Tạo hóa cho con người có hai tai mà một miệng, là có ý dạy cho chúng ta nên biết nghe nhiều mà nói ít. - Zénon. Người nói là vãi ra, kẻ nghe là nhặt lấy. - Plutarque. Lời nói như một mũi tên đã buông, đã lọt vào tai ai không thể rút ra được. - Lục Tài Tử. Miệng ngậm thì tai mở. - Tục ngữ Anh. Người ta hối hận vì đã thốt ra lời, chứ không phải vì lặng nghe. - Simonide d'Amortgos. Lúc đáng nói thì mới nói, người nghe không chán. - Luận ngữ. Nghe là bản năng hằng hữu của mọi sinh vật. Ngay trong cỏ cây cũng có khuynh hướng vươn lên đến tiếng động và ánh sáng. Chức năng "nghe" của con người còn cao thâm hơn nhiều. Đối với con người, sự nghe đến trước tiếng nói. Đối với trẻ sơ sinh mà mất đi sự nghe, thì trẻ không bao giờ nói được. Nên có thể nói, nghe là bậc thầy của nói. Các nhà tâm lý học phân tách cho thấy, tuyệt đại đa số nhân loại thích nói hơn là thích nghe. Sở dĩ như vậy là vì họ muốn chứng tỏ họ là nhân vật quan trọng, họ muốn phô cái hiểu biết của họ cho người ta khâm phục; nếu không thì họ muốn khoe của cải hay quyền lực gì đó. Nói tóm lại, đó là chứng bệnh về "chấp ngã", đề cao cái "ta" của mình lên. Nếu ta dứt ngang lời nói của họ trong lúc cao hứng thật là nguy hiểm và rồ dại. Người lịch sự không nên làm như vậy. Trước nhất chúng ta phải hiểu rằng "nghe tức là học". R. W. Emerson nói: "Bất kỳ người nào cũng có một điểm gì đó hơn mình, nên ta có thể học ở họ được. A. de Vigny cũng nói như vậy. Cách đây hăm lăm thế kỷ, Liệt Tử đã nói: "Lời nói của một kẻ cuồng, thánh nhân còn nhìn được thay" (cuồng phu chi ngôn thánh nhân trạch yêu). Nghe người đối diện nói chúng ta có được mấy điều lợi : - Ta học khôn ở họ một điều gì. - Chân thành nghe họ nói tức giúp cho họ một niềm vui. - Giúp cho ai được điều gì chúng ta cảm thấy có một niềm sung sướng. - Và tuyệt hảo nhất là chúng ta đã gây được mối thiện cảm đối với họ. Đời này có gì quan trọng hơn thiện cảm? Người ta hy sinh cho nhau, giúp đỡ nhau là nhờ ở thiện cảm đó. Sách vở kể lại một giai thoại khá thú vị. Năm 1773, Nữ Hoàng Nga Catherine II mời Diderot (nhà văn, khoa học cùng với Rond d'Alembert viết bộ Bách Khoa Toàn Thư Encyclopédie) qua Nga diễn thuyết. Nữ Hoàng hội đàm với Diderot, bà lắng tai nghe Diderot nói một cách say mê. Sự chăm chú của bà khiến Diderot càng cao hứng - những lúc như vậy ông chồm tới vỗ đùi bà "đét, đét". Sau buổi nói chuyện đó, cặp đùi nõn nà của bà trở nên bầm tím! Năm sau, Nữ Hoàng lại mới Diderot qua Nga lần nữa. Bà vẫn ngồi chịu trận như lần sơ kiến mà không hề than phiền. Bà viết thư cho một người bạn nói: "Vị thiên tài ấy thật là lạ lùng! Mỗi khi nói chuyện, ông ấy cứ vỗ vào đùi tôi sưng tím cả lên, nhưng lúc ấy tôi không hề biết đau". Địa vị một hoàng đế nghiêm cấm, say mê nghe nhà văn nói chuyện như vậy, huống gì chúng ta. Thà ngay từ đầu chúng ta đã không có chuyện ngồi lại với nhau thì thôi. Biết cách nghe và gợi ý cho người ta nói là nghệ thuật thu phục nhân tâm càng được nhiều người yêu mến, ta càng thấy cuộc sống có nhiều ý nghĩa, nhất là tránh được sự khổ tâm vì cách đối phó. Bậc thánh như đức Khổng Tử còn phải thốt: "Chín mươi chín người thương vẫn chưa đủ, một người ghét đã là nhiều". Bớt lời để nghe nhiều, đó là những người có đức độ. Thiện chí và thiện cảm được nảy sinh từ đó. Người tây phương nói: "Sự "thấy" lên đường đã mười năm, sự "nghe" nửa buổi đường đã theo kịp". Tin tức góp nhặt từ bốn phương là ở nghe chứ không phải thấy. NEWS (tin tức) = N: North (Bắc); E: East (Đông); W: West (Tây); S: South (Nam) Câu chuyện Bá nha, Tử Kỳ cũng nói về cái nghe đó. Ngày xưa có một người chơi đàn đã đến mức tuyệt kỹ, đó là Bá Nha. Bá Nha may mắn kết bạn với một người rất giỏi về nghe đàn, đó là Chung Tử Kỳ. Qua tiếng đàn, Tử Kỳ hiểu ý Bá Nha trong lúc đó. Về sau Tử Kỳ qua đời, Bá Nha liền đập dàn, không hề gảy nữa, cho rằng thiên hạ không còn ai là chỗ tri âm (biết nghe tiếng đàn). Cứ cho rằng đây là huyền thoại, nhưng huyền thoại ấy dùng để nói lên điều gì? Đó là giá trị của sự nghe hay lắng nghe. Thuần Vu Khôn là người nước Tề, nghe rộng nhớ nhiều, ông rất giỏi về việc du thuyết. Nhờ im lặng nhìn và lắng nghe mà đoán biết được ý của người đối diện. Ông vào gặp Lương Huệ Vương hai lần, chỉ nghe nhà vua nói mà không phát biểu gì cả. Cuối cùng nhà vua trách: "Quả nhân không đáng nói chuyện với khanh sao?" Bấy giờ Thuần Vu Không nói: "Lần trước tôi yết kiến nhà vua, nhà vua tuy đang bàn việc nước, nhưng óc lại nghĩ đếnchuyện cưỡi ngựa dong ruổi. Lần sau tôi gặp nhà vua, nhà vua vẫn nói chuyện, nhưng óc lại nghĩ đến thanh âm. Vì thế tôi không dám nói gì cả". Nhà vua cả sợ nói: " Ôi, Thuần Vu tiên sinh thật là thánh nhân vậy! Lần trước có người cho tôi một con ngựa hay, ta chưa kịp xem nhó thì phải bận tiếp tiên sinh. Lần này người ta cho một con hát rất hay, chưa kịp thử cũng bận tiếp tiên sinh. Lúc ấy quả nhân thật đang nghĩ về những thứ đó". Sự lắng nghe mang đến thành công to lớn, làm phát triển thêm những đức tánh tốt trong mọi lãnh vực. Trong quyển Khoa Học Thực Nghiệm (Science Expérimentale), Claude Bernard nói: "Hãy lắng nghe thiên nhiên đọc cho viết". Một tác giả nổi tiếng trước nhất phải biết nghe "tiếng lòng" của mình và nghe được tiếng lòng của than nhân. Cổ nhân có câu: "Xưa nay thánh hiền đều tịch mịch" (Cổ lai tánh hiền giai tịch mịch). Không phải thánh hiền tịch mịch đâu, các vị ấy đang nghe đó! Sức nghe của họ rất sâu xa. ta thấy đó, lòng không thành thì sức nghe chưa tới. Ở đây chúng ta không dám mong cầu có một sức nghe cao diệu như thế, chỉ muốn xin bớt nói để chú ý lắng nghe. Bạn chỉ cần nhịn năm phút thôi, chi năm phút thôi mà! Bạn nhịn nói trong năm phút là bạn toàn thắng. Bạn có thể không tin? Nhưng hãy thực hành mới thấy cái diệu dụng của nó. Các điều đáng nhớ: - Không nên ngắt lời trong lúc người đang nói. - Nghe là học khôn ở người nói. - Biết nghe là giúp cho người nói chuyện một niềm vui. - Biết cách nghe và gợi ý cho người ta nói là một nghệ thuật thu phục nhân tâm. - Có lý nào người ta chỉ nghe mà không nói? (Trích đăng sách: Thuật Ứng Xử Thu Phục Lòng Người, tác giả Chiêm Trúc)