Tiểu thuyết lịch sử
Chương 2

 
 Năm Bảo Phù° thứ 3 đời Trần Thánh Tôn°, triều đình đã tổ chức khoa thi Thái học sinh (cuối đời Trần cải danh thành Tiến Sĩ) để tuyển chọn nhân tài giúp nước. Khoa này đã lấy đỗ được ba mươi người. Đỗ Khắc Chung đã may mắn nằm ở danh sách tam khôi: Đào Tiêu người Nông Sơn, Thanh Hoa đỗ Trạng Nguyên, Đỗ Khắc Chung người Giáp Sơn, Hải Dương đỗ Bảng Nhãn, Quách Nhẫn người Yên Dũng, Bắc Giang đỗ Thám Hoa Lang. Hai mươi bảy người khác đỗ Thái học sinh.
 Sau khi được vinh dự tên yết bảng vàng, các vị Thái học sinh tân khoa còn được nhận nhiều ân huệ khác nhau theo thứ bậc của vua. Họ được cho dự yến trong cung vua, được thưởng tiền, được cho cưỡi ngựa đi xem nhiều thắng tích, cảnh đẹp của kinh thành. Ân huệ sau hết là được vinh qui, mặc áo gấm vua ban về lạy trước bàn thờ tổ tiên để khoe sự thành đạt của con cháu. Mười năm đèn sách đã biến vũng thành non! Đối với những người học trò chân trắng, trong sớm tối bỗng chốc bước lên một địa vị cao sang của xã hội, thật chẳng còn vinh dự nào hơn! Cả xã Giáp Sơn đều lác mắt ra khi nghe loa kêu mõ giục họ phải ăn mặc chỉnh tề đi đón quan Bảng Nhãn Đỗ Khắc Chung! Đây là một niềm vinh dự lớn cho họ Đỗ, cho cả xã Giáp Sơn (gồm hai hương Giáp Sơn Thượng và Giáp Sơn Hạ, thuộc tổng Kính Chủ, huyện Giáp Sơn, lộ Hải Dương). Thật tình chưa mấy ai quên mới đây vị “quan lớn” ấy còn bị họ đánh giá như là một đứa bé mất nết hư thân. Nhưng lúc này họ phải coi như không nhớ gì chuyện cũ. Họ không thể không hết lòng thán phục sự phục thiện, sự cải sửa, sự chuyên cần dùi mài kinh sử và nhất là tài hoa của họ Đỗ. Họ không thể không hãnh diện về ông Bảng Nhãn của xã Giáp Sơn, người trẻ tuổi nhất trong các ông Thái học sinh tân khoa. Mai đây nữa, ông Bảng Nhãn sẽ thành rường cao cột cả của quốc gia, ơn vua lộc nước dồi dào, biết đâu họ chẳng có lúc nương bóng? Vì thế, cả xã Giáp Sơn, không phân biệt hương thượng hương hạ, dân chúng đua nhau đóng góp tài vật để tổ chức vui nhộn tưng bừng suốt mấy hôm liền.
 Đỗ Khắc Chung ở lại xã được ba tháng thì có chiếu chỉ vua triệu về kinh để bổ dụng. Ban đầu vua Thánh Tôn cho Khắc Chung giữ chức Chi hậu cục thủ, một chức vụ luôn đi theo vua để chuyên lo việc văn thư bút mực. Thấy Khắc Chung thông minh, lanh lẹ, làm việc gì cũng chu đáo, vua Thánh Tôn yêu mến lắm.
 Tháng mười năm Mậu Dần°, vua Thánh Tôn nhường ngôi cho Thái tử Khâm (tức vua Nhân Tôn) để lên làm Thái Thượng hoàng. Vua Nhân Tôn thấy Khắc Chung có kiến thức rộng rãi, ăn nói hoạt bát nên phong thêm chức Nhập nội Giảng quan. Nhiệm vụ mới của Khắc Chung là đọc và giảng kinh sử cho hoàng hậu, các hoàng phi và các công chúa nghe. Nhiệm vụ này rất quan trọng và cũng rất tế nhị, thường chỉ dành cho nữ quan hoặc hoạn quan. Khắc Chung là người từ bên ngoài vào phục vụ trong cung (không phải hoạn quan) nên chức vụ có thêm chữ "nhập nội" để phân biệt.
 Từ đó công việc của Khắc Chung trở nên bận rộn hơn. Tùy nhu cầu, khi cần lại vào cung giảng sách. Khắc Chung lúc nào cũng tỏ ra siêng năng, vui vẻ với công việc nên càng được vua Nhân Tôn yêu chuộng. Một hôm vua hỏi Khắc Chung:
 -Nghe em trai khanh Đỗ Thiên Hư cũng là một nhân tài, trẫm muốn bổ dụng y, ý khanh nghĩ thế nào?
 Khắc Chung thưa:
 -Tâu bệ hạ, thần làm anh mà nói tốt về em mình e người ngoài khó tin! Thần sợ mình có thể thiên vị mất nên không dám tiến cử em thần với bệ hạ. Nay bệ hạ đã hỏi đến, thần xin được nói lên cái ý kiến chủ quan của thần: Thiên Hư so với thần thật sự chưa biết ai hơn ai kém. Chỉ tiếc Thiên Hư chưa có cái may mắn về khoa bảng như thần thôi!
 Vua Nhân Tôn cười mà nói:
 -Khanh nói có lý. Thật ra khanh cũng khá đề cao Thiên Hư đó chứ! Nhưng không sao. Trẫm có bàn với quan Cục Chính rồi. Trẫm sẽ truyền lệnh cho Thiên Hư đến ra mắt quan Cục Chính để tập việc trước rồi sẽ bổ dụng.
