Như tiêu đề đã nêu trên, phần lớn của tập bút ký này là viết về người tù, về cảnh tù, về những người thê thảm và cảnh đời tan vỡ. Trong những đoạn đã viết qua, tôi trình bày đủ một vài khía cạnh chính yếu về tù nhân Việt Nam Cộng Hòa do phía Cộng sản bắt giữ, những người tù thảm hại nhất của chế độ tù tội nhân loại. Những người tù bị ngụy danh, bị sỉ nhục, bị tước đoạt hết giá trị con người cùng quyền hạn, khả năng thực hiện thực đời sống. Cộng sản đã không gọi họ qua danh từ thông thường. Tù nhân (dù đã là từ ngữ đen tối, thấp kém đau đớn nhất), nhưng họ bị chụp bởi những chiếc mũ: Giặc, ngụy, hoặc phản nghịch. Các trại tù lại được ngụy danh thành trại sản xuất, trại cải tạo, tù nhân được chia thành đội ngũ để xẻ núi, làm đường, trồng ngô, trồng sắn để sản xuất, tự lực cánh sinh... Trả nợ nhân dân!! Người tù Việt Nam Cộng Hòa không được yên thân trong thế giới đọa đày riêng, họ phải phấn đấu qua mỗi giờ, mỗi phút, làm sao có được bát cơm hẩm, giọt nước muối để được sống. Phải, tất cả sức lực tinh thần, vật chất chỉ được hướng vào một mục đích: Sống còn. Nhưng chính vì trong đời sống thụ động đau đớn kinh hoàng này, người tù Việt Nam Cộng Hòa khi được trao trả, trở về trong phần đất quốc gia, đời sống tù tội, giấc mơ ác liệt tưởng như trong địa ngục hoàn toàn chấm dứt, họ bắt đầu một đời sống mới, đời sống tưởng chừng như đã hủy diệt bất phục hồi. Được trao trả đồng nghĩa trở về địa đàng trần thế và quên thật nhanh, quên thật hết tháng qua, ngày trước, giờ phút trước khi điểm danh trao trả để đi như chạy, bò bằng tay lẫn chân vào lòng của chiếc trực thăng để bay cao, trở về và không bao giờ nhớ lại Đã một lần bị người cộng sản giam giư.õ Đã một lần sờ tận tay nỗi chết. Bài viết này không đề cập đến những “người sung sướng” tội nghiệp đó, tôi muốn nói đến lớp tù đối phương, tù Cộng sản do quân đội, chính phủ Việt Nam Cộng Hòa bắt giữ và trao trả về cho đối phương; những người tù bị bắt khi tay đang giữ vũ khí ở chiến trường hoặc là những cán bộ nội thành bị phát giác đầy đủ tang vật và tài liệu. Cần nói rõ hơn một khẳng định, tôi sẽ không viết những lời tán dương chế độ giam giữ của chính phủ VNCH, một chủ đề mà cuốn sách không dự liệu, cũng như rất đối nghịch cùng lương tâm người viết: Người kinh sợ cảnh tù trên tất cả mọi sợ hãi. Bài viết sẽ cố gắng trình bày đủ đoạn trường tù tội mà kẻ tù nhân kia bắt buộc phải triệt để chấp hành, bắt đầu từ khi hắn tự đưa tay đầu hàng trước một mũi súng trên chiến địa hoặc đặt tay vào chiếc còng của nhân viên công lực VNCH. Như đã nhiều lần nhấn mạnh, người Cộng sản không bao giờ bỏ lỡ cuộc đấu tranh trong bất kỳ hoàn cảnh, cơ hội hoặc giai đoạn ngắn ngủi nào... Không có vấn đề nghỉ ngơi, không có đời sống riêng rẽ, hoàn cảnh độc lập. Đã dự vào cuộc đấu tranh do Đảng “đề xuất” và lãnh đạo có nghĩa đã dự vào một cuộc đua liên tục, đua không ngừng, không nghỉ, cho đến phút chót khi thiên đường Cộng sản hoàn toàn thực hiện. Đó là trên lý thuyết, trên cơ sở chủ nghiã, riêng trong giai đoạn hiện tại, sau bước đường chống Mỹ cứu nước nay đã đến bước “Đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ, nghiêm chỉnh thi hành Hiệp Định Pa-ri...”; người tù Cộng sản lại phải luôn luôn học tập, phải đả thông vấn đề, phải chấp hành nghiêm chỉnh mệnh lệnh Đảng ngay trong cảnh tù tội, để đến khi được trao trả thì đã nắm đủ các yếu tố phát động thế đấu tranh mới. Sau khi đưa tay lên đầu hàng ở chiến trận, người tù quân sự Cộng sản được cơ quan an ninh của đơn vị bắt giữ khai thác tại chỗ để phân loại và cung cấp các hoạt động liên quan đến trận liệt. Thường thường các cuộc thẩm vấn được tiến hành cấp tốc vì những đơn vị tác chiến thuộc Quân lực Việt Nam Cộng Hòa không đủ nhân viên chuyên môn để khai thác tù binh, họ chỉ ghi nhận vài yếu tố lý lịch, đơn vị của người tù, xong giải giao ngay đến các cơ quan lưu giữ tạm thời như Bộ Chỉ huy Trung đoàn, Bộ Tư lệnh Tiền phương của Sư đoàn mà đơn vị đó trực thuộc hoặc thuộc dụng hành quân. Tại những nơi này dù có đủ thì giờ rộng rãi hơn cũng như có chuyên viên thẩm vấn, các cuộc hỏi cung cũng chỉ có mục đích xét hỏi người tù binh những tin tức liên quan đến tình hình mặt trận mà anh ta vừa tham dự, một số chi tiết về tên họ, đơn vị trực thuộc, từ đâu xâm nhập vào trận địa, ý định điều quân của đơn vị này trong thời gian sắp tới... Người tù binh tiếp tục được giải giao đến các