Dịch giả: Đinh Đắc Phú
Chương 9

     hính thiên nhiên như cũng muốn chống lại Golyadkin. Nhưng chàng vẫn đứng vững, vẫn chưa chịu khuất phục. Chàng chưa nghĩ là mình thua, và sửa soạn tiếp tục chiến đấu. Với quyết tâm đó, chàng xoa hai tay vào nhau, chỉ nhìn chàng thôi cũng hiểu là chàng chưa chịu đầu hàng. Tuy nhiên chàng biết rõ nguy hiểm cũng sắp đến. Vấn đề là làm thế nào đương đầu với nguy hiểm. Có lúc chàng cũng tự hỏi có nên bỏ ngang câu chuyện chăng: “Ta có nên bỏ mặc đó, đừng đếm xỉa gì? Có gì đâu? Chả có gì cả. Ta sẽ đứng ngoài, như thể không phải ta là người trong cuộc ấy”. Golyadkin ngẫm nghĩ: “Để câu chuyện trôi qua. Không phải chuyện ta. Vậy thôi. Còn hắn chắc cũng sẽ đứng ngoài, cũng bỏ mặc câu chuyện. Hắn chỉ nhởn nhơ một chút rồi sẽ bỏ hết. Sẽ như vậy! Ta sẽ lấy cái nhu để thắng cái cương của họ. Làm sao nguy hiểm được? Nguy hiểm gì đâu? Ai nói vậy? Chả có gì hết, một chuyện vặt vảnh không đáng để ý”.
Nhưng dòng tư tưởng của Golyadkin đột ngột bị ngưng ngang. Lời nói chưa thoát khỏi môi. Chàng tự mắng mình vì đã có ý đó, đã hèn nhát. Nhưng dù vậy chàng cũng không làm được gì hơn. Chàng tự thấy phải quyết định ngay, và mong sao có được ai đó để khuyên nên quyết định cái gì. Chàng biết nghĩ sao bây giờ? Nhưng dầu sao cũng không có thì giờ ngẩn ngơ suy nghĩ. Để khỏi phí thì giờ, chàng gọi xe về nhà.
Trên đường về, ngồi trong cỗ xe đang gập ghềnh, Golyadkin tự sỉ vả chàng:
- “Sao, mầy thấy thế nào? Bằng lòng với những chuyện xảy ra hôm nay không, hỡi Yakov Petrovich Golyadkin? Mầy sẽ đinh làm gì đây, hỡi thằng quỷ quyệt mà đáng thương? Mầy đã tự tạo ra khổ sở rồi bây giờ mầy lại than van khóc lóc”.
Lúc đó chàng lại thấy thích tự dằn vặt sỉ nhục mình. Thậm chí chàng còn có một khoái cảm kỳ lạ khi làm như vậy.
“Tưởng tượng có lão phù thủy đến bảo mình... hơn thế nữa, chẳng hạn họ thưa với mình: ‘Nếu ngài cho chúng tôi một ngón tay trên bàn tay phải của ngài, thì xong hết, sẽ không có một Golyadkin khác và mọi việc đều tốt hết chỉ trừ ngài bị cụt một ngón tay’. Mình sẽ cho luôn ngón tay mà không hề do dự. Câu chuyện thật đáng bực mình”.
- Golyadkin chán chường - “Tại sao chuyện đó lại xảy tới cho mình? Tại sao không là một chuyện gì khác? Đang tốt đẹp, đang vui vẻ sung sướng thì nó lại xảy ra. Nhưng nói mãi làm gì cơ chứ? Cần hành động, không cần nói”.
Golyadkin về nhà với cái ý quyết hành động và không để mất một giây chàng chụp ống điếu vừa đi đi lại lại trong phòng vừa phì phà liên tiếp, nhả khói mù mịt.
Lúc Petrushka bước vào để dọn bàn, Golyadkin đặt ống điếu xuống, khoác vội áo choàng, bảo với tên gia nhân chàng không ăn bữa chiều, và vội vã bước ra. Petrushka chạy theo chàng ở thang lầu đưa cái nón chàng quên. Golyadkin cầm nón, nghĩ rằng nên giải thích vài lời về cái sự quên của mình nếu Petrushka có thắc mắc. Nhưng Petrushka không nhìn chàng, cũng không có ý chờ đợi mà lại trở lên. Golyadkin đành đội nón lên đi xuống thang lầu, lẩm bẩm trong mồm là rồi mọi sự sẽ xong, sẽ tốt đẹp yên ổn, dầu chàng thấy lạnh cả chân rồi. Chàng gọi xe bảo chạy đến nhà Andrei Filipovich.
Khi đã nắm dây kéo chuông cửa trong tay, chàng lại bỗng tự hỏi: “Có nên để đến mai hãy gặp ông ta không? Bởi tuy vậy chớ làm thế nào mình bảo là chuyện đặc biệt được? Thật sự không có chuyện gì đặc biệt cả. Chỉ một chuyện nhỏ, bẩn thỉu khốn nạn, khó bắt họ phải lưu ý được...” Nhưng bất ngờ chàng kéo dây. Chuông rung. Có tiếng chân ai bước trong nhà. Golyadkin tự trách mình quá táo bạo, hấp tấp. Những phiền phức, những va chạm với Andrei Filipovich mà chàng tưởng đã quên nay bỗng trở lại, sống động hơn bao giờ. Nhưng thối lui cũng không còn kịp. Cửa đã mở.
