Tiểu thuyết lịch sử
Chương 9

 
 Sau khi Trần Khắc Chung đánh cướp hoàng hậu Paramecvari đem về Thăng Long, nỗi bất mãn của dân Chiêm càng bộc phát lớn. Không những họ oán quốc gia láng giềng phản bội mà còn oán luôn cả triều đình của họ. Họ cũng bực tức khi quân đội của họ từng chiến thắng oanh liệt đội quân Mông Cổ hung bạo nay lại bất lực khi để quân Đại Việt đánh cướp Quốc mẫu của họ ngay tại ngưỡng cửa kinh đô Đồ Bàn!
 Tự lượng biết sức mình không thể làm gì khác hơn, vua Chế Chí vẫn cố nhẫn nhục chịu trận. Nhưng rồi sự phẫn nộ của quốc dân đã thúc đẩy hùng tâm tráng chí của ông trỗi dậy. Ông ráo riết rèn luyện, củng cố binh lực chờ cơ hội đánh cướp lại mấy châu đã mất. Thấy vua mình đã có ý phục thù, những người Chiêm yêu nước quá khích đã hăng tiết không ngớt quấy phá vùng biên giới Đại Việt. Vua Trần Anh Tôn nghe tin giận lắm.
 Tháng chạp năm Tân Hợi° vua Anh Tôn thân hành điều động thủy lục đại quân cùng với Điện súy Phạm Ngũ Lão, Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư, Huệ Vũ vương Quốc Chẩn, Chiêu dụ sứ Đoàn Nhữ Hài đi chinh phạt Chiêm Thành. Quân Việt đã thắng lớn. Đến tháng năm năm Nhâm Tý° thì vua Chiêm Chế Chí bị bắt đem về Đại Việt. Vua Anh Tôn phong cho em Chế Chí là Chế Đà A Bà Niêm là Á hầu trấn giữ đất Chiêm.
 Chế Chí bị giữ ở Đại Việt sau cũng được phong làm Hiệu Trung vương, rồi lại đổi thành Hiệu Trung vương. Nhưng vì buồn rầu, phẫn uất nên đến tháng hai năm sau thì Chế Chí qua đời.
 Tháng ba năm Quí Sửu° Hưng Nhượng vương Quốc Tảng mất. Vi khắc tinh của Trần Khắc Chung không còn nữa, đường danh vọng của ông quang đãng trở lại.
 Nhân dịp Chiêm Thành bị quân Xiêm xâm lược, Khắc Chung tiến cử người em của ông là An phủ sứ Đỗ Thiên Hư đem quân sang cứu. Vua nghe lời sai Thiên Hư đi kinh lược Nghệ An, Lâm Bình° rồi thuận tiện kéo binh sang Chiêm. Quân Xiêm thấy nước Chiêm đã có viện binh tiếp cứu bèn rút lui. Đỗ Thiên Hư thấy quân Xiêm đã rút cũng kéo quân về.
 Sau này mọi kế hoạch phòng thủ mặt biên giới phía tây, vua Minh Tôn đều ủy cả cho Đỗ Thiên Hư lo liệu.
 Cuối năm ấy, vua Anh Tôn phong Trần Khắc Chung làm Tả phụ, tước Quan phục hầu.
 °
 Tháng ba năm Giáp Dần°, vua Anh Tôn nhường ngôi cho Thái tử Mạnh (tức vua Minh Tôn), để lên làm Thái thượng hoàng. Vua Minh Tôn đổi niên hiệu là Đại Khánh nguyên niên, tôn Thượng hoàng là Quang Nghiêu Duệ Vũ thái thượng hoàng đế, tôn Thuận Thánh hoàng hậu là Thuận Thánh Bảo Từ thái thượng hoàng hậu và truy tặng ông ngoại là Hưng Nhượng vương Quốc Tảng làm Thái úy. Sau đó, vua ban lệnh đại xá tù phạm để nêu rõ ân đức của tân vương.
Đến tháng mười, vua cho tổ chức khoa thi Thái học sinh để chọn nhân tài ra giúp nước. Trần Khắc Chung được vua Minh Tôn ủy nhiệm điều hành tổng quát cuộc thi đó.
