ó tiếng kẹt cửa khẽ. Hơi lạnh phả vào đỉnh đầu buôn buốt. Tôi kéo chăn trùm hết lên đầu như một con cún. Tiếng mợ Nhân nhỏ nhẹ “Út ơi, dậy con. Bốn giơ rưỡi rồi”. Tôi làu bàu “Còn sớm chán. Con ngại lắm”. Mợ xốc bổng tôi dậy: “Con bé này, hẹn người ta rủ đi xem chợ hoa mà giờ này còn nằm đây. Chị Huế đứng đợi ngoài cửa kia mà”. “Chết - tôi bừng tỉnh - Hôm nay Chủ nhật hả mợ?”. Mợ ngán ngẩm lắc đầu đi ra phòng khách. Tiếng mợ phân trần ồn ã: “Em nó mới ra chưa quen lạnh nên ngại dậy sớm. Cháu thông cảm đợi em nó một chút”. “Vâng ạ”. Tiếng chị Thanh nhẹ như tiếng chuông.Tôi mặc một áo thun cao cổ, một áo dài tay, hai áo len, một chiếc áo dạ dài đến gối lại thêm khăn len quấn đùm đụp quanh mặt mà vẫn thấy lạnh. Chị nhìn tôi cười rũ “Ôi trông em như một con gấu bông ấy”. Tôi ngỏn ngoẻn cười. Ngó lại thấy chị chỉ khoác một chiếc áo len mỏng. Tôi ngạc nhiên: “Chị không sợ lạnh à?”. Chị so vai: “Còn nhiều thứ khác đáng sợ hơn. Đùa thôi, chị con nhà nông mặc thế là ấm lắm”.Nhưng chị không phải là con nhà nông. Chị họ Lê, dòng dõi vua chúa, cùng nhánh họ với bà Lê Ngọc Hân. Ông cố ngoại của chị giàu có nhất nhì Hà Thành, nhà cửa chiếm hết một vùng đất lớn sát chợ Hàng Da bây giờ. Dạo trước, ba chị làm tổng giám đốc một công ty trách nhiệm hữu hạn nào đó, nhà chị giàu bạc vạn. Chị sống đời sống của một bà hoàng với những cái đuôi nhũng nhẵng theo sau. Người ta có được chiếc xe đạp Diamăng đã quý, chị có hẳn xe Cub, thậm chí xe ô tô đưa đón. Người ta dè xẻn từng đồng ăn sáng để đóng tiền học, chị có cả bạc triệu để chỉ thuần mua sắm. Nhưng sự đời lúc lên voi khi xuống chó. Công ty vỡ nợ, ba chị vào tù. Ngôi nhà lớn trên phố Đường Thành bị mất. của cải bán tống bán tháo lấy tiền cho ông được miễn giảm nhưng vô ích. Bốn mẹ con chị chuyển về ở ngôi nhà ẩm thấp và bé bằng hộp diêm trên đường Bưởi. Nhà cứ thế sa sút dần. Mỗi lần tôi ra Hà Nội lại thấy chị hanh hao đi nhiều.Chị gò lưng chở tôi trên chiếc xe đạp không còn phân biệt màu sắc, mỗi lần nhấn bàn đạp lại rít ken két. Chị bảo “Vui nhỉ, lại được cả nhạc để nghe”. Tôi ôm chặt eo lưng chị: “Em nặng thế này chị chở nổi không?”. “Thừa, chị còn thồ được cả sáu bảy chục cân gạo nữa là em. Em xem chị gầy, nhưng hôm nào cũng được tập thể dục nên dai sức lắm”. Ừ, tôi quên mất. Chị bây giờ khác. Bỏ học, chị nhảy từ bà quý phái xuống bà lam lũ một cách dễ dàng, không đau đớn. Buôn thúng bán bưng thêm tiền chợ bây giờ đã là nghề của chị rồi.“Đến chưa chị?” - Tôi nhấp nhổm. “Còn đoạn nữa”. Gần đến đê gió càng thổi mạnh. Cái loại gió từ sông sao mà buốt giá, cứ thuôn thuốn vào người ta làm nổi đủ các loại da gà da vịt. Chị bảo “Ngày xưa chị cũng hay lên đây. Đó là thói quen duy nhất còn giữ lại được kể từ...”