Chương 3

Nhỏ Hoàn vừa nói vừa giựt miếng xoài của Loan đặt hớ hênh ở hộc bàn. Cả bọn chung quanh rũ ra cười không thành tiếng.
Loan mặt mũi đầy đau khổ:
- Ta thí cô hồn tụi mi ăn cho béo bản họng.
- Càng chửi chúng tao ăn càng ngon.
- Các chị vẽ mau đi, không tôi xóa bây giờ đấy
Thầy vẽ nhanh ghê, chưa chi đã hoàn thành bộ xương người khỏng kheo trên bảng.
- Này, nếu thầy xóa, nhỏ Hoa Mai phải đứng lên bảng cho tụi tao vẽ đấy.
- Bộ thân chùa sao. Của đứa nào đứa ấy vẽ, linh động hơn.
…..
- Thanh Mai thêm vào câu nào là nóng bỏng câu ấy.
- Ơ hay nhỉ. Các chị vẽ bằng tay hay bằng mồm vậy?
- Thưa thầy các cụ ta có câu: Tay làm hàm lắp bắp ạ.
Chúng tôi học Vạn vật không bao giờ ngồi yên được. Tay vẽ miệng nói rào rào, toàn chuyện tếu:
- Thầy giảng bài đã ….chán mà bàn ghế lại che lấp mất dung nhan thầy làm sao mình cảm thấy hấp dẫn mà ngồi nghe được.
Nhỏ Loan than thở vừa đúng lúc thầy giảng về sự tăng trưởng của xương.
- Thưa thầy - nhỏ Ngọc hỏi – Có phải người lùn là vì sụn tăng trưởng thoái hóa không ạ.
Câu hỏi của nhỏ Ngọc làm cả lớp ồn lên chọc thầy:
- A, đúng rồi! Mai mốt ra bác sĩ con ghép sụn tăng trưởng cho thầy
- Sự tăng trưởng của thầy lười hoạt động hơn của thầy Dư
Cái gì cũng có thể làm đề tài cho chúng tôi chọc thầy được.
- Thưa thầy có bao giờ thầy nghĩ đến lúc phải đứng lên bàn giảng bài không ạ.
Những tiếng chọc thầy to nhỏ ồn ào không biết có lọt vào tai thầy Đàn hết không.
Thầy bảo:
- Thôi, yên lặng. Các chị phải biết tôi rất kiêu hãnh với mẫu người đặc biệt mà cha mẹ đã tạo ra cho tôi.
- Thưa thầy. Chứ không phải thầy rất đau khổ khi thấy sụn tăng trưởng của cô Oanh mỗi ngày 1 tăng?
Nói đến cô Oanh là thầy lắc đầu cười, chịu thua tụi quỷ học trò rồi. Chuyện ghép thầy với cô Oanh không biết đã có tự bao giờ truyền đến chúng tôi. Có 1 lần tụi nó ăn cắp nón của cô Oanh mắc vào xe thầy Đàn làm cô tìm nón mãi, lúc tìm thấy thì nón đang trên tay thầy, tụi học trò ma mãnh được 1 phen cười rũ.
- Chết các chị nói thế cô Oanh giận đấy.
- Ơ.. ơ cô giận thì đã có thầy dỗ ạ
Thầy Đàn đành yên lặng đợi cả lớp im vì cứ nói câu nào ra là bị chọc câu ấy.
Thầy giảng vừa hết bài xương thì chuông ra chơi. Bà giám thị vào báo tin cô Hân nghỉ, thế là chúng tôi hụt nghe chuyện triết gia rồi. Một giờ nghỉ không có gì thú vị vì chúng tôi phải ở lại trong lớp để làm điểm cuối tháng. Làm được 1 nửa tôi trả lại bà giám thị:
- Thôi cô làm dùm em đi cô. Em mắc xuống văn phòng họp văn nghệ đó cô.
Cô Lệ Thu Trưởng Khối Văn Nghệ chủ tọa buổi họp. Giáo sư đang đề cập đến chương trình văn nghệ tất niên, nhưng đề cập sơ sơ vì có nhiều đề mục: văn nghệ trình diễn ở ngoài như các trường Đại Học, ở các Quân Y Viện, các tiền đồn – văn nghệ bánh chưng – văn nghệ ngày tất niên - Đủ thứ văn nghệ hết.
