Tiểu thuyết lịch sử
Chương 12

 
 Huy Thánh công chúa được phong làm Lệ Thánh hoàng hậu ngót năm năm mới sinh được một công chúa đầu lòng. Đó là công chúa Thiên Ninh. Sự sinh nở quá chậm chạp của Lệ Thánh hoàng hậu đã làm vua Minh Tôn hết sức lo ngại, chán nản. Ngài đã gặp nhiều khó khăn trong việc lập ngôi trừ quân.
Ba vị hoàng tử do các bà thứ phi sinh lúc bấy giờ đều đã khá khôn lớn. Đặc biệt hoàng tử Vượng nổi bật hơn cả về tài năng và đức độ. Vua Minh Tôn thương yêu Vượng lắm. Ngài rất muốn lập Vượng làm Thái tử nhưng lại ngại làm phật lòng Quốc phụ thượng tể Quốc Chẩn và hoàng hậu. Nhận xét về tài năng và đức độ của hoàng tử Vượng, ngài tin chắc dẫu hoàng hậu sinh được một Thái tử như thế nào cũng khó sánh với Vượng được. Ngài bắt đầu tiếc cho Vượng và cảm thấy khó chịu vì cái tính cố chấp của người chú mình. Tại sao cứ một mực chủ trương đợi hoàng hậu sinh mới lập Thái tử? Bây giờ dòng đích chưa sinh cứ tạm lập dòng thứ như Văn Hiến hầu đề nghị đi! Khi dòng đích sinh thì cứ trả ngôi Thái tử lại cho dòng đích có khó gì? Ngài hồi tưởng lại mười chín năm trước, khi được lập làm Thái tử, ngài cũng mười tuổi như Vượng bây giờ. Chính ngài cũng thuộc dòng thứ, nhờ dòng đích không có người nên ngài mới được lập. Hoàn cảnh của Vượng ngày nay đâu có khác mấy hoàn cảnh của ngài ngày trước? Việc cũ vẫn như in trong đầu ngài:
 Ngài lên ngôi đã lâu bà mẹ đích mới sinh một hoàng tử. Khi hoàng tử ấy đầy tuổi thì Thượng hoàng Anh Tôn đi tuần biên giới chưa về. Mọi việc ở nhà do ngài quyết định cả. Có người xin làm lễ cho vị hoàng tử ấy với tư cách thế tử°. Các quan còn nghi ngại thì ngài bảo họ:
 -Còn ngại gì nữa. Trước đây vì con đích trưởng chưa sinh nên ta tạm ở ngôi này. Nay đã sinh rồi thì đợi khi lớn lên, ta sẽ trả lại ngôi vua chứ có khó gì?
 Lại có người can gián:
 -Việc này từ xưa vẫn hay sinh nguy biến, xin thánh thượng nghĩ kỹ lại!
 Ngài nói:
 -Cứ thuận nghĩa mà làm, yên hay nguy đâu có đáng lo?
 Thế rồi ngài đã quyết định cho làm lễ với tư cách thế tử. Khi đi tuần trở về, Thượng hoàng đã hết sức khen ngợi ngài về quyết định ấy. Nhưng một năm sau thì người con đích tự ấy mất. Ngài thương xót vô cùng. Ôn lại chuyện cũ xong, vua Minh Tôn lẩm bẩm:
 -Ta nhất quyết phải thuyết phục Quốc phụ về vấn đề này!
 °
 Đầu xuân Mậu Thìn°, vua Minh Tôn cho tổ chức một cuộc đi săn giải trí. Các quan và lính hộ vệ đi theo vua rất đông. Khi cuộc đi săn chấm dứt, trên đường về, bỗng có một mũi tên không biết ai bắn rơi xuống trước đầu ngựa vua khoảng một cây sào. Nghĩ đó là mũi tên của một anh thợ săn nào đó bắn lạc nên không ai quan tâm. Thế nhưng mấy ngày sau thì có tin xì xào hoàng thượng bị ám sát hụt. Tin đồn dần đến tai vua, ngài cũng hơi lo nghĩ. Chẳng lẽ lại có ai muốn mưu hại ngài? Từ đó đi đâu ngài cũng có ý đề phòng hơn.
