Càng gần Tết càng rộn rịp, những lớp Tam, Tứ không thi nên chơi xả ga, lớp nào cũng ồn ào ca hát. Nếu bà Tổng nổi hứng mà ra lệnh lục cặp học trò thế nào cũng tịch thu được cả ngàn bản nhạc cũ, mới. Tụi tôi cũng thế. Tập nhạc của Loan được chiếu cố nặng, đứa này đứa kia thi nhau giành dựt.
- Ê Loan, tao mượn chép bản Dạ Khúc đi
- Hoa Mai mượn rồi. Tao thuộc tao đọc cho
Tôi và Cúc tựa đầu vào cạnh bàn đồng ca bản Dạ Khúc, nhưng không dám hát to vì thầy Dư đang giảng bài, cứ phải rên ư ử trong cổ họng.
- Các cô ồn quá, có yên cho tôi giảng bài không?
Thầy Dư nhăn nhó vì ồn ào quá, nhưng chúng tôi có còn ham học đâu vì chốc chốc ngoài hành lang lại 1 giai nhân đi ngang qua cười khúc khích. Ôi, các em nhạo báng lớp thi “giờ này còn học”, chắc thế. Còn đời em đó em!
Nhỏ Xuyến đang lúi húi lục hộc bàn vừa nghe Thầy la liền ngẩng lên yêu sách:
- Chơi đi Thầy, gần hết năm rồi mà Thầy.
Cả lớp được thể ồn theo:
- Chơi đi Thầy, cho hát nhạc chuyển mục đi Thầy
Thầy lắc đầu:
- Hừm, các cô quá lắm, năm nay thi mà còn ham chơi
- Thôi thầy. Học thi cả năm chứ đâu phải mấy ngày gần Tết, Thầy. Cho chơi, thầy. Hát, thầy
Đứa nào cũng dài mồm đòi
- Loan, mi xem Liên Minh dân gạo trong lớp cũng đòi chơi nữa chứ
- Đứa nào không thế … tao đố mày Thầy có chịu cho chơi không?
Tôi ngẩng lên nhìn thầy Dư, Thầy đang đứng cười nhín nhín miệng
- Gần chịu. Ê tụi mi, tấn công mạnh vào
Loan dơ tay phát biểu:
- Thưa thầy, lớp ồn quá, để con lên điều khiển chương trình cho có trật tự
- Miệng cô to nhất đấy
Xuyến giơ tay:
- Thưa thầy con tình nguyện hát 1 bài giúp vui ạ
- Thôi được rồi các chị chịu khó học còn 5 phút tôi cho chơi
- Thôi thầy. Chơi bây giờ đi thầy, cũng gần hết giờ rồi thầy
- Các chị lớn rồi mà còn ham chơi, được rồi, tôi giảng xong bài này đã
Lớp yên lặng dần nhưng có đứa nào chú ý đâu, mỗi đứa đều có 1 trò trái khoáy để chơi. Xuyến lại tiếp tục lúi húi ở hộc bàn với Anh Tú.
- Mi xem nhỏ Xuyến nó có gì ăn mà cứ giấu giấu mãi kìa.
Loan rón rén ngẩng cổ nhìn lên phía trên.
Tôi chưa kịp tiếp lời Loan thì Cúc Gà Mỹ đã cục tác bên cạnh:
- Ê Mai, đưa tay cho tao coi … trai tay trái, gái tay phải
Tôi chưa kịp rụt tay lại Cúc đã đánh bốp vào tay trái của tôi. Tôi cú đầu Cúc Gà Mỹ cái cốp. Cúc cười cười cầm tay tôi ngắm nghía:
- Cha chả, con này có số đào bông quá ….từ giờ cho đến lúc lấy chồng phải hơn 1 chục ông bồ
- Ừ, chịu khó coi mục đó kỹ kỹ. Có cần ta chia bớt cho
- Ông thèm vào. Im tao coi mày có học cao không?
Loan nói chõ vào:
- Ối, nhìn tướng nó tao đoán ngay là sau này chỉ bán bún riêu
Tôi lườm Loan:
- Bán bún riêu còn có nghề à cưng. Chứ cỡ mày tao nghi mai mốt chỉ đáng “manager – toi” là hết ga
Cúc:
- Con này thế nào cũng lấy chồng sớm, dám sau khi thi xong lắm cưng, nhưng có trễ lắm là học thêm 1 năm Đại Học cho biết mùi
Loan chen vào:
- Đâu đâu mi xem bao giờ tao lấy chồng. Mơi, được không?
Tôi đập vào tay Loan:
- Dẹp. Để nó coi cho tao xong đã. Đâu đâu sao mi nói tao lấy chồng sớm.
