính phóng to: quân Mỹ vừa giao chiến với một trung đoàn chủ lực Vixi. Thế mới đỡ nhục. Lũ xe sắt bị hất khỏi làng Cá đời nào dám thú thật chỉ đụng những du kích mặc pygiama đen.
Lửa đỏ loè chụp giữa mặt tôi. Một đệm bông đang cháy đánh thốc vào người. Tôi văng lên, đạp chân chới với. Mặt đất đập cằm đau nhói. Cảm giác đau giữ tôi tỉnh. Tôi nhỏm ngực lên, bực mình và hơi xấu hổ. May, tôi chẳng sao cả. Sỏi rơi rào rào trên mình, lọt nhiều vào cổ áo, lại phải cởi ra giũ. Gì nổ vậy ta? Có ai trúng mảnh không nhỉ… Tôi chống tay ngồi dậy, xoay người dòm quanh, sợi dây nào thắng ngang lưng tôi đứt sật một cái. Bụng  nổi ngứa, rồi ngứa rát, rồi nóng, khó chịu lắm. Ai áp vào đấy một túi chườm nước nóng sôi. Bên phải, một trái  mìn nổ cách năm chục thước, hay là bom chậm. Tôi cúi nhìn bụng, chỉ thấy chập chờn vải phủ bụi. Cái túi chườm phình nhanh, trống hốc, nống lên đốt phổi. Không thở được. Tôi há miệng, đau quá không kêu được. Tôi nằm ngửa ra, lịm dần với một câu hỏi láy đi láy lại nhịp ba trong đầu: mìn, bom, pháo?
Thêm một tiếng nổ lạ nữa, đấy…
 
°
 
Tôi  giương mắt nhìn kỹ, vẫn thấy đen kịt. Ai đấy nói không rõ giọng:
- Mình chết rồi.
Tôi nhắm mắt. Những mảng đỏ, vàng, trắng lượn lờ dưới mí, thứ ánh sáng của người mù. Hễ tôi mở mắt chúng lại biến hết. Cái chất đen đặc như xu xoa bọc kín tôi, mềm hơn vải liệm. Không một chấm sao, một tiếng dế, một hơi gió mà mỗi đêm bình thường đều có. Cố nghe, tôi bắt được tiếng ve kêu xa cùng tiếng ì ùm của biển động hay đến trong chiêm bao của người dân biển. Cái giọng mơ hồ ban nãy lại nhắc:
- Mình chết rồi, chôn rồi!
Tôi nghĩ một câu trả lời, chật vật như tập đánh máy chữ:
- Bậy, chết sao mở mắt được?
Cái máy gõ nhanh hơn:
- Chưa chết. bị sụp hầm thôi.
Tách một cái, nó nhảy lên gài chữ hoa, tuôn một tràng to tướng:
- Sụp hầm là cơm bữa. Nằm ỳ đó chịu thua à? Tồi!
Tôi lắc đầu thật mạnh. Một mũi dùi nung đỏ từ bụng tôi xóc lên ngực. Bị thương ở bụng là một, đâu nữa hè? Tôi nắm và mở hai bàn tay, động cái chân, thấy còn đủ cả. Bảnh rồi. Nhưng thằng tôi thứ hai đứng chìm trong bóng tối, bẻ bằng giọng của tôi đúng y:
- Nhớ thằng Hải trúng ruột không? Nó hấp hối suốt một ngày…
Có lý. Tôi nằm lơ mơ, đoán chất sống trong người tôi đang chảy qua chỗ ruột rách từng tí một. Hôm qua có thằng Thiêm qua lại, cười, bắn, bông lơn, cãi ồn. Hôm nay thằng Thiêm sắp lãnh sáu tấm gỗ đi ngủ, ngủ luôn không dậy. Uổng lắm chứ. Còn nhiều việc dở dang vất bừa ra đấy. Bao nhiêu người đang cần tới nó sẽ chưng hửng: cái thằng, chết hồi nào chẳng được, lại nhè khi búi xờm xờm… Tóm lại, tôi chưa thể chết. Đừng lầm lì và cam chịu như con trâu lòi ruột cuả ông cụ Xíu. Cưỡng lại đi. Cái chết vẽ trong sách chỉ có một bộ xương khoác áo đen, vác lưỡi hái cũ kỹ, bấy nhiêu chứ mấy, sức tôi chơi được ngon. Với lại tôi chẳng lạ gì nó. Bao lần nó nhét tôi vào buồng tối tráng phim, tắt hết đèn, tôi vẫn mò mẫm tìm ra công tắc điện.