. Chị ngừng lời, thắng xe đánh két: “Tới rồi” và nhảy xuống đất. Tôi ngơ ngác nhìn lên đê, chỉ thấy lố nhố những đám người xám xịt, khăn quấn kín mặt, nón lá sùm sụp trên đầu. “Em có thấy gì đâu?”. “Ngốc ạ, đi theo chị thì thấy”. Chúng tôi lúc lắc trèo lên đê.Được một quãng tôi đã lạc vào xứ sở thần tiên. Xung quanh bạt ngàn hoa. Buổi sớm, những cánh hoa còn e ấp, mơn mởn tươi. Trong màu xám của trời và đất, của những khối người bán lao xao, màu hoa căng rực lên. Người ta quây thành từng mẹt hồng nhung lớn, từng rổ cúc đại đóa và violet tím thẫm xen kẽ với các loại hoa vườn rồi chuyền tay nhau, đặt lên những chiếc xe thồ hoặc gánh về thành phố. Tiếng nói lao nhao, tiếng cười giòn giã rơi qua màn sương mỏng ướp đầy hương, chảy xuống dòng sông mờ mịt hơi lạnh. Tôi không thể hình dung được một vài giờ nữa, những tiếng cười sẽ biến thành những tiếng thở mệt nhọc trên khắp đường phố Hà Nội.Tôi bảo: “Đẹp quá chị ạ”. Chị cười, dẫn tôi đi dọc các hàng hoa: “Đẹp cũng chỉ để ngắm thôi mà”. “Nhưng có ích chứ chị”. “Người ta xấu đẹp gì muốn sống có ích thì cũng dễ dàng thôi”. Chị nói “Em có vẻ không tin”. Mấy bà ngồi sắp hoa vào thúng nhìn chị Huế, bỏm bẻm: “A, cô Huế. Lại dẫn khách Sài Goòng đi chơi à?”. “Vâng”. Chị quay sang giải thích: “Mấy người bạn chị ở trong kia ra thế nào cũng phải lên đây”. Tôi tiếc rẻ: “Đáng lẽ phải mang bảng vẽ lên đây”. Chị xoa đầu tôi: “Còn ở đây dài ngày, lo gì”. Chị nhìn tôi thăm dò “Lại đằng nhà bạn chị chơi nhá”.Nhà bạn chị Huế nằm sát mé sông. Một quán nước lợp bằng mái tranh với mấy bộ bàn ghế gỗ đen kịt, vài lọ kẹo lạc và một bà già mặt đầy nếp nhăn, lần mò ngồi đan một chiếc khăn quàng lớn màu mận chín. Chị chào: “Bác ạ” và kéo tuột tôi và trong. Căn phòng tối lờ mờ, chỉ toàn mùi ẩm và mùi sơn dầu. Giọng người đàn ông ồm ồm cất lên: “Huế à?”. Ngọn đèn vàng bật sáng soi rõ người đàn ông ngồi sau bàn đội chiếc mũ len với cục bông đỏ chót trên đinh như một anh hề. Một người đàn ông với chiếc miệng cười duyên dáng chìa chiếc răng khểnh sau bộ râu quai nón rậm rịt. Xung quanh tường, treo dày đặc tranh. Chị Huế giới thiệu: “Đây là em cửa Huế ở trong kia ra”. “Rất hân hạnh”. Anh chìa tay mời tôi ngồi. Trên tường, có những bức tranh khá đẹp. Cái lớn nhất độ khoảng sáu ô gạch hoa ghép lại. Anh phân trần: “Mình chẳng có đủ màu để vẽ”. Tôi trịnh trọng: “Cái khó mới ló cái tài”. Tôi cảm giác tất cả các bức tranh anh vẽ đều có một tông màu hơi u ám. Tôi thích nhất bức anh vẽ cô thiêu nữ ngồi tựa cửa sổ, mắt đầy nước. Hai bàn tay thon dài đặt trên đùi như sắp cử động. Khuôn mặt bị chìm một nửa trong bóng tối rất quen thuộc. “Đây là bức tươi nhất của phòng tranh”. Tôi nhận xét. “Em thấy rất quen”. Anh cũng đồng ý: “Anh và chị Huế cũng thích nó nhất”, miệng mỉm cười ý nhị.Anh quay lại chị Huế: “Sao lâu không thấy Huế lên chơi. Bà cụ nhắc mãi”. Chị che miệng cười: “Chỉ bà cụ thôi à?”