Chương 13

    
eiko đã thủ thỉ kể cho tôi nghe một câu chuyện với nội dung như vậy. Khi kể xong, cô vùi mặt vào cánh tay tôi. Ngạc nhiên, bất giác, tôi ôm lấy bờ vai cô ấy. Việc một mình kể chuyện cho tôi nghe như thế, cả việc tự chủ động xích lại gần tôi như thế, tất cả đều là những hành động lần đầu tiên, chưa bao giờ có của cô ấy. Dù vậy, vẫn với giọng nhát gừng, tôi hỏi cô ấy rằng, tóm lại cô kể cho tôi nghe chuyện này là nhằm nói điều gì với tôi. Có vẻ quá mệt mỏi sau khi kể chuyện cho tôi nghe, Reiko thở hắt ra một cái thật mạnh rồi bảo thế này. “Là bởi em có cảm giác anh sẽ chết mất”. Tôi lại tiếp tục sỗ sàng hỏi, tại sao tôi lại chết? Reiko mấp máy môi, lúng búng định nói điều gì đó, nhưng lại im bặt. Cô ấy kể cho mình nghe câu chuyện kì bí ấy của bà cụ để làm gì nhỉ. Tôi vừa nhắm mắt vừa nghĩ như vậy, nhưng bàn tay trái của bà của Reiko, bàn tay bị thiếu một ngón bẩm sinh cứ đung đưa trước mắt tôi như thể chính tôi đang thực sự nhìn thấy nó vậy. Và cả cái câu đã được người thanh niên có tên Kensuke, người đã tự sát hại mình tại khu rừng ở Miến Điện viết, rồi lưu lại vào sổ tay, “Tôi không phải là một người hạnh phúc”, cứ lặp đi lặp lại trong tâm trí tôi, khiến tôi không sao chợp mắt được. Tôi thì thầm khẽ bảo với Reiko, cởi quần áo ngủ ra đi nào. Cô ấy ngoan ngoãn làm theo. Tôi tung chăn, ngồi dậy, ghì chặt lấy cơ thể đang ngại ngùng hơn mọi lần khác của Reiko, ân ái với cô ấy bằng tất cả ham muốn, xối xả xả hết ra tất cả những gì chất chứa trong bản thân mình, rồi ngay lập tức buông người cô ấy ra và đổ vật xuống chăn. Rồi tôi quay lưng lại phía cô ấy, cố thở đều để chìm vào giấc ngủ. Một hồi lâu sau, Reiko lại bắt đầu nói. “Em thấy việc đó rất hay đấy anh ạ”. Cô ấy nói vậy, rồi cọ cọ má vào lưng tôi. Tôi vờ như không hay biết. Nỗi mệt mỏi, khó chịu khi cơ thể bắt đầu tỉnh rượu ập đến, làm tôi không thể ngủ ngay được. Reiko lại khẽ nói. “Tại sao bà em lại không thể nói được với em rằng, một người trong số bốn người con của bà đã mất không phải do tử trận, mà là bởi tự sát thế anh nhỉ?”. Tôi cũng nghĩ, không hiểu sao lại thế nhỉ, nhưng chẳng thiết tha đáp lại cô ấy. Bởi với tôi, chuyện đó chẳng can hệ gì với mình. Thế rồi, tôi ngủ lúc nào không hay. Sáng hôm sau, choàng tỉnh dậy khi đã muộn, tôi thấy Reiko bày một loạt giấy ở trên chiếc bàn nhỏ trong bếp. Cô ấy đang ngẫm nghĩ và viết lách cái gì đó. Tôi hỏi, em đang làm gì đấy. Cô ấy cười và trả lời bằng câu nói giống đêm qua đã nói với tôi: “Em thấy việc đó rất hay đấy anh ạ”. Rửa mặt xong, tôi ngồi xuống đối diện với Reiko, thong thả châm lửa hút một điếu thuốc lá cho tỉnh ngủ. Reiko đang ghi vào giấy rất nhiều các con số, vẽ một hình chữ nhật, rồi viết chữ vào đó. “Đố anh biết em tiết kiệm được bao nhiêu tiền rồi?”