Cổ Loa. Trong nhà Cao Lỗ. NỒI HẦU: -Khi đức vua cử Lữ Phong lên ải Bắc, tôi có hơi nghi ngại. Nhưng bây giờ tình hình ở đấy xem ra có dịu đi. CAO lỖ: -Cũng chưa thể nói chắc được. Tôi không nghĩ là Lữ Phong đã nhạt lòng với ta, nhưng thủ đoạn của bọn Triệu Đà rất thâm. Nay có cái lo trong gan ruột đây. Hầu huynh nghĩ sao về ý định cầu hôn của họ? NỒI HẦU: -Tôi cho là bọn Đặng Giảo phao tin để tự tôn thanh thế, hòng giải toả sự giam sát của dân ta thôi. Chúng thừa biết là đức vua đã có ý chọn cháu Cung làm phò mã. CAO LỖ: -Đúng là trước đây chúng phao tin, nhưng là để dọn đường. Triệu Đà vừa gửi quốc thư cầu hôn công chúa Mị Châu cho Trọng Thủy. NỒI HẦU (dằn mạnh chén nước đang cầm tay xuống bàn): -Thế thì chúng ta quyết đập tan âm mưu đó. Tướng quân nên bàn với các quan, các tướng tìm cách can gián đức vua đi. CAO LỖ: -Hầu huynh cũng thấy là tôi ở vào cái thế rất khó nói. CAO LỖ: -Trước đây, đức vua chỉ vừa mới ướm lời mà đã có người đến chúc mừng cha con tôi rồi. Nhưng tôi biết chính những người ấy lại sẵn sàng dèm pha, đả kích tôi nhất. NỒI HẦU: -Bọn người ấy thì nói làm gì. Tướng quân khoan tâm. Cây ngay há sợ gì chết đứng! Trước hết chúng ta phải cảnh tỉnh Lạc hầu để ông ta khỏi nối giáo cho giặc. Chẳng hiểu sao ông ta đâm ra u mê vậy! CAO LỖ: -Tôi lại lo đức vua và công chúa quá nhân hậu... Một người lính hầu hấp tấp đi vào. LÍNH HẦU: -Bẩm, có tướng Đống và một số quân lính vừa phi ngựa từ biên ải về. CAO LỖ (ngửng phắt đầu lên): -Mời tướng Đống vào ngay! Đống đi vào, người đầy bụi, mệt mỏi và xúc động. ĐỐNG (cúi đầu): -Trình tướng quân, Cao huynh mất rồi. CAO LỖ (giật mình): -Cháu nói sao? NỒI HẦU (cùng lúc): -Con nói sao? ĐỐNG: -Dạ, trình tướng quân và thưa cha, Cao huynh chết một cách đột ngột và rất đáng ngờ. CAO LỖ (cố giữ bình tĩnh): -Cháu ngồi xuống đây kể tình đầu cho cha cháu và bác nghe. NÔI HÂÙ (nôn nóng): -Bọn giặc Triệu ám hại à? ĐỐNG: -Dạ, thưa cha và thưa tướng quân... CAO LỖ (phác một cử chỉ): -Cháu cứ nói với ta như với người nhà. ĐỐNG: -Dạ, thưa bác và thưa cha, chiều hôm qua Lữ bộ chúa sang giao thiệp bên kia về có mời con và Cao huynh sang tư dinh hội kiến. Con bận xuống các bản thăm thú dân tình nên Cao huynh đi một mình... CẢNH XEN I (Phục hiện): -Tại dinh Lữ Phong ở biên giới Âu Lạc-Nam Việt. CAO CUNG (đứng lên, sắp từ biệt): -Tình hình lắng dịu được là may cho dân chúng hai bên. Mong rằng bên kia họ giữ lời. Dẫu sao thì bộ chúa nói chuyện với Lữ Trạch cũng có chỗ thuận lợi. Xin kính biệt. LỮ PHONG (đáp lễ): -Kính tướng quân lại nhà. À, xin thứ lỗi... (ngập ngừng) nãy giờ tôi xem ra khí sắc tướng quân không được bình thường... CAO CUNG: -Mấy lâu nay, tôi hơi biếng ăn. LỮ PHONG: -Vậy à? Tôi có thứ rượu bổ gia truyền, mỗi khi kém ăn chỉ cần nhắp một chén nhỏ. Xin mời tướng quân dùng thử xem