Tử Thù

Con tám Én với tôi nay đã là kẻ tử thù. Cô Yến chết, phải chăng một phần vì nó, phải chăng vì những chuyện lùm xùm dây dưa đến tôi phải chịu muộn màng không được cùng cô Yến khuyên lơn hay nghe vài lời vĩnh biệt?
Tôi căm gan nhớ lại cái đêm nào! Ừ, cái đếm nào ấy, nó đi đâu? Nếu không phải là cặp với thằng tư Bồ ngoài ruộng và xúi thằng nầy bắt sống tôi?
- Ái chà! Chúng bây lại xách theo thằng Năm Ô để gác đường… Kỹ lắm, chúng bây kỹ lắm nên khi tao lên tiếng là con tám Én chuồn đi, để hai thằng khốn nạn ở lại dở trò… khốn nán!
Hứ! tư tình lén lúc giữa đồng mà lại còn xách cây đèn ló theo! Con tám Én ơi, tao với mầy không còn tình nghĩa gì nữa rồi! Trước kia tao còn vị lòng tử tế của mầy nên gác qua chuyện cũ, nay mầy lợi dụng lòng tử tế của tao mà trở lại hại tao. Mầy giả dối hiền lành với tao, giả dối vui cười với tao, giả dối nói xấu thằng tư Bồ với tao… giả dối, giả dối, giả dối… để rồi chúng bây toan hạ cuộc đời tao xuống… Nhưng trời cao có mắt, rồi chúng bây hãy sửa soạn mà xem tao trả thù!…
Tôi càng nghĩ càng tức, giận mình không có con mắt tình đời, giận mình sao không “thư” đại nó một lá bùa hôm gặt lúa.
Giờ, chuyện đến thế nầy, mong gì được tự do gặp nó lần nữa?
Ðêm ấy, theo lịnh ông Chủ truyền, thằng tư Bồ riu ríu cùng thằng Năm Ô quỳ xuống lạy tôi, hai Hoá lại năn nỉ tôi thì con tám Én ở sau thò đầu ra hầm hầm giận dữ. Có lẽ nếu ăn gan tôi được, nó đã nhảy xổ lại moi bụng tôi ra rồi.
Tôi thấy tôi với nó từ đó là hai địch thủ ghê gớm. Phe nó có võ, tôi có bùa. Hai bên “găng” nhau, chỉ chực hở một chút là vồ nhau như hai con thú dữ.
- Ừ, thì chấp cả lủ chúng bây đó, chấp cha lẫn con, chấp thầy lẫn trò. Tao luyện bùa tao lại, rồi có ngày bây sẽ kéo nhau ra đền tội mà!
Trong lúc đó, ông Chủ đã “mám” bùa tôi nhiều thêm, cứ lân la đến hà tôi chơi mãi. Ðêm ổng xử bọn hai Hoá lạy tôi xong, ổng kêu con tám Én phải dầm mưa đi kiếm “cỏ hôi” về bó cẳng cho tôi, lấy rượu thuốc ra cho tôi uống ấm bụng. Ổng bảo: “cha làm con chịu”, rồi ổng kêu tôi xuống xuồng ổng chở về nhà giùm cho.
Thấy tình ổng đối với tôi, tôi cảm động quá.
Mẹ tôi kiếm hết cách từ chối, nhưng ổng làm mặt giận:
- Hay là tôi xử như vậy thím chưa vừa bụng? Thím coi, tôi thấy nó bị đánh oan, tôi thương, tôi lo lắng cho nó, để đền bù tội lỗi của tá điền cũ của tôi. Dầu sao, đám nầy cũng đã lầm lỡ rồi, không lẽ bắt chúng nó chở thằng Sáu về rồi ở nuôi nó được. Chúng nó cũng nghèo, cũng đang lo làm mùa ruộng cho xong, tôi mới nhơn tay, chớ hành hạ chúng nó cũng tội nghiệp, không ích gì.
Thì đây sẵn xuồng, bầy trẻ đưa tôi cùng về một đường, thím từ chối là từ chối làm sao?
- Bẩm Chủ, mẹ con tôi ngàn năm cũng không dám quên ơn Chủ, lẽ nào lại không vâng lời, nhưng làm nhọc lòng Chủ quá, mẹ con tôi không yên!
- Gì mà nhọc lòng? Không có nó, tôi lại không về hay sao? Thím cứ kể là tôi thay mặt cho đám nầy đền bù chút tội lỗi…
Ông Chủ nói câu ấy làm cả xóm đều ngùi ngùi, nhứt là phe hai Hoá đứng lặng trang nhìn ông bằng cặp mắt biết ơn không thể tả.