 Một tháng sau, Thiên Hư được bổ một chức quan nhỏ ở Bộ Công. Với công việc được giao phó, Thiên Hư đã tỏ ra là người có thực tài, hoạt bát, linh mẫn. Tuy nhiên, Thiên Hư đã không thoát khỏi thói ỷ lại, dựa dẫm vào uy tín của người anh. Vẻ ngang tàng hợm hĩnh với các bạn đồng sự của ông đã làm nhiều người không ưa.
 Lúc bấy giờ vùng ngoại ô phía Nam thành Thăng Long dân chúng còn khá thưa thớt. Vua Nhân Tôn có ý định cho qui tụ những gia đình sống bằng nghề dệt xây dựng ở đây một khu thị tứ. Khắc Chung vẫn theo hầu vua nên biết trước kế hoạch này. Đoán chừng vùng này sẽ có hồi trở nên thịnh vượng, Khắc Chung khuyên Thiên Hư phải tìm cách kiếm cho được một khu đất ở đó làm cơ sở. Trong khi dò tìm, Thiên Hư gặp được một khu đất bỏ hoang rộng khoảng mười mẫu. Người địa phương cho biết đất này trước đây vẫn có trồng trọt, nghe đâu là đất vua thưởng cho một vị quan nào đó. Không hiểu sao mấy năm gần đây không thấy ai canh tác nữa. Sau một thời gian tìm không ra chủ cũ, Thiên Hư bèn thương lượng với quan coi địa phương rồi cho người dọn dẹp và bắt đầu cho xây dựng nhà cửa.
 Nhưng công việc của Thiên Hư chưa tới đâu thì bỗng người chủ đất cũ xuất hiện đòi đất lại. Người này xưng là Hà Lập, con của Hà Mân, một viên tiểu hiệu dưới trướng tướng quân Lê Phụ Trần thời Nguyên Phong. Hà Lập nói đất này do chính vua cấp thưởng cho cha y sau chiến thắng quân Nguyên năm Mậu Ngọ° vì có công theo chủ tướng Lê Phụ Trần cứu nguy vua Thái Tôn ngay giữa trận mạc. Quan coi địa phương và Thiên Hư đòi Hà Lập phải trình giấy tờ chứng minh. Hà Lập bèn trưng giấy cấp đất có đóng cả dấu ấn của nhà vua. Thế nhưng quan coi địa phương xét giấy tờ xong bảo là giấy giả rồi đuổi Hà Lập về. Đỗ Thiên Hư vẫn cho người tiếp tục xây dựng nhà cửa đồng thời bắn tin ra sẽ tố cáo Hà Lập lên quan trên về tội mạo công. Hà Lập cô thế sợ chúng hãm hại bèn đi biệt.
 Tháng mười năm Canh Thìn° cả nước trúng mùa. Trong khi vua Nhân Tôn ra ngoại thành thăm dân thì Hà Lập xuất hiện đón kiệu kêu oan. Vua nói:
 -Thế này có thể là quan địa phương sợ oai Khắc Chung mà xử ép người ta rồi!
 Lập tức vua sai Chánh chưởng nội thư hỏa Trần Hùng Thao kiêm chức Pháp quan để xét lại nội vụ. Trần Hùng Thao bèn cho đòi cả hai bên đến để đối nại. Viên quan địa phương và Đỗ Thiên Hư đều nói rằng giấy cấp đất đóng dấu ấn hơi khác dấu ấn của triều đình vẫn dùng nên phải nghi là giấy giả mạo. Hà Lập lại nói quyết đấy là giấy triều đình cấp cho cha mình. Trần Hùng Thao bảo Hà Lập nói đúng và giải thích: “Dưới thời Nguyên Phong, khi quân Nguyên tràn sang nước ta, triều đình phải di tản gấp để tránh mũi nhọn của giặc. Trong lúc hấp tấp quan giữ ấn đã để ấn vua thất lạc mất. Vua phải cho khắc một cái ấn gỗ để dùng tạm trong khi chờ đợi tìm ra ấn cũ. Dấu ấn trên giấy cấp đất của Hà Mân hơi khác dấu ấn triều đình thường dùng là vì vậy”.
 Sau khi Trần Hùng Thao trình nội vụ lên vua, vua không bắt tội bên nào nhưng buộc Thiên Hư phải trả lại đất cho Hà Lập. Ngài nói với Khắc Chung:
 -Viên quan địa phương mới làm quan có thể lầm nhưng anh em ngươi là người có học há lẽ lại không nhớ tới việc cái ấn bị thất lạc hồi giặc Nguyên sang lần đầu? Ta biết Thiên Hư chỉ giả mù sa mưa mà thôi! Nhưng nếu bắt tội thì cũng hơi quá. Vậy, khanh phải khuyên nó đừng để xảy ra trường hợp tương tự nữa!
 Thấy vua Nhân Tôn đã đi guốc vào bụng mình, Khắc Chung thẹn thùng dập đầu xuống đất thưa:
 -Em của hạ thần là Đỗ Thiên Hư đã đắc tội với bệ bạ, thật đáng chết! Xin đa tạ lượng thánh đã bao dung! Thần sẽ bảo Thiên Hư sửa đổi.