. Anh lảng “Huế này, hồi bữa có mấy thằng Tây đòi mua bức tranh này nhưng anh không bán. Mấy bức khác trả rẻ nhưng mình túng nên đành phải bán”. “Anh đã ra triển lãm riêng chưa?” - Tôi chen ngang: “Chưa có tiền đâu em”.Tôi lẩm nhẩm: “Tiền là tiên là Phật. Là sức mạnh tuổi trẻ”. Gớm thật, bây giờ muốn làm việc gì lớn cũng phải có tiền.Chị Huế đứng dậy: “Thôi Huế về đây”. Anh nhìn chị đau đáu “Sớm thế?”. Chị gằm mặt: “Còn phải chở hàng nữa chứ?”. “Anh quên mất”. Anh chìa tay cho tôi bắt. Tay anh ấm và mềm mại. Mắt anh cũng buồn như mắt chị Huế.Anh bảo: “Anh không ra tiễn nhé”. Chị lặng lẽ gật đầu, lặng lẽ cầm tay anh và lặng lẽ bước ra ngoài. Chúng tôi vòng xuống đê. Những gánh hàng hoa đã tan. Trên đường vương vãi những bông hoa giập hết lá nom thật thảm. Một vầng mặt trời trắng nhạt như chiếc bánh tráng treo lơ lửng trên nền trời đã hơi ấm hồng lên một chút.Tôi bảo: “Anh ấy nhìn hay nhỉ”. Chị vẫn cắm cúi đạp. Nhìn điệu e ấp cửa chị, thật không thể là bạn thường. Tôi lại nói to: “Chị với ảnh nhìn đẹp đôi lắm”. “Anh ấy bị liệt sau một tai nạn. Không có tiền nên không giải phẫu được” - Chị nói khẽ. Còn tôi nghĩ mình nghe lầm nên hỏi lại: “Ai tai nạn cơ?”. “Anh Nguyên. Không có tiền mời bác sĩ giỏi. Không có tiền thuốc thang. Bây giờ chỉ ngồi một chỗ. Anh ấy tài lắm”.Tôi thấy nhột nhạt nơi cổ. Tôi ôm chặt chị an ủi: “Thuận vợ chuận chồng tát biển đông cũng cạn chị ạ”. Chị quàng tay ra sau, siết lưng tôi: “Vớ vẩn. Ôi con bé này vớ vẩn quá đi mất”. Tôi nghe giọng chị nói đến khúc cuối thì nghẹn đi mất.Tỏi đi thực tế hai tháng trên Tây Bắc. Cùng với mấy đứa bạn lang thang khắp Sapa, Bắc Hà, quên bẵng mất ở Sài Gòn mình có một ngôi nhà ấm cúng với ba mẹ và người yêu đang chờ mình. Ngày tháng ở đây mù sương nhưng lại là những mảng màu đậm không thể quên được trên bảng màu vốn lợt nhợt của tôi.Buổi trưa về đến Hà Nội tôi phóng thẳng đến nhà chị Huế. Cửa đóng then cài. Đợi mãi mới thấy thằng em chị Huế ra mở cửa, mũi đỏ tây như quả nhót vì lạnh, khệ nệ xách cái làn to. Nó thông báo: “Chị Huế đi lấy chồng từ đâu tháng rồi, chị ạ”. Tôi tái mặt: “Sao nhanh thế?”. “Em không biết”. Nó hục hặc ho: “Bây giờ em phải vào bệnh viện với mẹ em”. Nó leo vụt lên chiếc xe đạp cũ kỹ chị Huế thường đi thồ gạo, nhón người đạp xe đi mất, không kịp để tôi hỏi câu gì.Mợ Nhân kể: “Con Huế tới đây đưa thiệp cưới cứ khóc ròng. Khổ thân, nó lấy chồng để trả nợ cho ông bà già, chớ có yêu đương gì. Nghe bảo nó yêu thằng nào dưới bến sông...”