. Reiko hỏi tôi trong khi mắt vẫn không rời các mảnh giấy. Mặc dù đã từng nhìn trộm cuốn sổ tiết kiệm của cô ấy được cất ở tít bên trong chiếc tủ treo quần áo, nhưng tôi vẫn trả lời là không biết, rồi bảo cô ấy đi pha cho mình một tách trà lúa mạch. Mọi lần, bao giờ cô ấy cũng lấy ngay cho tôi. Nhưng hôm nay, cô ấy chỉ tay về phía tủ lạnh, trong khi mắt vẫn cứ dán chặt vào các mảnh giấy và bảo, em đã để sẵn ở trong đó rồi, anh tự lấy rót vào cốc đi. Tôi đành phải tự ra mở tủ lạnh. Ngay lúc ấy, Reiko thốt lên: “Ba triệu hai trăm nghìn yên đấy anh ạ”. Rồi cô ấy ngẩng lên, chằm chằm nhìn tôi, cười tủm tỉm với vẻ mặt như đang che đậy một âm mưu gì đó, và phấn khởi nói: “Ngoài ra em còn khoản tiền gửi tiết kiệm định kỳ là một triệu yên nữa. Mùng ba tháng sau là sẽ đến hạn rút”. Nếu em không phải gửi tiền sinh hoạt hằng tháng cho bố, chắc chắn là em đã tiết kiệm được hơn thế này rất nhiều rồi, nhưng em và chị gái mà không gửi, thì khoản lương hằng tháng của mẹ chẳng thể nào đủ chi tiêu cho gia đình. Cho nên, em phải làm vậy. Cô ấy giải thích như thể đang xin lỗi tôi vậy. Tôi lẩm bẩm, cách nói của em cứ như là em đang tiết kiệm tiền cho tôi ấy. Cô ấy lạnh lùng đáp lại, em không có ý định đó đâu. Tôi cười và bảo, anh đùa thôi mà. “Em mới chỉ biết anh được có một năm thôi. Làm gì có chuyện một năm mà tiết kiệm được tới bốn triệu hai trăm nghìn yên?”. Cô ấy bảo vậy, rồi với cặp mắt tròn đang ánh lên một nụ cười vui sướng, cô ấy nói với tôi về ý tưởng kinh doanh mà mình đang ấp ủ. Cái ý tưởng ấy Reiko chợt nảy ra tại một tiệm thẩm mỹ mà cô ấy thường hay lui tới. Hồi này, các tiệm thẩm mỹ cạnh tranh nhau rất khốc liệt. Trung bình một dãy phố có năm hoặc sáu cửa hàng, nơi nào nhiều thì có tới gần mười cửa hàng đứng cạnh nhau ganh đua. Bởi vậy, mỗi một cửa hàng đều cố gắng tiếp thu những kỹ thuật mới và mang các dịch vụ tốt nhất đến cho khách hàng. Nhưng vấn đề khiến người ta đau đầu nhất là phương thức tuyên truyền, quảng cáo. Tại tiệm thẩm mỹ mà em hay đến, người ta làm bản giới thiệu hằng tháng về cửa hàng và phát cho khách hàng. Thế nhưng, người ta không in tới tận mấy chục nghìn bản, nên giá thành của một bản rất cao. Hơn nữa, nếu tháng nào cũng làm thế thì sẽ rất bận rộn, nên gần đây, người ta đã đặt một xưởng thiết kế nhỏ ở đâu đó làm giúp phần việc này. Nhưng, làm vậy thì chi phí thiết kế cho nó lại càng cao hơn nữa, nên họ đang gặp khó khăn trong việc này. Em biết được điều này từ câu chuyện của người chủ thẩm mỹ viện đó, nên đã nghĩ ra ý