Ngày 27-1-1973 là ngày bắt đầu thi hành những biện pháp cụ thể tích cực tái lập hòa bình, Hoa Kỳ đình chỉ oanh tạc khắp lãnh thổ VN các phe lâm chiến ở miền Nam đình chỉ các cuộc hành quân, ở nguyên tại vị trí, cùng ngày tại Ba Lê, VNCH trao cho Mặt trận Giải Phóng (MTGP) danh sách 4.285 người. Đại diện MTGP khi trao danh sách đã đưa ý kiến sẽ bổ túc thêm danh sách để tỏ thiện chí, cụ thể hóa tinh thần hòa giải hòa hợp dân tộc. Phiên họp đầu tiên của Tiểu Ban Tù Binh Ban Liên Hợp Quân Sự 4 bên ở Sài Gòn nhóm vào ngày 3-2-1973. Vấn đề trao trả tù binh theo danh sách trên bắt đầu đặt lên bàn hội nghị. Trong thời gian 60 ngày (kể từ 28-1-1973) theo Điều 8a Hiệp Định và 4a Nghị định thư (NĐT) về trao trả, Tiểu Ban Tù Binh 4 bên đã nhóm họp tất cả 50 phiên để hoàn tất việc trao trả 26.508 nhân viên quân sự MTGP, 585 nhân viên quân sự Hoa Kỳ các nước ngoài và 4.956 nhân viên quân sự VNCH trong bốn đợt. Bốn đợt trao trả đã được bốn bên thực hiện như sau: VNCH trả 26.508 người ở bốn địa điểm: Lộc Ninh (Bình Long), Minh Thạnh (Bình Long), bắc sông Thạch Hãn (Quảng Trị) và Bồng Sơn (Bình Định). VNCH nhận 1.956 người ở bảy địa điểm: Lộc Ninh, Quảng Trị, Minh Thạnh, Thiện Ngôn (Tây Ninh), Bồng Sơn (Bình Định), Đức Phổ (Quảng Ngãi), Tam Kỳ. Riêng địa điểm Đức Nghiệp (Pleiku) tuy đã thám sát ba lần nhưng 410 nhân viên Quân Sự (NVQS/VNCH) hiện tại ở địa điểm này vẫn chưa được trao trả, phải đợi đến hơn một năm sau, MT mới được trả làm ba đợt kéo dài trong một tháng từ 8-2-74 đến 7-3-74 với tỷ lệ thiếu là 31/410. MTGP và Bắc Việt (BV) trả 585 nhân viên quân sự Hoa Kỳ và thường dân các nước ngoài tại hai địa điểm Lộc Ninh và Gia Lâm (Hà Nội). Trong số nầy có một binh sĩ Đại Hàn được trả tại Đức Phổ (Quảng Ngãi) và hai lính Thái Lan tại Gia Lâm. Tổng cộng hai bên miền Nam đã xử dụng tất cả bảy địa điểm để trao trả và tiếp nhận số NVQS mỗi bên trong thời hạn do Hiệp Định đề ra. Ngày 28-3-73, chấm dứt thời hạn sáu mươi ngày của NĐT. Vấn đề tù binh quân sự được tạm kết thúc với 26.508 nhân viên quân sự MTGP được trao trả và 4.956 NVQS/VNCH; vấn đề còn lại có hai điểm cụ thể: 410 người ở Đức Nghiệp chưa được trao trả và 210 phía Mặt Trận hồi chánh ở Biên Hòa và hai mươi tám người tìm tự do phía VNCH chưa được hợp thức hóa đúng thủ tục trao trả (Theo quan điểm phía Cộng sản). Ngoài ra, một số lớn quân nhân VNCH hiện còn bị giam giữ cũng là một mối quan tâm lớn mà Tiểu Ban Tù Binh VNCH phải cố gắng thuyết phục để phía CS chấp thuận bổ sung. Vấn đề nhân viên quân sự này đã kéo dài quá thời hạn sáu mươi ngày, lan qua thời hạn chín mươi ngày quy định cho vấn đề nhân viên dân sự, và kéo dài cho đến ngày 3-1-74 (Ngày Mặt Trận trả đợt chót của 410 người ở Đức Nghiệp) mới tạm coi giải quyết xong. Theo tinh thần Điều 7b NĐT trong