Chương 10

Em nhỏ chăn trâu trên gò xoay cái nón lá, ngó phía biển, quay lại kêu lanh lảnh:
- Mô-ranh(1) lên đó mấy chú!
Tôi vừa xong phần lý thuyết về mìn lõm. Cả đội du kích nhấp nhổm, Năm Ri mau miệng hỏi:
- Cho bắn chớ, anh Thiêm?
- Tuỳ ông thôi!
Cậu ta cười toét miệng, kéo các tổ săn máy bay luồn cây chạy xuống bờ sông Rù Rì. Ri vẫn chưa quen với vai xã đội phó mới được giao. Thêm cái nếp tôn sư trọng đạo của dân mình mạnh đến nỗi từ khi tôi mở lớp đến nay, cả Mẫn và đội du kích đều coi tôi như ông thầy, như cấp trên.
Anh chị em tản vào các bụi rậm, tập chôn mìn. Anh Luân đã khập khiễng cặp chân thấp khớp đi tìm số trai trẻ Tam Sa lánh nạn quân địch ở các xã trên, mộ được bốn chục du kích mới. Các cô gái làng đòi thoát ly nhiều, nhất là các cô xinh đẹp dễ bị ghẹo bị hiếp, anh chỉ chọn hai chục “Tụi bây ra hết thì lấy ai vừa đánh vừa đấu! Hồi nào địch bắt lình đờn bà, tao cho Hai Mẫn góp một đại đội con gái, mặc sức bây gõ đầu thằng Mỹ“. Cộng với số du kích cũ, Tam Sa đã đủ mỗi thôn một tiểu, nhưng mới được ba người một súng, đang cố kiếm thêm võ khí.
Chiếc tàu rà lên tiếng từ xa. Một hồi trẻ em khóc eo éo, mấy tiếng ru hời rầu rĩ. Tôi nhìn nó sao cứ nhoè nét mãi. Tôi dụi mắt, chợt thấy bả vai nhức mỏi. Chắc tại thức đêm lội cát nhiều, hay lại trở trời. Để coi tổ Năm Ri bắn ra sao, tập bắn máy bay bốn ngày liền rồi.
. …Cấp thiết hiệu triệu ông Nguyễn Luân và bà Phạm Thị Mẫn và toàn thể anh chị em cán bộ và du kích đương nhiên hoạt động Việt cộng hãy cấp thời hồi chánh...
Máy bay kêu rè, giọng thằng xã Chinh cũng rè rè đọc cái bài ghi âm dốt hay nói chữ. Mắt tôi vẫn hoa. Tôi rùng mình liền mấy cái. Bậy rồi. Những con phát-xmô-đi-om trong máu đang phá quấy. tôi đã đưa liều thuốc sốt rét cuối cùng cho hai cậu du kích chia nhau hôm kia. Biết làm vậy là sai, dễ hỏng việc, nhưng tôi không cưỡng nổi... Chiếc tàu rà xuống thấp, bay dọc sông. Một loạt súng trường lốp đốp. Nó rướn lên. Loạt khác đuổi theo. Nó bay gấp qua đầu tôi, bên cánh trái hiện một mảng sáng. Cô Cang giẫm chân:
- Mẹ cha nó, rách miếng cánh lòng thòng mà cứ bay!
Tôi quay lại, định ném một câu đùa, nhưng hàm dưới bắt đầu lập cập không nói được. Rét. Trong mỗi đốt xương tôi, chất tuỷ đã đông thành những giọt thủy ngân nặng và rất lạnh, chạy qua tràn lại. Tôi không chịu nằm cố động đậy chân tay, làm cái gì đó để đè bẹp cơn sốt. “Lướt sốt“ nhạy nhất là khi địch đánh úp. Tôi lê ra ngồi chỗ sáng, cái nắng nung người trước đây mươi phút còn đáng sợ, bây giờ chỉ sưởi được một chút những chỗ da để hở. Pháo bắn lên sông Rù Rì, trả thù cho cái cánh rách tụi nó nã hàng giờ là ít. Tiếng nổ lọt khó khăn vào tai tôi đầy hồ đặc.
Năm Tuất đập vai tôi nói gì không rõ, chỉ tay vào bụi rậm. Anh nhắc lại to hơn, tôi bắt được từng đoạn cụt ngủn như văn điện tín:
-..Phơi nắng …nhập vô xương khó lành...nằm võng...chỗ thấp, lỡ văng mảnh...
Anh đã lấy võng tôi buộc vào chỗ trũng có bóng cây. Cô Cang xoắn xuýt hỏi tôi ăn cháo hay cơm, tôi chỉ để ý rằng giọng nữ thanh xói vào lỗ tai ù dễ hơn giọng nam trầm; hèn gì các cậu bị bom ép thích nói chuyện với cô hộ lý hơn với thủ trưởng... Không nên để anh em dỗ mãi vì một keo nhớ rừng. Tôi vào nằm võng lặng lẽ run, thu hình thật nhỏ cho người khỏe khỏi vướng. Năm Tuất vét bốn cái võng nữa đem trùm lên người tôi. Tôi thò đầu ra thở, thấy anh lại chúi vào đống sổ sách và hành hạ cây bút chì: cắn đầu bằng để nghĩ, mút đầu nhọn để ghi. Anh vừa được chỉ định vào ủy ban nhân dân xã, nắm kinh tế, đang lo gỡ đống bòng bong của thằng Ba Thấn để lại. Cô Cang áo trắng nón trắng, xách nồi gạo xuống chân đồi nhen lửa nấu cơm, lẫn trong những bếp đun nước và lò đốt than của đồng bào trong ấp chiến luợc ra kiếm củi cắt lá, róc vỏ sim, giấu gạo đem cho chúng tôi, đưa tin địch và gác cho chúng tôi từ bảy giờ sáng đến năm giờ chiều. Phải mất bốn ngày đấu tranh và hai người bị thương nhẹ, cha con thằng Chinh mới chịu mở cổng ấp, còn hẹn năm giờ trở đi chúng sẽ kêu pháo bắn vào bất cứ một bóng người, một búng khói nào trông thấy trên vùng gò đã “bàn giao cho Việt Cộng“.
Ai ra gặp du kích cũng nói:
- Cha con xã Chinh lên râu lên nước hung rồi đó.