- Thưa cô em có ý kiến. Xin bà Tổng trích quỹ để sắm trang phục văn nghệ cho tụi em, chứ mỗi lần trình diễn đi mượn quần áo mệt quá ạ.
Cô Lệ Thu cười gật đầu. Tôi dư biết cô Lệ Thu gật đầu để đó thôi, đã bao lần làm đơn nhưng có được đâu vì trường nghèo quá.
Xong buổi họp, tôi vừa lò dò qua khu họp xã hội thì có tiếng nói sau lưng:
- Cô Hoa Mai, cúp cua đi đâu đây?
Cô Hảo đứng sau lưng tôi tự bao giờ. Tôi cười:
- Dạ, em đi họp văn nghệ ạ
- Thế năm nay Hoa Mai đã dự tính vũ gì chưa, năm ngoái em vũ ai cũng khen.
- Cô khen thế thì nhất định năm nay em phải ra rồi. Yến vừa rủ em đó cô.
Cô Hảo cười rồi với tay bấm chuông. Khiếp, mới quanh quẩn 1 tí mà đã hết 1 giờ rồi. Tôi với Loan níu nhau nhún nhẩy lên cầu thang. Giờ này học cô Vân, nhưng chúng tôi cũng chả học hành gì, vừa ngồi nói chuyện vừa dịch mấy câu Thème để đợi giáo sư phê học bạ xong.
- Đói bụng không, tao còn khúc bánh mì bơ
- Không đói nhưng buồn ăn, tao cũng đem đi 2 quả chuối.
Khúc bánh mì được luân phiên mỗi đứa cắn 1 miếng
- Ê, ê, tao đố nhỏ Loan câu gói đậu phộng của con Xuyến đó.
- Được
Loan viết thư cho Thanh Mai, nhờ nhỏ này gọi Xuyến quay qua bên kia rồi nhẹ nhàng nhón cả đậu phộng lẫn ô mai của Xuyến, chia ra 6 đứa ăn tỉnh bơ:
- Ủa, gói ô mai của tao đâu rồi?
- Hì, hì, của mi à. Ta tưởng của chùa
Biết gặp tay Loan, Xuyến cười đau khổ:
- Đồ tụi mi “đỉu” giả, bố mi dạy mi thế đí hả?
Còn 1 giờ thầy Đàn là xong. Ngày nào cũng đều đặn thế nhưng chúng tôi vẫn cảm thấy đau khổ khi học đến giờ thứ 5. Tưởng tượng bà con ra về ăn đầy bụng, nằm sướng cái lưng trong khi tụi tôi phải đày đọa trong lớp. Càng lớn càng khổ. 1 số đứa thản nhiên ôm cặp về, thầy Đàn không bao giờ kiểm soát, nhưng vô phúc đi nửa đường mà gặp bà Giám Thị thì coi như cấm túc 2 chiều thứ 7.
- Xuống mua gì ăn đi, tao có 30
- Im đã, tao viết nốt.
- Thôi, thôi về nhà viết. Ngồi 4 tiếng rồi mày không ê mông à
- Tao nói cho mi biết, ngồi mãi xương cụt mòn đi đấy
Hai nhỏ Loan, Cúc phát ngôn thì khỏi chê. Ba đứa cười rũ rồi xô đẩy nhau đi xuống.
- Thầy ạ. Học 5 tiếng đói bụng quá thầy, thầy cho tụi con tiền ăn bò bía lót lòng ạ.
- Hư, lớn rồi còn xin tiền.
- Thôi thầy. Lâu lâu thầy bao tụi con đi thầy, lớn mới phải ăn chứ thầy
- Ăn là ăn cơm chứ ai mà ăn bò bía.
- Bò bía mới đủ dưỡng chất đấy ạ. Thầy xem, củ đậu là Glucid, trứng, tôm khô là Protid, còn đậu phộng và lạp xưởng là Lipid. Thầy coi có món nào đủ dưỡng chất bằng không.