vòng mười lăm ngày kể từ ngày ký kết 27-1-73 hai bên phải phổ biến danh sách nhân viên dân sự mà hai bên giam giữ và phải hoàn tất trong vòng 90 ngày kể từ ngày 27-1-1973 việc trao trả toàn bộ số nhân viên dân sự được thông báo. Để thi hành đứng đắn điều khoản trên, phía VNCH trong phiên họp ngày 12.2.1973 đã mang sẵn danh sách đầy đủ 5081 NVDS/MTGP để trao đổi, đổi lại phía Mặt Trận dự định chuyển giao một danh sách chỉ vỏn vẹn 140 người. VNCH không thể chấp thuận con số này nên cuộc trao đổi bất thành. 140 người, một số lượng quá ít ỏi so với 67.501 nhân viên dân sự và thường dân VNCH đã bị bắt trong khoảng thời gian 1954-1973. 67.501 người có đủ chi tiết hộ tịch, các trường hợp bị bắt, ngày tháng, nơi bị bắt được tu chỉnh đầy đủ chi tiết. Trước đòi hỏi hợp lý của VNCH với danh sách chính xác, MT không thể muối mặt ngoan cố hơn được đành phải bổ sung vào số lượng 140 bằng những con số kế tiếp: 60, 200, 28 và 209... tổng cộng tính đến ngày 2.4.1973, MTGP công bố một danh sách 637 người và xác định: Đây là con số cuối cùng, nếu có bổ sung thêm thì cũng chỉ có được với một, hai người đâu đó mà họ chưa kiểm kê chính xác được. Con số 637 người vẫn còn là một cách xa không bù so với tổng số 67.501, nên VNCH một mặt vẫn đòi hỏi MT bổ sung đến một con số thỏa đáng; một mặt để tỏ thiện chí, tôn trọng thời hạn do NĐT đề cập, nên đã thiết lập một kế hoạch trao trả bắt đầu vào ngày 28.4.1973 để thăm dò thiện chí của phía CS. Kế hoạch dự trù trả 750 người cho MT tại Lộc Ninh và bắc sông Thạch Hãn từ 28.4.73 đến 11.5.73, đồng thời nhận về 385 người ở ba địa điểm Lộc Ninh, Quảng Trị, Bình Định. Nhưng đúng như dự kiến của VNCH, đối phương đã gài vào số lượng 385 người được trao trả này 128 quân nhân VNCH, một tỷ lệ vô lý vi phạm trầm trọng yếu tố chính của tinh thần trao trả: Trao trả nhân viên dân sự giữa hai bên miền Nam. Trước sự tráo trở này cùng những thủ đoạn xảo trá tại các địa điểm trao trả nhằm mục đích ngăn chận người muốn tìm tự do về phía VNCH, điển hình trong cuộc trao trả ngày 9.5.73 tại Quảng Trị khi 10 trong 25 người của danh sách thứ nhất phát biểu nguyện vọng tìm tự do, cán bộ MT tại địa điểm bắc Thạch Hãn đã trở mặt đòi hợp thức hóa những người này ngay ở cuối đợt trao trả danh sách thứ nhất nầy. Trái với thủ tục phát biểu nguyện vọng đã thỏa thuận trên nguyên tắc ở BLHQS/2B/TƯ”. Sự kiện đã làm trì hoãn việc trao trả cho đến ngày 11.5.73. Vì những lý do xác đáng này, VNCH tạm thời đình chỉ công tác để kiện toàn lại thủ tục hầu có một bản văn làm căn bản để có thể thi hành ở tất cả mọi địa điểm trao trả hoặc tiếp nhận. Ngày 13.6.73, Thông Cáo Chung Ba Lê được ký kết để tìm một giải pháp tích cực và cụ thể hơn cho việc thi hành Hiệp Định ngưng bắn, vấn đề trao trả nhân viên quân sự và dân sự