tưởng này. Reiko giải thích đến đó, rồi cho tôi xem những nội dung mà cô đã viết ra giấy. Đó là một mảnh giấy được gập làm đôi, trông giống như một tạp chí PR của cửa hàng phát cho khách bao gồm nội dung dịch vụ và phần quảng cáo. Trên đầu trang đầu tiên là một cột hình chữ nhật, bên trong có viết tên cửa hàng, tên người quản lý, cả địa chỉ và số điện thoại của cửa hàng. Cạnh đó là tên của cuốn tạp chí PR được viết to, tuy nhiên, đó mới chỉ là một cái tên được đặt tạm, chứ chưa phải tên chính thức. Reiko bảo ở trang thứ nhất, ngoài những nội dung đó ra, sẽ còn đăng ảnh của một loài hoa tiêu biểu cho từng mùa của mỗi tháng. Cô ấy giở tiếp hai tờ giấy gập khác, cho tôi xem trang thứ hai và trang thứ ba. Cô ấy bảo ở đó sẽ có những bài viết chẳng hạn về cách dùng dầu đúng cách khi gội đầu ở nhà, phương pháp chăm sóc da, cách nấu những món ăn ngon, giới thiệu những kiểu tóc mới, còn ở trang cuối cùng, trang thứ tư, em đang nghĩ tiếp xem nên đăng cái gì. Mắt Reiko sáng lên, rồi cô vừa vươn người ra vừa dùng đầu bút chì trỏ vào khung hình chữ nhật ở trên trang bìa và bảo, đây là điểm mấu chốt đây. Những nội dung khác thì sẽ giống nhau, nhưng những chữ như tên của cửa hàng và tên người quản lý sẽ thay đổi theo từng cửa hàng. Tôi im lặng ngồi nghe Reiko nói. Reiko tiếp tục câu chuyện của mình. Hôm vừa rồi, em đến một xưởng in nhỏ và hỏi thử xem một bản như vậy hết bao nhiêu tiền. Họ cho biết, nếu in với số lượng ba vạn bản và in hai màu, họ sẽ in giúp với giá tiền khoảng chừng bảy hay tám yên một bản. Giả sử em in một bộ gồm hai trăm bản cho một cửa hàng rồi bán với giá bốn nghìn yên, rồi có được một trăm năm mươi cửa hàng đặt hàng để có thể in với số lượng ba vạn bản, thì đây sẽ là một mối làm ăn kha khá. Với cách thức này, các cửa hàng có được cuốn tạp chí PR khá đẹp, ghi đầy đủ tên, số điện thoại của cửa hàng, và trong mỗi cuốn tạp chí đó lại có đăng cả những bài viết mà cửa hàng đó muốn đưa thêm vào, với giá tiền hai mươi yên một bản, vị chi kinh phí quảng cáo cho một tháng là bốn nghìn yên. Thế thì các tiệm thẩm mỹ cũng thấy hứng thú cho mà xem. Doanh thu cho một trăm năm mươi cửa hàng sẽ là sáu trăm nghìn yên. Nếu bảy yên một bản, chi phí cho in ấn sẽ là hai trăm mười nghìn yên. Kể cả trừ đi tất cả các khoản chi phí khác, số tiền lãi vẫn lên tới ba trăm nghìn yên. Phần thuyết minh của Reiko đại khái như vậy. Mới nghe một lần, tôi không hiểu lắm, nên yêu cầu cô ấy giải thích thêm một lần nữa. Reiko giải thích lại cho tôi nghe, với giọng còn hào hứng hơn cả lần trước. Tôi hỏi cô ấy các chữ trong khung hình chữ nhật đó sẽ được in thế nào. Bởi vì tôi cho rằng ba