Xuống xuồng, mẹ con tôi ngồi im thin thít. Ði khỏi nhà hai Hoá một đổi, ông Chủ bỗng cười xoà lên:
- Thím thấy không, tôi thương thằng Sáu quá nên mới xử “chìm xuồng” như vậy. Ðáng lẽ bình thường, oan ưng chưa biết, bắt được ăn trộm là tôi đóng trăng tại đó, đánh cho nhù tử rồi sáng đem ra làng, ra sao thì ra!…
Mẹ tôi chỉ biết trả lời:
- Ngàn lần cám ơn Chủ, muôn lần cám ơn Chủ!
Ðến nhà, ông Chủ sai tên bơi xuồng đỡ tôi dậy và dìu lên. Chính mình ông rọi đèn cho mẹ tôi và níu giữ cho mẹ tôi bước đường trơn khỏi té.
Ông ngồi cà kê dê ngỗng một chặp rồi mới chịu ra về.
Nhưng khi ra khỏi cửa, ông bỗng nhớ trực lại một chuyện gì, bèn trở lại ngoắt mẹ tôi ra ngoài.
Tôi nằm trong nhà nghe mẹ tôi nói lấp vấp:
- Cám ơn Chủ, tôi không dám!
Và tiếng ông Chủ đáp
- Ậy, không hề gì mà…!
Ổng đi rồi, mẹ tôi buồn bã trở vô nhà. Tôi hỏi mới biết ổng đưa mẹ tôi năm đồng bạc bảo kiếm thuốc bó cẳng cho tôi. Mẹ tôi không dám thọ ơn thêm, toan chối từ thì ổng ấn đại tiền vào tay mẹ tôi rồi mới chịu đi về.
Mẹ tôi để năm đồng bạc trên bàn, muốn nói với tôi một chuyện gì lắm, nhưng thôi, lại nằm phịch trên ván.
Trong đêm trường vắng lặng, tôi càng suy nghĩ càng thêm khoan khoái lạ kỳ: Ôi câu thần chú linh thiêng! Hãy giúp tôi thêm bao đường vinh quanh khác nữa…

°

°
Cô Yến chết không mấy ngày là tôi phải cắm đầu làm lúa.
Thế thường gặt xong lúa bó phơi khô, tá điền phải chở về chất ngố trong sân ruộng của ông Chủ. Sân ấy ở giữa điền rộng rãi vô cùng. Riêng phần ai nấy giữ, phần ai nấy lo đập hoặc cho trâu đạp ra lúa hột.
Ðập xong, xòn phải giê lúa hột cho sạch rồi mới bắt đầu đong cho chủ điền.
Ðong xong, còn dư bao nhiêu mới được phép chở đem về nhà.
Làm như thế không ai giấu đút đi đâu được.
Nhưng ở các điền khách, tôi thường thấy lúa ở sân đong vửa triến cho chủ điền có khi còn thiếu là khác. Thế mà tá điền vẫn còn lúa chở đi bán như thường.
Những cái bí mật đó, chỉ có giới tá điền mới hiểu nổi.
Nhưng nói cho chí công chí minh, nghèo chịu, chớ tôi chưa lần nào dở thủ đoạn ấy, bởi tôi biết những người đã đem thủ đoạn đó ra không ai giàu, không ai dư xu nhỏ xu lớn nào. Họ cũng vẫn thiến thốn và nhiều khi cũng bỏ điền trốn đi như chú tư Lộ.
Năm nay, ở sân ông Chủ nhộn nhịp lắm. Tá điền đập lúa ngày lẫn đêm. Ban đêm, nhứt là những đêm trăng tỏ, không thiếu mặt người nào ở sân lúa. Làm việc dưới ánh trăng đã ít nhọc lại không tốn đèn đuốc.
Thường thường ở những lúc tụ hội đông đảo ấy, người ta tranh nhau làm không biết mệt. Ðàn ông đánh cuộc nhau; đàn bà, con nít chực sẵn từ bó lúa đập xong liệng ra, giành giũ cho sạch hột đặng có ôm rơm chạy đua ra chất đống ngoài bìa sân.
Về lúa đạp trâu thì ít nhọc hơn. Chờ khi bã lúa đã đạp “chín”, họ dùng những mỏ xảy xới rơm rất gọn gàng.
Trong những lúc ấy, họ nói chuyện tiếu lâm, chuyện ma, chuyện quỷ, chuyện đời.
