Tiểu thuyết lịch sử
Chương 3

 
 Từ tháng tư năm Kỷ Sửu, Khắc Chung được vua Nhân Tôn ban quốc tính đồng thời được thăng chức Đại hành khiển, một chức vụ quan trọng trong triều. Tuy công việc bận rộn hơn trước nhiều, ông vẫn dành thì giờ tiếp tục công việc giảng dạy trong cung. Lúc nào ông cũng tỏ ra hết sức siêng năng cần mẫn khiến vua Nhân Tôn càng hài lòng. Vì thế, một thời gian sau ông lại được thăng chức Ngự sử đại phu.
 Tháng năm năm Canh Dần°, Thượng hoàng Thánh Tôn băng ở cung Nhân Thọ, hưởng thọ 51 tuổi. Vua Nhân Tôn sai sứ sang Nguyên báo tang và xin phong vương nhưng Hốt Tất Liệt không chịu. Năm Tân Mão°, vua Nguyên sai sứ truyền chiếu chỉ cho vua Nhân Tôn có đoạn cốt yếu như sau:
 “Các vị tổ tông ta qui định rằng: phàm các nước qui phụ, nước nào thân hành đến chầu thì nhân dân được an cư lạc nghiệp như thường, còn nước nào kháng cự không phục tùng, thì bị tiêu diệt, điều ấy khanh đã biết rồi... Khanh như biết thân hành sang chầu triều thì những phù ấn về tước vua, ta sẽ cho cả không tiếc gì, đất đai và nhân dân được bảo tồn vĩnh viễn”.
 Vua Nhân Tôn bèn hội triều thần để hỏi ý. Hưng Đạo đại vương nói:
 -Bệ hạ không nên dấn thân vào hang cọp. Thượng hoàng mới băng, bệ hạ nên lấy cớ ấy để từ chối. Cứ khất lần rồi mọi việc cũng qua thôi. Bị đại bại mấy lần liên tiếp binh tướng nhà Nguyên đâu đã hoàn hồn? Cái chết của Toa Đô, Ô Mã Nhi, Lý Hằng… vẫn còn ám ảnh các tướng lãnh của chúng. Nhất là mấy năm rồi Hoa Nam lại luôn thất mùa, lấy lương thực đâu cho quân dùng mà tính chuyện viễn chinh? Thần nghĩ Nguyên chủ làm ra vẻ hung hăng hù dọa vậy chứ dễ gì mà động binh được lúc này?
 Triều thần đều tán thành ý kiến ấy. Vua Nhân Tôn bèn nại cớ đang có tang không sang chầu được, chỉ sai sứ mang cống phẩm sang cống.
 Năm sau vua Nguyên lại cho sứ sang bắt bẻ:
 “... Nếu mượn cớ con mồ côi đang có tang chế và đường sá xa cách, sợ chết dọc đường không dám đi chầu, lời lẽ như thế là bất thông... Nếu dùng những lời xảo trá hư văn và chỉ chiếu lệ cống hiến lễ vật thì đạo nghĩa còn đâu nữa?...”
 Vua Nhân Tôn lại họp quần thần để bàn luận:
 -Năm ngoái ta đã dùng kế của Hưng Đạo đại vương, từ chối việc sang chầu. Nay Nguyên chủ lại tiếp tục đòi ta phải sang chầu cho được, chư khanh liệu tính thế nào?
 Trần Khắc Chung thưa:
 -Theo thiển ý của hạ thần, đòi hỏi này dứt khoát không thể nghe! Những lời đường mật của rợ Hồ đâu tin được? Bệ hạ không nhớ việc chúa nước Tây Hạ nghe nó dụ dỗ nhiều lần mà đến chầu nó sao? Chuyện Thành Cát Tư Hãn mới áp dụng với chúa nước Tây Hạ gần đây thôi! Chính miệng Thành Cát Tư Hãn hứa sẽ bỏ qua mọi lỗi cũ nếu chúa nước Tây Hạ chịu đến chầu. Khi chúa nước Tây Hạ đến chầu thì Thành Cát Tư Hãn đã mất vì bệnh. Việc đáng nói là trước khi chết, hắn dặn quần thần phải giấu kín việc đó. Vua tôi nhà Tây Hạ không biết gì, cứ việc vào chầu. Thế là cả bọn bị giết sạch. Xong vụ ám sát hèn mọn này người Mông Cổ mới phát tang cho Thành Cát Tư Hãn. Tráo trở gian hiểm như thế đó! Vả lại, cái lão Hốt Tất Liệt nay đã ngót tám chục tuổi, liệu lão còn sống được bao lâu nữa? Thần nghĩ tốt hơn hết bệ hạ cứ chuẩn bị chiến tranh chứ đừng đem thân vào hang hùm chắc chắn sẽ hối hận không kịp!
 Chiêu Văn vương Nhật Duật nói:
 -Lời Khắc Chung bàn có lý lắm. Ta cứ chuẩn bị chiến tranh vẫn hơn. Tuy nhiên, còn nước còn tát, cứ tiếp tục cho sứ sang triều cống. Nếu thuyết phục được chúng cứ thuyết phục. Đây cũng là dịp để dò xét tình hình Mông Cổ luôn thể. Còn một việc trọng đại cần phải làm nữa, đó là việc lập ngôi Thái tử. Thái tử là gốc nước không thể không lập sớm. Lỡ gặp lúc khẩn cấp triều đình lúng túng không biết nghe ai thì nguy thật!
 Vua Nhân Tôn nghe theo, cử bọn Đào Tử Kỳ đi sứ sang Nguyên. Ngài cũng bắt đầu tiến hành việc lập ngôi Thái tử. Hằng ngày ngài gọi hoàng tử Thuyên vào cung để dạy bảo về cách trị nước, về cách xét người và dùng người. Khi đề cập đến anh em Khắc Chung, vua Nhân Tôn nói:
 -Hai anh em này đều có tài. Nhất là Khắc Chung luôn rất tận tụy với công việc, đáng làm gương cho kẻ khác, sau này ngươi nên đãi ngộ cho khéo đấy.
 Hoàng tử Thuyên thưa:
 -Phụ hoàng dạy chí phải. Thần nhi xin ghi nhớ lời Phụ hoàng!
