Chương 11

    
m đã bật khóc. Em đã không sao ngăn nổi dòng nước mắt đẫm ướt trên khóe mắt. Trời ơi! Anh đã đứng trên tầng hai của ngôi nhà trọ nhỏ trên núi nằm ngay bên cạnh đầm Ddokko ấy và lặng lẽ dõi theo bóng hai mẹ con đi qua đó ư?! Không chỉ thế, anh còn đứng lặng bên khung cửa sổ hàng mấy giờ đồng hồ để đợi hai mẹ con em quay trở lại trên con đường có những tia nắng xuyên qua kẽ lá dọc đầm Ddokko ấy nữa chứ! Em thật không thể ngờ nổi. Em chưa biết mình sẽ viết điều gì ở lá thư này. Chưa kịp nghĩ xem mình sẽ viết gì, vậy mà cứ nhìn lên trang giấy viết thư là nước mắt em lại chực trào ra. Aki trông thật đủ đầy, khỏe khoắn. Sao anh lại viết như thế? Phải chăng so với những người vợ của mọi gia đình bình thường khác ngoài xã hội, có thể nói là em dư dật hơn, trên người cũng chẳng có chỗ nào gọi là xấu cả. Nhưng, anh đã không viết là trông Aki thật hạnh phúc. Em hiểu rõ anh đã cố tình không viết như vậy. Khi ấy, anh đã quan sát em rất kỹ càng đúng không? Chính bởi thế mà anh đã đứng lặng bên khung cửa sổ hàng mấy giờ đồng hồ để đợi và nhìn em, bởi biết đâu em sẽ lại quay trở về trên con đường trước cửa ngôi nhà trọ nhỏ trên núi đó. Chắc chắn đúng là thế rồi. Em cứ thế vừa đọc thư anh mà nước mắt lưng tròng. Đến đoạn anh kể về câu chuyện lạ lùng đó của mình, em đã vô cùng bàng hoàng. Khi đọc xong, đầu óc em choáng váng, em đã phải ngồi im một lúc lâu cho tâm trí tỉnh táo trở lại. Sau đó, em đọc lại một lần nữa những dòng thư anh kể về những gì mình đã cảm thấy, đã nhìn thấy khi ở trong trạng thái chết. Em đã đọc chỗ đó không biết bao nhiêu lần. Có lẽ, những điều đó vượt quá tầm hiểu biết của em. Anh đã dùng cụm từ “cái ác và cái thiện do chính tôi gây nên”, nhưng bản thân em cũng không hiểu ý nghĩa của từ cái ác và cái thiện ấy. Tóm lại, từ cái ác mà anh nói đó là gì vậy? Đầu óc em không sao lý giải nổi ý nghĩa của từ đó. Em chỉ hiểu rằng anh không viết ra những điều giả dối mà anh không hề nhìn thấy, đó là những gì mà anh đã thực sự trải qua. Song, em thấy lúng túng, không biết phải viết thư hồi âm cho những điều anh đã viết thế nào đây. Hay là em không nên đề cập đến những nội dung anh đã viết trong thư thì hơn. Lúc này, em nghĩ mình cần phải cất giữ trong lòng những điều đó, như là một câu chuyện kỳ lạ mà anh chỉ hé lộ cho riêng mình em biết mà thôi. Em rất biết ơn anh vì anh đã đọc hai lá thư rất dài của em, rồi lại còn gửi cả thư hồi âm đến cho em nữa. Chắc chắn lần này, anh cũng sẽ lại viết thư hồi âm cho em nữa phải không? Đó vẫn là linh cảm quen thuộc của em. Nghĩ đến việc anh lại đọc những trang thư em viết, rồi sẽ tiếp tục viết thư gửi cho em, em cảm thấy điều gì đó như niềm hạnh phúc đến trong lòng, rồi phấp phỏng, những cảm giác mang hơi hướng trái luân thường đạo lý. Chắc anh lại mỉm cười chua chát chứ gì? Nhưng, sự trao đổi thư từ qua lại giữa chúng ta (trong trường hợp anh vẫn viết thư hồi âm cho em) rồi đến một lúc nào đó sẽ phải kết thúc. Em biết rõ điều đó mà.