May thay chàng được trả lời là Andrei Filipovich ở sở chưa về và có lẽ cũng không ăn tối.
Golyadkin bỗng thấy khoái trá. Chàng nghĩ: “Mình biết ông ta dùng bữa ở đâu rồi - gần cầu Izmailovsky”.
Khi người gia nhân hỏi xem chàng có nhắn gì không, và chàng là ai, Golyadkin đáp là không gấp, chàng sẽ trở lại. Chàng nói “Cám ơn bạn” và vui sướng bước xuống lầu.
Chàng trả tiền xe và khi gã đánh xe đòi thêm vì chờ lâu và trước đó đã chạy nhanh theo lời yêu cầu của chàng, Golyadkin vui vẻ trả y 5 kopecks và khởi sự đi bộ.
Chàng ngẫm nghĩ: “Dĩ nhiên là ta có thể bỏ mặc đó. Nhưng có đáng vậy không? Có đáng phải cuống quít lên như vậy không? Đáng để phải chịu đựng, phải khổ sở lo lắng như ta đã chịu không? Trước hết tai họa đã rồi, không tránh được. Như thế này: một người tự giới thiệu mình, hắn có tiến cử đàng hoàng, từng được xem là một nhân viên giỏi và khôn khéo, hắn chỉ phải cái kẹt tài chánh, thành một nạn nhân của hoàn cảnh, của cuộc đời thăng trầm. Nhưng nghèo đâu phải là một tội. Vậy một người như hắn không bao giờ lại muốn làm gì ta. Thật vậy, và cũng thật kỳ cục. Trời sinh ra một người giống hệt người khác, đó đâu có phải là lý do để không cho hắn việc làm? Đó chỉ là lỗi của định mệnh mù quáng, tại sao một người lại vì thế mà bị chà đạp, và không được làm việc? Công lý nào vậy? Hắn là người nghèo khổ, bơ vơ, nhút nhát, đáng thương. May là cấp trên của ta đã không nghĩ như ta đã nghĩ lúc trước. Sao ta có thể ngu đến thế, ngu quá sức. Không, ta sung sướng và biết ơn thượng cấp đã cho hắn công ăn việc làm lúc hắn gặp khốn đốn. Tưởng tượng mình với hắn là anh em song sinh, trời sinh ra như vậy. Rồi có sao đâu nào? Chả sao cả. Những người trong sở sẽ dễ dàng trở nên quen thuộc với việc đó... và lẽ tự nhiên nếu tình cờ có người ngoài nào thấy, họ cũng sẽ không có thành kiến, cũng không thấy có gì phải ngạc nhiên. Thật thì như thế này: Chúa tạo nên hai kẻ giống hệt nhau, và cấp trên trong công sở quyết định cho mỗi người một việc làm. Tuy nhiên...” - Golyadkin thở dài - “Nếu chả có chuyện sinh đôi sinh ba gì cả thì chắc tốt hơn... Ba cái thứ quỷ đó! Có gì đâu? Chỉ là sản phẩm của quỷ thần. Phải nói đó là cái thằng lừa bịp, xấu xa, giả dối, mưu mẹo, liếm giày, nịnh hót. Cái thằng Golyadkin đó. Chắc rồi sẽ làm chuyện gì để bêu xấu mình đây. Mình phải dè chừng hắn, mà việc đó lại làm hắn đắc chí. Bậy quá, ủa mà tại sao ta cứ bận tâm như thế? Được rồi, hắn là thằng lường gạt, còn mình vẫn là người đàng hoàng, người ta sẽ nói thằng Golyadkin đó là thằng lường gạt, nhưng chớ lộn với Golyadkin kia, một người lịch sự, đạo đức, đàng hoàng, một công chức thân thiện đáng tin cậy, đáng được cất nhắc. Được lắm... Nhưng nếu họ... Nếu thượng cấp ta lẫn lộn thì sao? Không trông đợi gì ở thằng đó được. Chúa ơi, hắn sẽ không ngại gì chà đạp lên người khác như tấm chùi chân. Thật là chuyện kinh khủng”.
Golyadkin vừa đi vừa rầu rĩ như vậy mà không biết mình đang đi đâu. Đến đại lộ Nevsky chàng mới tỉnh người ra vì chàng va vào ai đó đến tóe lửa. Chàng xin lỗi nhưng vẫn không ngẩng đầu lên, và khi nghe người đó càu nhàu chàng mới đứng lại xem mình đang ở đâu. Chàng đang đứng gần quán ăn nơi chàng ăn lót dạ trước khi đến dự bữa tiệc chọn lọc tại nhà Olsufy Ivanovich. Nghĩ đến đó chàng lại thấy cồn cào, bụng kêu rần rần, và nhớ là mình chưa ăn. Vì không có bữa tiệc nào chờ đợi, chàng bước vào quán, đi ngay lên lầu kêu thức ăn. Dầu thứ gì ở đó cũng đắt, Golyadkin thấy không gì ngăn cản chàng cả vì dù sao cũng chẳng có thì giờ mà đắn đo những cái nhỏ nhặt như vậy.
Trong căn phòng đèn thắp sáng choang, thưc khách đang bu quanh quầy nơi bày ra những thứ các tay sành ăn uống thường thích. Chủ tiệm thật vất vả, nào rót rượu, dọn thức ăn, thâu tiền... Golyadkin đợi đến phiên mình lịch sự đưa tay lấy một miếng bánh thịt. Rồi chàng rút ngay vào một góc, quay lưng ăn ngon lành và đã biết giá cả, lấy trong túi một đồng 10 kopecks đặt lên quầy, nhìn chủ tiệm chỉ vào đồng bạc ý nói: “Tiền bánh đây”.
