e loan vừa về đến cung Thượng Dương, Thái Hậu đã gặp ngay nhiều chuyện bất ngờ. Điều bất ngờ đầu tiên là có sắc chỉ của vua Càn Đức vời bà vào cung. Cuộc hội triều huy hoàng thiết yến bá quan, bà chưa kịp thực hiện đã được thay vào một cuộc hội nhỏ hẹp của một số ít vương hầu. Mà cuộc hội này không diễn ra trong ngôi nhà rộng thông thênh ở điện Thiên An hay dưới mái nhà tám góc của điện Thiên Khánh, nơi thường dùng để bàn chuyện chính sự. Cuộc hội bất thường này lại làm tại cung Long Đức, nơi ở của Thượng Hoàng Thái Hậu. Người mẹ chồng này đã gây cho bà một cảm giác e dè, sợ sệt ngay từ buổi mới bước vào cung. Nỗi sợ hãi lâu ngày gấp nếp trong lòng bà. Bà tìm mọi cách để lẩn tránh Thượng Hậu. Cực chẳng đã, một năm hai lần bà mới đến chạm mặt Thượng Hậu trong nghi lễ vấn an. Nay vua lại giao cho Thượng Hậu chủ trì cuộc hội này chắc lành ít dữ nhiều. Tuy không nhạy bén, bà cũng cảm thấy đối phương đã đi trước bà một bước và đang mưu mô gì đây để giáng trả bà một đòn hiểm hóc. Song giờ đây bà coi cái chết nhẹ như bấc. Bà có sá gì. Lòng bà dấy lên một niềm thách đố kiêu hãnh. Nhưng khi vừa đặt chân vào cung Long Đức thì điều bất ngờ thứ hai làm bà choáng váng. Đập vào mắt bà trước tiên là dáng dấp bình thản của Thái Sư Lý Đạo Thành với bộ râu nhốt trong túi gấm buông thõng trước ngực. Cạnh Thái Sư là thân hình hộ pháp của Thái tử Hoàng Chân, nước da hồng hào, mặt đỏ tựa chu sa, tiếng nói như lệnh vỡ, râu ba chòm đen nhánh. Kế cận là dáng người nho nhã của Thái tử Chiêu Văn, em của Hoằng Chân. Thời ấy phàm đã con vua đều gọi bằng Thái tử. Hai vị Thái tử này là em của Tiên đế Lý Thánh Tông. Luồng mắt của bà đưa về hàng bên kia, bỗng dừng lại kinh hoàng. Đằng sau những đầu người lố nhố của các vương hầu nổi bật lên một dáng dấp uy nghi quen thuộc. Mắt bà hoa lên. Có phải cái nắng gay gắt cuối hạ ngoài trời làm bà quáng mắt? không, đúng là Thái Úy Lý Thường Kiệt đang nghiễm nhiên cung kính đứng dậy vái chào bà. Làn da trên gương mặt bà thường ngày trắng mịn một màu cẩm thạch chợt đỏ bừng lên rồi tái nhợt lại như màu tuyết dưới trăng. Bà phải gắng gượng lắm mới giữ được thân hình khỏi lảo đảo. Mắt bà cố nhướng lên mà không nhìn thấy bóng Thái Phi Ỷ Lan ngồi ở đâu cả. Thực tại chung quanh bà nhạt nhòa trong một làn sương mỏng. Có tiếng Thượng Hậu cất lên đâu như từ phía sau bà: - Dương hậu đấy ư? Con lại ngồi đây với mẹ - Một bàn tay nhỏ nhắn xương xẩu nắm lấy bàn tay giá ngắt của bà kéo đi. Bà ngoan ngoãn bước theo Thượng Hậu lên ngồi ở ghế trên. Thượng Hậu lại gọi: - Còn Ỷ Lan đâu. Con lên ngồi cạnh mẹ đây. Nghe tên Ỷ Lan, lòng Dương Hậu lại bốc lên niềm oán hận khiến bà trấn tĩnh lại. - Lâu lắm ta thấy ít khi chị em bây được thân mật như thế này. Thượng hoàng Thái Hậu vừa nói vừa quay nhìn vào mặt Dương Hậu. Thái Phi Ỷ Lan vội đáp: - Dạ, tâu mẫu hậu, chúng con được thế này là nhờ có mẹ ngồi ở giữa ạ. - Còn Thượng Dương, con nghĩ thế