Vấn đề Tù Binh

Ngày 27-1-1973, Hiệp Định Ba Lê được ký kết, đình chỉ chiến tranh Việt Nam. Hiệp Định gồm có chín chương bao gồm tất cả các điều khoản căn bản để thực hiện ngưng bắn và giải quyết những vấn đề do hòa bình đem đến. Việc trao trả tù binh giữa các bên tham chiến là một nét chính của Hiệp Định, được quy định bởi Chương III, Điều 8, ấn định tổng quát công việc trao trả và một Nghị Định Thư (NĐT) gồm mười bốn điều nhằm qui định nhiệm vụ, chức năng của mỗi bên, đồng thời phác họa một số quy định để các bên làm cơ sở thi hành. Việc trao trả nhân viên quân - dân sự của hai bên miền Nam được thiết lập từ Điều 8 Hiệp Định và Nghị Định Thư kể trên. Có thể tạm gác vấn đề trao trả những tù binh quân sự Hoa Kỳ và các nước ngoài (Những nước tham chiến trong khuôn khổ quân viện của thế giới tự do giúp Việt Nam Cộng Hòa), thường dân Hoa Kỳ và các nước ngoài do Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và Mặt Trận Giải Phóng bắt giữ và trao trả. Chủ điểm chính của hai bài viết là vấn đề những tù binh Quân-Dân sự của hai bên miền Nam Việt Nam mà Điều 8 (a+c) đề cập, cũng như Điều 1 và 7 Nghị Định Thư ấn định trên những nguyên tắc căn bản để giải quyết.
Điều 8 Hiệp Định và Nghị Định Thư về trao trả tuy trên hình thức đã ấn định một số điều khoản cần thiết để trao trả, có thể thực hiện được với một mức độ hiệu quả, nhưng không khí chung của toàn thể những bản nội dung trên lại đặt căn bản trên một tính chất mơ hồ và uyển chuyển “tinh thần nhất trí hòa hợp hòa giải giữa các phe lâm chiến” cụ thể là “tính chất hòa giải trong tinh thần dân tộc của hai phe miền Nam.” Một bản văn chính trị đặt cơ sở trên tính chất tâm lý khởi đầu đã tạo nên một không khí không mạch lạc, dứt khoát; vì vậy các bên ký kết có thể nhìn lời văn dưới nhiều quan điểm khác chiều, đôi khi đối nghịch. Trong tính chất tổng quát đó Điều 8 Hiệp Định cũng như Nghị Định Thư về trao trả đã vô tình (và cố ý) bỏ qua sự kiện: Có những quân nhân và nhân viên dân sự Việt Nam Cộng Hòa bị các lực lượng chính qui của quân đội Bắc Việt bắt và giam giữ; những người lính Việt Nam Cộng Hòa bị bắt ở ngoài lãnh thổ miền nam Việt Nam và những thường dân Việt Nam bị bắt bởi lực lượng Cộng sản trong suốt thời gian từ khi phát khởi cuộc đấu tranh tại miền Nam từ những ngày đất nước phân ly (20-7-1954). Tuy Điều 1 và 7 của Nghị Định Thư đã nói tổng quát đến vấn đề toàn thể nhân viên quân sự và dân sự của hai bên miền Nam bị bắt giữ trong chiến tranh phải được hoàn toàn trao trả hết, ấn định một thời lượng cơ bản để hoàn tất công tác này; 60 ngày, để trả hết tù quân sự; 90 ngày để trả tù dân sự trong tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc cho những người ở cả hai phe hiện bị giam giữ ở các trại giam bên nầy hoặc bên kia. Nhưng Điều 1 và 7 Nghị Định Thư chỉ mới là cái khung cần thiết chứ chưa phải là điều kiện đủ để giải quyết thỏa đáng vấn đề tù binh Việt Nam; Điều 1 Nghị Định Thư chỉ kể ra: Tất cả Nhân viên Quân sự Việt Nam bị bắt, thuộc các lực lượng vũ trang chính qui hoặc không chính qui sẽ được trao trả cho hai bên miền Nam Việt Nam; những người nào phục vụ dưới sự chỉ huy của bên miền Nam Việt Nam nào thì sẽ được trao trả cho bên miền Nam Việt Nam đó. Vấn đề cơ bản đã có kẽ hở ở đây. Những tù binh của quân đội miền Bắc sẽ được giải quyết ổn thỏa khi Việt Nam Cộng Hòa trao họ cho lực lượng vũ trang giải phóng; những xáo trộn về địa bàn hoạt động của những tù binh nầy sẽ được giải quyết ổn thỏa cho dù các đơn vị tiếp nhận có trực thuộc vào cục R (Trung ương Cục miền Nam), đường lối chỉ đạo chính trị vẫn phát xuất từ Bộ Chính Trị Đảng Lao Động miền Bắc; nên khi tù binh quân sự Cộng sản vốn là lính của Sư đoàn 324B Bắc Việt được trao trả tại Lộc Ninh do nhân viên tiếp nhận của Mặt Trận Giải Phóng đề cử vẫn có được cơ sở tinh thần để tiếp tục công tác trong lòng đơn vị mới. Kẽ hở nguy hiểm nhất của điều 1 NĐT giương lên về phía Việt Nam Cộng Hòa vì điều 1 này đã không đề cập với mực độ chính xác tối thiểu đến những quân nhân VNCH bị bắt bởi các đơn vị chính quy miền Bắc, những người bị giam giữ ở trong các trại giam Bắc Việt, Lào, Kampuchia. Kẽ hở cũng chính là lý hướng nguy hiểm nhất của Hiệp Định: Ngụy trang hay không đề cập đến sự tham chiến của lực lượng quân sự chính qui miền Bắc tại chiến trường miền Nam. Trong tinh thần này, câu “Sinh Bắc Tử Nam” không chỉ là khẩu hiệu tác động tinh thần nhưng là một ý niệm chiến lược chỉ đạo mà đảng Cộng sản miền Bắc quyết tâm thực hiện.
Nghị Định Thư cũng có kẽ hở khác ở Điều 7, khi không xác định rõ rệt và dứt khoát những thường dân VNCH bị bắt trong thời gian dài của mười chín năm chiến tranh. “Tinh thần hòa hợp và hòa giải dân tộc” được nhắc lại trong Điều 7 này không đủ khả năng để giải quyết tình trạng bi thiết mà nhân dân Việt Nam phải gánh chịu trong cuộc chiến cục bộ của hai ý hệ đối nghịch. Con số 67.501 thường dân và cán bộ của VNCH bị bắt từ năm 1954 - 1/1975 phải là một con số có thực mà ý niệm hòa giải của Điều 7 này không làm sao bao gồm được, Mặt Trận Giải Phóng (MTGP) đã đeo cứng vào những kẽ hở để xóa bỏ những thực tế bi thảm này.