Tối nay trời có vẻ oi bức, những cơn gió hiu hiu mới thỉnh thoảng thổi nhẹ qua. Cả nhà ăn cơm xong nên cũng chẳng có gì làm, ngoài dì Biên đang lui cui rửa chén sau hè Bà ngoại, dì Năm, và Thuý An, mỗi người đều cầm trên tay một cây quạt nan và mạnh ai nấy phất. Trong lúc mọi người thanh thản phẩy quạt cho mát thì Thuý An bước lại sập, leo lên ngồi gần ngoại, miệng nói tay quơ khay trầu về phía mình: − Để con têm trầu cho ngoại nghen Ngoại cô vẫn không ngừng tay quạt: − Có biết têm không? − Dạ chưa! Nhưng ngoại cứ cho con thử nghe Bà ngoại gật nhẹ đầu, không nói thêm gì với cô mà quay sang dì Năm: − Con coi thu xếp sao cho tuần sau còn lên cúng chùa nữa nghen − Dạ! Con tính chờ thu hoạch xong hết mớ nhãn nữa là rảnh rỗi, chắc cuối tuần này là dứt. Con có dặn chị Biên ra chợ mua dầu lửa, chao tương, … đủ hết các thứ rồi. Còn gì nữa không má? − Ờ! Để coi… Mua thêm mớ vải nâu cho mấy sư cô nữa − Dạ, để mai con nhờ chị Biên đi mua giùm Dì Biên vừa từ nhà sau lên, bỗng trố mắt chỉ tay về phía Thuý An cười khúc khích làm ngoại và dì Năm cũng quay lại nhìn. Thuý An hơi giật mình khi ngoại cô đập nhẹ quạt xuống sập − Trời đất ơi! Con gái con lứa gì mà… nhìn coi… cái gì mà nó cuộn một cục tổ bố như cuốn chả giò vậy. Có con cái nhà ai như nó không chứ. Mắt mũi để đâu không biết, vậy mà đòi học nhạc hoạ gì đó… têm có mấy miếng trầu mà bó thành từng cục thù lù như vậy, ai mà dám bỏ vô miệng nữa chứ? Hừ… Thuý An sượng trân ngồi im chịu trận, dì Năm miệng hơi mỉm cười bước lại gần cô: − Để dì chỉ cho con cách têm nghe Dì mở hết những cuộn trầu của Thuý An làm lại từ từ cho cô xem, tay vừa làm vừa dặn dò dì Biên − Sớm mai chị Biên ra chợ chuyến nữa nghen. Chị mua dùm tôi khoảng hai chục thước vải nâu cho mấy sư cô, tiện thể chị dắt con An ra chợ luôn để nó gọi điện thoại về nhà Thuý An nhìn dì Năm ngạc nhiên: − Có chuyện gì vậy dì Năm? Sao con phải gọi điện? − Con nhỏ này nói lạ. Dì đi công chuyện xong rồi, bây giờ cũng không còn bận rộn gì nữa. Con có muốn về Sài gòn thì nhắn má con hay ai đó xuống rước về Thuý An chợt bần thần, cúi đầu nói lúng búng trong miệng: − Bộ ngoại với dì không thích con ở đây nữa hả? Tiếng bà ngoại nạt gắt: − Nói tầm bậy! Ai đuổi bây đâu mà làm cái bộ mặt sầu bi cứt chuột đó. Dì Năm bây sợ bây buồn, nhớ Sài gòn nên nói vậy chứ nếu bây thích ở lại thì ai cấm Nghe ngoại nói vậy, Thuý An ngước nhìn dì Năm cười tươi: − Con ở đây chơi hen Dì Năm Hoa vuốt đầu cô: − Con không nhớ nhà sao? Thuý An gật đầu định nói có, nhưng lại lắc đầu − Con thích ở đây không? − Dạ thích − Ừ, vậy thì ở đây chơi tới chừng nào cũng được, mai mốt có học hành gì thì đến kỳ nghỉ hè nhớ về đây thăm ngoại với dì − Dạ, bây giờ con biết quê ngoại rồi, mai mốt con sẽ đi một mình khỏi cần má con dẫn nữa Bà ngoại cô cất tiếng hỏi, giọng dịu dàng hiếm thấy: − Nè! Con thích học nhạc nhùng hay hoạ hoằn gì đó thì cứ vô đó đi, thi đậu ngoại cho học đàng hoàng − Nhưng má con không chịu − Dẹp má bây qua một bên Câu phán đanh thép của ngoại làm Thuý An hí hửng: − Vậy ngoại cho con học hả ngoại? − Ừ Giọng ngoại dứt khoát khiến Thuý An lên tinh thần. Được bà ngoại ủng hộ thì còn gì lo nữa. Chẳng phải má cô là người nắm toàn quyền sinh sát trong nhà cũng phải rét trước ngoại sao? Nhìn vẻ mặt hớn hở của Thuý An, bà Ba Thông thấy lòng mình tràn ngập tình thương với đứa cháu ngoại. Bà chợt