 °
 Từ khi bị vua Nhân Tôn sửa lưng, anh em họ Đỗ càng cẩn trọng, càng năng nổ trong công việc. Nhà vua càng ngày càng tỏ ra tin yêu Khắc Chung thêm. Các thân vương, các đại thần trong triều cũng trở nên đặc biệt chú ý tới ông. Họ cảm thấy tương lai của Khắc Chung còn sáng sủa, còn thênh thang quá. Hầu hết các vị đều mong con em mình được kết thân với ông. Nhưng cuối cùng ông đã chọn con gái một gia đình không cao sang mấy làm chính thất: nàng Bảo Hoàn. Bảo Hoàn là con độc nhất của Trịnh Bác, một viên mạc tân ở phủ Văn Chiêu hầu Trần Văn Lộng.
 Đầu năm Ất Dậu°, Thái tử nhà Nguyên là Thoát Hoan đem 50 vạn quân ồ ạt tiến vào Đại Việt. Tiết chế Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn liền huy động toàn quân chống giặc. Để tỏ lòng quyết chiến, quân Nam đã tranh nhau khắc vào cánh tay mình hai chữ "Sát Thát" (giết Mông Cổ). Nhưng với khí thế dũng mãnh ban đầu của quân Nguyên, các tuyến phòng thủ biên giới phía bắc của quân Nam đều lần lượt bị chọc thủng. Hưng Đạo vương thấy tình thế như vậy liền ra lệnh cho quân đội tạm rút lui giữ những nơi hiểm yếu để bảo toàn chủ lực. Vương cho tập kết nhiều đạo quân về Vạn Kiếp để lập một phòng tuyến mới. Nhưng rồi tướng Nguyên là Ô Mã Nhi lại xua quân đánh vào các xứ Vạn Kiếp và núi Phả Lại. Quân Nam lại thua nữa. Hưng Đạo vương phải rút quân về lập trại ở bờ nam sông Cái. Ô Mã Nhi thừa thắng tiến chiếm Gia Lâm ở tả ngạn sông Cái, đối diện bến Đông Bộ Đầu. Thấy những quân Nam bị bắt người nào cũng có thích ở cánh tay hai chữ "Sát Thát", quân Nguyên giận lắm, giết hại rất nhiều. Ô Mã Nhi cũng hăng máu, tiếp tục tíến quân.
 Vua Trần thấy kinh thành bị đe dọa, ngài rất lo. Trở ngại lớn cho kế hoạch rút lui chiến lược để bảo toàn chủ lực của triều đình là kho đụn ở Thăng Long và các vùng phụ cận còn nhiều quá chưa di tản kịp. Phải có thì giờ để phân tán cho kỳ hết số lương thực ấy trước khi giặc đến. Không thể để giặc ăn lương thực của ta mà đánh ta. Phải tìm mọi cách để trì hoãn bước tiến của giặc. Sau khi luận bàn, vua quan đều một ý chỉ còn cách thương thuyết là có thể thi hành. Nhưng khi vua tìm người đi sứ để nghị hòa thì các quan đều tỏ vẻ e ngại. Đỗ Khắc Chung thấy vậy bèn khảng khái thưa:
 -Thần tuy hèn mọn bất tài nhưng nếu bệ hạ không chê, thần xin gánh vác việc đó.
 Vua nghe mừng rỡ khen:
 -Ngờ đâu trong đám ngựa kéo xe muối lại có ngựa kỳ ngựa ký như thế!
 Rồi vua dặn Khắc Chung:
 -Trẫm sai khanh đi nghị hòa thật tình chỉ nhắm mục đích trì hoãn sự tiến quân của giặc thôi chứ trẫm biết chắc giặc chẳng cho hòa đâu. Trẫm tin tài khanh, khanh gắng thuyết phục giặc được tới đâu hay tới đó. Ngoài ra, khanh nên nhân dịp này tìm hiểu tình hình giặc, tinh thần binh sĩ ra sao, lương hướng thế nào, để mình tìm cách đối phó. Khanh hiểu ý trẫm chứ?
 -Tâu bệ hạ, thần hiểu. Thần nhất định sẽ không để nhục quân mạng, sẽ gắng làm tròn trọng trách được giao phó.
 °
 Đỗ Khắc Chung đã vào trại Nguyên trong bầu không khí hết sức căng thẳng, ngột ngạt. Đám lính Mông Cổ dẫn đường mặt mày hung tợn đầy sát khí, tay lăm lăm những thanh đao như sẵn sàng băm nát cả sứ đoàn Đại Việt. Thấy đám thuộc hạ có vẻ chùn chân run sợ, Khắc Chung bảo:
 -Cứ bình tĩnh, không được chộn rộn!
 Đại tướng Ô Mã Nhi người to lớn dềnh dàng, oai phong lẫm liệt, vừa thấy Khắc Chung liền to tiếng trách:
 -Quốc vương ngươi thật vô lễ! Dám sai người thích chữ "Sát Thát" vào cánh tay, tội ấy lớn lắm!
 Khắc Chung chẳng tỏ vẻ nao núng, khảng khái đáp:
 -Chó nhà cắn người ta không phải tại chủ nó. Vì lòng trung phẫn khiến họ tự thích chữ như thế thôi, Quốc vương tôi không biết việc đó. Nếu bảo Quốc vương tôi ra lệnh sao tôi là cận thần lại không có?
 Khắc Chung nói rồi vén tay áo cho mọi người xem. Ô Mã Nhi nói:
 -Đại quân từ xa đến, nước ngươi sao không quay giáo đến hội kiến, lại còn chống lệnh? Càng bọ ngựa chống bánh xe liệu sẽ ra sao?