 Ngày mồng hai tháng ba năm Nhâm Thìn° hoàng tử Thuyên được lập làm Đông cung hoàng thái tử. Năm sau, ngày mồng chín tháng ba năm Quí Tỵ°, vua Nhân Tôn nhường ngôi cho hoàng thái tử để lên làm Thái thượng hoàng. Sau đó Thượng hoàng rời kinh sư, về ở cung Trùng Quang, phủ Thiên Trường.
 Hoàng thái tử Thuyên lên ngôi tức vua Anh Tôn, đổi niên hiệu là Hưng Long năm thứ nhất. Ngài phong con gái trưởng của Hưng Nhượng vương làm Văn Đức phu nhân. Sau Văn Đức phạm lỗi lầm nên bị phế. Vua lại phong em gái của Văn Đức làm Thánh Tư phu nhân.
 Thời kỳ này tình hình Nguyên - Việt càng trở nên gay cấn. Vì giận vua Nhân Tôn không chịu sang chầu, Nguyên Thế tổ bắt giữ sứ đoàn Đại Việt do Đào Tử Kỳ cầm đầu sang triều cống. Ông ta còn hạ lệnh cho đại quân chuẩn bị hộ tống "An Nam quốc vương Trần Ích Tắc" về nước. Tin này chẳng bao lâu đã lan truyền tới Đại Việt. Từ kinh thành đến các vùng rừng núi xa xôi hẻo lánh, không nơi nào dân chúng được ăn ngon ngủ yên. Cả nước Đại Việt đã trải qua một năm Giáp Ngọ° rộn ràng chuẩn bị chiến tranh. Quân đội thì lo tập dượt tác chiến. Dân chúng thì lo đào hầm, tìm chỗ giấu của chìm, của nổi…
 Bất ngờ vào đầu năm Ất Mùi°, Nguyên sứ lại sang Đại Việt. Sứ đoàn của Đào Tử Kỳ cũng được thả về. Lúc bấy giờ Thượng hoàng Nhân Tôn đang ở Thăng Long nên chính ngài cùng vua Anh Tôn đón tiếp Nguyên sứ. Đặc biệt lần này sứ giả thiên triều không tỏ vẻ hung hăng ngỗ ngáo như những lần trước. Họ mang chiếu chỉ của vua mới Nguyên Thành Tôn sang hiểu dụ vua Trần. Chiếu viết như sau:
 "Đức Tiên Hoàng đế vừa mới băng hà, ta nối nghiệp lớn lao. Ban đầu lên ngôi, đại xá cả thiên hạ, ân lớn ấy thấm đến tất cả mọi nơi không phân biệt trong ngoài gần xa. Khanh cũng được hưởng sự khoan hồng của ta, nên ta đã hạ sắc dụ cho các quan bãi binh, còn tên bồi thần là Đào Tử Kỳ cũng cho về nước. Nay sai Thị lang Bộ Lễ là Lý Hãn, Lang trung Bộ Binh là Tiêu Thái Đăng phụng chiếu cho biết từ nay về sau, phải biết giữ gìn và tôn thờ thiên oai. Khanh phải nên xem và tuân giữ lời chiếu".
 Chiếu chỉ này được ban ra khi vua Thành Tôn vừa mới lên ngôi. Lúc ấy mọi người mới biết vua Nguyên Hốt Tất Liệt đã băng từ năm tháng trước. Cái tin sốt dẻo ấy đã nhanh chóng lan truyền khắp Đại Việt. Nhiều nhà trước đây không dám ăn tết giờ mổ gà mổ heo để ăn mừng. Từ quan binh đến dân chúng ở đâu cũng thấy những nét mặt hân hoan rạng rỡ. Người ta kháo nhau với giọng đầy thống khoái:
 -Hốt Tất Liệt chết rồi!
 -Tên bạo chúa Hốt Tất Liệt đã chết rồi!
 -Mông Cổ đã bãi binh!
 -Quân Mông Cổ không bao giờ dám sang Đại Việt nữa đâu!
 -Từ nay dân ta có thể ăn ngon ngủ yên rồi!
 Chính Thượng hoàng cũng nhẹ nhõm tinh thần khi xem chiếu chỉ. Ngài nhủ thầm: "Vậy là ta có thể yên tâm để thực hiện ý nguyện xuất gia".
 Khi sứ đoàn nhà Nguyên trở về nước, Thượng hoàng sai Nội viên ngoại lang Trần Khắc Dụng và Phạm Thảo cùng sang Nguyên xin thỉnh bộ kinh Đại Tạng đem về để ở phủ Thiên Trường, in bản phó để lưu hành.
 Mùa hè cùng năm, Thượng hoàng xuất gia ở hành cung Vũ Lâm (Yên Khánh, Ninh Bình). Nhưng rồi hình như thấy việc nước chưa ổn, ngài vẫn hay trở về triều làm cố vấn cho vua Anh Tôn. Sau đó ngài lại trở về ở phủ Thiên Trường để tham gia việc triều chính một thời gian nữa.
 °
 Thời quân Nguyên xâm lược Chiêm Thành, có nhiều quan lại và quân lính của nước Chiêm Thành đã đầu hàng Mông Cổ. Tướng Mông Cổ Toa Đô đã cho họ đi theo trong quân để giúp việc. Khi Toa Đô thất trận ở Đại Việt, gần một trăm người trong bọn đó đã bị quân Việt bắt. Vua nhà Trần ra lệnh giữ họ lại, cung ứng lương thực đầy đủ, đợi ngày trả về cho Chiêm Thành.
 Một hôm Khắc Chung đến thị sát trại giữ những người Chiêm này. Thấy người nào người nấy đều ra vẻ rầu rĩ, Khắc Chung bảo người thông ngôn tiếng Chiêm nói với họ:
 -Các ngươi là những kẻ phản vua phản nước, theo giặc Mông Cổ, tức đã phạm một tội quá lớn. Lẽ ra các ngươi phải bị xử tử mới đúng. Nay quân Đại Việt đã giải cứu cho các ngươi, đối xử với các ngươi hết sức tử tế. Chỉ đợi dịp thuận tiện là cho các ngươi trở về cố quốc. Vậy các ngươi phải vui mừng mới phải chứ sao lại rầu rĩ thế kia?