Ba đứa vây lấy thầy vòi cho bằng được chầu bò bía.
- Im. Từ từ thầy cho. Đấy, thầy đang móc ví đấy.
Thầy Đàn lắc đầu cười rồi rút trong túi ra 100 đồng:
- Đấy, tôi còn bằng đây, mua bò bía rồi chia nhau. Mải ăn quà vào trễ là bị phạt à.
Chúng tôi kéo nhau xuống cầu thang, cười rộng ngoác miệng
- Nhất thầy
- Thầy dễ thương nhất trên đời
Vừa ăn bò bía Loan vừa phát biểu:
- Hôm nay tao thấy dáng lùn của thầy có vẻ hay hay mi ạ.
- Ừ. Sẽ hay hay mãi nếu giờ thứ 5 nào thầy cũng tặng tụi mình 10 cái bò bía như hôm nay.
Ăn bò bía xong, đúng lúc chuông vào học. Giờ Vạn Vật mới chán làm sao. Trời tự nhiên xâm xẩm tối. Đẹp. Tuyệt đẹp.
- Đẹp kinh khủng, hình như trời sắp mưa. Làm thơ đi Loan, buồn quá Loan ơi.
Loan ngồi yên nhìn tôi. Nó đang làm thơ, tôi đọc được ý thơ trên đôi mắt nó mơ màng. Ở tuổi chúng tôi, thế đấy. Vui đấy, cười đấy rồi buồn rồi khóc lúc nào không đoán được.
- Hai cái thằng Ông Nội với con Bà Nội của tao đang làm gì mà thừ người ra thế?
Nhỏ Cúc phá đám. Nó thường gọi Loan là Ông Nội và tôi là Bà Nội. Bố nó là nhỏ Khanh, con trai của hai “vợ chồng” tôi. Tụi tôi nói chuyện với nhau mẹ mẹ con con, bà bà cháu cháu, người ngoài mà nghe được hẳn phát điên.
- Tao đố con Bà Nội, thầy Đàn mặc áo mưa kia tới đâu?
- Tới đầu gối mới gọn, vì tao biết khi mua thầy phải bảo mua cho con thầy khoảng 10 tuổi.
Nhỏ Loan khúc khích cười:
- Muốn biết chắc chắn mình lấy nó xuống đây
Tôi bèn viết thư lên cho nhỏ Ngọc: “Mi tìm đủ mọi cách, mọi mánh khóe nghề nghiệp lấy cho tao cái áo mưa của thầy rồi chuyển xuống đây cho tao”. Con Ngọc chắc đang buồn tình nên có công tác, nàng ta hành động liền. Nó chui xuống gầm bàn. Thầy Đàn đang lúi húi vẽ giai đoạn tăng trưởng của xương, Ngọc bò bò lên bàn giáo sư với tay lấy cái áo mưa cho ngay vào vạt áo. Cả lớp cười ồ lên, thầy quay lại.
- Thưa thầy, các chị cười cái xương của thầy (vẽ) vừa ngắn vừa nhỏ ạ.
Câu nói của Tuyết làm thầy và cả lớp đều cười
- Các chị muốn dài thì các chị vẽ dài ra.
Cái áo mưa đã được chuyền đến tay tôi
- Có cái mùi … ghê ghê quá mi ơi
Con Loan đòi đưa cho nó dấu đi. Ba đứa đùn cho nhau, sau cùng đồng ý treo ra ngoài hành lang. Lúc về, nhìn mưa, thầy mới biết áo mưa mình không cánh mà bay.
- Chị nào lấy áo mưa của tôi, bỏ ra.
Thầy tìm trong hộc bàn, hộc bục đứng. Cả lớp cười rúc rích, cười nghiêng ngửa.
- Đâu có ai lấy thầy. Thầy đâu có đem vào lớp.
Quanh quẩn 1 lúc thầy đành bỏ ra về, dư biết lũ học trò quỷ quái đã ra tay. Ra đến hành lang thầy mỉm cười, lẳng lặng ôm cái áo mưa, lẩm bẩm:
- Nghịch quá thể …
Một buổi học, như mọi ngày, lại qua đi …