Chèo bẻo đánh quạ (3)

    
hông phải Chèo Bẻo đã quá căm hờn rồi đâm liều lĩnh. Chèo Bẻo nghĩ: Chẳng may kẻ thù gớm ghê đến như thế. Phải tìm cách nào...
Chèo Bẻo nói một mình:
- Tội ác tầy trời của lão Quạ, đâu đâu cũng biết. Ta đi tìm bạn. Những ai giúp ta...
Chèo Bẻo đi ngay.
Trên cây đề lao xao, không biết tiếng gió hay tiếng những con Bồ Cu Bồ Các vừa tíu tít chuyện, vừa cãi nhau tranh nhau quả đề. Cái bọn Bồ Các đến đâu loạn xạ đấy. Nhưng cũng chưa biết nhà Bồ Các hay nhà Liếu Điếu trên cây đề. Liếu Điếu cũng lắm lời như Bồ Các. Liếu Điếu làm tổ chỗ nào, ở đây như vỡ chợ. Nhưng chắc đây không phải Liếu Điếu. Liếu Điếu hay luồn lỏi đi từng bọn trong bờ bụi chân lũy tre. Và Liếu Điếu chỉ hay lan man chuyện vào chặp tối. Nào xem hôm nay kiếm được gì. Nào mai đi kiếm ăn đâu. Đây là Bồ Các, Bồ Cu.
Trong cây đề đương có một đàn Bồ Các. Giữa mùa, quả để, quả đa chín vàng. Bồ Các ăn béo núc ních. Lưng Bồ Các mượt mà xanh đen. Đậu trên cành rỉa quả, đàn chim chốc lại hoa cánh nhìn nhau, ngắm nhau. Khoe những miếng vá đẹp như mảnh lụa trắng hai bên vai.
Chèo Bẻo vào cây đề. Chèo Bẻo không ăn quả đề bao giờ. Thấy lạ, Bồ Các xúm lại, tranh nhau hỏi:
- Chú đi đâu sớm thế? Sao lại đi một mình?
Chèo Bẻo thở dài kể.
Bồ Các xót xa, ai cũng rơi nước mắt.
Chèo Bẻo nói:
- Các bạn, ai thương tôi cùng tôi đi đánh Quạ?
Bồ Cốc chép chép mỏ tỏ vẻ ái ngại. Nhưng lại dường như không nghe tiếng câu Chèo Bẻo vừa hỏi.
- Thương quá.
Chèo Bẻo lại hỏi:
- Ai đi với tôi?
Bồ Các thở dài:
- Nhưng mà, anh Chèo Bẻo ạ, ở đời cốt cái yên lành...
Rồi lảng ra rỉa quả đề... Lại léo nhéo không biết là nói chuyện hay lại cãi nhau đằng kia. Bực mình Chèo Bẻo cất cánh đi thẳng.
Cánh đồng lúa chín vàng rực. Đàn chim Ngói bay đỏ trời, vụt xuống, vụt lên. Không biết bao nhiêu mà kể. Vun vút như mưa đá.
Chèo Bẻo nghĩ: Đàn Ngói đông thế kia, gọi Ngói đi giúp, chẳng đánh được.
Chèo Bẻo vào chân tre tìm Ngói. Ngói ăn thóc no rồi vào nghỉ ngơi trong ấy cho vơi diều, chốc lại ra kiếm nữa.
Chèo Bẻo tính hay lam hay làm, ngày nào cũng mải miết đi kiếm thế mà cũng hôm no hôm đói. Đã lâu mới tới một nơi giàu có nhàn nhã như nhà chim Ngói thế này.
Trong bờ tre, chất đầy thóc. Đụn thóc cao ngập đầu. Trông mãi mới nhận ra Ngói nằm lẫn giữa đống thóc. Màu lông, màu mỏ, màu chân Ngói mỡ màng vàng hây như màu hạt thóc. Thiên hạ nói phải: ngày mùa, con cháu nhà Ngói đều trơn lông đỏ da.
Buồn mỏ, lại nằm nhằn thóc. Lười đến đỗi chẳng chịu đứng lên mà ăn.
Ngói ngoảnh ra, cất tiếng:
- Chào anh Chèo Bẻo! Đi đâu thế?
