ghe tiếng gọi, Quỳnh vội vàng giấu cái thư của Liêm vào túi áo.Rồi nàng chạy vào.Lúc ấy bà phán Hòa ngồi chống hai tay vào cằm ở bàn, còn mẹ nàng, bà tham Bích, thì ngồi đườn người ra trên sạp. Hẳn hai bà đã có điều gì chẳng bằng lòng nhau...Trông thấy con gái, bà tham Bích nói đổng:- Nay mai nhà trai đến ăn hỏi, vậy cô định thế nào? Cô muốn người ta đem đồ sính lễ đến đây hay ở dưới tôi? Cô muốn ăn hỏi cũng một nơi, cưới cũng một nơi, hay cả hay thứ cũng một nơi? Ở đâu hay ở Nam Định?Nói đến đấy, không để Quỳnh có thời giờ đáp, bà lại nói ngay với bà phán Hòa:- Ấy nó còn trẻ con thì cứ để tự ý nó xem nó thiên về bên cô nó hay về bên mẹ nó, tùy bụng dạ nó, thế là hơn cả. Tôi là mẹ nó nhưng tôi không có quyền gì! Cô là cô ruột nó, nhưng bất quá cô cũng như tôi thôi.- Thôi chị đừng nói nữa! Với những người hàm hồ, tôi không muốn... Đây, con chị, thì tùy chị, muốn làm gì thì làm! Chị lại cho tôi là truất quyền của chị đi à? Ví thử có thế thật, thì tôi lợi lộc cái gì vào việc ấy chứ? Nghĩa là nhà trai là chỗ quen thuộc, chú rể là cháu tôi, cháu chồng tôi, thì tôi muốn giản tiện cho người ta, để người ta ăn hỏi ở đây và cưới ả đây thì đỡ tốn kém, có thế thôi! Nhưng ngờ đâu chị lại không bằng lòng. Thôi được, tuy rằng “thương con ngon rể” phương ngôn đã có câu, nhưng mà đã trót mang nặng đẻ đau, thì cũng nên... cho bõ. Tôi chẳng dám can ngăn điều gì! “Cô cũng như cha”, nhưng mà cô đây là cô đã xuất giá rồi, thì... đây này: bà cô nắm lấy cổ tay, trao cho ông mãnh: đây này cháu tôi!Bà phán Hòa, đến đây, đứng lên ngay, giọng lại phũ phàng hơn trước nữa:- Tôi bảo thật cho chị biết: từ nay trở đi thì mặc kệ hết! Sau này giả dụ có khá thì cũng chẳng ai được nhờ! Con này đã biết là con này dại mặt lắm! Dại lắm! Từ giờ trở đi gọi là cứ cho ăn kẹo!Thấy em chồng to tiếng, bà tham Bích có lẽ hối hận, có lẽ hoảng sợ. Bà không dám nói gì nữa, chỉ ngồi thừ mặt ra thôi.Không được hỏi đến mình, Quỳnh thở dài, lại quay ra cửa hàng, vì không có người trông hộ.Ngồi ở quầy hàng, vẫn lắng tai nghe xem bên trong động tĩnh ra sao. Nhưng không thấy gì nữa. Nàng lầm bầm: “Quái không biết ngày hôm nay là ngày con khỉ gì mà lắm chuyện lôi thôi đến như thế này!”. Thật vậy, cuộc hục hặc của người mẹ và người cô ruột, đối với nàng, thật có thể đáng gọi là một sự tai biến. Quỳnh đã ở cái cảnh ngộ trên búa dưới đe. Nàng lại bùi ngùi cho cái thân phận bồ côi của mình. Có mẹ, nhưng mẹ đã đi lấy chồng, thì có cũng như không có. Như vậy, còn ai biết được rằng chính nàng là khổ sở lắm, đau đớn lắm, vì bơ vơ, vì trơ trọi? Liêm! Nhưng mà Liêm có đủ là sự khuây khỏa của nàng không? Than ôi! Cái thơ của Liêm vừa gửi cho nàng, thật là một cái chiến thư! Đọc thư ấy, nàng tưởng chừng cuộc tình duyên phải đến đoạn tuyệt! Thật vậy, một người yêu