Những con số đau đớn

Theo Điều 8a của Hiệp Định Ngưng Bắn và Tái Lập Hòa Bình tại Việt Nam, trong vòng 60 ngày kể từ ngày ký kết 27-1-1973 những phe tham chiến tại Việt Nam sẽ trao trả hết số tù quân sự và thường dân nước ngoài hiện đang bị giam giữ, đồng thời phải trao đổi ngay danh sách đầy đủ về số tù nhân này trong ngày ký kết.
Vấn đề tù binh dân sự Việt Nam được qui định giải quyết trong một thời gian 90 ngày đặt căn bản trên Điều 21 (b) của Hòa Ước Genève (Điều khoản này định nghĩa: Nhân viên dân sự bị bắt là người đã tham gia vào cuộc đấu tranh vũ trang hoặc chính trị tại một bên ở Việt Nam mà bị bên kia bắt giữ. Cuộc tham gia này có thể là dưới nhiều hình thức miễn không là ở cương vị người lính.
Vấn đề cụ thể và đau đớn của cuộc chiến, một cuộc chiến khốc liệt cao điểm của phương thức chiến tranh giải phóng, cuộc chiến tinh quái độc hại rối rắm nhất của nhân loại được giải quyết bởi 11 giòng gồm 195 chữ của Điều 8 HĐ và bốn trang của NĐT gói ghém toàn bộ cách thức giải quyết. Trên cơ sở mong manh hàm hồ nhiều cạm bẫy này, vấn đề tù binh dần được giải quyết với sự thiệt hại nghiêng dần về phía Việt Nam Cộng Hòa. Phải viết đủ bốn chữ như thế để phân biệt với “hai” thứ Việt Nam kia, những người Việt no say hưởng bữa tiệc rượu máu của những người Việt đang bị giam giữ: Những quân nhân Việt Nam Cộng Hòa.
Trong những ngày soạn thảo văn bản Hiệp Định và các Nghị Định Thư, không hiểu những người có nhiệm vụ bớt từng chữ, từng câu khi cố tình loại bỏ sự có mặt của quân đội Bắc Việt, của “nước” Bắc Việt để che dấu những thỏa thuận biển lận, thâm độc chính trị, có nghĩ rằng họ đang sửa soạn một bữa tiệc máu: Máu những người lính Việt Nam Cộng Hòa bị quân đội Bắc Việt bắt giữ khi giao tranh. Vì Điều 1 và 2 NĐT/TB không có phân biệt rõ ràng để xác định có bao nhiêu loại tù binh, nên dù cố gắng soi sáng bằng tất cả mọi góc cạnh tỉ mỉ mười bốn hàng chữ của hai điều khoản đó, ta cũng chỉ nhận được có bốn loại tù binh: Tù binh Hoa Kỳ và quân đội nước ngoài (Những nước đã tham chiến giúp VNCH), thường dân nước ngoài thuộc quốc tịch Hoa Kỳ hay của bất cứ nước nào khác (Phi, Úc, Nhật...) và hai loại tù dân - quân sự của miền Nam Việt Nam: tù do Việt Nam Cộng Hòa bắt giữ và tù của Mặt Trận Giải Phóng!! Không có một giòng chữ nào gợi đến những người lính chính qui đã phát xuất từ Bắc Việt theo đường mòn Hồ Chí Minh vào tham chiến tại mặt trận B2 (Trị Thiên), B3 (Ba biên giới)... Không có một chữ, nghĩa dù mơ hồ để chỉ những tù nhân quân sự bị bắt tại trận địa, mình xâm câu “Sinh Bắc Tử Nam”, trả lời thẳng thắng: “Tôi thuộc Sư đoàn 304B do