Chèo Bẻo chưa đáp, Ngói đã suy bụng ta nói thêm:
- Đương mùa màng thế này, nỗi nào mà đi vay ăn sớm thế?
Ồ, Ngói tưởng Chèo Bẻo đến vay thóc. Mùa này, mùa sinh nở, nhà Chèo Bẻo chả đông miệng ăn mà. Quân bần tiện đã nghĩ thế đấy. Cất lời rủ nó giúp cũng đến toi công.
Chèo Bẻo quay ra ngay.
Chèo Bẻo qua một bờ lau. Trong ngọn lau, râm ran tiếng hót. Nghe biết tiếng Khướu, tiếng Họa Mi.
Khướu và Họa Mi đương vi vút hát thi hát đố.
Khướu chê Họa Mi:
Nhà anh một mái nửa gian
Nửa định làm bếp, nửa toan làm bè
Họa Mi khích lại:
Song le ai khéo kén đôi
Chồng thì mồm ếch, vợ môi cá mè.
Thế là đôi bên cãi nhau um lên.
Chèo Bẻo than:
- Lũ này cả đời chỉ chơi nhởn hò hát dông dài. Thôi ta đi tìm chỗ khác.
Chèo Bẻo bay xuống đồng sâu.
Cái cò cái vạc cái nông
Cùng ăn một đồng, nói chuyện giăng ca.
Ngước mắt trông ra cánh đồng chiêm bốn bề nước trắng mênh mông. Ở đồng chiêm ngập nước, chỗ nào cũng một cảnh làm lụng chân lấm tay bùn. Con chim bới cái ăn trên nước phải gieo neo tận đồng sâu. Mà mò cho được một miếng cũng chẳng dễ dàng.
Bởi vậy, họ Cò và họ Vạc cùng kiếm ăn một cánh đồng mà phải ký văn tự chia nhau đứa mò ban ngày, đứa đi ban đêm. Quan xử nhà Cò được đi ban ngày. Nhà Vạc mặc áo nhuộm chàm nhạt, khư khư cắp trong nách tờ giấy trắng văn tự chia đồng. Lúc nào cũng sợ rơi mất tờ văn tự.
Nhà Vạc phải lặn lội đêm hôm, đến chặp tối, nhà Vạc mới từ trong bờ tre lủi thủi ra. Mải miết thâu đêm, khi nghe tiếng gà gáy trong làng mới chợt nhớ sắp hết hạn giao kèo chỉ được đi ăn đêm. Vạc cất đôi cánh ướt thướt dưới đồng bay về. Qua bụi tre, uể oải rời rạc, mệt mỏi kêu vạc vạc mấy tiếng. Cò ngủ trên ngọn tre, biết hiệu Vạc đã về, mới bừng mắt nghển cổ. Trời sắp sáng. Đến lượt nhà Cò xuống tìm cái ăn trên cánh đồng sâu.
Cái cò là cái cò con
Mẹ đi xúc tép để con ở nhà.
Chèo Bẻo đón Vạc ở đầu đồng nước.
- Anh Vạc ơi anh Vạc!
Vạc hỏi:
- Đói à?
- Không phải.
Đến khi nghe Chèo Bẻo kể, Vạc nói:
- Mỗi cảnh mỗi nỗi, nhưng mà khổ nhất bây giờ phải kể là tôi.
- Thế anh có cùng em đi đánh Quạ không?
Vạc nói:
- Hẹn với Chèo Bẻo đến mùa nước cả, cá ăn kiếm được dễ hơn. Khi ấy dành dụm được, sẽ rủ nhà Cò đi với Chèo Bẻo đánh cho chết lão Quạ.
Vạc nói rủ tỉ. Chèo Bẻo cúi chào:
- Vâng, đến mùa nước cả...
Chèo Bẻo bay đi.
Một hôm, Chèo Bẻo trông thấy bác Lềnh Đềnh giữa đồng nước. Chèo Bẻo mừng lắm. Bác Lềnh Đềnh trông thật oai phong, hùng dũng. Lềnh Đềnh còn cao to hơn cả Ngỗng! Lão Quạ đứng nghển đầu lên chưa chắc đã tới nách bác Lềnh Đềnh. Lềnh Đềnh đẹp mã trắng toát đồng nước, như cái tàu thủy du lịch màu thiếc phau phau nổi giữa biển khơi. Lềnh Đềnh đương bơi. Lềnh Đềnh bơi từ từ.