- Này mi xem. Đường học vấn của mi chạy có tới đây rồi rẽ 2, chả phải lấy chồng là gì?
Loan lại đưa tay ra:
- Xem cho tao mí, coi 2 đứa, đứa nào lấy chồng trước.
- Suỵt. Thu nhỏ cái mõm của mi lại tí đi. Chồng với con. Thầy la cho bi giờ
Tôi đẩy Loan lại gần Cúc và sang ngồi chỗ nó. Bên kia Héo, Nhí, Nhót đang chúi đầu vào 1 quyển sách cũ, vừa đọc vừa cười khúc khích. Tôi rón rén chui xuống gầm bàn đằng sau tụi nó, ngó xem và thấy loáng thoáng cái tựa đề bị rách. Loại…khó nói quá. Không-thể-nói-được. Tôi bật cười làm cả 3 giật mình. Lúc đó thầy Dư vừa giảng xong, chỉ tay hỏi:
- Ba cô kia làm gì mà gục xuống bàn thế, ngủ à
Cả lớp quay lại nhìn về phía bàn chót. Tôi từ dưới gầm bàn ló đầu lên:
- Thưa thầy, các chị ấy đang nghiên cứu sách … giáo khoa nhi đồng.
Nhỏ Hoàn thò chân đá tôi 1 cái rồi nhét vội quyển sách vào cặp. Cả lớp dường như cũng lờ mờ hiểu giá trị quyển sách nên cười ồ lên.
Lan ở đầu bàn chạy xuống khi chuông reo chấm dứt giờ học.
- Sao Mai không đưa Carte cho Thầy?
- Mai thầy còn 1 giờ nữa, mình đưa Carte thế nào Thầy cũng cho chơi
Thầy bước ra, lớp ồn ào như chợ vỡ.
*
Chao ôi, mới tới cửa trường lòng đã rộn cả lên rồi. Ái chà, không có nàng nào mặc áo trắng cả, lột xác hết. Thế mới biết là dân Trưng Vương diện. Tôi cứ tưởng mình mặc thế này chắc là bà con xì xầm, ngó dữ lắm, vì quần “pan” trắng rộng ba mươi lăm phân ống, áo nhung tím dài ngang đùi. Vậy mà lúc này tôi thấy mình chả thấm vào đâu. Mấy cô bé áo trắng hôm nay đố ai tìm thấy nét đơn giản của ngày thường. Hippy, À la mode như điên. Tôi nghĩ thầm:
- Trưng Vương mình mà trình diễn thời trang là đứng đầu cái chắc. Con cháu Hai Bà mà.
Khỏi cần nhìn thấy mặt, chỉ nghe tiếng hét là tôi biết từ miệng Mai Nhí rồi. Chúng nó đang làm gì mà om sòm thế không biết. Tiếng kéo bàn ghế, tiếng cãi nhau hỗn loạn. Không khí hôm nay khác hẳn mọi hôm, không đứa nào mặc áo trắng, không cô Giám Thị đứng ở chân cầu thang kiểm soát huy hiệu và áo lót, không chào cờ và không có bài Moral của bà Tổng trước khi vào lớp. Hình như đứa nào cũng điệu nên đứa nào cũng đẹp hơn mọi khi. Tay không ôm cặp nên trông người có vẻ nhẹ nhàng mặc dù cũng phải khệ nệ hộp bánh, gói quà, nhưng mặt vẵn tươi như hoa.
- Con ranh, bây giờ mới vác mặt lại.
- Tụi mi làm gì mà hét to thế. Đi từ đầu cầu thang đã nghe giọng nói tụi mi rồi.
Mai Nhí kể lể:
- Chúng nó xúm vào đòi thử bánh của tao.
- Chứ sao nữa, tao hy sinh thử trước xem có độc không.
- Ông cóc cần trò hy sinh của nàng. Có xéo ra chỗ khác chơi không?
Tôi đưa mắt nhìn quanh căn phòng vừa được trang hoàng:
- Ðứa nào vẽ đẹp thế kia?
Loan vênh mặt:
- Nhìn thế mà không biết của tao sao còn hỏi
- Không vẽ thì đẹp hơn.
Tôi lôi mấy hộp bánh trong giỏ ra. Lũ bạn lại bu quanh tôi.
- Khỏi cần tụi mi, tao nếm ở nhà rồi.
- Mi nếm không bảo đảm. Miệng mi không kháng độc.
Tôi đưa cho mỗi đứa một hộp để sắp ra đĩa. Cả đám xúm vào. Tôi kêu:
- Thôi Mã Thày với Ù để đó. Tụi mi có xe đi mua hoa đi.
- Hôm nay đám cưới mày đí hở.