nàng, nay mai lấy nàng, mà bây giờ lại đối với nàng, có những tính tình như thế, đó chẳng phải là điều đáng cho ta yên tâm!Mà vì lẽ gì, nào Quỳnh có hiểu?Nàng thấy trong lá thư ấy một thứ ghen tuông bóng gió, cho mình là hư hỏng, một thứ khinh bỉ kín đáo, và tất cả sự hằn học của một ông nhân tình chuyên chế không biết cái gì là chướng và sắp sửa trở mặt, sắp sửa bạc tình.Quỳnh lúc nãy đã bừng bừng nổi giận. Nay, nàng còn giận hơn nữa.Việc nào của ái tình cũng là quan hệ hơn những điều khác. Quỳnh không còn tâm trí đau đớn về cuộc cãi vã giữa cô và mẹ nữa, lại phân vân giở đến cái thư của Liêm. Nàng đọc đi đọc lại những đoạn hệ trọng.Không, Quỳnh ơi, anh đã nhầm. Nói cho thật ra thì cả hai chúng ta đều nhầm. Có phải thế không? Đáng lẽ chúng ta không nên lấy nhau - à quên, không nên dự định lấy nhau. Nhất là đừng biết nhau rõ quá... Vì sao? Ấy cái khốn nạn của đời, của ái tình, của hạnh phúc, và của cả mọi sự khác nữa, là như thế đó. Ta đáng lẽ chỉ nên có ảo tưởng thôi, chứ đứng nên đụng chạm vào sự thực: Quả núi ở xa, ta trông nó đẹp, đẹp quá đi mất! Nhưng khi ta đến chân quả núi ấy rồi, than ôi! Còn có gì đâu! Quỳnh ơi, lẽ ấy nguyên nhân vì đâu, em có biết không? Vì sự đời là xấu xa, còn ta, ta cứ hy vọng, cứ ao ước cái gì hoàn thiện, cái gì hoàn mỹ, cho nên ta mới thất vọng, cho nên ta mới đau đớn...Rồi lại đến đoạn như thế này nữa:Đáng lẽ ta yêu nhau rồi không lấy được nhau thì mới là thượng sách. Như thế, ta vẫn có nhiều ảo tưởng về đời người và một quan niệm - mặc dầu nó có khi sai lầm, mà chắc là bao giờ nó cũng sai lầm - rằng nếu lấy được nhau, thì ta nắm được hạnh phúc của cõi thế gian. Còn như lúc đời sum họp với nhau mà khổ sở, mà hết ái tình, thì thực không còn phương kế gì cứu chữa nổi thì thật không còn sự thất vọng nào cay đắng hơn nữa. Anh nói thế không phái nói đùa đâu. Than ôi, thì ra chỉ vì yêu em mà anh khổ sở như thế!Nhưng hai đoạn trên đây cũng chưa khiến Quỳnh phải rối ruột bằng đoạn cuối thơ sau này:Nhưng thôi, ta kêu ca gì nữa! Chúng ta đã trót yêu nhau rồi! Bây giờ đến Thượng đế có muốn gỡ cũng không kịp nữa. Xin Quỳnh cứ yên tâm. Anh sẽ cố gắng là một người chồng đáng yêu và nếu cần, thì là một người chồng mù lòa nữa, miễn sao cho em sung sướng... Tuy nhiên anh cũng có bổn phận bảo trước em thế này: sự kiên nhẫn của anh cũng chỉ có giới hạn mà thôi. Em có biết ái tình là gì không? Ái tình là cái sự hai người tưởng nhầm là yêu nhau, nhưng thật ra, người đàn ông yêu mình qua người đàn bà, cũng như người đàn bà yêu mình qua người đàn ông thế thôi. Em yêu anh chăng? Không! Ấy là em tự yêu em qua anh đó. Anh yêu em chăng? Cũng không! Ấy là anh nhờ em mà tự anh yêu anh, ấy thế. Cho nên ái tình là một vật nguy hiểm, mỏng manh, chóng hỏng, dễ vỡ. Nhất là khi nó lại xung đột với lòng