nghĩ tới mẹ nó. Sao đứa con gái nhẫn tâm, hời hợt của bà lại có thể sinh ra được đứa con dễ thương đến thế chứ? Không ai lên tiếng, vì mỗi người đều đang suy nghĩ đến những điều tốt đẹp, vui vẻ trong tương lai. Chợt tất cả cũng nghe văng vẳng tiếng ai đó nghêu ngao từ mé sau vườn vừa được một cơn gió hiếm hoi đưa tới nghe rõ mồn một − “Chữ tình… bạc lắm … ai ơi… Nó như ong bướm… ơ… đậu rồi… lại bay…” Thuý An ngước nhìn lên định hỏi xem ai hát vậy thì chợt ngạc nhiên khi thấy bà ngoại và dì Năm nhìn nhau. Bà ngoại lắc đầu chép miệng thở dài. Dì Năm cúi xuống khay trầu im lặng. Vừa nhìn sang dì Biên thì dì vội nhìn sang nơi khác, tay quạt phành phạch vờ không biết Thuý An ngồi im không dám hỏi han hay thắc mắc gì nữa. Không khí trong nhà như chùng xuống, dường như mọi người đều trầm ngâm với những ý nghĩ riêng tư. Chỉ còn giọng ca vẫn theo gió ngân nga vô tình đọng lại − “Hơ… ơ… Đôi ta chẳng đặng sum vầy… Cũng như chim nhạn… hờ… lạc bầy kêu sương…” Mặc cho không khí trong nhà đầy vẻ trầm lặng một cách u buồn, người ngoài kia vẫn tỉ tê ngâm nga những câu hò điệu hát bằng cái giọng nhừa nhựa, buồn buồn nghe não cả lòng. Đang thơ thẩn trong vườn chợt như đâu đây có tiếng bọn con nít đánh vần văng vẳng từng chữ, Thuý An lắng tai nghe. Và như trò chơi ráp nối, bọn trẻ đánh vần mấy từ cô đã có thể nhớ ra đó là những câu ca dao quen thuộc và thích thú với trí nhớ của mình Tò mò, cô men theo tiếng đọc bài mà chui qua hàng rào để lọt vào vườn hồng nhà Hai Quang. Đèn trong gian nhà chính đã được bật lên nhưng ánh sáng không đủ toả sáng khắp vườn hồng. Vì thế khu vườn khoe sắc rực rỡ trong nắng gió ban ngày dường như đang chìm trong giấc ngủ. Có hai thanh niên đang lui cui làm gì đó trước sân. Họ không để ý đến Thuý An. Cô lựng khựng một lúc nhưng chẳng ai trong họ ngẩng lên để cô chào và hỏi chuyện Tiếng đánh vần và học bài nơi đây nghe khá rõ. Tần ngần một chút, Thuý An đánh bạo vòng qua hiên của ngôi nhà chính Gian nhà bên đúng là lớp học Đèn bên trong sáng choang rọi sáng cả sân qua ô cửa. Cô mon men đến bên cửa sổ nhìn vào. Lớp học chỉ có 5, 6 dãy bàn, có lẽ là bàn tự đóng vì khá thô thiển. Bảng đen với chữ viết bằng phấn trắng cho cô biết hôm nay lớp đang học vần UÔN và UÔNG. Học trò chỉ chừng hơn 10 đứa và thầy giáo đang chỉ tay lên bảng xướng cho bọn trẻ đánh vần là một người đã quen biết chút chút đối với Thuý An Bài đánh vần ban nãy của bọn trẻ quả là: “Chuồn chuồn bay thấp thì mưa Bay cao thì nắng bay vừa thì râm.” Còn bây giờ chúng đang tập đánh vần và đọc câu “ Công cha như núi Thái sơn Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra” Đang ngắm nghía bọn trẻ với những cặp mắt chăm chú vào tập, những cái miệng hăng hái đọc thật to từng chữ, từng câu thì bỗng dưng tiếng người xướng ngưng nữa chừng làm Thuý An cụt hứng nhìn lại “Anh thầy giáo” đã nhìn thấy cô. Sau vài phút khựng lại, Quang mỉm cười chào cô và xướng vần kế tiếp cho bọn học trò. Tiếng đọc lại tiếp tục nhưng vài đứa trẻ tinh nhạy vừa đọc vừa nhìn qua ô cửa sổ, trong đó có hai anh em nhà bé Mai Lũ trẻ đọc xong câu ca dao, Quang bước ra cửa mỉm cười. Không hỏi tại sao cô lại có mặt tại đây, anh tự nhiên nói: − Em vào chơi, tham quan lớp học cho vui Có lời mời thân tình, Thuý An không khách sáo nữa, cô đánh bạo bước vào và ngồi ở chỗ trống của cái bàn sát vách. Nhăn mũi cười với anh em