Hôm nay, em cảm thấy rất xúc động, nên vẫn chưa tìm được từ ngữ nào để viết và cũng chưa biết nên bắt đầu viết từ cái gì. Vậy thì, có lẽ em nên để một vài ngày nữa, khi tâm tư lắng xuống rồi mới cầm bút viết tiếp thì hơn. Nhưng, bởi nhận được thư hồi âm của anh từ hôm qua, nên em nóng lòng muốn gửi ngay thư cho anh. Mấy hôm trước, chồng em đi công tác ở Mỹ, nên em có thể dành nhiều thời gian hơn cho riêng mình. Từ hôm anh ấy về, em lại quay trở về với những công việc bận rộn thường ngày của một người nội trợ trong gia đình. Thêm nữa, sáng nay, sau khi chồng em rời nhà đi làm, bé Kiotaka cứ ở lì trong phòng và không muốn đến trường. Khi em hỏi lý do tại sao, thằng bé chỉ trề môi, rồi nằm co người trên giường với vẻ mặt tủi thân giống như mọi lần, rồi im không hé răng nói lời nào. Chắc chắn là thằng bé lại có chuyện gì ở trường rồi. Thằng bé không diễn đạt được đầy đủ những điều mình muốn nói, nên mỗi khi có chuyện gì, nó lại làm nũng mẹ bằng cách như thế. Khi em nghiêm mặt mắng thằng bé, thì bố em trong chiếc áo vét vừa khoác vào người, đang ngồi chờ xe công ty đến đón nói chen vào rằng, nếu nó không muốn đến trường thì thôi, không đến cũng được chứ sao, hãy để cho thằng bé làm như nó muốn. Lần nào cũng vậy. Giữa bố và em có sự bất đồng quan điểm về việc này. Bố thì cho rằng, thằng bé với một cơ thể như vậy, tại sao lại không chiều nó hơn một chút. Còn em thì thấy, chính vì là một đứa trẻ như vậy, nên tuyệt đối không được để cho bé khóc lóc than thân trách phận, hay quá nuông chiều thằng bé.
Lúc cả nhà phát hiện ra việc bé Kiotaka bị khuyết tật bẩm sinh là khi thằng bé mới chỉ được một tuổi ba tháng. Thằng bé không biết ngồi, cũng chẳng thấy bò gì cả. Nét mặt ít thay đổi. Phản ứng của nó với tiếng động và mọi thứ xung quanh cũng rất chậm. Chừng nửa năm trước đó, em cũng đã có cảm nhận rằng đứa trẻ này hơi lạ, có cái gì đó không bình thường, nhưng em rất sợ linh cảm ấy của mình là đúng, nên cứ chần chừ kéo dài thêm thời gian, không muốn đưa thằng bé đến bệnh viện khám. Em có đọc một cuốn sách hướng dẫn về cách chăm sóc trẻ sơ sinh, ở đó người ta có ghi là, có những em bé mới năm tháng tuổi đã biết ngồi, nhưng cũng có những bé hơn tám tháng mà vẫn chưa ngồi được, nên em đinh ninh rằng chắc chắn là Kiotaka biết ngồi chậm hơn nhiều so với những đứa trẻ khác rồi. Nhưng, khi thấy con trai mình đã một tuổi ba tháng mà vẫn chưa biết ngồi, em không thể không khỏi lo lắng. Bác sĩ thông báo rằng: “Bắp thịt của thằng bé cứng đờ như thế này khiến tôi có cảm giác cháu bị một chứng bệnh nhẹ nào đó, nhưng kết quả khám đã cho thấy cháu bị chứng bại não bẩm sinh”. Em không nhớ nổi vào cái hôm nhận được cái tin đó, mình đã ôm con, rồi đi đường nào và bằng cách nào để về đến nhà.
Chiều tối, em cứ thế ngồi khoanh chân bên cạnh chiếc cũi trẻ con, ôm chặt bé Kiotaka trong lòng, mắt thẫn thờ vô định nhìn xuống tấm thảm cho đến khi chị Ikuko bước vào phòng với vẻ mặt lo lắng. Khi ấy, vây quanh em là sự xáo trộn và nỗi chua xót đến khôn cùng. Em đã mất hết lý trí. Nhưng hết đêm, khi tỉnh dậy thay bỉm cho con, một ý nghĩ ập đến với em. Mình không làm điều gì xấu cả. Vậy, tại sao mình lại phải gặp điều bất hạnh này chứ? Rồi em nhìn khuôn mặt chồng mình lúc anh ấy đang ngủ. Một suy nghĩ bất ngờ vụt thoáng qua trong tâm trí em. Nếu như con mình được sinh ra bởi mình và anh Arima Yasuaki, có lẽ Kiotaka sẽ là một đứa trẻ hoàn toàn khỏe mạnh và hoàn thiện. Thật là một ý nghĩ đáng sợ. Em đã có ý nghĩ coi thường chồng mình ư? Nhưng đúng là em đã nghĩ điều đó một cách nghiêm túc. Kiotaka là đứa trẻ được sinh ra bởi em và anh Katsunuma Soichiro. Nếu mình không kết hôn với người đàn ông này, có lẽ mình sẽ không sinh ra một đứa trẻ như Kiotaka đâu. Tất cả là tại anh, là tại người đàn ông có tên Arima Yasuaki. Người ấy đã làm mình phải sinh ra một đứa trẻ đáng thương là Kiotaka này đây. Em nghĩ rằng, chắc chắn lúc đó, dưới ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn nhỏ, nét mặt em trông hệt như một con quỷ vậy. Mình sẽ không tha thứ. Suốt đời này mình sẽ không tha thứ cho con người có tên Arima Yasuaki kia đâu. Em gào thét trong lòng, tại anh, tại anh cả. Kiotaka càng lớn, căn bệnh bẩm sinh của bé càng bắt đầu lộ rõ trước mắt mọi người trong gia đình. Và, cùng với điều đó, nỗi căm hờn của em đối với anh cũng ngày càng quyết liệt và khắc sâu hơn.
