---~~~mucluc~~~---


Chương 8
CHỈ HUY QUÂN KHU ĐẶC BIỆT KI-ÉP

TÔI coi việc được chỉ định làm tư lệnh một quân khu lớn nhất là một vinh dự đặc biệt và tôi đã làm tất cả để xứng đáng với lòng tin lớn lao của Ban Chấp hành trung ương Đảng và của Chính phủ đối với tôi.
Quân khu đặc biệt Ki-ép là một trong những quân khu tiền duyên. Lúc công tác ở quân khu Bê-lô-ru-xi trong thời gian 1922 - 1929, chúng tôi, “những người Bê-lô-ru-xi” đã rất quý trọng các đơn vị quân đội của quân khu Ki-ép, đã đánh giá cao công tác huấn luyện quân sự và sự trưởng thành về mặt chiến dịch - chiến thuật của đội ngũ cán bộ phụ trách các cơ quan tham mưu và các cơ quan chỉ huy ở đó.
Tôi còn vui mừng vì tại quân khu này tôi sẽ được công tác cùng với những cán bộ quân sự và những cán bộ chính trị có kinh nghiệm. Trong số này tôi đã quen riêng nhiều người, được nghe các sĩ quan và tướng lĩnh khác cho biết về nhiều người và đã công tác cùng với một số trong nhiều năm.
Tham mưu trưởng Quân khu đặc biệt Ki-ép hồi đó là trung tướng M.A Puốc-ca-ép. Tôi đã cùng công tác với M.A Puốc-ca-ép tại quân khu Bê-lô-ru-xi lúc đồng chí làm tham mưu trưởng quân khu. Đó là một vị tướng có kinh nghiệm và thấu hiểu toàn diện công tác của mình, một người có trình độ văn hóa cao và một sĩ quan tham mưu cỡ lớn.
Tư lệnh pháo binh quân khu là tướng N.Đ. Ya-cốp-lép, một chuyên gia nổi tiếng về kỹ thuật và cách sử dụng pháo binh trong chiến đấu. Với tướng I.N. Mu-dư-chen-cô và tướng Ph.Ya. Cô-xten-cô, hai tư lệnh tập đoàn quân, tôi đã có dịp cùng công tác rất lâu ở sư đoàn Cô-dắc sông Đông 4. Trưởng phòng tác chiến bộ tham mưu quân khu là đại tá P.N. Rúp-xốp thì tôi đã được cơ quan trung ương của Bộ Ủy viên nhân dân quốc phòng giới thiệu rồi. Ít lâu sau, đại tá I-van Khri-xtô-phô-rô-vích Ba-gra-mi-an được điều động đến thay P.N. Rúp-xốp. Tôi biết I-van Khri-xtô-phô-rô-vích là một cán bộ rất chín chắn, bình tĩnh, cần mẫn và tác chiến giỏi. Chủ nhiệm hậu cần quân khu là V.E. Bê-lô-cô-xcốp là bạn thân của tôi.
Tôi muốn dành những lời tốt đẹp để nói về đồng chí tư lệnh không quân quân khu, tướng E.X. Ptu-khin. Đó là một phi công và cán bộ chỉ huy xuất sắc, một người con trung thành của Đảng và một người đồng chí tốt.
Sau một thời gian ngắn, tôi đã gần gũi tìm hiểu được các đồng chí có cương vị phụ trách khác của quân khu. Đó là những cán bộ chỉ huy thạo việc và có kiến thức. Nhiệm vụ công tác nào họ cũng đều hoàn thành một cách thông thạo, cẩn thận và sáng tạo.
Nắm được tình hình quân khu rồi, tôi tự thấy bổn phận của mình là phải đến gặp đồng chí bí thư Ban Chấp hành trung ương Đảng Cộng sản U-crai-na. Sau khi thuật lại hoạt động của quân ta trong cuộc chiến đấu đánh tan tập đoàn quân 6 của Nhật tại Khan-khin Gôn và trình bày những cảm nghĩ đầu tiên của mình về quân khu, tôi đã yêu cầu được giúp đỡ về mặt bảo đảm cung cấp những tư liệu sinh hoạt cho quân khu. Tôi được tiếp đón rất niềm nở và tôi vui mừng vì mọi việc đều được thu xếp tốt đẹp cả.
