ôm sau, đám tang của bà lão ăn mày cử hành một cách âm thầm. Chiếc quan tài gỗ được đặt trên một chiếc xe lam của ông hàng xóm. Thằng Hà và má nó ngồi hai bên quan tài. Hợi chở Mẫn trên chiếc xe đạp cao lênh khênh, lọc cọc đạp theo sau. Vợ con anh và cả anh nữa không ai có áo tang để mà mặc. Hợi mặc bộ quần áo cũ kỹ thường ngày, đầu chỉ chít một chiếc khăn sô đơn giản. Chiếc xe chở áo quan đi trước anh bốn năm mét, lúc chạy nhanh, lúc chạy châm phụt khói trắng mịt mù. Hợi cúi gầm mặt xuống mà đạp theo sau, không chú ý gì đến phố xá. Từ khi đào ngũ về, đây là lần đầu tiên anh dám bước ra đường. Mẫn ngồi khuất sau lưng anh, mắt không rời khỏi chiếc xe lam chở quan tài đi trước. Chị Hợi ngồi trên xe vẫn còn khóc rưng rức, thỉnh thoảng lại kéo tà áo lên lau nước mắt hay nhoài người ra ngoài xe hỉ mũi. Đường phố vẫn tấp nập người qua lại. Đám tang quá đơn giản, quá âm thầm nên không ai buồn để ý, dòng người vẫn vội vàng, tấp nập và huyên náo. Mẫn nhớ tới chiếc xe bò chở quan tài của mẹ nó ngày trước, nó đi theo sau xe khóc sướt mướt. Buổi chiều đó trời im gió, có lúc hai con bò già dừng lại ngó mông lung lên trời, phe phẩy cái đuôi dài đuổi ruồi muỗi rồi chậm rãi bước tới. Mẫn không còn thấy ai chung quanh, nó chỉ thấy một khoảng trống nhấp nhô của gò đống, bụi gai và bia mộ, cái quãng trống lạnh lùng hoàn toàn không có liên hệ gì với thế giới con người. Chuyến xe ấy cũng buồn thảm như chuyến xe lam âm thầm đưa bà lão ăn mày đi ngang qua thành phố. Trên xe, thằng Hà rút gói chùm ruột trong túi ra, bốc ăn từng trái một. Nó muốn hỏi má sao bà nội nó chết, nhưng thấy má cứ khóc hoài nên nó buồn bã ngửa cổ tựa vào thành xe. Bỗng nhiên, nó nghe nhiều tiếng còi thổi. Dưới đường, một toán cảnh sát dã chiến, cảnh sát áo trắng và quân cảnh đứng dày đặc hai bên lề đường chặn xe cộ và bộ hành xét giấy. Hợi cũng bị chặn hỏi đột ngột, chặn lại trong lúc anh đang cắm cúi đạp xe, đang miên man suy nghĩ cách trả thù. Anh tập trung suy nghĩ khẩn trương đến nỗi không nghe thấy tiếng còi khiến hai tên quân cảnh cao lớn phải xách súng ra cản đường và kéo anh lại. Lúc anh giật mình ngẩng lên thì tình thế đã không còn cứu vãn được nữa rồi. -Xuống xe! Hợi nghe có tiếng quát và anh lẳng lặng làm theo. Mẫn cũng xuống xe đứng một bên. Thằng quân cảnh đưa tay lên chào lấy lệ và hỏi. -Cho coi giấy tờ. Hợi ấp úng nói: -Dạ… dạ. Tên quân cảnh xắng giọng lập lại: -Cho coi giấy tờ. -Dạ… em… bỏ quên ở nhà. -Giỡn mặt, cha. Thời buổi này ra đường mà quên giấy tờ ở nhà. -Dạ, thiệt tình em bỏ quên giấy tờ ở nhà. Dạ, mắc đưa bà già em đi chôn, dạ… tang gia bối rối quá nên em quên. Tên quân cảnh ngó quanh quất: -Đâu? Chôn ai đâu? Xe tang đâu? Tao có thấy đám ma nào qua đây đây? Đ.m… mày xí gạt tao hả? -Dạ, đâu có… dạ, xe tang đậu đằng kia. Theo ngón tay chỉ, tên quân cảnh nhìn thấy một chiếc xe lam vừa đậu lại cách chỗ xét giấy tờ chừng mười mét. Hợi bồi một câu: -Dạ trung sĩ nhìn lên đầu em đi. Em đang có tang không lẽ lại đi nói dối. Tên quân cảnh quay lại ngó Hợi một lúc khá lâu rồi cười nhạt: -Có tang thì có tang chứ ăn nhậu gì tới tao –Nó hất hàm bảo Mẫn –Ê! Thằng nhỏ chạy về nhà lấy giấy tờ đem đây coi. Mẫn tức lộn ruột. Nhìn thằng này sao Mẫn cứ nhớ tới cái mặt của thằng cảnh sát đánh nó ngày nào. Tuy vậy, nó đành bấm bụng xuống nước năn nỉ giúp Hợi: -Dạ thưa trung sĩ, ở nhà ảnh đâu còn ai. Lo đi đưa đám ma hết rồi. Thằng quân cảnh ra hiệu cho Hợi dắt xe đạp đứng lên lề đường rồi thản nhiên lấy thuốc lá ra hút, xem như chuyện ấy đã được giải quyết xong. Cách đó một cái trụ điện, một thằng quân cảnh khác lững thững đi lại chỗ Hợi đứng, cười khà khà và nói: -Ê, làm nghề gì cha nội? -Dạ, em làm thợ mộc. -Sao không đi lính? -Dạ, em hoãn dịch gia cảnh. -Giấy tờ đâu? -Dạ… em đi đưa đám ma bà già (Hợi lại chỉ cái xe lam) nên em rối trí quá bỏ… Hợi ngừng nói nửa chừng. Rõ ràng anh thấy đôi mắt thằng quân cảnh trợn lên một cách dữ tợn rồi bất thình lình nó chụp lấy cổ tay anh vặn tréo: -Cái gì đây? –Tên quân cảnh hét lên –Đ.m. mày, chữ gì xâm lên cổ tay đây? Mẫn hoảng hốt quay lại. Thôi hết đường chối cãi. Cái thứ lính thủy quân lục chiến chết tiệt ấy thực là hiểm độc, chúng bắt thằng lính phải xâm trên tay chữ TQLC bằng chàm xanh lè không cách gì xóa nổi. Hợi tái mặt vì sợ, nhưng ngay lúc ấy anh thấy chiếc xe lam chở quan tài mẹ anh bị một tên quân cảnh khác đuổi đi và vợ anh thì gục mặt xuống khóc nức nở. Anh van tụi quân cảnh: -Mẹ tôi chết, các anh không thể cho tôi đi chôn mẹ tôi sao? Nhưng tên quân cảnh đã rút một chiếc còng số 8 ra và nạt: -Câm miệng, đừng có nói lạng quạng nữa tao đá vô ba sườn bây giờ. Trước mặt Hợi lập tức hiện ra căn phòng nghẹt người ở quân lao với đủ loại lính đầu trâu mặt ngựa, rồi hình ảnh những thằng lao công đào binh bị cạo đầu trọc lóc, ăn mặc rách rưới tả tơi, thất thểu trên các mặt trận. Bỗng nhiên nỗi căm thù bùng sôi lên trong anh như một ngọn sóng sủi bọt đỏ ngầu. Anh dùng hết sức xô ngã tên quân cảnh xuống đường rồi chạy như bay về phía chiếc xe lam chở quan tài mẹ anh. Tên quân cảnh bắn chỉ thiên mấy phát nhưng Hợi vẫn cứ chạy. Lúc ấy, tên nằm dưới đất cũng lồm cồm bò dậy, thấy Hợi vừa bấu được thành xe lam, hắn rút khẩu súng côn ra khỏi bao, lên đạn và bắn liền ba phát. Hợi té gục xuống, trán đập mạnh xuống sàn xe bật máu nhưng hai cánh tay anh vẫn còn bám chặt những song sắt. Chiếc xe tang từ từ đậu lại. Mẫn cũng chạy đến nơi. Khi nó ôm lấy tấm thân to lớn của Hợi thì hai bàn tay của anh cũng đã rời khỏi thành xe. Mẫn cố hết sức đỡ anh nằm xuống đường cái và lay gọi, giọng đầy nước mắt: -Anh Hai! Anh Hai! Em sẽ trả thù. Hợi mở mắt ra, cái nhìn mờ nhạt, anh nói: -Em hãy trả thù, em đến tìm anh sinh viên. Anh chết, Mẫn à… anh gởi lời thăm anh ấy. Mẫn cắn môi để ngăn tiếng khóc. Máu Hợi thấm ướt hai bàn tay run lẩy bẩy của nó. Lúc ấy người đi đường đã bu lại khá đông, quanh xác chết, quanh chiếc xe tang và quanh hai mẹ con chị Hợi đang la hét điên cuồng.