 Sau khi lo xong khoa thi Thái học sinh, Khắc Chung xin phép về Giáp Sơn dự cuộc lễ chạp họ. Ông làm quan lớn trong triều đã lâu, luôn bận rộn, ít khi về thăm làng xã. Vì thế, mỗi lần về ông vẫn hay có chút quà biếu xén họ hàng gọi là chia sẻ chút ơn vua lộc nước. Đối với lớp trẻ nhỏ ông cũng không quên lưu tâm, thường hay có những món quà lạ cho chúng. Bởi vậy, mỗi khi ông về quê, thế nào lớp cháu chắt cũng tụ lại chào mừng. Thật ra ông chỉ biết khái quát chúng là cháu chắt vậy thôi, cứ có mặt là có quà, chẳng cần quan tâm đến con ai, họ hàng nội ngoại xa gần thế nào.
 Hôm ấy Khắc Chung đang phát quà cho đám nhỏ, ông bỗng giật mình thấy trong số đó có một cô bé ăn mặc luộm thuộm nhưng mặt hoa da phấn đẹp đẽ khác thường. Ông hỏi:
 -Cháu tên gì? Con ai?
 Cô bé cất giọng trong trẻo thưa:
 -Dạ, cháu họ Lê, tên Thúi. Cha cháu là Hiếu Nông.
 -À, ta biết rồi. Ông nội cháu là cụ Cả Hoách phải không?
 -Dạ phải, ông nội cháu là cụ Cả Hoách.
 -Bà nội cháu là chị thúc bá của ta đó. Có lẽ cháu sinh ra sau khi bà nội cháu đã mất. Năm nay cháu bao nhiêu tuổi?
 -Dạ thưa cụ, cháu mười bốn.
 -Hiện giờ cha mẹ cháu ở riêng hay cùng ở với ông nội?
 -Dạ, ông nội cháu vẫn ở chung với cha mẹ cháu.
 Khắc Chung lấy một lượng bạc trao cho cô bé và dặn:
 -Ta đặc biệt thưởng riêng cho cháu đấy. Cháu về nói cho ông nội và cha mẹ cháu biết sáng mai ta sẽ sang thăm nhà cháu.
 Cô bé đi rồi Khắc Chung lại tiếp tục phát quà cho lũ nhỏ. Nhưng hình như ông không còn hào hứng khi làm cái công việc có ý nghĩa này nữa. Đầu óc ông cứ xoáy về cô bé tên Thúi, một cái tên không mấy thanh nhã kia. Mới mười bốn tuổi đã trổ sắc như vậy, sau này chưa biết cô bé còn xinh đẹp tới mức nào? Đây là một vưu vật° không thể không khai thác! Ông liên tưởng đến vị vua mới lên ngôi chưa lâu của mình. Ngài không lớn hơn cô bé mấy, chưa lập chánh hậu, chưa có thứ phi. Vị phụ chính của ngài là Huệ Vũ đại vương Quốc Chẩn, người đang được ngài rất mực tin yêu. Đối với Khắc Chung, Huệ Vũ chính là cái gai trước mắt làm ông khó chịu. Tuy chưa trực tiếp đối đầu với Huệ Vũ bao giờ nhưng lúc nào Khắc Chung cũng gờm gờm. Những lần bị Hưng Nhượng vương hạ nhục ông đều nghi có Huệ Vũ đứng sau lưng. Cái mặc cảm đó khiến ông phải đề phòng. Thế là ông quyết định bằng mọi cách đưa cô bé này vào cung. Với nhan sắc của cô bé, chắc hẳn nhà vua không thể làm ngơ được. Ít nhất cô bé cũng sẽ chiếm được một chức phi tần gì đó. Được như vậy, địa vị của ông sẽ càng vững chắc, và biết đâu ông còn có cơ hội nhổ được cái gai trước mắt?
 °
 Khi cái Thúi đem lượng bạc về khoe và báo cụ Khắc Chung hứa hôm sau sẽ ghé nhà thăm, gia đình ông Cả Hoách chưa ai dám tin là chuyện thật. Họ nghĩ có thể là Khắc Chung nói chơi hoặc cái Thúi đã nghe lầm. Tuy có họ hàng với nhau nhưng từ khi ra làm quan, đã gần bốn mươi năm, chưa bao giờ Khắc Chung đến nhà ông Cả Hoách. Vậy bây giờ lý do gì Khắc Chung lại hẹn đến thăm? Thật tình họ cũng chẳng hề trách móc gì Khắc Chung. Việc quan bận rộn, trách sao được? Hơn nữa, những khi có quà cáp cho họ hàng, Khắc Chung đâu có quên phần họ! Họ chỉ băn khoăn vì việc này có vẻ khác thường. Cuối cùng chỉ có vợ của Lê Hiếu Nông đưa ra một ước đoán được mọi người tạm chấp nhận: “Có thể thấy cái Thúi có sắc đẹp nên cậu Tể để ý, cậu Tể muốn làm mối cho một người nào đó chăng?” - Khắc Chung làm quan có hàm Tể tướng nên người trong họ hàng vẫn dùng tiếng Tể để thay thế tên ông.