vạn bản in ấy sẽ phải chuyển đổi lại ký tự tới một trăm năm mươi lần tương ứng với số lượng cửa hàng đặt hàng. Và nếu làm như vậy, sẽ không thể nào làm được với giá bảy, tám yên một bản. Reiko bảo không phải làm như thế. Cô ấy trả lời rằng, cái ô chữ nhật ấy ban đầu sẽ được để trống, rồi in đồng loạt thành ba vạn bản, sau đó sẽ chế tác riêng phần ký tự nằm trong ô vuông ấy, rồi lại một lần nữa in thêm những nội dung được chế tác riêng kia vào phần để trống ở ban nghìn bản đã in kia theo hai trăm bộ một. Tôi hỏi liệu có làm được như thế không. Reiko cười và đáp lại, ông chủ xưởng in đã đảm bảo với em là cách làm ấy cực kỳ đơn giản. Thế nhưng, mặc dù giá thành quảng cáo rất rẻ, có mỗi hai mươi yên cho một bản, song tiệm thẩm mỹ nào cũng sẽ lưỡng lự vì các tạp chí PR này sẽ có nhan nhản ở khắp mọi nơi với nội dung y sì đúc. Nếu khách hàng hiểu ra rằng đây là những sản phẩm ăn liền với những nội dung giống hệt nhau, chỉ khác mỗi tên cửa hàng hay số điện thoại được in trên hình bìa, thì họ sẽ không còn cảm thấy hứng thú nữa. Tôi bảo với Reiko như vậy. Do vậy, cần phải tuân thủ nguyên tắc mỗi một khu vực chỉ ký hợp đồng với một cửa hàng mà thôi. Điều quan trọng của kế hoạch kinh doanh này là nếu đã ký hợp đồng với một cửa hàng, thì dứt khoát sẽ không ký hợp đồng với một cửa hàng khác nằm trong phạm vi cùng khu vực với cửa hàng đó. Reiko trả lời tôi như vậy một cách rất tự tin. Rồi cô ấy bảo hiện giờ đã có mười tám tiệm thẩm mỹ xin ký hợp đồng đồng rồi. Reiko nói, cô ấy đã tự tay thiết kế thử bản mẫu thô trong khi tôi chẳng hề hay biết gì và đàm phán với bà chủ tiệm thẩm mỹ mà cô vẫn thường lui tới. Ngay lập tức, bà ấy đã tỏ ý rất quan tâm và trả lời là, nếu cô ấy có thể làm các cuốn tạp chí PR hằng tháng, có đăng những nội dung khác nhau, với mức chi phí là hai mươi yên cho một bản, thì bà ấy sẽ ký hợp đồng với cô. Sau đấy, bà ta còn giới thiệu với Reiko cho những người bạn đồng nghiệp cũng đang mở các viện thẩm mỹ ở Kyoto và Kobe.Những người bạn đó lại quảng cáo tới những người đồng nghiệp ở các nơi khác giúp cô ấy, nên chỉ một loáng, cô ấy đã có trong tay bản hợp đồng với mười tám cửa hàng. Tôi bảo, thế nhưng, mới chỉ có mười tám cửa hàng thôi sao. Với ba vạn bản in, nếu như chỉ có mười tám cửa hàng ký hợp đồng với mình, thì hai mươi sáu nghìn bốn trăm bản còn lại sẽ xử lý thế nào đây. Em sẽ trả cho cơ sở in chi phí hai triệu một trăm mười nghìn yên, rồi thu về bảy mươi hai nghìn yên hay sao. Reiko đặt cuốn sổ tiết kiệm và giấy chứng nhận tiền gửi định kỳ sắp đến hạt lấy lên trên bàn và bảo: Hồi đầu chắc sẽ bị thâm hụt. Nhưng nếu tăng lên năm mươi cửa hàng, công