 Rồi một hôm có người lính túc vệ dâng lên vua Minh Tôn một bức thư mật. Ngài đọc xong, liền triệu Kiểm pháp quan Nguyễn Dũ và đòi cả người viết bức thư vào cung. Vua sai Nguyễn Dũ thẩm vấn người viết thư và chính ngài ngồi chứng kiến. Mở đầu, Nguyễn Dũ hỏi:
 -Ngươi tên gì, quê quán ở đâu?
 -Bẩm quan lớn, con tên Trần Phẫu, ở phường Thái Hòa, huyện Thọ Xương. Hiện làm thư lại ở phủ Huệ Vũ.
 -Bức thư này có phải chính tay ngươi viết không?
 -Bẩm quan lớn, chính tay tiểu nhân viết.
 Kiểm pháp quan đập bàn thét:
 -To gan thật! Ngươi có biết tội vu khống đại thần là nặng lắm không? Tru di tam tộc! Huệ Vũ đại vương là thúc phụ và cũng là nhạc gia của hoàng đế, làm sao có thể làm phản được mà ngươi dám vu khống? Ai xúi giục ngươi vu khống Huệ Vũ đại vương?
 Trần Phẫu run bần bật thưa:
 -Bẩm quan lớn, tiểu nhân không bao giờ dám vu khống ai cả. Lâu nay Quốc phụ vẫn có thư mật gởi đi các trấn và cũng nhận được thư gởi lại nhiều lần. Tiểu nhân không biết ai viết cho Quốc phụ và nội dung trong thư nói gì vì Quốc phụ cứ đọc xong lại đốt hết. Thỉnh thoảng tiểu nhân còn thấy một vài khách lạ đến phủ Huệ Vũ một cách khả nghi. Hôm rồi, sau khi làm xong công việc, về nhà rồi tiểu nhân mới chợt nhận ra mình đã để lạc chìa khóa các tủ hồ sơ trong phủ đâu mất. Tìm ở nhà không ra, tiểu nhân vội trở lại phủ Huệ Vũ để tìm. Tiểu nhân vẫn được coi như người nhà của Huệ Vũ đại vương nên ra vào phủ lúc nào cũng được. Nào ngờ, khi đến phòng tiểu nhân làm việc thì thấy Huệ Vũ đại vương đang hội họp với một số người lạ. Tiểu nhân nghe Huệ Vũ đại vương nói: “Trước tiên chúng ta phải ám sát hoàng thượng. Hoàng thượng mất thì đám con nhỏ đâu chủ trương gì được. Như vậy là công việc của chúng ta mười thành được chín rồi…”. Tiểu nhân hoảng sợ không dám nghe tiếp và cũng chẳng dám vào tìm chìa khóa nữa. Về nhà suy nghĩ tiểu nhân biết Huệ Vũ đại vương đang làm một việc gì mờ ám. Tiểu nhân là thuộc hạ của ông ta nhưng không muốn mắc tội bất trung lây theo ông ta. Vì vậy, tiểu nhân phải dâng thư cáo mật để xin hoàng thượng phán xét. Những gì biết được tiểu nhân đã nói hết, nếu có gì dối gian, tiểu nhân thề xin trời tru đất diệt!
 Nói xong, Trần Phẫu lạy dập đầu xuống đất nhiều lần.
 Vua Minh Tôn nghe xong nổi giận thét:
 -Lão tặc gian manh quá! Uổng công ta lâu nay tôn kính tin dùng! Hèn gì lần đi săn đầu xuân đã có người muốn giết ta. Hãy cho người đến phủ Huệ Vũ bắt giam lão tặc ngay cho ta!