Chèo Bẻo nghĩ bụng hai cái cánh bác Lềnh Đềnh dài thế kia chỉ quạt thốc một cái, lão Quạ phải đứt hơi rồi.
Chèo Bẻo bay tới.
Lềnh Đềnh ngẩng lên, hai con mắt lừ đừ ý như hỏi: chú mày đi đâu mà ra tận chỗ đồng trắng nước trong xa xôi thế này.
Chèo Bẻo nói:
- Em có việc hỏi bác.
Lềnh Đềnh chẹp mỏ, hai mỏ va vào nhau kêu cộp cộp. Ồ, lão Quạ mà bị kẹp vào cái mỏ dữ thế, phải vỡ đầu như chơi.
- Em nhờ bác một việc.
Lềnh Đềnh lắc đầu:
- Tôi không biết việc gì cả. Tôi chỉ biết bơi đi tìm cái tôm cái tép nhét vào diều tôi thôi.
Rồi Lềnh Đềnh lặng lẽ từ từ bơi đi. Chẳng cần biết Chèo Bẻo vẫn băn khoăn bay theo.
Lúc nãy trông Lềnh Đềnh oai nghi thế, bây giờ vẫn bác Lềnh Đềnh cao lớn, Chèo Bẻo thấy Lềnh Đềnh ỉu xìu xìu. To xác mà không có hồn, chẳng được tích sự.
Chèo Bẻo thất thểu cánh thấp cánh cao rời đầm nước vào làng.
Ở một cây gạo, nghe tiếng ríu rít một đàn Sáo Sậu. Không rõ đấy là tiếng ríu rít hay tiếng khóc thút thít. Đương lúc thảng thốt. Chèo Bẻo nghe chẳng ra tai lành tai điếc thế nào.
Sáo Sậu, đúng Sáo Sậu. Sáo Sậu hay trò chuyện ríu ran, có đứng yên bao giờ đâu. Nhưng hình như không phải tiếng cười cợt. Nghe rõ tiếng thút thít nức nở vẳng ra.
Sáo Sậu tới ghé tai Chèo Bẻo:
- Lão Quạ vừa đến đây phá tổ, ăn thịt mất bao nhiêu trẻ con!
Chèo Bẻo nói to:
- Tôi đang đi tìm đánh Quạ.
Đàn Sáo Sậu tới tấp, nhao nhao:
- Đi đánh lão Quạ.
Tiếng hò hét râm ran cả một vùng.
Sáo Sậu bay rợp một quãng đồng. Thế là được một bọn đi đánh Quạ. Nhưng chưa đủ. Phải nhiều nữa, nhiều nữa. Bay đến đâu lại gọi thêm đây. Mùa hạ đã qua, trời đất lại bắt đầu vào thu. Dòng sông, cánh đồng và đường làng, đường phố sáng trong như gương.
Những cánh đồng lúa chín. Trẻ con đứng bên ruộng lúa trỗ ngập đầu. Phải kiễng chân lên mới chui trong lúa ra được. Cánh đồng chín màu vàng dâng lên, làm cho bụi tre thấp xuống, làng xóm lùn đi, mái nhà chỉ nhô hơn mặt lúa có gang tay thế thôi.
Mặt trời vừa ló ra. Nghe tiếng trẻ reo inh ỏi. Làn sương trắng ngần sợ mặt trời, cứ lảng dần, rồi biến mất.
Một chú Choi Choi tới. Mỗi đợt vỗ cánh, Choi Choi bổng mình lên vụt mình xuống, chập chờn qua mặt lúa. Tiếng trẻ lại hò reo kéo dài. Vào mùa gặt, trẻ con dậy sớm, ra đứng chực ngoài ngõ xóm. Đợi tan sương thì ra cánh đồng chơi.
Tiếng reo a a. Tiếng chim ríu rít. Trẻ con với chim lẫn tiếng như nhau. Bao nhiêu chim ở đâu bay đi chơi ngày mùa. Chim Dẽ Giun, chim Hét, đàn Sẻ, đàn Ri Sừng... Tất cả cùng ra đồng. Cánh đồng đương gặt.