sao. Voòng à! Mang bình rượu thuốc của ta ra đây! Voòng mang bình rượu và hai cái chén ra đặt cẩn thận trên bàn trước mặt hai người, rồi rót rượu vào. LỮ PHONG (đưa tay trân trọng): -Xin mời tướng quân. Cao Cung và Lữ Phong cùng nâng cốc và cạn chén. LỮ PHONG: -Tướng quân về nghỉ, tới bữa cơm chiều nay chắc sẽ thấy rõ tác dụng. CAO CUNG: -Giã ơn hậu tình của quan bộ chúa. Xin chào. CẢNH XEN II (Phục hiện): -Tại đồn trấn ải biên giới. ĐỐNG:-Kìa! Cao huynh đã về. Anh hãy ngồi nghỉ uống nước đã. (Rót nước đưa tận tay) Công việc chắc có chiều êm. CAO CUNG (đỡ chén nước nhấp một hớp nhỏ): -Cứ lời Lữ bộ chúa thì bên kia đã tỏ ra biết điều hơn. Ban đầu họ cứ khăng khăng đòi giữ hiện trạng, mãi sau mới chấp nhận theo nguyên trạng trước kia. Song chỉ mới chấp nhận miệng. Xem chừng chúng ta còn phải... (bỗng buông rơi chén nước, ôm bụng nhăn nhó) ĐỐNG (hốt hoảng): -Anh làm sao vậy? Cao cung mặt dần tái sạm đi, đau vật vã. ĐỐNG (đỡ Cao Cung, gọi to ra ngoài): -Có ai ngoài đó không? (Có tiếng “Dạ”) Đi mời cụ lang lại ngay! (Hỏi cao Cung) anh có ăn gì lạ không? CAO CUNG (thều thào): -Không. À,... chỉ có uống chén rượu bổ tại nhà Lữ Phong thôi. Bỗng Cao Cung hét lên một tiếng, nẩy người tuột khỏi tay Đống đang giữ, ngã vập xuống sàn nhà, lăn lộn mấy vòng, rồi giật mạnh một cái, và lịm dần. TRỞ LẠI CẢNH HAI Trong nhà Cao Lỗ tại Cổ Loa. NỒI HẦU (đấm mạnh tay xuống phản): -Quân khốn nạn! Dám trở mặt thế à? CAO LỖ (Tựa trán vào lòng bàn tay ngồi lặng đi một lát. Ngửng lên hỏi Đống): -Voòng là tên hầu mà Đặng Giảo tặng Lữ Phong hôm bộ chúa thừa lệnh đức vua lên chỗ các con phải không? ĐỐNG: -Dạ, phải. NỒI HẦU: -Rõ ràng là chúng toa rập với nhau. Thế mà hắn dám báo về là quân Triệu đã rút về bên kia ranh giới. ĐỐNG: -Dạ, thưa cha, điều ấy quả có đúng ạ. Ngay lần đầu Lữ bộ chúa thân hành sang hội kiến với Lữ Trạch thì viên trấn tướng này đã chịu rút những đồn lính đóng trái phép trên đất ta về. Nhưng y khản khoản xin giữ nguyên các bản di dân lấy cớ là không nên nhũng nhiễu dân lành. Y nói cứ coi dân ấy là dân Âu Lạc cũng được. CAO LỖ (chú ý): -Thế tình hình những dân ấy thế nào? ĐỐNG: -Dạ, họ kết giao thân tình với dân bản địa. Họ dạy các cách cúng bái, truyền bá những trò dị đoan. Cũng có lúc họ cho người giúp chữa bệnh. Họ thường đem bạc vụn, đồ trang sức đổi lấy đồ đồng cùng những sản vật quí hiếm đem về bên kia. Nhưng ít khi họ chịu đổi cho những thứ ta chưa có nhiều như dao, lưỡi cày sắt... CAO LỖ: Từ bấy đến nay, bên Triệu còn hay gây sự nữa không? ĐỐNG: -Dạ, họ hay cho lính giả làm dân sang bên ta đào trộm củ tam thất, hái trộm hoa hồi, bóc trộm vỏ quế, đốn trộm gỗ tốt, săn trộm chim thú quí, moi trộm quặng đồng trên đất ta. Ta kháng nghị thì có lúc họ tạ lỗi là dân họ nhầm nhưng vẫn để y nguyên bảo lỡ rồi, có lúc họ nhận chằng