óa hàng đủ cả Nam và Bắc [1]
Cụ Nguyễn Quyền, trong cuốn
Đông Kinh Nghĩa Thục của Đào Trinh Nhất nói rằng đồng bào quyên trợ cho trường rất nhiều, nên muốn hành động gì cũng dễ, và tới khi trường đóng cửa, quỹ còn dư trên vạn đồng, một vạn đồng hồi đó bằng mấy triệu bây giờ.
Lời ấy chỉ đúng một phần. Hồi mới, dân khí đương lên, ai nghe thấy nói một số nhà cựu học và tân học dắt tay nhau gây nên phong trào duy tân đầu tiên trong nước, cũng hoan nghênh, hăm hở giúp, kẻ công, kẻ của, có kẻ cả của lẫn công. Những nhà quyên nhiều nhất là hiệu kim hoàn Thế Xuân ở hàng Bạc, và hiệu hàng tấm [2] Phúc Lợi ở hàng Ngang, chủ nhân hiệu này là học trò cụ Lương. Hai nhà đó giúp mỗi lần hai, ba trăm đồng. Như tôi đã nói, cụ Lương giữ tiền, cụ Nguyễn Quyền giữ sổ sách. Nhà nho mà biết công việc kế toán là gì đâu, làm toán nhân toán chia sợ còn sai, nhất là lại bận nhiều việc khác trong trường, nên sổ sách tất có chỗ không được kỹ lưỡng, rành mạch, và đã có lần vài hội viên xin cụ Lương giao việc kế toán cho người khác, song cụ nhất định không nghe, bảo như vậy không có lợi cho tiếng tăm của trường. Nhiều người phục cụ ở chỗ đó.
Nghĩa thục càng mở mang thì chi phí càng nhiều mà số người hằng tâm có hạn, quyên nhiều lần quá, ai cũng ngán. Các cụ thiếu kinh nghiệm, thiếu tổ chức, không dự tính số thu và số chi cho từng khoản, đã không bắt hội viên đóng nguyệt liễm, học sinh đóng học phí, mà thấy việc gì nên làm cũng không từ nan, thành thử số thu mỗi ngày một giảm mà số chi mỗi ngày một tăng, nào tiền mướn nhà, tiền đóng bàn ghế, tiền giấy mực cho giáo sư và cả học sinh, tiền cơm buổi trưa cho mấy chục người ăn, tiền khắc bản gỗ, in sách và tiền giúp thanh niên xuất dương nữa. Như vậy nền tài chánh làm sao vững được, và sáu bảy tháng sau khi trường mở cửa, quỹ đã gần cạn; cụ bà Lương văn Can phải bán một hiệu buôn, hiệu Quảng Bình An ở hàng Ngang, lấy số tiền 7000$ đưa cho cụ ông chi tiêu vào việc trường. Sau này, kể lại việc đó với một người thân trong nhà, cụ bà nói:
- Tôi cầm bút ký tờ đoạn mãi mà tay run lên. Từ nhỏ, có bao giờ dám động tới di sản của tổ tiên đâu. Bán cửa hiệu đó xong, độ một tháng sau trường bị đóng cửa, nếu không, tôi không biết trường sẽ phải dùng cách nào để kiếm tiền.