Giữa mặt lúa phẳng lì, cỗ máy gặt đập như ông Voi. Ông Voi đỏ rực lừ lừ tới đâu, nuốt từng nạm lúa to vào bụng. Voi sắt to kềnh mà nhai rất khéo. Bỗng chốc, đằng đuôi Voi bĩnh ra từng nạm rạ. Và bên sườn, cái vòi cất lên, suối thóc phun rào rào xuống lưng chiếc xe cải tiến đã quây cót kín bốn phía. Chẳng một hạt thóc lọt được ra ngoài thùng. Voi sắt vừa gặt đập vừa rống ầm ầm, rung cả mặt lúa. Tới tấp vòi thóc phun, đuôi máy nhả rạ...
Nhưng đến những góc ruộng ngoắt ngoéo, voi máy không xoay ngang vào được. Thì những cô thợ gặt ra tấp nập làm thi với máy. Lưỡi liềm nghênh lên, lia xoèn xoẹt. Đuôi lúa ngoắt nhanh nhanh rồi rạp xuống như cá quấy. Tay người nắm cổ lúa, chốc đã ôm một lượm. Người và lưỡi liềm thoăn thoắt. Ông voi sắt gầm thét ngoài kia. Như tức tối không làm khéo tay được như các cô thợ gặt.
Bọn trẻ xách rá, xách mẹt chạy trên khoảng ruộng trống, nhặt lúa rơi. Đàn chim tỏa xuống mặt ruộng ẩm ướt vừa quang lúa. Có chỗ mạng nhện chăng như đất mốc trắng, còn ngậm sương. Chân đất cỡm bóng lúa từ mùa hạ, giờ mới trông thấy mặt. Con bướm ma, con bướm đất cập quạng bay ra. Con nhện lăng quăng. Đàn kiến đã lâu núp trong bóng lúa, đâm sợ sáng, bò tất tả, rối rít. Thế là Sáo Mỏ Ngà, chim Hét, Chích Chòe xô vào...
Như mọi khi, Chèo Bẻo đã xuống cùng các bạn nhặt con sâu, cái kiến. Lúc ấy Chèo Bẻo chỉ thẫn thờ đứng trên bờ. Các bạn đương trong ruộng nói với ra:
- Chèo Bẻo ơi! Chú Sẻ đã kể hết rồi. Lúc nào đi đánh Quạ, bọn này đi ngay với Chèo Bẻo.
Chèo Bẻo lại mải miết bay.
Chèo Bẻo vẫn đi tìm bạn. Tìm cho được nhiều bạn. Nhưng mà thật khó. Có sức dài vai rộng như Lềnh Đềnh thì lại nhát như cáy. Các bạn Sẻ bé loắt choắt đã bị lão Quạ đánh đau thế, vẫn nhất quyết đi nữa. Phải rủ cho được nhiều bạn can đảm thế.
Chẳng bao lâu, tới các vườn ven sông. Xa xa, những bờ tre xanh đen mơ màng ngả trên mặt nước trong veo. Cam đã bắt đầu chín. Những khoảng vườn rực rỡ từng đốm như đèn nhà ai thắp ban ngày dọc hai bên sông. Chốc chốc, một chiếc thuyền qua, chở đầy khoang bưởi vàng, bưởi đỏ vừa trảy trên vườn xuống. Bóng người và tay chèo thong thả rờn bóng nước.
Đàn Vành Khuyên vút qua, sà xuống. Mùa quả chín, vườn tược chẳng còn mấy sâu bọ. Vành Khuyên vẫn sục sạo tìm kỹ lưỡng từng cành.
Vườn ổi đã xơ xác rồi. Mỗi cơn heo may lướt qua, gió bứt lá lả tả rơi. Cây bàng úa đỏ từng chiếc lá. Những cành xoan khẳng khiu. Vành Khuyên ở vườn cam ra lại đậu xuống. Đôi cánh bé bỏng len lỏi cành nọ sang cành kia. Con mắt tinh nhanh giữa hai vòng khuyên trắng.
Vành Khuyên hỏi:
- Anh Chèo Bẻo đi đâu?