Một luồng chớp trắng từ phía chân thốc lên mặt tôi, đọng lại, chói nhức mắt. Đằng sau nó bật tiếng Út Hoà mếu máo:
- Anh Thiêm tỉnh chưa anh Thiêm? Mở mắt đi anh! Mở đi!
Hoà cứ chĩa cái lõi sáng đèn pin đỏ lòm trên mí mắt tôi nhắm. Tôi bật cười, bị mũi dùi xoáy nhói.
Rọi vậy… không mở được…
Hoà quẹt lửa châm dầu phụng, chụp tay tôi, vừa khóc vừa kể cái gì líu ríu cả chuỗi. Rồi cùng một lần Hoà bắt tôi kẹp nhiệt, tiêm thuốc, nghe chuyện Hoà và nói thật kỹ trong người ra sao. Con nít mà. Tôi chỉ cười, rất mừng; Tôi thèm nắm một bàn tay sống, nghe tiếng sống rót vào tai, nhìn ánh lửa do người đốt. Cứ như dạo tôi lạc chín ngày đói meo trong rừng nguyên thủy, đã mừng reo khi gặp một đám rẫy lúa non của bà con Thượng, gặp dấu vết của con người bè bạn, còn các thứ tàu bay réo trên đầu thì chẳng khác voi rống cọp gầm.
- Mấy ảnh khiêng anh về, chu cha, ruột anh nó đùn trên bụng… bằng cái niêu mốt vậy đó, mũi miệng hộc máu đỏ lòm, em run quá… Chị Mẫn biểu khiêng anh xuống đê hai liền, đỡ pháo to. Bà con kéo xuống thăm dữ quá, em đuổi lên hết, sợ anh ngột thở. Họ đi rồi em lại mất hồn, vắng ngắt, lỡ anh chết làm sao…
Hèn gì! Tôi nằm trong lòng đất, nơi không khí đen nhánh như mực tàu, những tiếng quen nghe dội xuống đây hoá ra huyền bí. Theo lời Út Hoà, tôi bị thương vì một thứ pháo lạ, “huýt tiếng ngắn ngủn như con chích chòe vậy thôi, nổ liền tay. Nó bắn năm sáu  trái mình mới biết là pháo”. Đúng, tôi mải nghe tiếng hú dài của cặp 155 ngắn nòng, không để ý. Có lẽ là pháo cực nhanh, bắn chen với pháo thường nên khó nhận ra. Cũng trị được thôi, phải sống mà đòi nợ. Mỗi giọt máu đổ ra, tôi quen tính lãi đắt lắm.
Cô bé tiêm xong sinh tố K cầm máu,  lại thút thít. Tôi nắm bàn tay nhỏ:
- Lớn rồi, khóc xấu. Còn khóc là còn bị nửa tá. Ai lại bắt thương binh đi dỗ thầy thuốc…
- Ứ
- Anh còn mạnh ù… đó, khiếp chưa?
Út Hoà bị tôi bóp tay đau điếng, toét miệng cười. Hoà giống Mẫn như đúc, nên tôi càng dễ thấy chỗ khác nhau rất xa giữa người chị hai phải luôn mẫu mực và cô em út cười khóc tha hồ. Tôi bước vào cái gia đình mới này thật thoải mái. Hoà mến tôi từ đầu, bênh tôi chầm chập, doạ Mẫn: “Chị đổi gác anh Thiêm thì em cắt đứt chị!”.  Ba Tâm khó tính hơn, sau mấy trận gần đây mới chịu tôi đáng làm anh. Chòm xóm ưng bụng cả, chỉ có Út Liềm ghen rất dai: “Chị Hai bỏ rơi tụi này hết trơn”.
- Chắc trên đó tối rồi. Anh nằm đây, em kêu người khiêng lên, mà đừng chơi ác chết ngỏm đi nghen!