*
Khi soạn các bài ca khuyến công, thương, hội cũng đã nghĩ đến việc mở các hiệu buôn và các xưởng để kiếm lời giúp quỹ. Nhưng hội không đủ tiền đề tổ chức những cơ quan đó nên chỉ khuyên hội viên ai có vốn thì đứng ra kinh doanh, rồi nếu có lời, tùy ý giúp hội bao nhiêu cũng được. Giải pháp đó có tính cách tạm bợ, vì sức lẻ loi của mỗi người khó cạnh tranh nổi với tổ chức của Hoa kiều. Nhất là các nhà nho có tâm huyết đâu phải là con buôn, thiếu kinh nghiệm, thiếu cả thực tế, mười phần thì thất bại chắc bảy, tám rồi; còn hạng con buôn thông thạo thì chỉ nghĩ sao thu thật nhiều, xuất thật ít, mấy ai chịu chia cho Nghĩa thục? Rốt cuộc, quỹ của hội không nhờ vậy mà đỡ nguy được phần nào. Nhưng về phương diện tinh thần thì hội đã thành công: chính vì lối làm việc hăng hái tài tử của các cụ mà quốc dân mới có nhiều cảm tình, phong trào mới có tiếng vang lớn, và Nghĩa thục đã phá được cái tục khinh công, thương, từ mấy ngàn năm truyền lại mà đề cao hàng nội hóa làm cho nhiều người không nhắm mắt khen hàng Tây là đẹp, hàng Tàu là quý nữa.
*
Người đầu tiên chấn hưng thực nghiệp ở Trung là cụ Phan Tây Hồ. Cụ mở Quảng Nam thương hội mướn dệt những thứ vải dày, có thứ may âu phục được, rồi đích thân cụ làm gương cho đồng bào, cắt một bộ đồ tây bằng thứ vải nội hóa đó [3].
Cụ đã thực hiện đúng lời khuyên đồng bào trong bài
Tỉnh quốc hồn ca của cụ:
.....................................Người mình đã vụng về trăm thức,Lại khoe rằng “sĩ nhất tứ dân”,Người khanh tướng kẻ tấn thânTrăm nghề hỏi có trong thân nghề nào?Chẳng qua là quơ quào ba chữ,May ra rồi ăn xớ của dân;Khoe khoang rộng áo dài quần,Tráp giày bệ vệ rần rần ngựa xe.Còn bực dưới ngo ngoe vô kể,Học cúi luồn kiếm kế vơ quào,Thầy tú lại bác kỳ hào,Gặm xương mút đũa lao xao như ruồi.Lại có kẻ lôi thôi bực giữa,Trên lỡ quan, dưới nữa lỡ dân,Ấy là học sĩ văn nhân,Ăn sung mặc sướng mà thân không làm.....................Loài người đã không tài không nghiệpPhải sanh ra nhiều kiếp gian nan,Đua chen dối trá muôn vàn,Gà bầy đá lẫn, cá đàn cắn nhau.Ngồi nghĩ lại càng đau tấc dạ,Hỡi những người chí cả thương quê,Mau sau đi học lấy nghề,Học rồi ta sẽ đem về dạy nhau.Nhưng ở Trung, dân thì nghèo mà tinh thần quan lại còn quá nặng, số người hưởng ứng lại ít, nên công việc cụ không phát đạt và phong trào chấn hưng công nghệ không tiến mạnh bằng ở Bắc.
*
Tại Bắc, một trong những nhà nho cách mạng đầu tiên đứng ra khuếch trương thương nghiệp có lẽ là cụ Đỗ Chân Thiết.
Cụ là con một nhà gia thế ở làng Thịnh Hào (Hà Đông), người phốp pháp, tinh thần khoáng đạt, hào phóng, làm biếng học mà có tài văn thơ [4]. Hễ lại thăm bạn bè, thấy ai đương đọc sách, cụ cũng giật lấy, liệng đi nói: “Dũ học dũ ngu” hoặc “Hiền thánh liêu nhiên, tụng diệc si”, rồi kéo người đó đi chơi.
Cụ bà làm chủ một hiệu kim hoàn ở phố hàng Bạc, có phần phong túc, nên cụ được rảnh, hoạt động cho Nghĩa thục và cho phái bạo động của cụ Sào Nam.