Lúc nghỉ, họ lại tổ chức nhiều cuộc vui thú vị như là nhảy chan chán, trốn kiếm, u, cút bắt, nhảy dây, thí võ…
Những trò ấy không phải chỉ dành riêng cho trẻ nhỏ mà cả đàn ông, đàn bà cũng nhào vô chơi.
Ðêm ấy trời trăng sáng như ban ngày. Lúa không còn bao nhiêu nữa là hết, nhưng gặp lúc gác tay gợi lại nỗi buồn, tôi nằm trường trên ván sạp, lâu lâu buông tiếng thở dài. Mẹ tôi thúc mãi tôi buộc lòng thờ thẫn ra sân.
 Ở đó, đủ mặt dân điền… có cả con tám Én và thằng tư Bồ…
Người ta đã biết cả sự hiềm khích của chúng tôi nên khi đặt chân vô sân là muôn mắt đều đưa lên nhìn.
Thằng tư Bồ đang cong lưng đập lúa cho con tám Én, trực thấy tôi, bèn ho lên một tiếng rồi khạc nước miếng nhổ xuống đất. Con tám Én đang lom khom giũ rơm, cũng ngưng lại nhìn tôi rồi cúi đầu.
Ối chà! Thật là xứng đào xứng kép! Thấy cảnh ấy, bỗng nhiên lửa giận nổi phừng, tôi bậm môi nói thầm: À! Cho mặc bây trêu người, rồi bây sẽ biết tay tao như thế nàó
Tôi cố nén lòng lại ngố lúa mình gần đó lấy cặp đập.
Trong lúc ngườit a đan đủ đôi đủ cặp, tôi thấy lòng mình càng trống trải. Hình ảnh cô yến hữu duyên thoáng ra trong óc, rồi cô Yến héo tàn…
Bó lúa trên tay tôi nặng trĩu. Mình tôi đau nhức từ lóng xương, tâm thần uể oải.
Thằng tư Bồ cứ tằng hắng, cứ ho hen, kêu thằng năm Ô gợi chuyện:
- Ê Năm, đời người ta lắm lúc chịu nhiều cái oan “con chó”! Những thằng mà mình chỉ níu đầu cho một “loi” vô bản họng là nằm ngay cán cuốc, thế mà mình phải quỳ trước mặt nó, năn nỉ nó, có ức cho không?
- Thôi, mầy nhắc đến lũ “cào cào châu chấu” đó tao ghét lắm. nó có thế thần; nó có “cò máy” với nhau! Nó dựa hơi, nó ỷ thế, chớ đồ “xỏ lá” ấy, “bung” được, tao “bung mẹ” nó một cái là rồi đời…
Ðang quạu, đang buồn, tôi tức giận tràn hông không còn nhịn được nữa, liệng cặp xốc lại:
- Ê hai thằng kia, bây nói a “xỏ lá”, ai “cào cào châu chấu” hả?
- Nói ai mặc tao, can dự chi đến mầy?
- Bây chỉ là một lũ tiểu nhơn được tài nói hành, nói lén người ta!…
Bị chửi ngay mặt, thằng tư Bồ nổi giận:
- Ê, tao có nói lén ai mậy, tao nói trước mặt mầy kia chớ! Mầy giỏi làm gì thử chơi? Ðánh tay đôi, sức một?
- Chấp cả hai thằng! Ðứa nào giỏi, đập lúa xong ra thử tài, không cần phải gây sự một cách hèn hạ như vậy?
- Thiệt chơi?… “Mần”! Ai lại chạy ai à?
người ta thấy gây lộn ồn ào, bu lại coi.
Con Tám Én đứng sững người ra. Từ khi khởi đầu câu chuyện, nó lén lút đưa mắt nhìn tôi như khẩn cầu.
A, con nầy cũng biết ghê mình, muốn “xin” giùm cho tụi nó! Ðược đâu!… Rồi sẽ đến phần mầy nữa kia mà!
Nghĩ như vậy, tôi không thèm dan ca, cãi cọ làm gì nữa, rán đập cho rồi đống lúa.
Bó lúa ban đầu nặng trĩu bao nhiêu, bây giờ nhẹ nhõm bấy nhiêu.
Sân lúa chỉ còn vang lên những tiếng đập, tiếng lào xào của rơm, tiếng nẹt trâu, và tiếng rầm rì của đàn bà, con nít…

°

°
Ðêm đã khuya lắm mà không một người nào chịu về. Cả sân đều biết cuộc đấu võ chánh thức của tôi. Và có lẽ họ lấy làm ngạc nhiên cho một thằng đờn ca yếu nhớt như tôi mà ra đánh võ. Họ xầm xì chờ đợi.