Mai, cô quay lên bảng để xem “anh thầy giáo” viết bài tập về tính cộng Giảng và cho học trò làm cho suôn sẻ mấy phép tính cộng đó xong, Hai Quang cho lũ trẻ tan học. Bọn học trò lần lượt ôm tập đi lên và khoanh tay chào thầy trước khi ra về Cảnh tượng lễ phép ấy khiến Thuý An chợt nổi tính tinh nghịch, cô cũng nối đuôi lũ trẻ, cũng khoanh tay và gập người chào thầy Quang. Thấy thế anh phì cười. Thuý An ngồi ghé lên một góc bàn hỏi: − Không ngờ anh vừa làm chủ vườn hồng rộng lớn, vừa là thầy giáo lớp học tình thương. Lấy giẻ lau tấm bảng nhỏ, anh nói thành thật − Bọn trẻ nhỏ không đến trường được, lại quấy phá nhiều, nên tôi gom chúng lại dạy chút ít kiến thức thôi. Tôi không phải thầy giáo, chắc cách dạy không sư phạm lắm Thuý An cãi: − Sao lại không sư phạm ạ. An thấy mấy em dễ thương và lễ phép lắm, anh dạy vậy là thành công đó chứ Quang quay lại nhìn Thuý An và cười: − Hình như em cũng hứng thú với đám trẻ lắm Ngẫm nghĩ một lúc anh nói: − Tôi đôi khi cũng bận bịu công việc, nên lớp học này nhóm học không đều đặn được. Nếu hôm nào em rảnh, có thể nhín thời gian dạy dùm tôi một, hai buổi không? Cô ngẩn người nhìn anh: − Anh nói An dạy à? An đâu có dạy học bao giờ. Vả lại An mới chỉ học hết trung học Quang mỉm cười: − Hết trung học là tốt rồi. Chưa dạy thì cứ dạy thử xem sao. Em cũng thích ngành sư phạm mà. Chỉ cần mình có lòng là được rồi Thuý An gãi gót ngần ngừ. Viễn cảnh có thể đứng trước mấy đứa trẻ kia sang sảng giảng bài thật thú vị, những ánh mắt ngưỡng mộ, những đôi ati háo hức lắng nghe. Chà hay đấy, nhưng … Cũng không dễ dàng… − Sao? – Quang cười nhắc lại – Em thấy được chứ? Cô cười ngượng nghịu: − Để … An hỏi ngoại xem được không Quang tươi nét mặt, anh gật đầu: − Được rồi. Tôi chờ câu trả lời của An, nếu An dạy được thì cứ qua đây. Lớp học này sẵn sàng chờ một cô giáo mới Thuý An bật cười với cách nói khoa trương của anh. Quang nhìn cô rồi chợt hỏi: − Sao em biết lớp học dời về đây mà qua vậy? − Đâu có. An chỉ định ghé thăm vườn hồng thôi, tự nhiên nghe con nít ê a om sòm nên tò mò muốn coi thử có chuyện gì, không ngờ … Ủa, mà sao lớp học ở đình lại dời về nhà anh vậy? Quang gom mấy cục phấn gẫy trên bàn trả lời: − Tháng này trên đình có cúng bái nhiều lắm, tôi sợ tụi nhỏ học không đều nên dời quách về đây cho yên. Em đợi một chút nhé, tôi đi lấy cho em ly nước Thuý An xua tay lắc đầu: − Khỏi, An chỉ qua xem chút thôi rồi phải về liền − Bà ngoại rầy hả? − Không – Thuý An cười – Hôm nay ngoại với dì Năm đi chùa rồi − Vậy sao em không đi bằng cổng chính mà lại chui rào? Quang vừa hỏi vừa cười vẻ trêu chọc khiến Thuý An đỏ mặt phân bua: − Tại An đang ở sau vườn nên tiện thể chui qua, khỏi mất công đi vòng cửa trước cho xa chứ bộ. Nhưng bây giờ thì An phải về trông chừng nhà để dì Biên dọn dẹp nhà kho, bà ngoại dặn vậy. An về nhé − Em về bằng cổng chính chứ? Hay là thích… Thuý An phản ứng bằng cách dậm chân trừng mắt làm Hai Quang vụt im bặt, nheo mắt cười hết dám đùa dai Cô đi một lèo ra cổng về nhà. Đi tới đi lui vơ vẩn trên nhà một hồi cũng chán, Thúy An mon men ra chái hè đàng sau, nơi chứa những đồ đạc lỉnh kỉnh ít dùng đến Cô ló đầu vào nhìn, dì Biên đang lui cui dọn dẹp sắp xếp lại các thứ trông cho gọn. Thúy An bước vào: − Con phụ dì dọn nha − Thôi, em lên nhà đi, ở đây bụi bặm không hà! Vừa nói, dì Biên vừa chồm lên tìm chỗ gác cái vật là