tự ái. Anh mong em hiểu nổi những dòng này. Vậy em nên coi chừng. Khi anh đã yêu em thì em đừng nên làm gì khiến anh phải thù em hay là khinh em. Và em cũng đừng kiêu ngạo ở nhan sắc làm gì, vì phương ngôn đã có câu: Hồng nhan bạc mệnh đó! Cái bọn phụ nữ quá kiêu ngạo, không hiểu đời, không biết mình, thì chỉ có một cách trụy lạc mà thôi! Anh còn muốn nói nhiều lắm, một cái thư này không sao đủ được, Quỳnh ạ. Vả lại, có những điều miệng nói ra thì còn được, chứ viết ra trên mặt giấy thì vừa bất tiện lại vừa khó coi. Vậy mai anh lại chờ em vào quãng một giờ trưa, ở chỗ vẫn hẹn. Thế nào em cũng đến, anh mong em lắm đó.Quỳnh vẫn không hiểu vì sao Liêm lại nỡ viết một cái thư cho nàng bằng những lời lẽ như thế. Thật là Giời cũng không hiểu được. Có còn cái gì bất ngờ hơn thế nữa không? Liêm điên chăng. Cái đó có thể: Liêm điên. Nhưng phải nguyên do nào thì Liêm mới hóa điên được chứ?Tự mình căn vặn mình mãi, Quỳnh cố nén giận, cố vấn tâm... Dần dần, nàng hơi hiểu. Nàng nhớ lại cái tội của nàng: đã trót cười nói vui vẻ, khi tiếp hai khách hàng thiếu niên lấc cấc mà bị Liêm bắt quả tang. Có lẽ vì thế là một, và vì nàng không vâng lời đến chỗ hẹn nữa, là hai.Nhưng sao Liêm lại chỉ vì ghen mà gần như sỉ nhục nàng như thế?Nàng hiểu rõ giọng khinh bỉ của cái thư: Liêm cho nàng là đã hư hỏng. Và như vậy, kể cũng chẳng oan gì! Than ôi! Ai bảo trót quá tin! Thật là đúng như lời người cô đã dặn bảo cháu một cách hợp lẽ nhưng tiếc rằng khí muộn một chút. “Nếu một khi người ta đã khinh được mình rồi thì cái việc ăn đời ở kiếp với nhau về sau là rất khó. Chị nên cẩn thận lắm mới được”. Nhưng đến bây giờ thì còn gì nữa? Quỳnh chỉ còn có một cách là, như đứa trẻ lỡ tay đánh vỡ cái đồ chơi của mình, nàng tần ngần đứng trước những mảnh vỡ, và cũng sắp khóc mếu giống như đứa trẻ con. Nàng nhớ đến những câu trong truyện Kiều, những câu xưa kia nàng đã nhẩm đọc nhiều lần như một học sinh thuộc lòng một bài luân lý, và bài ấy đã chỉ có giá trị “nước đổ đầu vịt”.Ngẫm duyên kỳ ngộ xưa nay,Lứa đôi ai dễ sánh tày Thôi Trương?Mây mưa đánh đổ đá vàng,Quá chiều nên dữ chán chường yến anh!Trong khi chắp cánh liền cành,Mà lòng rẻ rúng đã...Thật thế, bây giờ Liêm đã đến lúc rẻ rúng, chỉ có thế thôi! Cái đó là hai năm rõ mười rồi, nàng chẳng còn phải ngờ vực gì nữa, chẳng hoài hơi tìm kiếm gì nữa cho mệt. Than ôi, thì ra khôn ba năm dại một giờ, ấy đó chính là chân lý, và từ thượng cổ đến giờ, những tấn thảm kịch của loài người chung quy cũng chỉ quanh quẩn ả cái vòng liên miên và cũ rích ấy mà thôi. Quỳnh hối hận lắm. Nàng không dám kết án Liêm nữa, mà chỉ tự mình lại oán giận mình. Lòng tự ái của một người tự trọng như nàng khiến nàng không thèm đổ vấy cho kẻ khác. Quỳnh có đủ can đảm để nhận tội mình, cho rằng chỉ có một mình mình