Chủ tiệm nói, răng khít lại:
- Một rouble mười kopecks.
Golyadkin kinh ngạc:
- Ông đang nói với tôi à... nhưng tôi... tôi chỉ ăn một bánh thôi mà.
Chủ tiệm vẫn quả quyết:
- Ông đã ăn mười một bánh.
- Tôi... tôi chắc ông lộn ròi... Sự thực tôi ăn chỉ có một bánh.
- Tôi đếm rồi. Ông đã ăn mười một cái. Ông ăn rồi thì ông phải trả. Ở đây không có lệ cho không.
Golyadkin sửng sốt. Chàng thầm hỏi: “Chuyện gì nữa đây? Mình lại là nạn nhân của một trò lừa gạt quái ác nào đây chắc?”.
Chủ tiệm chờ đợi. Một đám đông bu quanh Golyadkin, lúc đó đã đành cho tay vào túi lôi ra một rouble cho yên chuyện.
Mặt chàng tái xanh. Chàng nghĩ:
“Hắn bảo mười một, thì cứ cho là mười một. Coi như mình đã ăn mười một bánh. Rồi sao? Đói thì ăn mười một cái bánh cho khỏe thêm, có gì đáng cười đâu?”.
Chàng bỗng cảm thấy có gì bất thường. Chàng đưa mắt và hiểu ngay trò lừa đảo mình vừa bị là nạn nhân. Màn bí mật đã vén lên.
Sau lưng người chủ, ở phía cửa dẫn sang một phòng khác, mà tự nãy giờ người hùng của chúng ta vẫn cứ ngỡ là tấm gương, có một kẻ đang đứng. Đó chính là Golyadkin. Nhưng không phải Golyadkin người hùng của câu chuyện này. Đó là một Golyadkin khác, một Golyadkin mới. Gã Golyadkin này coi bộ đang vui sướng lắm. Cười toe toét, hắn thân thiện gật đầu với Golyadkin, nhìn chàng với cái nhìn thông cảm. Hắn hơi nhớm bước, nhưng cũng sẵn sàng chuồn ngay bằng lối thang lầu phía sau nếu có chuyện mà khỏi lo bị đuổi theo. Tay hắn còn cầm một mẩu bánh và khi thấy Golyadkin nhìn, hắn đưa bánh lên miệng chóp chép ra vẻ ngon lành. Golyadkin xấu hổ đến đỏ mặt:
“... Hắn đang lợi dụng... Hắn không ngại làm trò trước mặt mọi người. Nhưng sao không ai nhận ra hắn cả?”.
Golyadkin ném đồng rouble bạc lên quầy, như thể để lâu đồng bạc sẽ đốt cháy tay chàng, và không để ý đến nụ cười ngạo nghễ của chủ tiệm đang khoái trá vì uy quyền của mình, chàng lủi ra ngoài không ngoái cổ nhìn lại.
“Phải cám ơn thằng lừa đảo đó vẫn chưa làm nhục mình quá đáng”. Golyadkin thầm nghĩ “Phải biết ơn hắn và lấy làm may là mọi sự yên ổn. Dĩ nhiên tên chủ tiệm thô lỗ quá, nhưng dù sao hắn cũng có lý lúc đòi 1 rouble 10 kopecks. ‘Ở đây không có lệ cho không’. Phải chi hắn biết lễ phép một chút”.
Nhưng dầu Golyadkin nghĩ như vậy khi bước xuống lầu, đến bậc thang cuối chàng cũng đứng sững lại, mặt đỏ lên, mắt nhòa lệ vì nhục nhã. Song chàng chỉ sững khoảng nửa phút rồi nhào ra đường chạy về hướng Six Shop mà không hay gì đến mệt nhọc. Về tới nhà, dầu thích thoải mái, chàng vẫn không thay đồ, cũng không đốt ống điếu, mà ngồi ngay vào ghế, kéo vội lọ mực, cầm bút, lấy giấy và với đôi tay run lên vì khích động, chàng viết bức thư sau:
“Yakov Petrovich thân mến,
Tôi sẽ không khi nào cầm bút nếu không bị ông và hoàn cảnh dồn đến chỗ phải làm như vậy. Ông hãy tin rằng chỉ vì quá cần yếu nên tôi mới phải có sự giãi bày này. Bởi vậy tôi xin ông trước hết đừng xem đây như là một cố gắng có sắp đặt để sỉ mạ ông, nhưng đây chỉ là một hậu quả không thể tránh của tình trạng giữa hai chúng ta”.
“Được lắm, vừa lễ phép lại mạnh mẽ quyết liệt. Mà cũng không có gì phật lòng anh ta. Dù sao mình cũng hoàn toàn có lý”. Golyadkin quyết định, sau khi đọc lại những điều vừa viết.