lạ đang cầm trên tay. Thúy An nheo mắt nhìn: − Cái đó là cái gì vậy dì Biên? − Hả? Em hỏi cái này hả? Dì quay lại, chìa một vật ra cho Thúy An xem, cô ngờ ngợ: − Nhìn nó giống như cây đàn Dì Biên lắc đầu quầy quậy, đưa nó cho Thúy An: − Tui cũng không biết là cái gì. Đâu em coi kỷ coi. Nó là cây đờn hả? Thúy An cầm lấy xăm soi, miệng lẩm bẩm: − Đúng rồi. Đây là cây đàn bầu. Của ai vậy dì? Cô ngước nhìn dì Biên hỏi, dì lắc đầu cười: − Tui có biết đâu. Từ lúc tui về đây với mợ Ba đã có nó trong nhà này rồi. Mỗi lần tui dọn dẹp là nó lại được dời tới dời lui nhưng cũng chỉ ở trong cái chái này thôi, chẳng lấy ai rờ tới nó − Chắc của dì Năm con quá − Em nói chị Năm hả? Chắc hổng phải, tui có thấy chị Năm đờn bao giờ Vẫn ngắm nghía cây đàn, Thúy An gật gù: − Của ai tính sau. Bây giờ con đem nó ra lau chùi cái đã Thúy An xách cây đàn lên nhà, lấy chổi lông gà phủi hết bụi rồi đi tìm miếng giẻ sạch nhúng nước ngồi lau. Khiếp, cây đàn cũ quá chừng, phải lau đi lau lại mấy lượt trông nó mới khá lên được một chút. Cô hì hục đánh bóng cái khúc gỗ dài cả thước nhưng vẫn cẩn thận sợ lỡ tay làm gãy cái trụ bằng tre mỏng manh ở phía đầu khúc gỗ. Cái cây tre yếu đuối đó lại còn được xỏ qua một cái gáo dừa nữa chứ, chưa nói đến sợi dây đàn duy nhất mỏng lét thấy mà ớn. Để nguyên không ai đụng tới thì không sao, rủi nhằm lúc xui dây mục mà mình còn đụng, nó đứt bung vào mắt thì có mà chết Thúy An kỳ cọ cây đàn trong nơm nớp lo sợ. Bỗng cô ngừng tay khi khám phá ra trên mặt đàn có khắc chữ. Cô khệ nệ ôm cây đàn ra ngoài hiên, ánh sáng ngoài trời làm cô đọc rõ mồn một hàng chữ thật nhỏ được khắc lên trống đàn “Đàn cầm ai bén duyên tơ Năm canh luống những ngẩn ngơ tiếng đàn” Thúy An ngồi thừ người ra nhìn cây đàn, đầu óc nghĩ ngợi lung tung. Câu thơ được khắc trên mặt đàn chứng tỏ chủ nhân của nó phải là một người có tâm hồn nghệ sĩ lãng mạn Cây đàn này của ai thế nhỉ? Cô quay nhìn vào nhà, dì Biên đã dọn xong cái kho chuẩn bị đi tắm. Thúy An định hỏi dì Biên nhưng lại nghĩ lại thấy thôi, dì ấy chắc cũng không biết gì hơn. Có lẽ cô hỏi dì Năm vậy Đứng nhìn cây đàn giờ đã được lau chùi sạch sẽ trông cũng đẹp mắt ra phết, Thúy An khoái chí với công sức của mình đã bỏ ra cho nó, cô chun mũi quyết định đàn thử xem sao. Nhưng ở đây thì không được, vì cô chưa hề biết sử dụng đàn bầu, lỡ có ai nghe được, họ cười chết. Thúy An nhìn quanh rồi chợt nghĩ ra, cô lại khệ nệ ôm cây đàn ra vườn sau. Bỏ cây đàn xuống cô xoa tay. Chà, chỗ này thì lý tưởng rồi, váng vẻ, êm ắng, khỏi sợ ai cười Cô ngồi xuống, loay hoay một hồi lâu, cô nhớ hình dáng nhà nghệ sĩ biểu diễn đàn bầu trên tivi rồi bắt chước họ, cô cũng một tay cầm cái trụ bằng tre nhấn nhấn, một tay gãy sợi đàn. Nhưng mãi mà sao cũng chỉ có những âm thanh “từng… tứng… tưng … tưng” nghe lãng nhách làm sao đâu. Đánh vật với cây đàn bầu một hồi lâu mà vẫn không nên trò trống gì, chán quá, Thúy An thở dài nhìn quanh. Bỗng cô giật mình khi thấy bóng dáng một người đàn ông đứng im lìm nhìn cô. Cái ông say xỉn lè nhè mà cô đã từng gặp. Ông ta đang đứng bên kia bờ rào thuộc khu vườn hoa của Hai Quang Trong khi Thúy An đứng tròn mắt dè dặt ngó thì ông ta vẫn đứng bất động, mắt nhìn cây đàn như đang say nghĩ điều gì, thỉnh thoảng ông ta lại đưa mắt nhìn cô rồi lại nhìn xuống cây đàn. Thúy An lưỡng lự không biết có nên bắt chuyện với ông ta hay