Chương IV
SAO KHÔNG ĐẶT MÌNH Ở ĐỊA VỊ NGƯỜI?

    
.  Cái xảy ra và cái phải xảy ra:
Trong những tật lớn làm cuộc xã giao gây ác quả là xét đoán người, chỉ trích việc đời bằng cặp mắt chủ quan của mình. Mà người đời cũng như việc đời lẫn vạn vật lúc nào cũng xảy ra như chúng xảy ra chớ bất cần đến tôi và bạn. Ta quan tâm chúng không chúng cũng trơ ra đó, tự bản thể chúng không thay đổi gì hết. Nhiều lúc ta mù quáng cho mình là quá quan trọng nên tưởng ảnh hưởng của mình tràn lan.
Ta đeo cặp lăng kính đặc lừ màu sắc chủ quan rồi gặp ai, thật sự vật gì ta cũng phán đoán theo nhãn quan lắm lúc quá chật hẹp của mình. Tự tôn như vậy thực là ảo tưởng ngây thơ. Ngay những anh hùng như César, Napôlêông, bạo chúa như Néron, Tần Thủy Hoàng, thánh nhân như Khổng Tử, Thích Ca hay vĩ nhân như Churchill mà ngày quốc tang có đến 6 quốc vương, 5 vị nguyên thủ và đại diện của 112 nước tham dự, ngay những tên tuổi bất hủ đó mà khi khuất bóng đời cũng chỉ thí cho vài lời than tiếc rồi tiếp tục tiến như thường, huống hồ gì tôi và bạn là những con số trong khối phàm phu tục tử.
Không phải không có cái ác tự bản chất là ác nhưng phần nhiều những điều làm ta bất mãn là do ta nghĩ. Bà vợ ác độc cho tôi và bạn là thứ hình phạt, song đối với Socrate thì vợ ác quỷ là con đường luyện ông thành thánh nhân. Trang Tử nhìn đời bằng cặp mắt lạnh lùng. Mạnh Tử khuyên coi người dữ như gai bám vào mình, cứ bình tâm gỡ ra thôi.
Lối nhìn đời bằng cái tâm thoát tục tuyệt vời như vậy có lẽ là sở hữu của siêu nhân. Bọn ta theo họ không kịp. Nhưng ít ra ta phải ý thức rằng việc đời xảy ra không tùy thuộc ý ta muốn xảy ra. Nói cách khác là cái khách quan không phải là chủ quan của ta. Rất nhiều việc trở thành bông hồng hay gai nhọn đều do cặp mắt của ta. Nếu ta có cái chủ quan của ta thì người khác cũng có cái chủ quan của họ. Muốn cho đôi bên đi đến thông cảm và thiện cảm thì đôi bên phải tự đặt mình ở địa vị của đối phương để tìm cho được những đồng điểm rồi trên đó ta mới phát huy tình thân thiện. Một anh bạn của ta trong câu chuyện thường ca tụng những đền đài cổ. Tại sao ta mắng anh là lạc hậu. Mỗi lần quan sát một mộ bia, một tàn tích thời xa xưa nào để lại, anh có những suy nghĩ về cuộc bể dâu? Tại sao ta không thông cảm phần nào với anh về những trầm niệm ấy? Ta thích kim thời rồi ta cứ bắt anh có đầu óc như của ta. Lối độc đoán ấy gây ác cảm là phải qua, vì anh cũng có cái bụng chủ quan như ta. Hai cái chủ quan mà càng ráo riết và đóng kín thì kết quả là ly khai, xa lạ có thể thù oán nữa.
II.  Tại sao ta phải tự đặt mình ở hoàn cảnh kẻ khác?
Ta đã biết mỗi người có cái thế giới chủ quan của mình. Ai cũng có lối cảm xúc, tư tưởng, hành động và cư xử riêng. Ta thoát khỏi tù hãm ta sẽ biết được cách họ phản ứng thế nào trước lời nói, thái độ của ta. Đứng về phía họ để nhìn vấn đề, họ và ta có phần nào là bạn rồi do đó tránh bớt được nhiều nghi kỵ, cãi lẫy. Họ thích nhạc của “thế hệ đang lên”, tiểu thuyết có trái tim ướp nước mắt. Còn ta mê hát bội, cải lương, ghiền đọc truyện Tàu. Song ta dẹp qua một bên cái mê, cái ghiền của ta, thì tự nhiên ta dễ có nhiều đồng ý của họ.