Thượng Tá Nguyễn Sơn chỉ huy, đơn vị thành lập năm 1965 tại Thanh Hóa, xâm nhập miền Nam ngày 9-10-1967, tham chiến tại Khe Sanh kể từ ngày 19-1-1968...” Không có một giòng chữ để chỉ loại tù này: Những người lính đi B (đi Nam) và lẽ tất nhiên cũng không có chữ nghĩa vô ích để gọi đến cái Sư đoàn 304B kia! Kinh khiếp thật, cả thế giới a tòng cùng quân cướp, trong đó có những người được nổi tiếng vì hoạt động cho hòa bình!! Và thê thảm hơn cả, đau đớn hơn cả, hệ luận tất nhiên của hai điều khoản trên ắt phải xảy ra: Không có quân nhân Việt Nam Cộng Hòa bị bắt bởi quân đội Bắc việt... Tóm lại: Chiến dịch Hạ Lào (2-1971), chiến dịch đánh vào hậu cần Cục R trên đất Miên (5-1970), rõ rệt nhất là cuộc tổng công kích vào miền Nam trong Tết Mậu Thân, và mới mẻ hơn hết: Cuộc đại chiến mùa hè 1972, những cuộc giết người vĩ đại được hợp thức hóa thành chiến tranh cục bộ do phong trào “Nhân dân miền Nam giác ngộ yêu nước chủ động hoặc do Nhân dân Khmer và Pathet Lào kiên cường chống xâm lược...” Người lính Việt Nam Cộng Hòa bị bắt trong các trận chiến nầy bị hư vô hóa, vô hiệu hóa và vô tính hóa. Không có loại tù binh đó trong Hiệp Định Ngưng Bắn và Tái Lập Hòa Bình tại Việt Nam. Vấn đề tù binh sẽ được giải quyết trên căn bản “Hòa hợp, hòa giải dân tộc, chấm dứt thù hận, giảm bớt đau khổ và để người tù đoàn tụ với gia đình...” Cả thế giới hoan nghinh tinh thần đẹp đẽ và điều khoản nhân đạo của Hiệp Định... Người tù quân sự VNCH, anh ở đâu? Cả thế giới đồng lòng xóa bỏ sự hiện diện đau đớn bi tráng này. Thế Giới, Nhân Loại, trong khi ngửa cổ uống ly rượu “ý thức hòa bình tiến bộ” có nghĩ đến những người lính miền Nam đang bị cùm chân ở núi rừng Cao-Bắc-Lạng. Người Tù rớt khỏi trò chơi Hòa Bình.
 
Để trao đổi với VNCH khi bên này công bố bảng danh sách tù quân sự 26.750 người của Mặt Trận Giải Phóng bị giam giữ. Trong danh sách 26.750 tù binh cộng sản, VNCH liệt kê các thành phần: Quân đội chính qui Bắc Việt xâm nhập; lực lượng hồi kết (Thuộc các đơn vị ở Trung và Nam Việt Nam tập kết ra Bắc sau Hiệp Định Genève 1954 và xâm nhập về Nam từ 1959 trở đi...); đơn vị chính qui và du kích thuộc MT. Đối lại, MT chỉ ghi chú số 5.018 người là do quân giải phóng bắt giữ được trong mười năm chiến tranh. Cộng sản chỉ dự trù trao trả cho VNCH những tù binh phần lớn bị bắt trong năm 1972, một số ít của những năm 68, 69, 70, 71... Tù binh trước năm 68 không hề được đề cập và liệt kê vào danh sách. Thâm hiểm hơn hết họ không trao trả số quân nhân VNCH đã bị bắt trong các cuộc hành quân vượt biên với lý luận đây là tù binh của Phathet Lào và của Khmer Đỏ.
