Chương 10

     uổi chiều, Phượng ra quán sách. Bác Vinh đi công chuyện về còn say ngủ, chả buồn mở cửa. Phượng giúp bác dọn hàng. Chiều mát, thiên hạ thường rủ nhau dạo phố, thế nào hàng cũng đông khách.
Diệu Hương cũng vừa đến:
- Chị Phượng, em cho chị coi cái ni, hay lắm.
Cô mở ví, lấy ra một tấm hình màu của Hoàng:
- Minh Hoàng tặng em nì.
Phượng hững hờ:
- Đó là tấm hình đẹp nhất của anh ta. Chị thấy bán đầy đường.
Diệu Hương chu môi rất dễ thương:
- Quan trọng nhất là lời đề tặng kia, chị lật bề sau xem đi.
Nét chữ quen thuộc của Hoàng đập vào mắt Phượng: “Thương yêu tặng Diệu Hương, người đẹp đang chiếm giữ linh hồn anh”. Thật là sáo ngữ. Vậy mà xem kìa, Diệu Hương đang nâng niu tấm hình, áp vào má, để lên môi, mắt cô mơ màng, chắc giờ này trong trái tim cô đang đầy ắp hình bóng Hoàng.
- Chị Phượng nì, sáng nay có rất nhiều người đến gặp Hoàng. Phỏng vấn có, chụp hình có, xin chữ ký có... nhưng Hoàng chỉ để ý đến một mình em, ảnh nhìn em hoài làm em ngượng chín cả người lên.
Phượng lại nhớ đến ngày đầu tiên gặp Hoàng tại Đà Lạt, ánh mắt Hoàng nhìn nàng cũng cháy bỏng đam mê. Hồi đó, Phượng cũng như Diệu Hương, nàng yêu Hoàng bằng một tình cảm đầu đời nồng cháy. Rồi sau này, biết anh giả dối, tham lam, anh hoài hoài ưa thay cũ đổi mới, Phượng vẫn cố gắng nghĩ tốt cho anh, Phượng vẫn chạy theo hình bóng anh như con thiêu thân mù quáng lao mình vào ánh đèn rực rỡ hào quang.
- Chị Phượng, chị thấy những lời Hoàng ghi tặng em tình tứ không, chừ thì em khỏi cần chị giới thiệu cho em quen Hoàng nữa, Hoàng đã xem em như bạn và còn hẹn ngày gặp lại nữa. Đố chị biết tại sao?
Phượng không thể im lặng, nàng nói:
- Tại vì em đẹp.
Diệu Hương nghiêng đầu, ánh mắt long lanh:
- Hoàng khen em đẹp, em thông minh, em hội đủ tất cả tính cách một người tình lý tưởng trong mộng ước của anh ấy.
Lại thêm một con thiêu thân. Phượng cảm thấy thương hại cho Diệu Hương. Có nên ngăn cản bước chân mù quáng của cô bé xinh đẹp này không? Con gái Huế bề ngoài trông trầm lặng nhưng bên trong âm ỉ ngàn đợt sóng ngầm, có trời mới biết điều gì sẽ xảy ra. Thôi cứ mặc, bài học nào cũng phải trả giá, hơn nữa, Phượng không là gì của Diệu Hương cả thì nàng lấy tư cách gì để cấm cản cô?
Diệu Hương đeo ví lên vai:
- Thôi em đi về đã. Chốc nữa chị xin lỗi ông nội dùm em. Ông nhờ em phụ bán hàng cùng chị nhưng em bận quá...
- Em yên tâm, chị bán một mình cũng được. Khi nào rảnh, giúp chị cho vui, em còn phải lo học hành chứ.
- Em có ghi tên vào Tổng Hợp nhưng chắc là bỏ chị ơi.
- Sao vậy.
- Em giải đề thi không kịp.
- Kệ, thi thử xem sao. Hồi đó, chị cũng thi đến lần thứ hai mới đậu.
Nhìn theo dáng người cân đối của Diệu Hương xa dần, Phượng nghe lòng xao xuyến lo âu. Nàng linh cảm có một điều tồi tệ sắp xảy đến nhưng nàng không thể can ngăn được.
- Chào cô hàng sách!
Phượng ngẩn lên:
- A, chú Long. Chú về đây bao giờ thế!
Nhà đạo diễn kịch kiêm ciné ngạc nhiên:
- Ủa, dì Hạnh không nói gì với cháu sao? Chú có điện tín cho dì báo tin hôm nay chú ra mà.
Phượng nheo mắt:
- Chú chủ quan thế. Dì Hạnh vẫn còn giận chú dài dài. Liệu mà năn nỉ nha.
Ông Lòng nhìn Phượng dò hỏi:
- Thiệt không cháu! Chú đã viết rất nhiều thư cho dì Hạnh. Ban đầu, dì không nhận, nhưng sau đó, thư không bị trả về nữa. Dù dì chưa hồi âm, nhưng chú rất hy vọng là dì đã nghĩ lại.
- Cháu cũng hy vọng như chú. Báo tin cho chú mừng, dì Hạnh dạo này đã bớt buồn nhiều. Chú hối lộ gì cho cháu, cháu sẽ kể tiếp cho nghe.
- Chà, Phượng định giở thói tham nhũng với chú à. Được, cháu muốn gì chú cũng chiều. Nào, cháu nói đi.
- Cháu muốn biết cuốn phim chú đang chuẩn bị đã tới đâu rồi? Chú chọn người đóng vai chính chưa? Có phải là Hoàng, là Thùy Linh không?
Ông Long trầm ngâm:
- Chú đã viết xong phân cảnh. Diễn viên cũng đã chọn xong, vai nữ chính có thể là Thùy Linh, nhưng vai nam chính không phải là Hoàng.
Phượng tròn mắt:
- Ơ, vậy mà cháu cứ tưởng... Cách đây không lâu, cháu có gặp Hoàng. Anh ta đang nôn nóng về cuốn phim của chú lắm.
- Chú nghe nói Hoàng vừa thành công trong một vở kịch của đài truyền hình Huế phải không?
- Đúng đó chú. Bây giờ mà Hoàng được đóng phim nữa thì danh vọng của ảnh không biết dâng cao đến đâu.
- Nói thì nói vậy thôi, chứ cuốn phim cũng chưa khởi sự bấm máy đâu. Chú phải lo cho xong chuyện gia đình của chú trước đã.
Phượng reo nhỏ:
- Cháu cũng thật đoảng quá. Chuyện quan trọng nhất không hỏi lại lo đi nói chuyện đâu đâu. Chú Long ơi, vụ chú và bà Mộng Thu đã yên chưa?
- Ngay cả khi bà ta ra đây quậy, chú và bà ấy đã xong thủ tục ly dị. Thật ra bà ta không có quyền gì với chú nữa cả. Bà chỉ bốc đồng tuyên bố bậy bạ với báo chí mà thôi. Cháu còn lạ gì mấy anh phóng viên nữa, chuyên môn đi săn tin giật gân, thì dại gì họ bỏ qua chuyện này. Thế là thêm mắm dặm muối, họ biến con ếch thành con bò. Cháu hiểu chứ?
- Dạ cháu rất hiểu.
Giọng ông Long buồn buồn:
- Vậy mà dì Hạnh không chịu hiểu cho chú.
Phượng ái ngại:
- Chú nên thông cảm cho dì Hạnh. Ở cái thành phố Huế cổ xưa này, dì không thể bất chấp dư luận được. Mối tình chân thành của dì bị rêu rao trên báo chí, là một cú sốc lớn. Dì đã đau khổ đến ngã bệnh cũng chả có gì lạ.
Ông Long lo âu:
- Chú nghe nói dì Hạnh dạo này gầy lắm, phải không cháu?
- Ai bảo chú thế?
- Chú vừa gặp Minh xong. Chính Minh cho chú biết cháu đang là một cô hàng sách.
- Đúng là anh chàng xạo. Dì Hạnh vẫn khỏe chú ạ, chú đừng lo gì cả, cháu luôn luôn là đồng minh của chú.

*

Chủ nhật, Phượng ở nhà giúp dì Hạnh giặt một thay quần áo đầy ắp. Nước giếng mát trong quyện bột xà bông tung lên bọt trắng, làm nổi nước da trắng hồng của đôi bàn tay hai dì cháu. Phượng khen:
- Mầu sơn móng tay của dì đẹp quá.
