Hôm ấy Trần Khắc Chung vừa về tư dinh thì người quản gia trình cho ông một bao thư phong kín và thưa: -Bẩm, có thư của phủ Văn Hiến hầu gởi. Người mang thư dặn con phải trình ngay khi Tướng công về! Khắc Chung ngạc nhiên, áy náy nói: -Văn Hiến hầu bị bệnh không đi chầu đã nhiều lần. Ta chưa kịp đến thăm, nay người lại gởi thư cho ta chắc có chuyện gì? Thư đưa đến hồi nào? -Bẩm, ngay khi Tướng công vừa ra khỏi dinh. Con nghĩ chắc là thư quan trọng. Người mang thư gặp chính con mới chịu giao. Khắc Chung mở thư ra đọc đi đọc lại mấy lần, ra vẻ suy nghĩ lắm. Lát sau ông lấy một tấm thiệp viết lên mấy dòng rồi gọi một tên lính đến bảo: -Mày cầm thiệp này đến phủ Văn Hiến hầu ngay, không được chậm trễ! Tên lính vâng lệnh đi liền. Khi người nhà dâng cơm, Khắc Chung chỉ ăn sơ sài mấy miếng. Rồi ông truyền mã phu thắng yên ngựa và dặn người nhà: -Chiều nay ai hỏi bảo ta đi thăm người bệnh! ° Khi Khắc Chung vừa xuống ngựa trước sân thì Văn Hiến hầu đã chực sẵn, niềm nở chào đón: -Kính chào Tể tướng đại nhân! Được Tể tướng đại nhân đến chơi, Đa tôi thật hân hạnh! Khắc Chung chấp tay xá Hiến Văn hầu: -Không dám! Thiểm chức hân hạnh tham kiến ân hầu! Xấu hổ đã làm phiền ân hầu nhọc công đón tiếp! Hai người thân mật cầm tay nhau bước vào nhà trong. Chủ khách ngồi xong thì người nhà dâng trà lên. Khắc Chung mở đầu: -Nghe ân hầu bị bệnh, tôi muốn đến thăm nhưng công việc nó cứ lếch nhếch nên chưa đi được. Giờ thấy ân hầu đã khỏe, xin chúc mừng! Văn Hiến hầu cười: -Cảm ơn quan Tể tướng! Bệnh tuy hơi nặng nhưng may chữa trúng thuốc nên cũng chóng bình phục. Nay trong người đã thấy dễ chịu. Nhờ lượng thánh gia ơn cho nghỉ được hai tháng. Mười mấy ngày nữa là hết hạn rồi. Sao? Việc vận động dành ngôi trừ quân cho hoàng tử Vượng tới đâu rồi? Thấy có triển vọng không? Khắc Chung cười: -Phải chăng ân hầu bệnh vì chuyện đó? Ngài mời tôi đến đây hẳn có lời hay dạy bảo? -Không dám! Chẳng qua cũng chỉ vì việc chung của thiên hạ. Ngài thấy bây giờ con gái Quốc Chẩn đã làm hoàng hậu, Quốc Chẩn mỗi ngày một lộng hành. Nếu không tính gấp, khi hoàng hậu Lệ Thánh sinh thái tử rồi chúng ta còn làm gì được? -Ý ân hầu muốn tôi phải làm gì bây giờ? Văn Hiến hầu thở dài: -Triệt hạ Huệ Vũ! -Phải mạnh tay đến thế sao? -Lẽ nào quan Tể tướng chưa thấy điều nguy hiểm? Nếu chúng ta không lo tính trước, vận nước có thể phải trải qua một cơn nghiêng nghèo! Người có trách nhiệm há dễ làm ngơ? Từ trước, Văn Hiến hầu vẫn coi Huệ Vũ là thù địch, Khắc Chung cũng không ưa gì Huệ Vũ. Cả hai mặc nhiên coi nhau như đồng minh. Nhưng cả hai vẫn chưa có thỏa ước chính thức nào với nhau. Văn Hiến hầu có phần chống Huệ Vũ ra mặt trong khi Khắc Chung chỉ chống ngầm. Chưa biết Văn Hiến hầu định triệt hạ Quốc Chẩn bằng cách nào, Khắc Chung hỏi: -Bây giờ ân hầu muốn hành động ra sao? Văn Hiến hầu nói lấp lửng: -Tôi nghĩ chắc lâu nay đại nhân cũng đã tính chuyện hành động như thế nào rồi chớ? -Ân hầu nghĩ hơi quá đáng. Chung tôi điều hành việc triều chính, đâu có vấn đề nào không để tâm tới? Nhưng thú thật, Chung tôi chưa nhận ra dấu hiệu nào chứng tỏ Quốc Chẩn có thể gây nguy hiểm đến nỗi phải tìm cách triệt hạ y. Vấn đề này tới giờ Chung tôi mới nghe ân hầu nói đến! Văn Hiến hầu có vẻ không hài lòng: -Mọi người vẫn cho đại nhân xét việc sắc như gươm. Giờ mới biết là không hẳn thế? Khắc Chung cười: -Ân hầu thấy được điều gì xin cứ nói trắng ra cho Chung tôi biết đi! Văn Hiến hầu nhìn thẳng vào mắt Khắc Chung mà nói: -Hoàng thượng tin tài đại nhân, giao hết việc triều chính cho đại nhân, lại phong thêm cho đại nhân chức Thiếu bảo dạy hoàng tử Vượng, thế mà trên đại nhân còn có chức Quốc phụ thượng tể, bộ đại nhân không thấy lấn cấn sao? Khắc Chung vẫn tảng lờ: -Ai lo chức phận nấy. Tránh dẫm chân lên nhau là được! Có gì mà lấn cấn? Văn Hiến hầu như muốn nổi giận: -Sao ngài có thể nói vậy chứ? Hoàng thượng lên ngôi đã hơn mười bốn năm, đã có đến ba hoàng tử chứ đâu ít? Thế mà Quốc Chẩn