Ôi! Em đang ở trong tâm trạng vô cùng xúc động. Tay em run rẩy, đầu ngón tay cũng mất hết sức lực rồi. Nỗi xúc động khi đọc lá thư của anh và nỗi xúc động của những ngày trước, khi em ôm nỗi hận với anh đến mức chính em cũng cảm thấy sợ ấy, đan xen chồng chất vào nhau, khiến em không còn biết được cái gì là cái gì nữa. Mong anh hãy tha lỗi cho em. Có lẽ đêm nay em nên dừng bút ở đây thôi. Dù anh không viết thư hồi âm, em sẽ vẫn gửi tiếp thư cho anh. Lúc này, nước mắt em lại trào ra. Tại sao đêm nay, nước mắt em lại rơi nhiều đến thế này kia chứ...? Có chuyện gì vậy chứ...?
Chào anh.
Ngày 3 tháng 8
Katsunuma Aki
Chào em!
Tôi đã đọc bức thư với những nét chữ run run của em, nét chữ bình thường vốn rất đẹp, vậy mà càng về cuối thư, những nét chữ ấy lại càng trở nên thật rời rạc và méo mó. Đọc xong thư, tôi vẫn ngồi tại quầy bar của một quán rượu nhỏ ở phía sau nhà ga, nơi đã suốt một thời gian dài tôi không hề lui tới, rồi cứ thế một mình nhâm nhi ly rượu tới tận khi quán đóng cửa. Đã lâu rồi tôi mới lại ngồi uống rượu như vậy. Vừa uống rượu, tôi vừa nghĩ ngợi với một tâm trạng nặng nề rất lạ, xen lẫn những suy tư tự trách bản thân. Phải rồi, kẻ đã đem đến cho em đứa trẻ với căn bệnh khuyết tật bẩm sinh đó chính là tôi. Rồi, tôi cứ thế đắm chìm trong những suy nghĩ u ám, rằng cái ngày tôi vô tình ghé qua quầy chăn ga gối đệm ở tầng sáu chỗ cửa hàng bách hóa tại Kyoto, ồ không, quay ngược dòng thêm chút nữa đi, cái ngày tôi đặt chân xuống nhà ga Đông Maizuru để đến làm con nuôi vợ chồng cô chú Ogata sau khi bố mẹ mình qua đời, hồi tôi mới là cậu bé học sinh trung học, phải chăng đều có mối liên hệ với số mệnh của mình. Đúng vậy. Đúng như lời em nói. Mọi thứ là tại tôi. Tội lỗi ấy, bản thân tôi đã và đang phải gánh chịu trong mười năm qua. Tâm tư tôi cứ miên man theo những ý nghĩ ấy, nên chẳng để ý tới việc mình cứ thế nốc cạn không biết bao nhiêu ly whisky rồi nữa. Người chủ quán cũng cùng độ tuổi với tôi thi thoảng lại đến bên cạnh tôi bắt chuyện, nhưng tôi chẳng hề đáp lại một câu nào, chỉ mải miết nhìn vào thứ chất lỏng đựng trong ly rượu ấy. Những người khách đến quán rượu này thường là những tên du côn làm việc tại cửa hàng pachinko(7) gần đó, đó là những công nhân bất mãn làm việc tại một nhà máy nhỏ của thành phố, là những kẻ vô công rồi nghề không có việc làm ổn định, thường xuyên lởn vởn ở nơi có các cuộc đua xe đạp hay cuộc đua thuyền hòng kiếm lời ngay tại chỗ đó mà thôi. Thi thoảng, cũng có lác đác đôi ba người trông tử tế đến uống rượu tại đây, khiến tôi cũng thấy thầm thán phục. Những người ấy cứ vừa tự nhiên nhả khói thuốc lá vừa đến tán tỉnh, ve vãn cô vợ trẻ của ông chủ quán (họ giấu không muốn cho khách biết điều này đâu, nhưng chỉ thoáng nhìn là tôi nhận ra ngay), rồi đùa đùa cợt cợt, tung ra nhưng tràng cười hô hó, hầu hết lũ bọn họ như chẳng muốn về, say sưa ở đó cho đến khi quán đóng cửa mới thôi.