Trong tháng 6-1940 tôi đã đến thăm hầu hết các đơn vị và các binh đoàn. Sau đó cùng với bộ tham mưu quân khu đã tiến hành một cuộc diễn tập chỉ huy và tham mưu trong một cuộc hành quân dã chiến lớn với đủ các phương tiện giao thông liên lạc tới vùng Téc-nô-pôn, Lvốp, Vla-đi-mia Vô-lưn-xcơ, Đúp-nô là vùng mà một năm sau, năm 1941, quân Đức, theo kế hoạch “Bác-ba-rô-xa”, đã tiến qua để đánh đòn đột kích chủ yếu của chúng trên đất U-crai-na.
Cuộc diễn tập chứng tỏ rằng đứng đầu các tập đoàn quân, các binh đoàn và các cơ quan tham mưu là những sĩ quan và những tướng lĩnh trẻ có khả năng. Tuy vậy họ còn cần được huấn luyện một cách nghiêm chỉnh thêm về mặt chiến dịch - chiến thuật vì rằng họ chỉ vừa mới được đề bạt từ những cương vị thấp lên trong thời gian gần đây. Các cán bộ lãnh đạo đã được lưu ý đến vấn đề này.
Mùa hè và mùa thu năm 1940, các đơn vị của Quân khu đặc biệt Ki-ép đã tiến hành một đợt huấn luyện chiến đấu khẩn trương. Đã tiếp thụ được những kinh nghiệm chiến thuật mà Hồng quân đã rút ra trong cuộc chiến tranh với Phần Lan và trong các trận chiến đấu với quân Nhật ở vùng sông Khan-khin Gôn. Ngoài ra, những kinh nghiệm chiến đấu của quân đội phát-xít Đức chống lại một loạt nước châu Âu cũng được nghiên cứu.
Đến khoảng thời gian này, Thế chiến thứ hai đang diễn ra sôi sục. Từ cuối năm 1936, Đức và Ý đã ký hiệp ước thành lập “trục Béc-lanh - Rôm” khét tiếng bỉ ổi, còn Đức và Nhật thì đã ký “công ước chống Quốc tế Cộng sản”, nói là để chống lại Quốc tế Cộng sản nhưng thực ra là để liên kết bọn xâm lược lại với nhau trong cuộc đấu tranh giành quyền bá chủ thế giới. Năm 1937, Ý đã tham gia công ước này. Cùng vào lúc ấy, Nhật đã mở lại cuộc chiến tranh nhằm thôn tính toàn bộ Trung Quốc. Năm 1938, quyền độc lập quốc gia Áo bị thủ tiêu. Đồng thời cuộc vũ trang tấn công vào Tiệp Khắc cũng đã chín muồi. Chính phủ Liên Xô kêu gọi các quốc gia yêu chuộng hòa bình: “Để đến ngày mai thì có thể đã muộn rồi, nhưng hôm nay vẫn còn thời gian hành động tập thể nếu như tất cả các quốc gia, đặc biệt là các đại cường quốc, đều có một lập trường rõ ràng, kiên quyết đối với vấn đề chung sức cứu vãn hòa bình”.
Những đề nghị của Liên Xô đã không được chấp nhận.
Tại các hội nghị nổi tiếng một cách đáng buồn ở Muy-ních trong ngày 29 - 30 tháng 9-1938, Anh và Pháp đã thỏa thuận giao cho Đức vùng Xu-đét để “cứu vãn hòa bình vào phút cuối cùng”. Phái đoàn Tiệp Khắc chờ đợi quyết định về số phận nước mình ở ngoài lề hội nghị, còn Liên Xô thì không được mời dự. Chúng ta đã chuẩn bị giúp đỡ Tiệp Khắc, bộ đội không quân và xe tăng của chúng ta đã ở tư thế sẵn sàng chiến đấu; gần 40 sư đoàn đã được tập trung trong các vùng kế cận biên giới phía tây. Nhưng các giới cầm quyền hồi đó của Tiệp Khắc đã khước từ sự giúp đỡ này vì họ đã lựa chọn con đường đầu hàng nhục nhã. Ngày 16-3-1939, Đức chiếm đóng Pra-ha. “Việc hòa giải” với Hít-le đã đưa tới hậu quả tự nhiên của nó.