 Khắc Chung nói:
 -Tại tướng quân không theo phương sách bình nước Yên của Hàn Tín đấy chứ! Sao không đóng quân ở biên giới, đưa thư tin trước? Nếu lúc ấy nước tôi không chịu thông hiếu mới là có lỗi. Nay lại bức nhau quá, con thú bị dồn vào thế cùng cũng phải cắn lại huống chi con người!
 Ô Mã Nhi nói:
 -Đại quân mượn đường để đi đánh Chiêm Thành, Quốc vương ngươi nếu đến hội kiến thì trong cõi sẽ được yên ổn, không bị xâm phạm mảy may. Nếu cứ chấp nê thì chỉ trong khoảnh khắc núi sông sẽ thành đất bằng, vua tôi ngươi sẽ thành cỏ nát! Ngươi chớ biện bác lôi thôi nữa. Hãy về bảo Quốc vương ngươi biết điều thì phải thân đến hội kiến với chúng ta ngay trước khi quá trễ!
 Khắc Chung lại nói:
 -Quốc vương tôi sai tôi đến đây tức đã có ý xin hòa. Nay xin tướng quân tạm thời ngưng tiến quân để tôi về trình bày lại tôn ý, có thể Quốc vương tôi sẽ nghĩ lại mà đến hội kiến với tướng quân.
 -Được, ta sẽ hoãn binh một thời gian để đợi Quốc vương ngươi bày tỏ thiện chí.
 Khi Khắc Chung vừa ra về, Ô Mã Nhi nói với các tướng:
 -Người này vào lúc bị uy hiếp mà lời lẽ tự nhiên, không hạ chủ nó xuống là Chích°, không nịnh ta lên là Nghiêu° mà chỉ nói chó nhà cắn người ngoài, ứng đối giỏi! Có thể nói là không nhục quân mạng. Nước nó còn có người giỏi, ta chưa dễ mưu tính được!
 Một viên tướng thưa:
 -Đã thế sao ân tướng không bắt nó lại? Những tên giỏi như vậy ta triệt đi được đứa nào hay đứa nấy chứ!
 Ô Mã Nhi tỉnh ngộ, liền cho người đuổi theo Khắc Chung nhưng không kịp nữa.
 Khắc Chung trở về tâu lại với vua Trần việc Ô Mã Nhi buộc chính vua phải tới hội kiến mới nói tới chuyện hòa hay không. Khắc Chung cũng trình cho biết khí thế quân Nguyên còn hăng lắm, chưa thể chế ngự được.
 Ô Mã Nhi tạm ngưng chiến hơn một ngày lại ra lệnh tấn công tiếp. Quân Nguyên từ bờ bắc sông Cái dùng máy tung đá Marco Polo° với những tảng đá lớn thần sầu bắn thẳng sang căn cứ Đông Bộ Đầu làm nhiều trại quân Nam tan nát. Quân Nam kinh hoàng vỡ chạy. Quân Nguyên nhân đó bắc cầu phao để vượt sông chiếm các trại này rồi thuận đà tiến thẳng về Thăng Long.
 Giữa lúc đó, triều đình lại nhận được tin đại quân của Tả Thừa Toa Đô đang hành quân ở Chiêm Thành đã được lệnh rút lui để tấn công vào mặt nam Đại Việt.
 Trước tình thế ấy, Hưng Đạo vương lập tức phái Chiêu Minh vương Trần Quang Khải tức tốc điều quân vào tăng cường trấn giữ Hoan Châu và Chương Hiến hầu Trần Kiện điều quân tăng cường trấn giữ Ái Châu. Đồng thời vương truyền lệnh bỏ ngõ Thăng Long, cho rước nhị Thánh cùng tôn tộc và quan lại về tạm lánh ở Thiên Trường và Trường Yên.
 Sau khi chiếm được Thăng Long, Thoát Hoan sai Ô Mã Nhi đem một đạo quân theo đường biển xuôi nam để hợp sức với đạo quân của Toa Đô đang đánh vào Bố Chính và Hoan Châu. Cánh quân Toa Đô đánh mạnh quá, Chiêu Minh vương Trần Quang Khải giữ Hoan Châu không nổi phải rút về Ái Châu. Giữa lúc này thì Chương Hiến hầu Trần Kiện đang trấn giữ Ái Châu dẫn gia thuộc và một vạn quân ra đầu hàng. Sau đó Trần Kiện lại theo Toa Đô và Ô Mã Nhi trở lại tấn công Ái Châu nhiều lần nhưng may Trần Quang Khải vẫn giữ vững được.
 Trong khi đó, Thoát Hoan xua quân tấn công Thiên Trường. Hưng Đạo vương phải rước vua Trần về Quảng Yên. Bảo Nghĩa hầu Trần Bình Trọng cố giữ Thiên Trường nhưng không nổi, bị quân Nguyên bắt. Thoát Hoan dụ ông đầu hàng nhưng ông không chịu nên bị giết.
 Giữa lúc nguy ngập đó thì Văn Chiêu hầu Trần Văn Lộng, Văn Nghĩa hầu Trần Tú Viên, rồi tiếp đó Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc (em ruột Thượng hoàng) lần lượt đem toàn bộ gia thuộc ra hàng Thoát Hoan. Sự cố ấy đã làm tinh thần quân dân Đại Việt dao động không ít. Nhạc phụ của Khắc Chung là Trịnh Bác vốn làm việc trong phủ Văn Chiêu hầu Trần Văn Lộng cũng theo chủ hàng giặc. Việc đó làm Khắc Chung rất buồn. Một hôm vua Trần ái ngại nói với quần thần:
 -Giặc Thát có loại máy tung đá công phá thật khủng khiếp! Nó làm quân sĩ mất hết tinh thần. Lại thêm Chiêu Quốc vương và tam hầu (Văn Nghĩa hầu, Văn Chiêu hầu, Chương Hiến hầu) mà cũng cam tâm hàng giặc nữa! Trẫm thật khó xoay xở!