Theo lời tả thì thằng xã Chinh nó tinh ma đến nỗi ốm teo ốm nhách, mặt bằng hai ngón tay chéo;bộ râu ba chòm thưa cứ ngọ nguậy quanh năm vì hắn nhai trầu không ngớt miệng. Mới lên bảy, hắn đã biết tránh sai vặt bằng cách “dạ” một tiếng thật to và chạy biến, như có ai gọi ngoài ngõ. Tên cúng cơm là Chàm, đặt tên con đầu là Chình, sau đổi tên chữ mới, bỏ dấu huyền. Đời Việt gian của hắn cũng chẳng xuôi chèo mát mái, ông thầy Mười nhớ kỹ lắm. Thời Tây, nắm triện đồng chưa nóng tay đã bị kiện lạm thuế, bán hai mẫu ruộng đút quan mới khỏi tù. Lên lý trưởng thời Nhật chỉ kịp ôm sổ ra nộp ủy ban nhân dân cách mạng. Mắc kẹt trong vùng tự do dạo chín năm, hắn vô Quốc dân đảng làm điệp, bị ta giam hai năm. Sau Giơ-ne coi như mả phát, hắn vọt lên quận phó được đâu sáu tháng, lập công giết luôn tám người kháng chiến cũ. Vẫn bị phe Diệm đá phốc, phải dắt con vô Phan Thiết trốn ít lâu, rồi về nhận một chức bạc nhạc là chủ tịch Phong trào(2) xã. Năm 63 Diệm đổ, hắn bị Quốc dân đảng xếp loại “thiếu lập trường”, chỉ kiếm được cái ghế đại diện xã, ít lâu sau mới giành được chân cảnh sát trưởng cho thằng con lêu lổng.
Con chó bị đánh mãi còn nhe răng gừ với chủ, hắn không gừ. Chẳng phải vì “mả ông nội chôn trúng đất bài ngà, sanh ra máu ưa lãnh việc làng, bị cái chưa đứng số“ như hắn nói khi nhậu lai rai với đám quen. Hắn làm tề chỉ vì ruộng.
Những đời cao tằng tổ khảo đã truyền lại cho hắn tám chục mẫu ruộng cùng với cái khát ruộng, mê ruộng, say ruộng khó tưởng tượng nổi. Qua hơn năm chục tuổi đời, trải năm trào chánh phủ- hắn tính các thời Tây, Nhật, Việt-minh, Diệm, và chưa biết đặt tên gì cho cái thời láo nháo hiện nay- hắn càng tin có ruộng là có tất cả. Thẻ bài, đồng triện có thể mất, nhà có thể cháy, vàng bạc có thể bị cướp, trâu bò và cả lũ con nữa có thể chết, chỉ có ruộng là ngàn năm không suy suyển, mỗi năm đều dặn đẻ cho hắn nhà gạch trâu cái. Hắn còn đứng trên ngọn đống lúa tô là còn nhiều người đến van vái xin làm rẽ, vay lãi; nắm nhân tâm bằng chén cơm là chắc nhất. Mỗi chuyến lên voi dù rất ngắn, đều giúp hắn cấu chỗ này véo chỗ kia, đắp cho ruộng hắn tròn hơn, liền bờ hơn, ít ra cũng bù một chỗ sứt mẻ khi xuống chó, hay cùng lắm hắn vẫn dựa chức mà giữ được vốn cũ, chờ thời ngoi nữa. Khi một số nhà giàu bán ruộng để làm giàu kiểu mới, hắn cười khẩy vét tiền mua ngay, rất khoái chí khi các công ty lần lượt vỡ nợ, máy hỏng xe trúng mìn. Đã nói nhứt điền nhì thổ mà!
Cái bệnh nghiện ruộng ấy, cái đạo thờ ruộng ấy chỉ có thể so với nỗi căm ghét dữ dội đối với những ai định lấy ruộng hắn. Từ thượng cổ đến nay chưa hề bao giờ xảy ra một chuyện nào quái gở như vậy, bốn ngựa xé thây không ác bằng trăm tay xé ruộng, hắn kêu vậy. Hắn xuýt lồng lên khi nghe Diệm ra dụ cải cách điền địa, đọc kỹ hắn lại thấy khoái: không động đến gia sản một trăm mẩu tây trở xuống, không động đến những ruộng đất canh tác bằng cơ giới, to mấy cũng được. Ngon quá rồi, thiếu gì mánh lới do gian, chia nhau đứng tên, đặt một máy bơm cũng gọi là cơ giới! Đến thời con cháu hắn vẫn còn ruộng đường làm giàu. Càn đường hắn lúc này chỉ có Việt cộng.
Em ruột hắn chủ, mấy chiếc ca-nô chạy sông, một lần về thăm quê vui miệng nói rằng chánh sách ruộng đất của “bên kia “ bây giờ coi bộ mềm dẻo. Giữa đám giỗ mà hắn ném luôn miếng bã trầu vào mặt em, chửi cha thằng chó đẻ tuy cả hai chung một cha một mẹ:
- Mềm với dẻo! Đền với bù! Tụi nó rượt tao chạy xịt khói đen khói trắng, mày ăn gì mà đi bốc thơm cộng sản?
Thằng em chẳng vừa, túm cổ cái chai lít thủ thế, cười mũi:
- Thằng này có miệng ăn cũng có miệng nói, đứa nào hót chánh phủ cứ việc hót thử coi: sát nhơn thì giả tử, ăn đất, còn chống đò chở gạo thì ăn cơm uống nước thiên hạ!
Mối thù âm ỉ từ ngày chia gia tài đến nay mới xì ngọn, lại bị giập ngay, chưa ai đủ sức hại ai.
Hắn không chịu nổi ý nghĩ mất ruộng, dù được bồi thường bằng nhiều cách. Cầm một nắm giấy bạc hay cổ phiếu trong tay, ù ù cạc cạc giữa những cỗ máy và những bài toán, hắn chỉ thấy hắn là cái cây đứt rễ tróc gốc, mớ lá còn dính đấy nhưng sẽ khô dần rụng dần. Hắn chống cộng với cái điên rồ của ông nội hắn bóp cổ vợ lấy tiền mua thuốc phiện, cái đần độn của cha hắn đi ăn cắp từng nắm lúa mót mà để thóc mục từng cót một, cái cuồng tín của hắn đã keo đã quánh lại trong tim óc. Ruột thì vậy, nhưng vỏ hắn lại trơn, hay đổi màu. Tùy lúc, hắn biết cười hề hề, lau nước mắt, mắng một tay sai, dám hỗn với cô bác, khề khà kể tâm sự như cởi ruột ra, và cho giết hết người này đến người kia.
Thằng Chinh con có khác. Hắn cao hơn cha một đầu, biết chút tiếng Anh đủ làm le với các cô chiêu đãi viên, ưa chơi vất tiền qua cửa sổ, quanh năm mặc áo quần lính dù và đi bốt tuy không phải nhà binh, đánh người giết người như chơi thể thao, hay tấm tắc khen cộng sản gan và giỏi để chọc tức cha. Cha con chửi nhau lắm trận ra trò, chỉ vì cha ham ruộng còn con ham rượu ham gái, cha chưa nã hết của chìm mà con đã rạch bụng “đương sự“, cha xỏ lá mà con du côn. Hình như thằng này hoảng sau khi chết hụt ở làng Cá, mất vùng Tứ Nhơn, lại được ủy ban gửi liền hai lá thư khuyên nhủ và cảnh cáo. Cách đấy vài tháng hắn còn than thở với bà con dưới Nhị Lộc rằng mất của hơn mất mạng, tình thế này trước sau gì hắn cũng nhảy vô Sài Gòn, Phan Thiết kiếm ăn, cái xã này “cảnh đã khó, sát nữa càng mau chết“. Hắn gửi hai tút thuốc Ru-by kèm một thư phân trần đến ủy ban trong dịp Tết. Đến nay, tin Mỹ vào và trận càn lớn đã sửa gân lại cho hắn. Hắn dẫn lính đi phục như cũ, bắn bị thương hai chị đấu tranh trong mấy ngày qua, đang mộ lâu la để ráp lại trung đội dân vệ bị đánh nát.