…Tôi tỉnh dậy lần thứ hai. Trên mặt tôi là cái trần hầm lát cây có chen hai tấm câu đối gỗ sơn đỏ, khác vòm đất lồi lõm ban nãy. Hầm chỉ huy, Út Hoà đang súc ống tiêm, chắc mới tiêm dầu long não. Hình như tôi ngất khi anh em khiêng ngược các bậc dốc đứng, võng bị lắc mạnh.
Tôi cố nhớ ra mối băn khoăn nào đó đã bật lên giữa câu chuyện rối tinh của Út Hoà, chưa nói ra được. Tôi nghĩ một cách xộc xệch khó khăn, như vặn ống khoá gỉ. Chán thật, cái đầu mụ mị… Nó chợt đến. Tôi mừng húm, gọi thành lời ngay cho nó khỏi biến mất:
- Ba Tơ!
Út Hoà quay phắt lại. Tôi chặn cơn lũ câu hỏi của cô bé:
- Mấy giờ, em?
- Đâu bảy giờ, bảy rưỡi. Tàu rà đang kêu ta hàng trên đầu kia.
- Nói chị Mẫn vô anh gặp, một mình chị thôi, mau!
Hoà leo lên con hào, réo om:
- Chị Hai, anh Thiêm biểu chị qua đây, gấp lắm, người khác đừng vô!
Cây đèn dầu lửa có tấm mo cau buộc trên bầu, che ánh lửa hắt ra cửa hầm. Từ trong khoảng tối ấy, Mẫn nhô ra gần như tức khắc. Mẫn lật mũ tai bèo, chụp trên đầu nòng cácbin, dựa súng vào vách: một cử chỉ rất thuộc. Rồi Mẫn vịn khung cửa, đứng nhìn tôi trân trân, một vết bùn chạy chéo qua cặp môi trắng nhợt.
- Lại đây anh nói nhỏ chút.
Một nét gì như khiếp hãi hiện trên mặt Mẫn. Mẫn rùng mình, đứng lặng vài tích tắc nữa, bước gấp đến cạnh tôi, quỳ một gối. Tay Mẫn vịn trên thành chõng tre, tôi cảm thấy giường rung. Mẫn ghé tai gần mặt tôi, thở gấp. Tôi ngạc nhiên:
- Em mới chạy đâu về?
- Không… đợi ngoài… anh nói đi.
- Đêm nay, núi Sàm, em nhớ kỹ chớ?
Mẫn gật, thở chậm hơn.
- Lo liệu được gì rồi, kể anh nghe.
Mẫn hít một hơi dài, nín một tí rồi mới nói, chưa hết hổn hển:
- Chi ủy bàn hồi trưa… Năm Ri đưa mười du kích đi đón ở sông Rù Rì. Em lãnh phá hai ấp vùng cát. Quân chánh trị giấu quanh quận đường sẵn rồi, mờ sáng ụp vô. Cây AK của anh, cậu Ri mang, đánh xong trả chú Ba Tơ. Dân công đủ số trăm hai.
Tôi cười khoan khoái. Đánh Mỹ cả ngày, tôi sợ Mẫn quên đi khiêng trống chầu, hay nhớ mà không kịp sắp đặt, lại giống mấy vị cán bộ xã ưa “cho ý kiến” một tràng rồi xách gói đi biến, để bộ đội tự xoay sở từng tí vặt.
Mẫn nhìn xói vào mắt tôi, ngập ngừng:
- Anh… gì nữa không?
Trời đất, ra vậy đó. Tôi vô ý làm Mẫn đứng tim, bậy chưa. Khoả lấp bằng tiếng cười là gọn nhất.
- Còn khỏe lắm, chưa trối trăng gì đâu đồng chí ơi. Một tháng nằm viện là cùng. Có lên thăm người ta, nhớ gánh một đầu dừa một đầu mít, đèo trã cá kho với gói thuốc Cẩm Lệ tô to để chia cho anh em.
- Anh… thiệt à?
- Chị bí thư đi thăm thương binh hay tặng cả bài xã luận, tụ này hô khẩu hiệu đáp từ hơi mệt. Anh thích cái kiểu vợ lính thăm chồng có gánh quảy theo.