 Sáng hôm sau Khắc Chung đến nhà ông Cả Hoạch thật. Chủ nhà đã chuẩn bị trước nên việc đón tiếp khách sang cũng không đến nỗi bỡ ngỡ. Trà nước bày ra, chủ khách bắt đầu chuyện trò thân mật. Mới đầu, sau khi ra chào hỏi Khắc Chung xong, vợ Hiếu Nông liền rút lui nhà sau. Chỉ có ông Cả Hoách ngồi đối ẩm với Khắc Chung. Hiếu Nông đứng cạnh hầu chuyện.
 -Sao? Anh Cả năm nay được bao nhiêu tuổi trời rồi nhỉ?
 -Năm nay sáu mươi bảy rồi. Còn không mấy ngày nữa là sáu mươi tám đó cậu Tể. Không hiểu sao bất tài vô tướng như tôi mà trời cũng ban phước sống lâu như vậy, kể cũng đáng mừng!
 -Phước của anh Cả chưa phải chừng ấy thôi đâu! Trông tướng anh Cả tôi biết anh Cả sẽ còn hưởng cảnh phú quí vinh hiển không biết đâu mà lường nữa đấy!
 Cụ cả Hoách cười vui vẻ:
 -Cậu Tể chớ đùa tôi mà tội với trời! Tôi không còn mong gì hơn nữa đâu!
 -Trong vòng họ hàng thân tình tôi nói thật đấy! Không dám đùa với anh Cả đâu!
 Rồi Khắc Chung quay sang nói với Hiếu Nông:
 -Này, cháu vào kêu luôn vợ cháu ra đây để cậu nói chuyện này cho nghe!
 Lát sau vợ Hiếu Nông bước ra, có vẻ lo lắng:
 -Dạ thưa, cậu Tể cho gọi cháu?
 -Ừ, hai cháu ngồi đi rồi nghe cậu bàn một chuyện rất quan trọng!
 Vợ chồng Hiếu Nông bắc ghế ra ngồi rồi thưa:
 -Dạ, chúng cháu đã sẵn sàng. Cậu Tể có điều gì xin cứ dạy bảo.
 Khắc Chung đằng hắng rồi lên giọng hỏi:
 -Hai cháu có được bao nhiêu trai gái cả thảy?
 Cụ Cả Hoách đáp thay con:
 -Chúng nó có được một trai hai gái. Thằng lớn được mười sáu, đứa con gái thứ hai được mười bốn và đứa con gái út mới tám tuổi.
 Khắc Chung cười mà nói:
 -Đứa con gái thứ hai tức là cái Thúi đấy phải không? Tương lai cháu rực rỡ lắm đó! Bây giờ phải đổi cái tên cháu đi! Cháu lớn rồi nghe gọi “cái Thúi” nó chẳng thanh nhã tí nào hết!
 Cụ Cả Hoách đưa mắt nhìn vợ chồng Hiếu Nông như ngầm hội ý “hồi hôm con mẹ Hiếu Nông nói vậy mà đúng đấy chứ!”. Xong cụ lại quay sang nói với Khắc Chung:
 -Thật ra “cái Thúi” chỉ dùng để gọi cháu ở nhà lúc nhỏ thôi. Giờ cháu nó đã trổ mã nên cha mẹ cháu cũng định đặt cho cháu một cái tên khác. Ở đây đã có nhiều nhà ngắm nghé cháu rồi đó. Cha mẹ nó cũng đang chọn xem mối nào không đến nỗi tệ lắm thì gả quách cho yên bụng.
 -Chớ vội! Cháu bé này mà lấy hạng tầm thường thì uổng lắm! Nói để anh Cả và vợ chồng cháu Hiếu Nông rõ, hoàng thượng mới đăng quang chưa được bao lâu. Hiện ngài chưa lập ngôi chánh hậu và cũng chưa có thứ phi. Ngôi chánh hậu lâu nay vẫn dành riêng cho người hoàng tộc, bây giờ chưa biết sao. Nhưng địa vị phi tần thì mình nắm chắc đó! Cháu nhà mình có hương sắc trời cho, tự nhiên đã thấy xinh đẹp rồi, huống chi trang điểm vào nữa thì khó ai bì kịp. Khi ấy vua chúa nào lại có thể làm ngơ được chứ? Tôi nghe hoàng thượng sắp cho tuyển một số cung nữ trong nay mai. Anh Cả và hai cháu nên chuẩn bị cho cháu ra ứng tuyển đi! Cháu mà vào cung được rồi thì Hiếu Nông lo gì không có một địa vị trong xã hội? Anh Cả cũng sẽ được vinh hiển, càng được mọi người nể trọng, há chẳng hơn sao?
