Chương 10

Mười một người ngồi quanh chiếc bàn làm bằng gỗ mun vừa dài vừa rộng. Ngồi đầu bàn là một quân nhân tuổi khoảng ngoài năm mươi mang trên cổ áo bốn sao. Đó là đại tướng Cao Văn Viên, tổng tham mưu trưởng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Ngồi đầu bàn bên kia đối diện với ông ta là một người mang cấp bậc ba sao. Trung tướng Lê Nguyên Khang, phụ tá hành quân tổng tham mưu trưởng. Cạnh tướng Viên bên tay mặt là trung tướng Trần Văn Minh, tư lệnh không quân. Đối diện với tướng Minh là phó đô đốc Chung Tấn Cang, tân tư lệnh hải quân. Ngồi cạnh vị tư lệnh hải quân là trung tướng Ngô Quang Trưởng, tư lệnh quân
khu 1. Đối diện với tướng Trưởng và cạnh tướng Minh là trung tướng Dư Quốc Đống, tân tư lệnh quân khu 3. Ngồi cạnh tướng Đống là ngôi sao đang vươn lên của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam, tân tư lệnh miền tây. Ngồi cạnh tướng Nam là thiếu tướng Nguyễn Văn Hiếu, vị tân tư lệnh của vùng cao nguyên. Cạnh tướng Hiếu là thiếu tướng Đỗ Kế Giai, tư lệnh biệt động quân. Đối diện với tướng Giai là chuẩn tướng Bùi Thế Lân, tư lệnh thủy quân lục chiến và người ngồi cạnh tướng Lân chính là chuẩn tướng Lê Quang Lưỡng, tư lệnh nhảy dù.
Nhìn mười chiến hữu của mình vị tổng tham mưu trưởng cười nói.
- Lâu lắm anh em mình mới có dịp ngồi chung bàn và trò chuyện với nhau...
Tướng Trưởng lên tiếng trước nhất.
- Anh nói đúng đó... Lâu lắm rồi tôi đâu có được nói chuyện với anh, được nhận chỉ thị hay lời cố vấn của anh. Toàn là bên dinh Độc Lập không...
Tướng Giai phụ họa bằng tiếng thở dài.
- Đừng nói chi anh ở xa... Tôi ở gần hơn anh mà cái gì cũng phải hỏi ông Thiệu hay mấy ông cố vấn ở trong dinh của ổng. Thay mặt ổng họ ra lịnh cho tôi làm cái này; nhân danh ổng họ bảo tôi làm cái nọ; đại diện ổng họ nói tôi làm cách kia. Riết rồi tôi cũng không biết tôi làm cái gì. Họ quay tôi như quay dế. Thú thật với mấy anh chứ binh nhì còn ít bị xếp quay hơn là tư lệnh biệt động quân như tôi...
Mọi người cười ồ khi nghe tướng Giai than. Nhìn vẻ mặt có chiều ưu tư của tướng Hiếu vị tổng tham mưu trưởng hỏi với giọng ân cần.
- Anh mệt hả. Tôi biết anh mới về nắm tư lệnh nên bận bù đầu...
Tướng Hiếu cười nhẹ.
- Thưa đại tướng... Tôi không mệt nhưng tôi lo cho tình hình của vùng cao nguyên...
Câu nói của vị tư lệnh cao nguyên cũng chính là ưu tư của mười ông tướng đang ngồi và đó cũng là mục đích chính của buổi họp ngày hôm nay.