Phía VNCH không thể nào chấp nhận danh sách 5.018 người kia trả là tổng số thực tế của mười năm dài chiến trận. Không thể chấp nhận nầy vì sẽ phạm tội đồng lõa khi gọi số lượng nhỏ kia là con số thực tế. Sau cuộc trao trả, khi so sánh danh sách 5.018 người được trao trả nầy với danh sách đã phổ biến tại Ba Lê người ta thấy ngay được con số lớn chênh lệch: 29 sĩ quan, 1033 binh sĩ và hạ sĩ quan (Có tên trong danh sách 5.081 phổ biến ở Ba Lê) nhưng không được trao trả. Sự kiện có thể hiểu theo hai cách: Vì có 29 sĩ quan và 1033 hạ sĩ quan, binh sĩ trong danh sách này đã chết nên bây giờ phía cộng sản thế vào bằng một số người khác; hoặc 29 sĩ quan và 1033 binh sĩ sau này tuy không được liệt kê vào danh sách Ba Lê như dự trù nhưng vì danh sách thiếu hụt số lượng người trao trả nên họ bù vào cho đủ số. Tất cả hai luận lý đều có chung một kết luận: “Còn rất nhiều quân VNCH hiện đang còn bị giam giữ trong lao tù cộng sản”. Như dẫn chứng sau đây, Tiểu đoàn 101 pháo binh đóng tại Gio Linh, tháng 3-1972; Bắc quân mở đầu đại chiến mùa hè, căn cứ hỏa lực của tiểu đoàn nầy bị tràn ngập, trung úy Thành bị bắt và đem giam tại Bắc Việt. Một bức ảnh chụp tù nhân VNCH tại miền Bắc trong đó có Thành được đăng lên báo Đoàn Kết (Bắc Việt) và phổ biến tại Ba Lê. Gia đình cũng nhận được lời nhắn tin của Thành qua đài Hà Nội. Sự kiện về trung úy Thành rõ ràng cụ thể không che lấp, dấu diếm nhưng chắc rằng Thành đã có hành động chống đối, lời nói bất phục nên Thành không được trao trả. Tất cả bằng chứng về Thành được đưa ra ở bàn hội nghị của ban LHQS. Phe Mặt Trận “ghi nhận” chi tiết và đi qua trong tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc”...
Trường hợp của Thành chỉ là một ví dụ điển hình, cụ thể, của hằng ngàn người hiện còn bị giam giữ trong sáu mươi trại giam rải rác khắp ba lãnh thổ Việt, Miên, Lào, trong đó những trại giam miền Bắc Việt Nam được ghi nhận chính xác là mười hai trại. Trong mười hai trại ở Bắc Việt có trại T2 (thành lập vào khoảng tháng 4-71 sau chiến dịch Hạ Lào hai tháng) đặt tại vùng hai xã Việt Hồng, Việt Cường huyện Trấn Yên tỉnh Yên Bái, trong trại này có những quân nhân Việt Nam bị bắt ở chiến dịch Hạ Lào, những sĩ quan như Đại tá Nguyễn Văn Thọ Lữ đoàn Trưởng Lữ đoàn 3 Dù, Thiếu Tá Trần Văn Đức sĩ quan ban 3, Thiếu Tá Phương. Đại úy Thương, những sĩ quan pháo binh của Tiểu đoàn 3 Pháo, đơn vị trấn giữ đồi 31. Những con người có thật đã nói ở đài Hà Nội, bị giam ở những trại đã được kiểm chứng, do lời tiết lộ của những người vừa được trao trả, do cung cấp của những hồi chánh viên có nhiệm vụ quản lý trại... Những tài liệu chính xác, những dẫn chứng cụ thể, những lời nói được thâu băng... Tất cả trở nên vô hiệu, vô ích trước cộng sản. Phía MTGP lý luận: Những sĩ quan như Đại tá Thọ, Thiếu tá Phương, Đức,... Như quí vị vừa nêu ra, chúng tôi xin ghi nhận; nhưng chúng tôi xin thông báo trước: Những nhân viên quân sự đó không thuộc quyền “quản lý” của chúng tôi, họ tham chiến tại Nam Lào bị lực lượng Pathet Lào bắt được, chúng tôi chỉ vì “tình đồng bào” (?!) lòng nhân đạo, sẽ “quan hệ” với lực lượng Pathet Lào để thả các anh em đó ra vì dù sao họ cũng là người Việt Nam (!!).
Khỏe ru, MTGP, Bắc Việt ung dung thông qua vấn đề, vì Hiệp Định, Nghị Định Thư không nói đến loại tù nầy... Quân Bắc Việt không tham chiến ở Lào, ở Nam Việt Nam. Tóm lại, lãnh thổ và chính quyền đó đứng ngoài cuộc chiến tranh. Quái đản và đau đớn quá, nhiều cái mồm hét lớn hoan hô hòa bình, hoan hô thiện chí... Có nhiều nguyên do gây nên chiến tranh, gây nên tội ác. Danh từ là một trong những nguyên nhân chính yếu. Cộng sản, những người chiến đấu vì danh từ và dùng nó để che dấu vết giết người. Rất nhiều người không thấy rõ mặt cộng sản sau những danh từ: Hòa Bình, Hòa Hợp, Hòa Giải...
