Tướng nước Yên là nhạc Nghị đem quân đánh nước Tề. Trong vòng 6 tháng mà hạ được 70 thành của Tề. Chỉ còn hai thành thôi là Cử Châu và Tứ c Mặc đương hấp hối trước lực lượng của Yên. Riêng thành Tức Mặc bị bao vây rất ngặt. Tướng giữ thành Tức Mặc chết. Điền Đan được cử lên thay. Hàng ngày, Điền Đan tay cầm ván, thuổng cùng sĩ tốt làm việc. Họ hàng thê thiếp đều ghép vào hàng ngũ cả. Người trong thành đều sợ mà được yên. Nhạc Nghị vây suốt ba năm mà không hạ được thành, bèn rút quân lui ra 9 dặm, đắp lũy để giữ. Lại hạ lịnh rằng: Dân trong thành Tức Mặc nếu có ai ra kiếm củi thì cứ cho ra tự do, ai đói thì cho cơm ăn, ai rét thì cho áo mặc. Ý muốn cho dân trong thành cảm phục mến đức mà qui hàng. Quan đại phu nước Yên là Kỵ Kiếp gièm pha với vua Yên là Nhạc Nghị không muốn hạ thành Tức Mặc sớm, cố kéo dài để xem ân uy kết chặt lòng dân Tề, mục đích sẽ tự lập làm vua Tề vậy. Dò được tin đó, Điền Đàn liền bí mật cho người sang Yên đồn đãi lên rằng: người Tề chỉ sợ nhất là Nhạc Nghị đến, thì thành Tức Mặc sẽ bị phá, Nghị hoãn thành là để chờ cơ hội lên làm vua. Yên Huệ vương đã sẵn nghi Nhạc Nghị nay nghe lời đồn đãi hợp với lời nói của Kỵ Kiếp nên sai Kỵ Kiếp thay Nhạc Nghị và rút Nghị về nước. Nghị sợ bị giết, nghĩ mình vốn người nước Triệu nên bỏ trốn về Triệu. Kỵ Kiếp được thay quyền làm tướng, vừa đến lũy được ba ngày liền đem quân đánh Tức Mặc, bao vây thành mấy vòng, tưởng con kiến con ong cũng khó chui ra. Trong thành phòng giữ rất vững. Tuy vậy quân sĩ cũng lấy làm lo. Một buổi sáng, Điền Đan sớm dậy nói với người trong thành: - Đêm hôm ta nằm mộng thấy Thượng đế bảo ta rằng Tề sẽ thắng, Yên phải thua. Ngày nào đây sẽ có thần nhân làm quân sư cho ta, đánh trận nào thắng trận nấy. Giữa lúc ấy có một tên lính đứng thập thò bên cột trông vẻ ngớ ngẩn, Điền Đan liền bước đến chụp lấy tay nó, nói với mọi người: - Đây rồi. Vị thần nhân mà ta thấy đêm hôm chính là người này. Đoạn, Đan kính cẩn mời nó vào trướng. Tên lính ngẩn ngơ, không biết ất giáp gì, sợ tái mặt lập cập thưa: - Tôi thực không có tài gì, xin tướng quân tha cho. Điền Đan nghiêm nghị bảo: - Mày bôi mặt đỏ, mặc áo đỏ, đội mũ đỏ, mang hia đỏ, ngồi trên cái ghế cao kia để tao lạy mày nghe chưa? - Không dám. Điền Đan trợn mắt, quát: - Không dám thì tao đập đầu mày vỡ như cám. Mày phải vâng lời, nghe chưa? Tên quân hoảng sợ: - Dạ, xin nghe. Đan lại bảo: - Mày tự xưng là "Tướng nhà Trời" do Ngọc Hoàng Thượng đế sai xuống để cứu nước Tề đây, nghe chưa? - Dạ! - Rồi mày ngồi yên lặng trên ghế cao đó, để cho tao lạy mày và các tướng sĩ lạy mày. Mày nghe chưa? - Dạ! - Rồi mày nói to lên: "Các tướng sĩ hãy lui ra hết, một mình tướng quân ở lại đây nghe ta truyền mật lịnh để cứu nước Tề". Mày nghe chưa? - Dạ! - Xong rồi, mày làm thinh, đừng nói gì nữa hết, nghe chưa? - Dạ! - Nếu mày không làm đúng như lời tao dặn, tao sẽ chém đầu mày cho mày chết không kịp ngáp. Nghe chưa? - Dạ! Tên lính ngờ nghệch ấy răm rắp tuân lịnh, bôi mặt đỏ, mặc quần áo đỏ, đội mũ đỏ rồi trèo lên chiếc ghế cao ngồi chóc ngóc trên đó. Tướng Điền Đan liền truyền lịnh cho tất cả tướng sĩ tụ họp vào trong dinh để nghe lịnh của "Tướng nhà Trời". Hàng