nào? Phải chăng con có nhiều điều bất hòa không nói được? - Dạ, tâu mẫu hậu, chuyện xích mích có từ lâu nhưng toàn những điều vặt. Bất tất phải phiền đến tuổi già của mẫu hậu. - Ôi, giá được thế thì phúc đức cho dòng họ Lý. Nhưng ta e sự thể lại không tốt lành như vậy. Này Thượng Dương, có kẻ trong cung tố giác con muốn mưu hại Ỷ Lan, điều ấy có thật không? - Dạ, tâu mẫu hậu, miệng người đời thường hay dị nghị đặt bày. Con có chống chế thế nào đi nữa thì chắc mẫu hậu cũng không tin. - Không, ta đâu có tin da dẻ mà ngờ cật ruột. Nói phải có sách, mách phải có chứng. Quan Đô Tri đâu, hãy dẫn Lý Thông vào cho ta. Lời truyền của mẫu hậu vừa ban ra thì Lưu Khánh Đàm đã đưa Lý Thông vào quì mọp trước mặt Thượng Hậu. Bộ mặt thâm hiểm quắt queo của viên nội giám vừa hiện ra thì mối nghi hoặc thấp thỏm của bà được giải tỏ ngay. Lòng ham muốn sát hại Thái Phi lâu ngày đã trở thành trong bà một mối cám dỗ cuồng nhiệt, không sao cưỡng nổi. Trong tình thế cấp bách thiếu suy nghĩ lợi hại, bà đã trao tính mạng bà vào tay Lý Thông. Và tên nội giám đã lừa bà như lừa một đứa trẻ con dại dột. Giờ đây mối cám dỗ ấy đã dẫn theo sự trừng phạt hiển nhiên. Nội giám Lý Thông rập đầu xuống: “-Muôn tâu Thượng Hoàng Thái Hậu, đã từ lâu Thái Hậu Thượng Dương xui giục con giúp bà ám hại Thái Phi, mãi đến sáng hôm qua Thái Hậu mới trao cho tiểu thần một gói thuốc bảo phải lung lạc cho được ả thị nữ đầu bếp ở cung Kiều Hoa. Thái Hậu dặn: - Ta biết tính Thái Phi thường ăn chè sen vào lúc khuya. Chỉ cần bỏ một nửa gói này là đủ. Phải làm gấp, chức Đô Tri đang đợi mày đấy. Đó là sự thật, tiểu thần không dám khai man”. - Ta không tin vào những lời bịa đặt vu vơ. Thái Hậu đã sai phái người, ắt phải có gì làm bằng chứng. - Dạ muôn tâu, có chứng chỉ của Thái Hậu đây ạ. Vừa nói Lý Thông vừa dâng lên cái dải áo của hắn. Thái Hậu đưa ngón tay rút tờ chứng chỉ trong dải áo ra, quay hỏi Thượng Dương: - Có phải đây là vật làm tin của con không? Thượng Dương nói trong một hơi thở: Đúng là của con. Tùy mẫu hậu đèn trời soi xét. Thượng Hậu cố nén phẫn uất, chậm rãi nói: - Lâu nay ta ăn chay niệm phật tu nhân tích đức để vun trồng quả phúc cho con cháu. Đối với hai con dâu, ta coi ngang nhau, không cân nặng nhẹ. Thế mà nay vua Càn Đức mới lên ngôi, tuổi còn thơ dại, mọi quyền chấp chưởng trong triều đều phó thác vào tay con, vậy ma vừa mới lên nắm quyền binh, con đã mưu toan những chuyện tày đình. Thái sư Lý Đạo Thành, ngươi đứng đầu triều, phụ chính cho Thượng Dương ngươi có biết ít nhiều về chuyện này không? Đạo Thành bước ra, quì xuống: - Muôn tâu Thượng hoàng Thái Hậu, điều này quả thần chưa hề hay biết. Thượng Dương bỗng kêu lên: - Thưa mẫu hậu, việc con làm, con chịu, Tể Chấp không dính dấp gì đến chuyện riêng của con. - Thế ta hỏi, cái chuyện dọc đường có người mưu ám toán Lý Thường Kiệt, chắc Thái Sư cũng không hay biết? - Dạ điều này… dạ, muôn tâu… dạ muôn tâu… - Đạo