Trung Tâm Tù Binh chiến tranh. Sự tranh đấu, nếu được gọi là như thế, giữa tù binh và cơ quan giam giữ quân đội Việt Nam Cộng Hòa không được cấu thành, cũng không bao giờ thực sự cần thiết. Cơ quan có nhiệm vụ chính thức giam giữ tù binh quân sự là binh chủng Quân Cảnh mà tư thế và nhiệm vụ rất cụ thể và hạn chế: Quản trị, điều hành và lưu giữ tù binh. Không có vấn đề phải khai thác, tuyên truyền chính trị, nên tương quan này không dẫn đến những xung đột nghiêm trọng, những đầy ải ác nghiệt như người Cộng sản luôn luôn tuyên truyền, xuyên tạc. Nhưng chính trong những chốn lưu giữ này, người tù binh Cộng sản phải bắt đầu tham gia vào một cuộc tranh đấu kinh hồn quyết liệt mà kết quả độc nhất là sự chết, do những bạn tù thi hành, hoặc tiếp tục giữ vững lập trường Cộng sản không mệt mỏi, không suy giảm để chấp hành đứng đắn mọi chỉ thị do những người đại diện của họ ra lệnh. Cuộc đấu tranh nguy nan giữa những người cùng chiến tuyến bắt đầu trong nhà tù Việt Nam Cộng Hòa. Đến đây, cần mở rộng vấn đề qua một phạm vi khác để soi sáng yếu tố những người tù cộng sản ở các trại giam: Những hồi chánh viên. Hồi chánh viên là những người tự nguyện buông súng, rời bỏ hàng ngũ cộng sản trở về phía Việt Nam Cộng Hòa trong tất cả mọi hoàn cảnh, ở khắp nơi trên chiến trường; cũng có thể gọi là hồi chánh dù trong lúc giao tranh nếu người lính cộng sản có thái độ tích cực sau khi buông súng về cùng các đơn vị quân đội cộng hòa. Sự thật, đã có những người hồi chánh vì “thế kẹt”, khi đơn vị anh tan rã, rút đi, hoặc đôi khi vì bị bao vây, tấn công quá dồn dập. Nhưng dù có buông súng trong tình huống tiêu cực đó, nếu anh ta tự nguyện cung cấp tin tức, chỉ điểm nơi chôn dấu vũ khí và xin được hồi chánh thì anh ta vẫn được đưa về các Trung Tâm Chiêu Hồi, chứ không là các trại tù như trên đã nói. Những người hồi chánh tự nguyện hay ở vào thế kẹt như vừa trình bày, chỉ là những người hồi chánh “bình thường”, những người hồi chánh trong bình yên. Có một loại hồi chánh viên khác, hồi chánh ngay trong trại tù, mới là những người hồi chánh thượng hạng, những người đã vượt qua biên giới cái chết trong đường cơ kẽ tóc. Như trên đã nói, người tù binh Cộng sản ngay khi nhập trại đã phải chịu một cuộc thẩm vấn gắt gao do đại diện tù nhân cộng sản thực hiện. Anh ta phải khai rõ lý lịch, không phải chỉ một vài chi tiết của tên tuổi, tên cha mẹ, bạn bè, đơn vị, nghề nghiệp, sở thích... Không phải khai một lần, nhưng năm lần bảy lượt bởi một cuộc thẩm vấn tinh vi kinh khiếp: Mục đích của cuộc tra hỏi này là để nhóm đại diện tù binh cộng sản phát giác ra ngay những “ngụy hồi”, tức là những hồi chánh viên mà cơ quan giam giữ Việt Nam Cộng Hòa gài vào đám tù binh cộng sản để dò chừng phản ứng, âm mưu của đám tù binh cộng sản. Cuộc tra hỏi cũng nhằm xem thành phần, tinh thần của người tù để sắp xếp anh ta vào những công tác, nhiệm vụ do ban đại diện đề cử. Cuộc tra hỏi dằng dai khít khao này cũng giám định lại tinh thần của người cán binh cộng sản, xem anh ta vì thụ động, tiêu cực nên đầu hàng quân đội Cộng hòa hay anh ta đã hết sức chiến đấu nhưng bởi kiệt lực bắt buộc. Tóm lại, sau giai đoạn thẩm vấn, người tù binh Cộng sản mới được xác định, xếp loại do chính đồng bạn tù quyết định. Nếu anh ta là một hồi chánh viên được gài vào, nếu anh ta là một chiến sĩ có tinh thần sút kém, chiến đấu tiêu cực. Số mệnh anh đã hoàn toàn được định đoạt: Chết. Chỉ có một giải pháp, một giải pháp độc nhất, cuối cùng. Dùng đũa đâm từ tai này qua tai kia, lột da đầu, cắt cổ, bóp cổ. Cực hình sẽ được thực hiện giữa đám tù để dằn mặt, cảnh cáo những người sa sút tinh thần, ngã lòng, muốn bỏ cuộc. Các tù binh Cộng sản được ban đại diện của họ chia vào từng tiểu tổ sinh hoạt, công tác chung với nhau, người này kiểm soát, canh chừng người kia để khi phát hiện một dấu hiệu ngã lòng, ý hướng mệt mỏi, muốn xin hồi chánh, làm việc cho ban giám đốc trại VNCH, thì báo động ngay đến ban đại diện tù trong khu của mình. Kẻ bị nghi ngờ sẽ bị hành hình không chút nương tay. Trong tình huống kinh khiếp nghặt nghèo này, người tù binh Cộng sản luôn luôn đề cao cảnh giác, phải luôn luôn biểu lộ lòng tin vào lập trường của Đảng, luôn luôn giữ vững ý chí cách mạng thực hiện công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước dưới sự lãnh đạo của Bác và Đảng. Họ phải kiên định lập trường, học tập tài liệu từ ngoài chuyển