việc sẽ suôn sẻ hơn, và khi đã tăng đến một trăm năm mươi cửa hàng rồi, em sẽ có khoản lãi hằng tháng là ba trăm nghìn yên. Em tính nếu thật nỗ lực và ký hợp đồng được với ba trăm cửa hàng, em sẽ thu về một khoản lợi nhuận hằng tháng là sáu trăm nghìn yên. Khi ấy, em sẽ mở rộng thị trường ra cả Tokyo, Nagoya và các vùng xa hơn nữa. Rồi hai nghìn cửa hàng, một nghìn năm trăm cửa hàng... Câu chuyện của Reiko càng lúc càng phình to ra. Em sẽ mở rộng phạm vi hoạt động cùng với việc số lượng hợp đồng dần tăng lên, với điều kiện giới hạn mỗi vùng chỉ ký hợp đồng với một cửa hàng. Tôi hỏi cô ấy làm thế nào để tìm các cửa hàng ký hợp đồng với mình? Reiko bảo: “Anh sẽ đi tìm hiểu và làm công việc ngoại giao nhé”. Nói gì mà dễ thế cơ chứ? Tôi ngẩn người ra nhìn Reiko một lúc. Kế hoạch hằng tháng cho nội dung các bài viết trong tạp chí sẽ do ai làm? Tôi hỏi cô ấy khi chưa hết sửng sốt. “Cái đó anh cũng làm nhé”. Reiko nhìn mặt tôi, lấy hai tay che miệng và cười khúc khích. Thôi, pha cho anh một tách cà phê đi. Rồi rán bánh mì luôn. Anh chưa ăn sáng đâu đấy. Cuối cùng thì Reiko cũng đã đứng dậy sau những câu nói này của tôi. Cô bé này làm sao thế nhỉ? Tôi nghĩ vậy và cảm thấy có gì đó thật khó hiểu. Không chỉ bởi nội dung câu chuyện có phần thái quá. Kể từ khi quen biết nhau đến nay, suốt một năm ròng, Reiko chưa từng một lần bộc lộ suy nghĩ hay cảm xúc nào của mình với tôi. Tôi đã ngỡ Reiko là một cô gái mà người ta sẽ chẳng thể biết cô đang nghĩ gì, nổi bật lên trên tất cả ở tính cách của cô là vẻ kín đáo và dịu dàng, một cô gái không quá đẹp cũng chẳng quá thông minh. Thế nhưng, cả khả năng kể chuyện đêm qua, cả nội dung thuyết trình hồi sáng nay đều bộc lộ ra một con người hoàn toàn khác của cô ấy.
Reiko liếc cái mặt đang nhồm nhoàm nhai mẩu bánh mì của tôi với đôi mắt tròn đen lay láy. Tôi lạnh lùng nhắc lại. “Hôm qua anh đã nói là chúng ta chia tay thôi, đúng không?” Reiko đưa mắt nhìn lên phía ngực tôi, bắt đầu dùng ngón tay mân mê dái tai theo thói quen, vừa làm vậy, cô ấy vừa nói: “Em không muốn anh nói tới việc chia tay đâu...”. Chưa nói hết câu, nước mắt cô ấy đã lưng tròng. Cô ấy nói: “Chia tay em rồi anh sẽ sống ra sao?”. Tôi trả lời rằng mình chưa tính những việc sau đó. Tôi hoàn toàn mãn nguyện khi thấy Reiko khóc. Bởi lúc này, tôi không hề muốn chia tay với Reiko. Nghe có vẻ thật khổ sở, nhưng quả đúng là, nếu chia tay với Reiko, từ mai tôi biết ăn bằng gì. Tôi muốn được nghe chính mồm của Reiko nói rằng cô ấy không muốn chia tay với tôi, cho nên, cả ngày hôm qua, cả ngày hôm nay, tôi đã bỡn cợt với cô ấy là chúng ta hãy chia tay thôi, chia tay thôi.