Mẫn bật cười, hai má hồng lại. Vừa máy miệng định nói, Mẫn mím môi, nuốt vội cái gì đó ở cổ, chớp mắt lia lịa, đứng dậy đi ra cửa. Thò tay xách cây súng lên, Mẫn lại ngẩn ra như người mất hồn, từ từ buông nó xuống, thong thả quay vào thổi phụt ngọn đèn. Trong tối, Mẫn quàng hai tay ôm đầu tôi, hôn mãi trên trán, mắt, môi, cằm để cho nước mắt chảy  nóng rực khắp mặt tôi. Lâu lắm Mẫn mới thốt được mấy câu nức nở:
- Cho em… khóc một chút… thấy anh tội quá mà… Anh đừng chết nghen anh… rán sống với em…
- Bỏ vô cối giã anh cũng sống. Cần ký cam đoan không nè?
- Em dại, độc miệng… thôi, em hết nói bậy rồi… tánh con gái nó vậy, em không mất tinh thần đâu, anh đừng cười…
Mẫn nín dần, rút cái khăn nhỏ lau mặt cho hai đứa.
- Đáng lẽ em theo anh về bệnh xá, ở với anh miết tới khi lành, chớ ai lại… Anh coi, việc như nước lụt vậy đó, em phải đi Lộc Chành ngay bây giờ. Bữa sau ngớt càn em lên thăm anh, làm dâu bộ đội ít bữa. Anh đừng nhắc nhiều em nóng ruột, đi đâu vấp đó, thương để bụng thôi nghen…
- Để bụng, bụng rách nó rớt ra, làm sao?
- Quỷ sứ, người ta hết hồn mà ông giỡn hoài. Em đi đây.
Mẫn thắp lại ngọn đèn, ra cửa. Tôi thoáng thấy một vết sẫm trên cái băng trắng quấn quanh bắp chân rám nắng. chợt lo vết thương Mẫn động mãi không lành, làm độc mất. Và đó là giọt nước làm tràn cái cốc bình tĩnh. Tôi phải cấu tay xuống giường đến đau các móng mới khỏi buột miệng kêu Mẫn, giữ Mẫn bên tôi một lát nữa, bởi còn cái gì đó cần nói lắm mà tôi chưa nghĩ ra, bởi hình như tôi chưa nhớ được khuôn mặt tuyệt vời vừa đi khuất.
 
°
 
Pháo chụp xòe lửa dai dẳng trên đồng Tam Trân và vùng gò, gần mười một giờ đêm mới trụt khỏi làng Cá. Chắc máy điện tử đã tính giúp tụi Mỹ giờ nào Vi xi sẽ đi tới đâu nếu đánh xuống Chu Lai, chúng cho làn đạn lùi bậc thang khá đều.
Anh em bà con đến thăm tôi suốt buổi tối, cả trăm người. Căn hầm biến thành một hành lang cho người thân diễu qua, ai cũng nói phải để tôi nghỉ nhưng ai cũng ghé vào. Tôi mở mắt, cười, chỉ thấy chập chờn những khuôn mặt quen sau lớp mùng trắng có nhiều vẩn mồ hóng chao qua chao lại.
Rồi cũng lên đường khi ngớt pháo. Con trâu trắng đổ xuống làm phiền bốn người: Út Hoà đeo túi thuốc theo, hai cậu khiêng võng cầm hai cây gậy to có nạng, cậu nữa gánh ba lô của tôi và không biết bao nhiêu đường sữa chuối trứng nếp của bà con đem cho. Con đường xe trâu qua vùng gò hoang đã bị đào bới gần nát, phải bỏ, nhưng nó nứt vỡ thành năm sáu lối mòn ngoằn ngoèo, nhỏ và kín hơn.
Tôi cố chống lại cơn buồn ngủ, hay cơn mê chẳng biết.
Hụt trận đêm nay rồi. Ba tháng lượm từng nét về quân Mỹ, mới nói qua loa với anh Ba Tơ, anh tham mưu phó trung đoàn, dến keo thử sức đầu tiên tôi lại lăn ra như một cậu giữ xe mật lên cơn sốt rét, để bộ đội nhịn đói và vác súng rỗng đi đánh. Cô đi lấy chồng thì chợ vẫn vui, anh em sẽ an ủi tôi vậy. Tôi cũng tự an ủi bằng cặp mắt mở, tìm những bóng đồng đội có thể gặp ngược đường. Nằm lắc lư trên võng tôi chỉ cần trông thấy những nét tròn nét thẳng của mũ tai bèo bên súng nối nhau lướt qua,  nghe tiếng lích kích của lựu đạn gõ nhẹ vào khoá nòng, ngửi mùi mồ hôi nồng của quân mình bôn tập. Tôi nghiện những thứ ấy. Được bấy nhiêu thôi thì tôi đã lành đi một nửa.