chuyên quyền chưa chịu để hoàng thượng lập ngôi trừ quân là ý gì? Lần trước tôi có nhắc đến chuyện Lê Hoàn, ngài không nhớ ư? Chỉ vì không chịu lập ngôi trừ quân sớm nên khi hữu sự liền xảy ra việc cốt nhục tương tàn, đến nỗi cơ nghiệp họ Lê phải lọt vào tay họ Nguyễn°! Ở ngôi vị Tể tướng Trần triều, há lẽ ngài không lo ngăn chận việc đó? Ít nhất đại nhân cũng phải lên tiếng vạch trần lỗi lầm của Huệ Vũ ra chứ! Khắc Chung biết Văn Hiến hầu đã quyết ý triệt hạ Huệ Vũ thì khoái lắm. Nhưng ông không muốn công khai hợp tác với Văn Hiến hầu. Ông vẫn nhớ mấy lần bị Hưng Nhượng vương mắng chửi mà ông nghĩ là do Quốc Chẩn đứng đằng sau xúi giục. Phen này dại gì không trả thù? Nhưng ông lại sợ không đánh đổ nổi Quốc Chẩn. Ngẫm nghĩ một lát ông nói đưa đẩy: -Người xưa dạy “sơ bất gián thân”°. Việc phong lập là việc nhà của hoàng thượng. Chung tôi dẫu là Tể tướng, nhưng cũng chỉ là người ngoài. Ngài thuộc dòng dõi tôn thất, lại ngang vai vế ông bà của hoàng thượng và cũng là vai vế chú bác của Huệ Vũ, chắc ngài nói tiện hơn! Văn Hiến hầu lắc đầu: -Ngài nói sai rồi! Vua lấy nước làm nhà, việc nhà của vua cũng là việc chung của thiên hạ! Ngài làm Tể tướng một nước cũng như quản gia của một nhà. Quản gia ăn lương của chủ nhà, thấy chủ nhà đang bị kẻ khác lung lạc, lăm le cướp cơ nghiệp, lại không có một lời hơn thiệt bàn với chủ nhà sao phải đạo? Khắc Chung thú nhận: -Thật tình không phải Chung tôi không có ý ấy. Ngặt nỗi hoàng thượng đang quá tin yêu Huệ Vũ, Chung tôi không thể nói gì được. Vậy theo ý ngài Chung tôi nên làm thế nào? Văn Hiến hầu thấy Khắc Chung đã chịu nghe bèn tiến tới: -Nếu dùng lời mà nói không được thì phải tìm cách mà khử đi! Đây là việc chung của mọi người. Ngài chịu làm tất nhiên có nhiều người ủng hộ ngài! Ngài không phải là cùng làng với Lê hoàng phi sao? Lẽ nào Lê hoàng phi không ủng hộ ngài? Ngài cũng là thầy của hoàng tử Vượng nữa! Hoàng tử Vượng mà được lập thì công lao ngài còn ai cao hơn? Sự thật lúc ấy Lê thị vẫn chưa được chính thức phong hoàng phi nhưng Văn Hiến hầu cố tình tôn xưng như thế. Thấy Văn Hiến hầu ý chí quyết liệt như vậy, Khắc Chung càng vững lòng: -Vậy là ân hầu đã sẵn sàng ủng hộ hoàng tử Vượng? Chắc ân hầu cũng đã có kế hoạch? Ân hầu muôn làm gì cứ làm. Chung tôi chỉ có thể ngầm ủng hộ ân hầu thôi. Văn Hiến hầu lộ vẻ nóng nảy: -Huệ Vũ còn đó thì hoàng tử Vượng không thể nào ngoi lên nổi. Phải diệt Huệ Vũ mới xong! -Huệ Vũ vừa là thân sinh hoàng hậu vừa là chú ruột của hoàng thượng, làm sao trừ diệt được? -Phải đánh đòn ly gián, phải có nội ứng. Ngài có quen biết ai trong phủ Huệ Vũ không? -Cũng có một người nhưng khá lâu rồi không găp lại y. Không biết bây giờ y còn làm việc ở đó không. Nếu nó vẫn còn ở phủ Huệ Vũ thì ngài định làm sao? Văn Hiến hầu lộ vẻ tự tin, vui mừng nói: -Vàng! Lấy vàng mà sai khiến nó thì khó gì mà chẳng xong? -Nhưng Chung tôi không có khả năng đó làm sao? -Ngài cứ kiếm cho ra người, còn chuyện bạc vàng cứ để Đa tôi lo! ° Hồi ấy trong phủ Huệ Vũ có viên thư lại Trần Phẫu rất được vương tin dùng. Phẫu vốn mồ côi cha mẹ sớm, được người cậu nuôi cho ăn học nên cũng biết được ít nhiều chữ nghĩa. Bất ngờ người cậu cũng qua đời nên Phẫu lại lâm cảnh bơ vơ. May có một nhà hào phú họ Đinh thấy Phẫu cao ráo sáng sủa đem về cho ở trong nhà, sau đó lại gả con gái cho. Vì được gia đình vợ đùm bọc, che chở nên Phẫu sinh tính ỷ lại, dần dần dẫn đến lệ thuộc. Về sau Đinh ông lại xin cho Phẫu vào làm việc trong phủ Huệ Vũ. Thấy Trần Phẫu có dáng vóc đẹp đẽ, lại thông minh, chịu khó làm việc, Quốc Chẩn rất yêu mến. Đi đâu ông thường dắt Phẫu theo để sai bảo. Khi gặp gia đình vị quan nào có việc quan, hôn, tang, tế, nếu bận việc, ông sai Phẫu mang lễ vật đến chia vui hoặc chia buồn thay mình. Vì thế, Phẫu cũng dần quen biết rất nhiều người. Một lần Phẫu vâng lệnh Quốc Chẩn đưa một cánh thiệp đến nhà quan Học sĩ Nguyễn Sĩ Cố, tình cờ gặp lúc Sĩ Cố đang đánh bài tay đôi với