Tôi nói với Reiko là tôi không còn thiết thử thực hiện một kế hoạch kinh doanh nào nữa. Tất cả các dự án kinh doanh hay ho đều bị đổ bể khi có tay tôi thọc vào. Từ trước cho tới giờ vẫn luôn là như vậy. Kinh doanh ư? Tôi chán ngán lắm rồi. Tôi như bị thần chết ám vậy. Nếu em muốn làm thì tự làm một mình đi. Sao mày ăn nói thô lỗ thế hử? Tôi vừa bực mình với cách nói của chính mình vừa nhìn đôi mắt đẫm nước của Reiko. Tôi nghĩ, đúng như mình đã định, từ bây giờ chỉ có lông bông nương nhờ lũ đàn bà con gái, mình đúng là cái thằng đã tụt xuống tận đáy cùng rồi.
Quá trưa, hai chúng tôi rời khỏi căn hộ đi đến quán cà phê gần đó. Từ nãy đến giờ, Reiko tỏ ra vô cùng thất vọng. Rồi, cô ấy nói, em đâu có bảo là anh hãy đi làm đi, thay vào đó, anh hãy giúp hộ em một chút thôi, có được không? Đầu tiên, để đi làm công tác ngoại giao, chính mình phải làm được một bản mẫu thật đẹp. Mà trước hết, chính mình phải chế tác một cuốn tạp chí PR để phát cho mười tám cửa hàng em đã ký được hợp đồng. Tuy nhiên, em chưa nghĩ ra được là ở trang thứ hai nên cho bài viết gì vào, trang thứ ba nên bàn đến chủ đề gì, còn trang thứ tư ở mặt cuốn cùng sẽ làm thế nào. Cho nên, chỉ mỗi lần này thôi, em muốn anh nghĩ giúp em phần việc đó. Và nếu kế hoạch kinh doanh này được thực hiện, chính mình cũng phải đặt tên cho công ty, phải đi phát tờ rơi cho các tiệm thẩm mỹ ở khắp vùng Kinki nữa chứ. Sao anh? Anh có giúp em làm chỉ riêng những phần việc đó thôi không? Reiko nói vậy rồi chắp hai tay vào nhau. Liệu có ổn không nếu em bỏ ra khoản tiền tiết kiệm bốn triệu hai trăm nghìn yên mà mình đã nhọc nhằn tích cóp bấy lâu nay để dấn thân cho một kế hoạch kinh doanh chẳng đâu vào đâu. Tôi nói với tâm trạng chán nản. Reiko bảo thế này. “Em nghĩ, nhất định em sẽ thành công. Mà nếu có làm sao, em lại đi làm ở siêu thị mà”.
Cô ấy nói với tôi rằng, dù sao cô ấy cũng đã trót ký hợp đồng với mười tám cửa hàng rồi. Vì thế, dứt khoát là đến cuối tháng phải bàn giao sản phẩm. Hôm đó là ngày mồng năm tháng Tám. Thấy bảo, cơ sở in đó họ muốn có bản thảo và file ảnh hoàn chỉnh trước mồng mười. Chỉ còn năm ngày nữa thôi sao? Tôi nghĩ, liệu rằng mình có thể làm cái công việc biên tập chỉ trong có mỗi năm ngày cho một tạp chí chuyên về PR, một việc mà mình chưa từng làm bao giờ hay không? Song, nhìn vẻ mặt chứa đựng bao tâm huyết mà Reiko đã ấp ủ bấy lâu nay, tôi đành tặc lưỡi trả lời nàng: “Chỉ lần này thôi đấy nhé”. Bốn năm trước đây, tôi đã có lần làm việc cho một công ty in hạng trung. Tuy chỉ làm ở đó có ba tháng thôi, nhưng duy nhất có một lần, tôi cũng đã phụ trách tạp chí PR cho một cửa hàng bánh gia truyền ở Shinsaibashisuji với vai trò là người quản lý. Bởi vậy, tôi có hơi hơi nắm được những việc đại loại như