 Cụ Cả Hoách nói:
 -Ối chà! Vinh sang ai lại chẳng muốn? Nhưng chắc gì mình được toại nguyện? Tôi có nghe kể lại, đời trước trong họ tôi cũng đã có một người làm cung nữ rồi. Đã được tuyển làm cung nữ tất nhiên phải có nhan sắc hơn người. Về danh nghĩa nghe thì có vẻ sang lắm, nhưng suốt đời bà có bao giờ được gặp mặt vua đâu? Về công việc nữa, nói ra càng phát chán. Cậu Tể biết bà ấy làm gì không? Ngày ngày chỉ lo việc bưng phân bưng nước tiểu đi đổ! Tuy không chật vật khó khăn gì nhưng bà không khỏi tủi thân. Tới khi về già không làm nổi công việc đó nữa bà mới được chuyển sang công việc khác. Sống nhàn tản nhưng vô vị, như cây thiếu ánh sáng mặt trời, đời vẫn chán ngắt. Sau may có dịp vị vua kế tiếp lên ngôi cho một số cung nữ các đời trước hoàn gia, bà xin về luôn. Tuy cả đời có dành dụm được một ít của cải, nhưng tới lúc tay run chân yếu, một thân không chồng, không con, bà lâm nỗi khổ thế nào chắc ai cũng đoán biết. Những người cháu họ của bà chỉ biết tranh giành nhau, nịnh nọt lừa phỉnh bà để đoạt của chứ nào có ai thật lòng săn sóc cho bà? Bà đã sống những ngày cuối đời thật bi đát. Tôi thật chẳng muốn để cháu nó sa vào vết xe cũ!
 Khắc Chung cười:
 -Anh Cả nói vậy nghe cũng có lý. Nhưng mỗi người mỗi khác, mỗi thời mỗi khác, đâu phải ai cũng như ai, lúc nào cũng như lúc nấy? Giáp Sơn ta trước đây vốn quê mùa, vị tiền bối kia dẫu do sắc đẹp được tuyển làm cung nữ, nhưng bản chất thô lậu, thật thà, lại không có ai nâng đỡ nên không tiến thân được, đành chịu thiệt thòi một đời. Còn như cô cháu nhà ta, đã có tôi ở trong triều, anh Cả còn lo sợ nỗi gì? Tuy rằng trong cung cũng có bè cánh, cũng có gièm siểm nhau, nhưng “ma bắt cũng xem mặt người ta”. Ngày nào tôi còn ở triều, chắc chắn chẳng có kẻ nào dám hiếp đáp cháu đâu. Nếu trời phù hộ cho cháu sinh được một “rồng con” nữa thì nhà ta càng vinh hiển biết chừng nào? Cháu chắt nhà ta biết đâu lại chẳng nên khanh nên tướng? Cơ hội trời cho mà anh Cả từ chối là đắc tội với trời đó!
 Cụ Cả Hoách ngẫm nghĩ rồi hỏi lại:
 -Vậy theo cậu Tể, muốn không bỏ lỡ dịp may, tôi nên làm thế nào?
 Khắc Chung vui vẻ nói:
 -Anh Cả đã quyết ý thì chẳng khó gì đâu! Một người con gái lý tưởng phải có đủ tứ đức: công, dung, ngôn, hạnh. Trên thực tế, cái đức quan trọng nhất chính là đức “dung”. Chỉ có trời mới mới ban cho con người cái đức ấy được. Còn ba đức công, ngôn, hạnh thì con người huấn luyện được cả. Nhất là cháu lại khá thông minh, ăn nói nhỏ nhẹ, nết na sẵn, học hỏi mấy hồi? Anh Cả hãy tìm kiếm thầy giỏi mời về dạy dỗ cho cháu một thời gian là xong!
 Cụ Cả Hoách tỏ vẻ khó khăn:
 -Ở đây kiếm người giỏi đâu ra? Tôi vốn thiếu học, kiến thức thấp kém, lỡ kiếm lầm người dở lại hư việc mất. Cậu Tể có cách nào lo giúp tôi vấn đề ấy không?