Tôi nằm co con tôm, kẹp tay giữa hai đùi cho đỡ lạnh, vẫn nghe những khúc câu hụt đầu đuôi như đánh điện qua võng kaki. Năm Tuất cần chắc thằng Chinh cha đi trên tàu rà, cứ nhè thằng ngồi sau mà bắn, không rớt máy bay cũng giết được ác ôn. Một cô cãi bằng giọng ồm ồm. Ấy là Rốt chị tức Hồng Lan, tức Lan B, bí thư chi đoàn của đội du kích xã. Mẫn hay kéo Rốt chị đi cặp kèm để làm loa hô lệnh chiến đấu, tha hồ mà quát đại đội bên phải tiểu đoàn bên trái cho giặc rúng xương. Mẹ cô đẻ sáu con, đặt cậu thứ sáu là út hơi sớm vì sau đó còn cả chuỗi nữa: Thêm, Thừa, Sót, Rốt chị, Rốt em, Hết, vị chi chẵn là một tá. Những tên đẹp trong tiếng ta có hạn, số cô muốn đổi tên lại nhiều vô kể, nên tôi mới tính qua loa đã thấy từng gặp đến tám cô Hồng, năm cô Ngọc, bảy cô Lan, còn Mai thì đủ các màu: Hồng, Bạch, Thanh, Hoàng, Tuyết...
Năm Ri về thở hổn hển, cười, hỏi tôi. Đội du kích gom lại, bàn rất hăng về chầu phá ấp tối nay, tôi cố nghe để nhắc một chỗ bỏ sót nếu cần. Cái giọng the thé kia là của cô Thúy tức Kim Hương, xinh và hiền, rõ thật là tiếng phản người. Còn cậu Chừng nói khàn khàn lại mới mười bảy tuổi, má phính bấm ra sữa. Cả một lớp trẻ rất bốc, táo bạo, dễ thương, phải cái còn vụng, chưa đủ chín chắn. Họ sẽ giật lại Tam Sa từ tay địch.
Quân địch dồn về đây đông nghịt, đông đến phát ớn.
Trong sáu thôn của Tam Sa có hai tiểu đoàn đóng giữ. Kiểu lấn chiếm của chúng ở đây kỳ cục lắm, na ná như nằm vạ. Chúng không càn rộng nống mạnh như mấy ngày đầu, cũng không chịu rút, rào ấp thì uể oải, tuần gác hay phục kích chỉ lấy lệ. Bọn này bị đánh cho đui què mẻ sứt ở Việt An, chạy về đây nghỉ tạm lấy hơi, dựa lưng vào cái căn cứ gần An Tân đã được tên là Châu Lai hay Chu Lai. Các xã chung quanh Chu Lai đều đầy nhóc những đơn vị rệu rã như vậy, vùng này biến thành cái túi đựng lính thất trận của tỉnh Quảng Tín. Chúng chửi tụi sĩ quan như hát hay, tát tai bọn tề và dân vệ, gào đòi ăn, đòi mặc, đòi về ở phố.
Thằng đại úy sẹo má đóng trong nhà mẹ Sáu nhờ mẹ ra gò năn nỉ mấy ông Giải phóng đừng cắc bụp nữa:
- Theo Mặt trận cực lắm, tụi tôi không dám. Rút đi nơi khác thì còn chỗ nào nữa mà rút! Cái Châu Lai sắp sửa giao trụm cho Mỹ rồi, thành phố chật ních, đồn bị hốt... Bà nói giùm các ổng chia tạm cho tụi tôi mỗi thôn một liên gia thôi, ăn ngủ ít lâu cho tỉnh hồn, còn mấy liên gia khác các ổng mần tuồng hát bội mặc sức. Lâu lâu tụi tôi bắn lên trời một mớ, Mỹ nghe mới chịu trả lương.
Chúng tôi nhắn bảo hắn ra gò cắm lều mà ở. Hắn lừng khừng, sợ “ở dồn cục, các ổng bứng cả cụm”. Dù bị bắn tỉa không ngớt, quân hắn vẫn chết ít hơn ở những cái lò nướng lính như ngã ba Việt An. Hắn còn đóng trong làng, cha con xã Chinh còn đốc dân xây ấp, chúng tôi còn đánh cả ngoài lẫn trong. Chị em binh vận đã dắt ra gò được mười một lính, có bảy súng, còn đạn, lựu đạn, mìn thì lấy đủ cho du kích dùng. Ta đang ém địch lại, mỗi ngày một ít.
Còn một chút lấn cấn nữa: nhóm anh Liệp.
Anh với bốn năm cán bộ ngành nằm lì trên Tam Trân với nhiều thứ bệnh thình lình nổi dậy trong người. Chỗ đồng chí ai lại truy nhau cái khoản sức khoẻ! Anh Bảy quai nón về họp chi bộ Tam Sa bên sông Rù Rì, khuyên chúng tôi cứ đánh tới tới, để nhóm “đau ốm “ kia nghỉ dài hạn. Bây giờ thằng địch đang duỗi đang nống, chưa nên vội xốc xới lại đội ngũ. Cũng được. Cố kéo họ về sẽ lắm cái phiền: đang vật lộn với địch mà vướng mấy anh treo võng nằm dài, động mở miệng là bàn ra bàn rùn, “ cản mũi kỳ đà “, chỉ thêm cực.Còn đỡ hơn mấy năm trước, hồi anh Liệp làm bí thư, anh Luân với Mẫn mỗi tí lại phải chạy lên quán bà Liệp để “xin ý kiến “, mà nào có ra hồn cái ý kiến!
Tuy tạm chịu vậy, nhưng thỉnh thoảng chúng tôi bị vấp. Hôm kia vấp nặng nhất.
Ban cán sự Nhơn Phước ra hỏi về việc tạm cấp ruộng công còn mấy chỗ dở dang. Mẫn bí, anh Luân cũng không nắm được, hứa sẽ hỏi lại anh Liệp. Nhân khi Mẫn sắp về huyện họp, tôi bàn thẳng:
- Không để rụng cái đuôi nòng nọc, con cóc đừng hòng nhảy. Kỳ này đề nghị huyện cử người thay các ổng cho xong.
Mẫn trách tôi nóng. Phải chịu khó đợi họ chuyển chứ. Giằng co một lát, tôi nổi nóng thật:
- Ừ thì tôi là người ngoài không hiểu những chỗ lắt léo, tôi thô bạo... Tôi tàn nhẫn với ông Liệp vì tôi thương bốn ngàn bà con Tam Sa bị ông ta bỏ rơi. Các đồng chí chỉ sợ mất lòng ông Liệp, không sợ mất lòng dân phải không?