vào để luôn nắm vững tình hình, hướng nỗ lực tranh đấu vào mục tiêu do Đảng chỉ định. Để thực hiện công tác gắt gao này, phía Cộng sản đã không ngần ngại chỉ định những chính trị viên cốt cán, giả hàng ở trận địa rồi tìm đủ mọi phương cách làm sao chuyển được tới trại (mà họ được chỉ thị công tác)... Ví dụ như trong cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân, cán bộ thuộc Trung đoàn Quyết Thắng (Trung đoàn đánh vùng Cây Thị, Gia Định) bị mất tinh thần trầm trọng... Bộ chỉ huy Ba Cục (R) thấy cần phải giữ vững tinh thần đám tù binh thuộc đơn vị này, đã điều động một số chính trị viên giả đầu hàng Quân đội Việt Nam Cộng Hòa ở một mặt trận nào đó thuộc vùng Bình Dương, Tây Ninh... Nhóm tù binh chính trị viên này sau đó đã được tập trung vào một trại tù như Tam Hiệp (Biên Hòa)... Ví dụ như sau khi móc nối với các đại diện tù và biết được đám tù của Trung đoàn Quyết Thắng đã chuyển đi một nơi nào ở Phú Quốc thì họ sẽ chủ tâm tỏ ra vô kỹ luật, phá hoại, để ban giám đốc trại trừng trị, khiển phạt và cuối cùng bị (được) chuyển đi Phú Quốc. Nơi đây, nếu được chuyển đến một khu không có người của Trung đoàn Quyết Thắng kia thì họ sẽ tiếp tục dùng mọi biện pháp để làm sao cuối cùng chuyển đến tại nơi có “mục tiêu” được chỉ định... Trong kìm kẹp gắt gao do đề phòng hiểm độc của các chiến hữu mình, người tù binh Cộng sản bị muôn ngàn hiểm nguy thường trực đe dọa... Không tỏ vẻ căm thù nhân viên quân cảnh có nhiệm vụ đưa cơm tới, không giác ngộ về “hiện tình thối nát của chính phủ VNCH”, hoài nghi về thành quả giải phóng 3/4 đất, 4/5 dân ở miền Nam, tiếng thở dài nhỏ trong đêm tối... Tất cả đã là nguyên do gây nên cái chết tức khắc. Một tù binh được ban giám đốc trại gọi lên hỏi chi tiết của nơi sinh. Nếu được trả về trại an lành, anh ta chắc đã nắm đưọc đầu giây của cái chết do chính bạn bè anh thực hiện. Thế nên, một người tù trong hoàn cảnh này mà xin được hồi chánh để trở nên hồi chánh viên thì quả tình là một hồi chánh viên thượng thặng, hữu hạng, một ngườiđã vượt mặt tử thần. Sự kiện này trình bày đủ thực trạng bi thảm về người tù binh Cộng sản. Trong trại giam, ngoài lớp cán binh trẻ cuồng tín của các sư đoàn chính qui Bắc Việt, còn có những tù binh thuộc các lực lượng địa phương miền Nam, những du kích xã, huyện. Bên cạnh đoàn tù binh sắt máu luôn tin vào tiền đồ cách mạng, nuôi dưỡng căm hờn chế độ, chính phủ Cộng hòa, có những tù nhân bất đắc dĩ, những chiến sĩ cách mạng lỡ thời, vốn chỉ là một nông dân kẹt ở vùng “giải phóng”, hoặc ở các vùng xôi đậu bị kéo vào bưng học tập, đi du kích. Thoạt tiên, họ được “động viên” đi dân công, sau tham gia các công tác phá hoại, tiếp theo do được bình nghị là đã “giác ngộ” tham gia công tác tốt, anh ta trở thành du kích xã, du kích huyện, đôn lên thành bộ đội chủ lực tỉnh. Gặp lúc có chiến dịch lớn như Bình Giả (1964) Đồng Xoài (1965)... Các đơn vị chủ lực Miền bị thiếu sót quân số trầm trọng, du kích xã, huyện theo lệnh của Trung Ương Cục được tập trung về khu C (Tây Ninh, Bình Long) để bổ xung vào các Trung đoàn thuộc các Công Trường 5, 7, 9... Tính chất “cách mạng vô sản” nơi người du kích miền Nam này, ngay cả những cán bộ hồi kết (Gốc miền Nam tập kết ra Bắc năm 1954 và trở về Nam trong những năm 1959, 1960 hoặc sau) rất khác xa với đám cán binh trên dưới hai mươi tuổi thuộc các sư đoàn Bắc Việt xâm nhập. Đám sau này tích cực hơn, cuồng tín, mê say một cách mù quáng và khắc nghiệt, hoàn toàn tin vào mệnh lệnh đường lối Đảng, lời Bác dạy. Nếu có một số ngã lòng vì cực khổ trên đường xâm nhập hoặc thấy rõ hiện tình miền Nam, thấy rõ thành quả giải phóng của cách mạng miền Nam, thường hồi chánh ngay trong thời gian đầu... Số còn lại, nếu đã thử sức đủ trên đường đi, hiện tình miền Nam vẫn chưa làm hắn ta “giác ngộ”, thì lòng cuồng tín càng tăng thêm cường độ. Thế nên, trong ý hướng cực đoan này, những cán binh có ý định hồi chánh là thành phần cần phải tiêu hủy đầu tiên và tối đa đối với những cốt cán nầy. Bị vây bọc bởi đám tù cuồng tín trên, một cán binh có ý định hồi chánh ở trại tù tức đã dự cuộc đua với tử thần trong gang tấc sít sao. Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa trước giai đoạn thành lập danh sách cuối cùng để chuyển giao về phía cộng sản tất cả cán binh bị giam giữ theo Hiệp Định Ba Lê, đã phát động một chiến dịch gọi là phong trào Tân Sinh Hoạt trong tất cả mọi trại giam tù binh Cộng sản, mục đích phong trào này trên bề mặt là huấn nghệ, giúp điều kiện để tù binh có việc làm trong những ngày giam giữ, nhưng thực chất là tạo môi trường giáo dục tù binh để họ nhận định đúng hiện trạng miền Nam, tiến đến chọn lựa cuối cùng giữa hai ý hệ Cộng Sản và Tự Do. Phong trào đã thành công lớn lao, hơn 10.000 tù binh hồi chánh trong dịp tết Quý Sửu (72-73) trước khi danh sách trao trả cuối cùng chuyển đến phái đoàn Mặt Trận Giải Phóng tại Hội Nghị Ba Lê. Số lượng 10.000 người tuy lớn so với gần 30.000 mà Việt Nam Cộng Sản dự trù trao trả, nhưng thật sự con số kia chắc chắn sẽ gấp đôi nếu tù nhân được hoàn toàn tự do chọn lựa chế độ trước khi trao trả, hoặc họ rõ được thủ tục phát biểu nguyện vọng và quyền phát biểu tại địa điểm trao trả. Trường hợp các tù binh Thạch Phen trao trả Lộc Ninh ngày 14 tháng 2-73 và Hồ Văn Công ở Quảng Trị ngày 17-3-1973 là điển hình về cảnh bi thảm lặng lẽ mà người cán binh Cộng sản gốc miền Nam phải chịu đựng trong cô đơn và nguy biến riêng mình. Thạch Phen, người Việt gốc Miên, anh bị lôi kéo vào Mặt Trận không cưỡng lại được vì cư trú trong vùng bản lề giữa mật khu Cộng sản trên đất Miên với vùng VNCH ở Châu Đốc. Ngày 11-2-1973 anh đưọc đưa đến Lộc Ninh để trao trả. Từ trực thăng bước xuống, anh kinh hoàng nhìn khung cảnh địa điểm trao trả, lớp nhà lá gồi, dãy cờ đỏ, rừng khẩu hiệu khắc nghiệt, đám cán bộ tiếp rước mặt xanh tím, tròng mắt võ vàng đầy thù nghịch dò xét. Những nụ cười vồn vã máy móc của những chiếc mồm xấu xí không làm anh yên tâm, thêm nữa, tiếng hát vang vang tiết điệu Trung Hoa dội lên từ dãy loa phát thanh làm anh bối rối kinh ngạc... Tuy đã cầm súng chiến đấu trong hàng ngũ những người Cộng sản, nhưng hôm nay, anh được đưa đến một nơi quá xa lạ, lớp rừng cao su xanh ngắt ôm kín những khu đồi đất đỏ, đám cán bộ đồng phục xanh với những cặp mắt vàng chạch vì sốt rét, nụ cười vô hồn, không cảm giác kéo lên, đóng xuống từng chập để lộ nguyên hình tính cách tra hỏi cay nghiệt. Thạch Phen chưa từng bao giờ ở cùng những chiến hữu nguy hiểm với cảnh núi rừng thâm u đầy đe dọa này. Tội nghiệp và đơn độc hơn nữa, tù cùng toán toàn là người Bắc, họ hân hoan biểu lộ sự thù hận, niềm tin sắt đá vào thành trì cách mạng bằng nắm chặt tay tung hô khẩu hiệu, câu hát. Thạch Phen hoàn toàn xa lạ trong không khí gớm ghê đầy đe dọa này... Anh lùi dần, lùi dần xuống cuối toán và chạy về phía mấy sĩ quan quân cảnh (có nhiệm vụ tải áp tù từ Phú Quốc đến Lộc Ninh) để xin hồi chánh. Đại úy Lộc, trưởng toán Liên Hợp Quân Sự Việt Nam Cộng Hòa thông báo sự kiện đến ba thành viên Mặt Trận Giải Phóng, Bắc Việt và Mỹ cùng Ủy ban Quốc tế để hợp thức hóa trường hợp hồi chánh của Thạch Phen. Nhưng hai viên sĩ quan của Mặt Trận Bắc Việt không chịu, nại cớ anh Phen đã hồi chánh không đúng thủ tục (Nghĩa là không phát biểu ý kiến của mình khi điểm danh trao trả. Cần nhắc lại một điểm, thời gian này chưa có thủ tục trao trả). Hai anh Hung và Ba Lan trong Ủy ban Quốc tế được “mớm”ý kiến trên, đồng phát biểu: Không giám sát trường hợp hồi chánh của Thạch Phen vì không đúng thủ tục trao trả!! Cuối cùng, vì để có một cách thức giải quyết mẫu cho những lần trao trả sau, Quân cảnh Việt Nam Cộng Hòa hộ tống Phen đến lều trao trả để phát biểu ý kiến, nhưng đám tù binh cùng toán của Phen nhào đến cướp Phen và hành hung quân cảnh; không thể làm sao chống cự nổi với đám tù, hơn nữa, nếu giành giật quá độ, đám tù có thể đánh chết Phen... Quân cảnh VNCH buộc lòng phải thả Phen ra. Hai thành viên Hung và Ba Lan đuợc yêu cầu can thiệp và chứng nhận sự kiện xảy ra, một lần nữa lại tuyên bố: Anh Phen chưa được điểm danh, nghĩa là chưa đưọc trao trả, họ không có trách nhiệm gì ngoài việc giám sát cuộc trao trả tại lều trao trả (?!!). Thạch Phen bị kéo đi một lát sau trở lại, với mặt mũi vỡ nát... “Chính quyền địa phương” Mặt Trận Giải Phóng tại Lộc Ninh yêu cầu có cuộc họp với đầy đủ bốn thành viên của Ủy Ban Quốc Tế để anh Phen phát biểu ý kiến trong “hoàn toàn tự do”... Và cuối cùng, thay vì nói muốn được hồi chánh, Phen phát biểu: “Việt Nam Cộng Hòa “gài” anh ta làm hồi chánh viên, nhưng bây giờ “giác ngộ” nên tự ý xin về phía Chính Phủ Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam VN!! Hai thành viên Hung và Ba Lan ghi nhận sự kiện trung thực: Anh Phen đã nói lên nguyện vọng của mình trong tự do!! Trường hợp