ngàn tướng sĩ đến nơi thấy một cảnh tượng vô cùng kỳ dị: chủ tướng Điền Đan mình đang mặc cẩm bào đương sụp lạy một hình người mặt đỏ, áo đỏ, mũi đỏ, hia đỏ, ngồi chót vót trên ghế cao. Bỗng hình người phán: - Ta là tướng nhà Trời do Ngọc Hoàng Thượng đế sai xuống để cứu nước Tề đây, nghe chưa? Điền Đan cúi đầu cung kính đáp: - Dạ! Đoạn sụp xuống lạy "Tướng nhà Trời". Toàn thể tướng sĩ lúc bấy giờ không ai bảo ai, cũng răm rắp một loạt lên tiếng: - Dạ! Rồi sụp xuống lạy. "Tướng nhà Trời" lại bảo: - Các tướng sĩ hãy lui ra hết, một mình tướng quân ở lại đây nghe ta truyền mật lịnh để cứu nước Tề. Nghe chưa? - Dạ! Nghe "Tướng nhà Trời" truyền dạy như thế nên tất cả mọi người lạy 3 lạy rồi lui ra, chỉ để Điền Đan ở lại lãnh mật lịnh. Bấy giờ ai cũng sợ sệt nhưng rất mừng vì tin tưởng có Tướng nhà Trời làm quân sư thì nước Tề sẽ thắng trận và được hưng vượng. Tin "Tướng nhà Trời" được loan truyền ra tận ngoài thành đến dinh Yên. Nhưng quân Yên chưa tin. Điền Đan truyền lịnh của Tướng nhà Trời cho dân chúng trong thành: ngày 2 buổi, trước bữa ăn phải đem hoa quả thực phẩm bày ra sân để tế tổ tiên. Như thế sẽ được tổ tiên phò hộ cho. Dân chúng đều triệt để tuân theo. Những chim chóc bay ngang thấy có đồ tế liền sà cách xuống đớp mỗi ngày hai buổi. Chúng lượn đi lượn lại rợp trời rợp đất. Được mồi ngon, chúng lại kêu hót líu lo, cực kỳ vui thích. Quân Yên bao vây bên thành trông thấy lấy làm lạ lùng quái dị, chuyến này tin chắc là có hẳn tướng nhà Trời. Chúng hoang mang vô cùng. Đã có Trời giúp thì làm sao địch nổi. Nếu địch lại thì trái mạng Trời. Nếu trái mạng trời thì phải toi mạng. Quân Yên bấy giờ cực kỳ hoang mang, tinh thần bắt đầu giao động. Điền Đan lại cho thám tử lẻn qua trại Yên đồn đãi rằng: "Nhạc Nghị trước kia hiền quá, bắt được người Tề không giết, nên người trong thành không sợ. Nếu thẻo mũi đi thì người Tề trong thành Tức Mặc kinh khủng mà đầu hàng". Kỵ Kiếp nghe thế liền truyền đem những quân lính Tề bị bắt trước kia, cả đến những quân lính hàng đều thẻo mũi cả. Người trong thành nghe thế vừa sợ vừa tức, bảo nhau nhứt quyết giữ thành. Nếu lôi thôi, chẳng may thành hạ thì họ bị bắt, dù có đầu hàng cũng bị địch bắt thẻo mũi. Điền Đan lại cho người đồn đãi qua trại Yên. Dân chúng ở trong thành nhưng mồ mả tổ tiên của họ đều xây đắp ở ngoài thành. Nếu quân sĩ nước Yên đào những mồ mả ấy thì người nước Tề vì sợ cái nạn quật mồ tổ tiên mà đầu hàng hết. Kỵ Kiếp liền sai quân lính đào hết mồ mả ở ngoài thành, đốt thây người chết, quăng bỏ hài cốt. Dân chúng trong thành nhìn thấy đều khóc nức nở, căm thù quân Yên cực độ, quyết một phen rửa hận và nguyện uống máu ăn gan của quân bạo tàn man rợ. Họ cùng kéo nhau đến quân môn, yên cầu Điền Đan cho họ ra đánh một trận để báo thù cho tổ tông. Thấy lòng căm phẫn của dân đã đến cực độ, Điền Đan mừng thầm cho là quân lính đã đến lúc dùng được. Nhưng Đan chưa cho đánh vội. Đan sai sứ đưa lễ sang quân Yên bảo rằng lương thực trong thành đã hết, và định ngày đầu hàng. Kỵ Kiếp tự đắc hỏi các tướng sĩ: - Ta sánh với Nhạc Nghị thế nào? Các tướng đều nói: - Thật tài hơn Nghị vạn bội. Rồi chúng lại nhảy nhót, vui mừng, tung