Mẫn kêu lên, giọng đã hơi nghẹn:
- Anh làm như chú..như họ là địch hay sao á...
- Họ là máu thịt của ta nhưng mà là thịt thối máu hư vẫn phải mổ để thân mình lành bệnh mà đánh giặc! Bộ đội chúng tôi liều chết cứu nhau, vậy chớ ai rụt cổ không tiến thì xin mời giao chức lại cho người khác lập tức, còn chuyện tình cảm để đó nói sau! Hay các đồng chí tưởng không có ai thay nổi mấy ông “rùa hành chánh“ đó? Hay là lỡ ăn mì uống bia ở quán bà Liệp, bây giờ há miệng mắc quai?
- Anh Thiêm!
- Phải, tôi nóng. Nóng mà có lý. Bây giờ viết thơ không kịp, nhờ đồng chí Mẫn báo cáo miệng cho tôi điều này: chi bộ có một đảng viên sinh hoạt ghép tên là Tư Thiêm, hắn đề nghị cách chức Tám Liệp và một số cán bộ khác vì tội không chấp hành nghị quyết bám dân đánh địch mà lại còn hoạt động bè phái. Hễ huyện không ưng thì cứ ghi biên bản, đến khi phong trào Tam Sa nát bét thì lật lại coi hắn có trung thực với Đảng với dân hay không!
Tôi bỏ đi luôn đến chỗ đội du kích tập bắn. Không có cái chén ngọc nào để uống bảy chén nước cho nguôi giận-hình như sách Luân lý giáo khoa thư thời Tây bày vậy – tôi bứt nhai tạm những chùm chà là non,dẻo và chát. Nói toạc móng heo một lần lại hoá hay, giữa lúc hằng ngày máu đổ mà cứ cù nhằng cù nhẩy...Nửa giờ sau anh Luân vào ấp, Mẫn mới ra đi. Tôi nhìn theo cái bóng mảnh khảnh băng đồng một mình, chợt hối đã quá nặng lời. Suốt hai hôm Mẫn đi vắng, tôi cồn cào nhớ Mẫn, thương Mẫn. Trong đợt thử thách mới này, Mẫn chịu khổ hơn ai hết, và Mẫn cũng bị chạm đau nhất mỗi khi “ khúc đuôi” phá quấy. Dù đúng đến mấy, tôi vẫn không có quyền đốp chát với một đồng chí như thế...
Cùng với mối lo hỏng việc chính từng lúc giày vò- Năm Ri mới dẫn tôi xuống Chu Lai được một đêm, may sao tụi Mỹ chưa kéo đến- cái nắng đầu mùa cũng nung cho tôi sốt ruột sốt gan.
Từng bước, mùa hè lấn tới khắp nơi với bông trang đỏ tươi, bông vây đỏ sẫm, đọt sim đỏ bầm, với tu hú lảnh lót trên cành và cuốc kêu khắc khoải trong bụi. Chúng tôi lao đao vì nắng. Những chỗ trũng nhiều cây rậm thường bị trực thăng và pháo bắn, chúng tôi phải ở rải trên gò cây còi, có hôm phơi lưng như dân Quảng Ngãi phơi đường. Nắng trưa rót xuống thẳng đứng, chạm mặt đồi sỏi thì toé thành lửa hàn, bốc lên những chùm bong bóng vàng bay theo mắt người vào chỗ râm, vào cả giấc ngủ. Ngày trở nên đáng sợ, ngày sau nóng và dài hơn ngày trước. Đêm đã co mình thu ngắn lại, vẫn không thoát hơi nóng của ngày bao vây hầm hập, một thứ nắng đen. Gió nồm là luồng hơi phả từ miệng lò. Năm ba hôm một lần, trời kéo mây khói đen và đổ một trận mưa dông rất to hột, sấm sét đủ cả, nhưng chỉ vài phút đã tạnh, để lại làn hơi đất trắng đặc rất nồng mũi làm chúng tôi chóng mặt và đổ mồ hôi như xông cảm.
Mệt mấy chúng tôi cũng đêm đêm vào làng, không ai chịu ở “nhà“. Đánh bọn lính gác tuần, phá rào ấp, rút kinh nghiệm đợi đấu lý vừa rồi, nhận đạn của các em góp, xử cả những vụ kiện trâu ăn lúa và hàng xóm mất gà, khối việc. Nằm ngoài gò một mình rất chán. Muốn ngủ cũng phải đợi đến một hai giờ sáng mới chợp mắt được. Lúc ấy, mồ hôi ngấm ướt sũng áo quần và võng đã bắt đầu gây một cảm giác dễ chịu như gió mơn trên da, rõ nhất là dưới lưng, nơi vải ép nhiều lớp lại thấy mát hơn tay chân để trần. Những đám mây muỗi đã tan, vòi muỗi chích qua ba lần vải nhoi nhói dưới mông nghe chừng đã no máu, pháo địch bắn bậc thang lùi về giã chung quanh căn cứ. Thiếp được vài tiếng xong phải dậy cuốn võng nấu cơm vắt và ăn luôn thật no phòng địch càn phải đánh suốt ngày, sau đó có thể ngủ ngồi thêm một lát nữa, súng gác ngang đùi và bao đeo trên lưng.
Ban ngày, chúng tôi vượt những giờ thử lửa bằng cách động tay động chân liên miên. Ham làm thì quên nóng. Hết phiên bắn tỉa lại về học. Bài học ngó lên trời mà xếp. Nắng gắt. Lên lớp lý thuyết quân sự. Nắng dịu, ra thao trường. Mưa, căng nhựa ngồi xúm chùm ôn chính trị. Hở ra lúc nào anh em lại đào hầm tránh pháo, đạn phên để đưa xuống lát các hầm bí mật vùng cát, vót chông, nấu thuốc bom đúc mìn, men vũng lầy tóm những chú ốc bươu ngoi lên bờ cỏ tránh nước nóng, tìm những chùm chà là non về nấu canh với thứ rau má già đắng cố ăn để giải nhiệt.