Một sự chuyển biến như vậy của tình hình, mà Liên Xô đã nhiều lần vạch ra từ trước, đã đặt ra cho Anh và Pháp một câu hỏi là: nếu Hít-le, mà họ đang xúi bẩy tấn công sang phía đông, lại bất thình lình quay về đánh phía tây thì sao? Thế là lại diễn ra vòng mới những cuộc thương lượng, những cuộc gặp gỡ và những cuộc hội họp nhằm làm cho Hít-le khiếp sợ trước khả năng có một sự liên minh quân sự với Liên Xô. Trong lúc yêu cầu Liên Xô giúp đỡ trong trường hợp Đức xâm lược thì Đa-la-đi-ê và Săm-béc-lanh lại không chịu đảm nhận bất kỳ một nghĩa vụ nghiêm chỉnh nào.
Các cuộc thương lượng năm 1939, kể cả các cuộc thương lượng giữa các phái đoàn quân sự ba nước mà chúng tôi sẽ nói tới dưới đây, đều đã bế tắc.
Tóm lại, nếu nói đến châu Âu là phải nói đến áp lực của Hít-le và tính tiêu cực của Anh và Pháp. Nhiều biện pháp và đề nghị của Liên Xô nhằm xây dựng một hệ thống an ninh tập thể có hiệu lực đều đã không được các nhà lãnh đạo các nước tư bản chủ nghĩa ủng hộ. Và điều này cũng là tự nhiên thôi. Toàn bộ sự phức tạp, trái ngược và sự bi thảm của tình thế đã sản sinh ra từ chỗ các giới cầm quyền ở Anh và ở Pháp mong muốn đẩy cho Đức và Liên Xô chạm trán với nhau.
Khi mà bom còn chưa nổ trong nhà riêng của họ thì các lợi ích giai cấp của bọn đồng minh xưa kia trong cuộc đấu tranh chống lại Nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên đã dẫn tới một thái độ: lùi bước trước Hít-le. Đa-la-đi-ê và Săm-béc-lanh ảo tưởng rằng họ sẽ thành công trong việc làm đảo lộn được tất cả kịp thời, chạy thoát được khỏi bức tường phát-xít màu nâu đã nghiêng ngả và sắp đổ sập, thậm chí họ còn tưởng rằng, đến phút cuối cùng sẽ xô được nó sang phía Liên Xô. Thậm chí, đến ngày 1-9, khi Đức đã tấn công Ba Lan rồi mà Anh và Pháp, đồng minh của Ba Lan, trên thực tế, vẫn không hề nhúc nhích tí nào tuy họ có tuyên chiến với Đức.
I-ốt, tham mưu trưởng tác chiến thuộc bộ chỉ huy tối cao của Đức, đã công nhận trước tòa án Nu-rem-be rằng: “Nếu chúng tôi không bị đánh bại ngay trong năm 1939 thì chỉ là vì khoảng 110 sư đoàn của Anh và của Pháp, đóng đối diện với 23 sư đoàn Đức lúc chúng tôi đang đánh nhau với Ba Lan đã hoàn toàn án binh bất động ở phía tây”.
Chính phủ quý tộc Ba lan đã khước từ sự giúp đỡ của Liên Xô. Họ “cảnh giác” xây dựng những tuyến phòng thủ và chiến lũy ở phía đông để chuẩn bị chiến tranh với Liên Xô trong khi đó thì quân đội Hít-le lại từ phía tây, phía bắc và phía nam tiến vào và đã nhanh chóng chiếm đoạt được các kho vũ khí. Dù những người yêu nước Ba Lan đã chiến đấu rất anh hùng, quân Đức vẫn vây hãm được quân đội Ba Lan vào trong một cái “chảo” lớn. Thế chiến thứ hai tiếp diễn trên một quy mô ngày càng lớn.