- Như các vị đã biết địch huy động năm sư đoàn chánh quy là sư đoàn 3 sao vàng, sư đoàn 968, sư đoàn F10, sư đoàn 320, sư đoàn 316 và ba trung đoàn 25, 95A và 95B. Tất cả được trang bị đầy đủ cộng thêm một trung đoàn pháo, một trung đoàn đặc công và một trung đoàn thiết giáp. Trong khi đó tôi chỉ có hai sư đoàn 22 với 23 và năm liên đoàn biệt động quân chia nhau giữ mười một tỉnh của vùng cao nguyên. So với địch quân số của ta chỉ bằng phân nữa. Tôi không ngại về vấn đề quân số mà tôi ngại hai điều và đây cũng là hai yếu điểm của ta. Thứ nhất là hỏa lực của địch. Trong khi địch được tăng viện tối đa thời ta lại bị cắt giảm. Pháo binh của ta bắn một trái thời địch phản pháo mười trái hay một trăm trái. Phi cơ chiến đấu không can thiệp hữu hiệu vì thiếu xăng nhớt hoặc bị hư hỏng không có dụng cụ để sửa chữa. Thứ nhì là ta phải dàn quân để giữ một diện tích quá lớn trong khi địch có khả năng tập trung quân để dứt điểm ta một cách dễ dàng. Nói tóm lại là ta nằm trong thế bị động tha hồ cho địch tấn công. Vừa không có phi pháo yểm trợ, vừa không có đủ đạn dược lại phải một đánh với mười thời các anh cũng biết lính ta dù giỏi cách mấy cũng phải chạy...
Tướng Hiếu dừng lại. Tướng Viên gật gù cười nói.
- Đó là tình trạng chung của quân ta. Tuy nhiên chỉ trong vòng một tháng nữa tình trạng sẽ thay đổi vì ta vừa được Hoa Kỳ chuyển giao một số quân dụng đủ dùng ít nhất bốn năm năm...
 
 Dứt lời tướng Viên liếc nhanh tướng Trưởng. Hiểu ý vị tư lệnh vùng hỏa tuyến mở lời bằng nụ cười hiếm hoi trên nét mặt khắc khổ và buồn của ông.
- Tôi đồng ý với nhận xét của thiếu tướng Hiếu. Tuy nhiên tôi lại có cái may mắn hơn là có hai sư đoàn dù và thủy quân lục chiến...
Nhìn mọi người với cái nhìn nghiêm nghị tướng Viên cất giọng.
- Không phải anh Trưởng có may mắn hơn ông Hiếu mà vì ông Thiệu sợ bị dù và thủy quân lục chiến đảo chánh nên mới tống họ đi thật xa. Ổng mà làm được ổng cũng gởi hai sư đoàn này ra Hà Nội...
Mọi người bật cười vì câu nói đùa của Tướng Viên.
- Ổng tống hai đơn vị tinh nhuệ ra đóng đồn ở vùng hỏa tuyến và làm ngơ lời khuyến cáo của tôi là làm mất đi cái tính chất cơ động của lực lượng tổng trừ bị. Bây giờ tôi tính rút bớt một đơn vị tổng trừ bị về giúp cho cho vùng cao nguyên.
- Anh có ý bỏ vùng 1?
Tướng Trưởng hỏi tướng Viên một câu thật gọn.
- Bây giờ thời chưa nhưng trong tương lai ta phải bỏ vùng 1 để cố thủ vùng 2. Đó là lý do chính khiến cho tôi rút sư đoàn dù về Nha Trang. Ngoài ra sau khi bàn luận với anh Khang và anh Nam ngày hôm qua tôi sẽ chuyển sư đoàn Miền Tây của vùng 4 lên vùng 3 để thay thế cho biệt động quân. Ba liên đoàn 31, 32 và 33 sẽ di chuyển ra Nha Trang hợp với sư đoàn dù hoặc thủy quân lục chiến để thành lập một lực lượng đặc nhiệm. Sư đoàn mang tên Miền Tây của vùng 4 này phân nửa quân số được rút từ các sư đoàn 7, 9 và 21, còn phân nửa là lực lượng của địa phương quân. Tuy tiếng là địa phương quân nhưng họ được trang bị và huấn luyện cùng chỉ huy bởi các sĩ quan nhiều kinh nghiệm của quân lực ta. Anh Trưởng, anh Lưỡng và anh Lân nghĩ thế nào?