- Tại tối nay dì đi ăn đám cưới nên mới làm móng tay, chứ dì ghét sơn xanh sơn đỏ lắm.
- Vậy dì để cháu giặt hết cho, kẻo tróc móng tay giờ.
- Không sao đâu cháu, việc của dì mà.
Nắng soi bóng lá trong vườn thấp thoáng trên vai dì Hạnh, môi dì hồng tươi, đôi mắt đen tròn. Phượng thấy dì vẫn còn rất trẻ. Nàng chợt nghĩ đến ông Long, đến những lời nói chân thành của ông... không biết, dì Hạnh đã hay tin ông về Huế chưa? Phượng đã hứa với ông là nàng sẽ đứng về phe với ông mà. Vậy đây là dịp tốt nhất để nàng thăm dò tình cảm của bà dì ruột khó tính của mình:
- Dì ơi, chú Long có đánh điện tín cho dì, dì đã nhận được chưa?
Dì Hạnh thoáng giật mình:
- Sao cháu biết.
Phượng nheo mắt:
- Vậy mà dì dấu cháu héng. Cháu đã gặp chú Long rồi nè. Sao dì ác vậy, sao dì không đi đón chú Long?
Dì Hạnh ngập ngừng:
- Phượng ạ, cháu không nên trách dì như rứa. Thiệt dì muốn nổ tung cả đầu óc ra vì suy nghĩ đây nì.
- Dì còn đắn đo chi nữa, chú Long đâu còn gì ràng buộc nữa.
- Nhưng còn ông bà ngoại của cháu, còn dư luận, còn chòm xóm láng giềng.
- Dì đừng xưa quá như vậy. Nếu dì cương quyết, ông bà sẽ thông cảm cho dì. Còn dư luận, không nên sống dựa vào dư luận mà phải sống cho mình dì ạ.
Dì Hạnh bối rối:
- Dì cũng chả biết tính sao nữa? Cháu có thể giúp cho dì ý kiến được không?
Phượng nghe lòng rộn niềm vui, như vậy là ông Long trúng số rồi.
- Thiệt hả dì. Nhưng dì phải hứa là cháu nói sao dì nghe vậy nha.
- Cháu khôn vừa thôi chớ, dì chỉ nghe khi cháu nói đúng mà thôi.
Thau áo quần đã giặt xong, Phượng vắt khô nước rồi chuyền qua cho dì Hạnh máng lên hai cây sào dài. Hai dì cháu đến ngồi nghỉ mệt dưới bóng râm tàng nhãn lồng. Phượng ngước lên cao:
- Dì ơi, nhãn vườn mình chắc là to lắm dì nhỉ.
- Ừ, năm ni được mùa cháu nờ.
- Bao giờ mới hái hả dì?
- Dì đã nhắn người rồi, họ hẹn tuần sau.
Phượng ngắm nhìn những chùm nhãn được bọc trong các mo càu dày màu nâu sậm, xuýt xoa:
- Cháu thích nhãn Huế hơn nhãn Sài Gòn.
Dì Hạnh gật gù:
- Đúng đó, nhãn Sài Gòn toàn nước và hột, chẳng có cơm.
Phượng nói rất nhẹ:
- Ở đây mát ghê. Đố dì, ai là người thích ngồi dưới gốc nhãn này nhất?
Dì Hạnh cười:
- Đố kiểu như cháu ai mà nói được.
Phượng nghiêng đầu:
- Vậy mà dì nói được đó. Thôi để cháu nói dùm dì đi nghe. Nhưng cháu xin lỗi dì trước, vì một hôm nọ cháu đã nghe lén, câu tuyên bố xanh rờn của chú Long: “Anh muốn suốt đời ngồi mãi dưới gốc cây này để thở mùi hương nhãn thoảng qua mái tóc em...”
Dì Hạnh đỏ mặt:
- Kìa Phượng, cháu im đi.
Phượng nhìn thẳng vào mắt dì:
- Dì Hạnh, dì đừng dối lòng nữa. Hãy cùng cháu đi tìm chú Long, nhé.
Dì Hạnh kéo đuôi tóc quấn vào ngón tay:
- Phượng, mình là con gái, ai lại...