là đáng trách móc, đáng xỉ vả mà thôi. Những ngấn lệ long lanh đã ứa ra ở quầng mắt...Vừa lúc ấy bà phán Hòa đủng đỉnh bước ra. Trông thấy Quỳnh sụt sịt, không hiểu đó có phải là giận người chị hàm hồ và thương cháu gái bồ côi không, mà bà còn rít lưỡi lại mà chì chiết:- Thôi con ơi, con đừng khóc nữa! Cô đã đủ đứt gan đứt ruột ra đây rồi! Bố con chẳng may chết đi cho nên ngày nay con mới khổ!Quỳnh gạt nước mắt, thấy cái tình thế ấy quả thật nghiêm trọng lắm. Chỉ vì việc nàng mà, một bên thì cô, một bên thì mẹ, hai người đay nghiến nhau đến thế. Nhất là bà phán Hòa thì, bằng mấy câu vừa rồi, há chẳng phải là bà đương xỉ vả một cách bóng gió về tội nàng đã góa chồng mà lại còn cải giá đó hay sao? Nhìn vào trong nhà, thấy bà mẹ ngồi thâm gan tím ruột, có lẽ uất đến không nói được nữa, nàng bèn dõng dạc:- Thưa mẹ, thưa cô, con tưởng việc con lấy chồng có thể làm cho mọi người được vui vẻ một chút... Nhưng mà nếu chỉ vì việc con mà cô và mẹ giận dỗi, cãi vã lẫn nhau như thế thì phiền lắm, con không thiết gì nữa đâu! Thì thà con không lấy ai nữa cho xong!Nói đến đây, nàng lại khóc nức nở, vì câu “thà con không lấy ai nữa cho xong” chính là một câu tâm sự chứ không phải một lời đe dọa vu vơ, cũng không phải vì vui mồm mà thốt ra.Nàng nói rồi mới biết rằng đã nói thế là có lý. Cho nên nàng nhìn cả cô và mẹ, nhắc lại:- Thật thế! Thà con không lấy ai nữa cho xong!Vừa lúc ấy, ông phán Hòa xách ô bước vào nhà. Thì ra đã gần 12 giờ trưa. Bà vợ bây giờ mới nhìn lên đồng hồ để nhận thấy rằng thì giờ đi chóng quá.Nghe thấy cháu nói thế, ông chú ngừng chân, ngạc nhiên hỏi:- Cái gì? Cái gì thế này? Có chuyện gì thế này? Sao lại ăn nói như thế?Vợ ông xua tay:- Mời ông cứ vào đi đã. Cái việc này phải nói lâu mới được.- Thế cả nhà ăn cơm chưa?- Ăn từ 10 giờ kia rồi.Nhìn vào trong, thấy bà tham Bích, ông phán “a” một tiếng rồi hỏi Quỳnh:- Thế me cháu về chơi từ lúc nào thế?- Me con về đây từ hôm qua, nhưng sáng hôm nay mới đến đây.- Thôi, thế chị hãy trông hàng nhé? Cơm rồi kia mà.Từ lúc ông phán đi làm về, hai chị em cũng đỡ. Có lẽ chỉ vì có mặt một người đàn ông cho nên hai bà bất đắc dĩ phải thôi, không còn dám hục hặc lẫn nhau. Và, vì lẽ hai bà ở cảnh bó buộc phải để trí nghe nhau, không ai được lấp liếm hay lấn át ai nữa, cho nên cái lẽ phải đã đến lúc được người ta kính trọng. Ông phán vừa ngồi ăn cơm ở bàn vừa khoan thai giảng giải và nói những điều nghĩa lý cho vợ và cho “chị dâu ôi” của vợ lúc ấy cũng ngồi ở sập để lắng tai nghe. Ngồi ở ngoài cửa hàng, Quỳnh chỉ nghe câu được câu chăng, lõm bõm lắm.