Trần Khắc Chung, Sĩ Cố vui miệng nói: -Này, ngươi có biết chơi bài này ngồi chơi một chốc cho vui! Phẫu tỏ vẻ e dè nói: -Bẩm quan lớn, con đâu dám vô lễ! Khắc Chung tươi cười: -Chuyện giải trí cho vui câu nệ làm gì? Không phải sát phạt nhau đâu mà sợ! Trần Phẫu thấy cả hai vị quan lớn đều tỏ vẻ dễ dãi thì không ngần ngại nữa: -Thật tình con cũng thích chơi thứ bài này. Nếu nhị vị quan lớn không bắt lỗi, con xin phép được hầu nhị vị quan lớn một hồi cho vui! Cuộc chơi có thêm một tay dĩ nhiên trở nên vui vẻ, hào hứng hơn. Hai vị quan lớn đều rất hài lòng. Chơi được một chốc, Phẫu xin phép ra về. Lúc ấy Nguyễn Sĩ Cố đã thắng được một ít tiền, ông trao hết cho Phẫu mà dặn: -Thưởng cho ngươi đó. Chơi đây chuyện ăn thua chỉ có tính cách tượng trưng. Nếu không có nó sẽ giảm bớt phần hứng thú. Nhu cầu chính là giải trí. Có dịp ngươi cứ ghé lại đây hoặc nhà ông Trần chơi. Đừng ngại! Trần Phẫu ngại ngùng không dám nhận tiền. Khắc Chung thấy thế bảo: -Quan Học Sĩ đã cho cứ nhận đi! Từ đó, lâu lâu Phẫu lại đến chơi với hai ông. Phẫu rất khôn ngoan, luôn biết giữ phận mình và lúc nào cũng sẵn sàng giúp hai ông bất cứ việc gì khi hai ông nhờ tới. Vì thế nên tình nghĩa đôi bên mỗi ngày mỗi sâu đậm. Một lần trong khi chơi bài, Phẫu đã đem chuyện nhà mình ra kể cho hai ông nghe. Hắn than phiền việc vợ hắn chỉ sinh được hai đứa con gái rồi bị bệnh khó chữa, có thể không sinh nở được nữa. Hắn rất lo sợ vì chưa có con trai nối dõi. Ngặt nỗi Đinh thị rất khó tính. Mỗi lần hắn nhắc đến vấn đề này trong nhà lại sinh chuyện ồn ào. Cha mẹ Đinh thị cũng một mực bảo vệ hạnh phúc cho con gái. Hắn bị ràng buộc bởi ơn nghĩa sâu nặng của nhà vợ nên không làm sao được. Khắc Chung nghe xong cười nói đùa: -Cái tướng ngươi thế mà không biết làm sao ư? Chẳng qua là ngươi còn tiếc cái núi vàng để gỡ lần ai mà không biết? Trần Phẫu chỉ biết cười méo mó. Nguyễn Sĩ Cố cũng lắc đầu mà cười. Từ đó, mỗi lần gặp Phẫu hai ông vẫn hay hỏi đùa: -Sao? Bây giờ ngươi đã biết làm sao chưa? Hay đợi khi nào cạn núi vàng đã? Lần nào Phẫu cũng chỉ biết lắc đầu mà cười. Hai ông lại nhìn nhau cườì nửa miệng như than thở giùm cho Phẫu: «Tốt mã như thế mà bị nhốt hoài trong cái rọ cũng khổ cho nó!» ° Từ ngày quan Thiên chương học sĩ Nguyễn Sĩ Cố mất, Khắc Chung rất ít khi gặp lại Phẫu. Không biết giờ đây Phẫu còn ở phủ Huệ Vũ nữa không? Nếu Phẫu còn làm việc ở đó, mưu tính của Văn Hiến hầu và Khắc Chung có cơ may thành công lắm! Khi về nhà, Khắc Chung bèn hỏi đám thuộc hạ về tăm tích Trần Phẫu. Hôm sau, khi được thuộc hạ cho biết Trần Phẫu vẫn còn làm việc ở phủ Huệ Vũ, Khắc Chung mừng lắm. Ông liền cho người liên lạc với Phẫu và mời hắn đến nhà chơi. Dĩ nhiên Phẫu vui vẻ nhận lời ngay. Vừa thấy mặt Phẫu, Khắc Chung đã thân mật diễu cợt: -Sao? Lúc này ngươi đã biết làm sao chưa? Núi vàng đã cạn chưa? Trần Phẫu vẫn lắc đầu cười và thưa: -Bẩm đại nhân, phận con hẩm hiu, trước sao sau vẫn vậy, chẳng vùng vẫy gì được! Đại nhân có cách gì giúp con thoát cảnh cá chậu chim lồng đó không? Khắc Chung cười cởi mở: -Ngươi muốn tháo cũi sổ lồng thật à? Ta giúp ngươi nhé! Trần Phẫu như muốn bắt lấy cơ hội, nói: -Đại nhân không nói đùa chứ! Nếu được đại nhân giúp cho thì còn gì hơn! Thánh hiền có dạy «bất hiếu hữu tam vô hậu vi đại», con rất khổ sở khi nhận ra cảnh tuyệt tự càng ngày càng đến gần với mình. Sau này xuống tuyền đài con đâu còn mặt mũi nào mà gặp ông bà tổ tiên nữa? Xin đại nhân thương tình, con sẽ đội ơn đại nhân mãi mãi! Qua lời của Trần Phẫu, Khắc Chung đã thấy được nỗi khát vọng tha thiết, mãnh liệt của hắn. Ông cũng từng biết Trần Phẫu là người nông cạn, dễ lung lạc, nên càng mừng: -Ta thật cảm động về lòng hiếu thảo với tổ tiên của ngươi! Tiếc rằng ta không thể trực tiếp giúp ngươi được. Nhưng đừng lo! Ta sẽ giới thiệu ngươi với một nhà quyền quí đủ thế lực để giúp ngươi vấn đề đó. Ông ta cũng như ta, rất quí trọng những người có hiếu như ngươi. Ngươi bằng lòng chứ? -Xin