Vạn lý tìm chồng

Nhà Tần (306-209 trước D.L.), đời vua Tần Thủy Hoàng (221-209 trước D.L.) có người con gái họ Hứa tên Mạnh Khương. Chồng của nàng họ Phạm tên Thực, người ở miền Quan Trung nước Sở. Vốn con nhà danh giáo, từ nhỏ đã hấp thụ đạo đức, thư hương theo tinh thần gia phiệt.
Mạnh Khương kết hôn được ít lâu thì nhằm lúc vua Tần mưu tính một công cuộc kiến trúc vĩ đại. Nguyên sau khi thôn tính xong sáu nước: Yên, Triệu, Hàn, Ngụy, Tề, Sở, Thủy Hoàng muốn bảo vệ ngai vàng và phòng ngừa cuộc xâm lăng của bọn Hung Nô ở miền Bắc, mới truyền xây Vạn Lý Trường Thành để làm biên giới từ Lũng Tây ở mạn tây đến Liêu Đông ở mạn đông. Thành cao từ 15 đến 30 thước, chân rộng 25 thước, dài 3600 cây số. Cứ từng quãng lại có cửa ải đồ sộ.
Thủy Hoàng đặt công trình lớn lao ấy dưới quyền chỉ huy của đại tướng Mông Điềm và dưới sự kiểm soát của Thái Tử Phò Tô. Nhà vua truyền huy động đến 30 vạn nông dân để xây trường thành, lại dùng đến 50 vạn người bắt làm binh phòng giữ miền Lĩnh Nam. Ngoài ra hơn 70 vạn người bị cung hình (bị cắt sinh thực khí) chia đi làm cung A Phòng, hoặc xây lăng ở Ly Sơn.
Vua truyền huy động đến hàng triệu thanh niên từ 18 đến 45 tuổi đi sưu dịch. Những người này không biết bao giờ mới trở về hay không chắc có ngày trở về nữa. Vì thế, trong nhân dân, vợ khóc chồng, mẹ khóc con vô cùng thảm não.
Chồng nàng Mạnh Khương phải tuân lịnh nhà vua. Cha chồng đã mất để lại mẹ chồng, Mạnh Khương phải thay thế chồng phụng dưỡng mẹ và dưỡng dục con thơ. Nhà ngày suy sụp, nàng phải giã gạo, quay tơ để mưu sinh. Đối với mẹ chồng, nàng vẫn làm tròn nhiệm vụ của một người dâu thảo.
Phần nỗi già, phần thương nhớ con, bà mẹ phát bịnh nặng rồi qua đời. Mạnh Khương phải lo cư tang báo hiếu. Đằng đẵng mấy năm trường trông đợi chồng nhưng bặt vô âm tín. Nghe được tin đồn ở miền bắc, vì tuyết sương lạnh lẽo, vì công việc quá khó nhọc nên có nhiều người ốm chết, Mạnh Khương thương chồng nên nhất định đến tận ải quan, mong tìm chồng để an ủi, giúp đỡ, san xẻ gánh nặng. Nàng gởi con cho người thân rồi ra đi.
Nàng theo đường vạn lý. Từ miền hộ Động Đình nước Sở lên phía bắc đến kinh đô Hàm Dương. Nàng lại nghe đồn: bọn người sưu dịch đã lên vùng tây bắc, nên lại đi từ miền sông Hán Thủy đến dãy núi Tần Lĩnh về hướng tây, đoạn theo dòng sông Tất Xuyên mà đi thẳng lên phía bắc. Trải qua bao cảnh nắng mưa, sương gió, tuyết, nhưng nàng vẫn không nản lòng. Đến sông Hắc Thủy và bến Mã Lan, bị bùn lầy quá nhiều làm chậm bước tiến. Nàng lại men theo mé trường thành, thẳng về hướng đông. Hỏi han từng người, nhưng nàng vẫn thất vọng, vì chẳng ai biết được tin chồng của nàng.