 Kiểm pháp quan Nguyễn Dũ tâu:
 -Xin bệ hạ bớt giận. Tên Phẫu khai vậy nhưng không đưa ra được bằng chứng nào cả. Vả lại, Huệ Vũ xưa nay chưa hề có một hình tích nào chứng tỏ có bụng bất trung, phản bội triều đình. Biết đâu có người thù ghét Huệ Vũ bày đặt chuyện để hại ông ta chăng? Xin bệ hạ cho người điều tra sự việc trước, nếu Huệ Vũ quả có tội sẽ bắt giam cũng không muộn!
 Vua không bằng lòng, ngài nói:
 -Không thể được! Bây giờ tên Phẫu đã cáo việc này làm sao có thể trở về làm việc ở phủ Huệ Vũ? Phẫu không về tất nhiên lão tặc biết đã lộ chuyện. Lâm vào đường cùng lão tặc sẽ làm càn thì hậu quả biết đâu mà lường? Vả lại lời tên Phẫu khai lại phù hợp với việc xảy ra ngày ta đi săn không phải là bằng chứng sao? Cứ bắt giam lão tặc cho chắc đã rồi sẽ điều tra sau!
 Thế rồi ngục quan Lê Duy theo lệnh vua, cho người đi bắt Huệ Vũ giam vào chùa Tư Phúc. Đồng thời, vua cũng ra lệnh bắt hơn một trăm người thường có liên hệ với Huệ Vũ để điều tra. Qua một thời gian thẩm vấn, tra tấn đủ cách, nhiều người đã phải bò mạng, nhưng những nghi can đều một mực kêu oan, không có ai chịu nhận tội. Kết quả vụ điều tra không đi tới đâu cả.
 Vua Minh Tôn cũng dần nghi ngờ có sự mờ ám trong vụ cáo giác này. Ngài áy náy lắm. Thế rồi ngài hỏi Thiếu bảo Khắc Chung:
 -Vụ án Huệ Vũ mưu phản điều tra không kết quả gì, bây giờ nên tính sao?
 Khắc Chung tâu:
 -“Tróc hổ dị, phóng hổ nan!”°. Việc mưu phản chưa rõ hư thực, nhưng bệ hạ đã bắt giam Huệ Vũ lỡ rồi. Nếu Huệ Vũ có âm mưu làm phản thật, thả ra Huệ Vũ sẽ tiếp tục thực hiện ý đồ và sẽ hành động kín đáo hơn, bệ hạ rất khó đề phòng. Nếu việc đó là oan, làm sao Huệ Vũ khỏi oán hận bệ hạ? Đã oán hận thì người ta có thể làm những việc bất thường để trả hận. Ngu thần xin trình bày vài ý thô thiển như vậy xin tùy bệ hạ xét định.
 Vua Minh Tôn nghe lời Khắc Chung, ra lệnh cho ngục quan canh phòng Quốc Chẩn nghiêm ngặt, không cho ăn uống gì cả. Ý của vua là ép cho Huệ Vũ phải tự tử để tránh hậu hoạn.
 Qua mấy ngày bị cấm ăn uống, Quốc Chẩn khát khô cả cổ, khào cả tiếng, không còn nói năng gì được. Hoàng hậu Lệ Thánh nghe tin cha chịu cảnh khổ như vậy đau lòng khóc lóc thảm thiết nhưng đành bó tay. Cuối cùng hoàng hậu cũng được vào chùa Tư Phúc thăm cha. Vì bị cấm ngặt không được mang gì vào cho cha, hoàng hậu chỉ biết cách nhúng vạt áo vào nước lã để vào vắt ra cho cha uống. Quốc Chẩn thấy được mặt con thì có sắc mừng. Hoàng hậu vừa khóc vừa vắt vạt áo nhỏ những giọt nước vào miệng cha già. Quốc Chẩn nhấm nháp mấy giọt nước, nhìn con gái hé cười giây lát rồi tắt thở…
 Quốc Chẩn chết xong, vua Minh Tôn lại cách chức một số quan lại hay giao du với ông. Trong số đó có cả quan Ngự sử Phạm Mại, người đã từng đàn hặc Khắc Chung nhiều lần.