Đến sông Rù Rì, tôi kêu đau, đòi nghỉ một chút để may ra còn gặp xê mình. Anh em đặt đầu đòn khiêng trên cây nạng, kê éo vào hai thân cây. Chỗ mương nước cũ đây, bị bom phát quang hẳn đi, chắc còn những đám bông bạc ngày nọ. Tôi nhờ Út Hoà hái cho một bông. Hoà tưởng tôi thích, soi pin hái cho tôi cả một bó to tướng, tiếc ghê. Tôi sờ soạng ngắt một bông, nhét vào túi áo trái. Khi qua sông, tôi lén thả bó hoa đã mở dây, tin rằng chúng được trả về với nước sẽ hối hả tìm chỗ bám rễ, sẽ múa  điệu múa ngàn năm của đôi ngón tay xòe.
Lại đi, tôi mệt lắm mà cứ phải tỉnh, đợi. Qua được nửa đồng lớn Tam Trân, trời chợt nổi chớp trắng liền liền đằng đông. Út Hoà kêu hoảng:
- Pháo biển bắn kia!
- Không, mình đánh…
Các thứ rađa và đèn soi mù hết, máy nghe và lính gác điếc hết, xê mình đã nổ đủ tràng bộc phá trước khi tụi Mỹ chụp súng.
Tôi níu hai mép võng rướn cổ vừa đủ sức chịu đau ở bụng, muốn há miệng hớp lấy những luồng đạn hoa cà hoa cải. Tôi thấy rõ vô cùng những lưỡi lê xã hội chủ nghĩa mạ trắng bạc xóc sần sật vào các bộ ngực lông xồm không kịp mặc áo giáp. A, còn những lưỡi xẻng mài sắc như mã tấu, những lưỡi lê các bị hình dao găm, những báng súng Garan M.1 to nặng, còn đế cối lởm chởm mấu nhọn và lưỡi rựa phát rẫy đã vẹt nửa thân, tất cả bấy nhiêu móng vuốt của mối thù ghê gớm đang vằm nát mặt Mỹ! Tôi đuối dần, vẫn xem… Rồi! Ba pháo hiệu đã dựng cần câu trên trời, hai đỏ một xanh.
Thắng trận!
Tôi thả đầu xuống võng, mắt nhoà không nhìn được nữa. Những câu trả lời. Chỉ trong ngày nay, tôi đã tóm được những đáp số nở ruột nở gan, trả bằng giá máu: du kích đủ sức thắng Mỹ càn, bộ đội còn đủ sức một ta diệt một Mỹ. Và cho riêng tôi nữa, một lời giải nho nhỏ của bông hoa  nép bên tim mà tôi hái dọc đường dài. Mẫn… Chết lúc này vô lý quá.
Tôi lả đi, vẫn tin mình sẽ sống.
Những người thân lại đi diễu qua thăm tôi, đến xen kẽ từ Quy Nhơn và làng Cá, từ Đắc Lắc rồi Đà Nẵng. Họ hiện trên nền trời rậm sao chòng trành hay dưới mí mắt tôi hồng màu nắng. Tôi chào hỏi rất vui, Thằng công an Ngụy đá vào cằm tôi ngày xưa cũng ló ra, tôi nắm họng nó, đấm…
Một giọng trầm nói buồn, tiếng Pháp:
- Mê sảng, sắp chết rồi.
Tiếp một giọng quen:
- Bạn tốt nhất của tôi đấy.
Tôi mở mắt một lát mới nhận ra Duy Hảo. Tại cậu ta gỡ kính để lau mặt hơi lâu, trong khác đi với hai mảng trắng nằm hai bên tinh mũi. Cạnh Hảo, ông thầy thuốc tóc hoa râm và gầy vẫn nói chen tiếng La tinh cả tràng, tôi chẳng hiểu gì. Sương đặc xuống nhanh. Hai người mờ nét dần, tan trong màn trắng, những câu lạ tai còn rì rầm một ít nữa rồi mới dứt.