- Dì lại xưa rồi, mình đi thăm chú Long đường đường chính chính ban ngày ban mặt, sợ gì ai.
Dì Hạnh vẫn có vẻ ngần ngừ, Phượng im bặt. Không nên nài ép dì thêm nữa. Câu chuyện sáng nay đã có bước đầu thuận lợi, dì Hạnh không còn nhăn nhó khi nghe Phượng nhắc đến tên ông Long nữa. Phượng cầm tay dì:
- Dì ơi, cháu đi kêu chú Long đến nhà mình chơi nha.
- Không nên cháu ơi, chú ấy đang ở tại khách sạn, mà con gái...
Phượng ngắt lời, nàng nhắm mắt đọc như vẹt:
- Con gái không nên tới khách sạn, con gái không nên tới khác sạn, có phải dì muốn nói như vậy không? Dì kỳ ghê, không tới đó, làm sao kiếm được chú Long.
- Cháu nhờ Minh đi dùm có được không.
Phượng vỗ tay reo:
- Hay quá. Vậy là dì chấp nhận mời chú Long tới nhà mình rồi phải không dì.
Dì Hạnh lắc đầu lia lịa:
- Ai nói với cháu vậy. Cháu mời chứ dì không biết mô đó.
Nắng đã lên cao. Phượng đứng dậy đi vào phòng, để mặc cho dì Hạnh đứng ngẩn ngơ dưới gốc nhãn lồng.
Phượng quyết định đi gặp ông Long ngay chiều nay. Nghĩ đến nét mặt rạng rỡ của ông khi nghe Phượng nhắc đến tên dì Hạnh cùng những tin tức lạc quan nhất, Phượng không thể ngủ trưa được. Chưa tới hai giờ, Phượng đã ngồi dậy, sửa soạn thật nhanh rồi gọi xích lô qua khách sạn Thuận Hóa.
Hình như mọi người đang say ngủ. Những hàng hành lang thẳng tắp sạch bóng đứng im lìm trong ánh nắng gay gắt ban trưa. Phượng mở sổ tay xem lại số phòng của ông Long. Ông có dặn, phòng ông ở lầu một, nhìn ra đường Lê Lợi. Phượng rẽ về phía trái, cầu thang đây rồi. Một tiếng nói quen thuộc vọng xuống làm chân Phượng run lên bước không muốn nổi:
- Em yêu dấu, tối nay ta lại gặp nhau nhé.
Giọng con gái, trời ơi, tại sao lại là Diệu Hương? Âm thanh rất nhỏ:
- Anh của em, em chả muốn xa anh chút nào.
Bước chân hay người siết nhẹ trên cầu thang. Phượng lùi lại, nép mình sau một chậu cây kiểng lớn. Hoàng xuất hiện trước, chỉ thấy phía sau anh, tấm lưng rộng, dáng người cao ráo. Anh mặc chiếc áo pull màu đỏ, quần jean trắng. Sát bên anh, Diệu Hương tựa đầu vào bờ vai rộng, máy tóc dài xõa trên lưng áo mousseline màu hồng phấn, chiếc quần nhung nâu bó sát đôi chân dài thon thả trông rất gợi cảm. Hai người dừng lại nơi bậc thang cuối. Phượng quay mặt đi. Hoàng đang kéo Diệu Hương vào lòng và say đắm hôn cô. Phượng thụt lùi dần, lùi dần và nàng ra đến sân lúc nào không hay. Như bừng tỉnh cơn mơ, Phượng bỏ chạy như ma đuổi, điều nàng nghĩ đến trong lúc này là phải lánh xa Hoàng ngay, nàng không muốn thấy gương mặt con người dối trá ấy nữa, dù biết bao lần kẻ ấy đã dối trá nàng. Nhưng lần này thì quá lộ liễu, Hoàng hiện nguyên hình là một tên sở khanh thời đại, không biết chàng ta đã làm khổ biết bao người con gái rồi? Phượng đi nhanh qua đường, và như một cái máy, nàng nhảy lên một chiếc xe đò vừa đậu lại, mà không biết nơi đến sẽ là đâu. Phải tránh cho Diệu Hương sự ngỡ ngàng. Phượng thấy hành động của nàng rất hợp lý, cho nên khi xe đến trạm đỗ trước trường Quốc Học nàng yên tâm theo một số hành khách cùng bước xuống. Phượng đi ngược lại đường Lê Lợi, suy nghĩ miên man. Dù muốn dù không, Phượng cũng không thể đến tìm ông Long tại khách sạn Thuận Hóa được. Vậy thì làm sao để gặp được ông, để báo tin cho ông mừng, ôi ông thật xứng đáng làm “chú Hạnh” của Phượng biết bao.