 Ngày bảy tháng hai năm Kỷ Tỵ°, vua Minh Tôn phong hoàng tử Vượng làm Thái tử. Sang ngày rằm cùng tháng, vua nhường ngôi cho Thái tử Vượng, tức là vua Hiến Tôn, để lên làm Thái thượng hoàng. Vua Hiến Tôn tôn Thượng hoàng là Chương Nghiêu Văn Triết Thái Thượng hoàng đế, tôn Lệ Thánh hoàng hậu làm Hiến Từ thái thượng hoàng hậu, tôn mẹ sinh là Lê thị làm Minh Từ hoàng thái phi.
 Tới tháng tám, Hiến Từ thái thượng hoàng hậu sinh hoàng tử đầu lòng, Thượng hoàng đặt tên là Nguyên Dục, sau được phong là Cung Túc vương.
 Sang mùa đông, giặc Ngưu Hống làm loạn quấy phá toàn cõi Đà Giang. Thượng hoàng quyết định thân đi đánh dẹp. Khắc Chung can rằng:
 -Đà Giang vốn có tiếng là đất lam chướng, lại nhiều ghềnh thác chảy xiết, không có lợi cho việc hành quân. Chiêm Thành không có lam chướng, khí độc, vả lại đế vương đời trước thân chinh, nhiều lần bắt được chúa nó. Chi  bằng bỏ Ngưu Hống đó mà đánh Chiêm Thành thì hơn.
 Thượng hoàng nói:
 -Trẫm là cha mẹ dân, nếu sinh dân mắc vào cảnh lầm than thì phải cứu gấp, chả lẽ đi so đo khó dễ lợi hại sao?
 Khắc Chung  hổ thẹn lạy tạ tâu rằng:
 -Lòng thánh che chở nuôi dưỡng rộng khắp, không phải là điều mà trí ngu tối của thần có thể nghĩ tới được!
 °
 Sau khi vụ án Huệ Vũ xảy ra, Trần Phẫu được vua Minh Tôn thưởng một số tiền lớn để khuyến khích việc tố cáo những âm mưu phản nghịch. Chính Thiếu bảo Trần Khắc Chung cũng có phần thưởng riêng cho Phẫu. Phẫu trở nên giàu có hơn trước nhiều.
 Trước kia, dù Phẫu có hai vợ là Đinh thị và Hoa Lê nhưng hai người vẫn sống hòa thuận như hai chị em. Sau này Đinh thị ngày càng già, đã xấu xí lại bị bệnh hoạn nên Trần Phẫu không đoái hoài nữa. Trong nhà, Phẫu chỉ còn biết một mình Hoa Lê. Hoa Lê nhân đó cũng hất hủi Đinh thị, coi thị như kẻ tôi đòi khiến thị rất tủi thân. Chỗ dựa của gia đình thị là phủ Huệ Vũ cũng không còn nên Trần Phẫu và Hoa Lê chẳng còn ngán gì ai nữa. Đinh thị uất hận quá, bèn làm đơn tố cáo việc Văn Hiến hầu đem vàng mua chuộc Trần Phẫu mưu hại Huệ Vũ dâng lên Thượng hoàng Minh Tôn.
 Thượng hoàng đọc đơn tố cáo xong liền truyền bắt Trần Phẫu hạ ngục. Ngục quan Lê Duy đem Trần Phẫu ra xét xử ngay hôm đó. Trần Phẫu sợ hãi khai hết mọi diễn biến trong vụ vu khống Huệ Vũ đại vương.
 Văn Hiến hầu Trần Đa cũng liền bị bắt giam để hỏi cung. Có Trần Phẫu và hai người vợ của y làm nhân chứng, Văn Hiến hầu đành cúi mặt nhận tội.
 Trần Phẫu bị xử lăng trì. Nhưng chưa kịp hành hình thì gia nô của Thiệu Võ là con của Quốc Chẩn đã lén cướp hắn về lóc thịt ăn sống hết.
 Văn Hiến hầu Trần Đa được miễn tội chết nhưng bị giáng làm thứ dân, bị xóa tên trong sổ hoàng tộc.