Tạm gác vấn đề tù quân sự lại, phương thức giải quyết sẽ vô cùng khó khăn khi va mặt với bức tường đá cộng sản. Chúng ta đi tiếp vấn đề. Tù dân sự, khuôn mặt bi thảm thứ hai của vấn đề tù binh. Sau ngày 27-1-1973 Phủ Tổng Ủy Dân Vận phổ biến một tập danh sách tổng kết số thường dân và cán bộ dân sự bị cộng sản bắt cóc kể từ 1954. Tổng số là 67.501 người, gồm 50.747 thường dân và 16.754 cán bộ. Con số tuy lớn nhưng vẫn là con số chính xác căn cứ vào những chi tiết cụ thể đã được kiểm chứng kỹ. Ngoài ra còn có một số lớn thường dân ở những vùng hẻo lánh bị bắt cóc mà chính quyền không kiểm kê được. Đối diện với số người to lớn có đủ dẫn chứng về tên họ, gia cảnh, sinh quán, chức vụ, ngày và nơi bị bắt, người cộng sản tỉnh táo trả lời đến độ ngang ngược: Năm 1959, Phong trào nhân dân vũ trang giải phóng mới được phát động, ngày 20-12-1960, Mặt Trận Giải Phóng mới chính thức thành lập... Vậy thật vô lý khi bảo Mặt Trận đã tham dự vào công việc bắt cóc thường dân và cán bộ VNCH trong khoảng thời gian từ 1954 đến 1960!! Được đà, đám cán bộ trong bàn hội nghị tiếp tục: Kể từ năm 1960 trở về sau này, quả tình MT có bắt giữ một số cán bộ, những người dân không “giác ngộ”, những người dân không có “ý thức cách mạng tiến bộ...”, nhưng vì chính sách của MT là cải tạo, giáo dục và không... giam giữ, nên số người nầy sau một thời gian học tập đã giác ngộ (!!). Mặt Trận đã thả họ về nhà hoặc để họ “tự động” tham gia vào phong trào nhân dân vũ trang yêu nước (!!?). Cuối cùng để chứng tỏ thiện chí và tinh thần tôn trọng Hiệp Định và Nghị Định Thư, Chính phủ Lâm Thời trao cho Việt Nam Cộng Hòa một danh sách 140 người hiện bị MT giam giữ để chứng tỏ lòng yêu chuộng hòa bình. MT luôn sẽ cố gắng bổ sung thêm nếu có!!
Thậm quái đản, không có sự ngang ngược nào hơn thế nữa, cuộc chiến dài giữa hai ý hệ đối nghịch trong thời gian dài mù mịt chỉ có được 140 người tù dân sự. Và đúng như danh từ “cải tạo, giải phóng” mà CS gán vào cho những người thường dân, cán bộ dân chính VNCH, cũng thật đúng nữa khi họ bảo không có chế độ giam giữ. Vì họ đã giết, giết rất nhiều cán bộ hành chánh và thường dân vô tội. Nhân loại thế giới khi vỗ tay ca ngợi lũ người xanh mặt bủng từ mật khu đi hội Ba Lê vì “thiện ý hòa bình” hãy hiểu rõ họ đang cổ võ tán thưởng “những kẻ giết người”. Những đao phủ thâm ác và nhiệt tâm từ ý thức giác ngộ cách mạng; được gây hứng khởi bởi máu xương của người dân miền Nam nước Việt. Người dân Huế chết trong Tết Mậu Thân, người Quảng Trị trên chín cây số xác người của “Đại Lộ Kinh Hoàng”, người Bình Long ngã gục dọc đường số 13... Chủ nghĩa siêu nhân của Nietzsche gây cơn hứng giết người cho dân tộc Đức, giáo điều Mao Trạch Đông giúp Vệ Binh Đỏ xuống tay quá độ không ngần ngại... Và ở Việt Nam, nơi đáy sâu tai ương khốn nạn, thứ Marxisme thô sơ được biến thể và cập nhật hóa bởi đầu óc ngoại hạng họ Hồ giúp đám cán bộ đảng Lao Động giết người vô tội trong tận cùng thỏa thuê với ý thức giác ngộ sáng suốt... Kinh tởm quá, hậu bán thế kỷ 20 vẫn còn số đông nhân loại mang chứng bạo ngược tinh thần để a tòng cùng kẻ sát nhân qua máu xương người Việt thụ nạn.