Ba vị tư lệnh chưa kịp trả lời thời Tướng Viên cười tiếp.
- Để tôi nói rõ cái ý của tôi cho các anh nghe rồi sau đó tùy các anh quyết định. Nếu rút sư đoàn dù về vùng cao nguyên thời tôi sẽ chỉ định trung tướng Khang làm tư lệnh của lực lượng đặc nhiệm này. Còn nếu rút thủy quân lục chiến về thời tôi sẽ chọn trung tướng Dư Quốc Đống làm tư lệnh. Lúc đó anh Khang sẽ thay anh Đống làm tư lệnh quân khu 3...
Nhìn thấy mọi người có vẻ thắc mắc về quyết định của mình tướng Viên giải thích.
- Quyết định của tôi là do cá nhân. Ông Đống hay ông Khang đều có khả năng chỉ huy ngang nhau lại được lính thương và kính phục. Tuy nhiên tôi xuất thân từ dù, ông Lưỡng cũng ở dù, ông Trưởng và ông Nam cũng từ dù mà ra. Nếu rút sư đoàn dù về Nha Trang mà tôi lại chọn ông Đống thời người ta sẽ dị nghị nói tôi binh dù, binh lính nhà mà bỏ bê các binh chủng khác...
- Anh nói như thế đúng lắm...
Tướng Minh phụ họa. Tướng Lưỡng với tướng Lân nhìn nhau chưa biết định sao thời tướng Khang cười đùa.
- Hai anh đánh tù tì đi... Ai thắng thời người đó về Nha Trang phè phởn...
Tướng Lưỡng cười cười.
- Về Nha Trang là nhất kiếm trấn cao nguyên thời còn mệt hơn ở Trị Thiên. Thôi để tôi về cao nguyên làm việc với trung tướng Khang. Từ lâu tôi nghe ổng đẹp trai và đào hoa nhất quân lực của mình biết đâu tôi hưởng lây cái số đào hoa của ổng...
- Ừ... Anh về làm với tôi rồi tôi sẽ nhường đào ruột của tôi cho anh. Cô ba sao vàng đẹp và chịu chơi lắm...
Tướng Khang cười nói đùa khi nhắc tới tên đại đơn vị nổi tiếng của Bắc Việt là sư đoàn 3 sao vàng đang hoạt động ở vùng cao nguyên.
- Ái chà... Cái này là tri kỷ tìm nhau mắt đã mờ nghe trung tướng...
Giọng nói của Tướng Viên vang lên khiến mọi người thôi cười đùa. Nhìn tướng Hiếu vị tổng tham mưu trưởng nghiêm giọng.
- Vùng cao nguyên của anh sẽ có hai sư đoàn là  22 và sư đoàn 23, hai lực lượng lưu động là sư đoàn dù và tám liên đoàn biệt động quân. Tính ra anh có độ năm sư đoàn. Tôi nghĩ anh có đủ quân số để đối đầu với địch. Còn về hỏa lực thời anh cũng biết là mình phải tự túc tự cường. Ráng dặn lính phải tiết kiệm... Mỗi viên đạn phải bắn chết một lính địch...
Ngừng lại nhìn mười vị tư lệnh cốt cán của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa vị tổng tham mưu trưởng thở dài nhè nhẹ.
- Tướng Khuyên nói với tôi mặc dù mới được Mỹ gởi quân dụng cho mình lần cuối cùng nhưng mình cũng chỉ đủ súng đạn và tiếp liệu cầm cự bốn hoặc năm năm nữa mà thôi. Đó là mình tiết kiệm còn dùng bừa bải thời chỉ có hai hoặc ba năm...
Mọi người im lặng suy nghĩ. Tiếng của tướng Viên vọng lên đều đều.
- Trong trường hợp thiếu hụt tiếp liệu chúng ta bắt buộc nghĩ tới phương thức khác. Đó là cách thức rút bỏ hay co cụm lại lãnh thổ của mình. Phương thức rút lui này được chia thành nhiều giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên là ta sẽ bỏ vùng 1 vì phương tiện vận chuyển xa xôi và vị trí khó phòng thủ...