là đất của họ và quay lại vu cho dân binh ta xâm phạm địa giới. Dân ta có trót trồng lấn sang đất họ tí chút thì họ kiên quyết đòi ta phải sửa. Họ lại cho phép dân họ thay thế đồ cống phú bằng sừng trâu, xương trâu với giá đắt nên dân ta ở biên giới nhiều nơi thiếu trâu cày phải trở lại lối “đao canh, hoả nậu”. Bởi vậy, Cao huynh quyết đòi bên kia phải cùng bên ta phân định biên giới rành mạch, đề ra những ước thúc rạch ròi trong việc qua lại, giao lưu giữa đôi bên. Lữ bộ chúa sang Nam Việt chuyến vừa rồi chính là để bàn về những chuyện ấy. CAO LỖ (thở dài): -Hừ! Âm mưu cũ, mánh khoé mới. Con ta sớm lìa đời lúc xã tắc cần đến nó hơn bao giờ hết. Thương thay! NỒI HẦU: -Cháu Cung thác oan vì tên phản bội. Tướng quân còn chờ gì mà chưa xin mệnh đức vua bắt về đây hỏi tội? CAO LỖ: -Sự thể không nóng vội được. Con tôi thiệt phận, với đức vua, với mọi người, chưa đủ lẽ để đoan quyết là bị đầu độc. Và chắc gì Lữ Phong có nhúng tay vào? Làm kinh động dân tâm thật chẳng nên. ĐỐNG: -Dạ, thưa tướng quân, thưa bác, giờ nên tính sao? CAO LỖ: -Hôm nay đã muộn. Sáng mai, cha cháu và ta sẽ đưa cháu vào bệ kiến đức vua. Sau đó, cháu kíp về lại biên ải, cốt giữ sao cho quân dân không xộn rộn. NỒI HẦU: -Phải tính việc hộ tông linh cữu cháu Cung về đây chứ? CAO LỖ (ngẫm nghĩ): -Trong tình hình này có lẽ không nên. NỒI HẦU: -Vậy tướng quân nên đích thân lên đấy, nhân thể nắm tình hình biên cương. CAO LỖ: -Tình hình biên cương thế là rõ rồi. Chỗ đáng lo bây giờ chính là tại đây. Bởi thế, lúc này tôi không thể rời Cổ Loa được. Thôi, cũng đành để cho bà nhà tôi và bọn gia nhân lên lo liệu cho cháu vậy thôi. Vả lại, còn có cháu Đống đây. (Nói với Đống) Cháu này! Lễ tang nên làm giản tiện. Phần mộ không nên cầu kì. Sau này khi tiện dịp, ta sẽ đưa hài cốt nó về quê. NỒI HẦU: -Thế thì chẳng cần Đống mai vào bệ kiến nữa, nên đi ngay hôm nay. Việc biên cương, việc tang đều hệ trọng, không thể phó cho một mình Lữ Phong. CAO LỖ: -Hầu huynh nói phải. Cháu Đống hãy cùng tuỳ tòng đi cơm nước rồi nghỉ ngơi một chút. Cháu về đây, Lữ Phong có biết không? ĐỐNG: -Dạ, có. Chính Lữ bộ chúa đồng ý với cháu là cần về cáo phó và xin cử tướng trấn trị thay Cao huynh. CAO LỖ: -Người thay Cung sẽ là cháu thôi. Trở về đấy, cháu cần đối xử với Lữ Phong như thường, không phải bề ngoài mà thật tình. ĐỐNG: -Cháu xin phép đi sửa soạn. (Nói với Nồi hầu) Thưa cha, cha có về cùng con không? NỒI HẦU: -Con cứ về trước, ta sẽ về ngay bây giờ. (Đống ra. Nồi hầu quay sang Cao Lỗ) Ta phải tâu đức vua triệu Lữ Phong về truy cho ra nhẽ chứ? CAO LỖ: -Ta không tâu xin thì đức vua cũng triệu ông ta về hỏi về tình hình bang giao nhân có việc cầu hôn. Còn truy cho ra nhẽ thì... nếu quả có sự mưu hại, chắc ông ta không phải là người giương nỏ. Chà! Một mũi tên, chúng nhằm nhiều đích đây!