cũng được đề cập chặt chẽ bởi Điều 8 của Thông Cáo Chung này và một số thời lượng chính xác khác lại được nêu ra làm mốc để việc trao trả phải được hoàn tất nhanh chóng: Vấn đề nhân viên quân sự phải được giải quyết trong 30 ngày, nhân viên dân sự trong 45 ngày kể từ 13-6. Nhưng Thông Cáo Chung cũng như Hiệp Định ngưng bắn, dù với những điều khoản thiện ý cùng các qui định chặt chẽ tới đâu cũng không thể thực hiện được vì tính ngoan cố căn bản của phía cộng sản, huống gì ngay trong căn bản, Hiệp Định đã vô tình hay hữu ý có những kẽ hở trầm trọng to lớn, và MT núp sau đó, làm nơi trú ẩn tránh né sức công phá do đòi hỏi hợp lý cụ thể của phía VNCH. Thế nên số lượng nhỏ nhoi 637 cần được phía MT kiên trì giữ vững với lập luận: - Chúng tôi chỉ có chừng đó và kế hoạch trao trả cho quí vị chỉ có được với số còn lại của 637 (385 người đã trả ở Quảng Trị, Lộc Ninh, Bình Định). Một lần nữa để tỏ rõ cùng thế giới lòng tha thiết muốn thực hiện hòa bình bằng những biện pháp tích cực nhất, VNCH lại khởi đầu lập ra một kế hoạch trao trả khác kể từ 23-7-73 đến 28-8-73 để trả hết số nhân viên dân sự MTGP còn lại của 5.081 (750 đã trả theo kế hoạch ngày 28-4 và 11-5 tại hai địa điểm Lộc Ninh và Thiện Ngôn) đồng thời thâu nhận 410 nhân viên quân sự VNCH ở Đức Nghiệp và 252 dân sự. Kế hoạch này không thực hiện. Trước Tết Giáp Dần, phía VNCH muốn khai thông vấn đề trao trả với hy vọng cuộc trao trả sẽ tiến hành và kết thúc trước Tết. Nhưng hai bên đã nhìn vấn đề theo hai quan điểm đối cực. Phía Việt Nam muốn đặt vấn đề trong khung cảnh toàn bộ, muốn giải quyết toàn thể tù binh (gồm số tù đã được thông báo nhưng chưa trả hết và quân nhân VNCH bị bắt ở Hạ Lào, Kampuchia, Mậu Thân, và tổng số nhân viên dân sự bị bắt cóc từ 1954 hay trở về trước nữa...) Trái lại, phía MT chỉ muốn tiếp tục lại kế hoạch bị bỏ dỡ từ tháng 7-1973; họ quan niệm kế hoạch này là toàn bộ vấn đề tù binh, trả hết số tù binh nầy là kết thúc. Vấn đề Tù Binh (nếu gọi là còn) tức là số 200.000 nhân viên dân sự và tù chính trị thuộc lực lượng thứ ba hiện VNCH đang giam giữ (!); theo quan điểm của họ 410 quân nhân VNCH và 252 nhân viên dân sự là những “con số thực tế” cuối cùng! Thật gọn, ai bảo người cộng sản không biết khôi hài; quả tình họ khôi hài độc địa và thâm hiểm hơn bất kỳ loại khôi hài đen nào. Tết Giáp Dần đi qua, kế hoạch không được thực hiện, mãi tới ngày 8-2-74 một cuộc trao trả mới được bắt đầu để kết thúc vào ngày 7-3-74. Cuối cùng VNCH trao trả đủ số 5081 nhân viên dân sự thêm 76 nhân viên quân sự cho Mặt Trận, nhận về 410 người ở Đức Nghiệp (với số thiếu là 31/410) và tỷ lệ thiếu về nhân viên dân sự là 12%... Một cuộc chiến tranh ý hệ dài dằn dặt được kết thúc với con số 252 còn lại của tổng số 637 người dân, nhân viên dân chính bị bắt.