việc trình bày hình thức thế nào cho một cuốn tạp chí. Thế nhưng, đó là công việc do chính nhà thiết kế hay chuyên gia viết lời quảng cáo ở công ty làm, còn tôi khi ấy không trực tiếp thực hiện các phần việc đó. Mặt Reiko chợt sáng bừng lên, vội vàng cùng rời khỏi quán cà phê, dẫn tôi đến hiệu sách trước cửa nhà ga, rồi bảo, anh hãy mua tất cả những cuốn sách mà anh thấy có thể phục vụ cho việc làm cuốn tạp chí PR đó. Rồi trong khi tôi lục tìm sách, cô ấy đến hiệu văn phòng phẩm mua một loạt những dụng cụ cô ấy cho là cần thiết, nào là thước kẻ, com pa, hồ dán, tẩy, và một vài tờ giấy vẽ. Đầu tiên, tôi lấy cuốn sách Thuật bấm huyệt tại gia đình, rồi chọn cuốn Vườn rau gia đình. Tiếp theo, tôi mua cuốn sách dày có nhan đề Bách khoa toàn thư - những điều thú vị, rồi cuốn Sổ tay nghi lễ đời người và một quyển tạp chí làm đẹp hằng tháng. Tôi mua quáng quàng cho xong. Bởi vì trong vòng năm ngày, tôi sẽ phải biên tập cuốn tạp chí PR, công việc mà tôi chưa hề làm bao giờ, và nhiệm vụ của tôi là phải tạo ra những nội dung thú vị, lôi cuốn những người quản lý của các tiệm thẩm mỹ đó, để từ nay về sau, họ sẽ tiếp tục ký những hợp đồng dài hạn với mình. Do vậy, bức thư này phải dừng ở đây thôi. Reiko đã nghỉ việc ở công ty suốt mấy hôm nay, chạy đi chạy lại khắp cả ngày, lúc thì sang tiệm thẩm mỹ, rồi lại đến xưởng in. Từ bây giờ, tôi phải bắt tay vào làm tạp chí PR đây. Ba ngày vừa rồi, tôi ngồi viết lá thư này. Giờ chỉ còn hai ngày nữa mà thôi. Nhưng, trong suốt một năm qua, Reiko đã chăm sóc tôi hết lòng, nên trả ơn cô ấy bằng cách này có lẽ cũng là hợp lý hợp tình. Lúc này, trước mặt tôi la liệt nào là mấy quyển sách mới mua, ảnh phong cảnh để dùng làm hình bìa, rồi bút chì, thước kẻ, giấy vẽ. Ảnh phong cảnh là tấm ảnh chụp bờ hồ Tazawa trong chuyến đi nghỉ tuần trăng mật của tôi và em. Không hiểu tại sao nó lại nằm trong đống đồ đạc của tôi. Chúng ta vẫn thường chẳng thể biết được rốt cuộc thì cái gì sẽ có ích cho cái gì phải không em? Thư tôi viết có lẽ hơi lan man, nhưng khi đọc lại nó, dường như có thể nói rằng, những sự việc xảy ra trong vài ngày ngắn ngủi vừa qua kể từ khi nhận được thư em cho đến ngày hôm qua đã được tôi ghi chép lại khá chính xác đấy.
Tạm biệt em!
Ngày 8 tháng 8
Arima Yasuaki
Gửi anh Arima Yasuaki
Lấy lá thư anh gửi đến hòm thư đầu nhà vào rồi đưa cho em, chị Ikuko phì cười bảo, cô có cô bạn gái nào có cái tên đáng yêu thế. Xem tên người gửi, em cũng bật cười theo. Vì anh ghi lên đó cái tên Hanazono Ayame mà. Nghe cứ như là tên của một ngôi sao sân khấu nhà hát kịch Takarazuka ấy. Ở lá thư trước, anh đã dùng cái tên Yamada Hanako. Nếu anh không để ý trong cách chọn những cái tên này là thể nào cũng bị mọi người trong gia đình em nghi ngờ đấy nhé.