Nhờ không ngớt “vừa báng vừa mài sừng“, đội du kích vẫn hăng sau ngót nửa tháng bật ra khỏi làng, tránh được cái nạn mỗi người một võng nằm thở dài sườn sượt như tôi gặp ở vài nơi. Cô Rốt chị có giọng đàn ông và cậu Sung cao kều được vào Đảng, bảy anh chị em nữa vào Đoàn, ai nấy đều thoải mái cả. Phải cái sức khoẻ xuống nhiều. Bụng đói mà suốt ngày không ăn được,” cơm ứ, nước ừ “, chỉ còn bữa khuya bà con mời trong xóm là chén đẫy bụng. Khắp người nổi sẩy, sẩy biến thành những mụn con đỏ lấm tấm, rồi giữa vạt mụn nẩy cái nhọt cứng, nóng và rất đau. Mặt hóp và đen, nổi lên toàn là răng vêu và mắt thô lố. Bà con các ấp ra thăm cứ la trời anh em cực qua, riêng tôi hay bị trỏ ngón tay nhất: “Thì coi thằng Thiêm đó, bộ đội nuôi nó mập trắng mập mềm, về ta mới mấy bữa hoá con cóc đen!“. Tất cả của ngon trong làng theo ngõ tắt kìn kìn đi tìm chúng tôi trong những ngày đầu, rồi cạn dần. Đang lúc giáp hạt, thêm bị bắt đi rào ấp, bị tụi lính cướp ngày trộm đêm, số lớn bà con than thở một lát rồi dặn chúng tôi cứ đến vạt sắn, vườn dưa bở, chỗ đặt nò tôm, kiếm được gì ăn nấy. Đội du kích lại động lên vòn vọt. Ít thầy đầy đãy, nhiều thầy chia bảy chia ba, nồi cơm của chúng tôi bây giờ mỗi lát khoai khô chỉ cõng được năm ba hột cơm gọi là có. Gặp hôm hụt bữa chúng tôi đem cô Chín Cang ra trêu để ”thêm phần lạc quan tin tưởng“ bởi cô vẫn trắng và tròn quay như khúc sắn luộc, chỉ ước sao cho xuống bớt ít cân cho dễ chạy và nhỏ bớt mục tiêu.
Cái thú ngâm mình dưới sông Rù Rì phải tạm dứt. Như chim gõ kiến, tụi trực thăng rỉa đại liên vào từng hốc đá bên bờ hiện ra dưới gió cánh quạt, trúng một cậu núp khá sâu. Chúng tôi dời chỗ vài lần nay về đóng chung quanh giếng Tiên. Một con suối cạn phơi lòng đá trắng mốc còn giữ lại một giếng nước mạch rất trong, mát lạnh, nắng mấy cũng không cạn, chẳng của tiên thì của ai nữa. Chỉ tiếc rằng nàng tiên nào ấn gót sen thành giếng lại có bàn chân nhỏ xíu, nên cứ nửa giờ giếng mới rỉ đủ nước cho một người tắm hà tiện, giá được một vó ngựa Phù Đổng thì hay hơn. Tôi thử tính, thấy đây là cái giếng tiên thứ tư đã gặp.
Những làng quê ta rải dọc miền trung, nằm giữa núi cao biển rộng, bao giờ cũng có một giang sơn thu nhỏ bên mình như chơi non bộ. Làng Cá này chẳng chịu kém ai. Con suối nhỏ có những bông bạc vẫy người kia được đề bạt vượt cấp lên sông. Núi Chúa chỉ là một trái đồi nhỉnh hơn đám bạn bè đôi chút, trên đầu chứa một chỏm rừng cấm. Nếu nó lùi về Tây chừng mười cây số thì mất ngay tên Chúa, cũng không ai gọi là núi nữa. Tôi qua lại vùng gò hoang nhiều lượt, gần đây mới biết dọc đường có tới ba cái đèo, riêng một cái được thổi phồng là đèo Trâu Lăn, nghe mà dựng tóc!
Dù đã quen cảnh mến người, tôi vẫn thấy cần đi nơi khác.
Tôi biết mình là đứa hay sa đà, dễ bị những xúc động một lúc cuốn xa công việc chính. Ở với xê mình không sao, nhiệm vụ với tình cảm cứ xoắn vào nhau như hai tao(3) đánh thành một sợi dây. Khi đi lẻ mới phiền. Áo, quần, thuốc, gạo, gặp ai quá thiếu tôi trút dần ra cho, sau đó lạnh run không có mặc, ốm không có thuốc, đói chảy nước miếng trong. Về xã gặp việc gì cũng ham, cũng lao vào, từ dạy hát cho các em đến kẻ khẩu hiệu phòng bệnh, được bà con khen đấy nhưng giờ nghỉ mất sạch. Bậy nhất là chuyến chuẩn bị chiến trường năm kia. Tôi đưa một tổ về ở xóm gần đồn 96, sửa soạn cho xê mình một đòn hốt xe tiếp tế. Địch càn, chúng tôi rút, bị một ông già mắng: “người ta tay không đánh giặc, các anh súng ống đầy mình mà chạy cong đuôi vậy à?“. Cả tổ cùng nổi tức khí, đằng sau quay, đánh suốt buổi, hạ mười ba khiêng địch. Tôi với một cậu nữa bị thương, phải về đơn vị để lãnh thêm một keo vò đầu rất đáng kể.
Cuối lá thư gửi về H.68, tôi viết xin chuyển ra Đà Nẵng, cũng để tránh một chầu sa lầy mới. Lý sự vững chắc lắm nhé. Được giao tìm hiểu Mỹ, lại đụng đầu với Mỹ hoài. Dù muốn biết thêm về ngụy cũng không nên ở đây: cả miền Nam thắng như trẻ che, riêng Tam Sa lui về cái thời làm ăn rị mọ(4) trước đồng khởi, còn điển hình chỗ nào. Ai dùng đến kinh nghiệm chống líp của xã này, khi quân ta đang vây các thành phố? Và mấy nơi đã mắc những rắc rối trong hàng cán bộ như đây, để hỏi nên gỡ rối cách nào? Tôi cuốn gói là phải. Đà Nẵng là nơi tôi thuộc kỹ từng phố nhờ những đêm đạp xích lô, nơi tôi quen với lớp trẻ nhiều, trẻ thích chụp ảnh hơn già. Đà Nẵng ngập dưới dòng thác lính thủy đánh bộ Mỹ ùn ùn đổ vào. Đà Nẵng ù tai choáng óc vì phản lực Mỹ ngày đêm lên xuống, Đà Nẵng hừng hực khí thế muốn nổi dậy...Tôi tự thuyết phục mình rất hăng, nhằm cố gỡ những ngàn sợi tóc đang buộc tôi vào mảnh đất và nhóm bà con đang một lần nữa mắc cạn. Tôi cũng sờ sợ khi nhận ra mình thương Mẫn nhiều quá. Phải chi Mẫn là con trai thì hay biết mấy, chúng tôi có thể thân nhau hết mực mà không bao giờ vượt qua tình bạn...
Khó tưởng được cái sức bền dẻo lạ lùng của Mẫn. Mẫn làm và học chung với đội du kích, còn bận thêm trăm thứ việc không tên của người thay mặt chi ủy và ủy ban nắm xã đoàn, xã đội, còn giữ vai người chị Hai thu vén tuy không lớn hơn anh em là bao. Tôi không biết cái võng của Mẫn là cũ hay mới, bởi Mẫn luôn ngủ sau dậy trước. Đi bắn tỉa hay phá ấp về, Mẫn đợi anh em nắm hết mới đi tắm giặt một mình, chớp mắt một lát đã dậy nấu cơm. Cánh con trai ngáy giòn đến khi nước uống rót đầy ống, cơm bày sẵn, tắm xong lại cởi áo rách ném nhờ chị Hai vá, gạ chị Hai bắt óc hái rao, lén xé sổ tay chị Hai quấn thuốc hút, đủ trò. Mẫn chỉ cười cười trong khi các cô trẻ nổi cáu.