 Minh Từ hoàng thái phi Lê thị thấy sự việc xảy ra như vậy thì hết sức lo sợ cho Thiếu bảo Khắc Chung. Bà liền triệu vua Hiến Tôn đến nói:
 -Mẹ con ta ngày nay được sang cả thế này đều là nhờ Thiếu bảo Trần Khắc Chung hết. Con phải trả ơn cho người. Con phải làm sao để cứu người mới được!
 Vua Hiến Tôn nghe lời mẹ, xin Thượng hoàng xá tội cho Khắc Chung. Thượng hoàng nghĩ đến công trạng của Khắc Chung, cũng không nỡ gia tội. Ngài bèn dặn riêng ngục quan Lê Duy lờ việc xét xử Khắc Chung đi.
 Những quan lại trước đây bị tra vấn và cách chức vì liên hệ đến vụ án Quốc Chẩn nay đều được minh oan phục chức. Ngự sử Phạm Mại được thăng làm Tham tri chính sự.
 Việc xử lăng trì Trần Phẫu, giáng Văn Hiến hầu Trần Đa làm thứ dân và tước bỏ tên tuổi trong sổ bộ hoàng tộc, từ triều đình đến dân chúng đều hả lòng. Người ta chỉ hơi tiếc việc Khắc Chung lại thoát được tội.
 Tuy nhiên, cũng từ đó, uy tín Khắc Chung bị giảm đi nhiều. Các đồng liêu của ông xa lánh ông, dân chúng khinh bỉ nguyền rủa ông. Khắc Chung đã sống những ngày cuối đời trong cô đơn, buồn bã, trong nỗi ray rứt lương tâm. Cuối năm Canh Ngọ°, Khắc Chung qua đời, hưởng thọ 73 tuổi. Vua Hiến Tôn vì ơn nghĩa thầy học và ơn nghĩa đã tiến cử mẹ mình vào cung, đã truy tặng ông chức Thiếu sư.
 Con trai của Khắc Chung là Trần Công Xước bèn đưa di hài của cha về an táng ở xã Giáp Sơn, huyện Giáp Sơn, quê quán của ông.
 Khi còn sống, Khắc Chung đã tự chọn cho mình một khu đất đẹp ở vùng núi để làm nơi an nghỉ sau cùng. Ông cũng cho xây sẵn một ngôi mộ thật tráng lệ, huyệt để trống sẵn đó. Chung quanh ngôi mộ ông lại cho trồng những loại cây đẹp, những loài hoa quí hiếm trông như một vườn cảnh. Tất cả chuẩn bị sẵn, tới ngày ông mất, chỉ việc hạ quan tài xuống huyệt, xây kỹ nấm đậy là xong.
 Đám tang quan Thiếu sư Khắc Chung đã được dân chúng xã Giáp Sơn và các xã lân cận đi xem khá đông. Ai nhìn thấy ngôi mộ của quan Thiếu sư cũng phải khen là một công trình tuyệt hảo. Có người thấy vẻ tráng lệ huy hoàng đó đã thầm nhủ:
 -Giá sau này chỗ yên nghỉ của tôi được một phần mười như vậy cũng thỏa mãn lắm rồi!
 Sáng hôm sau, Công Xước và đám gia nhân ra mộ thắp huơng. Từ xa, họ đã thấy hàng ngàn chim chóc lớn nhỏ bay lượn quanh khu vực ngôi mộ quan Thiếu sư. Chúng kêu réo lao xao vang cả một vùng. Đám gia nhân kháo với nhau:
 -Chắc đây là điềm lành, Có lẽ quan Thiếu sư linh hiển nên các giống chim chóc mới đến chào mừng đông đảo như thế.
 Đến gần mộ, ai nấy lại ngạc nhiên vì một thứ mùi thối từ đâu không biết xông lên rất khó chịu. Lũ chim rừng thì cứ bay lên bay xuống kêu gào, giành giựt nhau cái gì không biết. Tiến thêm mấy chục bước nữa đã có vài người phát ói vì mùi thối. Bỗng có người kêu lên:
 -Trời ơi! Sao lại như thế này?