Ðập xong đống lúa, tôi đi dài ra ngoài mé sân thẩn thờ dạo mãi, chờ. Tôi đọc sơ lại câu thần chú, dượt sơ lại cái ấn thần thình. Phe thằng tư Bồ cũng hối hả, không mấy chút đã đập xong phần lúa, rồi kéo nhau đi chọn một góc sân bằng phẳng làm võ trường.
Tôi quay đầu thong thả đi vào, bỗng con tám Én ở đâu lù lù đi lại đón đầu tôi kêu nho nhỏ:
- Anh Sáu, anh Sáu!
Tôi lạnh lùng khinh bỉ:
- Cô muốn gì?
- Tội nghiệp, anh Sáu à, đánh làm gì, rủi…
- À há! Cô sợ tôi đánh chết tụi nó? Không, không, cô đừng lo, tôi không hèn mọn mà hạ chúng thẳng tay đâu!
- Anh Sáu à, em chỉ sợ cho anh…
- Sợ cho tôi? Thôi đi cô, cho tôi xin, cô đừng mỉa mai tôi thêm nữa!
Tôi bứt ngang bỏ con tám Én bẻn lẻn đó, rảo bước đến bức tường người.
Thằng tư Bồ đã chực sẵn ở võ trường.
Tôi chẳng nói chẳng rằng, vẹt người ta chen vô chính giữa.
Thiên hạ lại xầm xì lên:
- Thằng “Sáu đờn kìm” giỏi lắm chỉ chịu nổi một thoi của thằng tư Bồ là cùng!…. Trời ơi, ai chẳng biết thằng tư Bồ có bộ “Phụng hoàng” tuyệt diệu….
Thiên hạ càng khen, thằng tư Bồ càng kiêu hãnh. Nó hất ngược mặt lên trời:
- Ê cho mầy sửa soạn năm phút! Cho mầy tấn trước! Cho mầy muốn đánh cách nào đánh, đâu cũng được…
Rồi nó “đi” một đường thảo vòng tròn theo lớp người, miệng nói oang oang:
- Xin lỗi bà con đứng rộng ra một chút, tôi có tật đan1h mạnh tay, rủi trong lúc giao đấu lỡ đụng bà con thì kỳ lắm!….
Xong, nó quây vù vù một bộ nữa rồi chớp một cái, nó đứng “sụn” hai cẳng xuống, cung tay thủ thế coi vững chắc như trồng:
- Nào, nhào vô kiếm ăn?
Tôi vẫn một mụuc làm thinh, tay bắt ấn, miệng đọc thần chú lầm thầm, lưỡi vẽ bùa, thổi nhẹ ngay mặt nó cho mờ mắt… Rồi định bụng lại “xán” cho nó một bốp tai, một bốp tai thôi, cho nó mang xấu lần nữa tới già.
Thổi bùa xong, tôi từ từ đi lại, đưa tay lên sè lần ra…
Bỗng đâu một tiếng “khoan” vang dậy từ phía ngoài, con tám Én vẹt người nhảy xổ vào.
Tôi thụt tay lại ngơ ngác, thằng tư Bồ chợp né cũng ngơ ngác… thì con tám Én đã tới nơi.
Tôi bụng bão dạ: À con nầy nhào lại “đỡ đạn” cho thằng tư Bồ đây!
Tôi sắp niệm thêm một câu thần chú nữa để hạ nguyên cặp, thì bất thình lình con tám Én chộp ngực thằng tư bồ lúc lắc:
- Mầy ỷ sức định hại người ta hả?
Rồi cũng bất thình lình, nó co giò, tống ngay vô bụng thằng nọ một đạp lộn nhào không kịp đỡ.
Cái thằng coi vậy mà yếu đòn, nằm ngay chừ dưới đất giãy tê tê.
Tôi còn kinh ngạc, bỗng dưng người ta bên ngoài lo ó lên:
- Ðỡ thằng tư Bồ dậy! Giựt dùm dây lưng cho thằng tư Bồ!… Giựt mau lẹ ra, nó mất thở rồi!…
Mà thiệt, thằng tu Bồ đã nín thở.
Bỗng lại có tiếng la vang lên nữa:
- Tránh, tránh mau mầy, Sáu đờn kìm!
Tôi chưa kịp quay đầu lại, chỉ thấy thoáng bóng một cái gì chớp nhoáng… xẹt xuống đầu tôi đánh “bốp” như trời giáng. Tôi xỉu xỉu, ngã quay ra không còn biết gì nữa….