Cuối cùng, phe cộng sản tỉnh táo kết luận như trên, dù khi phía VNCH công bố chi tiết về trại Ba Sao ở Nam Hà (Nam Định và Hà Nam) trong số có các ông Bảo Lộc, Phó Tỉnh Trưỏng Thừa Thiên, Nguyễn Văn Đãi Ủy viên Chính phủ Vùng I, Hà Thúc Tứ Trưởng ty Hỏa xa Đà Nẵng, Nguyễn Đình Bá sinh viên và nữ ký giả Nguyễn Thụy An. Và cụ thể nhất là trường hợp của Bác sĩ Nguyễn Đệ Trưởng Ty y tế Bồng Sơn bị cộng sản bắt trong tháng 5-1972, đã bị khám phá bởi ký giả báo Ashahi Shinbul. Báo nầy viết: “Trường hợp của Bác sĩ Đệ bị bắt ép phải ở lại, là một vết nhơ của vùng giải phóng...” Những người này không có tên trong danh sách 637 người bổ túc.
Ngày 12 tháng 2/73, cuộc trao trả tù bắt đầu, Bắc Việt trả tù ở Gia Lâm, Việt Nam Cộng Hòa trả ở Thạch Hãn, Mặt Trận Giải Phóng trả tù ở Lộc Ninh. Cuộc trả tù ở Gia Lâm diễn tiến tốt đẹp. Hà nội còn trả thêm một trung tá vì mẹ ông này bịnh. Tại Quảng Trị phíaVNCH đem tù đến bờ nam sông Thạch Hãn, toán cán bộ gốc Bắc Việt ở bên kia sông chưa kịp chuẩn bị vì thiếu phối hợp, nên từ chối tiếp nhận. Tại Lộc Ninh, MT chơi trò ma giáo, hẹn trả lúc 8 giờ 30, mãi đến chiều tối mới trao trả. Ông tướng Woodward phản pháo lập tức bằng một kháng thư gởi đến Chủ tịch Ủy Ban Quốc Tế và một văn thư cảnh cáo Trướng Trà với xác định: Việc trao trả của quân nhân Hoa Kỳ chỉ liên hệ trực tiếp với việc rút quân của Hoa Kỳ. Việc rút quân này diễn tiến theo đúng thời hạn ấn định, không có lý do nào để giải thích những trì hoãn tương tự...
Tháng 2, 3 năm 73 qua hết, 556 tù Quân sự Mỹ được hoàn tất đúng boong kỳ hạn, cả hai anh Bắc Việt và Mặt Trận sau hai lần thử gió người Mỹ, đã phải de lui vì phe nầy nắm trong tay nhiều sức mạnh để quyết định... Chúng tôi không đến đây để đùa cùng quí vị, ông Cố vấn Kissinger đang có mặt tại Hà Nội (2-73) với những chỉ thị của Tổng Thống chúng tôi để yêu cầu quý vị dứt khoát trả các tù nhân Hoa Kỳ đúng thời hạn... Câu nói cứng rắn nhiều uy thế của Tướng Woodward, của Đại tá Russell đẩy mạnh vấn đề của Hoa Kỳ êm đẹp. Việt Nam Cộng Hòa cũng hoàn tất việc trao trả 26,508 tù quân sự cộng sản (còn 210 chưa hợp thức hóa là người tìm tự do). Mặt Trận trở mặt giữ 410 quân nhân VNCH lại Đức Nghiệp không có giải thích thỏa đáng, được che dấu dưới luận điệu: Chúng tôi luôn đặt tinh thần nhân đạo lên trên mọi tác động chính trị. Và tiếp tục giữ 410 người ở Đức Nghiệp nầy quá thời hạn sáu mươi ngày, chín mươi ngày cho đến tháng 7 năm 1973. Ba tháng đi qua đã có 30 người chết trong các trại giam. Vấn đề tù quân sự được tạm thời đình chỉ đầu tháng 5-73 để bắt đầu cuộc trao trả cho MT 750 tù dân sự và nhận về 385... Kế hoạch đang trên đà tiếp tục bỗng bế tắc vì Ủy Ban Quốc Tế không chịu đến địa điểm trao trả nếu MT không chịu bảo đảm hành lang không lưu. Người Cộng sản cũng không chịu nhận tù ở địa điểm nam Thạch Hãn vì muốn lợi dụng