 Khắc Chung thưa:
 -Chiêu Quốc vương và tam hầu° vốn tính ích kỷ, ham công ưa nhàn, lại bạc nhược sợ chết ai cũng biết. Thần nghĩ một cái giếng sâu dẫu có hao bớt vài ba gàu nước cũng chẳng đáng kể! Còn về những máy tung đá của giặc cũng chắng đáng lo. Tuy nó có sức công phá mãnh liệt thật nhưng lại cồng kềnh rất khó vận chuyển. Nhất là không phải khi nào cũng có đá sẵn để bắn! Quân ta làm sao tránh đừng tập trung ở những cứ điểm nhất định thì loại máy đó trở thành vô dụng thôi. Hiện giờ ta đang áp dụng chiến lược "thanh dã" (vườn không nhà trống) để tiêu hao giặc thì giặc làm sao còn cơ hội để sử dụng loại vũ khí tối tân ấy?
 Hưng Đạo vương đứng gần đấy gật đầu tỏ vẻ đồng ý. Vua Trần quay sang hỏi Hưng Đạo vương:
 -Hiện giờ ta đang lâm thế lưỡng đầu thọ địch, Quốc công tính thế nào?
 Hưng Đạo vương tâu:
 -Quân ta tuy gọi là thua nhưng đại bộ phận chủ lực vẫn được bảo toàn. Thần đã ngầm cho nhiều đạo tạm lánh ở các chằm rú để dưỡng sức, đợi lúc giặc mệt mỏi sẽ phản công đồng loạt. Kế hoạch "thanh dã" của ta đã bắt đầu có hiệu quả. Xin bệ hạ chớ nóng lòng!
 Đỗ Khắc Chung hiến kế:
 -Tuy Quốc công đã có kế hoạch sẵn, thần thiết nghĩ mình cũng nên nhún cho giặc kiêu thêm, như vậy chiến thắng càng nắm chắc hơn.
 Thượng hoàng hỏi:
 -Ý khanh muốn ta làm thế nào?
 Khắc Chung tâu:
 -Theo thần biết, ngày trước khi các vua Tàu bị nguy khốn bởi các rợ phương Bắc, họ vẫn thường dùng mỹ nhân kế để giải vây.
 Vua Nhân Tôn khen:
 -Ý kiến của Khắc Chung cũng hay đấy! Phải làm cho giặc sinh kiêu mới dễ phá!
 Thượng hoàng ngẫm nghĩ một lát rồi phán:
 -Ta nghĩ hiện ở đây không có ai nhan sắc và có tài ăn nói hơn An Tư° công chúa em ta. Ai có thể làm sứ giả đưa công chúa đến dinh Nguyên?
 Trung Hiến hầu Trần Dương liền tình nguyện xin đi.
 Thế rồi Thượng hoàng cho triệu công chúa An Tư đến. Sau khi nghe Thượng hoàng nói rõ tình hình đất nước và kêu gọi sự hi sinh của nàng, An Tư công chúa liền vui vẻ nhận lãnh sứ mạng. Thựợng hoàng bèn sai cận thần Đào Kiên hộ tống công chúa theo sứ giả lên đường.
 Nghe sứ Nam xin yết kiến, Thoát Hoan quát nạt:
 -Chủ nó đã muốn xin hòa sao không thân hành tới để bàn luận? Ta đâu phải phường háo sắc mà hòng đem đàn bà con gái đến để lung lạc? Hãy tống cổ chúng về!
 Lúc ấy trời đã chiều nên bộ hạ của Thoát Hoan xin giữ sứ lại qua đêm.
 Hôm sau thì Thoát Hoan thay đổi thái độ, cho sứ giả vào yết kiến. Có lẽ Thoát Hoan đã nghe được công chúa An Tư là người sắc nước hương trời. Ông dùng lời lẽ ôn tồn để phủ dụ sứ giả rồi vui vẻ tiếp nhận công chúa An Tư. Đồng thời, ông cũng ra lệnh cho quân đội tạm hưu chiến.
 Khi cho sứ giả Trần Dương trở về, Thoát Hoan lại sai Ngại Thiên Hộ cùng theo đến trại Trần với sứ mạng thuyết phục vua Trần sang hội kiến. Nhưng vua Trần lại kiếm cớ khước từ. Thoát Hoan lại nổi cơn thịnh nộ ra lệnh tấn công tiếp tục. Quân Nam lại tiếp tục rút lui chiến lược. Tiết chế Hưng Đạo vương cùng nhị Thánh đều theo đường thủy vào Ái Châu.
 °
 Thấm thoát đã sang tháng ba năm Ất Dậu. 
 Tiết trời bấy giờ đã trở nên nóng nực và quân Nguyên cũng đã thấm mệt. Uể oải nhất là đạo quân của Toa Đô đã chinh chiến liên tục từ năm Nhâm Ngọ° trên đất Chiêm Thành rồi trên đất Đại Việt đã ngót ba năm. Quân lính bất hợp thủy thổ, nắng mưa bất thường, rất dễ sinh các bệnh thời khí, lại bị dân chúng địa phương bất hợp tác mọi mặt nên chúng rất xuống tinh thần.