Mẫn hay nhờ tôi bày thêm một ít lỳ thuyết bắn máy bay và các công thức tính lượng thuốc nổ phá cầu, phá lô-cốt. Tôi ngả lưng, vừa quạt vừa giảng bài. Mẫn ngồi ghi trên đầu gối, mồ hôi đọng từng giọt bằng hột đậu trên mũi, cây bút bi chịu nóng không nổi cứ trào mực ra giấy và tay. Đôi lần tôi mệt quá thiếp đi nửa chừng lát sau mở mắt thấy Mẫn đang may cho con nuôi cái áo bằng vải cũ, hoặc chỉnh riêng một cậu lén bắn gà rừng giữa lúc thiếu đạn. Mẫn cùng anh em gọi đùa tôi là thầy Thiêm, và không hề giấu vẻ mặt tủi tủi khi tôi nói muốn đi nơi khác. Cái buồn lộ liễu của đồng chí muốn giữ nhau, vậy thôi.
Nhiều tiếng nổ to đánh thức tôi dậy. Pháo bầy bắn lộn xộn.
Tôi nghiêng đầu, lờ đờ nhìn qua mép võng. Cái gì cũng khang khác. Tôi nhắm mắt, lại mở, nhận ra chỗ khác ấy. Da trời ngả màu xoài chín, lá cây vàng như giữa thu, ở cuối võng hòn đá trắng tôi đặt ba-lô cũng nhuộm nghệ, tựa hồ một cơn nắng quái chiều hôm đang phủ ánh vàng ủng lên mọi thứ. Tôi chống tay ngồi dậy, thấy trong đầu có một viên bi sắt của xe tải, hai vai nhức như vừa rán cõng gạo thi với một cậu miền núi... Tôi lên cơn li bì hệt một chú lính mới bóc tem, không phải ngây ngấy dun dún một lát rồi hết như lớp kỳ cựu đường rừng đã chai ra với loài muỗi chổng mông trên trời. Con ma sốt vừa làm một chầu truy lĩnh. Bây giờ tôi đang nhìn trời đất bằng cặp mắt đẫm kí ninh vàng, tuy rất thèm được một viên vỗ vào miệng mà nhai rau ráu.
Lại nổ nữa. Sét, không phải pháo. Trên gò sỏi khô trụi, tiếng sét dội rất sắc và giòn, như bình thủy rơi xuống nền nhà. Mây đen đằng Tây đùn lên nhanh, gần đến mặt trời. Lát nữa mưa cầm chắc. Tôi lập cập mở tấm nhựa ba thước ra căng trên võng, rồi vịn cây lần tới giếng, xương ống chân lún vào bàn chân mềm nhũn, khá đau. Tôi rửa mặt, lấy góc khăn cọ lưỡi cho đở đắng miệng, vào lật xem mấy cái soong để bên võng. Ban nãy Năm Tuất cắt người ở lại trông nom, tôi gạt đi, sau Chín Cang nấu bữa tối để sẳn cho tôi, À, rất khá, một soong cháo hành to ăn với cá ngừ kho tiêu. Nhờ trời, tôi sốt nặng mấy cũng ăn được nên ít mất sức, anh em xê mình hay trêu: “Hừ ừ ừ..nấu cho tao...hừ ừ..vài lon gạo cháo thôi..” Cháo còn nóng, mồ hôi túa ra làm tan cơn nhức đầu, người nhẹ hẳn.
Ai đó từ phía sông Rù Rì đi lên theo lòng suối khô, nhảy bước ngắn bước dài trên tảng đá. Một em gái nhỏ từ ấp ra tìm chúng tôi, vòng xuống sông tắm, lang thang tìm giũ chà là, giờ mới lên. Tóc xõa quá vai, áo lót trắng không tay, quần vo cao, tay phải bưng cái nón ngửa đầy chà là chín đen, tay trái bốc bỏ miệng... Tôi rửa xoong chén xong trở lại ngồi võng, thấy Mẫn đang đi tới. Mẫn chứ không phải em nhỏ nào cả. Huyện đóng tít gần chợ Cây Xanh, sao mới hai ngày Mẫn đã về. Và...làm lành với nhau như thế nào đây?
Mẫn đặt cái nón ngửa bên tôi cười:
-Ăn chà là đi anh. Buồn ngủ gặp chiếu manh, em đụng mấy bụi chín sớm...Chết cha, sao anh xanh dữ vậy?
- Trả nợ ông thần rừng...
- Mà sao anh Tuất không để ai ở nhà hết? Đêm hôm mưa gió, lỡ trúng pháo… Con Cang tới phiên trực cũng đi mất, tầm bậy quá!
Tôi xuê xoa nói lảng cho xuôi. Vậy là êm được bước đầu, khỏi ngượng ngập lựa lời bắt chuyện. Một lần nữa dáng người Mẫn khác hẳn đi: Bớt cây các-bin và cái mũ tai bèo, tóc xõa và kẹp đuôi vòng lên gáy cho ngắn bớt, để lộ hai cánh tay trần, trông Mẫn nhỏ lại như mười lăm mười sáu, cỡ Út Liềm.
Mẫn đi họp nhanh nhờ mượn xe đạp có đèn của chị Bỉnh, khúc ngoài kia đường tối, đạp ban đêm được, khi về còn kịp ghé huyện đội. Mới thấy mặt Mẫn các anh đã réo: “Nụ xoè, dây cháy chậm, kíp nổ, bày mâm tiếp khách đây!“ Mẫn túm nhấc cái khăn tay đựng chà là, lật mấy lớp áo quần, giơ lên khoe một túi nhựa trắng đựng đầy những đầu nổ thủ pháo đúc bằng nhôm nhỏ rất xinh, tôi chưa hề thấy. Ưu tiên cho Tam Sa một ít hàng viện trợ đấy.
Phần tôi được hai lá thư. Tôi nhìn qua nét chữ anh Điển, đoán là giấy gọi tôi đi Đà Nẵng, bỏ luôn vào túi, nghĩ: “Sắp chia tay rồi, Mẫn ơi!“. Thư kia của anh Bảy quai nón, viết ngắn, bảo rằng huyện uỷ đã trao đổi kỹ lời đề nghị của tôi – À, à chuyện ông Liệp đây – và thấy lúc này chưa nên vội. Cách chức một số cán bộ kém thì dễ, xoá bỏ được cái luồng tư tưởng sai mà họ gieo tràn lan mới khó, hãy đợi đến đại hội chi bộ tháng sau...Vậy là tốt rồi. Miễn là cấp lãnh đạo thấy rỏ sạn rơi vào máy!
Thư anh Điển dài hơn, vẫn cái giọng tửng tửng, đôi lúc châm biếm theo kiểu cù không cười.