 Một ông già người Chiêm trong số đó thưa:
 -Bẩm đại nhân, chúng tôi rất biết ơn quí quốc đã đối xử rất tốt với chúng tôi. Chúng tôi không có gì để buồn phiền đối với quí quốc cả. Chúng tôi chỉ lo buồn vì những tội lỗi của chính chúng tôi thôi.
 Khắc Chung ngạc nhiên vì ông già này nói tiếng Đại Việt rất sõi, ông liền hỏi:
 -Ngươi là người Chiêm Thành hay người Đại Việt?
 -Thưa đại nhân, tôi là Trà Hoa, người Chiêm Thành.
 -Trước đây ở Chiêm Thành ngươi làm gì?
 -Thưa đại nhân, tôi được Chiêm vương giao việc giáo huấn các hoàng tử và con cháu các vị hoàng thân quốc thích cùng con cháu các vị đại thần trong triều. Khi quân Nguyên chiếm thành Đồ Bàn, tôi chạy không kịp nên bị chúng bắt. Biết tôi là người có học, chúng dụ dỗ và ép tôi phải làm những việc có hại cho nước Chiêm. Vì sợ chúng giết nên tôi phải ép bụng làm theo lời chúng. Nay hối hận thì đã muộn.
 Khắc Chung lại hỏi:
 -Vì cớ nào ông lại nói thông tiếng Đại Việt đến thế?
 -Thưa, tôi vẫn thích tìm hiểu tiếng nước ngoài nên hễ có dịp là tôi học.
 -Như vậy chắc ông còn nói nhiều thứ tiếng nữa?
 -Dạ đúng. Ngoài tiếng Đại Việt tôi còn nói được cả tiếng Xiêm, tiếng Tàu.
 Khắc Chung nói:
 -Người tài giỏi như ông mà để lầm lỡ thật đáng tiếc! Ta báo cho ông một tin mừng: Hoàng thượng sắp cho người đưa các ông trở về Chiêm Thành đấy. Ông nên vui vẻ mà đợi ngày về nước.
 Trà Hoa lộ vẻ buồn rầu:
 -Thưa đại nhân, vấn đề của chúng tôi không giản dị như đại nhân nghĩ đâu! Khi về nước, chắc chắn chúng tôi sẽ bị trừng trị. Có thể có người sẽ bị xử tử. Đó chính là nguyên nhân đã khiến chúng tôi không ai được vui như đại nhân đã thấy hôm nay. Riêng tôi, một người đã từng dạy điều hay lẽ phải cho con cháu vua, cho con cháu các trọng thần, bây giờ lại mang cái tội danh phản quốc, thử hỏi, tôi còn mặt mũi nào để gặp lại họ? Xin đại nhân cho biết, ngày hoàng thượng cho đưa chúng tôi về Chiêm, tôi xin ở lại làm nô lệ ở Đại Việt được không?
 Khắc Chung thương tài Trà Hoa, thấy Trà Hoa có ý nghĩ bi quan như vậy thì không đành lòng. Ông nói với Trà Hoa:
 -Ông chớ lo quá. Nếu bất đắc dĩ ông phải xin ở lại Đại Việt, ta có thể giúp ông. Ông có chịu ở với ta không?
 Trà Hoa mừng rỡ nói:
 -Nếu được đại nhân che chở cho sống nốt phần đời còn lại, thân già này xin phục vụ đại nhân hết mình!
 -Ông yên chí. Ta nhất định sẽ lo việc ấy cho ông.
 Từ đó, Khắc Chung hay lui tới thăm viếng, giúp đỡ Trà Hoa. Hơn một tháng sau vua Nhân Tôn hạ chiếu trả những người Chiêm bị bắt đó về cho Chiêm Thành. Nhiều người đã xin ở lại làm nô lệ cho người Việt. Khắc Chung cũng xin với vua Nhân Tôn bảo lãnh Trà Hoa. Nghĩ Khắc Chung là người có công, vua Nhân Tôn cũng chấp thuận.
 Từ ngày đưa Trà Hoa về nhà, Khắc Chung đãi Trà Hoa như một môn khách. Những khi rảnh rỗi Khắc Chung học tiếng Chiêm hoặc đàm đạo với Trà Hoa. Chẳng bao lâu sau Khắc Chung đã nói tiếng Chiêm khá thành thạo. Vua Nhân Tôn biết được việc này khen Khắc Chung:
 -Khanh vậy mà được việc đấy. Đã giỏi tiếng Tàu lại còn giỏi tiếng Chiêm! Sau này đi sứ Chiêm Thành đâu cần phải nhờ đến người thông ngôn?
 Khắc Chung cười đáp:
 -Ấy chết, tâu bệ hạ. Thần học tiếng Chiêm không mong để đi sứ sang Chiêm mà không cần người thông ngôn đâu! Thần học tiếng Chiêm mục đích để tìm hiểu những điều chưa biết về nước Chiêm. Còn nếu đi sứ sang Chiêm thần nghĩ chỉ nên làm một viên quan ù ù cạc cạc mới xong. Như thế mới mong nghe được người Chiêm bày tỏ cảm tình thật sự với mình ra sao!
 Vua Nhân Tôn cũng cười:
 -Cũng là một ý tưởng hay!
 °
 Nàng Bảo Hoàn, vợ của Khắc Chung là con gái độc nhất của ông bà Trịnh Bác. Ông bà này không có con trai, tất nhiên, khi họ qua đời, gia tài điền sản của họ sẽ thuộc về Bảo Hoàn. Nhưng trong thời kháng Nguyên, Trịnh Bác đầu hàng giặc nên gia tài điền sản ấy bị tịch thu sung công hết. Khi vua Anh Tôn lên ngôi, để tỏ lòng ưu đãi Khắc Chung, ngài hạ chiếu đem những điền sản tịch thu đó trả lại cho cả. Bảo Hoàn và các con rất mừng, nhưng Khắc Chung lại từ chối. Ông hay ưa làm những công việc khác đời để lấy tiếng khen bên ngoài hơn là chăm lo nghiệp nhà. Vì chuyện này mà gia đình Khắc Chung đã sinh lục đục một thời gian.
 Mỗi buổi sáng vào chầu thì tạm nghỉ ở cục Thượng Liễn cửa Vĩnh Xương, xem kỹ các bản tâu để chuẩn bị tâu bày. Khi tan chầu thì tới Đông cung dạy hoàng thái tử. Lúc nào Khắc Chung cũng tỏ ra siêng sắng trong công vụ. Vì thế nên vua Anh Tôn càng nể trọng và tin tưởng ông.