“Thưa ông, sự xuất hiên bất ngờ và lạ  lùng của ông trong cái đêm mưa bão nọ, sau khi tôi vừa bị kẻ thù đối xử một cách tàn tệ (những kẻ thù mà tôi thấy không cần phải nói đến tên tuổi), chính là nguồn gốc của mọi hiểu lầm giữa chúng ta hiện nay. Cái quyết tâm khăng khăng đánh đổ sự hiên hữu và riêng tư của tôi mà ông đang cố gắng đã đi ngược lại cách xử thế văn minh vả lịch sự sơ đẳng. Thưa ông, tôi nghĩ không cần phải nhắc lại ông cái lúc ông tiếm đoạt những giấy tờ do chính tôi làm để mong được cái đặc ân nào đó - một đặc ân không do tự mình - nơi thượng cấp. Tôi cũng không cần nhắc lại sự khước từ đầy khinh khi của ông để nói về thái độ của ông đối với tôi. Sau nữa tôi cũng không muốn nhắc đến thái độ quái gở của ông trong quán ăn. Tôi không bận tâm gì về viêc phải tốn một rouble một cách vô nghĩa, theo tôi nghĩ, nhưng tôi cũng không thể không nói lên tiếng nói của tôi trước những hành vi của ông, những hành vi bêu rếu tên tôi và hơn nữa lại trước mắt mọi người, những người có giáo dục dầu tôi chưa quen”.
“Mình có đi quá chăng?” Golyadkin tự hỏi “Nói nhiều quá? Có hơi xúc phạm chăng? Chẳng hạn ám chỉ đến những người có giáo dục? Ồ, chả sao cả. Phải cho hắn thấy mình cũng cương quyết lắm. Tuy nhiên có thể làm dịu bớt bằng cách ngọt ngào hơn với hắn ở đoan cuối. Xem nào...”
“Thưa ông, tôi không muốn phiên ông với lá thư này nếu tối không nghĩ là sự cao quý và thẳng thắn cương trực của ông sẽ khiến ông sửa chữa những lầm lỗi này và cứu vãn lại tình thế.
Tôi tin rằng ông sẽ không hiểu lầm bức thư của tôi cũng như sẽ không xem đó là đồ bỏ, đồng thời cũng sẽ không từ chối một lời giải thích trên giấy mực mà ông có thể gởi cho người của tôi mang về.
Bái thư,
Yakov Golyadkin”
“Xong, coi được lắm. Hắn sẽ phải chịu lá thư này. Hắn đã dồn mình đến cùng, phải bắt hắn giải thích trên giấy mực đàng hoàng. Đúng, mình có quyền...”.
Đọc xong bức thư lần thứ nhì, Golyadkin gấp lại, dán kín rồi gọi Petrushka. Petrushka xuất hiện với cặp mắt ngái ngủ và bộ tịch khó ưa như thường lệ.
- Đây, bạn đi đưa thư này, hiểu chưa?
Petrushka im lặng.
- Mầy đem đến sở của tao. Mầy sẽ gặp người phải trực bữa nay, ông Vakhrameyev. Có hiểu kịp không?
- Có.
- đừng nói “Có”. Nói là “Thưa ông, tôi hiểu”. Mày hỏi ông Vakhrameyev, bảo ông ta là chủ mầy gởi lời thăm ông ta và nhờ ông ta tìm giùm trong sổ địa chỉ nhân viên địa chỉ của thư ký Yakov Petrovich Golyadkin. Hiểu không?
Petrushka vẫn im lặng. Golyadkin tưởng như hắn đang nhăn răng ra cười mình.
- Rồi mầy hỏi người thư ký mới đó, ông Golyadkin đó ở đâu, được không?
- Thưa ông, được.
- Biết địa chỉ rồi, mầy tới đưa ông Golyadkin đó lá thư này. Rõ chưa?
- Rõ.
- Nếu vị đó, ông Golyadkin đó, người mầy sẽ đưa thư này, mà có nhà... Mầy cười gì vậy, thằng điên?
- Con ấy à? Có gì đâu phải cười? Con đâu có cười? Những người như con đâu có cười bao giờ...
- Vậy thì được, nếu vị đó có hỏi mầy điều gì, chẳng hạn như chủ mầy có... Ồ, chắc cũng không có gì... Nếu ông ta hỏi gì tao mầy cũng đừng đáp. Chỉ nói với ông ta là chủ mầy muốn được ông ta viết trả lời để mầy mang về. Rõ chưa?
- Rõ.
- Được rồi, đi đi.
Golyadkin thầm nghĩ:
“Chuyện gì phải nhờ đến thứ ngu đó cũng thật bực mình. Sao lúc nào hắn cũng cười được cả. Bực lắm rồi đó, dầu mọi sự có tốt đẹp đi nữa. Chắc chắn thằng cục súc đó sẽ biến đi trong vài giờ, không thể bảo hắn đi đâu mà hắn không đi lạc. Thật bất hạnh cho ta”.
Bị ảm ảnh bởi cái “bất hạnh” đó, chàng quyết định không làm gì trong những giờ đợi Petrushka trở về, Do đó suốt trong một giờ chàng chỉ bách bộ trong phòng phì phà ống điếu. Rồi chàng bỏ ống điếu, vơ quyển sách ngồi đọc. Một lát sau chàng nằm dài trên ghế. Rồi lại ngậm ống điếu đi bách bộ trong phòng. Chàng cố nghĩ đến một việc gì, nhưng không kiếm ra chuyện để nghĩ. Cuối cùng không làm gì chán quá, chàng quyết định hành động. Chàng nghĩ thầm:
“Phải ít nhất cả giờ nữa Petrushka mới trở về. Vậy ta giao chìa khóa nơi người gác cửa và tự đi điều tra sơ khởi”.