. “Vâng, con biết”. “Con biết à?” - Mắt mợ sáng lên. Tội nghiệp, bản năng người phụ nữ trong mợ lúc nào cũng mạnh mẽ. Bắt gặp ánh mắt của tôi, mợ lúng túng: “Thì tao cũng chỉ hỏi cho biết”. “Chị ấy ở đâu hả mợ”. “Sài Gòn. Nhà này, phố này. Con vào tìm chắc gặp được nó”.Tôi lóc cóc đạp xe ra bến sông. Trời Hà Nội đã ấm hơn. Cây cối cũng bớt xanh hơn. Thật tình Hà Nội chỉ đáng đam mê khi mùa đông tới. Nhưng mùa đông đã qua rồi. Nước mắt tôi tự nhiên nhòe nhoẹt chảy. Trên đê vắng hoe. Chiều, nắng vắt những dải vàng nhạt trên vệ cỏ, đi lên những cánh hoa bị bầm giập từ sáng. Thỉnh thoảng mới có một người gánh hàng đi qua, mắt cắm xuống đất, chân nhoi nhói đi không để ý gì đến xung quanh.Tôi xuống quán nhà anh Nguyên. Bà cụ vẫn ngồi đan chiếc khăn len to tướng màu mận chín dù đã hết mùa đông. Trong quán nồng mùi thuốc lào. Một ông già ngồi tựa cột, đầu lắc lư theo điệu nhạc ông tưởng tượng trong đầu. Tôi hỏi: “Anh Nguyên có nhà không ạ?”. Bà đáp: “Ra bến sông rồi”, không ngẩng đầu lên. Tôi ra bến, thấy anh ngôi trên xe lăn, mặt quay ra hướng nam. Tôi vui vẻ “Chào đồng nghiệp”. Anh quay lại. Suýt nữa tôi không nhận ra anh. Bộ râu quai nón được cạo gọt cẩn thận, để lộ khuôn mặt hình trái xoan. Tính theo tướng số, con trai như thế là không hợp cách. Mắt anh rạng rỡ nhưng một ánh mây đen đã vội vàng bay tới bao phủ. “A, chào em. Đi thực tế có vui không?”. “Vui chứ”. Tôi liếng thoắng kể chuyện, cười đùa. Chỉ sợ dừng lại một chút là tôi hoặc anh sẽ bật khóc lên mất.Chúng tôi trở về nhà. Tranh trong phòng anh đã hạ xuống xếp đầy một góc. Trên tường chỉ còn treo bức chân dung người thiếu nữ với đường nét quen thuộc mà vì bóng tối lờ nhờ không làm tôi nhận ra ai được. Anh bảo: “Chị Huế đấy”. Tôi chúi đầu lại gần. Lúc này tôi mới nhận ra. Chị Huế thật. Nhận ra cả những vầng ánh sáng hạnh phúc tỏa ra từ đôi mắt đẫm ướt của chị, từ nụ cười mủm mỉm của chị. “Chị Huế đi rồi nhưng chị ấy không xa anh” - Anh tâm sự - “Chị ấy là một cô gái tuyệt vời. Anh phục và yêu chị ấy”. “Em cũng vậy”. Tôi nói thế và tự hỏi, có bao giờ tôi dám hy sinh hạnh phúc riêng tư của mình để làm một việc có ích không? Im lặng một lát tôi bảo: “Chị ấy cũng yêu anh. Còn em, em rất phục anh”. Tôi thấy lòng mình trào lên một cảm giác khó tả, chạy lên mũi cay xè.Tôi đạp xe chậm rãi trên đê, chỉ sợ cán phải những bông rớt trên đường. Màn đêm đã buông xuống, nhấp nháy những vì sao như những chiếc đinh bằng kim cương. Ven sông lờ mờ những vạt cải trổ hoa vàng. Tôi rùng mình vì gió, nhủ thầm, mai tôi phải lên đây thật sớm, như hôm nào chị đã dẫn tôi đi, và mua một bó violette mang vào tặng chị. Chị sẽ ôm nó vào lòng, sẽ mỉm cười tư lự, mắt đẫm ướt như bức tranh treo ở nhà anh Nguyên. Rồi chị sẽ bảo: “Chị hạnh phúc lắm em ạ. Mọi thứ đến như giấc mơ đẹp đã qua chỉ còn là kỷ niệm. Bây giờ mình phải sống vì hiện tại và tương lai phải không em?”.Hệt như tôi giờ đây, những ngày tháng vừa qua đã đang trôi dần vào kỷ niệm.