Đại khái ông phán kêu rằng chú rể chẳng phải người xa lạ, là cháu gọi ông bằng cậu, ông xin mạn phép thay mặt nhà trai để yêu cầu bên nhà gái theo cái chính sách “giơ cao đánh khẽ” về mục đính hôn sự, lo sao cho hai trẻ được nên vợ nên chồng, chứ không phải là một dịp để lòe thiên hạ hay cãi nhau. Như vậy thì để cho nhà trai cưới xin ở đây, mà “bà phong nhong” thì về đây, rồi cô dâu chú rể, sau khi lễ gia tiên ở đây rồi, sẽ xuống Nam, thì vừa giữ đủ lễ, và không sợ thiên hạ bàn tán...Người đàn ông một khi đã phải nói, thì việc gì mà chẳng thu xếp xong xuôi? Cho nên về sau cô và mẹ Quỳnh đều phải xin lỗi nhau, hối hận.- Cô cũng nóng lắm cơ!- Chị hàm hồ như thế thì có đến cóc cũng phải mở miệng!Ông phán giơ hai tay lên không gian, nói bông:- Thôi! Tôi xin cả hai bà! Xin đừng có ai làm gì đến nỗi hỏng mấy cái việc “thằn lằn” của tôi nhé! Ai làm hỏng thì tôi bắt đền cho đấy!Nghe thấy tiếng cười nói rầm rì, cái không khí đã vui vẻ, Quỳnh cũng đỡ khổ. Nhưng... sao ấy, nàng không thể tươi tỉnh lên được nữa! Cái lá thư khốc hại nó đã chạm quá mạnh vào tâm giới nàng, đã gây cho quả tim một vết thương. Thật vậy, dẫu rằng sau này vợ chồng được ăn ở hòa thuận với nhau đi nữa mặc lòng, sau một lá thư khinh bỉ nàng như thế, nàng không thể nào sung sướng được nữa, vì cái ái tình kia, trong lòng nàng, đã bắt đầu hấp hối...Bên trong, ba người bây giờ đương bàn soạn về những cách thách thức, những lễ nghi phức tạp, mọi đồ hành nghi. Rồi chẳng hiểu, vì bà phán Hòa nói những gì, lại thấy bà tham Bích, mẹ nàng, nói to lên:- Vẫn biết là giơ cao đánh khẽ, nhưng mà cũng thế nào chơi một vừa hai phải, kẻo người ta khinh đi cho. Dẫu sao cũng phải giữ cái thể diện, cái bề ngoài, cho thiên hạ trông vào... Con gái tôi không chửa hoang, không làm đĩ, thì việc gì tôi lại phải hạ giá con gái tôi đến như thế!Câu nói vô tình ấy của người mẹ là một tiếng sét đánh xuống cái lương tâm người con. Quỳnh những nghe mà bủn rủn cả chân tay, rối loạn cả thần trí. Nàng muốn khóc òa lên mà không khóc được. Nàng cố giữ cho nét mặt thản nhiên, nhưng cũng không được nốt! Nàng chỉ lo rằng người ngoài trông thấy nét mặt nàng cũng đủ khám phá ra cái sự đáng xấu hổ của nàng, nhưng càng giấu giếm, càng muốn che đậy, cái mặt lại càng hóa ra thảm hại và khó coi.Quỳnh oán Liêm, bao nhiêu cái hối hận, cái tự mình giận mình nàng không còn nữa. Nàng nhớ lại mọi hành vi, ngôn ngữ khả ố của Liêm, lúc Liêm chiếm đoạt cái thân thể nàng. Quỳnh tưởng tượng ra rằng Liêm có lẽ xưa nay là một kẻ đểu giả vô cùng, làm hại những thiếu nữ lương thiện khác vô số! Vậy mà Liêm còn hẹn với nàng rằng đến trưa ngày mai... Thật là đồ tồi! Thật là đáng khinh bỉ!Cả ngày hôm ấy, Quỳnh thẫn thờ như kẻ mất hồn, làm cho bà tham Bích tưởng rằng con gái có điều gì giận dỗi. Bà mẹ bỗng động lòng, hứa sẽ cấp thêm vốn liếng cho con về nhà chồng, nhưng Quỳnh cũng chẳng vì vậy mà trở nên vui tươi.Đêm hôm ấy, lúc đi nằm, vắt tay ngang trán, Quỳnh tự dặn mình:- Ngày mai, nhất định ta không thèm đến!