 Nghe tiếng kêu, mọi người đều chú ý nhìn phía trước. Một quang cảnh ngổn ngang, hoang tàn hiện ra trước mắt họ. Ngôi mộ tráng lệ mới xây ngày hôm trước giờ đã bị đập phá tan tành. Quan tài cũng bị quật lên đập bể ra từng mảnh. Thi thể quan Thiếu sư cũng bị băm nhỏ rải vung vãi khắp nơi. Tới lúc đó lũ chim rừng kiến bọ vẫn tiếp tục tranh nhau ăn thịt.
 Trần Công Xước ra lệnh cho đám gia nhân hè nhau vừa bịt mũi vừa tranh nhặt xương thịt quan Thiếu sư với lũ chim. Đám gia nhân đã hết sức chật vật vì lũ chim tinh quái đó. Cứ đuổi chỗ này chúng lại nhào xuống chỗ khác, không chịu để mất mồi…
 °
 Sau vụ đập phá ngôi mộ của quan Thiếu sư ở Giáp Sơn, Trần Công Xước bèn làm đơn khiếu kiện lên triều đình. Công Xước quyết chắc đám người phá mộ băm xác quan Thiếu sư là đám gia nô của Thiệu Võ chứ không ai khác.
 Thượng hoàng Minh Tôn xem đơn khiếu kiện xong, gọi Đỗ Thiên Hư đến nói:
 -“Oan oan tương báo”, Khắc Chung đã sai quấy làm tan nát gia đình của Thiệu Võ. Chính trẫm cũng sai lầm nông nổi mới gây ra vụ án tày trời đó. Lũ gia nô của Thiệu Võ vì trung với chủ, quá căm hận mà gây nên chuyện kia cũng chỉ là lẽ báo ứng thôi. Bây giờ bảo trừng trị chúng thì trừng trị làm sao? Ngươi hãy vì ta, khuyên Công Xước bỏ qua đi!
 Đỗ Thiên Hư vâng lệnh nói lại với Công Xước. Công Xước nghe lời cũng thôi kiện.
 Ngày mười chín tháng mười năm Bính Tý°, Hiến Từ thái hoàng thái hậu sinh hoàng tử thứ hai, Thượng hoàng đặt tên là Hạo.
 Ngày mười một tháng sáu năm Tân Tỵ°, vua Hiến Tôn qua đời, hưởng thọ 23 tuổi. Tuy thông minh, hiền đức, nhưng trong thời gian ngài làm vua, Thượng hoàng vẫn nắm quyền chính trị nên ngài chưa thực hiện được công tích nào. Khi mất, ngài vẫn chưa có con trai con gái gì cả.
 Lúc bấy giờ Thượng hoàng đã có hai người con dòng đích, đó là hoàng tử Nguyên Dục và hoàng tử Hạo. Hoàng tử Nguyên Dục tuy là con trưởng nhưng tánh tình dở dở ương ương, lại ham chơi quá trớn nên Thượng hoàng lập hoàng tử Hạo mới sáu tuổi lên ngôi tức vua Dụ Tôn.
 Năm sau, vua Dụ Tôn tôn phong mẹ đẻ mình làm Hiến Từ hoàng thái hậu. Thời gian này trong nước hay xảy ra mất mùa, đói kém. Dân nhiều kẻ sinh ra trộm cướp, phần lớn là những gia nô của các vương hầu. Đầu xuân năm Giáp Thân° lại có tên Ngô Bệ người Trà Hương tụ đảng ở núi Yên Phụ làm giặc cướp. Thượng hoàng Minh Tôn lo ngại họp triều đình bàn việc cử người đi tiễu trừ và chiêu an dân chúng. Tham tri chính sự Phạm Mại tâu:
 -Việc tiễu trừ Ngô Bệ thì không khó. Chỉ cần cử một toán quân đi là xong. Việc khó là làm sao để dân chúng yên tâm lo làm ăn mà không nghe theo giặc nữa. Trong dân vẫn còn có những nỗi oan chưa được giải quyết thỏa đáng. Như vụ án Huệ Vũ, oan tình đã sáng tỏ, những người liên can bị cách chức đã được phục chức hoặc thăng chức, nhưng những người bị tra tấn đến chết thì lại không ai nhắc đến. Ngay chính cả Huệ Vũ đại vương, tới lúc này triều đình vẫn chưa chính thức cho phục hồi quan tước. Cúi xin Thượng hoàng xét lại việc này, theo ngu ý của thần, đó cũng là một phần trong việc chiêu an nhân dân vậy.