Báo cáo của cậu khá dài. Cậu giúp trên hiểu được tình hình mọi mặt trong một vùng Mỹ sắp chiếm đóng. Nhiều nhận xét sâu đúng. Đồng chí Mẫn nói cậu giúp địa phương hết mình, chi ủy Tam Sa đề nghị khen thưởng cậu, cái đó trên sẽ xét. Riêng mình thấy chỗ khác nhau giữa một phái viên chịu lao thẳng vô chỗ ác liệt, chung tay làm nên chiến thắng, với mấy anh chàng ưa xách gói đi khơi khơi, lượm những chuyện đồn đại ngoài rìa. Mình khuyên cậu nên cắm rễ tiếp ở Nhơn Ái, đánh địch, xây du kích, giúp củng cố nội bộ, đợi Mỹ vô.
Đưa cậu ra Đà Nẵng cũng có lợi, nhưng ít thôi. Về một xã vững ở Điện Bàn, Hoà Vang, cậu sẽ tươi phần xác mát phần hồn hơn nhiều. Khi xã lên báo cáo điển hình trong đại hội thi đua, cậu tha hồ tán thêm cho mọi người trầm trồ. Có điều tụi mình đã có nhiều phái viên nằng nặc đòi về theo dõi các lá cờ đầu, còn những nơi trầy trật sần sượng như Tam Sa thì chẳng mấy ai muốn tới, mà có tới cũng phê người ta hết hồn, báo cáo về đen thui. Anh em mình hay mắc cái tật đó Thiêm à, nhìn phong trào cũng như nhìn người, ai tốt sẵn thì xúm vào khen túi bụi, ai chưa thật tốt thì lảnh, ngại tốn công giúp người ta ngoi lên, thích lượm sung chín hơn là bón gốc bắt sâu cho sung.
Chắc khi viết anh Điển gặp chuyện bực, có thể bực vì tôi muốn đổi chỗ, nên triết lý hơi nhiều ớt. Đoạn cuối lại viết rất thực tế:
Nhắc cậu đừng đánh bạc với tổng Giôn, nhớ gửi báo cáo đều, giữ gìn sức khỏe, trả đủ sinh hoạt phí cho địa phương.
Vậy là đề nghị thứ hai cũng bị bác luôn. Gãy vụn. Tôi cười một mình, ngó lần nữa nét chữ lởm chởm của anh Điển, chợt thấy một luồng mát rượi tràn qua người. Tôi ngẩng lên. Mẫn đang nhìn tôi đăm đăm, tay lơ đãng bỏ từng trái chà là vào miệng, màu đen làm nổi rõ môi tươi.
- Bao giờ anh đi?
- Sáng mai xin rút dù, chào xã đội!
Mẫn đang cầm que vẽ nhiều chữ thập trên sỏi. Tôi ước được thấy một nét cụt làm nên chữ T hoa. Không có.
- Số anh phải chịu cực hoài...hồi xưa đã đành giờ trở lại cũng gặp khó..công anh vun đắp miết, tụi em chưa giúp được anh gì, nghĩ thiệt mắc cỡ...
Mẫn hứa với anh Bảy sẽ giúp tôi bủa mạng lưới quân báo chung quanh Chu Lai, trao cho tôi một số cơ sở vùng cát, cho du kích dẫn tôi đi bất cứ đâu. Tôi không dám đùa dai, đưa luôn lá thư anh Điển cho Mẫn, chẳng có gì phải giấu, chống một ngón tay vào cằm, từng lúc chớm cười trên khoé miệng- lúc ấy trông Mẫn rất ranh ngầm- bật cười to khi đọc câu cuối, ngửa tay.
- Mỗi ngày hai chục đồng! Mấy khi gặp ông cán bộ lương to, trả gấp đôi lập tức!
Tôi bốc nắm sỏi thả vào tay Mẫn. Lâu nay tôi ép mãi Chín Cang mới chịu nhận nửa số tiền ăn tôi được cấp, còn lắc đầu chép miệng hoài vì đội du kích đang lúc đói, tôi sút cân trông thấy.
Một cơn gió xoáy đổ tới rất mạnh, cuốn lá khô và bụi lên mù trời. Gió nhám sì. Chúng tôi nhắm mắt bịt mũi đợi con trốt đi qua, phủi lá đậu trên người, ra giếng rửa. Đến lúc này Mẫn mới thấy mình vô ý, ngồi trước mặt con trai với áo lót quần xăn. Tay chân Mẫn thon đẹp mà cũng lạ mắt. Cuối cánh tay trắng muốt, không có vết chủng đậu, là bàn tay rám nắng như đeo găng màu hồng nâu. Con nhà nông quanh năm lội ruộng. Mẫn không mắc cỡ khi phơi đùi đỏ au, nhưng hai bàn chân quấn băng và đi tất lâu lại hoá trắng lốp, trông buồn cười thế nào. Cổ Mẫn có ngấn nắng của cổ áo bà ba, lắm ngấn ghê. Mẫn luống cuống rửa vội, mặc áo ngoài, buông ống quần, tháo kẹp cho mái tóc đổ dài xuống lưng, vừa búi vừa nói bẽn lẽn:
- Qua đồng Tam Trân, cái Mô-ranh quần sát quá, em phải giả làm con nít đi chăn trâu. Thấy rõ thằng Mỹ ngồi sau anh à, râu mép nó màu như râu bắp.
Trời tối sầm xuống như cái đèn măng-sông treo phía Tây trời vừa xì hơi. Mưa nặng bắt đầu rơi lộp bộp, xốc bụi trắng xám. Mẫn vào hốc đá soát lại đống bao trùm nhựa, rồi chạy đến núp dưới tấm tăng của tôi. Đội du kích bật khỏi làng giữa mùa nắng, chưa lo sắm tăng nhựa. Hai chúng tôi nhường mãi cho nhau cái võng, sau đứng cả.
Mưa to dần, ít sét, nổi bong bóng trên các vũng, báo hiệu sẽ kéo dài. Tôi chóng mặt đành nằm võng, để Mẫn cúi lom khom nhìn chéo lên mây chép miệng hoài. Mẫn lúng túng rõ. Vào ấp một mình dễ đụng phục kích hay ta bắn lầm, lại lo bỏ “thầy Thiêm” sốt chẳng ai coi ngó. Ở lại đây, chà, biết tôi đứng đắn hay không, đằng nào miệng tiếng thế gian cũng phiền...Tôi thấy cần lấy lại cái giọng ông thầy thuốc gia trưởng dạo trước:
- Mẫn ơi!
- Gì, anh?
- Tụi mình còn đi với nhau lâu, giữ gìn miết cũng vậy. Nay mai gặp hồi bí, bộ cô không cho tôi xuống chung hầm bom à? Cột võng nằm nghỉ đi!
Mẫn tần ngần chút nữa rồi bật cười dài, cười rũ. Nghĩ gì mà cười ngon lành vậy? Cười chán, Mẫn cũng lấy võng ra. Cây thấp quá không buộc được võng hai tầng, đành buộc ngang nhau. Tôi nằm bên Mẫn ban đầu còn ngường ngượng, sau chỉ thấy ấm bên vai như khi ngủ chung với xê mình. Mẫn im một lát, có lẽ đợi qua mấy phút xấu hổ lại khúc khích
- Anh nói chuyện chung hầm, em hết hồn, lâu nay chưa tính chuyện đó.