 Đầu năm Kỷ Hợi, Khắc Chung được tiến chức Đại An phủ Kinh sư.
 °
 Ngày kia, Thượng hoàng từ Thiên Trường đột ngột về kinh, các quan trong triều không ai hay biết cả. Chính vua Anh Tôn vì uống rượu xương bồ đang say nằm ngủ li bì. Thượng hoàng thong thả đi thăm khắp các cung điện từ giờ Thìn tới giờ Tỵ. Cung nhân dâng thức ăn, Thượng hoàng không thấy vua đâu cả lấy làm lạ mới hỏi. Cung nhân vào nội cung đánh thức vua nhưng vua vẫn không tỉnh. Thượng hoàng giận quá lập tức trở về Thiên Trường rồi xuống chiếu cho các quan ngay hôm sau phải tới Thiên Trường để điểm danh.
 Khi vua Anh Tôn tỉnh dậy, cung nhân bèn trình bày lại sự việc. Vua sợ quá bèn tìm Đoàn Nhữ Hài, bấy giờ còn là một thư sinh, bảo thảo một bài biểu tạ tội rồi cùng về Thiên Trường dâng Thượng hoàng. Thượng hoàng xem bài biểu rồi gọi vua Anh Tôn vào trách:
 -Trẫm còn có con khác cũng có thể nối ngôi được. Trẫm đang sống mà ngươi còn như thế huống chi sau này?
 Vua Anh Tôn rập đầu tạ tội. Thượng hoàng hỏi:
 -Ai soạn bài biểu cho ngươi?
 -Đó là thư sinh Đoàn Nhữ Hài.
 Thượng hoàng bèn gọi Nhữ Hài vào và bảo:
 -Bài biểu ngươi soạn rất hợp lòng trẫm.
 Thế rồi Thượng hoàng tha tội cho vua Anh Tôn rồi cho các quan về triều. Kể từ đó vua Anh Tôn bỏ hẳn việc uống rượu xương bồ và siêng năng lo việc triều chánh.
 ° 
 Tháng tám năm Kỷ Hợi, Thượng hoàng lại lên núi Yên tử tu hành, lấy hiệu là Trúc Lâm Đại Sĩ. Tuy đã xuất gia nhưng Thượng hoàng vẫn luôn quan tâm tới vấn đề an ninh quốc gia. Ngài hay vân du nhiều nơi không phải chỉ để thưởng ngoạn mà còn để tìm hiểu địa lý, dân tình...
Tháng hai Tân Sửu° vua Chiêm Thành sai sứ sang triều cống Đại Việt. Khi sứ Chiêm trở về, Thượng hoàng cũng theo họ sang du ngoạn đất Chiêm.
 Được tin vị cựu hoàng Đại Việt vân du trên đất nước mình, vua Chiêm là Chế Mân mừng lắm. Ông liền cho người tìm mời ngài về kinh đô Đồ Bàn chơi. Khi viên sứ được sai đi tìm ra nơi ngài trú ngụ, y cầm thư mời quì lạy trước mặt ngài và thưa:
 -Bẩm, nô thần dâng quốc thư xin rước thiên tử ghé lại Đồ Bàn vài hôm để Chiêm vương được bái kiến và quần thần cùng dân chúng được chiêm ngưỡng thiên nhan.
 Thượng hoàng bảo người thông ngôn đến nhận lá thư và đỡ viên sứ dậy. Ngài nói:
 -Ta nay là kẻ tu hành, ngươi không cần giữ lễ như đối với một vị thiên tử.
 Sau khi xem thư, ngài nói với viên sứ:
 -Ta xin nhận lời mời của Quốc vương. Ta sẽ tới thăm ngài và dân chúng ở Đồ Bàn. Nhưng nhờ ông dặn ngài chỉ nên tiếp ta với tư cách một nhà sư. Về cách xưng hô, chỉ gọi ta là Đại Sĩ, thế là đủ.
 Cuộc hội ngộ này gần như tri kỷ gặp nhau. Cả hai vị đều từng lãnh đạo quốc gia mình đánh bại được kẻ thù hung bạo nhất đương thời là quân Mông Cổ, cứu dân tộc mình thoát khỏi xích xiềng nô lệ. Hai vị nể trọng nhau vì tài thao lược, vì tinh thần bất khuất và lòng dũng cảm của nhau. Họ đàm đạo với nhau hết sức tâm đắc. Sau đó, vua Chế Mân nhiều lần thân hành đưa Thượng hoàng đi xem những thắng cảnh danh tiếng của Chiêm quốc...
 Thấm thoát Thượng hoàng vân du trên đất Chiêm đã hơn nửa năm. Trước khi hồi hương, ngài trở lại Đồ Bàn để giã từ Chiêm vương. Chiêm vương ra chiều quyến luyến cầm giữ nhiều lần. Ngày lên đường, Chiêm vương và rất nhiều quan chức đã tiễn chân Thượng hoàng ra khỏi kinh đô hàng chục dặm. Hàng ngàn dân Chiêm và một số Việt kiều cũng đứng dọc đường cung kính chắp tay vái chào ngài. Thượng hoàng cũng vui vẻ không ngớt chắp tay xá lại đám dân dã. Chiêm vương thấy cảnh tượng đó cảm động thưa với Thượng hoàng:
 - Tệ quốc rất mong tình cảm giữa hai nước cứ giữ mãi được thế này. Khi nguy biến hai nước cứu giúp nhau, khi thái bình dân hai nước sống vui vẻ với nhau. Sau này khi nào rảnh rang xin mời Đại Sĩ cứ đến tệ quốc chơi. Dân Chiêm Thành lúc nào cũng kính trọng Đại Sĩ như một đấng Phật sống.
 Thượng hoàng cũng rất xúc động trước cảm tình nồng hậu mà vua tôi nước Chiêm Thành dành cho mình. Trước khi chia tay, Thượng hoàng nói với vua Chiêm:
 - Ta còn một công chúa cũng có chút nhan sắc, ta muốn gả cho Quốc vương để nối kết tình thân hai nước thêm bền chặt, Quốc vương nghĩ thế nào?