 Những núi rừng từ thượng du đến trung du cũng như những đầm lầy rậm rạp trên toàn cõi Đại Việt bấy giờ gần như đồng lõa với quân dân bản xứ. Quân Nguyên không thể nào thi thố tài năng cưỡi ngựa bắn cung như trên những vùng đồng cỏ của họ được. Những núi rừng, những đầm lầy hiểm trở ấy đã trở thành những nơi bất khả xâm phạm để quân nhà Trần tạm nghỉ dưỡng sức. Đó cũng chính là những nơi che giấu lương thực, heo bò của dân theo kế hoạch "thanh dã" của nhà Trần. Kế hoạch này đã làm khốn đốn việc nuôi một đạo quân khổng lồ ngót năm chục vạn người và chín mười vạn con ngựa chiến, ngựa thồ của Mông Cổ. 
 Chính vào thời điểm đó, Tiết chế Hưng Đạo vương bắt đầu mở chiến dịch phản công.
 Những chiến thắng vang dội của quân Nam trên khắp các mặt trận như Chương Dương, Hàm Tử, Tây Kết, Thăng Long... liên tiếp diễn ra đã làm quân Nguyên khiếp đảm. Nhất là ở trận Tây Kết quân ta đã giết được danh tướng Toa Đô, ở Vạn Kiếp quân ta lại giết được danh tướng Lý Hằng. Một danh tướng khác là Lý Quán cũng bị phục binh ta giết ở châu Tư Minh. Tướng Ô Mã Nhi phải lẻn ra biển bằng một chiếc thuyền con rồi nhờ một thương nhân đưa về Tàu. Đại nguyên soái Thái tử Thoát Hoan phải chui vào một ống đồng cho quân đẩy để trốn qua biên giới.
 Về các vương hầu nhà Trần và một số bộ thuộc đầu hàng giặc như Trần Ích Tắc, Trần Văn Lộng, Trần Tú Viên, Phạm Cự Địa, Lê Diễn, Trịnh Long... đều được cho đưa về Tàu trước nên toàn mạng. Riêng Trần Kiện, cũng được Toa Đô cho người đưa sang Tàu bằng đường bộ theo ngả Lạng Sơn, nhưng mới nửa đường thì bị tướng Trần là Nguyễn Địa Lô bắn chết. Bộ thuộc của Kiện là Lê Tắc cướp được xác Kiện đem chôn ở gò Ôn Khâu.
 Trong trận chiến thắng Tây Kết, quân nhà Trần còn bắt được một số tù binh người Chiêm Thành trong đó có vài viên quan như Ba Lậu Kê, Na Liên, Trà Hoa… Những người Chiêm này đã đầu hàng quân Nguyên nên được tướng Toa Đô cho theo trong quân. Vua Trần có ý định trả họ về cho vua Chiêm xử trí. Sợ sẽ bị vua Chiêm nghiêm trị, nhiều người trong bọn họ đã năn nỉ xin ở lại làm gia nô cho một số quan lại Đại Việt.
 Trong dịp này, Khắc Chung đã xin bảo lãnh Trà Hoa, một viên văn quan có tiếng của Chiêm Thành, đem về giúp việc trong nhà. Vua Nhân Tôn nghĩ Khắc Chung có công nên chấp thuận. Từ đó Khắc Chung chuyên tâm học tiếng Chiêm với Trà Hoa. Chẳng bao lâu, Khắc Chung nói thành thạo tiếng Chiêm Thành như một người Chiêm.
 °
 Tháng ba năm Bính Tuất°, Nguyên chủ phong Trần Ích Tắc làm An Nam Quốc vương với dụng ý sẽ đưa ông này trở về thay thế vị vua Trần hiện hữu. Trấn Nam vương Thoát Hoan cùng tướng Ô Mã Nhi lại được lệnh điều động một lực lượng Mông Hán gồm ba mươi vạn quân sẵn sàng vượt biên giới. Rút kinh nghiệm lần thất bại trước phần lớn do tình trạng thiếu hụt lương thực gây nên, Thoát Hoan sai tướng Trương Văn  Hổ chuẩn bị một đội binh thuyền để vận chuyển 70 vạn thạch lương theo đoàn quân viễn chinh. Công cuộc chuẩn bị này kéo dài ngót một năm rưỡi.
 Đến cuối năm Đinh Hợi°, đại binh nhà Nguyên chia làm nhiều cánh tràn vào biên giới Đại Việt. Trước khí thế ban đầu của quân Nguyên, quân Nam non thế phải lui dần. Hưng Đạo vương rút quân về Vạn Kiếp. Thấy đội thuyền lương của Trương Văn Hổ chưa theo kịp đại quân, Trấn Nam vương Thoát Hoan sai Ô Mã Nhi tỏa quân ra cướp lương thực của quân dân bản xứ để sử dụng. Nhưng người Nam đã thực hiện kế hoạch "thanh dã" như lần trước nên Ô Mã Nhi không thâu đạt kết quả mấy.
 Đầu năm Mậu Tý°, Trấn Nam vương Thoát Hoan cùng Ô Mã Nhi đánh xuống Vạn Kiếp, Hưng Đạo vương lại rút về Thăng Long.
 Dân chúng khắp nơi đều nghe lời kêu gọi của triều đình, triệt để thi hành kế hoạch "thanh dã" ngoại trừ hai làng Ba Điểm và Bàng Hà đã chịu đầu hàng giặc. 