của Hồ Văn Công thì khả quan hơn. Công thuộc toán thứ nhất để trao trả trong ngày 17-3-1973 tại Quảng Trị. Cũng như Thạch Phen, Công là du kích thuộc xã Phụng Hiệp Cần Thơ, bị quân đội VNCH bắt trong một cuộc tuần tiểu. Với bản chất thẳng thắn, đơn giản của người miền Nam, Công tham gia vào cuộc chiến đấu võ trang trong hàng ngũ cộng sản hoàn toàn do hoàn cảnh ép buộc, một sự góp mặt trung tính vì không thể sống độc lập giữa hai chế độ đối nghịch. Công đến bờ sông Thạch Hãn, nhìn về phía bờ đối diện, ngọn cờ đỏ ngôi sao vàng cùng tất cả im lặng nặng nề của một khối tổ chức chặt chẻ vô nhân tính vang vang khúc hát gợi căm thù. Công chùng bước... Đây là đâu? Phải chăng là bờ Bến Hải? Bến Hải - Cần Thơ khoảng cách ngút ngàn, suốt đời anh bao không bao giờ ý niệm đến... Nước Việt Nam là một, Tổ quốc Việt Nam là một, chúng ta có thể đến bất cứ đâu, tác chiến bất cứ nơi đâu... Viên bí thư xã đã nhiều lần nói như thế; cán bộ đại diện tù nhân cũng đã giải thích, thông báo hơn tháng trước: Chúng ta sẽ được trao trả tại Quảng Trị, ở đấy sẽ “tiếp thu” chúng ta, sau đó tùy nhu cầu thực tế, chúng ta sẽ được phân phối vào các cơ quan khác nhau, có nhiều nhiệm vụ khác nhau. Quảng Trị, một tỉnh Công không bao giờ nghe tên. Đây là Quảng Trị, sông này là sông Bến Hải (!?), trao trả xong họ mang mình thẳng về Bắc luôn!! Công co rúm người khi bước chân lần xuống thuyền để qua sông, Công liếc qua tái, qua phải, hai hàng lính Thủy quân Lục chiến, Nhảy Dù với những bộ đồ rằn ri rất quen thuộc và ngay cả lá cờ vàng ba sọc đỏ này nữa... Dù anh đã một lần chiến đấu chống lại. Đám lính Cộng hòa với cách thức phát âm, dáng điệu phóng khoáng kia vẫn quen thuộc, thân mật gần gũi với Công hơn là đám tù binh mặt nặng căm hờn đang to nhỏ với nhau, hoan hô đả đảo... Lá cờ Việt Nam Cộng Hòa - Công đã quen thuộc từ bao lâu, kể từ ngày anh lớn lên, đi qua đồn nghĩa quân, đi qua trụ sở hành chánh xã Phụng Hiệp. Công nổi gai khi nghĩ tới cảnh trời nơi đất Bắc xa xôi, nơi anh sẽ đến và không có ngày trở về làng xưa cuối miền Nam... Anh bước chân xuống thuyền, thuyền tròng trành, đám lính Thủy quân Lục chiến đứng trên bờ cười nói vang vang, tiếng cười, giọng nói miền Nam yêu quí... Thuyền nổ máy hướng mũi về phía bờ Bắc nơi có lá cờ đỏ... Công quyết định, anh đứng dậy trên lòng thuyền, một bàn tay nào đó muốn vít cổ anh xuống, Công đưa tay lên gạt mạnh, phóng mình xuống nước... Nước lạnh cóng, Công cố bơi vào bờ, mắt anh mờ ánh nước, tay chân anh giãn ra, anh thả trôi người, chìm xuống... “ Hồi chánh! Hồi chánh... Có người hồi chánh ”. Công loáng thoáng nghe có tiếng người kêu lớn ở trên bờ, nghe tiếng sóng đập mạnh đâu đây trên giòng nước, có cánh tay bế xốc anh lên... Công đưa tay xuống cạp quần nơi có tấm ảnh của vợ con anh ở miền Nam!! Viên Y sĩ Thủy quân Lục chiến chích cho Công mũi thuốc khỏe... Ảnh vợ con tôi đâu? Ảnh vợ con tôi đâu? Đây đây... Công lần mò bàn tay run rẩy trên mép tấm ảnh quen thuộc... Tôi đi qua bờ Thạch Hãn, yêu cầu tổ Ủy ban Quốc tế đến chứng kiến và xác nhận trường hợp anh Công, để hai anh Hung và Ba Lan không thể thoái thác từ chối với lý do anh Công chưa đến địa điểm trao trả (Bờ Bắc sông Thạch Hãn)... Tôi đón trước bằng đề nghị: Vì anh Công đang trên đường đến địa điểm và nhảy xuống nước, hiện tại đang bị kích ngất không thể di chuyển qua sông được, sẵn dịp Ủy ban Quốc tế sẽ về bờ Nam đáp trực thăng đi Gio Linh, tôi yêu cầu họ phải xác nhận trường hợp hồi chánh của anh Công. Nhưng vì tôi cũng chỉ một mình, một miệng, hai toán Liên Hiệp Quân Sự phe Cộng sản xử dụng tối đa nhân lực cùng lớp cán bộ địa phương bao vây ngay hai anh Hung và Ba Lan, cả một lực lượng hơn mười người cùng hai tên thông dịch viên, thay nhau thảo luận, hỏi ý kiến liên tiếp, kèm thêm màn chụp hình, mời uống nước. Hai anh Hung và Ba Lan lại biểu đồng tình trì hoãn chiến để không qua sông chứng kiến tưòng hợp anh Công. Khốn nạn, tôi chỉ kéo được hai anh Gia Nã Đại và Nam Dương về bờ Nam. Trên giòng nước lạnh ngắt, dưới trời mưa bụi tôi đưa mắt nhìn ra xa nghĩ đến cảnh những người trầm mình để được chết tự do. Cao quý và đau đớn thật, hình như rất ít người nghĩ đến yếu tố thực tế này khi vỗ tay mừng Hiệp Định Ba Lê. Cuối cùng, anh Công vẫn được xếp vào hàng ngũ những người hồi chánh, dù thiếu sự chứng kiến của hai thành viên Ba Lan, Hung Gia Lợi. Trường hợp hồi chánh của anh vẫn được ghi