 Khắc Chung suy nghĩ một lát rồi nói:
 -Tôi xa quê nhà đã lâu nên cũng chẳng biết lúc này ở đây ai hay ai dở. Đây là chuyện bàn riêng trong gia đình mình, nếu hỏi xã hỏi huyện hớ ra người ta biết rồi loan truyền ra ngoài cũng không hay! Hay anh Cả và hai cháu cho cháu bé theo tôi về Kinh được không? Tôi sẽ kiếm thầy dạy dỗ cháu bé dễ hơn, chính tôi cũng có thể trực tiếp dạy cho cháu nữa. Như vậy cháu bé sẽ chóng thành công hơn! Anh Cả và hai cháu nghĩ thế nào?
 Cụ Cả Hoách nhìn vợ chồng Hiếu Nông hỏi:
 -Cậu Tể nói vậy hai con nghĩ sao?
 Vợ chồng Hiếu Nông đồng loạt đáp:
 -Xin tùy ý bố quyết định.
 Cụ Cả Hoách quay lại nói với Khắc Chung:
 -Vợ chồng Hiếu Nông đã nói vậy thì mọi sự xin nhờ cậu Tể! Nhưng chỗ anh em xin hỏi thật tình: Cháu bé ở nhà quê vốn ăn mặc giản dị, khi về Kinh tất phải ăn mặc khác, đương nhiên phải may sắm lại hết. Bây giờ dẫu tôi muốn may sắm cho cháu bé cũng không biết may sắm thế nào cho thích hợp. Vậy, những chi phí về cơm gạo, về áo quần, vế việc học hành của cháu bé xin cậu Tể cho biết sẽ tính thế nào cho phải lẽ?
 -Cháu bé cũng là cháu của tôi chứ đâu phải người ngoài! Vả lại chút đỉnh đâu có đáng bao nhiêu! Anh Cả và hai cháu khỏi lo nghĩ chuyện đó.
 -Đa tạ tấm lòng rộng rãi của cậu Tể. Tôi vẫn biết đối với cậu Tể bấy nhiêu đâu có ăn thua gì. Nhưng cũng phải có tiếng nói trước để trong lòng khỏi vướng mắc.
 Khắc Chung tươi cười nói:
 -Coi như chúng ta đã quyết định xong! Nhưng mình cũng quên mất một điều: Nãy giờ bàn luận việc xây dựng tương lai “cái Thúi” mà lại chẳng cho “cái Thúi” nói lời nào cũng bất công. Xin anh Cả gọi cháu bé ra đây nói chuyện một chút.
 Hiếu Nông liền gọi cái Thúi ra. Khắc Chung hỏi:
 -Nãy giờ chắc cháu nghe hết những lời cụ bàn bạc với ông nội và cha mẹ cháu rồi?
 Cái Thúi lộ vẻ bẽn lẽn ấp úng:
 -Dạ, dạ… cháu…
 Khắc Chung nhìn mặt cái Thúi mỉm cười, ôn tồn nói:
 -Ông nội và cha mẹ cháu đã đồng ý cho cháu về Kinh ở nhà cụ Tể một thời gian để ăn học. Ăn học và đi chơi thôi chứ không làm việc gì hết. Cụ Tể sẽ sắm nữ trang cho cháu đeo, sắm áo quần thật đẹp cho cháu mặc. Cụ Tể sẽ thuê thầy dạy cho cháu học chữ nghĩa để đọc sách, thuê thầy dạy cho cháu múa hát… Cụ Tể sẽ cho cháu ngồi xe ngựa đi xem những nơi đẹp nhất chốn kinh kỳ… Cháu bằng lòng không?
 Vợ Hiếu Nông nghe Khắc Chung nói con gái mình có tương lai tươi sáng trong lòng đã khoái lắm. Giờ ông lại tình nguyện giúp đỡ xây dựng cái tương lai ấy nữa thì còn gì hơn? Thị tươi cười nói với cái Thúi:
 -Cụ Tể nói thật đó con. Về ở nhà cụ Tể sướng lắm. Con sẽ được ăn ngon mặc đẹp, học hành rồi đi chơi chứ chẳng phải làm việc gì hết. Con bằng lòng đi!
 Cái Thúi vẻ mặt hớn hở nói:
 -Dạ bẩm cụ Tể, ông nội và cha mẹ cháu bằng lòng thì cháu cũng bằng lòng.
 Khắc Chung quay sang cụ Cả Hoách nói:
 -Vậy là mọi chuyện tạm yên. Nhưng còn cái tên của cháu nữa, nghe không ổn. Tôi xin phép anh Cả lựa cho cháu một tên mới được không?