không, nhưng nói thì nói gì bây giờ, cô còn không biết hiện giờ ông ta tỉnh hay say nữa. Vậy chẳng lẽ lặng thinh ôm cây đàn vào nhà? Cô không biết làm sao đành cứ đứng thừ mặt ra Chừng như nhìn đã chán, suy nghĩ đã nhiều, ông ta đột ngột cất giọng: − Cây đàn này… ở đâu vậy? − Cháu tìm được trong kho của ngoại Thúy An nhanh nhảu trả lời, bụng cũng mừng vì thời gian ngượng ngùng nãy giờ đã tan Ông ta gật nhẹ đầu nói tiếp: − Cháu thích nó à? − Dạ, nhưng cháu chưa biết đàn − Chưa biết thì học cho biết, có gì khó đâu. Thúy An mở to mắt ngạc nhiên: − Chú … biết đàn hả? − Ừ - Ông ta gật đầu lần nữa − Vậy… chú dạy cháu đàn được không? Ông ta lại gật đầu: − Được Thúy An cười tươi vội ôm cây đàn lên men theo hàng rào tới chỗ quen thuộc để chui qua. Cô nhận ra ông ta hôm nay thật hiền lành, khác xa lúc say xỉn. Khi đã qua phần vườn bên kia, cô hỏi: − Chú có thấy anh Quang ở đâu không? Ông nhìn cô lắc đầu: − Không thấy − Vậy ở ngoài đó có còn khách tham quan không chú? − Chú thấy lúc nãy thì còn nhưng bây giờ chắc họ ra hết rồi − Vậy là chú bị nhốt trong này rồi Thấy ông nhìn như không hiểu, cô vội giải thích − Ở ngoài trước nếu hết khách tham quan thì người ta đóng cổng khoá lại, chú bị kẹt trong này rồi đó. Nhưng không sao đâu. Không chừng chiều lại có đợt khách khác tới thì họ lại mở cộng, nếu không thì kêu anh Quang mở cho, hén chú! Ông lại gật. Cô đưa cây đàn cho ông cầm, miệng cứ liếng thoắng: − Học đàn này khó không chú? − Dễ, không khó Tới băng ghế đá gần đó, Thúy An nói: − Ngồi đây được không chú? − Cháu muốn ngồi đâu cũng được Trong lúc Thúy An ngồi trên chiếc ghế đá thì ông ta lại ngồi xuống dưới đất, cạnh bụi cây quỳnh làm cô phải tụt xuống ngồi đối diện Ông đặt cây đàn nằm trên đất, ngồi thẳng người, tay vuốt nhẹ từng chữ của hai câu thơ trên mặt trống, mắt như mơ màng, miệng lẩm bẩm gì không biết Một lúc sau, chừng như sực nhớ còn có Thúy An, ông tằng hắng nhẹ rồi một tay cầm trụ điều khiển âm thanh, tay kia khảy nhẹ dây đàn, ông chép miệng: − Dây chùng quá rồi − Có sao không chú? Còn đàn được không chú Thúy An nhấp nhổm, ông không nói gì, chỉ chăm chú sửa tới sửa lui một hồi. Cuối cùng ông cũng gãy lên được những tiếng buồn buồn, một điệu buồn đầy quyến rũ thấm sâu vào tâm hồn con người. Tiếng nỉ non của nó làm người nghe phải nao lòng, thấm thía Độc tấu một hồi, ông như xuất thần cất giọng ngâm nga: “Đêm qua nguyệt lặng về Tây Sự tình kẻ đấy người đây còn dài Trúc với mai, mai về trúc nhớ Trúc trở về mai nhớ trúc không? Bây giờ kẻ Bắc người Đông Kể sao cho hết tấm lòng tương tư…” Thúy An há hốc miệng ngẩn ngô ngồi nghe ông hát. Hoá ra những tiếng nỉ non trong đêm cô thường nghe là đây. Chính là ông Chợt có tiếng dì Biên réo tên cô om sòm làm Thúy An giật mình nhíu mày đứng dậy. Ông cũng đã ngưng đàn ngước lên nhìn cô mỉm một nụ cười nhẹ, rồi nhìn gì đó phía sau cô. Thúy An quay lại, Hai Quang đứng đó từ lúc nào, cò lẽ cô mãi nghe đàn nên không biết. Cô cười một cách ngượng ngập vì đã bị bắt quả tang chui qua nhà người ta phá giấc ngủ trưa − Ơ, xin lỗi anh … vì đã… Thôi An về ngay đây. Cảm phiền anh đừng trách chú này nghen, tại An mà ổng mới bị kẹt trong này đó. Anh mở cửa cho ổng ra nha! Hai Quang vẫn im lặng nhìn cô chăm chăm làm Thúy An càng thêm lúng túng. Lại có tiếng dì Biên gọi dồn, Thúy An vội quay người về thì bỗng người đàn ông gọi: − Đàn