Vì nóng nảy muốn đi điều tra, Golyadkin không để mất thì giờ, lấy nón bước ra khỏi phòng, khóa lại, giao chìa khóa cho người gác dưới lầu và rất rộng rãi cho y 10 kopecks. Rồi chàng đi về hướng cầu Izmailovsky. Khoảng chừng nửa tiếng chàng đến nơi và thẳng vào trong sân ngôi nhà quen thuộc, nhìn lên cửa sổ phòng Olsufy Ivanovich. Tất cả cửa sổ điều tối om trừ ba cửa phủ màn đỏ. “Hôm nay coi bộ Olsufy Ivanovich không phải tiếp khách. Hẳn họ ở nhà hết”.
Sau khi đứng trước cửa sổ vài phút, chàng thấy cần phải quyết định làm một cái gì, nhưng cũng như chúng ta đều đã quá biết là không phải quyết định nào của chàng cũng được thi hành, bởi chàng đã nhún vai và lại bước ra đường.
“Mình đâu có định làm gi ở đây. Đây thì làm cái gì? À, mình nên... nên đi tìm hiểu một chút”.
Hài lòng với giải pháp đó, Golyadkin đến sở. Lý ra không nên làm như vậy, vì lề đường đầy bùn sình, tuyết lại đang rơi từng bông lớn. Nhưng đối vời người hùng của chúng ta lúc đó thì không có gì là khó cả. Sự thật chàng đã ướt đẫm, lấm lem nhũng bùn “Nhưng ăn thua gì chuyện đó, miễn sao có kết quả thì thôi”. Chàng nghĩ vậy khi đến gần đích, và tòa nhà lớn của cơ quan đã hiện ra trước mắt.
Bỗng một ý tưởng khác lại đến với chàng:
“Mình làm cái quái gì đây? Ví dụ như họ cho mình biết hắn ở đâu, rồi mình có lại được lợi ích gì thêm đâu, bởi giờ nay Petrushka đã về và đang đợi với bức thư trả lời. Mình chỉ làm mất thì giờ quý báu mà thôi. Nhưng dù sao vẫn còn quyết định được. Nên đi gặp Vakhrameyev không? Thôi, không ích gì. Lúc khác cũng được. Lẽ ra mình cũng chẳng nên đi như thế này. Tính mình thật hay lo. Cái gì cũng làm dù cần hay không. Hừ... Mấy giờ rồi nhỉ? Chắc cũng đã 9 giờ. Petrushka mà về nhà rồi lại không thấy mình thì sao? Đi như vầy thật bậy. Bậy quá!”.
Thấy là mình đã thật sự phạm lỗi, chàng vội vã trở về đường Six Shop. Đến nhà thì chàng đã muốn ngã quỵ. Người gác dưới lầu cho chàng hay là Petrushka vẫn chưa về.
“Ta biết sẽ có chuyện này. Đã 9 giờ rồi. Chắc chắn hắn còn đang la cà nhậu nhẹt. Trời ơi sao bữa nay xui thế?”.
Lòng đầy đắng cay lẫn trách móc, Golyadkin mở khóa phòng, thắp đèn, thay quần áo, đốt thuốc, nằm dài trên ghế đợi Petrushka, thấy vừa đói vừa mệt muốn lã người đi. Ánh đèn mờ mờ, ngọn lửa chập chờn in trên vách. Golyadkin hết suy tư lại trông ngóng, rồi ngủ thiếp đi.
Lúc chàng thức giấc thì đã khuya lắm. Ngọn đèn đã gần tắt, kêu lách tách và bốc khói. Golyadkin nhổm dậy, lắc đầu cho tỉnh người, và mọi chuyện lại trở về trong trí chàng. Sau vách ngăn, Petrushka đang ngáy lớn. Golyadkin bước vội đến cửa sổ. Tất cả tối đen. Chàng mở cửa. Mọi vật đều im lặng. Thành phố đìu hiu. Chàng nghĩ chắc cũng đã 2 giờ sáng. Đúng lúc đó đồng hồ gõ hai tiếng. Golyadkin bước ra sau vách ngăn.
Chàng phải vất vả lầu lắm mới gọi được Petrushka dậy và kéo y ngồi lên. Lúc đó đèn lại tắt ngấm, và Golyadkin lại phải mất mười phút để tìm cây đèn khác đốt lên. Nhưng Petrushka đã ngủ lại rồi.
- Đồ ngu, đồ vô tích sự. - Golyadkin lay gọi - Mầy có dậy đi không?
Cuối cùng, sau cả nửa tiếng đồng hồ cố gắng, Golyadkin cũng thành công trong việc đánh thức gã người làm, và kéo hắn ra ngoài. Lúc đó chàng mới thấy Petrushka say mèm, đứng không vững. Chàng gầm lên:
- Đồ lười biếng vô dụng, đồ sát nhân, mầy chỉ muốn làm tao điên đầu. Trời ơi, không hiểu hắn đã làm gì bức thư! Tại sao ta lại phải viết nó? Ta điên lên mất. Danh dự, tự trọng! Thế này đây... Còn mày, sát nhân, mầy làm gì với bức thư? Mầy đưa ai rồi?
- Tôi không đưa bức thư nào cho ai hết. Tôi không có bức thư nào hết.
Golyadkin nắm hai tay vào nhau, thất vọng:
- Nghe đây, Petrushka, nghe đây...
- Tôi đang nghe...
- Mầy đã đi đâu? Nào, trả lời xem!
- Tôi đi đâu à? Tôi đã gặp nhiều người tử tế lắm.
- Trời ơi! Mà mầy đi đâu trước tiên? Có đến sở tao không? Nghe đây, Petrushka, chắc mầy say quá rồi.