- Vành Khuyên có đi đánh lão Quạ.
- Chúng em nghe Sáo Sậu kể rồi. Cho chúng em đi với.
Chèo Bẻo gặp Chích Chòe cạnh bờ đát đầu bụi tre. Chích Chòe cong đuôi, cất tiếng hót. Mặt trời đã lơ lửng xuống ngọn cau, Chích Chòe hót báo hiệu chiều, chiều đã về rồi.
Chích Chòe bảo:
- Anh Chèo Bẻo nghỉ lại đây. Rồi đi đánh Quạ, cả xóm cùng đi.
Sương dăng mờ mờ ngang cánh đồng.
Chèo Bẻo bảo còn đi rủ nhiều bạn nữa. Chèo Bẻo vào bãi vải. Cây vải rậm lá xanh đen. Mùa vải chín qua đã lâu. Bây giờ mỗi cây đều hoang vắng.
Mặt trời đã lặn xuống phía bên kia. Mỗi bóng cây lù lù lên như những đống đất xù xì, ảm đạm. Thế mà trong bóng tối nhá nhem vẫn còn những con chim lúi húi, đây là mấy chú Chìa Vôi.
Chìa Vôi mảnh dẻ, mỗi lúc cúi đầu tìm con sâu, cái đuôi dài đen trắng nõn nà lại vổng lên. Nom vui mắt như bà cụ móm ngoáy vôi têm trầu. Vậy mà thành tên là Chìa Vôi chăng.
Mọi việc cấy hái đồng áng đã xong, chẳng còn cái án ngoài đồng. Chìa Vôi mê mải suốt ngày tìm vào các búi cỏ. Nhưng bới mỏi đến rơi gối cũng chẳng kiếm ra miếng nào. Tới rệ sông dưới bãi vải, cũng chỉ có mấy đám cỏ bơ phờ. Con trâu vừa gặm, con bò đến gặm lại, bật cả rễ lên. Chìa Vôi gãi đất mấy cái chẳng được gì, lại sang chỗ khác.
Chìa Vôi ngẩng nhìn ra:
- Chèo Bẻo đến chơi tối thế?
Chèo Bẻo đáp:
- Mỏi quá, vào nghỉ chân thôi.
Rồi cả hai cùng lặng im. Câu chuyện đau khổ của Chèo Bẻo ai cũng biết cả rồi.
Đằng kia, tiếng nhịp nhịp âm âm... Bíp... bíp... bíp... bíp... Bìm Bịp đương gióng giả. Bìm Bịp đã trở về cây vải. Ai ở đâu, cứ xê chiều, nghe tiếng bìm bịp, biết là trời sắp tối. Cũng như con Chích Chòe hót chiều, như cái đồng hồ báo thức. Tiếng Bìm Bịp, xa xa, ảm đạm, buồn âm u. Nhưng Bìm Bịp không buồn thế đâu. Cả những hôm kiếm được no bụng vẫn nghe tiếng xa xôi thế. Chỉ tại cái giọng buồn buồn mà thôi.
Bìm Bịp đã về tới dưới gốc vải tối om.
Mắt Bìm Bịp tinh lắm, đã trông thấy đám Chìa Vôi, Chèo Bẻo lố nhố.
Bìm Bịp hỏi to:
- Được gì ăn hôm nay nào?
Chìa Vôi khép nép:
- Chẳng được gì.
Bìm Bịp chìa trong móng chân ra một mồi châu chấu:
- Cho đây này!
Chìa Vôi rối rít cảm ơn.
Bìm Bịp hỏi Chèo Bẻo:
- Ơ hay, mùa này nhà Chèo Bẻo đương chơi nhởn tận đâu cơ mà?
Bỗng thoáng một bóng lù lù ngoài bãi cỏ luồn vào.
- Cậu Cuốc đấy hả?
Cuốc đen đứng lẫn bóng tối.
Bìm Bịp nói ngay:
- Lại hỏi ăn chứ gì?
Cuốc tần ngần.
Bìm Bịp giơ bàn chân. Một con mồi bọ muỗm giắt dưới móng.
Bìm Bịp lại hỏi:
- Nhà Chèo Bẻo có đói không?
- Không.