nhận qua phái đoàn Nam Dương, phái đoàn Chủ vị Ủy ban Quốc tế của tháng này. Thạch Phen hay Hồ Văn Công là những trường hợp điển hình vì đã bùng vỡ và thực hiện qua hành động, nhưng còn biết bao nhiêu người nữa, những người không thể hồi chánh theo phong trào Tân Sinh Hoạt, những người không thể tách khỏi tay đám tù đồng bọn khi đi trên đường đến địa điểm trao trả. Bao nhiêu người muốn làm động tác như Hồ Văn Công của ngày 17-3-1973, bao nhiêu người muốn đưa tay lên để phát biểu ý kiến, bao nhiêu người lòng ngập bi thương khi bước chân vào địa điểm trao trả để đợi điểm danh trước khi về với... Nhân Dân!! Nhân Dân... Điển hình với hình ảnh phục phịch của một nữ đồng chí “phục vụ” với giọng nói miền Bắc Việt nghe lạ lùng. Bao nhiêu người tù binh tóc đã ngã màu muối tiêu, bước chân lóng cóng, dẫm lên chiếc thuyền để qua sông, ngập ngừng ném chiếc áo nâu dầy ấm áp theo lệnh của “tù trưởng” để lộ làn da nhăn nhúm mệt nhọc dưới làn mưa dầm dề của tiết xuân, lớp da dù được khích động, đù được bơm căm thù vẫn phải co rúm dưới cơn gió rét miền Trung rờn rợn... Tù Binh... Về đâu? Câu hỏi vang lên nghe nhức nhối và tội nghiệp khôn cùng. Chẳng phải vì muốn tăng thêm cường độ cảm xúc trong văn chương nên tôi đã khai triển tối đa tình huống qua hai sự kiện cụ thể, nhưng bởi đã nhận ra thực tế không phải chỉ xảy ra ở bờ sông Thạch Hãn, sân bay Lộc Ninh, nơi rừng cao su Minh Thạnh, bên cạnh lớp tù nhân hùng hổ kéo nhau đi trong khi thế hận thù bốc cao đầy ánh mắt, có một số đông, một số rất đông tù binh Cộng sản bước những bước ngắn e ngại, thẩn thờ... Họ cũng như đám tù binh Hồng Quân đã tự sát tập thể bằng cách lao mình từ toa tầu xuống vực sâu trên đường trở về Nga Sô Viết sau khi Đức đầu hàng Đồng Minh 1945; họ cũng như những tù binh của các chiến dịch Atlante, Castor, được Pháp trả về phía bên kia phía Cách Mạng - Phía Việt Cộng. Thân phụ tôi, người chiến sĩ của Sư Đoàn 308, người chiến sĩ của chiến thắng Điện Biên, người từng bỏ tất cả đời sống bình yên cạnh vợ con để hiến dâng trọn đời mình đến cách mạng, cho dân tộc... Từ trại tù 51 ở Hải Phòng trước ngày Pháp trao trả về cho Quân Đội Nhân Dân đã không cầm lòng, phải viết nên lời: “Anh (ba tôi) bây giờ đã mệt mỏi lắm rồi, anh biết đủ thứ, biết bữa củi, nấu cơm, có thể làm tất cả mọi chuyện, chỉ muốn làm sao đưa em (mẹ tôi) và các con đi xa, đi thật xa, ra khỏi nước Việt Nam này..” Năm 1954, với chiến thắng rực rỡ lớn lao kia, người tù Cộng sản cũng phải nhìn lại đoạn đường mình đã đi qua, đưa mắt hướng về một tương lai ảo tượng để nói lên lời cay đắng, huống gì hôm nay, thời gian của 1973, biên giới của Cộng Sản và Tự Do đã xóa nhòa trong men rượu Mao Đài, được quên đi nơi Công Trường Đỏ khi Nixon cúi mình tưởng niệm anh hùng Sô Viết... Thế nên, người tù binh Cộng sản còn đâu ý chí, còn đâu căm thù đích thực... Và “Chống Mỹ cứu nước” hiện rõ ra một khẩu hiệu không nội dung, không đối tượng khi “bè lũ quân Ngụy ác ôn côn đồ” cũng chỉ là những người lính da vàng âm thầm chịu đựng, khi thành tích cách mạng giải phóng miền Nam thật bày ra lớp thịt da người Việt phủ kín chín cây số của Đại Lộ Kinh Hoàng... Giải Phóng, Tự Do, Dân Tộc, Độc Lập, những danh từ chát chúa vĩ đại một cách phi nhân đã thể hiện đủ tính chất, trò xảo trá to lớn mà người tù binh đã đem đời mình hiến dâng nên thành. Trong nhà tù, nơi địa điểm trao trả, người tù binh thấy lại trước mắt cảnh cơm khô, nước lã miệt mài nơi rừng xanh để xây dựng một thiên đường nhạt thếch... Gia đình, làng xưa, nẻo đường về càng ngày càng mất hút. Tù binh Cộng sản, anh đi về đâu khi ngày sắp hết và đời anh cũng đến lúc kiệt cùng. Còn một điều cần phải nói thêm cho đủ, những người tù dù đã chứng tỏ vững lập trường khi ở giai đoạn giam giữ, cũng phải phát triển căm thù cùng tinh thần chiến đấu ngoan cường ở địa điểm trao trả vì nếu không, sau ly nước trà vồn vã bốc khói, người tù lừng khừng, mệt mỏi, sẽ bị cô lập, tra hỏi, kiểm thảo và hạ tầng công tác ngay hoặc nếu cần thì thủ tiêu... Lớp tù binh được trao trả về theo Hiệp Định Genève 1954 đã chứng tỏ điều này trong những ngày sau 54, những người tù binh của những chiến trường khốc liệt được Pháp trả về đã bị phân tán, đánh tỉa, bỏ rơi và bắt buộc ở vào tình trạng tê liệt cho đến hôm nay, gần hai mươi năm sau ngày trao trả. Để địch quân bắt giữ là một tội phạm. Người Cộng Sản đã quan niệm như thế. Cả một bộ máy tuyên truyền to lớn của họ không đề cập hoặc khai triển rất ít đối với thành phần những người tù vừa được VNCH trả lại. Trong các báo Quân Đội Nhân Dân, Quân Đội Giải Phóng, tin tức về các cuộc trao trả tù binh Cộng sản được loan báo rất sơ sài, một cột, vài ba giòng. Thiếu vắng hoàn toàn cách đề cao, thổi phồng các “anh hùng” bị giam giữ, bên cạnh những anh hùng sản xuất, anh hùng của đội làm cầu Hàm Rồng..v.v... Số phận những tù binh Cộng sản năm 1973 chắc cũng không khác gì những người hai mươi năm trước. Thực tế sau nầy chứng minh mức độ chính xác của lời tiên tri tiên kiến. Người viết gặp lại người tù anh đã trả nơi bờ sông Thạch Hãn năm 1973. Thượng úy Trọng - Trọng “già”, người cùng chung phòng kỹ luật với Phan Nhật Nam (1983) tại Trại 5 Lam Sơn Thanh Hóa. Trọng đã ở tù từ ngày trao trả mười năm trước vì tội “Để quân Ngụy bắt giữ!!!” Đó là số phận của tù Cộng sản chân truyền, dù là người kiên quyết ném cái áo tù binh xuống giòng sông, móc từ hậu môn ra mảnh vải dài khoảng ba tấc ngang bằng ba đốt ngón tay trên ghi giòng chữ “Đả đảo Đế quốc Mỹ” và giữ vững trên đầu từ khi bước xuống thuyền, qua sông, ngồi xuống băng điểm danh. Huống gì loại tù binh mắt lạc thần nhìn lên màu cờ đỏ, não nề không trả lời khi được gọi đến, những người tù tóc bạc, thở dài không che dấu, bước những bước hững hờ, lạnh nhạt giữa hai hàng cán bộ phục dịch tay vỗ vang và ứa tràn miệng cười... Những tù binh quê miền Nam, những tù binh vốn du kích, những tù binh đã gần đến tuổi nghỉ ngơi. Về đâu? Đêm nay ngã lưng xuống nơi đâu, quê hương, gia đình đâu? Ảnh ông Hồ Chí Minh và khẩu hiệu “Không có gì quý hơn Độc Lập Tự Do” cũng chỉ nên hình ảnh nhạt nhòa vô nghiã... Người tù Cộng sản lưng trần, đầu cúi xuống, bước đi ngập ngừng. Đi mãi vào một nơi không bao giờ biết. Không hề biết. Phần những tù binh quân sự đã thê thảm tội nghiệp như thế, huống hồ gì những tù dân sự, những người được gọi là “nhân viên dân sự” của Cộng sản qua định nghĩa của điều 21 (b) Hiệp Định Genève 54: “Nhân viên dân sự là những người đã góp phần vào cuộc đấu tranh vũ trang, chính trị của một bên và bị bên kia giam giữ...” Định nghĩa rộng rãi nhưng vô cùng chặt chẽ đã không làm “lọt” một người nào giữa hai bên miền Nam, tất cả mọi người khi lựa chọn một bên để sống tức là đã lựa chọn một chế độ, hoàn tất một thái độ chính trị và “cuộc góp phần” có thể suy diễn từ thái độ này cũng không sợ nhầm lẫn quá độ. Qua định nghĩa này, tức không còn bóng dáng “thường dân” trong thời chiến, không còn người “dân” thuần túy, độc lập giữa hai thế lực đối kháng Người bị cuốn hút vào không cưỡng chế, phải góp phần tham gia, với một tương quan liên kết về một phe. Không có người làm nghề tự do, không có người buôn bán độc lập mà chỉ có nhân viên dân sự như Nguyễn Văn Tám, bốn mươi ba tuổi từ xã Đông Yên, quận An Biên, tỉnh Rạch Giá làm “gián điệp” cho Tám Cơ ở thị xã Rạch Giá và bị “Chính phủ Lâm Thời” bắt giữ tại địa điểm U Minh trong ngày 2-3-1971.- Tám Cơ là ai?- Dạ ổng ở Rạch Giá...- Tám Cơ bảo anh làm gì?- Dạ bảo làm... gián điệp!!- Làm gián điệp như thế nào? Làm những việc gì?... Nguyễn Văn Tám đứng tròng, đưa mắt nhìn tôi, anh không biết mình đã làm những việc gì có liên quan đến “điệp vụ” nguy nan như từ ngữ đó... Tám Cơ, phải chăng chỉ là một nhân viên tình báo của cuộc Cảnh Sát ở Rạch Giá đã nói với Tám trong một lần nào đó: “Vào trỏng thấy gì là lạ, ra nói lại nghe”. “Vào trỏng là những khu U Minh mịt mùng mà Tám hằng ngày ra vào để làm lúa!! Gián điệp Tám đã phạm tội nặng ngàn cân với tình cảnh một người dân khốn khổ! Gián điệp, tội tử hình dù giữa hai quốc gia có tuyên chiến. Tám phạm tội tất nhiên như Tám đã sống trong đời. Phải chăng làm người Việt Nam trong thời đại tàn khốc này đã là một cái tội?!! Trường hợp của bà Lê Thị Tám thì trái ngược lại, bà Tám năm hai mươi tuổi, tóc khô và người nhăn nhúm, thân thể nhỏ bé quắt queo toát ra một vẻ chịu đựng khốc liệt. Bà Tám mở đôi mắt vàng đục, nhướng những lằn mí mắt sùm sụp, cất giọng phiền não...- Tui tên Tám, năm mươi hai tuổi ở làng La Chữ ngoài Huế.- Bà phải nói đủ nơi sinh, gồm có xã, huyện, tỉnh... Viên Thiếu tá Mặt Trận có nhiệm vụ hỏi ý kiến bà già cũng não nề trước tình trạng mệt mỏi này.- Hỉ? Chi?!!- Bà nói cho tôi biết huyện nào?- Thì tui “noái” rồi đó, tui ngoài La Chữ, Thừa Thiên...- Bà bị phía Việt Nam Cộng Hòa bắt vì tội gì?- Răng biết?!