- Phượng, Phượng.
Minh đang ngồi trên xe máy, chạy thật chậm:
- Trời đất, nãy giờ Minh đi kiếm Phượng muốn chết.
- Kiếm Phượng làm gì thế.
- Dì Hạnh nói mà, dì bảo Phượng đang nhờ Minh chở đi đâu đó. Phượng không nhớ thật à.
Phượng hơi khựng lại trước cách gọi của Minh. A, anh chàng bữa nay định giở quẻ gì đây mà đổi “chị” thành ra “dì”. “Dì Hạnh”, chà, thân mật dữ.
- Phượng nghĩ gì thế?
- Đâu... Phượng chả nghĩ gì cả.
- Vậy Phượng lên xe đi, Minh đưa đến nhà chú Long.
- Minh đưa Phượng về nhà đi, Phượng không ghé khách sạn đâu.
- Ai bảo với Phượng là chú Long ở khách sạn?
- Phượng gặp chú Long rồi chớ bộ. Ngay hôm chú tới Huế cơ.
- Sau đó, Minh lại gặp chú, chú đổi địa chỉ rồi, chú ở nhà khách bên An Cựu.
- Hay quá, vậy giờ mình qua chú Long nha.
Ông Long tỏ ra rất vui mừng khi Minh và Phượng tìm đến. Ông mời hai đứa uống cho được hai ly cacao sữa đá do chính tay ông pha, sau đó, ông mới bắt đầu câu chuyện. Phượng nói trước:
- Chú Long ơi, cháu đem tin vui tới cho chú đây.
Ông Long cười thật tươi:
- Vậy ư cháu, dì Hạnh chịu thông cảm với chú rồi à?
- Chú phải thưởng cho cháu cái gì cơ.
- Lại đòi hối lộ! Chú đã hứa rồi mà, cháu cứ yên chí đi. Sao! Ngay chiều nay, chú qua cháu được chưa?
- Chưa đâu chú. Ngày trước nhà cháu làm bún bò mời chú tới chơi thì bây giờ phải có một bữa tiệc khác chào đón chú chứ.
Ông Long cười hiền lành:
- Vậy thì cháu hãy trổ tài nội trợ nhanh lên. Món gì cũng được, chú không có tâm hồn ăn uống đâu, chú chỉ muốn gặp dì Hạnh thôi.
Minh xen vào:
- Cháu sẽ yểm trợ chú tới cùng. Nhưng chiều nay thì chưa được. Dì Hạnh bận đi ăn đám cưới, có thể dì sẽ hẹn với chú khi khác, ngày mai chẳng hạn.
Ông Long nôn nóng:
- Ngày mai à? Mấy giờ? Chú cho hai cháu số điện thoại nha.
Phượng cảm động. Người đàn ông đang ngồi trước mặt cô thật chung thủy đôn hậu. Ông Long có một khuôn mặt chữ điền, nét biểu tượng cho sự cương quyết, đôi mắt nghiêm nhưng đa cảm, nếu quan sát kỹ hơn một tí, người ta sẽ nhận được vẻ vui tính ẩn đầy khóe mắt. Ba đặc tính ấy hòa lẫn với nhau tạo cho ông Long một thế quân bình đặc biệt. Có lẽ Phượng mến ông Long ở điểm này mặc dù ông có rất nhiều nghệ sĩ tính mà Phượng thì không mấy thích những người nghệ sĩ khi nhìn họ qua con người Hoàng. Ông Long nhìn Phượng chăm chú:
- Cô bé đang dò xét chú đấy ư? Thử nói lên những gì bé nghĩ về chú xem nào.
“Thật là quỷ quái” Phượng nghĩ, nàng không thể qua mặt ông Long được.
- Cháu có cảm tưởng, chú là một con cáo già vui tính.