địa điểm bắc Thạch Hãn để ngăn những người tù không muốn về phía Mặt Trận. 36 người hồi chánh trong 750 người trao trả của đợt I tù dân sự chắc chắn sẽ có thêm một đa số không chịu về phía bờ bắc Thạch Hãn nơi có những lá cờ máu và cán bộ đáng nói giọng miền Bắc với danh xưng. “Người Quảng Trị”. Ngoài ra MT còn chuẩn bị thêm một chiến thuật khác nhằm khai triễn và lợi dụng những người như Ngô Bá Thành, Huỳnh Tấn Mẫm, Nguyễn Long... để tạo dựng nên một thành phần thứ ba, những người chắc chắn sẽ gây nhiều trở ngại và rối rắm ở địa điểm trao trả với số phóng viên báo chí ngoại quốc mà Mặt Trận bố trí sẵn sàng. Trong tình trạng dằn co của tháng 5, 6, 7, 1973 phía VNCH nỗ lực đòi hỏi phía CS trả hết số tù nhân đã được thông báo, ưu tiên là 410 quân nhân ở Đức Nghiệp; số tù dân sự còn lại và trọng tâm của yêu cầu là những tù nhân VNCH còn bị giam rải rác khắp nơi trên lãnh thổ Đông Dương; cụ thể là 7.061 tù nhân quân lẫn dân sự của 34 trại ở nam và bắc Việt Nam. Trước con số cụ thể, những dẫn chứng minh bạch, những vị trí chính xác của trại giam, phía CS vẫn cố tình che lấp vấn đề bằng lập luận ngang ngược và cố chấp đến cùng cực.
Chúng tôi chỉ còn một hoặc hai người là nhiều, quí vị đánh ở Nam Lào, ở Kampuchia, nếu bị bắt là do Pathét Lào, Khmer Đỏ bắt giữ chứ không phải chúng tôi. Những lập luận quái đản, những lý lẽ hàm hồ được lập đi lập lại không ngượng ngùng bằng những ngôn từ nghiêm trang mẫu mực. Bức tường đá cố chấp không tình người vẫn đứng nguyên trước những đòi hỏi hợp lý. Tù nhân Việt Nam Cộng Hòa vẫn còn bị cùm kẹp nơi hốc núi, cuối lòng rừng ở Tuyên Quang, Vĩnh Phú (Vĩnh Yên À Phú Thọ), Yên Bái, Sơn Tây. Những viên chức hành chánh VNCH vẫn phải lao động sản xuất đến hơi thở cuối cùng trong trại Thanh Cẩm, Thanh Hóa, hệ thống trại giam Lý Bá Sơ cũ. Trại Lý Bá Sơ, nơi địa ngục trần thế của lũ người nghiện men máu và hơi xác chết qua một thời gian dài. Chỉ còn mười ngày nữa là hết thời hạn bốn mươi lăm ngày của Thông Cáo Chung 13-6-1973 những lính Biệt Kích, Nhảy Dù của Lữ Đoàn 3 thuộc trại T371 nơi núi rừng Lạng Sơn hằng ngày vẫn phải kiếm lá, nhặt rau để ăn cầm hơi vì phần gạo “tiêu chuẩn” tối thiểu... Trong khi ở Trà Mi miền Nam, Trà Bồng, Ba-Tơ, A-Sao, A-Lưới bao nhiêu quân nhân vẫn đang bị học tập cải tạo, sống với tiêu chuẩn hai vắt cơm cùng vài hạt muối mỗi ngày. Mười ngày nữa, thời hạn sẽ qua đi, tù cộng sản được trả hết, phía VNCH còn lại gì để bàn cãi, để đặt vấn đề. Đau đớn quá, tiếng thét của hàng vạn người Việt Nam Quốc Gia không vang được đến tai người đồng đội, không thoát khỏi tàng cây, không vượt qua đỉnh núi... Các anh sẽ ra sao, những người lính đồi 31 Hạ Lào, của căn cứ Hỏa Lực A1, A2, Gio Linh, các anh sẽ ra sao những người đã giữ vững Tân Cảnh, đã tử thủ Hoài Ân, những người chiến đấu cho Hòa Bình, cho nhân loại, cho thế giới.