Nhìn tướng Trưởng vị tổng tham mưu trưởng chầm chậm tiếp lời.
- Đầu tiên ta sẽ di tản dân chúng của miền trung về Châu Đốc. Thứ đến toàn bộ lực lượng của quân khu 1 sẽ được triệt thoái về Quy Nhơn để thành lập Lực Lượng Đặc Nhiệm 1 rồi hợp cùng với quân khu 2 và lực lượng đặc nhiệm 2 lập một hàng rào phòng thủ dọc theo đường 19 từ Bình Định dài lên tới Pleiku. Nếu tình trạng quân dụng càng thêm thiếu hụt ta phải tính tới giai đoạn thứ nhì là triệt thoái khỏi cao nguyên. Đây là điều tôi không muốn bởi vì rút khỏi cao nguyên là đưa cái mặt ra cho địch knock out mình...
 
Mọi người đều mỉm cười khi nghe thượng cấp của mình ví von. Họ cũng hiểu là mất vùng 1 rồi mất luôn vùng cao nguyên thời vùng 3 sẽ chịu áp lực nặng nề. Hành lang tiếp liệu của Bắc Việt sẽ được mở rộng cho người và vật tuôn vào nam từ đó các sư đoàn chủ lực của họ sẽ mở ra những mặt trận lớn từ mọi hướng để uy hiếp vùng 3 và thủ đô Sài Gòn. Không như vùng 1 và 2, vùng 3 không có được những vị trí thuận lợi cho việc phòng thủ.
- Mất vùng 1 và cao nguyên rồi là ta sẽ mất luôn vùng 3 và Sài Gòn. Dù tinh thần chiến đấu cao, dù can đảm và giàu lòng hy sinh, binh sĩ của ta cũng không thể đương đầu với 20 sư đoàn của Bắc Việt hơn hẵn ta về đủ mọi mặt. Do đó giai đoạn thứ ba là triệt thoái khỏi vùng 3 và Sài Gòn về cố thủ ở miền tây...
Tướng Viên ngừng nói cầm lấy ly nước lạnh hớp ngụm nhỏ rồi hắng giọng.
- Mấy trăm ngàn binh sĩ và chín mười triệu dân chúng cùng lúc đổ xô về vùng lục tỉnh sẽ tạo nên một xáo trộn lớn lao về đủ mọi mặt chính trị, quân sự và tâm lý... Tới đây tôi xin nhường lời lại cho anh Nam nói tiếp về cái thế và cái lực của miền tây mà cũng là cái thế sống còn của Việt Nam Cộng Hòa ta trong tương lai...
Hơi mỉm cười thay cho lời chào vị tư lệnh miền tây nói với giọng chậm và trầm.
- Như các anh đã biết nếu ta triệt thoái khỏi vùng 3 thời ranh giới cuối cùng giữa ta và địch sẽ là dòng sông Tiền. Miền lục tỉnh đông giáp Đông Hải, nam tựa vào Vịnh Thái Lan, bắc giáp với dòng sông Tiền bao la do đó trở thành một cứ điểm vững chắc trong việc ngăn chặn bước tiến của địch. Tới đây hạm đội của anh Cang sẽ giữ một vai trò quan trọng bảo vệ ba mặt bắc, đông và nam. Anh Cang mà chạy là mình cũng chạy luôn. Bởi vậy mấy anh nên  níu áo đừng cho ảnh dọt...
Lời pha trò của tướng Nam làm cho mọi người bật cười. Vị tư lệnh hải quân cười rắn giọng.
- Miễn có dầu cho tàu chạy, có súng cho lính của tôi bắn là tôi bảo đảm với các anh không có thằng Việt Cộng nào dám lội qua sông Tiền...
Mọi người lại cười lớn hơn vì câu nói đùa của phó đô đốc Cang.