- Sao mặt mũi vêu vao thế?
Chèo Bẻo cúi đầu:
- Đáng nhẽ bây giờ mọi năm chúng em đương chơi xa tận đâu đâu...
Bìm Bịp nói:
- Chị cũng biết chuyện tai nạn này rồi. Chị còn trữ được miếng mồi nữa. Ăn đi, cố ăn cho có sức. Khỏe thì làm gì cũng nên. Bãi vải này dài suốt dọc sông, còn đông anh em lắm. Ta sẽ tính chuyện cùng nhau đi đánh lão Quạ thế nào...
Đêm ấy, xóm bãi vải không ai chợp mắt. Những tiếng thì thào to nhỏ. Ai cũng nói: Nhưng mà lão Quạ không phải tay vừa. Làm thế nào...
Tiếng Bìm Bịp kêu sớm. Tận làng xa cũng nghe tiếng Bìm Bịp gọi trở dậy. Sáng sớm, thổi cơm ra đồng, đi chợ.
Bìm Bịp kêu, Bìm Bịp gọi cả xóm đến với Chèo Bẻo. Tất cả xúm quanh Chèo Bẻo như chập tối hôm qua. Mấy anh chim Trả trong hàng cùng kiệt cuối bãi cũng lên rồi.
Bìm Bịp nói:
- Cả xóm này cùng Chèo Bẻo đi đánh Quạ.
Lúc ấy, Gõ Kiến ở đâu bay vút tới. Chim Gõ Kiến không phải dân ngụ bãi vải. Gõ Kiến quanh năm nay đây mai đó, tài nhảy đã nổi tiếng.
Tất cả reo lên:
- A Gõ Kiến! Gõ Kiến! Võ sĩ Gõ Kiến cứ vác cái bộ mỏ bằng búa tạ kia bổ xuống thì có đến mấy đầu lão Quạ cũng phải vỡ toang.
Mỏ Gõ Kiến to tròn đúng bằng cái kìm đen xì, nhờn bóng như lấm láp dầu máy. Cách kiếm ăn của chim Gõ Kiễn cũng khác đời. Gõ Kiến tìm một thân cây mục. Trong cây mục có kiến làm tổ. Gõ Kiến bổ mỏ côộc côộc từng nhát. Mỗi nhát rung rinh cả lớp vỏ cây mục. Bọn kiến trong hốc nghe tưởng ngoài kia trời mưa sét đánh vào cây, thế là nháo nhác chạy ra.
Gõ Kiến nói:
- Các bạn chớ khen tôi. Mỏ tôi chỉ biết dọa kiến thôi. Có việc gì mà xúm đông xúm đỏ thế?
Một lát, Gõ Kiến nghe thủng chuyện.
- Bìm Bịp nói phải. Ta nên đi tìm bạn nhiều nữa, thật nhiều nữa. Nhưng không phải chỉ quanh quẩn vùng này. Mặt đất bao la, cùng nhau lên rừng xuống bể...
Tất cả nói:
- Đúng đấy.
Gõ Kiến tiếp:
- Có câu hát rằng: Trên rừng ba mươi sáu thứ chim. Nhưng trên rừng có hàng vạn thứ chim nhiều hơn câu hát. Chim đại bàng, chim phượng hoàng mỏ sắc, móng sắc, còn to khỏe gấp trăm lão Quạ.
Bìm Bịp vẻ lo lắng:
- Ai lên được rừng?
Gõ Kiến nói:
- Tôi chứ còn ai. Tôi quê gốc trên rừng.
Từ nãy, Chèo Bẻo đứng yên, giờ mới nói khẽ:
- Khi nào anh lên rừng có qua vách đá gặp bác Chèo Bẻo Đuôi Cờ, xin anh kể chuyện nhà tôi cho các bác cháu biết.
Bìm Bịp lại nói:
- Ai biết đường xuống bể?
Các loài chim trong bãi vải, giống chim cánh ngắn, chưa đi đâu xa ra ngoài cánh đồng. Chẳng ai trông thấy mặt biển, không biết biển ở đâu. Ừ, rủ được cả bọn ở biển nữa càng đông. Nhưng làm thế nào?
Anh Vẹt vẫn khoặm mỏ, nghiến lợi ngẫm nghĩ từ sáng tới giờ.
