Chương IX


Chương IX
Khuyếch trương nông nghiệp, khai mỏ

     ư bản coi ra riêng cũng chung.
Nghĩa thục còn khuyến khích đồng chí lập đồn điền để khuếch trương nông nghiệp. Về khu vực hoạt động này, công đầu về Độc tướng quân và cụ Bùi Đình Tá.

*

Không rõ Độc tướng quân tên họ là gì, chỉ biết cụ là con nhà khoa bảng, học giỏi, nhưng ghét thi cử, hưởng ứng phong trào duy tân, rời quê hương ở miền Nam (Hưng Yên hay Phủ Lý?) lên Yên Bái - mà hồi đó ai cũng sợ là nơi ma thiêng nước độc - để mở một đồn điền tại Yên Lập.
Vì cụ Phương Sơn cho hay trước, nên Độc tướng quân ra đón cụ tại một ga nhỏ, rồi hai cụ cùng leo lên lưng một con ngựa, về đồn điền. Ngựa không có yên, mà cương thì bằng dây thừng. Đường đồi lúc lên lúc xuống, ngồi ngựa rất xóc, cụ Phương Sơn không quen, ôm cứng lấy bụng Độc tướng quân.
Ngựa ngừng trước một trại nhỏ bằng lá cất trên bờ một con sông. Điền tốt độ mươi người, người nào cũng đen thui và ở trần. Chủ nhân dắt khách đi thăm trại, chỉ cho coi mấy chục mẫu rừng đương khai phá thành ruộng; rồi cả hai lại lên ngựa tiến sâu vô rừng, cách trại độ năm trăm thước, tới một cái chòi bên cạnh một lò hầm than. Không khí oi ả, hơi lửa của lò bốc ra hừng hực. Độc tướng quân xin lỗi khách, cởi áo, chỉ bận một cái quần cụt ngồi kể công việc làm ăn cho khách nghe.
Đồn điền được năm chục mẫu. Cây đốn xuống, chất nột nơi. Khi nào điền tốt rảnh công việc ruộng nương thì đốt than. Có thuyền chở than và lúa ra Yên Bái bán. Vì nước độc điền tốt ở miền xuôi lên, ở được ít tháng, ngã nước, xin về, nên rất khó kiếm nhân công. Trong trại không có một người đàn bà nào cả. Tới bữa, điền tốt bưng lên một phạn cơm gạo đỏ và một đĩa thịt muối. Vừa xẩm tối, muỗi đã bay mịt trời, đưa tay ta quơ được cả chục con mỗi lần. Độc tướng quân phải hun khói, rút thang rồi chủ và khách chui cả vào trong chòi, đóng cửa lại.
Không quen chịu cực, sáng sớm hôm sau, cụ Phương Sơn cáo biệt, về tới Hà Nội, tả cảnh cô độc của chủ đồn điền cho bạn bè nghe, và từ đó trong Nghĩa thục ai cũng gọi chủ đồn điền là Độc tướng quân, riết rồi quên hẳn tên thật.

*

Sau Độc tướng quân, là cụ Bùi Đình Tá ở ngõ Phất Lộc, cùng với một người bạn là cụ Phán Tứ (người Nam Việt) hùn nhau khai phá một đồn điền ở Mỹ Đức, gần chùa Hương.
Hồi người Pháp mới mở trường ở Bắc Việt, phát không sách vở giấy bút cho học trò mà cũng rất ít gia đình chịu cho con đi học. Những nhà khá giả đều giữ lề lối cũ ghét và khinh cái học “tây u” mà các cụ gọi là cái học vong bản. Chính phủ bắt buộc quá, các quan phủ huyện phải ép các tổng lý cho con đi học. Cụ Bùi Đình Tá chính là một trong những người bị bắt buộc học tiếng Pháp như vậy. Nhờ tư chất thông minh, cụ đỗ đạt, được bổ thông phán rồi thăng tham tá.
Nhưng cụ không vong bản như phần đông các quan tham quan phản thời đó, vẫn giữ tính tình nho nhã, chung thân bận quốc phục, nhiệt tâm muốn khai hóa thanh niên, chẳng những dạy giúp Nghĩa thục mà còn lập một cô nhi viện đầu tiên ở Việt Nam. Việc mở đồn điền ở Mỹ Đức chính là đề có phương tiện nuôi trẻ mồ côi. Cứ buổi sáng cụ dạy các em đó học vần Quốc ngữ, buổi chiều cho chúng tập công việc đồng áng, tùy sức và tùy tuổi của mỗi em. Sáng kiến đó rất mới mẻ, chỉ tiếc cụ không đủ vốn, thất mùa một hai vụ, phải bán cả đồng hồ, bàn ghế trong nhà để chi phí cho cô nhi viện mà vẫn thiếu hụt, rốt cuộc công việc phải bãi bỏ.
Thời đó biết bao nhiêu người có thiện chí, chỉ vì thiếu kinh nghiệm và hoạt động lẻ loi mà thất bại.
Từ khi đồn điền Yên Lập và Mỹ Đức phải dẹp vì lỗ vốn, chương trình khuếch trương nông nghiệp của Nghĩa thục không được tiếp tục nữa.

*

Một việc ít người biết mà không ai ngờ, là nửa thế kỷ trước các cụ trong Nghĩa thục, ngoài kinh sử ra, có biết chút gì về địa chất học đâu, mà cũng rủ nhau đi tìm mỏ ở miền thượng du Bắc Việt, và đã tìm được nhiều mỏ: than, chì kẽm, lưu hoàng... Các cụ lên miền rừng núi, hỏi dò thổ dân, thấy chỗ nào nghi là có quặng thì đem về ít cục đá đất giao cho phòng thí nghiệm phân tích sau khi đóng tiền 5đ. mỗi lần. Nếu phòng thí nghiệm bảo là có quặng, các cụ đóng thêm tiền đón kỹ sư tới tận nơi xét xem mỏ sâu hay nông, nhiều quặng hay ít; sau cùng lại mướn người cắm mốc bốn bên, vẽ bản đồ xin đóng thuế khai mỏ.
Công việc mới bắt đầu thực hành thì phải dẹp vì Nghĩa thục đóng cửa; chỉ còn cụ Bùi Xuân Phái, giáo học Ninh Bình, tiếp tục khai một mỏ than nhỏ ở Nho Quan. Than nằm ngay trên mặt đất, nhưng còn non, người Pháp chê, nên mỏ mới còn lại mà về tay cụ. Cụ đem bán cho Huê kiều, được họ chia cho một phần hùn. Than rất nhẹ, bán rất rẻ, nhưng mỗi tháng cụ cũng được chia lời chừng trăm bạc. Được vài năm cụ mất, người trong nhà bán đứt cho Huê kiều, thì năm sau, họ đào sâu xuống, gặp những lớp than cứng, tốt, rất được giá. Trong sự doanh nghiệp, Huê kiều quả thực bền gan hơn mình nên thường thành công hơn.