của cháu nè − Ý, suýt nữa cháu quên Trao cây đàn cho cô ông nói thêm một câu làm cô ngẩn người: − Cháu muốn ăn trái hồng quân nữa không? Hồng quân…? Thúy An đứng sựng người như thế, cứ mở to mắt nhìn ông không chớp. Vậy là sao? Chẳng lẽ người cho cô rổ hồng quân hôm trước là ông. Thúy An lóng ngóng trả lời: − Dạ, cháu ăn chưa hết … Cám ơn chú. Cô ngập ngừng một chút rồi men theo đường cũ ra về Đến ngay gốc cây hồng quân ranh giới giữa hai vườn, Thúy An lại tiếp tục biểu diễn màn ôm đàn chui qua hàng rào. Nhưng lần này có thêm sự chứng kiến của chủ nhân làm cô cảm thấy mắc cỡ nóng bừng cả mặt mũi. Đến lúc qua hẳn bên vườn nhà, cô len lén nhìn sang thấy Hai Quang vẫn đứng nhìn cô miệng có sẵn một nụ cười nhẹ, cô thở phào nhẹ nhõm yên chí rằng anh sẽ không trách cứ gì ông kia nên cười thật tươi giơ một tay lên vẫy rồi ôm đàn quay ngoắt vào nhà − Trời đất! Em đi đâu từ nãy đến giờ Thúy An trả lời tỉnh: − Con ở sau vườn chứ đâu − Làm tui hết hồn, tự nhiên tắm lên thấy nhà cửa trống hoác mà em đi đâu mất tiêu. Lỡ mợ Ba về hỏi tôi hổng biết trả lời thì sao? − Trời ơi, con có phải con nít đâu mà dì sợ con đi lại mất Nhìn thấy cây đàn trên tay Thúy An, dì Biên trố mắt − Ủa, cây đàn hồi nãy đây hả? − Dạ, nó đó − Chèn ơi, sao hồi nãy tui thấy cũ rích mà bây giờ sáng bóng vậy? − Thì con chùi nó kỹ lắm chứ bộ! − Chà! Coi đẹp ghê hen, mà lúc nãy đang tắm, tui nghe có tiếng đờn, phải nó không? Thúy An cười, gật đầu xác nhận − Biết đờn ha? − Không – Cô lắc đầu − Sao tui nghe em đờn hay quá vậy − Đâu phải con − Vậy chứ ai? Giọng ngạc nhiên của dì Biên làm cho Thúy An tức cười: − Dì biết lúc nãy ai đàn không? − Ai vậy? − Cái ông say xỉn tối tối hay hát đó Dì Biên trợn mắt: − Ông Tư Sang hả? − Dạ. Ổng tên là Tư Sang hả dì? − Ừa, sao em quen với ổng? − Thì cũng mới quen thôi, ổng biết đàn đó dì, ổng đàn hay lắm − Nè, em đừng có lân la nói chuyện với họ, ngoại em mà biết là chết đó − Sao ngoại lại ghét ổng vậy dì? − Tui… đâu có biết − Mà nhà ổng ở đâu vậy dì? Dì Biên chỉ tay qua phía vườn hoa: − Thì nhà ổng ở bển chứ đâu! Thúy An tròn mắt ngạc nhiên: − Ở bên đó à? − Vậy ổng là gì của anh Quang hả dì? − Là chú − Ông Tư Sang đó là chú của anh Quang à? Dì Biên ngó cô lom lom: − Tui dặn em trước rồi nghen, đừng để ý đến nhà Hai Quang. Mợ ba không ưa họ đâu − Tại sao vậy dì? Xích mích gì à? Dì Biên lúng túng: − Thì xích mích nhiều chuyện lâu đời rồi. Tui mới về ở với mợ Ba có hơn 10 năm nay thôi, đâu biết nhiều Thúy An nhíu mày: − Vậy là chuyện xích mích lâu lắm rồi à? Tới giờ mà cũng còn giận nhau sao? Là chuyện gì vậy? Dì Biên nhăn mặt: − Sao em hỏi nhiều vậy? Đừng nhắc chuyện này tốt hơn − Sao lại không cho con hỏi chứ? Là chuyện xích mích gì vậy? Dì kể đi Dì Biên lúng túng: − Tôi đâu biết gì nhiều. Thì … nhà Hai Quang hồi xưa nghèo lắm, mà nhà mợ Ba thì giàu − Vậy thì sao? − Ông Tư Sang hồi đó… − Ổng sao dì? – Thúy An xích lại gần dì Biên hỏi − … cũng nghèo lắm Dì này nói lạ. cô ngó dì Biên chăm chăm, trong bụng hơi bực vì phải nghe nhiều câu lòng vòng. Cô sốt ruột hỏi, giọng có phần khó chịu: − Đó đâu phải là nguyên nhân hai nhà xích mích nhau, dì cứ vòng vo làm gì? Cứ nói đại cho rồi. Dì không nói thì con cũng biết hà − Làm sao em biết được? − Xời ơi! Dì làm như có một mình dì biết chuyện vậy. Dì không nói thì con sẽ qua kế bên hỏi anh Quang, hoặc hỏi ông Tư cũng được