- Đến mùa gió bấc thổi, có các họ nhà Giang, nhà Sếu trên phương bắc xuống tránh rét ở các vùng cửa bể phương nam. Đợi khi nào nghe tiếng Giang, tiếng Sếu về ta nhờ các bạn ra bể nhắn các bạn chim vào giúp Chèo Bẻo.
- Hay đấy! Vẹt nghĩ hay đấy.
Trước kia, ai chỉ biết bắt chước mà lại hay láu táu, thường bị chế giễu: nói như vẹt.
Nhưng câu nói thông minh của Vẹt đã khiến những cười cợt kia không đúng nữa.
Ai cũng quyết giúp Chèo Bẻo. Bè bạn đổ đến mỗi lúc một đông.
Trên cành gạo tíu tít những Sáo Đen, Sáo Đá, Sáo Mỏ Ngà... Có tiếng kêu. Cả tiếng khóc nỉ non sướt mướt đi tới. Thì ra hôm qua, lão Quạ lại mò vào tổ Sáo Sậu, ngoạm đi mất hai con Sáo non...
Vợ chồng Sáo Sậu rên rỉ:
- Giời đánh thằng Quạ! Giời đánh thằng Quạ. Giời ơi!
Chim Chìa Vôi đi ăn đàn mới về. Cả trăm con ngủ đứng chật chưỡng trên đám lá khô lót luống trong ruộng mía. Suốt đêm, phía nào cũng bàn chuyện đi đánh Quạ.
Sáng ra, Chìa Vôi nói:
- Chúng tôi chỉ quanh quẩn đây thôi. Lúc nào đi đánh Quạ, nhớ rủ nhau cùng đi...
Rồi vút đuôi, bay bổng.
Xa xa, tiếng Bìm Bịp lại kêu giờ. Người thổi cơm, người đi làm đồng, trẻ em đến trường đều nghe giờ Bìm Bịp. Gà trống, chim gáy cũng là cái đồng hồ, nhưng chị Bìm Bịp đánh chuông nhiều giờ trong ngày hơn. Trời tang tảng sáng, Bìm Bịp gọi. Cơm sáng xong, Bìm Bịp giục người đi làm, nhắc chim đi kiếm mồi. Giữa trưa, đến chiều, đến tối, lại gióng giả từng lúc. Bảo người thổi cơm, nhắc trẻ con đi ngủ, các bạn ơi, khuya rồi.
Tiếng Bìm Bịp thấp cao vi vút. Khi xa, khi gần. Trong tiếng Bìm Bịp buổi sớm có câu nhắc đi nhắc lại: Ai đây, ai ơi, đuổi lão Quạ đi. Lão Quạ hay giết trẻ con, đuổi lão Quạ
Bìm Bịp kêu đâu đâu cũng nghe tiếng, cùng với tiếng chim Cuốc ở bờ ao, bờ chuôm, đầm nước, suốt ngày, suốt đêm.
- Cuốc! Cuốc! Lão Quạ trộm cướp uống máu trẻ con! Làng nước ở yên sao! Làng nước ở yên sao! Cuốc! Cuốc!
Cả đến những xóm xa xôi cũng đã sôi lên rồi. Nhất là khi biết lão Quạ lại mới ăn mất hai con nhà Sáo Sậu. Thôi thì nó bẩn thỉu có nuốt thịt thối, cá ươn cũng mặc xác nó, nhưng lại để nó giết hết con cái mình thế a? Không được, không được.
Chim Chích Chòe, chim Sẻ hay mách lẻo, đưa chuyện. Thế mà không đến nỗi nhanh nhảu đoảng đâu.
Chích sang vườn bọn Khướu. Mùi hoa bưởi thơm trong tiếng hót ríu ran. Khướu Mun, Khướu Bạc Má, Khướu Lửa đã tụ hội trong vườn.
Chả trách, có câu nửa chê, nửa đùa: hót như khướu.
Khướu đang líu lo, thi nhau trổ các giọng.
- Các bạn làm gì đây?
- Chúng tôi hót.
- Hót to không sợ người ta nghe tiếng, đem lưới đến bẫy à?
- Chúng tôi thích được người ta bẫy.