- Tôi say? Lúc nào cũng bảo tôi say, cũng...
- Nghe nói đây, tao không cần biết mầy say hay không. Tao lại còn muốn thấy mầy say nữa. Không có sao cả. Có lẽ mầy đã quên nhưng mầy sẽ nhớ lại. Cố nhớ xem - mầy có gặp ông Vakhrameyev, nhân viên trực ở sở khởng?
- Tôi không tới đó, không có nhân viên nào hết. Lúc nào cũng cho là tôi...
- Không, Petrushka, mầy chưa hiểu. Tao không la rầy gì mầy cả. Trời lạnh, ẩm thấp, không ai trách người uống đôi chút rượu bao giờ. Tuyệt nhiên không có chi bậy cả. Nói cho mầy hay - chính tao hôm nay cũng có uống rượu. Bây giờ, cho tao biết mầy có gặp Vakhrameyev không?
- Thì tôi đã nói rồi, hỏi hoài. Tôi đi rồi, không thì lại bảo là...
- Tốt lắm, Petrushka. Tao rất bằng lòng là mầy có đến đó. Tao không giận gì đâu. Thôi được - Chàng vỗ lưng Pelrushka và rán cười để hắn dịu xuống - tao biết rõ mầy có uống, cá với mầy cũng phải 10 kopecks. Đúng không? A, mày lại dối rồi! Nhưng không sao. Tao không cự mầy đâu. Hiểu không? Tao không la mầy đâu.
- Không, tôi không có dối, không bao giờ... Tôi chỉ đi gặp những người tử tế, như tôi đã nói với ông...
- Cố mà hiểu là tao không la rầy mầy gì hết, và lúc bảo mầy dối tao không nói thật đâu. Tao nói chơi thôi. Cũng như nói một người là thằng giặc, khi muốn nói là hắn không muốn ai ngăn cản chuyện hắn làm. Ý tao vậy đó, Petrushka. Vậy bây giờ nói thật tao rõ, mầy có tới sở, gặp ông ta, và ông ta có đưa mầy cái địa chỉ đó không?
- Có, ông cho địa chỉ, cho hết, cái ông Vakhrameyev đó tốt lắm và ổng bảo tôi: “Chủ anh là người tốt, rất tốt. Anh có thể nói với chủ anh - Ổng nói vậy - rằng tôi kính trọng ông ấy lắm, và bởi vì anh đang giúp việc cho ông ấy, anh Petrushka - Ổng nói với tôi - lẽ đương nhiên anh cũng là người tốt...”.
- Trời ơi là trời, còn cái địa chỉ làm sao, đồ Judas? - Golyadkin gần như rít lên.
- Còn địa chỉ... địa chỉ, ông ta cũng cho biết nữa.
- Ổng cho may biết? Vậy hắn ở đâu, thằng cha Golyadkin kia?
- Thằng cha Golyadkin kia, ổng nói với tôi, là hắn ở đường Six Shop, trên lầu tư, phía bên phải, hắn ở đó, ổng nói với tôi, vậy đó.
- Trời ơi, đồ lừa gạt, vô tích sự - Golyadkin la lên - Đồ... đồ sát nhân, mầy đang cho tao cái địa chỉ của chính tao, mầy đang nói tao mà!
- Bình tĩnh. Tôi có làm gì đâu. Bình tĩnh mà...
- Còn bức thư?
- Bức thư nào? Làm gì có bức thư nào? Tôi không thấy thư từ gì cả.
- Mầy làm gì với lá thư đó rồi, thằng vũ phu?
- Tôi đưa ông ta và ổng nói: “Gởi lời thăm chủ anh, chủ anh là người rất tốt, tôi muổn anh chuyển hộ lời thăm hỏi”.
- Mà ai nói vậy? Có phải thằng cha Golyadkin kia không?
Petrushka không trả lời, lại bỗng nhiên nhìn Golyadkin mà cười.
- Nghe đây đồ cắt họng - Golyadkin rít lên, run rẩy - Mầy không thấy mầy đang làm gì sao? Tại sao mầy phải giết tao, phải chặt đầu tao đi như thế, hỡi đồ Judas, đồ quỷ sứ?
Petrushka lùi lại, giọng quyết liệt:
- Ông muốn nói gì thì nói, tôi không dính dáng gì hết.
- Đến đây, đến đây ngay, đồ ăn cướp.
- Tôi không đến, không bao giờ. Tôi không cần. Có nhiều người tử tế, tôi đi tìm họ... Họ lịch sự, họ sống trong sạch, không lừa dối và chẳng bao giờ lại có một lúc hai người.
Tay chân Golyadkin tê cóng và chàng thấy nghẹt thở.
Petrushka tiếp tục:
- Chắc chắn là vậy rồi, chẳng bao giờ lại có hai người cùng một lúc, vì họ không bao giờ xúc phạm đến Chúa hay những người ngay thẳng khác.
Tiếng Golyadkin kêu thật khó nghe:
- Đồ quái thai, bẩn thỉu. Đi ngủ đi đồ ngu. Ngày mai mầy sẽ biết.