- Tụi mi chỉ có mười lăm phút để làm công tác này.
- Hoa gì. Huệ trắng hay Vạn Thọ đỏ?
- Mua Vạn Thọ để làm gì?
- Thôi Mồng Gà vậy nhé.
Tôi phải dậm chân hét:
- Giời ơi, con lạy mấy má, lựa dùm 1 chục Gaillet đỏ.
Mã Thầy hét lại:
- Má đi đây con.
Tôi tức nhưng phải bật cười, nhìn theo 2 nhỏ.
- Ðứa nào vác giúp tao mí bây.
Một lũ nghe gọi chạy ra mở cửa. Cúc Gà Mỹ hai tay ôm hai trái dưa hấu to hơn cái bụng nó, kêu:
- Nặng quá, tao vác từ dưới nhà lên sái cả tay.
Cúc nhăn nhó:
- Bạn bè cả 1 lũ bất hiếu... Ở dưới nhà còn một quả nhỏ đứa nào xuống lấy đi.
- Chết chưa. Có đứa nào canh không?
- Tao để đại ngay cổng trước í. Gặp hai con Ù với Mã Thầy chạy xuống. Tao bảo chúng nó mang giúp lên …. Hai cái con nham nhở, mỗi đứa cú lên đầu tao hai cái, phát vào mông tao hai cái rồi chạy. Đểu không cưa chứ. Nó ỷ tao không có tay mà.
Tôi xoa đầu Gà Mỹ:
- Tại hôm nay mi diện đầm trông mũm mĩm quá nên tụi nó nựng đí. Tội cho cái thằng cháu nội của tao quá
Cúc vờ đưa tay quẹt mắt:
- Híc híc. Tủi cho cái thân Gà Mỹ của em. Cho em thử miếng bánh này cho đỡ tủi.
Cúc cầm miếng bánh chạy vụt ra ngoài sau tiếng hét phản đối của các bạn.
Tôi dụ khị mấy đứa:
- Thôi, trên này cũng tạm xong rồi, tụi mi chịu khó xuống sân chờ đón giáo sư, không mấy lớp kia dành mất.
Cả bọn kéo nhau xuống, vài đứa ở lại phụ giúp tôi bổ dưa, xếp bánh. Năm nào cũng thế, tôi đứng lên tổ chức tất niên đều được bạn bè giúp đ thứ, chẳng bận rộn gì. Thế mà năm nào cũng được khen. Nhưng chỉ còn 1 năm nay nữa thôi cho tôi tổ chức. Sẽ chả còn nữa, sẽ chẳng còn dịp la hét với nhau, ăn uống với nhau, chơi đùa với nhau. Những gì đang có lúc này rồi sẽ không có, những gì hưởng thụ lúc này rồi sẽ chỉ còn trong ao ước, sẽ làm mình ao ước mãi. Tư nhiên tôi buồn bã, đứng thần người.
Bản nhạc ngoại quốc vang lên từ máy băng làm rộn ràng cả căn phòng. Bạn bè tôi dần dần trở lại xúm quanh vào chiếc bánh lớn của Hoàn làm.
- Nhỏ Hoàn khéo quá.
- Phải tao có con trai lớn, tao cưới nó làm dâu rồi.
Hoàn nham nhở:
- Tiếc quá. Thôi sẵn có thằng anh kỹ sư của mày đem cho tao cũng được, tao không chê đâu.
Tôi cũng ghé mắt vào khen Hoàn 1 câu:
- Tưởng con người mày phế thải rồi chứ, không ngờ còn một ít giá trị.
- Con này mở mồm ra là chưởi người ta, ngay cả câu khen của nó
Tôi tát nhẹ vào má nhỏ Hoàn:
- Tội cho mi, bây giờ mới biết tao thế.
Loan cheo vào:
- Nó vốn đỉu từ xưa
Một lũ kê nhau rồi 1 lũ ngồi cười. Đang cười hở 10 cái răng thì Cận Dâm chạy lại:
- Ta vừa chụp nhà mi 1 pô đang cười như đười ươi
Tôi chưa kịp la nó thì có tin giáo sư sắp vào. Lớp học đỡ nhốn nháo, Mai Nhót sẵn sàng câu chúc Tết giáo sư, nó lẩm bẩm mãi trong miệng làm lũ bạn bò ra cười. Tôi dặt đặt bó hoa bên cạnh bàn, không dám ôm sợ tụi nó chế là cô dâu. Mã Thày và Toét đã mời được giáo sư. Cả lớp vỗ tay ròn rã đón chào.