đa tạ đại nhân đã hiểu thấu tâm can của con! Đại nhân có thể cho con biết nhà quyền quí đó là ai không? -Làm gì mà nôn nóng dữ vậy? Đằng nào ngươi cũng sẽ biết thôi. Nhưng nhớ phải kín đáo chuyện này mới được! Thế rồi Khắc Chung gọi một tên gia nhân bày cỗ bài ra để củng Trần Phẫu giải trí. ° Tuy có lời hứa của quan Tể tướng, nhưng Trần Phẫu cũng chưa tin tưởng lắm. Lẽ nào một bậc quyền quí chưa quen biết lại có thể ra tay giúp hắn? Hẳn có một lý do nào đây? Vốn tính tò mò, hắn cũng muốn thử một chuyến xem sao? Mấy hôm sau Trần Phẫu cầm thư giới thiệu của Tể tướng Trần Khắc Chung đến xin ra mắt Văn Hiến hầu. Văn Hiến hầu xem lướt thư rồi nói: -Ta nghe quan Tể tướng nói ngươi là kẻ đại hiếu mà gặp phải hoàn cảnh éo le phải không? Tình trạng gia đình của ngươi hiện nay thế nào nói hết ta nghe thử! Trần Phẫu rất mừng vì quan Tể tướng đã không phỉnh hắn. Hắn khúm núm trình bày: -Bẩm ân hầu, tiểu nhân có gia thất đã gần hai mươi năm nhưng chỉ có được hai đứa con gái. Vợ tiểu nhân giờ bị bệnh khó chữa, lâu nay không còn sinh đẻ được nữa. Tiểu nhân rất sợ sau này không có người để thờ phụng ông bà. Nhiều người khuyên tiểu nhân nên cưới một người thiếp nhưng vợ tiểu nhân cũng như gia đình vợ đều không bằng lòng. Vì muốn giữ gia đình được êm thắm, tiểu nhân đành cam gánh chịu mọi thiệt thòi! Văn Hiến hầu hỏi tiếp: -Gia đình vợ ngươi giàu nghèo như thế nào? Thường đối xử với ngươi ra sao? -Bẩm, cha mẹ vợ tiểu nhân kể ra cũng khá giả. Về của cải, hai ông bà không hề hẹp hòi với vợ chồng tiểu nhân. Những khi vợ chồng tiểu nhân gặp khó khăn ông bà đều sẵn lòng giúp đỡ. Chỉ có điều là ông bà quá khắt khe về việc tiểu nhân muốn kiếm một đứa con trai nối dòng. Văn Hiến hầu nói: -Đàn ông năm thê bảy thiếp là chuyện thường. Ngươi phải có con trai để nối dòng chứ! Ý muốn của ngươi rất chính đáng chứ đâu phải do lòng tà dâm mà ngăn cản? Ngươi cứ trình bày thẳng nguy cơ tuyệt tự có thể đến với ngươi, xin cưới thêm một hai nàng hầu để kiếm con trai, lẽ nào họ không chịu? Trần Phẫu ra vẻ đau khổ thưa: -Bẩm ân hầu, tiểu nhân đã cách này cách khác trình bày với gia đình bên vợ nhiều lần nhưng có ai chịu đâu? -Ngươi phải cứng rắn mới được! Sao chúng nó ích kỷ đến vậy? Nếu họ không chịu thì bỏ nhau đi! Ta hỏi ngươi, so sánh cảnh sống gia đình êm ấm nhưng tuyệt tự với cảnh sống khó khăn mà có con trai để nối dòng, ngươi chọn bên nào? -Bẩm ân hầu, tất nhiên tiểu nhân chọn cảnh sống khó khăn nhưng có con trai để nối dòng. Nhưng tiểu nhân sợ nếu vợ chồng phải bỏ nhau không chừng lại đẻ ra những nỗi phiền toái khác. Khi đó chắc gì kiếm được vợ để có con trai? -Vợ mà không sinh được con trai thì ngươi có quyền bỏ chứ phiền toái cái gì? -Bẩm ân hầu, gia đình vợ tiểu nhân có họ hàng với Huệ Vũ phu nhân nên con rất ngại! Văn Hiến hầu nghe nhắc đến hai tiếng Huệ Vũ thì lộ vẻ bực mình: -Gia đình vợ ngươi dựa hơi Huệ Vũ ư? Để ta giúp đỡ ngươi! Ta có một số thể nữ đang phục vụ trong dinh, ngươi xem nếu thích đứa nào ta sẽ gả cho. Vấn đề gia đình vợ lớn của ngươi ta sẽ giải quyết cho! Xem ai cản trở được nào? Ngươi nghĩ sao? Trần Phẫu nghe Văn Hiến hầu nói đến Huệ Vũ không có giọng nể nang thì đoán biết hai bên không hòa thuận với nhau. Hắn cũng mơ hồ linh cảm được phần nào nguyên do khiến Văn Hiến hầu muốn giúp đỡ hắn. Không bỏ lỡ cơ hội, Phẫu sụp xuống lạy Văn Hiến hầu: -Ân hầu giúp tiểu nhân việc này, không những tiểu nhân chịu ơn nặng của ân hầu mà cả tổ tiên tiểu nhân cũng mang ơn ân hầu nữa! Nhưng xin ân hầu làm cách nào để Huệ Vũ đại vương khỏi giận thì may cho tiểu nhân lắm! -Ta chính vì cảm động tấm lòng đại hiếu của ngươi nên quyết giúp ngươi. Tất nhiên ta cũng muốn ngươi được vui vẻ, không bị phiền lụy gì! Bây giờ ngươi cứ trở về nhà bàn lại với phía vợ ngươi việc ấy. Nói thẳng cho họ ngươi biết, tội lớn nhất trong ba tội bất hiếu của người đàn ông là không có con nối dõi. Người đàn bà lấy chồng mà không sinh được con trai cho chồng cũng coi như