Thành ấp úng. - Thôi chuyện của Đạo Thành có thánh thượng soi xét sau. Thánh Thượng chỉ giao ta phân xử việc này. Nay ta xét, Thái Hậu mới lên nắm quyền đã vì tị hiềm mưu hại Thái Phi, tội đáng muôn chết. Ta sẽ khải trình lên Thánh thượng, xin Người bắt giam Thái Hậu vào cung Thượng Dương chờ ngày đi theo hầu Tiên Đế để làm răn cho tam cung lục viện. - Dạ, tâu mẫu hậu, con xin tuân theo thánh ý của mẫu hậu. Vừa đáp, Thượng Dương vừa cúi gục đầu xuống. Nhưng niềm uất hận không ghìm được đẩy bà rướn thẳng người lên, đưa tay chỉ thẳng vào mặt Thái Phi Ỷ Lan, giọng bà rít lại: - Ta vì thấp trí thua mưu nên bị sa vào cạm bẫy của ngươi. Ngươi đừng tưởng ta không biết. Rồi bà cười nhạt, lững thững bước ra khỏi cung Long Đức. Tất cả mọi việc xảy ra trước mắt bà chóng vánh quá, thảng thốt quá, như trong một cơn ác mộng. Bốn ngày sau có chiếu của vua xuống bãi chức Thái Sư Tể Chấp của Lý Đạo Thành vì thân làm tể tướng đặt ở ngôi cao mà biết trái không nói, thấy sai không ngăn, nên giáng xuống làm thị lang, trấn thủ ở Châu Hoan. Trong những ngày sóng gió này, hơn ba nghìn quân cận vệ túc trực thay nhau canh giữ nghiêm ngặt bốn cửa thành. Đội quân tuần rầm rập kéo đi khắp các ngõ. Ban đêm cấm dân chúng đi lại. Những người có việc quan, cần đi phải thắp đèn lồng dán phù hiệu tộc huy và có lệnh bài của quan Kiểm hiệu. Cả kinh thành lại một phen rộn lên tiếng xầm xì bàn tán xôn xao. Một bà công nương trong hoàng tộc khẽ rỉ vào tai một vị phu nhân: - Nghĩ mà thương Thái Hậu. Con người hiền hậu, dễ thương ấy thế mà nay phải ngồi đợi chết trong cấm cung. - Nghe ông nhà tôi nói thì Thái Hậu cũng có tội kia mà. - Tội tình gì? Đàn bà ai chẳng có máu ghen. Nếu nói tội thì cả lũ chị em ta cũng có tội. Phái đàn ông thì bứt rứt nhiều về số phận quan Tể Chấp: - Lỗi là ở Thái Hậu chứ đâu ở Thái sư – Xử như vậy thì hơi quá đáng. Chẳng qua Thánh Thượng còn nhỏ tuổi, mẹ nói gì cũng nghe theo. - Thế là quan huynh quên mất bàn tay của Thái Úy rồi. Họ cùng một giuộc với nhau cả. - Tiểu đệ không nghĩ như vậy. Thái Úy đang ở Lạng Giang. Tiểu đệ không tin rằng cánh tay Thái Úy dài đến mức vươn đến kinh thành. Lại còn có tin nói Thái Úy suýt bị ám hại trên đường về. Rõ ràng người ta không muốn Thái Úy can dự vào việc riêng tay của họ. Một viên quan, ý chừng muốn tỏ ra mình nhìn xa thấy rộng hơn, khỏa hai tay ra đằng trước để kết thúc câu chuyện quá rườm lời: - Đây là một cuộc phân tranh văn võ trong triều. Bây giờ bên võ đã thắng thế. Có vậy thôi. Riêng đối với các bậc lão thần, vụ chính biến này còn để lại trong lòng họ nhiều ngậm ngùi, day dứt. Nhiều người đã để rơi những giọt nước mắt thương tiếc khi Tể Chấp Đạo Thành lên cáng lặng lẽ về trấn thủ đất Châu Hoan. Người ta không nhắc nhiều đến tên tuổi Thái Úy trong vụ này. Nhưng sự thật vai trò của Thái Úy ảnh hưởng không ít đến số phận của Đạo Thành và Thái Hậu Thượng Dương. Lúc đầu, Thái Phi Ỷ Lan khăng khăng đòi