Trong thời gian đáng báo động này, Hồng quân chúng ta như thế nào?
Tại Đại hội lần thứ XVIII của Đảng (tháng 3-1939) đồng chí Ủy viên nhân dân quốc phòng, nguyên soái Liên Xô K.E. Vô-rô-si-lốp đã báo cáo rằng, so với năm 1934 quân số của chúng ta đã tăng hơn gấp đôi và trình độ cơ giới hóa quân đội đã tăng 260%. Đồng chí đã nêu ra những số liệu tổng quát về hỏa lực của các quân đoàn bộ binh, hỏa lực này không thua kém hỏa lực của các quân đoàn Đức hay Pháp. Kỵ binh tăng một lần rưỡi và được tăng cường đáng kể (bình quân là 35%) về đại bác, trung liên, đại liên và xe tăng. Tổng số xe tăng cũng tăng gần 2 lần và hỏa lực của nó tăng gần 4 lần. Pháo tầm xa, các hệ thống pháo bắn nhanh, đặc biệt là pháo chống tăng và pháo của chiến xa đều được tăng cường. Nếu trong năm 1934, toàn bộ lực lượng không quân của chúng ta có thể chở 2.000 tấn bom trong một chuyến bay thì bây giờ đã mang được một khối lượng bom 280% lớn hơn. Không phải chỉ máy bay khu trục mà cả máy bay phóng pháo đều có khả năng bay nhanh trên 500 km/h và bay cao tới 14.000 - 15.000m.
Trong báo cáo về công tác của Ban Chấp hành trung ương Đảng Cộng sản (b) Liên Xô đọc trước Đại hội lần thứ XVIII của Đảng, đánh giá nguy cơ của một cuộc chiến tranh đế quốc chủ nghĩa mới, I.V. Xta-lin đã nói rằng, tuy trước sau vẫn thực hành một đường lối chính trị nhằm giữ gìn hòa bình, nước ta đã đồng thời triển khai một công tác quan trọng nhất nhằm tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu của Hồng quân và Hạm đội của chúng ta. Và trên thực tế, đúng là như vậy.
Trong ngành nghiên cứu sử học của ta thường biến mất những tài liệu rất quan trọng liên quan đến người và thời gian phát biểu hoặc in các tài liệu đó. Đôi khi một số ý nghĩ và lập luận về những năm trước chiến tranh rút ra tử những tài liệu gián tiếp và các công trình nghiên cứu phụ lại được xem như là những phát kiến mới, mặc dù những ý nghĩ, lập luận và ngay cả đến những việc thực ấy vốn đã sẵn có trong các sách rất dễ tìm thấy ở thư viện.
Nói riêng, những văn kiện của các Đại hội Đảng thời gian ấy có nhiều tư liệu lịch sử phong phú nhất phản ánh một công tác to lớn mà Đảng và nhân dân ta đã tiến hành trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Tiện đây xin nói là những văn kiện ấy không phải do những cá nhân mà là do hàng trăm, hàng ngàn chuyên gia thông thạo - những người đã tham khảo hàng núi tư liệu thực tiễn - nghiên cứu kỹ trước khi đưa một con số nào đó vào một bản báo cáo quan trọng.
Đương nhiên là phát biểu tại Đại hội lần thứ XVIII của Đảng, đồng chí Ủy viên nhân dân quốc phòng đã không thể nêu ra những con số tuyệt đối thể hiện sự hùng cường của quân đội. Nhưng tại những cuộc thương lượng của các phái đoàn quân sự ba nước Liên Xô, Anh và Pháp trong tháng 8-1939 - những cuộc thương lượng này tất nhiên là những cuộc thương lượng bí mật - thì những số liệu cụ thể đã được dẫn ra.
Những cuộc thương lượng này rất đáng được chú ý. !!!3688_12.htm!!! Đã xem 220845 lần.


Được bạn: Thái Nhi đưa lên
vào ngày: 5 tháng 8 năm 2004