 Cụ Cả Hoách buột miệng:
 -Được một vị Bảng Nhãn đặt tên cho thì còn gì hay hơn?
 Khắc Chung cười ha hả:
 -Vậy tôi đề nghị cháu bé sẽ có tên mới là Thúy hay Phỉ Thúy. Thúy là màu xanh biếc, là sâu kín. Phỉ Thúy là tên một loài chim có sắc lông rất đẹp. Con gái lấy tên một loài chim là hợp lắm. Lấy tên Phỉ Thúy nhé! Cũng gần âm với tên cũ thôi, nhưng hay hơn nhiều. Có gì trở ngại không?
 Mọi người đều tỏ vẻ hân hoan vì cái tên mới của “cái Thúi”. Cụ Cả Hoách nói:
 -Phỉ Thúy! Phỉ Thúy! Tên một loài chim, có lý lắm, hay thật! Từ nay không ai được gọi cái tên cũ của cháu Phỉ Thúy nữa! Còn vợ chồng Hiếu Nông phải làm một mâm cơm cúng Bà Mụ xin cải tên lại cho con gái đấy! Cháu Phỉ Thúy hãy cám ơn cụ Tể đi!
 °
 Mới bốn tháng ở nhà quan Tể tướng Trần Khắc Chung, Phỉ Thúy đã hoàn toàn lột xác. Cô đã trở thành một thiếu nữ dáng dấp cao sang, xinh đẹp lạ lùng. Lúc này kẻ ăn người ở trong nhà quan Tể tướng đã quen xưng gọi cô là tiểu thư hoặc cô nương. Không những thay đổi về phong thái, diện mạo, về tài năng Phỉ Thúy cũng tiến bộ như có phép mầu. Giờ đây Phỉ Thúy đã thành một người thêu khéo vẽ giỏi, múa đẹp hát hay. Đó cũng là nhờ sự tận tâm dạy dỗ của các vị giáo sư cùng với sự cố gắng học tập phi thường của chính cô.
 Một hôm Khắc Chung gọi Phỉ Thúy lại hỏi:
 -Sao? Mấy tháng ở nhà cụ cháu Phỉ Thúy cảm thấy thế nào? Cháu có hài lòng về những gì thu lượm được không? Có nhớ ông nội, cha mẹ và các anh em cháu không?
 -Bẩm cụ Tể, nhờ cụ và gia đình đùm bọc cháu như người nhà nên cháu thấy ở đây đầm ấm dễ chịu lắm. Cháu lại còn tìm được niềm vui lớn khi học hỏi được nhiều điều rất cần thiết cho bản thân để xây dựng tương lai. Cháu rất đội ơn lớn của gia đình cụ Tể, đội ơn lớn của quí vị giáo sư đã tận tình dạy dỗ cho cháu. Sống xa nhà lâu ngày, cháu rất nhớ ông nội cháu, cha mẹ cháu và các người thân khác, nhưng cháu phải dằn mối tình cảm đó để xây dựng tương lai đã. Cháu tin chắc những người thân của cháu cũng vui vẻ chấp nhận những ý nghĩ của cháu!
 Khắc Chung vui vẻ nói:
 -Ta thành thật chúc mừng cháu! Cháu thật là người có ý chí rất đáng khen! Những gì cháu thu thập được trong thời gian học hành vừa qua đã tạm đủ giúp cháu tiến thân rồi! Với bộ óc thông minh trời phú của cháu, ta nghĩ sau này cháu còn tiến rất xa. Lệnh tuyển mộ cung nữ của vua sắp ban hành. Cháu sẽ làm rạng rỡ cho dòng họ cháu, cho cả xã Giáp Sơn trong dịp này. Nay mai ta sẽ cho người đưa cháu trở về Giáp Sơn để cháu ra ứng tuyển. Cháu cần sống những ngày tháng thật vui vẻ với gia đình trước khi vào cung để sau này đỡ bớt nỗi ray rứt hối tiếc. Ta muốn ông nội cháu được tận mắt chứng kiến sự thành công của cháu. Ta muốn mọi người trong gia đình cháu đều được chia sẻ niềm vinh quang do cháu tạo nên. Tuy nhiên, cũng nên nghĩ đến trường hợp “việc chẳng chiều người”. Ta nói trước để cháu khỏi bỡ ngỡ và cũng là giúp ý để cháu biết cách ứng xử nếu bất ngờ gặp những tình huống bất lợi. Trường hợp cháu vào cung may mắn được hoàng thượng chiếu cố ngay thì khỏi nói. Nhưng biết đâu lại chẳng có trường hợp cháu phải vào cung trong âm thầm, không ai lưu ý tới? Làm sao lường được lòng dạ của bọn thái giám tính khí thất thường? Nếu không may gặp như vậy, ta khuyên cháu không nên buồn chán mà phải bình tĩnh để xoay xở. Xưa nay biết bao nhiêu cung nữ tài sắc hơn người nhưng vẫn bị dìm yểm không thấy được mặt vua cho tới già! Những cung nữ đó đã tự hại mình vì lòng tự ái, vì quá khinh khi tư cách của bọn thái giám. Bọn này hầu hết là hạng tiểu nhân tham lam và độc ác. Chúng có thể vì lợi mà làm bất cứ điều gì. Cháu phải biết tùy cơ ứng biến. Cháu phải nhẫn nhục, khôn khéo đối xử với từng đứa,. Nhất là đừng bao giờ dại dột gây sự với chúng khi cháu chưa được vua yêu, vua biết đến. Cháu phải luôn mềm mỏng, ngọt ngào với chúng. Nếu cần, phải dùng cả tiền bạc để mua lòng chúng. Nếu cháu kiên nhẫn làm được như thế, trước sau cháu cũng thành công!