7. Pachinko: Là cửa hàng trò chơi đánh bạc, cực kì phổ biến ở Nhật Bản. Máy pachinko hiện đại là sự kết hợp giữa máy bắn bi (pinball machine) và máy bán hàng tự động (slot machine). Trò chơi pachinko mang lại cho người chơi những giây phút hồi hộp thú vị, góp phần làm giảm stress cho họ.
Trước đây, tôi đã từng viết điều này trong thư về Seo Yukako rồi thì phải. Sau khi tôi bị ném xuống biển ở Maizuru vào tầm tháng Mười một, rồi Yukako cũng lao xuống biển bám theo tôi, tôi và Yukako đã đi về nhà nàng trong tình trạng ướt như chuột lột. Khi chúng tôi thay xong quần áo, ngồi đối mặt nhau trong căn phòng của Yukako trên tầng hai với cái lò sưởi điện đặt giữa hai đứa, với động tác lả lơi mà người ta không thể nghĩ được rằng đó là của một cô bé thiếu nữ mười bốn tuổi, má nàng dần kề sát vào má tôi, môi nàng dần chạm vào môi tôi. Sau khi kể lại như vậy, chắc chắn tôi đã đưa thêm một từ này vào đoạn tường thuật đó. Tôi đã viết, có thể nói, ở độ tuổi mười bốn, những hành động không chút chần chừ trước mặt một cậu con trai ấy của nàng thể hiện cái nghiệp mà Seo Yukako mang. Trong khi tâm trí bắt đầu chuếnh choáng bởi hơi men, tôi đã nhớ đến nội dung đoạn thư mình đã viết ấy. Vừa viết, tôi vừa tự hỏi, vậy thì cái nghiệp ấy là gì nhỉ. Tôi đã miên man nghĩ ngợi hồi lâu. Đâu đó trong tâm trí tôi lại cảm nhận thấy những đụng chạm cơ thể của Yukako. Trong lúc đang lâng lâng ấy, tôi có cảm giác mình bắt đầu lờ mờ biết được thế nào là hình thù của cái vật nào đó cứ bám riết lấy và không có ý định đi xa khỏi chính mình khi đang ở trong trạng thái chết ấy. Có phải tất cả những hành động tôi đã gây nên, và không chỉ có thế, ngay cả những điều chưa hiển hiện thành hành động, và những tinh thể của lòng hận thù, của nỗi tức giận, của tình thương yêu, của sự ngốc nghếch mà tôi vẫn hằng ôm ấp trong lòng mình đã được khắc tạc vào sinh mệnh một cách rõ nét, biến thành những tì vết không bao giờ xóa tan đi được rồi phang vào tôi khi tôi đang lưu lạc sang cõi chết. Và, tôi có cảm giác, bằng việc hồi tưởng lại những hình ảnh của Yukako, tại đâu đó, cái suy nghĩ ấy sẽ dần đi đến để kết nối với từ cái nghiệp, cái từ mà trong một tích tắc đã đi qua tâm trí tôi. Dù rằng không biết được tại sao chúng lại kết nối với nhau, tôi vẫn đinh ninh rằng chúng sẽ kết nối với nhau tại một điểm nào đó. Nhưng, tôi dần trở nên say mèm. Ánh sáng lờ mờ màu tím nhạt của ngọn đèn cũ ở quán rượu và những chai rượu whisky được xếp cạnh nhau thành một dãy hòa lẫn vào nhau, rồi quay tít thò lò. Và tôi cảm thấy khó thở. Tôi không rõ bao thời gian đã trôi qua. Có ai đó vỗ vỗ vào vai tôi từ đằng sau. Tôi cố sức nhìn vào người đó với cái đầu nặng trĩu. Một người phụ nữ đang đứng ở đó. Reiko, cô gái hiện sống cùng tôi,tôi hấy sốt ruột nên đến đón tôi về. Hình như Reiko đang trả tiền cho ông chủ quán rượu. Tôi lảo đảo mở cửa ra khỏi quán, và bắt đầu bước đi. Một con chó đứng bên vệ đường. Tôi nghĩ mình còn thấp hèn hơn cả con chó kia. Lèo tèo một vài người vừa xuống khỏi chuyến tàu cuối cùng đi vượt lên trên tôi, rồi từng người, từng người một mất hút theo các lối về của mình. Tôi nghĩ, ai trong số họ cũng!!!14763_13.htm!!! Đã xem 10002 lần.