 Chiêm vương nghe nói liền chắp tay vái Thượng hoàng:
 - Nếu Đại Sĩ đã đoái nghĩ đến việc đó, kẻ phiên thần này lấy làm vinh hạnh lắm!
 Thượng hoàng nói tiếp:
 - Tuy nhiên, công chúa hiện còn quá nhỏ, lại chưa thông hiểu được phong tục của quí quốc, xin đợi vài năm nữa để con ta có thời giờ học hỏi thêm rồi thành thân cũng chưa muộn.
 - Bạch Đại Sĩ, Đại Sĩ hứa một lời như vậy là đủ rồi. Tiểu quốc xin vâng mạng.
 Tin về cuộc hứa hôn giữa hai nước lan ra khá nhanh. Từ triều đình đến dân dã nước Chiêm đều tỏ ra rất vui mừng. Vị cựu hoàng Đại Việt hứa gả công chúa Huyền Trân cho Chiêm vương mà không đặt ra một điều kiện tiên quyết nào hết. Dân Chiêm Thành không mừng sao được khi vị vua anh hùng của họ đã được một đấng cựu thiên tử cũng là bậc anh hùng coi trọng! Viễn ảnh chiến tranh giữa hai nước sẽ càng chìm lặn! Tình hữu nghị hai nước sẽ càng thêm bền chặt. Đại Việt sẽ trở thành lá chắn vững chắc ở mặt bắc để nước Chiêm rảnh tay chống lại các cuộc xâm lấn của hai nước Xiêm La và Chân Lạp.
 Khi về Đại Việt, Thượng hoàng ghé lại Thăng Long thăm gia đình. Trong cuộc hội ngộ này, Thượng hoàng đã kể hết việc ngài hứa gả Huyền Trân công chúa cho mọi người nghe. Ai nấy đều chưng hửng. Vua Anh Tôn thưa:
 -Tâu phụ hoàng, em con mới mười ba tuổi, sợ còn nhỏ dại quá chăng?
 -Quan gia° khỏi lo điều đó. Tuy đã hứa với Chiêm vương nhưng ta có hẹn phải đợi khi công chúa trưởng thành mới cho làm lễ thành thân. Điều Quan gia cần quan tâm là phải tìm kiếm người dạy công chúa nói được tiếng Chiêm và hiểu biết về phong tục nước Chiêm để công chúa khỏi gặp trở ngại khi về nhà chồng.
 Vua Anh Tôn thưa:
 -Điều đó chắc không khó. Viên quan cũ của nước Chiêm là Trà Hoa đang ở nhà Khắc Chung có thể giúp việc đó được. Y là người có học vấn, có kiến thức. Cần có một người như thế mới đủ khả năng dạy em con. Nhưng con chẳng hiểu vì sao phụ hoàng lại gả em con cho vua Chiêm?
 -Chẳng lẽ Quan gia nghĩ không ra điều đó? Trước đây nước Chiêm vẫn luôn là mối lo phía Nam của Đại Việt. Trong cuộc chiến chống Nguyên vừa qua Chiêm Thành đã tỏ ra là một dân tộc dũng mãnh chẳng kém gì dân tộc ta. Hiện giờ mối nguy từ Bắc phương vẫn còn sừng sững đó. Vậy thì việc kết thân với Chiêm Thành có gì phải thắc mắc?
 -Phụ hoàng có đưa ra điều kiện nào với Chiêm vương không?
 -Ta vì vấn đề an ninh quốc gia mà cấu kết lòng người và cũng thấy Chiêm vương xứng đáng với công chúa mà hứa hôn nên chẳng đặt điều kiện nào cả.
 Tuyên Từ thái hậu nói:
 -Thượng hoàng lo tính cao xa như vậy thiếp đâu dám có ý gì khác. Chỉ ngại con trẻ còn ngây dại phải xa gia đình về sống chung với người ngoại chủng tội nghiệp thôi!
 -Người nào cũng là người, đều có tính thiện cả. Chế Mân dù sao cũng là vua một nước có văn hóa lâu đời, việc gì phải ngại?
 Thượng hoàng nói với Huyền Trân:
 -Con đừng phiền não lo sợ chi cả. Cứ nghe lời cha, người chồng tương lai của con là một bậc vương giả, một vị anh hùng, rất xứng đáng để con trao thân gởi phận. Sự hi sinh của con chắc chắn không vô ích. Ở đời cái đáng sợ là gây tội ác, là làm cho kẻ khác đau khổ. Ở đây con chỉ đem lại sự yên ổn cho dân cả hai nước, có thể ngăn chận hoặc giảm thiểu được những tranh chấp, giành giựt. Con sẽ là sứ giả hòa bình, sẽ được dân cả hai nước mang ơn. Sự hi sinh đó sẽ được người đời tôn vinh, không có gì để sợ hãi hay xấu hổ cả.
 Huyền Trân công chúa nãy giờ nghe hết những lời trao đổi giữa Phụ hoàng với Tuyên Từ thái hậu và vua Anh Tôn, nàng mới hiểu một cách mơ hồ. Giờ nghe lời khuyên trực tiếp của Phụ hoàng, nàng đã thấy rõ đây là một sự thật mà nàng sắp phải đối diện. Nàng rụt rè hỏi lại:
 -Như vậy là con phải đi lấy chồng ở một nơi rất xa?
 Thượng hoàng nhìn con gái trìu mến khuyên:
 -Con đừng ngại. Nghe qua thì xa thật, nhưng hai nước thông hòa mật thiết với nhau thì việc qua lại cũng dễ dàng thôi. Con sẽ là gạch để nối đem lại sự yên ổn, cuộc sống hòa bình cho dân chúng hai nước, bộ con không muốn sao?
 -Lấy chồng mà đem lại được sự yên ổn cho cả hai nước lẽ nào con từ chối? Con xin tuân theo lời Phụ vương dạy bảo.
 Thượng hoàng quay lại nói với vua Anh Tôn:
 -Thế là với Huyền Trân không có gì trở ngại cả. Quan gia nên tiến hành việc đào tạo cho Huyền Trân thành một con người hoàn hảo.