phạm tội, có thể bị nhà chồng đuổi về gia đình cũ. Ngươi không biết chuyện Chiêu Thánh công chúa trước đây chỉ vì không con mà bị truất ngôi hoàng hậu sao? Nếu họ còn lôi thôi, cứ đưa vấn đề ra pháp luật chắc chắn ngươi phải thắng! Không ai có quyền cấm ngươi cưới vợ lẻ để kiếm con trai nối dòng. Trường hợp này dẫu Huệ Vũ có can thiệp cũng không nổi, ngươi chớ lo! Nhớ một điều là ngươi chớ nhắc đến ta làm gì mà chỉ nói có một gia đình thấy ngươi chưa có người thừa tự nên có hảo ý giúp đỡ là đủ. Nếu phía vợ ngươi đòi hỏi thì đòi hỏi như thế nào? Cứ gắng thương lượng cho được việc đi! Ba ngày nữa ngươi trở lại đây cho ta biết ý kiến của họ, ta sẽ tìm cách thu xếp cho! Nhớ lấy đấy! Những lời cứng rắn và xác đáng của Văn Hiến hầu đã làm Trần Phẫu phấn khởi lắm. Hắn hớn hở vâng dạ rồi xin cáo từ. Trước khi Phẫu ra về, Văn Hiến hầu dặn thêm: -Gặp khó khăn gì ngươi cứ đến với ta. Ta nhất định giúp ngươi tới nơi tới chốn! ° Những lời hứa hẹn của Văn Hiến hầu làm Trần Phẫu vừa mừng vừa cảm động. Một tương lai tươi sáng đang chờ hắn! Không ngờ Văn Hiến hầu lại có một tấm lòng nghĩa hiệp, nhân ái đến thế! Hắn nghĩ có lẽ tổ tiên mình đã phù hộ nên mình mới được hưởng sự may mắn ấy. Suốt buổi chiều hôm ấy, lòng Phẫu cứ tưng bừng như sắp mở hội. Đến nỗi hắn muốn tìm những lời thật hay để thuyết phục vợ mà không sao tìm được. Đêm đến, nằm suy nghĩ lại, Trần Phẫu mới bắt đầu cảm thấy lo. Về lý lẽ thì rõ ràng hắn thắng thật đấy. Nhưng gia đình vợ hắn đâu có thể dễ dàng chịu thua? Huệ Vũ đại vương có thể can thiệp vào việc này không? Ông sẽ xử trí thế nào? Cả đời hắn đã quen bị ràng buộc bởi gia đình vợ, giờ muốn tách khỏi ảnh hưởng ấy hắn thấy khó khăn lắm. Dựa vào Văn Hiến hầu ư? Văn Hiến hầu có hứa sẽ dàn xếp với gia đình vợ hắn nhưng liệu có khó cho ngài không? Dù sao ngài với Huệ Vũ đại vương cũng là thân thích trong khi hắn chỉ là người dưng! Có thể hai bên có bất hòa thật, nhưng chẳng lẽ Văn Hiến hầu lại vì một người dưng tầm thường mà khơi lớn mối bất hòa ấy? Việc như thế khó có thể xảy ra được! Hoặc nếu có việc xảy ra, nhất định đằng sau việc đó phải có một việc khác quan trọng hơn! Ăn miếng ngon này, hắn ắt hẳn phải trả một cái giá nào đó chưa biết chừng! Những thắc mắc mỗi lúc mỗi nẩy sinh thêm. Nỗi lo lắng đã dần tăng lên thay thế nỗi hân hoan ban đầu khiến Phẫu phải thức gần trắng đêm. Cuối cùng, Phẫu tự nhủ: Không lẽ vì những lo lắng này mà bỏ lỡ dịp may? Đành chịu cảnh sống với cõi lòng ray rứt suốt đời ư? Thôi, một liều ba bảy cũng liều! Sáng mai ta nhất định lo tính dứt khoát việc này! Quyết định xong Trần Phẫu mới thấy lòng hơi thoải mái. Trong chốc lát hắn chìm vào giấc ngủ cho đến khi mặt trời lên cao cả cây sào mới dây… Ăn uống xong, Trần Phẫu mời Đinh thị vào phòng riêng để nói chuyện. Phẫu đã vận dụng trí nhớ, đem những lời Văn Hiến hầu đã bày ra nói hết. Đinh thị nghe xong cười mỉa mai: -Anh chê tôi xấu xí bệnh hoạn nên mượn cớ kiếm con trai để ruồng bỏ tôi chứ gì? Chẳng lẽ giờ tôi chưa ngoàì bốn mươi lại hết sinh nở hay sao? Anh lại còn đem cả chuyện Chiêu Thánh công chúa để dọa tôi ư? Được rồi, anh đợi năm năm nữa nếu tôi không có con trai, anh muốn làm gì anh làm! Còn nếu anh có ba đầu sáu tay cứ cưới vợ lẻ đi! Phẫu hơi chột dạ, xuống nước: -Tôi vẫn yêu thương nàng như trước chứ có gì thay đổi đâu? Nhưng bây giờ có người tốt thấy tình cảnh của tôi muốn gả con cho tôi, đợi năm năm nữa làm sao họ đợi được? Nàng bảo nàng thương tôi mà bắt tôi cứ sống trong cảnh lúc nào cũng sợ mang tội lỗi với tổ tiên thế này ư? Năm năm nữa tôi đã già thêm, liệu còn ai chịu lấy tôi nữa không? Nàng có thể đặt cho tôi một điều kiện dễ dãi hơn được không? Đinh thị nói với giọng nặng nề: -Được, muốn cưới thiếp trước tiên anh phải tự xoay xở lấy để chi mọi phí tổn cưới hỏi. Tuyệt đối không được dùng đến tiền bạc trong nhà, chỗ ăn chỗ ở cũng phải tự lo sắm lấy, chịu không? Tin tưởng lời hứa giúp đỡ của Văn Hiến hầu, Trần Phẫu không ngần