hô vạn tuế. Điền Đan thu trong dân chúng được hơn ngàn vàng, sai những nhà giàu đem biếu riêng các tướng Yên, yêu cầu trong ngày hạ thành, họ bảo toàn gia quyến cho. Các tướng Yên cả mừng, nhận vàng rồi giao cho mỗi nhà một lá cờ nhỏ, cắm ở trước cửa để làm dấu hiệu. Chúng rất tin chắc, không phòng bị, chờ ngày Điền Đan khai thành đầu hàng. Điền Đan liền chuẩn bị tổng phản công. Đan sung công tất cả trâu của dân chúng. Trâu đực, trâu cái, trâu mẹ, trâu con, trâu già, trâu nghé... có hơn ngàn con đều được tập trung ở một khu đất trống trong thành. Đan lại tuyên bố đây là mưu kế củaTướng nhà Trời bày ra cho ông để tiêu diệt quân Yên mà đem thắng lợi cho nước Tề. Tất cả một ngàn con trâu đều mang một lớp áo đỏ vào thân, vẽ thêm màu sắc lòe loẹt. Gươm, giáo, mác cột chặt vào sừng trâu đưa mũi nhọn sắc ra trước. Mỗi đuôi trâu lại buộc một nùi cỏ khô tẩm dầu chai. Người ta không hiểu để làm gì. Hoàng hôn xuống. Điền Đan liền cho giết một con trâu làm tiệc. Đoạn cho năm trăm quân cường tráng ăn uống no say, vẽ 5 màu sắc vào mặt, mặc y phục đỏ, cầm k hí giới và chạy theo sau trâu. Trời đã khuya. Giờ khởi binh đã điểm. Tức thì cửa thành mở hoác, lùa trâu ra. Đồng thời đốt bó cỏ buộc ở đuôi trâu. Lửa cháy, trâu bị nóng quá, rống lên đâm đầu chạy xông qua dinh Yên. Năm trăm tráng quân cắm cổ chạy theo. Quân Yên cứ tin chắc là hôm sau, quân Tề đầu hàng, sẽ kéo vào thành nên đang đêm chỏng cẳng ngủ thẳng. Thốt nhiên có tiếng ầm ầm như đất lở trời đổ, chúng giựt mình tỉnh dậy, trông ra thấy có hàng ngàn ngọn đuốc sáng rực như ban ngày. Những con vật kỳ quái xồng xộc băng băng chạy đến, lại rống lên những tiếng rùng rợn. Theo sau đó, một đoàn người dị thường hung hăng xông theo. Quân Yên hồn bay phách tán tưởng như một đoàn mãnh thú quái dị và lũ quỷ sứ mặt ngũ sắc của tướng Trời chỉ huy. Hàng ngũ quân Yên rối loạn. Chạy đâu cũng không thoát. Những cặp sừng húc vào đâu thì người bị thương toi mạng, ruột gan lòng thòng, máu chảy dẫy đầy. Năm trăm tráng quân chẳng nói chẳng rằng, tay cầm dao lớn búa to cứ gặp người là chém, là bửa. Năm trăm người mà khí thế bằng mấy vạn quân. Khủng khiếp quá, quân Yên mặt mày không còn một hột máu, tiểu đại xổ ra một lần. Nhưng nào thoát mạng được. Điền Đan lại thân xuất người trong thành reo hò chạy đổ đến. Những kẻ già yếu và phụ nữ đều cầm dùi đánh vào những đồ đồng, đồ thiếc, tiếng vang dội khắp trời đất. Quân Yên càng khiếp đảm, chạy tán loạn, đạp nhau chết vô số. Thây nằm ngổn ngang như rạ, máu đổ lan mặt đất như nước sông. Tướng Kỵ Kiếp ôm đầu lủi chạy, bị Điền Đan đâm một giáo chết không kịp la. Quân Yên đại bại. Thừa thắng, Điền Đan cử một cuộc tấn công, đánh thẳng đến sông Hoàng Hà, phía bắc nước Tề, khôi phục hơn 70 thành. Các thành ấy nghe quân Tề đắc thắng đều phản Yên mà trở lại với Tề. Thật là một trận giặc trâu kinh khủng trong lịch sử thế giới. Trong bài "Con trâu" của Học Lạc (Nguyễn Văn Lạc) có câu: Mắc mưu đốt đít tơi bời chạy, Làm lễ bôi chuông dớn dác sầu. Cụ Huỳnh Mẫn Đạt, trong bài "Con trâu già" cũng có câu: Đuôi cùn biếng vẫy Điền Đan hỏa, Tai điếc buồn nghe Ninh Thích ca. "Đốt đít" và "Điền Đan hỏa" là do điển tích trên.