 Nghe những lời dạy dỗ chân tình của Khắc Chung, Phỉ Thúy cảm động đến rơi nước mắt. Cô sụp xuống lạy Khắc Chung nói với giọng xúc động:
 -Đa tạ cụ Tể đã hết lòng lo lắng cho tương lai của cháu! Ơn nghĩa của cụ Tể to lớn quá không biết bao giờ cháu mới đền đáp được đây?
 Khắc Chung vội đỡ Phỉ Thúy lên:
 -Ơn với nghĩa gì? Ta với cháu là họ hàng máu thịt chứ đâu phải người ngoài mà cháu lo nghĩ cho mệt! Trông cho cháu được thành công là cụ Tể cũng vinh hạnh lắm rồi!
 °
 Đúng như Khắc Chung đã báo trước, đầu tháng năm năm Ất Mão°, vua Minh Tôn xuống chiếu tuyển chọn hai trăm giai nhân để phục vụ trong cung. Phỉ Thúy đã ra ứng tuyển và được chọn. Sau khi được đưa về cung, đám cung nữ tân tuyển được chính vua Minh Tôn thân hành ngự duyệt lại. Ngài cho gọi một số đến hỏi han để thăm dò kiến thức và tài năng rồi chọn mười nàng để hầu hạ riêng ngài. Phỉ Thúy là một trong số người may mắn đó.
 Được tin này, Khắc Chung mừng lắm. Ông liền ngầm vận động với các đại thần khuyên vua lập ngôi hoàng hậu. Một hôm, trong phiên chầu ông tâu với vua:
 -Muôn tâu, bệ hạ lượng cao đức cả, từ khi lên nối nghiệp Thượng hoàng, quần thần đều một lòng phò tá, nước nhà ngày càng hưng thịnh, thật là vạn hạnh cho muôn dân. Tuy thế, vẫn còn có một điều mà thần dân chưa được yên lòng là bệ hạ chưa lập ngôi chánh hậu để giúp thái hậu quản lý việc trong cung, và cũng để sớm sinh thái tử. Nay bệ hạ đã tuyển được nhiều gái đẹp vào cung, thần trộm nghĩ đây cũng là lúc bệ hạ nên lo việc lớn để yên lòng thiên hạ.
 Nhiều vị đại thần, trong đó có Văn Hiến hầu Trần Đa đã ứng theo, khuyên vua nên nghe theo ý kiến đó. Vua Minh Tôn nói:
 -Sở dĩ trẫm chưa lập chánh hậu vì Thượng hoàng đã ước hẹn ngôi vị này chỉ dành riêng cho con gái Huệ Vũ đại vương. Hiện giờ con gái của Huệ Vũ đại vương đều chưa trưởng thành nên ngôi chánh hậu phải tạm để trống. Tạm thời, trẫm sẽ chỉ lập các thứ phi. Nhưng cũng phải qua một thời gian mới định được.