 °
 Huyền Trân sinh năm Mậu Tý°. Từ bé Huyền Trân đã tỏ ra rất thông minh và hiếu thuận. Bắt đầu lên ba tuổi công chúa đã được vua Nhân Tôn và mẹ là Khâm Từ hoàng hậu chăm sóc rèn luyện tứ đức lẫn chữ nghĩa. Đáng tiếc, tháng ba năm Quí Tỵ, vua Nhân Tôn nhường ngôi cho vua Anh Tôn, về ở phủ Thiên Trường. Đến tháng chín, Khâm Từ hoàng hậu lại từ trần. Thế là mới năm tuổi Huyền Trân đã không còn được hai người thân yêu nhất chăm sóc dạy dỗ nữa. Vua Anh Tôn bèn giao phó việc đó cho các nữ quan. Từ năm lên mười, Huyền Trân đã được Phụ hoàng cho phép dự nghe những buổi giảng kinh sử dành cho hoàng hậu và các phi tần. Tuy còn nhỏ, nhưng công chúa đã biết chăm chú nghe kỹ từng lời, từng câu của kinh sách. Công chúa rất thích tìm hiểu những điều mới lạ xa gần, những chuyện xưa tích cũ. Nhiều lần công chúa đã đặt những câu tìm hiểu làm mọi người ngạc nhiên và các giảng quan có khi phải bối rối. Cá tính này của công chúa đã khiến giảng quan Trần Khắc Chung đặc biệt chú ý. Một bên thì kiến thức cổ kim sâu rộng, một bên lại chăm chỉ, ưa học hiểu, hai thầy trò đã dễ dàng trở nên quí mến nhau. Thượng hoàng và vua Anh Tôn thấy Huyền Trân thông minh, chịu khó tìm hiểu, lại gặp được thầy giỏi đều rất mừng.
 Một hôm Thượng hoàng ghé thăm gia đình, nhân tiện ngài hỏi Khắc Chung:
 -Ngươi thấy Huyền Trân ra sao?
 -Bẩm, công chúa tánh nết hiền hậu, lại thông minh, ưa học hiểu, thần nghĩ chắc công chúa sẽ trở thành một người gương mẫu đáng kính trong thiên hạ.
 -Ngươi nói vậy chứ ta thấy công chúa hơi chân chất. Ngươi gắng vì ta mà dạy bảo cho công chúa nhé. Ta có hỏi công chúa giảng quan nào giảng dạy dễ hiểu thì công chúa nói ngươi là người giảng tường tận và dễ hiểu nhất. Ta hi vọng ngươi sẽ giúp công chúa tiến bộ nhiều.
 -Xin Thượng hoàng yên chí. Thần sẽ cố gắng hết mình để giảng dạy cho công chúa.
 °
 Khi tin Thượng hoàng đã hứa gả Huyền Trân công chúa cho vua Chiêm Chế Mân loan truyền ra, hoàng gia và triều thần đều bàn tán xôn xao. Phần đông cho đây là một vụ hôn nhân bất xứng. Nhiều người thầm thì ví von việc này với chuyện Chiêu Quân cống Hồ. Hình như Huyền Trân công chúa cũng nghe được sự bàn tán ấy. Nàng đâm ra lo lắng, trầm ngâm, ít nói ít cười. Khi đến nhà học, công chúa không còn hăng say hỏi han tìm hiểu như trước. Các giảng quan đều ái ngại cho nàng nhưng không ai có ý kiến gì. Một hôm, nhằm buổi giảng sách của Thiên chương học sĩ Nguyễn Sĩ Cố, công chúa đột nhiên hỏi:
 -Thưa thầy, thầy có thể giảng cho đệ tử biết rõ về chuyện Chiêu Quân cống Hồ không?
 Quan học sĩ nghe hỏi sợ tái mặt. Đề tài ấy rất nhạy cảm giữa lúc này. Ông tuy học cao hiểu rộng nhưng lại rất nhút nhát, cầu an. Giảng cho công chúa nghe về đề tài ấy ư? Nếu có sự trục trặc, ông có thể bị hoàng thượng trách phạt không chừng! Nhưng tánh công chúa thì ông đã biết. Đã để tâm tới vấn đề gì thì nàng nhất định phải hỏi tới cùng. Ông suy nghĩ một lát rồi nói đưa đẩy:
 -Xin công chúa thư thả. Chuyện đó không thể nói vắn tắt được. Hôm nay thiểm chức phải giảng cho hết đề tài “Liệt nữ bất sự nhị phu” đã. Có lẽ công chúa nên hỏi quan Đại an phủ Kinh sư thì tốt hơn. Ông ấy vẫn nghiên cứu về những đề tài tranh chấp Hán - Hồ, chắc chắn ông ấy sẽ cho công chúa biết  chuyện rành rẽ hơn người khác.
 Công chúa nghe Sĩ Cố nói thì tin thật:
 -Vậy đệ tử sẽ nhờ thầy Khắc Chung giảng.
 Chiều hôm đó Nguyễn Sĩ Cố tới nhà Trần Khắc Chung. Ông với Khắc Chung không những là bạn đồng liêu, bạn văn chương mà còn là bạn... ghiền cờ bạc nữa. Hình phạt về tội cờ bạc vào đầu đời Trần rất nghiêm khắc, nhất là đối với giới quan quyền. Các vua Trần sợ tệ nạn này sẽ đẻ thêm tệ nạn hối lộ, tham nhũng. Đã có một số quan chức phạm phải tội này bị xử đánh đòn rất nặng. Thậm chí có người bị đánh đến chết như trường hợp Thượng phẩm Nguyễn Hưng xảy ra vào năm Bính Thân°. Thế nhưng vì máu mê, hai người cứ rảnh việc lại tìm nhau. Nói đúng ra, không phải họ mê tiền bạc mà chỉ ghiền bài. Được bốn năm người thì gây sòng đã đành, khi chỉ có hai người họ cũng đánh tay đôi. Có khi hai ông ngồi đánh liên tiếp hai ba ngày, húp cháo tại chỗ, không ngủ nghê gì cả. Mà ăn thua bạc ngàn bạc vạn chi cho cam, tới lui cũng chỉ năm ba quan tiền! Lần này vừa mở cỗ bài ra, Sĩ Cố nói ngay:
 -Ông nhớ xem lại chuyện Chiêu Quân cống Hồ nhé, công chúa Huyền Trân sẽ hỏi ông đó!