bắt Thượng Dương phải chết theo Tiên Đế sau một vài ngày giam giữ ở cấm cung. Mối hiềm cũ như gai đâm trước mắt, nhổ sớm ngày nào đỡ xốn xang ngày ấy. Còn đối với Đạo Thành, Ỷ Lan lại nhẹ tay hơn. Việc để Đạo Thành ở lại triều hay không, bà không quan tâm mấy miễn là đừng để Đạo Thành đứng đầu bá quan là được. Giữa Thái Phi và Thái Úy, ý kiến có đôi chỗ bất đồng. Thái Úy đã khẩn khoản van nài Thái Phi xin trì hoãn cuộc hành quyết, kéo dài ngày sống cho Thái Hậu. Không phải ông đã cảm thấy có gì ám muội không được minh bạch lắm trong lời khai của nội giám Lý Thông hay có chút trắc ẩn nào đối với sự mềm yếu dại dột của bà hoàng họ Dương này. Trong ông, chỉ có một ý nghĩ đơn giản: lúc này cái chết của Thái Hậu có ích lợi gì cho chính sự không? Ông hiểu rằng Thái Hậu đang được lòng cả Hoàng tộc và Thái Phi Ỷ Lan tuy không muốn nhưng cũng bấm bụng chiều lòng Thái Úy, chỗ tựa duy nhất từ nay của mẹ con bà. Vì vậy, mặc dù bản án của Thái Hậu đã được sĩ sư ghi vào sử sách, Thái Hậu vẫn kéo dài chuỗi ngày sống ảm đạm trong cung Thượng Dương. Nếu đối với Thái Hậu, Thái Úy còn nương tay thì đối với Thái Sư Lý Đạo Thành, ông càng khe khắt. Ông kiên quyết xin Thái Phi đưa Đạo Thành đi trấn phương xa. Dĩ nhiên yêu sách này của ông được Thái Phi dễ dàng chấp thuận. Nhưng chính Thái Phi cũng chưa hiểu hết được ý đồ sâu xa của ông. Việc của ông làm chỉ mình ông hay ông biết. Người thầy và cũng là người bạn đường tâm đắc duy nhất của ông, vua Lý Thánh Tông đã qua đời. Còn ai hiểu được ông? Còn ai có thể cùng ông nhìn thấy được cái đích trong mai hậu, thường ở ngoài tầm tên bắn… Lúc tan chầu, Thái Úy về dinh thì Hạnh Hoa đi thăm quan Tán Kị Thường Hiển, em ruột của Thái Úy, mới ở Châu Ái ra, cũng vừa về đến cổng. Thấy Thái Úy, Hạnh Hoa chạy vội vào: - Cha ơi! Con nghe tin cha bị kẻ gian ám hại trên đường hòe. Thế mà mọi người ai nấy cũng giấu con. Nàng cầm tay cha giật giật: Làm sao cha thoát nạn? Hạnh Hoa không biết rằng khi người yêu của nàng vừa rời khỏi Tiên Du thì rợn sáng hôm sau, Thái Úy đã có mặt ở trước điện Hàm Quang. Ở đấy, quan Đô Tri Lưu Khánh Đàm đã chực sẵn đón Thái Úy vào cung Kiều Hoa. Cả đoàn tùy tùng của ông vẫn đi theo chiếc kiệu son không người, đủng đỉnh về sau. Nhưng ông không muốn nhắc đến chuyện ấy, ông chỉ nói với con gái một câu cho qua chuyện: - Cha có chết cũng chết trên yên ngựa kia, chứ cha đâu có chịu chết vì một chút mưu nhỏ của đàn bà. - Cha ơi! Tên hèn hạ nào dám bắn lén cha đấy? - Chuyện đã qua rồi, con hỏi làm chi? - Trời ơi! Sao cha lại nói thế? Con không phải là con gái của cha ư? Thái Úy trầm ngâm giây lâu, rồi không biết nghĩ thế nào, ông lần tay lấy ra mũi tên:- Cha cho con biết nhưng con không được tiết lộ vì quan sĩ sư chưa xét đến việc này. Hạnh Hoa vồ lấy mũi tên từ tay bố, đưa lên tận mắt. Nàng chỉ kịp kêu lên một tiếng nghẹn ngào cụt ngủn: Lý Ngân! Rồi nàng đổ vật xuống như gốc liễu trước luồng gió dữ.