Cuối cùng, Mạnh Khương đến một bãi sa mạc ở miền đông. Giữa lúc ấy, bỗng mây đen vần vũ phủ nhuộm u ám cả bầu trời. Gió bắc thổi giật giọng từng cơn vô cùng lạnh lẽo. Ngựa từ đâu lại cất tiếng hí vang những giọng thảm thê bi đát. Trước mặt nàng lại bày ra một đống xương trắng ngổn ngang, ghê rợn.
Trước cảnh tượng, nàng hỏi: "Có lẽ chồng ta đã thác mất rồi mà thác ở đây chăng?" Và, nàng lại, nghĩ thêm: "Có lẽ phần anh linh của chồng báo điềm lạ cho nàng". Nàng bèn khấn vái vong linh của chồng và cầu Hoàng Thiên phò hộ: nếu chồng nàng thác rồi thì xin cho một biểu hiệu để biết. Đoạn, nàng cắn móng tay, nhỏ máu vào những đống xương.
Từ đống xương này cho đến đống xương khác, mãi đến khi nàng nhỏ một giọt máu vào chiếc đầu lâu nọ, thì chiếc đầu lâu lại thấm máu và đỏ rực lên. Nàng hiểu ngay đấy là dấu hiệu Trời cho biết đây là hài cốt của chồng. Nàng liền ôm chầm lấy ngay bộ xương, khóc lóc thê thảm suốt cả ba ngày đêm.
Câu chuyện này thấu đến tai thái tử Phò Tô, con trưởng của Tần Thủy Hoàng và đại tướng Mông Điềm, lúc bấy giờ đương đóng đại bản doanh tại đất Lư Long, một ải quan trong tỉnh Hà Bắc ngày nay. Rồi cả hai cấp tốc sai người đánh xe đến Trác Lộc, chỗ của nàng Mạnh Khương đương khóc. Thái tử Phò Tô gọi nàng hỏi chuyện và tìm hiểu căn do nỗi oan ức của nàng. Nàng bây giờ đã kiệt sức, phều phào thưa:
- Vì chồng tôi đã chết nơi biên thùy, tôi cũng xin chết theo để được cùng nhau họp mặt ở suối vàng!
Nói xong, nàng nghẹn ngào, hấp hối, ngã quỵ rồi tắt thở. Đồng thời một dãy tường mới xây sụp đổ theo!
Nghe chuyện bi thảm và xem cảnh hãi hùng, hai người nao nao cảm động. Cả đến tướng sĩ và dân phu đều thương xót mà rưng rưng nước mắt.
Thái tử Phò Tô hạ lịnh hành lễ mai táng. Lễ truy tặng phẩm hàm Tả Tướng quân cho Phạm Thực và truy phong tước hiệu Trinh Phu Nhân cho Mạnh Khương. Phò Tô truyền chôn hai cỗ săng vào một cánh cửa Sơ Hải quan chừng 8 dặm, cách ven Bột Hải chừng một dặm (dặm: 576m).
Thấy việc hiển linh lạ lùng, người ta lập gần nơi nầy một miếu đá gọi là "Khương Nữ Tử". Đời sau, tại Cổ Bắc khẩu, tỉnh Hà Bắc và ở Lộ An, tỉnh Sơn Tây, người ta cũng có dựng miếu đặt cùng một tên ấy. Vì sùng mộ nhân đức của nàng, những bá tính xa gần thường đến chiêm bái.
Đời nhà Tây Hán (206-25), nhà Đông Hán (25 trước D.L.-220 sau D.L.), nhà Ngụy (220-265), mộ nàng Mạnh Khương được triều đình lập cho nhiều bia đá. Sang đời nhà Minh (1368-1644), miếu của nàng được trùng tu vẻ vang.