 Khắc Chung cười hỏi lại:
 -Sao ông không giảng cho công chúa nghe? Ông sợ Hoàng thượng khiển trách nên bán cái cho tôi chứ gì?
 -Có gì mà phải sợ! Tại biết ông giảng thuyết hay hơn tôi và kiến thức của ông về đề tài đó cũng sâu rộng hơn tôi nên công chúa mới thích nghe ông giảng đấy chứ!
 -Thôi, tôi đi guốc trong bụng ông rồi! Nhưng tôi đâu có ngán! Chuyện đó hạ hồi phân giải. Bây giờ mình cứ giải trí cái đã!
 Thế rồi hai vị bắt đầu hòa mình vào những quân bài...
 Vì ham vui, thức khuya quá nên buổi sáng hôm sau Khắc Chung thấy người hơi bần thần. Ông vừa sửa soạn đến chỗ làm việc vừa nhẩm ôn những gì sẽ nói ở nhà giảng sách. Quả thật Khắc Chung không ngại khi nói về đề tài Chiêu Quân cống Hồ với Huyền Trân công chúa. Ngoài chuyện Chiêu Quân, ông biết rất nhiều chuyện về các mỹ nhân, các công chúa thời trước của cả Trung Hoa lẫn Đại Việt đã từng được gả cho những lãnh chúa, những tù trưởng dân thiểu số. Những người này dù năng động hay thụ động, hầu hết đã làm tròn sứ mạng một cách vẻ vang. Họ đã có những cống hiến lớn lao cho nền hòa bình, cho cuộc sống an ninh của quốc gia họ.
 Điển hình như Tế Quân công chúa, Giải Ưu công chúa dưới thời Hán Vũ đế. Nhất là vai trò Giải Ưu công chúa, gần 50 năm làm dâu ở nước Ô Tôn đã góp phần làm tê liệt thế lực nước Hung Nô, đem lại hòa bình cho dân Trung Hoa suốt thời Tây Hán (206-08 trước tây lịch). Kế nữa là Văn Thành công chúa đời Đường Thái Tôn, Kim Thành công chúa đời Đường Trung Tôn sang làm dâu nước Thổ Phồn (Tây Tạng) đã nối tiếp nhau khai hóa nước này thành văn minh, phồn vinh không kém gì Trung Hoa.
 Ở Đại Việt thì vua Lý Thái Tôn gả công chúa Bình Dương cho đầu mục châu Lạng là Thân Thiệu Thái, gả công chúa Kim Thành cho đầu mục châu Phong là Lê Tông Thuận, gả công chúa Trường Ninh cho đầu mục châu Thượng Oai là Hà Thượng Lãm... đã tạo được một vòng đai vững chắc một thời cho Lý triều...
 Đó là những điều Khắc Chung đã nhẩm lại nằm lòng để sẵn sàng tuôn ra!
 Bởi công việc ở phủ hơi nhiều nên Khắc Chung đến nhà giảng sách hơi muộn. Bước vào nhà giảng sách, Khắc Chung bỗng giật nẫy mình: Thánh Tư phu nhân cũng có mặt ngồi sẵn ở đó! Ông toan quì xuống làm lễ thì phu nhân mỉm cười khoát tay:
 -Miễn lễ, quan Đại an phủ cứ tự nhiên, ở đây ông là thầy còn ta chỉ là một học viên.
 Nghe vị quốc mẫu nói thế, Khắc Chung thấy trong lòng vui hẳn lên. Ông nghĩ: Chắc Hoàng thượng muốn biết ý ta thế nào đối với cuộc hôn nhân của công chúa nên bảo phu nhân đến nghe ta giảng ra sao chăng? Ta đã nói ra thì chỉ có thưởng chứ làm sao bị phạt được? Thế rồi ông gật gù đi vào đề tài...
 “Hôm qua quan học sĩ Nguyễn Sĩ Cố cho thiểm chức biết, công chúa muốn nghe về chuyện Chiêu Quân cống Hồ. Đó là một sự cố đã xảy ra vào đời nhà Hán, nhưng đến bây giờ người đời vẫn luôn nhắc nhở. Với nhiệm vụ của mình, thiểm chức không dám ngại khó khăn, xin gắng trình bày tiến trình của sự việc một cách trung thực để công chúa và quí học viên có mặt hôm nay cùng nghe và nhận xét cách xử trí của người xưa.
 “Thật ra việc này rất bình thường nếu không có vấn đề anh họa sĩ Mao Diên Thọ tác quái gian lận gây thành chuyện lớn. Chiêu Quân là con của Vương Trung, tri phủ châu Việt, sinh ở huyện Hưng Sơn, Giang Nam, nàng còn có tên khác là Vương Tường. Chiêu Quân vốn có nhan sắc, lại thông minh, hiếu học, được cha mẹ cưng chiều vun đắp nên tài hoa phát triển rất sớm. Thời Hán Nguyên đế Chiêu Quân được tuyển vào cung khi mới mười bảy tuổi. Lúc bấy giờ Mao Diên Thọ được giao nhiệm vụ vẽ chân dung tất cả các cung nữ để dâng vua. Vua chỉ việc nhìn vào tranh để lựa chọn người đẹp vừa ý mà ban ơn mưa móc. Mao Diên Thọ đã lợi dụng sự tín nhiệm của vua để làm tiền. Ai đút lót tiền bạc thì y vẽ đẹp thêm ra, ai không đút lót thì y vẽ cho xấu đi. Chiêu Quân ỷ mình sắc đẹp không chịu đút lót nên hình ảnh của nàng luôn bị vua xếp xó. Trải qua 15 năm ở trong cung, nàng vẫn đắm chìm trong bóng tối.