vậy. Tại vì hai người đó bây giờ con quen hết chớ bộ − Tui không biết à nhen. Em cứ nói chuyện với chú cháu nhà nó đi, mợ Ba mà bắt gặp có chuyện gì thì ráng chịu, đừng trách là tui không dặn trước Bực mình dì Biên ghê! Thúy An quay phắt người bỏ đi ra sau nhà thì nghe dì Biên gọi giật giọng: − Ý, bộ em tính qua đó thiệt đó hả? − Thắc mắc thì phải hỏi cho ra chứ − Nè, tui nói cho nghe nhưng đừng… − Biết rồi, con đừng để ngoại với dì Năm biết chứ gì? − Ừa, lại đây Thúy An đến ngồi cạnh dì Biên, háo hức lắng nghe. Dì nhìn xung quanh như sợ có ai nghe lỏm, nhỏ giọng rù rì: − Ông Tư Sang hồi đó nghèo nhưng hiền lành, giỏi giang lắm, ở đây ai cũng mến. Ổng lại có tài đàn ca cũng khá, nên nhiều cô thích, nhưng ổng chỉ thương có mỗi một người − Ai vậy? − Má của em! − Hả! – Thúy An mở to mắt ngạc nhiên – Má con? − Ừa – Dì Biên gật đầu xác nhận Thấy điệu bộ ngẩn ngơ của cô, dì Biên nói thêm: − Nghe nói hồi đó hai người cũng thương nhau lắm, nhưng … − Bà ngoại con chê ổng nghèo, không chịu hả? – Thúy An hấp tấp hỏi − Không phải − Vậy thì sao hai người lại chia tay, rồi hai nhà lại ghét nhau? − Lỗi không phải ở mợ Ba, mà là chị Hạnh Thúy An chau mày không hiểu: − Ủa sao dì mới nói là ông Tư với má con thương nhau mà? − Thì đó, hai người thương nhau ở đây ai cũng biết. Vậy mà đùng một cái, má em chê ổng nghèo nên bỏ ổng, rồi lấy ba em − Gì kỳ vậy? − Vậy mới nói. Từ ngày đó tới giờ ổng mới thất chí bỏ bê hết, không làm ăn gì nữa, suốt ngày chỉ nhậu lè nhè. Hồi đó má ổng, tức là bà nột thằng Hai Quang còn sống thấy con trai mình thất tình bệ rạc như vậy thì xót nên chửi rủa cô Hạnh hết lời. Nói thật cho em nghe nha, ở đây ai cũng nói má em là người phản bội tàn nhẫn Thúy An ngồi nghe mà bần thần cả người. Thì ra… chuyện xưa cũ rồi mà ông Tư Sang vẫn không gượng lại được, buông trôi cả cuộc đời như vậy. thử hỏi một người cháu như Hai Quang, ngày nào cũng nhìn thấy chú mình như vậy thì sao không tức tối được chứ? Anh ta có những luận điệu gượng ép, khó chịu khi triết lý về chuyện giàu nghèo thì cũng phải thôi Hình như bà ngoại và dì Năm đã về. Dì Biên vội vã lỉnh tuốt ra sau bếp mất tiêu. Còn lại Thúy An ngồi lại một mình trên nhà suy tư với những gì vừa nghe được. − Làm gì mà ngồi thừ ra vậy? Tiếng ngoại sau lưng làm Thúy An vội vàng quay lại: − Ngoại mới về! − Làm gì ngồi đó? Ngoại hỏi lại và cau mày khi nhìn thấy cây đàn: − Con nhỉ này, ở nhà rảnh quá không có gì làm phải không? Lục lọi cái đồ quỷ này ở đâu ra vậy? − Dạ con thấy trong kho sau hè Dì Năm vừa bước vào thấy thế nên nói: − An, con đem cất đi. Đừng để đó ngoại không thích − Dạ. – Cô líu ríu ôm cây đàn trong tay, lóng ngóng không biết nên đem đi đâu. Chẳng lẽ lại đem trở vào kho? Công trình cô lau chùi cả buổi chứ bộ! Đang phân vân thì bắt gặp ánh mắt dì Năm nhìn dò xét, cô đánh bạo: − Con cất trong phòng được không dì? Dì Năm còn đang lưỡng lự thì bà ngoại cất tiếng càu nhàu: − Đem đi đâu cũng được, miễn là khuất mắt tao Dì Năm gật đầu. Thúy An mừng rỡ ôm đàn đi một mạch vào buồng ngủ, đặt nó lên giường Thế là xong. Tối nay đẩy nó vào sát vách là được rồi, chỗ còn rộng chán Ăn cơm chiều xong, loay hoay một chút là trời đã tối. Thúy An trằn trọc mãi vẫn không ngủ được. Cô ngồi dậy mon men qua buồng của dì Năm. Cô đẩy nhẹ tấm rèm, thò đầu nhìn vào. Qua ánh trăng hắt vào từ của sổ, cô thấy dì Năm nằm im trên giường