- Cô bé thành thật hết chỗ chê, khen cháu đấy. Chú tưởng cháu không bao giờ nói lên sự thật đúng như cháu nhận xét.
Phượng sung sướng:
- Tính cháu hay nói thẳng, nếu có điều gì phiền lòng, chú đừng giận cháu nhé.
Minh nhìn Phượng:
- Thôi mình về cho chú nghỉ.
Ông Long nheo mắt:
- Muốn đưa Phượng đi chơi thì nói đi, còn bày đặt quan tâm đến sức khỏe của chú nữa chớ.
Minh cười xòa:
- Đúng chú là chuyên viên đi guốc trong bụng người ta.
Ông Long tiễn Minh và Phượng ra cửa, ông âu yếm bảo Phượng:
- Nhớ điện thoại ngay cho chú, chú đang như chiếc hỏa tiễn trên bệ phóng mà đích đến là nhà ngoại cháu, đừng kéo dài nỗi chờ đợi của chú nha cháu.
Tội nghiệp ông Long ghê, Phượng thao thức không ngủ được, thật chả hiểu ra làm sao cả. Hồi nãy đi chơi về, Phượng nghe tiếng nhỏ to của ông ngoại nơi phòng khách. Tò mò, nàng nép sau cánh cửa, lắng tai. Câu chuyện đang đến hồi gay cấn:
- Theo tôi thì để tùy nó ông à.
- Sao lại tùy ý. Mình là cha mẹ, cái nhìn của mình phải rộng hơn nó chớ. Theo tôi, gả nó lấy chồng ở đây là hợp lý nhất, anh Phác lại là người Huế nữa, chưa có vợ con chi hết, thiệt là khỏe ru.
- Nhưng hình như con Hạnh còn thương nhớ cái ông Long Sài Gòn nớ lắm.
- Ôi, nghe cái tên Sài Gòn là tôi đã không ưa rồi. Thằng cha chi mà bê bối. Lấy chồng xứ Huế mình là tốt nhất.
- Mà con Hạnh nhà mình đã biết anh Phác ni chưa?
- Biết chớ răng không. Anh Vinh có dắt tới nhà mấy lần, ảnh làm mai đám này tôi chịu lắm.
Phượng nhíu mày. Phác nào cà. À, nàng nhớ rồi, người đàn ông mập mạp thỉnh thoảng hay theo bác Vinh đến chơi cờ với ông ngoại, trông ông ta cũng đẹp đẽ oai vệ, nhưng làm sao dễ thương bằng ông Long được. Không, nếu dì Hạnh nghe lời ông ngoại, Phượng sẽ phá tới cùng.
Dì Hạnh trở về nhà thật khuya, có tiếng cằn nhằn của ông ngoại:
- Con gái đi mô đêm hôm khuya khoắt.
Giọng dì Hạnh nhỏ nhẹ:
- Dạ con định về từ sớm nhưng tụi bạn cứ níu kéo.
- Thôi rửa mặt rửa tay đi rồi vào đây, ba mẹ có chuyện muốn bàn với con.
Phượng trăn qua trở lại. Chà, nói chuyện gì lâu thế không biết. Phượng muốn chạy xuống nghe lén nhưng không dám. Nàng nhắm mắt lại và cảm thấy thời gian như ngừng trôi. Không gian về khuya càng thanh thoát, bầy ve sầu tháng hạ chợt cất cao lời ca. Âm thanh rền rĩ xoáy xoay màn đêm. Phượng chợt cảm xúc, một dĩ vãng xa xôi vời vợi, mơ hồ trong tâm tưởng, lâng lâng trong tiềm thức, bỗng trở về với nàng thật rõ ràng không tưởng.