- Bà không biết lý do bị bắt thì tại sao bây giờ lại xin ở lại.- Theo “bộ đội” thì biết khi mô về lại ngoài nớ, tui xin về nhà thôi, không được thì ở tù lại cũng được!! Đến đây, tôi lại phải chen vào chứ để cho viên thiếu tá này vặn vẹo một hồi, bà Tám nói lung tung thì... vỡ mặt. Tôi can thiệp nhưng lòng cũng không có niềm hứng khởi đấu tranh... Vì đấu tranh ở đâu khi lôi kéo người đàn bà này về phía quốc gia, với tầng lớp nhân dân mệt mỏi vô tình này! Tôi cắt ngang lời phát biểu và các câu hỏi để đặt câu hỏi dứt khoát:- Bây giờ bà đi theo bên Chính Phủ Lâm Thời hay là phía Việt Nam Cộng Hòa?- Tui ở lại.- Xong, cám ơn bà, bà theo quân cảnh để ra đợi trực thăng về lại Biên Hòa. Viên Thiếu tá Mặt Trận giở nón lấy khăn lau đầu, có những sợi tóc bạc đẫm mồ hôi. Dù là người Cộng sản chắc y cũng thoáng rã rời. Bà Tám loắt choắt bước theo người quân cảnh, hai bàn chân nhỏ bước thoăn thoắt, nắng rọi sáng trên đám tóc khô rối. Người đàn bà tội nghiệp này làm sao biết mình vừa lựa chọn một chế độ, vừa phân biệt và quyết định giữa hai đối lực chính trị Quốc Gia - Cộng Sản. Bà đã sống tình cờ nơi làng La Chữ, Hương Trà, Thừa Thiên, hàng ngày vào mạn núi phía tây quốc lộ 1 vùng Nam Hòa (Huế) kiếm củi, có người chận lại đưa cho gói giấy, bảo khi trở về thì rải gói giấy này trên quốc lộ. Người lạ cũng gởi bà mua thuốc lá, xà phòng với giá cao. Gánh củi trở thành phương tiện mua bán thứ yếu, cách buôn bán trên trở nên nguồn lợi chính. Bà Tám rốt cuộc bị ủy viên an ninh xã khám phá và giam giữ!!. Bà khai thật tình số thuốc lá đã bán, số lời thâu được. Bà cũng rất thành thật nói rằng, sau này khi biết mấy người kia là “bộ đội” thì có hỏi tin tức về chồng bà đã đi vào phía núi này từ năm 1952, 53... Liên quan giữa bà Tám với “bộ đội” quả rất phù hợp với định nghĩa của điều 21(b) - Điều khoản được hoàn tất từ những đầu óc nhiều kinh nghiệm, nhiều kiến văn. Lẽ tất nhiên không bao giờ nhầm lẫn, sơ sót. Buôn bán tức là có tương quan kinh tế và vong thân chính trị là gì nếu không phát xuất từ cơ sở kinh tế. Cuộc tranh chấp lớn hiện nay giữa Cộng Sản và Tư Bản cũng chỉ là hệ quả của sự chống đối tử chiến giữa hai lực kinh tế đối nghịch, Tư Bản - Vô Sản. Vậy bà Tám đã hiện thực một “tương quan kinh tế” tức là dự phần vào cuộc đấu tranh võ trang chính trị giữa hai bên miền Nam theo điều 7 Nghị Định Thư Tù Binh của Hiệp Định Ba Lê!!! Bà Tám được ghi tên vào danh sách để trao trả về Mặt Trận Giải Phóng tại Lộc Ninh ngày 21-2-74. Bà Tám đã thê thảm nhưng Phan Anh Hoát lại còn đau đớn tàn khốc hơn. Hoát trên bốn mươi, người thấp bé nhẫn nhục. Hoát là công chức ở Huế, bị bắt sau cuộc chính biến miền Trung 1966, vì Hoát tham gia lực lượng tranh đấu Phật Giáo. Hoát bị đưa vào Sài Gòn và cuộc điều tra đã có kết luận: Hoát phá rối trị an, làm lợi cho Cộng sản, có dạng thức đấu tranh Cộng Sản, nhận chỉ thị từ thành ủy Huế..v.v.. Ngày trao trả 18-2-74 tại Lộc Ninh, Hoát lặng lẽ đi giữa hai hàng cán bộ tiếp đón với nước mắt chảy đầy má. Đám cán bộ Cộng Sản sững sờ trước khuôn mặt đẫm nước mắt và môi mím chặt uất hận. Lần đầu tiên, tại một địa điểm trao trả có hiện tượng phẫn uất đau đớn này. Đi về phía Cộng sản thì phải vỗ tay phấn khởi, phải bộc lộ căm thù trên đầu nắm tay, trong cái nhìn hung hiểm. Về phía Cộng sản cũng phải dựng lên màn kịch được giải phóng toàn thể, được đời sống tự do tuyệt đối. Nhưng lần đầu tiên của một năm trao trả, người tù Phan Anh Hoát với giọt nước mắt bi phẫn, với lặng lẽ não nề đã từ chối tất cả, đã buông xuôi tất cả, đã hoàn toàn bó tay giữa một thế lưỡng cực phân tranh mà Hoát hoàn toàn thụ động. Hoát cô độc và yếu đuối giữa hai ý hệ. Hoát thả rơi những giọt nước mắt đớn đau. Hoát chỉ là một trường hợp điển hình của đám người cuối đáy tuyệt vọng, những người nghẽn lối và bị xé nát giữa cuộc đấu tranh Quốc - Cộng. Hoát khóc được nhưng một số người đông đảo đã không đủ can đảm để khóc nên giòng nước mắt bi thương đó. Rất nhiều người đã không làm được. Rất nhiều người như thế. Tôi đã biết những người Việt Nam không được khóc giữa các cuộc trao trả. Những người tù của Gheorghiu quả tình đã bị xé nát bởi guồng máy phi nhân của những chính quyền nhân danh Tự Do và Nhân Loại. Người tù Việt Nam, kẻ chịu nạn ghê gớm giữa hai ý hệ đối cực. Họ không có giai đoạn trước và sau thời hạn tù. Sống ở trên đất nước này đã là một cái tội. Họ bị kết án bởi đời sống đó.