Cụ thi một lần không đậu, bỏ luôn khoa cử, nhân dịp vua Thành Thái đi bái yết lăng tẩm ở làng Gia Miêu (Thanh Hóa) năm 1904 (?), cụ cùng cụ Phương Sơn thảo một bản Hưng quốc sách xin vua Thành Thái xét lại hòa ước Giáp Thân (tức hòa ước Patenôtre) mà đòi quyền tự trị về mình. Đại ý hai cụ viết:
“Trong hòa ước đó, có nói rõ Trung, Bắc lưỡng kỳ là đất bảo hộ mà theo công pháp thì trong một xứ bảo hộ, chính chủ địa phương được quyền tự trị, chánh quốc chỉ giữ quyền binh bị và ngoại giao thôi. Nước Pháp không thi hành đúng những điều đã cam kết vì thấy không có ai phản đối họ cả. Nếu Hoàng thượng cùng với bá quan, nhân dân cương quyết yêu sách, cho sứ thần qua Ba lê thương thuyết thì chánh chủ Pháp tất phải trả quyền tự trị cho ta mà có quyền đó ta mới dễ thực hành những cải cách ích quốc lợi dân như các cụ Trần Bích San, Nguyễn Trường Tộ đã đề nghị: bãi khoa cử, lập tân học đường, mở nghị viện, khuếch tương công nghệ...”Thảo xong, hai cụ lên xe lửa vào Thanh Hóa, xin yết kiến viên Tổng đốc, trình bản Hưng quốc sách và yêu cầu dưng lên vua Thành Thái khi xa giá tới. Viên Tổng đốc chối từ:
- Việc các thầy bàn đó là việc bang giao đại sự, chỉ khi nào bệ kiến mới nên dưng, ở đây có tai mắt của người Pháp. Vả lại, bản chức không biết Pháp văn, không rõ tờ hòa ước đó nói sao, nên không thể đảm nhận được việc.
Hai cụ bèn trở về Hà Nội. Ít năm sau, rủ nhau đi buôn, mướn thuyền về miền Hải Dương, Thái Bình mua gạo chở về Hà Nội bán. Nhưng đi buôn mà các cụ vẫn giữ cái vẻ quan cách. Thuyền về đậu ở bến cột Đồng Hồ. Mấy cô khách hàng xuống mua, lên tiếng hỏi: “Chú lái, chuyến này có gạo tốt không?”, rồi nhìn vào trong khoang, thấy nào là tráp khảm, điếu khảm, lại thêm mấy pho sách và hai thư sinh áo xuyến, khăn lượt chỉnh tề, các cô thẹn thùng, chạy một mạch lên bờ, tưởng là xuống nhầm thuyền của các thầy cử, thầy tú. Hai nhà nho ta hết hơi gọi:
- Cứ xuống mua. Chúng tôi là lái buôn đây mà.
Càng gọi, các cô càng chạy, cho là các “ông ấy đùa”. Thành thử thuyền đậu mấy ngày mà bán không được, sau phải nhờ một bà xuống ngồi bán giùm, chỉ nửa buổi đã hết. Thực các cụ không ngờ rằng đi buôn cũng phải học như học làm thơ, làm phú, mà cứ nghĩ hễ văn hay chữ tốt thì việc gì làm cũng được.
Vụ đó thất bại, cụ Chân Thiết xoay cách khác, hùn với vài đồng chí được độ ngàn rưỡi, mở hiệu Đồng Lợi Tế ở phố Mã Mây. Cụ nghĩ: “Người Tàu vơ vét hết quyền lợi thương mại của ta. Bây giờ ta ra tranh với họ, nhất định không bán sản phẩm của Trung Quốc, chỉ chuyên bán thổ hóa”. Và cụ chuyên bán gạo cho tù, số lời cũng khá, giúp cho quỹ Nghĩa thục được đôi chút.
Ít lâu sau, cụ mở thêm một hiệu thuốc Bắc, hiệu Tụy Phương ở gần ga Hàng Cỏ. Cụ và cụ Phương Sơn thay phiên nhau làm ông lang, nhưng trò cười ở bên gạo lại tái diễn trong hiệu thuốc. Thầy lang trẻ quá, mới trên hai chục tuổi, lại có vẻ sang trọng đẹp trai, nên phe phụ nữ tới hốt thuốc, bẽn lẽn vội trở ra hết, gọi gì cũng không quay cổ lại. Cụ Chân Thiết đành yêu cầu một cụ Tú đứng tuổi (cụ Tú họ Phùng người làng Bưởi) và cụ Võ Hoành lại trông nom giùm.
*
Các đồng chí trong Nghĩa thục đều tán thành công việc thực nghiệp đó. Cụ Hoàng Tăng Bí mở hiệu Đông Thành Xương ở Hàng Gai, vừa buôn bán vừa làm công nghệ, lần đầu tiên dùng những khung cửi rộng dệt thứ xuyến bông phù dung lớn (kêu là xuyến bông đại đóa), rồi nhuộm đen, bán rất chạy. Cụ Hoàng còn chế ra các thứ trà tàu, trà mạn, trà hột ướp sen và một thứ giấy hoa tiên để cạnh tranh với Hoa kiều.
Hiệu Cát Thành ở Hàng Gai và hiệu Hồng Tân Hưng ở Hàng Bồ, cũng mở vào lúc ấy.
Rồi do cụ Tùng Hương [5], phong trào lan tới các tỉnh nhỏ. Hồi đó, tỉnh Phúc Yên mới thành lập, cụ lên đấy mở hiệu Phúc Lợi Tế; lại xuống Hưng Yên mở hiệu Hưng Lợi Tế. Cụ thấy chuyên bán nội hóa thì ít hàng quá, không mau khá được, nên cụ đổi phương sách, bán đủ mọi thứ tạp hóa, bất kỳ nội hay ngoại.
Cũng năm 1907, một đồng chí khác, cụ Nguyễn Trác, mở một hiệu ở Việt Trì, đặt tên là Sơn Thọ (tức Sơn Tây và Phú Thọ hợp lại).
Hết thảy những hiệu ấy tuy là của riêng từng người hoặc từng công ti, nhưng đều đeo đuổi một mục đích: làm nơi tụ họp, liên lạc các đồng chí, tuyên truyền cho phong trào duy tân, cổ động dùng nội hóa, khuếch trương công nghệ, và có lời thì bỏ vào quỹ Nghĩa thục. Người làm trong hiệu chỉ được nuôi cơm, chứ không lãnh công.
Hai hiệu Đông Thành Xương và Sơn Thọ, vốn lớn nhất, trang hoàng đẹp, bán nhiều đồ nội hóa như quạt lông, đồ tre đương tại làng Đại Đồng (Sơn Tây), khay trúc ở Nghệ An, giày Kinh, lãnh Bưởi, lãnh Sài Gòn.
Phong trào kích thích đồng bào tới nỗi vài quan lớn đương thời cũng khảng khái xin nghỉ việc để về nhà đi buôn. Như cụ Nghiêm Xuân Quảng [6] đương làm án sát Lạng Sơn, cáo quan về mở hiệu buôn tơ ở Hàng Gai (hay Hàng quạt?) và chính cụ ngồi cân tơ.
Và như sau nay độc giả sẽ biết, phong trào lan cả vào tới Nam: tại Sài Gòn có
Minh Tân khách sạn của cụ Phủ Chiếu, có
Chiêu Nam lầu của cụ Nguyễn An Khang; ở Bến Tre có hiệu thuốc bắc
Tư Bình Đường của một nhà nho (khuyết danh) quê ở Quảng Bình; ở Chợ Thủ (Long Xuyên) có hiệu
Tân Hợp Long (sau đổi là Tân Quảng Huệ) của cụ Hồ Nhựt Tân [7], ở Long Xuyên có một tiệm của cụ Nguyễn Đình Chung.
*
Vậy ta có thể nói kết quả về tinh thần rất đáng mừng. Nhưng kết quả về tài chánh cho Nghĩa thục thì không đáng kể, vì hai nguyên nhân:
Nguyên nhân thứ nhất là các hiệu ấy, trừ hiệu Cát Thành, chỉ mở được ít năm, khi Nghĩa thục bị rút giấy phép thì cũng lần lượt đóng cửa, mà trong một hai năm đầu lợi chưa có mấy.