 “Lúc bấy giờ nhà Hán đang hùng mạnh, Hung Nô lại đang suy bại, bị các lân bang đe dọa. Thiền Vu° Hung Nô là Hô Hàn Tà bèn xin vào chầu nhà Hán để dựa dẫm. Muốn cầm chắc không bị bỏ rơi khi gặp nguy biến, Hô Hàn Tà xin được làm rể nhà Hán. Nghĩ rằng liên kết với Hung Nô dù sao cũng bớt được ít nhiều mối họa từ phương Bắc, Hán Nguyên đế bèn chỉ thị chọn một cung nữ vô danh để gả cho y. Chiêu Quân lâu nay bị dìm đã uẩn ức sẵn, bèn tình nguyện lấy Hô Hàn Tà. Không muốn để chú rể phải tủi thân, Nguyên đế phong Chiêu Quân làm Vĩnh An công chúa. Khi Chiêu Quân vào bái yết vua để về với chồng, Nguyên đế đã sững sờ vì sắc đẹp của nàng. Sao có thể như thế này được? Nguyên đế tiếc hùi hụi. Sắc đẹp con người thật của Chiêu Quân và hình ảnh do Mao Diên Thọ vẽ khác nhau một trời một vực! Nhưng quân bất hí ngôn, lỡ làng cả rồi biết làm sao? Nỗi tiếc rẻ và cơn phẫn nộ của nhà vua chỉ còn biết đổ lên đầu anh họa sĩ Mao Diên Thọ. Hắn bị kết tội dối trá với vua, thế là đời tàn.
 “Chiêu Quân lấy Hô Hàn Tà chưa được một năm thì Hán Nguyên đế băng, Hán Thành đế lên thay. Hai năm sau Chiêu Quân sinh được một con trai đặt tên Tri Nha Sư. Cũng năm ấy Hô Hàn Tà qua đời, con trai người vợ trước của ông ta là Phúc Chu Lũy lên ngôi Thiền Vu.
 “Theo phong tục Hung Nô thời ấy, tất cả những người vợ của vị vua quá cố đều trở thành vợ của vị vua kế vị, ngoại trừ bà mẹ ruột của ông ta. Chiêu Quân cũng đương nhiên trở thành vợ của Phúc Chu Lũy là người trước đây đã gọi nàng bằng mẹ. Nàng đau khổ vì việc này lắm. Thế rồi nàng gới thư xin Hán Thành đế cho nàng hồi hương. Nhưng Hán Thành đế khuyên nàng nên tuân theo tục Hung Nô cho phải đạo. Thế là Chiêu Quân phải lấy Phúc Chu Lũy rồi sinh thêm được hai công chúa...
 “Việc gả Chiêu Quân cho Thiền Vu Hung Nô là một vụ thiên tử ban ân huệ cho chư hầu để cấu kết lòng người chứ không phải là một vụ “cống Hồ” như người đời vẫn quen nói. Thực tế lịch sử nó khô khan như vậy đó!
 “Thế nhưng các văn nhân thi sĩ đã bi kịch hóa câu chuyện. Họ đã dựng thêm nhiều tình tiết éo le, gây cấn và cũng rất lâm ly, lãng mạn khiến người đời sau nghe qua phải ngẩn ngơ! Không biết bao nhiêu nước mắt của con người đã đổ ra cho vụ này!
 “Dù sao thì vụ lấy chồng của Chiêu Quân cũng đã góp phần củng cố được nền hòa bình giữa hai dân tộc Hán - Hồ một thời gian dài hơn nửa thế kỷ. Đó là một sự hi sinh đáng trân trọng! Và chắc chắn hình ảnh Chiêu Quân sẽ đẹp mãi trong lòng người dân Trung Hoa.
 “Ngay ở Đại Việt, chính bản triều cũng đã có những vị công chúa vì quyền lợi quốc gia, chịu hi sinh như thế. Đầu tiên là Ngoạn Thiềm công chúa. Cuối năm Mậu Tý°, khi phản tướng Nguyễn Nộn đánh bại phản tướng Đoàn Thượng, thế lực của Nguyễn Nộn trở nên lừng lẫy quá. Thái sư Trần Thủ Độ rất lo ngại. Một mặt ông sai bố trí phòng thủ Thăng Long, một mặt ông khuyên vua Thái Tôn sai sứ đến phong vương và gả Ngoạn Thiềm công chúa cho Nguyễn Nộn. Ngoạn Thiềm công chúa cùng một toán người hầu xinh đẹp đã triệt để tận dụng sắc đẹp, ra tay tiêu hao sinh lực của viên tướng háo sắc này. Chỉ ba tháng sau Nguyễn Nộn bị bạo bệnh mà mất. Thế là Thái sư Thủ Độ đã thu phục phần đất ly khai này một cách dễ dàng.
 “Tiếp đó là An Tư công chúa. Vào năm Ất Dậu°, khi Thăng Long đang bị quân Nguyên uy hiếp quá nặng nề, vua Thánh Tôn phải cho sứ đem công chúa An Tư, em gái út của chính ngài, dâng cho Thoát Hoan mong làm dịu bớt tình hình. Nhờ thế Thoát Hoan đã tạm dừng quân một thời gian khiến quân ta có thời giờ để củng cố lại lực lượng. Việc này cũng góp phần không nhỏ cho sự chiến thắng của quân ta sau đó. Chắc chắn công chúa Ngoạn Thiềm cũng như công chúa An Tư sẽ được sử xanh ghi công, danh sáng muôn đời...”
 Công chúa Huyền Trân nghe Khắc Chung giảng xong, sắc mặt trở nên rạng rỡ. Nàng nói:
 -Cám ơn thầy đã giảng cho đệ tử biết được tường tận câu chuyện. Đây là một bài học quí giá cho đệ tử. Đệ tử mong sẽ được thầy giảng cho nghe những bài học hay khác nữa!
 Thánh Tư phu nhân cũng khen:
 -Ông giảng hay thật! Như thế từ nay công chúa sẽ hết phân vân lo lắng rồi. Ta sẽ trình với hoàng thượng thưởng công cho ông.
 Tháng mười năm Quí Mão°, Khắc Chung lại được thăng làm Nhập nội đại hành khiển.

Chú thích:
°Những năm trong chương 3: Mậy Tý: 1228, Ất Dậu: 1285, Mậu Tý: 1288, Canh Dần: 1290, Tân Mão: 1291, 1292: Nhâm Thìn, Quí Tỵ: 1293, Giáp Ngọ: 1294, Ất Mùi: 1295, Bính Thân: 1296, Kỷ Hợi: 1299, Tân Sửu: 1301, Qúi Mão: 1303,
°Thiền Vu: vua.
°Quan gia: Nhà Trần ở Đại Việt, nhà Tống ở Trung Hoa hay gọi vua là Quan gia (Thường là Thượng hoàng, Thái hậu hay chú, bác của vua gọi vua).