 Kế hoạch "thanh dã" đã làm Trấn Nam vương Thoát Hoan rất bối rối. Thoát Hoan bèn sai Ô Mã Nhi dẫn quân ra biển đón đội thuyền lương của tướng Trương Văn Hổ. Ô Mã Nhi ra đến cửa biển Vân Đồn thì gặp binh thuyền của tướng Trần Khánh Dư chận đánh. Ô Mã Nhi nổi giận xua quân đánh tan đạo quân này. Thượng hoàng hay tin liền sai trung sứ đi bắt Khánh Dư về hỏi tội. Khánh Dư nói với trung sứ:
 -Theo quân luật, tôi xin chịu tội. Nhưng xin hoãn cho vài ba ngày để tôi lập công chuộc tội rồi sẽ chịu búa rìu cũng chưa muộn.
 Trung sứ nghe theo lời xin. Trần Khánh Dư liền thu thập số tàn binh của mình rồi chỉnh đốn lại đội ngũ để có thể tái lâm chiến.
 Về phía Ô Mã Nhi, sau khi đánh thắng Trần Khánh Dư xong, ông vội vã thúc quân ra biển đón đội thuyền lương của Trương Văn Hổ. Sau đó Ô Mã Nhi lại dẫn đường đội thuyền lương đi vào cửa Lục. Vì khinh thường đội binh thuyền của quân Nam ở Vân Đồn đã tan vỡ không làm gì được, Ô Mã Nhi đã đi trước bỏ đội thuyền lương một khoảng cách khá xa. Không ngờ tướng Trần Khánh Dư đã mai phục sẵn, chỉ chờ có thế. Khi đội thuyền của Trương Văn Hổ vừa vào đúng tầm nhắm, Trần Khánh Dư liền cho quân đổ ra đánh kịch liệt. Bao nhiêu lương thực khí giới của quân Nguyên đều bị chìm sạch. Trương Văn Hổ phải nhảy sang một chiếc thuyền nhỏ chạy trốn. Trần Khánh Dư cũng bắt sống được một số quân sĩ. Thượng hoàng hay tin cả mừng tha tội trước cho Khánh Dư. Ngài lại bảo Hưng Đạo vương:
 -Quân Nguyên chỉ trông cậy vào lương cỏ khí giới, nay bị ta phá hủy hết rồi, sợ nó chưa biết tin, hoặc giả còn hung hăng chăng?
 Ngài bèn ra lệnh tha hết bọn tù binh bắt được ở trận Vân Đồn về để chúng báo tin buồn cho quân Nguyên. Quả thật tin này đã làm cho tinh thần quân Nguyên dao động mạnh. Thoát Hoan hoảng sợ liền cho người lẻn về Tàu xin thêm lương thực vũ khí. Nhưng Hưng Đạo vương đã ra tay trước, vương cho quân chiếm lại các chốt ở biên giới, chận hết các ngả, cắt đứt hết các đường liên lạc khiến Thoát Hoan không thực hiện được ý định.
 Túng thế, Thoát Hoan phải quyết định rút quân. Ông chia quân rút theo hai cánh: Thủy quân do Ô Mã Nhi chỉ huy sẽ theo đường biển rút trước. Bộ quân chính Thoát Hoan chỉ huy sẽ rút sau theo về ngả châu Tư Minh.
 Hưng Đạo vương dò biết được tin này liền sai Phạm Ngũ Lão hỏa tốc đưa quân lên biên giới đào hầm bẫy, phục quân chặn địch ở các nơi hiểm yếu. Mặt khác, vì biết chắc thủy quân của Ô Mã Nhi muốn rút phải qua sông Bạch Đằng, Hưng Đạo vương sai Nguyễn Khoái đi đường tắt đến thượng lưu kiếm gỗ bịt sắt nhọn đóng khắp giữa lòng sông, trên phủ bè cỏ rồi phục sẵn chiến thuyền để dụ Ô Mã Nhi. Chính Hưng Đạo vương chỉ huy đại quân sẵn sàng trợ chiến cho mặt trận này. Khi đoàn chiến thuyền của Ô Mã Nhi tới sông Bạch Đằng cũng vừa lúc thủy triều dâng. Nguyễn Khoái liền xuất quân gây chiến. Ô Mã Nhi nổi giận xua quân đánh tràn. Nguyễn Khoái vừa đánh vừa rút lên thượng nguồn, dụ quân Ô Mã Nhi đuổi theo qua khỏi bãi cọc, rồi bất ngờ quay binh phản công dữ dội. Hai bên đang giao chiến thì đại quân của Hưng Đạo vương xuất hiện. Đại quân dùng cung nỏ bắn dữ dội vào đội thủy quân nhà Nguyên. Ô Mã Nhi hoảng quá ra lệnh lui quân. Nhưng lúc đó thủy triều đang xuống nên toàn bộ đội thuyền của quân Nguyên đều bị vướng bãi cọc, chiếc bị chìm, chiếc nghiêng chiếc ngửa. Quân Nguyên chỉ còn biết đưa lưng làm bia cho quân Nam bắn giết. Từ các tướng lãnh như Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp, Tích Lệ Cơ đến những tiểu tốt còn sống sót đều bị quân Nam bắt sạch.
 Đại quân của Thoát Hoan rút theo đường bộ cũng bị phục binh của Phạm Ngũ Lão giáng cho những đòn chí tử. Các tướng A Bát Xích, Trương Ngọc, Trương Quân và hơn một nửa quân số của họ bị diệt.
 Thế là quân Nguyên lại thất bại thêm một lần nữa.