Mặt Trận còn xử dụng một chiêu thức khác để chạy tội về vấn nạn tù binh, bằng cách nêu lên đòi hỏi: phía VNCH phải trả tự do ngay lập tức và không điều kiện 200.000 (?) tù chính trị hiện còn đang bị giam giữ. Họ lý luận: “Đây là những người tranh đấu cho Hòa bình, Hòa giải, Dân Tộc”... Thuộc về “thành phần lực lượng thứ ba”; một lực lượng tối cần thiết để thành lập Hội Đồng Hoà Giải Dân Tộc!!! 200.000 người theo MT là tống số thường phạm hiện còn đang bị giam giữ ở các nhà giam VNCH.
Đây là một đề tài tương đối mới mẻ mà Mặt Trận vừa mới đưa lên bàn hội nghị kể từ tháng 5-73. Vấn đề này sở dĩ xuất hiện muộn vì có hai lý do mà chúng ta có thể dẫn chứng không sợ sai lệch.
Trong những tháng 3 và 4-73, MTGP dồn nỗ lực để tiếp nhận con số lớn 26.750 nhân viên quân sự được VNCH trao trả đồng thời tranh thủ thời gian để kịp nhận số nhân viên dân sự cộng sản (5081 người) mà VNCH sắp trao trả. Nhân tố này là một thành phần tối cần thiết để MTGP bổ sung lại lỗ hổng cán bộ hạ tầng đã tan vỡ và vô hiệu hóa sau biến cố Mậu Thân, hoặc do hậu quả và các chiến dịch vượt biên của quân đội VNCH năm 1970, 1971; các đường giây giữa cục R và cơ sở nông thôn như giao liên tiếp vận, chuyển quân đã bị đứt hẳn hoặc chùng lại trong suốt những năm 69, 70, 71, 72.. Số cán bộ hạ tầng này cũng để dùng thay thế lớp cán bộ chính trị Bắc Việt hiện tại đang khuynh loát toàn thể cơ cấu của Mặt Trận, lớp cán bộ miền Bắc này đã được bố trí vào hạ tầng cơ sở nông thôn miền Nam trong âm mưu chiến lược của cuộc đại tấn công 1972 do các sư đoàn chính qui Bắc Việt. Nhưng có lẽ sau đợt tiếp nhận từ 28-4 đến 11-5-73 với 750 nhân viên dân sự, MTGP thấy không thể khai thác đám cán bộ này với nhiều lý do, có những lý do nội tại tiêu cực là lớp người này đã mất hẳn cơ sở tinh thần tranh đấu, hoặc áp lực tích cực của khối cán bộ gốc Bắc Việt. Thế nên, cách hăm hở, nôn nóng ban đầu nguội dần, Cộng sản xoay mũi đấu tranh qua địa bàn tù chính trị.
Lý do thứ hai có thể giải thích sự muộn màng việc Mặt Trận Giải Phóng trở hướng chiến đấu vì từ tháng 5-73 trở đi họ mới có đủ tài liệu và dữ kiện để nhập trận. Khi có những tài liệu về các trại giam Côn Sơn, Tam Hiệp, báo chí, sách vở của nhóm trí thức Công Giáo tả khuynh như Ngọc Lan, Chân Tín, tập Bạch Thư của Dân biểu Hồ Ngọc Nhuận; Mặt Trận Giải Phóng tận lực khai triển hợp cùng với những đợt tấn công của các hiệp hội đoàn thể có khuynh hướng cộng sản, thiên tả lấy mục tiêu nhà tù VNCH làm chủ điểm đấu tranh. Nội ngoại tiếp ứng nhịp nhàng để tạo thành cơn nổ lớn với đề tài À Tù chính trị ở miền Nam. Nắm được điểm chủ yếu của phong trào, Mặt Trận Giải Phóng khai triển tối đa thành phần nhân viên dân sự mang tội phá rối trị an như luật sư Long, luật gia Thành sinh viên Mẫm, Ban, Lan, Huệ... Với sức đẩy của phong trào, người cộng sản nỗ lực biến những người này thành một lớp “tù chính trị trung tính, một lực lượng thứ ba yêu nước” chỉ vì đấu tranh cho hòa bình mà bị cấu thành tội. “Khối thứ ba” nầy rất cần thiết cho giai đoạn hòa giải và hòa hợp dân tộc. Một khối thứ ba với kỹ thuật đấu tranh sách lược hoạt động và quá trình tư tưởng là cộng sản. Công tác này bắt đầu được đẩy mạnh trong tháng 6-73. Phía MT tổng hợp số người “thực tế” nầy với số 200.000 người trên để tạo nên một thực tế “ma” là 200.000 tù chính trị!!!