Có tiếng Petrushka càu nhàu một lúc, rồi giường y kêu cót két, y ngáp dài, duỗi mình và lại rơi vào giấc ngủ của kẻ vô sự. Thái độ của Petrushka, những ám chỉ kỳ quặc mơ hồ và tuy không đáng để quan tâm, nhất là lại do một thằng say nói ra, và nói chung cả câu chuyện cũng khiến Golyadkin bối rối vô cùng. Chàng run lên, thấy hết sức bực dọc: “Tại sao giữa đêm hôm ta lại đi hỏi nó? Nó nói gì cũng đều là láo khoét. Nhưng thằng sát nhân đó muốn bóng gió điều gì vậy? Chúa ơi, tại sao tôi lại viết bức thư đó? Làm gì vậy? Tự giết mình chăng? Tự đào huyệt chôn chăng? Ta không thể bình tĩnh được. Ta lại ba hoa, làm rối thêm, bấn lên, không hơn gì đồ chùi chân. Nhưng dù gì ta cũng có cách bảo vệ tự trọng và danh dự. Ôi, ta không hơn gì một kẻ tự giết mình”.
Golyadkin ngồi bất động, tâm thần khủng hoảng.
Bỗng có gì làm chàng phải chú ý. Sợ chỉ là ảo giác tưởng tượng, chàng đưa tay ra nắm lấy, lòng vừa hy vọng lẫn hiếu kỳ. Không phải là ảo tưởng, đó là một lá thư. Một lá thư gởi cho chàng. Chàng cầm lên, tim đập mạnh. Đúng là sự thật. Thằng cục súc đó đã đem về, để trên bàn. Phải như vậy chớ... Lá thư của Vakhrameyev, một đồng sự trẻ tuỗi và đã từng là bạn của Golyadkin.
Golyadkin thầm nghĩ:
“Mình đã biết trước sẽ có chuyện này. Mình cũng biết trước trong thơ nói gì”.
Thơ như sau:
“Yakov Petrovich thân mến,
Gia nhân của ông say sưa và không biết gì cả, do đó tôi nghĩ tốt hơn nên trả lời bằng thư. Trước tiên xin ông yên chí rằng việc ông nhờ tôi chuyển bức thư của ông cho người ông hỏi sẽ được thi hành mau lẹ và đúng đắn. Người ông hỏi, người thay thế chỗ của một người bạn của tôi mà tôi sẽ không nhắc đến tên (không muốn làm hoen ố thanh danh của một người trong sạch) hiện nay sống với tôi trong căn phố của Karolina Ivanovna, trong căn phòng trước đây một sĩ quan pháo binh từ Tambov đến đã cư ngụ và chính ông cùng đã ở đấy. Tuy nhiên lúc nào ông cũng có thể tìm ra người muốn hỏi giữa những người đứng đắn, thẳng thắn, những đức tính không phải ai muốn có cũng được.
Tôi cũng muốn lưu ý ông là từ nay tôi có ý định chấm dứt những mối liên lạc thân hữu trước đây giữa chúng ta, vì tôi nghĩ không thể giữ tình bạn bè lâu hơn được. Về mặt này, tôi sẽ rất hoan hỉ nếu khi nhận được thư này ông sẽ trả lại tôi 2 roubles về tiền cái cạo mặt ngoại quốc mà nếu ông còn nhớ tôi đã bán thiếu cho ông hai tháng trước, việc mua bán đó xảy ra khi chúng ta cùng ngụ tại nhà Karolina Ivanovna, một người đàn bà tôi rất mực tôn kính. Tôi vừa có quyết định trên bởi lẽ, theo lời của những người sáng suốt, ông đã mất cả ý niệm về sự đàng hoàng và tự trọng, vì đối với những kẻ không thiết đến sự thật, lời của họ chỉ là giả dối và bộ tịch của họ chỉ là bề ngoài.
Xin cũng cho ông hay là thật dễ kiếm những người sẵn sàng bảo vệ Karolina Ivanovna, một người đàn bà có thái độ cư xử không thể chê trách được, và thứ nhì là một người thẳng thắn, hơn nữa, là một người trinh bạch tuy không còn trẻ dầu xuất thân từ một gia đình ngoại quốc đàng hoàng. Tôi được nhờ nói điều này nhưng tôi cũng nói vì tôi. Dù sao nếu chưa hiểu thì ông cũng sẽ hiểu, tuy ông đã tự làm nổi tiếng khắp thành phố theo như lời những người sáng suốt, bởi thế phải là những lời sáng suốt.
Để kết thúc, tôi xin cho ông rõ rằng, thưa ông, người ông biết mà tên tuổi sẽ không đề cập tới vì kính trọng danh dự, người đó rất được những người đứng đắn kính nể. Hơn nữa ông ấy còn là một người vui vẻ dễ mến. Ông ấy rất được lòng thượng cấp trong sở và đối với tất cả mọi người ông ta là người rất thành thật và là một người ban đáng tin cậy, không bao giờ bêu rếu bạn mình.
Kính thơ,
N. Vakhrameyev
T.B. Ông nên tống cổ tên gia nhân của ông, một tên say sưa nhất định là phải gây cho ông nhiều phiền phức, và nên thế bằng Estafy, người đã làm cho chúng ta và bây giờ đang thất nghiệp, về tên gia nhân hiện thời của ông, hắn không những chỉ là một tên nhậu nhẹt mà còn là tên ăn trộm, vì tuần trước hắn đã bán một cân đường miếng cho Klara Ivanovna với giá rẻ mạt mà theo ý tôi hắn đã không làm vậy nếu không nói là đã quỷ quyệt ăn cắp của ông mỗi khi một ít. Tôi nói điều này với hảo ý dù sự thật có người chỉ biết tìm cách lường gạt và phỉ báng bạn mình, những người thẳng thắn tốt bụng, và hơn nữa còn nói xấu sau lưng và tỏ ra ganh tị chỉ bởi không bằng được người ta.