- Không vượt qua nổi ba mặt bắc nam và đông Bắc Việt chỉ còn một đường tiến duy nhất là đánh vào mặt tây của ta. Con đường biên giới Miên Việt dài hơn trăm cây số này sẽ là bãi chiến trường quyết định sự sống hay chết của Việt Nam Cộng Hòa chúng ta.  Mười hay mười lăm sư đoàn bộ chiến của Bắc Việt sẽ cố vượt qua hai con kinh Vĩnh Tế và Vĩnh An với chiều ngang không quá hai mươi mét...
- Mình không thể cản được chúng bằng con kinh hẹp này...
Tướng Minh lên tiếng và tướng Nam gật đầu.
- Muốn cản được bộ binh Bắc Việt ta phải làm sao biến con kinh Vĩnh Tế rộng như sông Tiền hay sông Hậu...
Các ông tướng đều lộ vẻ băn khoăn thắc mắc trừ hai người là tướng Viên và tướng Nam. Dường như họ đã có giải đáp cho vấn đề này.
- Có người bàn với tôi là phải khơi dòng, phải làm rộng con kinh Vĩnh Tế ra tới một cây số...
- Một cây số...
Tướng Trưởng kêu lên. Sinh trưởng ở tỉnh Bến Tre với bốn con sông Tiền, sông Ba Lai, Hàm Luông và Cổ Chiên bao quanh ông ta biết rõ con sông có chiều ngang một cây số rộng tới mức độ nào.
Vị tư lệnh miền tây nói nhỏ.
- Muốn đào con kinh rộng một cây số ta phải huy động một hai trăm ngàn người và làm ròng rã một hoặc hai năm...
- Kiếm ở đâu ra hai ba trăm ngàn người?
Tướng Lân hỏi và tướng Nam cười trả lời.
- Có chứ... Ta sẽ di tản dân chúng ở miền trung vào Châu Đốc. Ta sẽ xây nhà cửa, cấp phát lương thực cho họ để họ đào kinh cho chính phủ... Ngày xưa chúa Nguyễn đã áp dụng chính sách di dân từ miền trung vào để lập nên miền nam thời hôm nay ta cũng bắt chước tiền nhân dùng di dân đào kinh Vĩnh Tế để cản bước xâm lăng của cộng sản...
Tướng Nam ngừng lời nhìn vị tổng tham mưu trưởng như có ý nói là mình đã nói hết những gì cần phải nói. Hiểu ý tướng Viên đỡ lời.
- Việc đào kinh Vĩnh Tế chắc cũng còn một hai tháng nữa mới bắt đầu. Trở lại tình hình chiến sự tôi muốn hỏi anh Lưỡng là anh cần thời gian bao lâu để rút sư đoàn dù về Nha Trang...
Ngẫm nghĩ giây lát vị tư lệnh sư đoàn dù trả lời.
- Tôi cần một tháng...
Gật gù tướng Viên quay qua phó đô đốc Cang.
- Tôi để anh với ông Lưỡng bàn chuyện chuyển nguyên sư đoàn dù về vùng 2 cũng như đem sư đoàn Miền Tây từ
vùng 4 ra giao cho ông Đống...
Hướng về trung tướng Đống tự nãy giờ ngồi im nghe mọi người nói chuyện vị tổng tham mưu trưởng đổi đề tài.
- Bây giờ chúng mình nên quấy rầy anh Đống về tình hình của vùng 3. Sau khi bàn xong tình hình của vùng 3, cá nhân tôi sẽ có một tiệc nhỏ để rửa lon và rửa chức cho các ông tân tư lệnh...
Ai ai cũng biết quân khu 3 là một quân khu quan trọng vì là cửa ngỏ của Sài Gòn. Khẽ cười vị tân tư lệnh vùng 3 nói với mọi người.