Với chủ đích nghiêm trọng như thế, Mặt Trận Giải Phóng kết lập tất cả mọi dữ kiện từ cuốn sách của Dân biểu Nhuận với một lời tuyên bố của một giới chức VNCH liên quan đến vấn đề tù nhân, bài báo của nhóm linh mục cộng sản giáo tả khuynh hòa điệu cùng bức thư của sinh viên Mẫm. Tất cả diễn ra nhịp nhàng chặt chẽ với sự tiếp hơi của các đoàn thể, hiệp hội khuynh tả trên thế giới, đặc biệt của nhóm Công Giáo Cấp Tiến đang có ảnh hưởng mạnh lên thành phần trí thức phản chiến Tây Phương. Và phong trào đã dừng lại trên cao điểm: Việt Nam Cộng Hòa hiện đang giam giữ hàng trăm ngàn người tù chính trị trong các trại giam Côn Sơn, Tam Hiệp, Phú Quốc, Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát, các trại giam ở 44 tỉnh, ở các quận... Lời tố giác cũng yêu cầu Việt Nam Cộng Hòa phải thả vô điều kiện các thành phần sinh viên học sinh tranh đấu, các nhân vật Châu, Long, Trọng, Thành... Cam kết không bắt giữ họ lại. Mục tiêu này cùng hiện rõ khi MT đưa ra trên bàn hội nghị một dự thảo thủ tục trao trả có nguyên một điều khoản để đề cập đến thành phần “không thuộc hai bên miền Nam” nầy... Chiến thuật tố cáo này cũng là một đòn né khi Việt Nam Cộng Hòa đưa ra đòi hỏi bổ sung danh sách NVDS/VNCH theo tập thống kê 67.501 như đã trình bày.
Diễn tiến cũng như kết quả của vấn đề này đã một lần được hiện rõ khi phía chúng ta trao trả hai mươi nhân viên dân sự gốc sinh viên học sinh, trong ngày 23-7-73 tại Lộc Ninh. Từ khi xuống trực thăng cho đến khi hoàn tất thủ tục trao trả nhóm sinh viên này đã lộ hẳn tình trạng. Đó là một thứ cán bộ cộng sản đã thấm nhuần cách thức đấu tranh do MTGP phát khởi và huấn luyện. Mặt trận đã chuẩn bị tinh vi để đám sinh viên học sinh này có cơ hội phát biểu trước Ủy Ban Quốc Tế với thực chất được ngụy trang sinh viên học sinh tranh đấu cho hòa bình dân tộc thuần túy” để tố giác Việt Nam Cộng Hòa đã giam giữ họ cũng như nhiều tù chính trị khác mà không qua căn bản pháp lý nào, mở đầu mối xích chuỗi đấu tranh liên tục cho vấn đề “tù chính trị”. Nhưng khôn ngoan, thâm độc là một chuyện, sự thật và công lý lại là một khía cạnh khác, Điều 7 (a) Nghị Định Thư đã nêu rõ chỉ có hai thành phần nhân viên dân sự để hai bên miền Nam trao trả. Hai thành phần nhân viên dân sự đó là những người đã dự phần vào cuộc đấu tranh ở một bên này hay bên kia dưới bất cứ hình thức nào trong tác động võ trang hoặc chính trị nên bị một bên kia bắt giữ (Điều 21b Genève). Thế nên bằng tất cả mọi nổ lực, 24 giờ sau khi tiếp nhận đám sinh viên học sinh này, Mặt Trận Giải Phóng đã không gây được một tiếng vang hiệu quả nào khác ngoài sự cố gắng tuyệt vọng để khai triển một vấn đề mà thực chất đã bị ngụy danh.