V.”
Đọc xong bức thư của Vakhrameyev, Golyadkin ngồi thừ trên ghế một lúc lâu. Có vài tia sáng đã dọi vào màn sương dày đặc bao phủ chàng. Chàng bắt đầu hiểu ra. Chàng cố đứng dậy, đi bách bộ một lúc cho thoải mái, để góp nhặt tư tưởng và cô đọng lại cho ăn khớp. Nhưng vừa đứng lên chàng lại ngã ngồi xuống, thấy yếu ớt tuyệt vọng.
“Ta đã biết có thể công chuyện như thế này. Nhưng anh ta muốn nói gì? Dĩ nhiên mình hiểu ý. Nhưng anh ta muốn đi tới đâu? Tại sao anh ta không nói cho dễ hiểu hơn, tôi muốn này muốn nọ? Ta sẽ có thể chiều theo. Nhưng bây giờ mọi sự đã đến một khúc quanh rồi. Phải chi đã đến mai, ta đi làm! Nhưng bây giờ ta biết làm gì? Phải cho anh ta biết ta chấp nhận những lời phê bình đúng đắn nhưng ta không bán rẻ danh dự... Theo anh ta mình có thể biết thằng quỷ quyệt đó dính dáng thế nào nhưng tại sao nó lại dây dưa vào? Phải chi đến mai thì hay quá! Bao nhiêu đồn đại bẩn thỉu sẽ bao lấy ta, vì lúc nào bọn chúng cũng có âm mưu, cũng có chuyện để làm. Đừng để mất thì giờ, phải viết bức thư, cho anh ta biết vài điều, nói là ta cũng đồng ý này nọ. Ngày mai lúc đến sở ta sẽ gởi bức thư, và đến trước các ông bạn của ta... A, chúng nó sẽ có đủ thứ chuyện về ta, chắc chắn là thế”.
Golyadkin lấy giấy viết trả lời Vakhrameyev.
“Nestor Ignatievich thân mến,
Tôi đã đọc bức thư đầy hảo ý của ông và rất ngạc nhiên. Tôi thấy bức thư có tính cách phỉ báng, vì tôi biết rõ là lúc ông nói đến một người bất xứng nào đó, ông muốn nói tôi. Thật buồn mà thấy những điều vu cáo đó đã phổ biến một cách hiệu nghiệm và mau lẹ, và đã làm thương tổn đến thanh danh, vinh dự và tài sản của tôi. Nhưng điều làm tôi đau xót và phật ý hơn là thậm chí những người đáng kính, cao thượng, thẳng thắn, và cởi mở đỡ bỏ cái tư cách đáng trọng đó đi mà cố ý tự trói buộc vào những cái thối nát đáng khinh bỉ, cái thối nát chẳng may đã bộc phát nhanh chóng và nguy hiểm trong thời đại phi luân của chúng ta. Tóm lại, xin cho ông được rõ là 2 đồng roubles mà ông nhắc trong thư là tôi thiếu ông sẽ được hoàn trả đầy đủ vì tôi cho đó là một bắt buộc thiêng liêng.
Về việc ông nhắc đến một người nữ nào đó, thưa ông, tôi xin trấn an ông là tôi không hề hiểu những ám chỉ của bà ta về dự định, hy vọng hay tương lai. Vì vậy, xin ông cho phép tôi giữ cho những tư tưởng của tôi vẫn được thanh cao và tên tôi khỏi bị hoen ố. Dù sao tôi cũng sẵn lòng chờ đợi một sự giải thích, một sự giải thích trực tiếp tốt hơn là trên giấy mực, vì tôi nghĩ như vậy kết quả hơn, và tôi cũng sẵn lòng nhường nhịn. Xin ông nói với người nữ đó về sự sẵn lòng của tôi, và xin cho biết luôn nơi và ngày gặp gỡ. Tôi rất chua xót vì những ám chỉ của ông rằng tôi đã phản bội tình bạn giữa chúng ta, và đã nói những lời không đẹp về ông. Tôi phải quy trách những hiểu lầm này cho những kẻ nói xấu, ghen tị, ác ý mà tôi gọi là kẻ thù. Những người đó có lẽ không biết là sự vô tư sở dĩ mạnh là bởi chính cái tính chất vô tư của nó, và cái vô liêm sỉ, cái kiểu làm quen chướng mắt đó không sớm thì muộn cũng gây ra tai họa, và chính họ một ngày nào đó sẽ là nạn nhân của cái quỷ quyệt thối nát của chính mình.
Tóm lại tôi muốn nhờ ông nói với những người đó là cái lối tiếm nhận kỳ lạ của họ, sự ngụy tạo để lung lạc kẻ khác khỏi cương vị của kẻ đó sẽ chỉ đưa đến khinh bỉ, thương hại và rốt cuộc đến nhà thương điên, hơn nữa luật pháp không cho phép như vậy, vì mỗi người phải chấp nhận cương vị riêng của mình. Điều gì cũng có giới hạn, và nếu đó là chuyện đùa thì thật là một chuyện đùa không phải chút nào. Tôi còn muốn nói hơn thế nữa rằng đó là chuyện phi luân, và thưa ông tôi chắc chắn với ông rằng quan niệm của tôi là chỗ đứng riêng biệt của một người luôn luôn có tầm mức luân lý cao nhất.
Trân trọng,
Yakov Golyadkin”.