 Thượng hoàng sáng mắt lên, ngài nói:
 -Sao khanh không nói sớm? Trẫm vì bận việc quá nên quên phứt đi.
 Thế rồi ngài hạ chiếu bồi thường và an ủi những nạn nhân trong vụ án Huệ Vũ mà lâu nay bị bỏ quên. Ngài cũng hạ chiếu phục hồi quan tước cho Quốc phụ thượng tể Quốc Chẩn trong tháng tư năm đó.
 Vua Dụ Tôn là cháu gọi Quốc phụ thượng tể Quốc Chẩn là ông ngoại. Lúc bấy giờ ngài mới chín tuổi nhưng rất khôn ngoan. Thấy Thượng hoàng có vẻ thành khẩn trong việc phục hồi quan tước cho ông ngoại mình, ngài tâu:
 -Người gây ra nỗi oan ức tày trời cho ông ngoại là Văn Hiến, Thiếu sư Khắc Chung và tên Phẫu. Nay Văn Hiến và tên Phẫu đã trừng trị rồi. Riêng Khắc Chung tuy đã chết nhưng vẫn còn học vị Bảng Nhãn trên bia đá và tước vị Thiếu sư trong quan tịch, chắc hẳn điều đó còn làm ông ngoại đau lòng. Phụ hoàng muốn ông ngoại vui lòng không gì hơn là tước bỏ học vị và quan tịch của Khắc Chung là xong.
 Thượng hoàng giật mình suy nghĩ: Thế này hẳn có ai bày vẽ cho Hạo đây! Hiến Từ hoàng thái hậu ư? Nhưng dù ai bày vẽ hay chính Hạo tự nghĩ ra thì cũng chứng tỏ lòng người còn oán hận Khắc Chung lắm. Dù sao Khắc Chung vẫn có công lớn với Trần triều. Nay ta còn tại vị, ta không nghe Hạo cũng được. Nhưng khi ta mất, Hạo muốn làm gì là quyền Hạo. Khi ấy e rằng Khắc Chung sẽ bị Hạo tước hết học vị lẫn quan tước. Thôi đành giải quyết dung hòa cho xong! Thượng hoàng nói với Hạo:
 -Hoàng nhi nói vậy cũng có lý. Nhưng Khắc Chung vốn cũng có công lớn với Trần triều, bây giờ xóa bỏ hết cũng bất công. Vả lại hắn đã bị băm xác cũng đau khổ lắm rồi. Bây giờ trẫm nghĩ nên gia phạt tước bỏ học vị Bảng Nhãn của hắn, đục bỏ tên Khắc Chung trong bia đá ở Văn Miếu là đủ rồi. Hoàng nhi bằng lòng không?
 Vua Dụ Tôn lộ vẻ hân hoan tâu:
 -Phụ hoàng dạy chí phải. Phải làm như thế ông ngoại ở suối vàng mới thỏa lòng. Hài nhi xin tuân mệnh.
 Thế rồi vua giáng chiếu đục bỏ tên Trần Khắc Chung với học vị Bảng Nhãn trong bia đá ở Văn Miếu.

Chú thích:
°Những năm trong chương 12: Mậu Thìn: 1328, Kỷ Tị: 1329, Canh Ngọ: 1330, Bính Tý: 1336, Tân Tỵ: 1341, Giáp Thân: 1344.
°Thế tử: Con đích của vua.
°Tróc hổ dị, phóng hổ nan: Bắt cọp dễ, thả cọp khó.
 

Xem Tiếp: ----