 Nghe vua Minh Tôn nói rõ điều đó, Khắc Chung hơi mỉm cười. Thì ra nhà vua đã có chủ trương dàn xếp việc trong cung! Chắc hẳn Huệ Vũ là nòng cốt của chủ trương này. Nhưng con gái Huệ Vũ lúc ấy mới năm, sáu tuổi, ít nhất cũng bảy tám năm nữa mới lập ngôi chánh hậu được. Trong một thời gian khá dài như thế biết đâu lại chẳng có sự đổi thay? Biết đâu nhan sắc của Phỉ Thúy chẳng cột chặt được nhà vua? Chỉ cần có sớm một ông hoàng là con chim Phỉ Thúy có thể cất cánh tung trời! Ý nghĩ ấy đã khiến Khắc Chung nhẹ nhõm trong lòng.
 °
 Tháng sáu năm đó cả nước bị hạn lớn. Dấu hiệu nạn đói đã hé ra. Dân chúng bắt đầu xôn xao lo sợ. Một hôm quan ngự sử Phạm Mại tâu với vua:
 -Chức vụ Tê tướng, trước hết phải điều hòa âm dương. Nay Khắc Chung ở ngôi Tể tướng, không biết phối hợp trời đất cho khí tiết điều hòa, để đến nỗi mưa nắng trái thời, thế là làm quan không được công trạng gì.
 Khắc Chung nói:
 -Tôi làm chức Tể tướng, chỉ biết cố sức làm những việc mà chức vụ phải làm, còn như hạn hán thì hỏi ở Long vương. Khắc Chung đâu phải là Long vương mà đổ tội được?
 Phạm Mại nói:
 -Quan Tể tướng đổ lỗi cho Long vương là không đúng. Nhà nước lập ra Khâm Thiên Giám để làm gì? Có phải đó là cơ-quan quan sát và nghiên cứu những hiện tượng của trời đất để tiên liệu thời tiết, để biết trước trong năm có hạn hán hay bão lụt không? Không lẽ các vị quan Khâm Thiên không biết việc trời mưa sớm hay mưa muộn? Không biết nắng hạn dài ngày hay ngắn ngày? Họ ăn lương để làm gì? Đó không phải là trách nhiệm của quan Tể tướng ư? Những trường hợp đặc biệt đó phải thông báo cho dân biết chứ! Tại sao biết trời còn lâu mưa mà không thông báo để dân gieo giống sớm đến nỗi giống bị hư? Tại sao không hướng dẫn dân nên gieo hạt lúc nào cho đúng vụ? Cho đỡ thiệt hại giống? Tuy nắng mưa là việc của trời nhưng người làm quan ăn lương từ thuế má của dân thì phải làm thế nào cho dân tránh bớt thiệt hại chứ! Điều hành âm dương là điều hành như vậy chứ đâu phải đứng ra làm mưa làm gió?
 Lần này Khắc Chung không biện bác vào đâu được.
 Sau cơn hạn lại đến mưa lũ lớn. Nước sông Hồng dâng cao, dân chúng lại phải lo đắp đê. Vua Minh Tôn thân hành đi xem đắp đê. Quan Ngự sử Phạm Mại lại tâu:
 -Bệ hạ nên chăm sửa đức chính, xem làm gì việc đắp đê nhỏ nhặt.
 Khắc Chung liền trả đũa:
 -Khi dân bị nạn lụt, người làm vua phải cứu giúp tai họa khẩn cấp đó. Sửa đức chính không gì lớn hơn việc đó. Đâu phải cứ ngồi thinh tư lự rồi bảo là sửa đức chính?
 Văn Hiến hầu tán đồng:
 -Quan Tể tướng nói đúng. Việc đắp đê là vấn đề sinh tử của dân sao lại cho là việc nhỏ nhặt? Bệ hạ nên đi xem để thấy rõ sự khó khăn của nông dân như thế nào và cũng để khích lệ họ nữa.  Đây cũng là dịp bày tỏ lòng lo lắng, thương yêu dân của bệ hạ.
 Sau khi đi xem dân đắp đê về, vua Minh Tôn bị cảm nặng. Cung nữ Phỉ Thúy đã tận tình chăm sóc vua ngày đêm không biết mệt mỏi. Vua thấy vậy rất hài lòng. Khi lành bệnh, vua trở nên gắn bó với Phỉ Thúy hơn những cung nữ khác.
 Cuối năm đó, Khắc Chung được ban tước Á quan nội hầu.

Chú thích:
°Những năm trong chương 9: Tân Hợi: 1311, Nhâm Tý: 1312, Quí Sửu: 1313, Giáp Dần: 1314, Ất Mão: 1315.
°Lâm Bình: tức châu Địa Lý, một châu do vua Chế Củ dâng cho vua Lý Thánh Tôn.
°Vưu vật: của hiếm quí, thường chỉ về đàn bà đẹp.