Nguyên nhân thứ hai, quan trọng hơn là nhà nho buôn bán rất dở. Có cụ bệ vệ quá, khách hàng không dám lại gần. Chẳng hạn, một lần cụ Phương Sơn có dịp lên Việt Trì, lại thăm hiệu Sơn Thọ, tới cửa hiệu, thấy một đám tổng lý đương ngó tủ kính. Cụ mời các ông ấy vào chơi trong hiệu, các ông ấy đáp:
- Chúng tôi không dám ạ. Hiệu này là hiệu các quan lớn, chúng tôi không dám.
Cụ ngạc nhiên, nhưng khi bước chân vào thì hiểu ngay: ông chủ có vẻ quan lớn thật, ăn cơm mà có gia nhân cầm quạt lông đứng hầu, so với các ông chủ hiệu Hoa Kiều, khác xa quá. [8]
Có cụ lại đa tình, không nỡ đòi tiền người đẹp. Khi cụ Chân Thiết bận việc về Nghĩa thục, cụ phải mượn một đồng chí trông nom hiệu Đồng Lợi Tế. Được vài ba tháng, một hôm cụ này nhất định xin thôi. Cụ Chân Thiết gạn hỏi mãi, cụ chỉ bẽn lẽn, ngập ngừng, hồi lâu mới dám thú:
- Tiểu đệ tự xét không đủ tư cách, lãnh việc đó nữa e có tội với tôn huynh. Tôn huynh còn nhớ con mụ me Tây thầu gạo cho tù đó không? Nó cứ ỳ ra không chịu trả tiền. Nó thiếu hai ba trăm đồng rồi, hỏi lần nào nó cũng bảo nhà nước chưa làm
măng đa,
măng điếc gì đó, rồi hứa hết tuần này đến tuần khác.
- Sao tôn huynh để cho nó thiếu nhiều như vậy? Bắt nó trả hết số cũ rồi mới bán thêm chứ.
- Vâng, thì tiểu đệ vẫn tự nhủ lần sau sẽ nhất định không bán chịu. Nhưng lẩn sau nó tới, vừa mới ở trên xe bước xuống đã nhoẻn miệng cười, rồi lễ phép chắp tay chào đệ, yểu điệu bước vào, vén tà áo xuyến ngồi ở đầu sập mở cái tráp nhỏ của nó ra, hai bàn tay trắng nuốt như búp lan đỡ một miếng trầu thơm phức hoa bưởi, đưa ra mời đệ, thì hồn phách đệ đi đâu mất hết, không thế nào mở miệng ra đòi tiền nó được nữa; thế rồi nó xin khất đến kỳ sau, đệ cũng cho khất, nó lại xin cân thêm gạo, đệ cũng cho cân. Và khi nó về rồi, đệ mới giận đệ là ngu, là dại. Tôn huynh có thương đệ thì kiếm người khác thay đệ; chứ như vậy mãi đệ còn mặt mũi nào trông thấy anh em đồng chí nữa.
Cụ Chân Thiết rũ ra cười:
- Dại gái như tôn huynh mới có một. Thôi để tôi kiếm người khác thay tôn huynh. Tôn huynh kém Lương Khải Siêu xa. Lương, trong khi trôi nổi vì cách mạng, có lần gặp một mỹ nhân quyến luyến ông ta lắm. Ông ta quyết dứt áo ra đi, sau khi tặng nàng bốn câu này:
Hàm tình khảng khái tạ thuyền quyên,
Giang thượng phù dung các tự liên.
Biệt hữu pháp môn di khuyết hám,
Đỗ lăng huynh muội diệc nhân duyên.
Ngậm tình khảng khái tạ thuyền quyên.Sông bến phù dung cũng tự liênCòn có phép màu bổ chỗ khuyết,Anh em họ Đỗ đẹp nhân duyên. [9]
Chúa đa tình là cái nòi cách mạng. Nhưng đa tình mà cắt được tình thì mới đáng là cách mạng. Tôn huynh chỉ mới được có một nửa.