ngại đáp: -Điều kiện đó tôi xin chịu! Đinh thị hằn học hỏi: -Anh lấy tiền ở đâu để lo việc đó? Bộ anh đã ăn cướp đâu để dành sẵn hay sao? Hèn gì! Đinh thị ngẫm nghĩ một lát rồi nói thêm: -Đó chỉ mới là điều kiện thứ nhất. Còn một điều kiện này nữa: Phải nộp đủ cho tôi năm mươi lượng vàng để tôi nuôi hai đứa con gái tôi đã sinh và để dành sau này làm của hồi môn cho chúng! Chịu được không? Đến lời đòi hỏi này thì Trần Phẫu tá hỏa tam tinh! Số vàng lớn như vậy thì làm sao Văn Hiến hầu có thể chuẩn cấp cho được? Không hi vọng gì nữa, hắn hậm hực bỏ đi lo công việc thường ngày. Đinh thị tỏ vẻ đắc thắng nói vói theo: -Cứ nộp cho tôi năm chục lượng vàng và tự bỏ tiền ra lo liệu lấy mọi việc thì muốn cưới muốn hỏi người nào, bất cứ ngày nào, giờ nào cũng được hết! Nếu không thì đừng hòng! Trần Phẫu nghe Đinh thị nói uất hận lắm. Hắn tự nhủ chỉ cần Văn Hiến hầu giúp việc cưới hỏi và tạo điều kiện cho hắn đủ sống hắn sẵn sàng chia tay với Đinh thị ngay. Chịu đựng như vậy là tột cùng rồi! Trần Phẫu không thèm trả lời Đinh thị một tiếng. Trong khi làm việc, đầu óc Trần Phẫu cứ hướng về cái phao Văn Hiến hầu. Hắn đã cố gắng thu xếp công việc nhanh gọn để lần hẹn gặp Văn Hiến hầu khỏi bị trở ngại. ° Khi đến tư dinh Văn Hiến hầu, Trần Phẫu thấy ở ngôi nhà phụ có treo đèn kết hoa trước hiên rất đẹp. Phẫu ngạc nhiên hỏi người dẫn dắt: -Hôm nay dinh Văn Hiến hầu có tổ chức gì à? Người dẫn dắt Phẫu cười đáp: -Văn Hiến hầu lo cưới vợ cho ông mà ông không biết sao? Trần Phẫu ngạc nhiên lúng túng hỏi lại: -Ông nói đùa đấy chứ? Làm gì có chuyện này được? Người dẫn dắt nhìn Phẫu với vẻ thương hại, nói: -Ở đây mà tôi dám nói đùa với ông sao? Ông cứ chuẩn bị tinh thần đi. Hôm nay Văn Hiến hầu sẽ gả một nghĩa nữ cho ông đấy! Thôi, cứ vào bái kiến Văn Hiến hầu ông sẽ rõ. Trần Phẫu mừng lắm. Hắn nghĩ ngay đến thái độ thách thức của Đinh thị và bất giác buột miệng «Phen này thì cho mày biết tay ông!». Người dẫn dắt không hiểu ất giáp gì hỏi lại Phẫu: -Ông nói cái gì? -Không có gì! - Phẫu ngượng ngùng trả lời. Khi vào ra mắt Văn Hiến hầu, Phẫu rất ngạc nhiên thấy có cả Tể tướng Trần Khắc Chung đang ngồi ở đó. Hai vị đang uống rượu với nhau. Trần Phẫu vội vàng sụp lạy: -Tiểu nhân Trần Phẫu xin bái kiến nhị vị ân hầu. Văn Hiến hầu khoát tay ra hiệu và nói: -Cho phép đứng dậy để nói. Sao? Ngươi đã bàn luận việc nhà với phía vợ ngươi chưa? Có quan Tể tướng ở đây, ngươi cứ nói cho ngài nghe luôn! Trần Phẫu đứng dậy cung tay thưa: -Bẩm nhị vị ân hầu, tiểu nhân đã trình bày hết mọi lẽ với vợ tiểu nhân nhưng thị nhất quyết không nhượng bộ. Thị lại còn tỏ thái độ thách thức hỗn láo với tiểu nhân nên tiểu nhân quyết phen này phải ly dị với thị. Xin nhị vị ân hầu giúp cho tiểu nhân một công việc để sinh sống thì trọn đời trọn kiếp tiểu nhân sẽ làm thân trâu ngựa để phụng sự nhị vị. Văn Hiến hầu chận lại: -Ngươi phải nói rõ vợ ngươi thách đố hỗn láo với ngươi như thế nào mới được chứ? -Bẩm ân hầu, thị bảo «anh có ba đầu sáu tay cứ cưới vợ hầu thứ xem»! Thị cũng bảo «anh muốn cưới vợ hầu phải tự bỏ của lo lấy từ đầu chí cuối và nhất là phải nộp trước cho tôi năm mươi lượng vàng để tôi nuôi hai con và làm của hồi môn cho chúng sau này». Với sự đòi hỏi như thế, tiểu nhân làm sao kham nổi? Vì cần có con trai để nối dòng, tiểu nhân đành phải quyết định ly dị với thị. Văn Hiến hầu cười ha hả: -Tưởng là Đinh thị đòi hỏi quá lắm chứ bấy nhiêu thì đã sao? Khỏi nói đến chuyện ly dị nữa. Ngươi không sợ mích lòng Huệ Vũ ư? Thị đòi năm mươi lượng vàng, ta cho ngươi một trăm lượng và chịu mọi phí tổn cho việc cưới hỏi của ngươi, ngươi bằng lòng chưa? Như ở trên mây rơi xuống, Trần Phẫu ngớ người ra không biết nói gì hết. Văn Hiến hầu sai người hầu bắc một cái ghế một bên cho Trần Phẫu ngồi và đưa rượu cho uống. Sau đó hầu lại khoát tay ra hiệu. Người hầu liền gõ tay vào cánh cửa phòng bên cạnh. Cửa phòng mở ra, mười thể nữ xinh tươi như hoa, ăn mặc đẹp đẽ bước ra hướng về chỗ Văn Hiến hầu và quan Tể tướng ngồi, đồng loạt vái chào: -Chúng tiện nữ xin kính chào nhị vị ân hầu, kính chúc nhị vị ân hầu thọ tỉ Nam Sơn, phước như Đông Hải. Văn Hiến hầu chỉ Trần Phẫu mà nói: -Người này sẽ là đức lang quân của một trong số các ngươi. Bây giờ các ngươi hãy múa hát thật hay để chúng ta và hắn cùng thưởng thức. Nếu hắn thích đứa nào ta sẽ gả đứa nấy cho hắn. Các ngươi chào hắn và bắt đầu đi! Các thể nữ lại hướng về phía Trần Phẫu và đồng loạt nói: -Chúng em xin chúc mừng tân lang sắp đẹp duyên mới! Thế rồi mười cô bắt đầu trổ tài múa hát. Trần Phẫu hớn hở say sưa theo dõi từng động tác của các giai nhân. Khi cuộc múa hát đã ngừng, Văn Hiến hầu gọi Trần Phẫu lại gần nói: -Đây là những thể nữ đẹp nhất của ta. Cho ngươi chọn lấy nàng nào vừa ý nhất để làm vợ! Trần Phẫu hơi hoang mang vì trông nàng nào cũng đẹp cả. Sau cùng, Phẫu đã chọn nàng Hoa Lê. Văn Hiến hầu cười mà hỏi: -Tại sao ngươi chọn nàng này? Trần Phẫu thưa: -Bẩm ngài, nàng nào cũng đẹp nhưng Hoa Lê trông vẻ mặt hiền hậu nhất, con nghĩ là nàng sẽ ít ghen tuông. Con rất sợ người đàn bà khi ghen. Văn Hiến hầu lại cười ha hả: -Nói thế chắc ngươi đã nếm cái vị cay đắng đó nhiều rồi? Hầu lại quay sang nói với Hoa Lê: -Chồng của ngươi tin tưởng ngươi là người ít ghen nhất đó. Hắn là người tốt, không có ý phụ bạc vợ đâu! Chỉ vì vợ của hắn không sinh được người kế tự, bất đắc dĩ hắn phải cưới thiếp thôi. Mừng cho ngươi đã lọt được vào mắt xanh của hắn. Nếu ngươi lấy hắn một hai năm mà không có con trai ta sẽ cho hắn lấy thêm một người vợ khác, ngươi không được ghen đấy nhé! Ngươi muốn giữ hắn thì phải gắng sinh con trai cho hắn! Hoa Lê e lệ thưa: -Bẩm ân hầu, vợ cả có ghen hay không ghen thì thôi chứ nô tì là kẻ hèn mọn được chàng dung nạp thế này là may lắm rồi, đâu dám đòi hỏi lộn xộn nữa! Văn Hiến hầu lại tiếp: -Biết được như vậy là tốt. Kể từ giờ phút này hai ngươi đã thành vợ chồng. Hoa Lê ngoài bổn phận thờ phụng chồng còn phải biết mình là kẻ đến sau, sống phải đạo với vợ cả để cho nhà cửa được êm ấm. Cuộc lương duyên này thành được cũng là nhờ quan Tể tướng. Giờ hai ngươi hãy đến cám ơn quan Tể tướng đi! Trần Phẫu và Hoa Lê liền đến lạy tạ và dâng rượu cho Khắc Chung. Khắc Chung ân cần dặn: -Như hai ngươi thấy đó, Văn Hiến hầu trọng nghĩa khinh tài có ai bằng được? Vì muốn tác hợp cho vợ chồng ngươi, ngài đã bỏ ra cả trăm lượng vàng không một chút đắn đo. Vậy, hai ngươi phải nhớ cái ơn sâu ấy mà gắng sức để đền đáp. Hai ngươi phải nhớ lấy, đừng bao giờ quên nhé! Thôi, ta xin chúc hai ngươi sớm có được con trai để nối dòng. Thấy trời đã gần trưa, Văn Hiến hầu nói với đám thể nữ: -Hoa Lê may mắn hơn các ngươi thật nhưng các ngươi cũng đừng nên lấy đó làm buồn. Ta sẽ tạo những cơ hội khác cho các ngươi. Hoa Lê sống gần gũi các ngươi đã lâu, tình cảm gắn bó không ít. Ta nghĩ chắc các ngươi cũng có gì để tặng tiễn khi Hoa Lê giã biệt các ngươi để về nhà chồng. Giờ các ngươi trở về chuẩn bị quà cáp đi rồi cùng dự tiệc! Ta cho phép các ngươi được vui say với bạn trọn hôm nay. Bọn thể nữ rút lui xong, Văn Hiến hầu gọi Trần Phẫu đến dặn: -Ta vẫn coi Hoa Lê như con ta, ta không muốn Hoa Lê về với ngươi khi trong nhà ngươi còn lộn xộn. Tạm thời cứ để Hoa Lê ở lại đây ít hôm. Ngươi hãy mang số vàng ta cho về trước để dàn xếp thật yên ổn rồi rước Hoa Lê về cũng không muộn. Phải nhường nhịn dàn xếp chứ không được gây sự đấy nhé. Ta tin chắc với số vàng đó, ngươi sẽ làm họ Đinh xiêu lòng. Nhớ tuyệt đối đừng cho Huệ Vũ biết việc ta giúp đỡ ngươi. Ta không muốn có sự hiềm khích với lão ấy. Nếu có gì trục trặc ngươi phải báo cho ta biết ngay. Bây giờ hai ngươi xuống nhà phụ dự tiệc đi! Xong nhớ trở về sớm để thu xếp việc nhà. -Dạ, tiểu nhân xin tuân lời ân hầu dạy. ° Trần Phẫu vui vẻ quá nên về nhà hơi muộn. Đinh thị thấy mặt chồng liền hỏi: -Ông đi đâu lâu dữ vậy? Chạy tiền cưới nàng hầu hở? Trần Phẫu tức cười nói: -Đúng rồi, tôi chưa có con trai nối dòng nên