Truyện Hằng Nga và Hậu Nghệ Cưỡi rồng, bói phượng Đằng Vương Các Tự Khúc đàn Thủy Tiên Để thiếp theo chồng mấy dặm khơi Đồng Tước Đài Chức cẩm hồi văn Vành ngoài, vành trong Vạn lý tìm chồng Khúc phượng cầu hoàng Củi đậu đun hột đậu Bi ca tán Sở Động Bích Đào Gấm nàng Ban Đông sàng với thiếp Lan Đình Khúc trường tương tư Giảo thố tam quật Đổi mỹ nhân lấy ngựa Trường môn phú Trúc mai Lão tiều phu hay con hạc đen Hà Đông sư tử Lá thắm đưa duyên Lam Kiều Đào yêu Động Đào Nguyên Mười bài thơ đoạn trường Khúc Hậu Đình Hoa Gương vỡ lại lành Giấm chua Cái "gia gia" Hồ Than Thở Nghiêng nước nghiêng thành Khúc Nghê Thường Vũ Y Trao tơ, gieo cầu Núi Vọng Phu Trống cơm Kê Khang này khúc Quảng Lăng… Con "Quốc quốc" Khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan Trường Hận Ca Hoa đào năm ngoái … Tiếng đàn tri âm Liễu Chương Đài Tuyệt Diệu Hảo Từ Nam Tào, Bắc Đẩu Bách bộ xuyên dương Chắp cánh, liền cành Gậy rút đất Kết cỏ ngậm vành Lá gió, cành chim Nàng Ban, ả Tạ Mã đầu cầm Tiết phụ ngâm Bình Nguyên Quân Thấy nhàn luống tưởng thư phong Sát thê cầu tướng Cử án tề mi Tết Hàn Thực Giấc Nam Kha Ngàn dâu Giảm bếp, tăng bếp Thao lược Tết Trung Thu Mật lịnh trong nhưn bánh Trung Thu Tết Đoan Dương Tết Trùng Cửu Lầu Xanh và Thần Mày Trắng Can Tương, Mạc Gia Giấc Vu Sơn Xích Thằng, Nguyệt Lão Duyên nợ ba sinh Loan giao Bát trân, thập trân Xe dê Khắc lậu Nằm gai, nếm mật Điểu tận cung tàng Không vào hang hùm sao bắt được cọp con Quyển tiểu thuyết tẩm thuốc độc Bức họa Dương Quí Phi tắm suối Cỏ Ngu Mỹ Nhân Tri kỷ Hấp tinh đạo khí Cỏ đỏ trên mộ Chiêu Quân Bạo chúa xem quỳnh hoa Đàn ông làm hoàng hậu, trai đẹp làm cung nga Giang thần trảo trảo Nợ như chúa Chổm Tục uống máu ăn thề Thiến gà, thiến heo Hoạn quan không bị hoạn Thượng thư lỗ chó Tiền Xích Bích Phú Một bộ sử loài người rút ngắn thành một câu Mây Tần, mây Hàng... Áo gấm mặc đêm Ngọc Hoàn Dương Quí Phi Ngọc Hoàn Dương Quí Phi Tư Mã Thiên, một sử gia danh tiếng bị cung hình Mười viên "Xuân Khiết Cao" Chu Công thổ bộ Liệt nữ họ Lý thành Giang Du Tung Hoành Gia Bán kiên cung kiếm nhứt trạo giang sơn... Đêm Lệ Chi Viên Kẻ được khen bị tội, người bị chê được thưởng Sa nang ủng thủy Đạo binh 80 mỹ nhân phá tan nước Lỗ Bối thủy trận Tiêu Lang Người chặt cây quế trong cung trăng Mỹ nhân cười người què bị chém đầu Loạn Kiêu Binh Tào Tháo thèm kỹ nữ Chim Việt, ngựa Hồ Lễ hôn Hỏa ngưu trận Tam bành, lục tặc Suối vàng hay chín suối Suối vàng hay chín suối Cơm Phiếu mẫu, trôn Ác Thiểu Mấy cành Dương Quan Đuốc hoa, hoa đèn Ma Rồng gặp Trâu Bồ Tát Tái ông thất mã Ngọc tỉnh liên phú Ngôn quá kỳ hành Lễ tang Thôi xao Tựa cửa, tựa cổng Tứ Thư Ngũ Kinh Lợn người Tây Thi, Trịnh Đán Nữ Trượng Phu Hát Quan Họ Điêu Thuyền với kế liên hoàn Hát Trống Quân Tuyệt Anh Hội Đào Hoa Phu Nhân Mắt xanh, mắt trắng Ninh Thích, người chăn trâu ở Dao Sơn Thanh Minh trong tiết tháng ba