chắc đã ngủ, bèn quay ra. Bỗng nghe tiếng dì Năm: − Con chưa ngủ hả An? − Ý! Dì cũng chưa ngủ hả? − Chưa, con vô đây Thúy An bước tới gần giường thì dì ngồi dậy. Cô ghé ngồi xuống phía chân dì, lặng im. Dì Năm dường như hiểu rất rõ ý nghĩ của cô, hỏi thẳng: − Con có chuyện gì muốn nói phải không? Thúy An hơi ngập ngừng: − Dạ, con muốn hỏi về… cây đàn. Con thấy nó cũ quá trời, con chùi mỏi tay luôn đó. Chắc lâu lắm rồi không ai đụng tới nó hả dì? − Ừ − Cây đàn đó của dì hả? − Không − Của má con hả dì? Dì Năm lắc đầu không trả lời − Hồi trưa lúc con chùi nó xong thì có người sửa lại dây mới đàn được đó dì. Dì biết ai sửa cho con không? Ông Tư Sang kế bên nhà mình đó dì. Đến hôm nay con mới biết cái người tối tối hay ca là ổng. Tại lúc sửa đàn cho con, ổng cũng đàn thử và ca một bài nghe hay lắm dì Dì Năm nghiêm giọng − Con quen ổng hồi nào vậy? − Dạ, mới hồi trưa này Thấy dì Năm nhìn mình dò xét, Thúy An lật đật giải thích thêm: − Con cũng mới biết ổng là chú ruột của anh Quang bữa nay thôi Dì Năm nhíu mày: − Con cũng biết Hai Quang nữa à? − Thì ảnh là người đưa con về nhà hôm… − Biết rồi. Nhưng con gặp nó rồi à? − Dạ! Gặp mấy lần. Ảnh nói chuyện cũng đàng hoàng lắm Dì Năm nhìn xoáy vào mặt cô cháu gái: − Con biết được những chuyện gì rồi? − Dạ? Con có biết gì đâu? – Thúy An chối phăng Dì Năm liếc nhìn cô rồi buông giọng: − Con không nên la cà nói chuyện với những người đó. Cũng đừng đem cây đàn ra tập tành đàn ca hát xướng gì hết. Bộ con không nghe người ta nói “ Làm thân con gái chớ nghe đàn bầu” sao? − Ủa. sao kỳ vậy hả dì? − Cái gì kỳ? − Thì… dì vừa nói là con gái không được nghe đàn, sao vậy dì? − Không phải không được nghe đàn, mà là không nên nghe đàn bầu, cũng không phải dì nói mà là người xưa nói, ông bà nói, con hiểu chưa? − Nhưng tại sao lại cấm không cho con gái nghe. Còn con trai thì sao? Có bị cấm không hả dì? − Cũng không phải là cấm. Ông bà xưa chỉ khuyên thôi. Bởi vì tiếng đàn bầu đó đặc biệt lắm. Có nghe rồi con mới thấy, tiếng đàn nó da diết nỉ non để rồi thấm vào tận tâm hồn con người một điệu buồn êm ái quyến rũ. Tiếng đàn bầu trong đêm vắng dễ tạo sự u hoài và niềm sầu cảm. Gặp khi đang có tâm sự buồn, khi nghe tiếng đàn càng buồn thấm thía. Bởi vậy đàn bà con gái đều được khuyên không nên nghe đàn bầu chỉ vì sự quyến rũ đặc biệt của nó thôi − Nhưng con nghe rồi, có sao đâu? − Thôi, con đừng có ở đó mà nói nhảm nữa, khuya rồi, về giường ngủ đi Thúy An dạ nhỏ, lững thững về buồng mình. Được vài bước cô sực nhớ ra một chuyện nên quay lại hỏi: − Dì Năm ơi, còn chuyện này nữa? − Chuyện gì? − Có phải bữa trước ông Tư Sang cho con rổ hồng quân không dì? Trong bóng tối Thúy An vẫn thấy rõ ánh mắt nhìn chăm chăm của dì − Ừ - Dì gật đầu − Sao tự nhiên ổng cho con vậy dì? − Dì không biết, sao con không hỏi ổng – Dì trả lời qua quýt nhưng Thúy An nắm ngay cơ hội: − Con sẽ hỏi ổng, dì không la con chứ? Dì Năm nhăn mặt, đẩy cô ra: − Con muốn nói chuyện với ai thì nói, miễn đừng để bà ngoại thấy là được rồi. Ngủ đi con, nhiều chuyện quá! Thúy An mỉm cười đi về buồng mình. Ngả lưng xuống giường, với tay qua vuốt nhẹ cây đàn, cô nhắm mắt cố dỗ giấc ngủ mà đầu óc cảm thấy lung tung lang tang sao đâu. Chẳng hiểu người lớn nghĩ gì lạ đời, chế ra được cây đàn độc nhất vô nhị như vầy mà không cho một nửa nhân loại thưởng thức. Thật là … không hiểu nổi!