Đáng lưu tâm nhất là mỗi người một tính. Nhiều lúc xã giao ta cứ tưởng ai cũng có tâm tính như mình. Thế rồi ta ăn nói như ai cũng bụng dạ giống ta. Ai nói nghịch ta, ta cãi, ta lý luận, ta rầy rà nữa, mà ý cùng là ta độc tài bắt ép kẻ khác cảm nghĩ như ta. Không được vậy thì ta ghét. Nhưng người đời có phải như ta tưởng đâu. Cái câu: “Bá nhân bá tánh” ta biết quá mà coi mình quan trọng thì thiên hạ cũng coi họ là trung tâm của vũ trụ vậy. Việc đời đã phức tạp, lòng người còn rắc rối hơn nữa. Đâu phải cái gì cũng đơn sơ, cũng máy móc mà ta tính trước được như một bài toán số đâu. Vả lại, tại sao ta quá tự mãn mà cho rằng cái gì cũng quán thông. Xử tiếp kẻ khác tùy cá tính của họ, cùng nhìn theo quan điểm của họ, ta được cái lợi thanh cao này là sáng suốt về nhân tâm và việc đời. Raymond để Saint Laurent nói: “Bạn phong phú hóa ý hướng tâm lý của bạn”.
Trang bị đầu óc lạc quan, ta thấy đời càng phức tạp từ sự việc đến tình ý, càng đẹp. Vũ trụ lẫn nhân sinh chắc cằn cỗi nếu cái gì cũng đúc có một khuôn. Người ta chẳng đã nhàm chán hàng hóa mà sản xuất độc có một kiểu ư? Giới bạn bè của ta có nhiều thứ tâm hồn, ta thấy cũng hay hay. Còn xét về mặt tiến hóa thì động cơ thúc đẩy văn minh tiến bộ đâu phải là cái một chiều, mà là cái phong phú, phức tạp.
Như vậy, ta có đủ lý do để thoát khỏi vỏ ốc cá nhân của mình mà phán đoán theo quan điểm kẻ khác.
III.  Gặp lúc người ta bất mãn thì sao?
Muốn đáp, ta thử đặt câu hỏi này trước, là lúc ta phát cáu lên với ai ta đòi hỏi cái gì? Máu nóng sôi trong huyết quản của ta. Ta cho là bị hiểu lầm, là hàm oan. Ta muốn bộc bạch tâm sự. Rồi ta nghĩ rằng kẻ khác nói bậy, suy xét lầm nữa. Ta nói để sửa dạy họ. Kiêu khí còn thúc đẩy ta nói cho ai mới thấy rằng ta khôn, ta không thua đối phương nữa. Lúc giận dữ đại khái chúng ta hành động như vậy đó. Và kẻ khác khi bị cơn tam bành chụp, cũng hành động không khác ta bao nhiêu. Như vậy thì bạn biết họ đòi cái gì rồi. Họ là trí thức hay bình dân bạn đừng quan tâm lắm. Hễ nổi khùng lên là họ đòi nói cho hả hơi.
Đừng cản nhu cầu ấy của họ, nếu muốn gây thiện cảm với họ. Các tư tưởng sâu kín nhất, các tình cảm nồng nhiệt nhất họ thèm khát bày tỏ ra cho bạn, hãy lóng tai nghe họ. Thí cho họ món quà ấy đi, họ sẽ đổi lại cho bạn cảm tình. Giành nói với họ mà được lợi lộc gì. Lúc cuồng nộ họ còn cho ta có lý nữa đâu. Ta thì tự tin là khôn hơn họ. Mà xét kỹ ta định gây thiện cảm chớ có phải tranh vương tranh bá gì. Còn khôn thì biết ai thật khôn hơn ai. Dale Carnegie hóm hĩnh nói óc thông minh khác óc ngu xuẩn chỉ ở chỗ có nhiều hơn tí chút chất iốt trong hạch giáp trạng tuyến thôi. Rút bớt chất ấy, tôi và bạn có thể thành thằng ngốc nếu không phải là thân chủ nhà thương điên. Hơn nhau chỉ vài giọt iốt mà lo khoe khoang, lo giới thiệu tài ba, quảng cáo đức tính của mình làm gì. Bây giờ giá ta bổ ngửa ra chết, có mấy người than khóc bạc số của ta? Vài tháng sau chắc không còn mống nào nhắc tới tên ta. Thế tại sao ta cứ lo lấy cái hơn của ta mà đập cái hơn của người.