- Tuân hành theo nghị quyết 21 của trung ương đảng cộng sản Việt Nam, mặt trận B2 đã trực tiếp chỉ huy các sư đoàn chính quy như 5, 7, 9 và sư đoàn 27 đặc công cùng với 4 trung đoàn độc lập là 16, 201, 205 và 217B. Được yểm trợ bởi pháo binh, thiết giáp và phòng không các đơn vị bộ chiến này đã liên tục tấn công và quấy phá quân ta trong các tỉnh Tây Ninh, Hậu Nghĩa, Bình Dương, Long Khánh và Biên Hòa. Trung đoàn 6 của sư đoàn 5 cộng sản Bắc Việt đánh Bến Sỏi và kiểm soát liên tỉnh lộ 13. Trung đoàn 174 đánh Bến Cầu. Tỉnh Bình Long phải chịu áp lực nặng nề nhất vì sư đoàn 5 của ta phải đối đầu với sư đoàn 7 cộng sản Bắc Việt với các trung đoàn độc lập và tiểu đoàn pháo binh. Hiện giờ ta chỉ còn giữ được hai căn cứ lớn là An Lộc và Chơn Thành còn toàn thể tỉnh Bình Long đều do Bắc Việt kiểm soát...
Ai nấy đều im lìm khi nghe tướng Đống trình bày một cách tỉ mỉ  về tình hình của vùng trách nhiệm. Hớp ngụm nước trung tướng Đống nói tiếp.
- Trong tỉnh Hậu Nghĩa trung đoàn 101 của sư đoàn 5
cộng sản Bắc Việt tấn công Củ Chi và Trảng Bàng. Trung đoàn 165 thuộc sư đoàn 7 cộng sản Bắc Việt bí mật phân tán, xâm nhập để tấn công vào quận Tân Uyên cũng như pháo kích vào phi trường Biên Hòa. Hiện thời ta có thể giữ vững vị trí nhưng tình trạng thiếu hụt tiếp liệu sẽ gây ra nhiều khó khăn...
- Tôi có một ý kiến như thế này...
Tướng Khang nói trong lúc nhìn tướng Viên.
- Tình hình an ninh của miền tây tốt hơn so với ba miền còn lại. Tôi đề nghị mình rút bớt một sư đoàn của quân khu 4 đưa lên vùng 2 trám chỗ cho sư đoàn dù để biến dù thành lực lượng tổng trừ bị. Với tính chất cơ động sư đoàn dù và ba liên đoàn của biệt động quân có thể can thiệp vào bất cứ mặt trận nào ở quân khu 1, 2 và 3. Trong khi đó anh Nam ráng thành lập thêm một sư đoàn nữa để thay cho sư đoàn đã rút khỏi vùng 4...
Tướng Viên quay sang nhìn tướng Nam như hỏi ý kiến. Vị tư lệnh miền tây lên tiếng.
- Tôi cần ít nhất ba tháng để thành lập một sư đoàn từ các tiểu đoàn địa phương quân trộn lẫn với các tiểu đoàn cơ hữu của ba sư đoàn 7, 9 và 21. Sau đó tôi sẽ để sư đoàn này tăng phái cho bộ tổng tham mưu...
Mỉm cười tỏ vẻ hài lòng tướng Viên nói với tướng Khang.
- Tôi sẽ cho tướng Phú tạm thời giữ chức phụ tá hành quân để cho anh ra Nha Trang sớm hơn... Ông ta bệnh hoạn nên tôi để cho ông ta nghỉ dưỡng sức thời gian...
Vị cựu tư lệnh thủy quân lục chiến nói nhanh.
- Ngày mai tôi sẽ thành lập một bộ tham mưu hổn hợp rồi tuần tới sẽ ra Nha Trang...
Đứng dậy tướng Viên nói với mọi người.
- Bây giờ mời anh em qua phòng bên dự tiệc rửa lon cho mấy ông tân tư lệnh. Không có gì đâu chỉ là buổi ăn trưa sơ sài xong các anh em mau về nhiệm sở để chuẩn bị đối phó với tình hình nghiêm trọng của đất nước...