Hình ảnh cô bé con tóc thắt bím, mỗi buổi tối mùa hạ trong vườn nhà ngoại, đi theo các anh chị lớn soi đèn tìm bắt những chú ve sầu vừa lột vỏ, như hiện ra trước mắt Phượng. Niềm vui tuổi thơ của nàng gói trọn trong khung trời này, dưới tàng cây này, trên những chồi non bụi cỏ. Niềm vui của Phượng là hồn trẻ thơ rộn ràng giữa khí trời trong mát, là nhìn những thân ve nhỏ mềm màu xanh như lá non run rẩy giữa lòng bàn tay khép nhẹ. Phượng còn nhớ thật rõ, ngày xưa nàng đã kiên nhẫn ngồi hàng giờ trước bàn để nhìn một chú ve đang biến đổi từ trạng thái yếu mềm sang cứng cáp, màu xanh chuyển sang màu nâu đen liên tục lạ thường. Đôi cánh ướt nhẹp nằm sát mình được khí trời hong khô, những đường gân cứng dần, và cuối cùng đập mạnh trên nền gỗ cùng tiếng kêu đầu tiên cất lên chói tai. Chú ve nhỏ bay một vòng trong phòng rồi thẳng đường chao ra cửa sổ. Phượng không giữ lại, không nuối tiếc, nàng có cảm tưởng, trong bản hợp xướng rả rích cuối vườn, có thêm một giọng ca đang góp vào.
Dì Hạnh đã lên tới, nằm ghé bên Phượng. Phượng trở về thực tế.
- Dì
- Cháu chưa ngủ sao?
- Dì ơi, cháu đang suy nghĩ là mình nên làm món ăn gì Huế thiệt Huế để đãi chú Long đây.
- Cháu nói chi? Dì chưa hiểu
- Ủa, hình như sáng nay, hai dì cháu mình móc ngoéo rồi mà, nghĩa là cháu đã cho ý kiến, dì chịu và cháu đã gặp chú Long rồi.
Dì Hạnh thở dài:
- Cháu ơi, sự việc không đơn giản như cháu tưởng mô.
Phượng cảm thấy khó chịu:
- Cháu không đồng ý. Tất cả là do nơi ta cả. Nếu dì không chịu, ai ép được dì?
Dì Hạnh ngồi bật dậy:
- Cháu biết chuyện ni à.
Phượng ngồi dậy theo dì:
- Dì ạ, tình cờ cháu nghe được mà thôi. Cháu còn nhỏ thật đấy, nhưng cháu là người ngoài cuộc cháu thấy rõ sự việc hơn. Dì ơi, cháu van dì, dì đừng nhận lời ông Phác, dì đừng bóp nát trái tim của chú Long nha dì.
- Trời ơi, cháu nói chi mà rùng rợn rứa.
- Còn hơn thế nữa dì ơi, chú Long có thể tự tử vì mất dì đó.
- Phượng ơi, cháu đừng làm cho dì sợ mà.
- Cháu chỉ nói những điều có thể xảy đến mà thôi.
Dì Hạnh ôm chầm lấy Phượng, Phượng nghe âm ấm trên vai, nước mắt dì thấm ướt áo Phượng.
- Phượng ơi, dì không dám cãi lời ông ngoại mô.
Phượng đẩy dì ra:
- Dì không thể yếu đuối như vậy.
- Nhưng dì thấy ông bà cũng có lý. Nếu dì lấy ông Long, dì phải theo chồng vào Sài Gòn, lấy ai săn sóc ông bà.
- Dưới làng thiếu gì con cháu, đem một đứa về nuôi để khuya sớm nó hầu hạ, ông bà đã già mà còn đủ đôi như vậy là quý rồi, sao cháu thấy ông ích kỷ quá à.
Dì Hạnh la lên:
- Cháu hỗn quá.
- Xin lỗi dì, cháu chỉ nói lên một sự thật.
Dì Hạnh lại thở dài:
- Cháu tưởng thời buổi này, nuôi người làm dễ lắm hay sao. Phải tốn cơm tốn áo, cuối tháng còn trả tiền công nữa.
- Cháu nghĩ, nếu ông ngoại chịu bán miếng đất bên cồn thì mọi chuyện chả có gì đáng lo nữa.
- Thôi cháu đừng xúi bậy, ông ngoại lại nổi giận lên chừ.
Phượng ngao ngán nằm xuống, lòng nghi ngờ không hiểu dì Hạnh có thật lòng yêu ông Long? Trong tình yêu, người ta có quyền ba phải không nhỉ.
Có tiếng dì Hạnh thì thào:
- Phượng ơi, cháu ngủ rồi à.
Phượng không thèm đáp. Chưa bao giờ nàng thấy dì Hạnh hèn nhát đến như vậy.