IV.  Không thiếu người ghét cái hơn của ta đâu.
Théodore Roosevelt lúc làm thống đốc bang Nữu Ước cũng như lúc ngồi ở Bạch Ốc cung, mỗi khi đưa ra những sáng kiến của ông vô tình tạo cơ hội cho vô số kẻ thù tấn công. Ai thì nản chí chớ ông không. Ông nỗ lực làm cho kẻ thù của ông vô tình cưu mang các sáng kiến của ông. Ông đích thân gặp họ trong bầu không khí thân mật, thảo luận với họ, đối thoại với họ, dẫn dụ họ, khích lệ họ nói ra những điều mà trước kia họ phản đối. Xuyên qua gương của Roosevelt, ta rút ra hai bài học khôn này:
a) Không thiếu gì người tấn công cái hơn của ta.
Người ta không chịu nổi ta hơn họ. Mồi ngon để họ đã phá là sáng kiến của ta. Sáng kiến của người quyền cao tước cả còn đỡ, chớ sáng kiến của người thuộc hạ mà có vẻ che lấp khả năng của thượng cấp thì thuộc hạ ấy khó ở yên. Thực không phải vô lý mà, công giáo kể tội kiêu căng đầu sổ bảy tội căn bản. Mà càng giàu thế lực càng dễ kiêu căng. Ngày xưa Dương Tu bỏ mạng vì tay Tào Tháo cũng do thứ thông bệnh ấy. Thường dân tay trắng kia mà cũng không thích kẻ khác tỏ ra hơn mình, huống hồ người nha trảo, đông binh quyền lớn. Ý nào của tôi và bạn tự tìm được ta cho là chân lý, nâng niu như ngọc ngà, còn ý nào của kẻ khác dầu thốt ra từ lưỡi vàng môi bạc ta cũng nghi kỵ, coi là tầm thường. Xin bạn nhớ kỹ cho sự thật phũ phàng đó.
b) Bài học thứ hai là muốn dẫn dụ kẻ khác ta phải theo lời khuyên của Lão Tử: “Quân tử phải hạ mình xuống vì nguồn nước suối chỉ chảy về sông sâu biển thẳm chớ không chảy ngược lên núi đồi”. Bắt người chấp nhận sáng kiến của mình không thể làm như lấy đũa bếp cán cổ con chó cho uống thuốc được. Ý thức điều đó nên đại tá House lúc Wilson làm Tổng thống nước Mỹ, luôn được ông này trọng nể và nghe ý kiến.
Đại tá House là phù thủy ư? Không! Ông chỉ làm công việc đơn sơ là khi ông muốn Wilson chấp thuận sáng kiến của ông, ông lựa lúc thuận tiện gợi phớt qua sáng kiến ấy. Chờ cơ hội khác ông lái tinh thần Wilson đến chỗ cưu mang sáng kiến ấy. Sau cùng hạt giống ông gieo nẩy mầm, đâm hoa kết quả: tức là Wilson tự ý đề nghị ông thi hành hay bắt kẻ khác thực hiện chính sáng kiến mà ông cho Wilson độ trước.
Muốn hành động như đại tá House phải có tinh thần già giặn, không háo danh. Miễn được thiện quả cho đại cuộc thì thôi. Không cần ai ca tụng cá nhân mình cả. Trong hết mọi nghề, kể cả nghề điều tra tội phạm, muốn dẫn dụ ai phải tự mình ở địa vị kẻ khác.