phải lo việc ấy. Bà nói tôi nộp đủ cho bà năm mươi lượng vàng thì muốn cưới muốn hỏi ai mặc tôi phải không? Đinh thị vẫn giọng thách thức: -Đúng. Tôi nói là tôi giữ lời. Nhưng tôi nghĩ ông chỉ có thể chạy vàng mã thì may ra có đủ! Trần Phẫu hếch mặt lên: -Bà hứa bà phải giữ lời đó. Bà lại đây coi vàng ròng hay vàng mã này! Nghe Trần Phẫu nói, Đinh thị liền chạy lại: -Đâu? Đâu? Vàng ròng đâu đưa tôi coi! Trần Phẫu vừa cười vừa mở một cái túi ra: -Bà xem kỹ đây có phải là vàng ròng không? Đinh thị trố mắt ngạc nhiên: -Ông ăn cướp hay ăn trộm ở đâu vậy? Nhà nào mà có thể tin tưởng để đưa cho ông mượn tới năm mươi lượng vàng ròng như thế này? Nếu đưa cho tôi sau này ông lấy gì để trả cho người ta? Trần Phẫu đẩy đống vàng về phía Đinh thị, cười hãnh diện: -Bà cứ đem cân xem đủ chưa? Còn tôi ăn trộm ăn cướp thì đã có luật của vua xử, bà khỏi lo! Bây giờ tôi đã kiếm đủ số vàng bà đòi hỏi, bà còn ý kiến gì nữa không? Vẻ mặt Đinh thị rạng rỡ hẳn lên, thị hỏi lại: -Thế còn khoản chi phí cưới hỏi ai lo? Trần Phẫu vừa cười vừa lấy ra túi vàng thứ hai dằn xuống mặt bàn: -Tôi không cần phạm đến số vàng đã giao cho bà đâu! Đinh thị nhìn túi vàng Trần Phẫu đang giữ không chớp mắt. Lát sau Đinh thị mới mở miệng: -Không ngờ chàng tài tình đến thế! Số vàng lớn lao này chàng kiếm ở đâu ra cho thiếp biết được chăng? -Kiếm đâu mặc tôi, miễn không phải do trộm cướp mà có là được! Nếu đây là của phi pháp, tôi có thể thản nhiên mang về nhà thế này ư? Đinh thị tươi cười nhỏ nhẹ nói: -Thôi, được rồi. Đã bao năm sống với nhau chẳng lẽ không hiểu nhau? Lâu nay tôi vẫn biết nỗi khát khao của chàng về một đứa con trai lắm chứ! Tôi làm vợ mà chưa sinh được con trai cho chàng làm sao tôi khỏi áy náy? Sở dĩ tôi còn chần chờ chưa làm gì vì nghĩ mình vẫn còn khả năng sinh đẻ. Hơn nữa, muốn kiếm hầu mọn cho chàng cũng phải có thời gian để lựa người thật hiền lành tử tế. Việc đòi hỏi chàng phải kiếm năm chục lượng vàng cũng chỉ vì lo cho tương lai hai đứa con gái của mình. Nay chàng đã quyết lấy vợ lẻ tôi cũng đành chiều ý chàng. Thôi, mọi việc cứ để tôi lo. Chứ chàng mà tự lo lấy người ngoài sẽ cười gia đình ta không hòa thuận, bỉ mặt cả thiếp lẫn chàng. Chàng nghe tôi nói như vậy có phải không? Trần Phẫu cười hể hả: -Vàng nó làm cho bà nhu thuận đến vậy rồi hả? Cám ơn lòng tốt của bà. Rất tiếc là tôi đã lo hết mọi chuyện rồi. Chỉ còn đợi đem giai nhân về nhà thôi. Nhưng đúng ra cũng nhờ công bà chứ không tôi làm gì kiếm ra số vàng này? Thôi, bà cất hết đi rồi chuẩn bị ngày mai đón người mới! Đinh thị cười bẽn lẽn, vừa gom hai túi vàng lại vừa nói: -Chàng tìm đâu ra trên thế gian này một người không ham vàng xem? Nhưng thôi, chàng muốn nói gì cứ nói. Tôi chỉ mong chàng giữ đạo trung dung, đừng có ham mới nới cũ quá là được rồi. Trần Phẫu cười giả lả: -Bà khỏi lo, tôi không phải hạng người như thế đâu. Tôi cần con trai mới cưới vợ lẽ chứ đâu phải ham đàn bà? Có điều này tôi cần dặn bà phải nhớ kỹ: Việc kiếm hầu mọn chẳng qua là việc riêng của gia đình mình, bà không nên ồn ào cho người ngoài biết. Nhất là vấn đề vàng bạc lại càng nên kín miệng. Biết mình có của người ta sẽ ganh ghét, dòm ngó. Đối với những người trong phủ Huệ Vũ càng nên dè dặt hơn. Chớ coi thường! -Tôi biết chứ! Chàng cứ yên tâm. Thế là hôm sau Trần Phẫu cùng Đinh thị đi rước Hoa Lê về. Gia đình Phẫu đã sống những ngày thật êm ấm, vui vẻ. Đinh thị và Hoa Lê đều biết nhường nhịn nhau, coi nhau như chị em khiến người ngoài ai cũng khen ngợi.
Chú thích:°Nhà Nguyễn: Tức nhà LÝ. Dưới triều Trần, tất cả những người họ Lý đều phải đổi ra họ Nguyễn. Ngay cả sử sách của nhà Trần cũng chép nhà Lý thành nhà Nguyễn.°Sơ bất gián thân: Người xa không thể ly gián được người gần.
Chú thích:°Nhà Nguyễn: Tức nhà LÝ. Dưới triều Trần, tất cả những người họ Lý đều phải đổi ra họ Nguyễn. Ngay cả sử sách của nhà Trần cũng chép nhà Lý thành nhà Nguyễn.°Sơ bất gián thân: Người xa không thể ly gián được người gần.