Chú thích:[1] Câu thơ này và câu thơ ở đầu chương sau trích trong một bài thơ của cụ Lương văn Can mừng một hiệu thuốc bắc của một người trong Nghĩa thục.
[2] Tức hàng tơ lụa vải.
[3] Sau, bị đày ra Côn đảo, cụ học nghề làm đồi mồi, qua Pháp, học nghề sửa ảnh. Đậu phó bảng mà làm thợ, nước nhà chắc chỉ có cụ.
[4] Hồi cụ còn trẻ, trong một cuộc thi thơ, vịnh về Thất tình (Bảy tình của con người), cụ có hai câu tả tình giận như sau:
Hạng Bá nhân ca đầu bạo hổ.Liễu Tây thiếp mộng đả hoàng oanh.Xét theo quan niệm cổ về thơ thì hai câu đó rất hay. Câu trên nhắc tới tên một thiên sách là Hạng Bá, trong đó nói có kẻ bị người ta ghét đến nỗi giận dữ trả lại cho trời, trời không nhận, người ta phải liệng cho hổ dữ xé thây.
Câu dưới mượn điển trong một bài thơ Đường tả nỗi giận của một chinh phụ đương nằm mê thấy đến đất Liêu Tây thăm chồng thì con oanh bỗng hót lên làm tan mất mộng đẹp.
Bài thơ đó có bốn câu:
Đả khởi hoàng oanh nhi,
Mạc giao chi thượng đề.
Đề thời kinh thiếp mộng,
Bất đắc đáo Liêu Tê.
(Chính là Liêu tây mà đọc là Liêu Tê cho có vần)
Ném đuổi con oanh vàng.Trên cành, đừng hót vang,Làm tan giấc mộng thiết,Chẳng đến Liêu thăm chàng.[5] Anh ruột cụ Phương Sơn, quê ở Phương Khê (Sơn Tây) nên trong Nghĩa thục thường gọi là Đại Phương để phân biệt với cụ Phương Sơn là Tiểu Phương.
[6] Cụ nhỏ tuổi mà đậu tam giáp tiến sĩ. Tại làng cụ có hai ông Tổng đốc già tranh nhau chức tiên chỉ, không ai chịu nhường ai, ông thì cậy mình
đậu phó bảng, (nhưng chưa được thực thụ Tổng đốc), ông thì cậy mình đã thực thụ tổng đốc (nhưng chỉ là ấm sinh, chứ không xuất thân khoa mục). Khi thanh niên họ Nghiêm vinh quy, hai ông già kia không dám tranh, phải nhường ngay ghế tiên chỉ cho chàng. Vì vậy có người tặng họ Nghiêm đôi câu đối:
Địa mạch tam vương chung vượng khí,
Quốc triều lưỡng chế nhượng anh niên,
Mạch đất Ba Vua đúc nên khí vượng,Hai Tổng đốc quốc triều phải nhường người trẻ tuổi.(Mạch đất Ba Vua là nói về khoa phong thủy, giảng hơi dài giòng mà cũng vô ích, chúng tôi xin miễn chú thích)
[7] Chính cụ sau này có lần tranh chức Tổng thống với Ngô Đình Diệm.
[8] Sau, phải để cho một người khác quản lý. Ông này thực tận tâm, nhiệt thành với hội, không mưu lợi riêng nên khi ông mất vì ra huyết quá nhiều lúc mổ tràng nhạc, một đồng chí điếu ông đôi câu đối:
Dĩ thương hợp quần, quốc khả danh thê, ninh vị lợi?
Lưu huyết ư bệnh, hồn đương tác lệ, vị quan tình.
(Buôn bán để hợp quần, nước là người yêu, đâu vì lợi?Huyết ra đến nỗi chết, hồn thành quỷ dữ, vị tình thương)[9] Hai câu sau có nghĩa là “đem tình cầm sắt đổi ra cầm kỳ”.