- Địch vây tôi, cô chịu bỏ à?
- Bỏ sao được. Có điều..họ nói chết..., anh là con trai ít mang tiếng, con gái cực lắm. Để em ghép anh đi với anh Tuất.
Tôi vặn ngay, vặn hơi quá một chút vì muốn cả hai tự nhiên hơn:
- Vậy đó, hồi cần thì người ta dùng tôi mọi việc, khi thấy vướng người ta đùn tôi cho ông kinh tế, đem tôi bỏ kho!
- Gớm, anh ác miệng dữ …
- Mà ai nói Mẫn con trai không sợ tiếng đồn? Lỡ có tay nào nổi ghen, gởi đơn vị một lá thơ nói tôi lăng nhăng này nọ, thì giờ đâu mà cho cán bộ về dây hỏi thử đúng sai? Tôi cũng ngại vấy mực trong lý lịch lắm chớ! nhưng mà tôi không giữ ý tới mức cản trở công việc. Lâu nay đi công tác lẻ với cả trăm chị em, tôi chưa nghe tiếng xì xầm nào hết. Không có ghẻ, chẳng phải né ruồi!
- Nói như sách!
- Nói như sách, làm cũng như sách. Con trai con gái chơi thân với nhau như bạn, rất tốt, về sau ưng nhau nên vợ nên chồng, càng tốt chớ chết ai. Cô lãnh đạo anh chị em trẻ vững lắm, mà hễ không thông cảm chỗ đó chắc họ cũng nói như thằng nhỏ Tâm: “Chị Hai phong kiến thấy bà!“
- Hừ, phong kiến!
Mẫn quẫy mình, ngồi bật dậy, xoay người đối mặt hẳn với tôi. Giọng Mẫn bỗng có tiếng rung của sắt đập:
- Anh tưởng em chỉ biết có nụ xoè kíp nổ thôi à? Em làm công tác Đảng, công tác Đoàn hằng ngày phải khuyên người này dỗ người kia, phải giúp anh chị em hiểu những chuyện tình yêu tình bạn chớ! Mà dầu không làm cán bộ, thân gái lớn lên cũng phải tự nghĩ rồi đây ưng ai lấy ai chớ. Nói ra mắc cỡ, còn sợ người ta cười đang đánh Mỹ mà lo sự riêng tư, tụi em con gái cứ giấu kỹ, nói quanh, chắc anh nghĩ đám này khờ lắm, hô đi hét đứng thôi. Lầm rồi. Năm ngoái có anh yêu Chín Cang, lại nhờ chú Luân nói giùm, nó chối qua loa cho xong, sau đó tâm sự với em: “Ảnh tốt, dể thương, mình gạt đi cũng tiếc. Bị cái ảnh coi thường mình, không tỏ thiệt với mình, mượn miệng ông bí thơ để buộc mình phục tòng cho mau, mình không chịu được cái phong kiến kiểu mới đó! “. Em phê nó tự ái, nó nhận chắc không chịu sửa. Tụi em cầm súng đánh Mỹ để giữ nước giữ làng, đúng, mà cũng giữ luôn cái quyền định đoạt đời mình nữa, có phải phong kiến không?
Tôi sửng sốt nhìn Mẫn, một khối đen khi vắng chớp, một con người sắc nét và nhiều màu khi trời loé trắng qua mái nhựa. Tôi vẫn tưởng cô gái này làm nhiều hơn cảm, cảm nhiều hơn nghĩ, nghĩ nhiều hơn bênh vực ý nghĩ của mình...
- Em quen các anh bộ đội về xã, anh nào cũng vui vẻ, tử tế, đôi khi chọc tụi em cãi chơi chớ coi phụ nữ bình đẳng lắm. Em quí chỗ đó, mà cũng nghĩ vậy chẳng biết hay đúng: các anh quen sống trong tập thể lành mạnh, tiến bộ, luôn luôn được học cái mới, sót ai kém thì chung quanh rèn hoài cũng ra tốt, cứ vậy miết rồi các anh quên cái khó của tụi em ở xã. Phong tục, dư luận, bao nhiêu thứ bày nay làm, coi vậy chớ còn nặng anh à. Cái đó không tránh được. Hai chục năm nay đồng bào mình đánh tây rồi đánh Mỹ, học đường lối chánh sách nhiều lắm, thử hỏi có lần nào học kỹ vế thái độ đối với phụ nữ, về tình cảm trai gái hay vợ chồng hay không? Đạo đức số một như chú Luân đó, về nhà nói với vợ cũng quanh năm mày tao, con gái chú yêu anh gì ở trại sản xuất thì chú bắt phải cắt. Thói quen ngàn năm đâu dễ sửa! Tụi em dỗ nhau: thôi,việc nước là lớn, chuyện vặt dẹp một bên, nước độc lập trước sau gì mình cũng được tự do, mà cũng đừng sốt ruột xin đi thoát ly, hồi nào trên cần sẽ rút, cứ ở lại xã lo dồn sức đánh Mỹ đã …Em giữ ý tới vậy, còn bị tiếng đồn là chửa hoang với bộ đội, đi xã khác phá thai, anh biết không?
- Biết. Thằng Ba Thấn phản rồi, ai tin nó nữa?
- Một đồn mười, mười đồn trăm, ít ai hiểu đó là thắng Thấn phá rối. Anh nghĩ giùm làm sao cải chính đây? Hay là em lên trước mít tinh: “Thưa đồng bào, thằng Thấn gieo tin bá láp, tôi không chửa hoang phá thai bao giờ“?
Mẫn cười khẩy một tiếng khô và lạnh, nín thinh. Tôi đã nghe anh Luân kể qua chuyện ấy, tránh không hỏi Mẫn ngờ đâu chính Mẫn lại nói trắng trợn đến thế. Tôi đợi thấy nước mắt trên khuôn mặt lúc này trắng mờ. Trời chớp. Chỉ có đôi mày đen nhíu lại gần chạm nhau, cặp môi mím giận dữ. Một tiếng ực nhẹ, Mẫn nuốt nước bọt hay nuốt cái nấc trào lên cổ. Hồi lâu Mẫn mới tiếp, giọng rất trầm trong tiếng mưa rơi ràn rạt:
- Anh hay trách em quá bí mật, máy móc, thân đó rồi sơ đó. Làm sao được, em là chi ủy viên, không được đem chuyện nội bộ đi kể với người ngoài. Em mang ơn anh nhiều lắm, mà phải giữ nguyên tắc, anh ghét thì chịu… Bây giờ anh sanh hoạt chung, chú Luân dặn em nói hết, nhờ anh giúp cho, anh đi đây đi đó hiểu rộng hơn...
 
  Chú thích
Tiếng nhân dân quen gọi máy bay trinh sát nhẹ.
“Phong trào cách mạng quốc gia” do bọn Diệm tổ chức
Sợi con(để bện chão)
Mò mẫm, tủn  mủn