 °
 Ngày mười bảy tháng ba Mậu Tí, vua Trần làm lễ hiến phù ở Chiêu Lăng (lăng vua Trần Thái Tôn). Lăng này đã bị quân Nguyên tàn phá ác liệt vừa mới được sửa sang lại. Các tướng Nguyên bị bắt đều bị dẫn tới quì lạy ở đó. Ai cũng nghĩ rằng chúng sẽ phải đền tội xứng đáng. Thế nhưng cuối cùng không có tên nào bị giết cả.
 Mười hôm sau nhị Thánh ngự giá về Thăng Long. Vua cho mở tiệc khao thưởng bá quan tướng sĩ và cho dân sự mở hội ăn chơi vui vẻ ba ngày gọi là Thái bình diên yến. Vua cũng ban lệnh đại xá hoặc miễn giảm thuế má, phu dịch cho dân chúng theo mức độ cao thấp tùy sự thiệt hại nặng nhẹ về vật chất, của cải do chiến tranh gây nên.
 Tới tháng mười năm Mậu Tí, vua Nhân Tôn muốn sai Đỗ Khắc Chung đi sứ sang Nguyên để xin giao hảo. Khắc Chung bèn tiến cử em mình là Đỗ Thiên Hư đi, vua Nhân Tôn cũng chấp thuận.
 Tới tháng hai năm Kỷ Sửu°, vua Trần sai Nội thư gia Hoàng Tá Thốn đưa bọn Ô Mã Nhi về nước. Hầu hết quan quân của nhà Nguyên bị bắt đều được trở về an toàn. Chỉ có Ô Mã Nhi và mấy tên thuộc hạ vì chìm thuyền, bị chết đuối trên biển°.
 Tháng tư năm Kỷ Sửu, nhị Thánh hội triều thần để ban thưởng những bề tôi có công trong hai chuộc chiến chống quân Nguyên. Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn được gia phong Hưng Đạo đại vương. Đỗ Khắc Chung nhờ có nhiều công trạng, được vua Trần ban cho quốc tính và được thăng chức Đại hành khiển. Cái tên Trần Khắc Chung bắt đầu có từ đó.
 Qua tháng sau, nhị Thánh bắt đầu trị tội những kẻ hàng giặc. Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc là em ruột của Thượng hoàng bị tước bỏ vương hiệu và bị coi như đàn bà gọi là "Ả Trần". Các vị tước hầu như Trần Kiện, Trần Tú Viên, Trần Văn Lộng và con cháu dù sống hay chết đều phải đổi sang họ Mai. Tất cả tài sản của những người này đều bị tịch thu sung công. Những kẻ phản bội khác có chức sắc nếu bị bắt lại đều phải xử tử. Riêng quân lính và dân thường thì bị bắt làm lao dịch để chuộc tội. Nhạc phụ của Khắc Chung là Trịnh Bác vì theo chủ đầu hàng giặc nên cũng bị tịch thu điền sản...

Chú thích:
°Bảo Phù: Niên hiệu. Niên hiệu do chính vị vua đương nhiệm đặt ra. Một vị vua có thể có nhiều niên hiệu. Như vua Trần Thánh Tôn có hai niên hiệu, 15 năm đầu niên hiệu là Thiệu Long, 6 năm sau niên hiệu là Bảo Phù. Vua Mạc Mậu Hợp có đến sáu niên hiệu: Thuần Phúc, Sùng Khang, Diên Thành, Đoan Thái, Hưng Trị, Hồng Ninh.
°Thánh Tôn: Miếu hiệu. Miếu hiệu không phải do vị vua đương nhiệm đặt cho mình mà do các vị vua đời sau tôn xưng khi thờ phụng ngài ở thái miếu. Có thể vua Thánh Tôn không hề biết khi chết mình được tôn xưng là Thánh Tôn. Sở dĩ đời sau gọi các vị vua bằng miếu hiệu như Thánh Tôn, Nhân Tôn, Anh Tôn chỉ là cách gọi tôn kính đồng thời vừa gọn vừa dễ nhớ.
°Các năm trong chương 2: Mậu Ngọ: 1258, Mậu Dần: 1278, Canh Thìn: 1280, Nhâm Ngọ: 1282, Ất Dậu: 1285, Bính Tuất: 1286, Đinh Hợi: 1287, Mậu Tý: 1288, Kỷ Sửu: 1289
°Nghiêu: một vị vua hiền ngày xưa trong truyền thuyết Trung Hoa. Chích: một tên trộm khét tiếng trong truyền thuyết Trung Hoa.
°Máy tung đá Marco Polo: Máy này do Marco Polo, một du khách người Ý giúp vua Nguyên chế tạo. Ông ta làm quan với triều Nguyên từ năm 1275 đến 1292.
°Tam hầu: Chỉ Trần Văn Lộng,  Trần Kiện, Trần Tú Viên.
°An Tư công chúa là con út của vua Thái Tôn. Sau khi được đem dâng hiến cho Thoát Hoan, không còn thấy chính sử nhăc nhở gì đến bà cả.
°Ô Mã Nhi bị chết đuối: Sử có chép vì Ô Mã Nhi là tướng hung bạo đã đào phá lăng tẩm của vua Thái Tôn và tàn sát nhiều quân dân Đại Việt nên vua quan nhà Trần rất giận ông ta. Tuy bên ngoài thì Nhi được trao trả cho nhà Nguyên nhưng Hưng Đạo vương lại ngầm cho người đục thuyền để y phải chết đuối.