Cô Vân hôm nay mặc áo màu hoa vàng trang trọng. Cô cười thật tươi. Lũ học trò xúm quanh cô vui vẻ, chả bù ngày thường run như cầy sấy vì cô luôn luôn có một rổ trứng vịt để tặng. Chưa hôm nào cô Vân đẹp như hôm nay, thật cởi mở mà cũng thật gần gũi. Cô đưa cho nhỏ Khanh gói giấy hoa trên tay:
- Quà lì xì các em.
Chúng nó reo vui, tranh nhau ngồi cạnh cô Vân. Nhỏ Loan vỗ tay ra hiệu các bạn yên lặng để chúc Tết giáo sư
Tôi ôm bó hoa đến bên cô. Cả lớp lặng như tờ. Giọng tôi run run:
- Thưa cô, chúng con, toàn thể nữ sinh lớp 12AP2 kính chúc cô... cùng gia quyến.... một năm mới an khang hạnh phúc,.. và cô luôn luôn mạnh khoẻ để dìu dắt chúng con trên đường học vấn...
Cả lớp vỗ tay rộn rã. Cô Vân đỡ bó hoa, giọng cảm động:
- Cô cám ơn tất cả các em. Ðầu tiên cho cô gửi lời kính chúc tất cả phụ huynh của các em được mọi sự như ý. Tiếp đến, cô chúc các em học thật giỏi, cuối năm thi đậu... năm nay là năm cuối cùng ở bậc trung học, các em phải cố gắng để đạt được kết quả và gây tiếng tốt cho trường.
Tất cả cúi mặt yên lặng. Tôi ngẩng lên nháy mắt Loan. Loan hiểu ý ra hiệu:
- Nào, một, hai, ba...
Xuân đang dần dần đi đến
Chúng ta ngồi quây quần bên thầy cô, yêu dấu.
Xuân sẽ dần dần đi mất.
Chúng ta ngồi quây quần nhớ thầy cô, thật nhiều.
Chúng tôi hát đi hát lại, giọng trầm buồn vời vợi. Nỗi xúc cảm dâng đầy lên mắt chúng tôi. Câu hát thật bình thường nhưng lúc này chan chứa ý nghĩa. Tôi cắn môi, không hát nổi, nhìn Loan:
- Eo ơi, buồn quá.
Loan vỗ tay thay đổi không khí:
- Nào tiếp, Ly Rượu Mừng.
Ngày xuân nâng chén ta chúc nơi nơi...
Một vài đứa cầm ly cụng nhau cười. Tiếng cười lại vang khắp phòng.
Hát được nửa bài thì thầy Ðàn mở cửa vào. Chúng tôi mừng quá, nhẩy lên hét.
- Thầy ạ, thầy ạ.
Thầy đưa tay ra hiệu:
- Hát tiếp đi, tiếp đi..
á a a a.. hát khúc hoàn ca chúc mừng đời mới...
Chúng tôi lại tiếp tục vỗ tay hát theo thầy. Thầy chào cô Vân. Bọn học trò lôi thầy, kéo thầy, hát vào tai thầy …thật khó khăn thầy mới đứng yên bình trên 1 chỗ đối diện với cô Vân. Cô và thầy cùng vỗ tay theo lũ nữ sinh nghêu ngao hát.
Vừa xong bài Ly Rượu Mừng chúng nó xúm vào đòi thầy lì xì. Cả bọn đồng thanh:
- Lì xì
- Thầy, lì xì thầy.
- Ơ làm gì mà thầy lì xì thầy loạn lên thế, lớn rồi.
- Càng lớn càng biết tiêu tiền ạ.
- Thầy lì xì lấy hên cho tụi con năm nay thi đậu ạ.
- Thì từ từ... ngồi xuống hết để tôi phải xin phép giáo sư chính của các chị rồi mới dám lì xì chứ. Chả như cô, bác, chú đến nhà muốn lì xì cũng phải “xin phép hai bác cho tôi lì xì các cháu hay ăn chóng lớn” chứ.
Cô Vân lắc đầu cười, chịu thua lũ học trò ồn ào quấy phá.
- Cô chịu rồi ạ. Cô bảo thầy lì xì nhiều nhiều cho tụi con lấy hên thi đậu.
- Ngồi xuống yên lặng, đã đứa nào chúc gì chưa mà đòi lì xì.
- Chết chết, tụi con chúc thầy sống lâu trăm tuổi.
- Nó rủa thầy chết rồi còn chúc thầy sống lâu.
- Con chúc thầy đầu năm có cô cuối năm có con ạ.
- Nó mới nói thầy 2-3 tá hôm nọ xong.
- Con chúc đàn gà của thầy mỗi ngày đẻ một trứng.
- Gà người ta đẻ một ngày năm trái. Bây giờ chúc một ngày một trái là mất tiền lì xì rồi.