- Lạ nhỉ.
- Có gì lạ. Người ta bẫy đem về nuôi thì khỏi phải đi kiếm ăn khó nhọc.
- Quạ mà nuôi rồi Quạ đòi ăn thịt thì sao?
- Không sợ Quạ.
- Đi đánh Quạ nhé.
- Đi đánh Quạ!
Chả biết đến lúc đi, bọn Khướu có đi, hay còn mải chơi. Nhưng, thế là cả những xóm hẻo lánh, cũng xôn xao bàn đi đánh Quạ.
Kể ra, Chích đã chịu khó và khéo léo. Nhưng cũng chưa giỏi bằng Sẻ. Bởi Sẻ đã tận mắt thấy tội ác lão Quạ. Sẻ đã đánh nhau với Quạ. Mỗi lần nghĩ đến, Sẻ lại hốt hoảng, uất ức nghẹn lên cổ. Sẻ bay đi gọi các bạn.
Có ba cái lồng chim tròn cao đặt giáp nhau. Một đám đông người xúm quanh.
Đấy là những lổng chim Họa Mi. Ở một lồng đặt cạnh lồng một Họa Mi mái. Cô Họa Mi cất tiếng huýt xùy... xùy... giục giã hai anh kia... Đánh nhau đi... Đánh nhau đi... Xùy xùy... Đánh nhau đi... Xùy xùy... Đánh nhau đi... Hai chàng Họa Mi nhảy lên, xông lên. Đôi mắt vệt vôi xếch ngược. Móng chân cạo rào rào vào nan lồng. Cái mỏ nhọn như lưỡi dao xỉa xói sang nhau. Phải đánh gãy cổ thằng kia mới hả.
Ả Họa Mi càng xùy xùy thúc tợn. Hai chàng càng hăng máu, đến lúc thật thèm choảng nhau quá, người chơi chim mới rút nan cửa lồng. Hai cậu chim ưa phỉnh thò mỏ, thò móng sang xé nhau, đâm nhau. Có cậu ngã quay, lõa lợi máu mép. Có cậu chạy cuống. Xung quanh vỗ tay reo hò. A Họa Mi vẫn xùy... xùy... Đánh nhau đi...
Người xem càng đông. Chàng chim ngã dậy được rồi. Người chơi chim sắp rút thêm nan lồng cửa xáp nhau. A Họa Mi lại khích: xùy... xùy... đánh nhau đi... đánh nhau đi... Cái cô tai ác này vì thế mà thành tên là Mái Xùy.
Sẻ đứng trên mái nhà nhìn xuống cất giọng:
- Các anh có thuộc câu hát: Khôn ngoan đá đáp người ngoài.
- Biết chứ! Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau.
Sẻ cười:
- Thế mà vẫn đá nhau a?
- Nhưng cáu không chịu được.
Sẻ nói:
- Này này, khắp nơi đương đồn là lão Quạ sắp đi chén thịt tuốt các loài chim. Mà mắt tôi đã trông thấy lão ấy giết ba Chèo Bẻo con. Hãy để sức choảng lão Quạ.
Hai Họa Mi cũng kêu:
- Cho chúng tôi đi đánh Quạ.
- Đương phải nhốt trong lồng, đi thế nào?
- Tớ bẻ nan... Tớ chui ra...
Cũng không rõ rồi Họa Mi có thoát lồng được không.
Nhưng thế là cả đến những con chim bị nhốt trong lồng cũng đã biết thù lão Quạ rồi.
Chèo Bẻo nhớ:
- Còn bác Đuôi Cờ nhà tôi. Chẳng biết Gõ Kiến đã gặp Chèo Bẻo Đuôi Cờ chưa. Hay là tôi đi...
Chèo Bẻo chưa kịp lên núi đã thấy ngoài kia những chiếc lông đuôi lượn phất lên phất xuống như đàn công múa, rực rõ cả mặt nước.
- Ồ kìa các bác! Các bác biết tin nhà em bị nạn rồi à? Thế là đông đủ. Ai cũng một lòng cứu giúp em...
Nhiều kẻ trước kia nhút nhát bây giờ cũng đổi tính. Chim Sâu, chim Bạc Má, chim Giẻ Quạt chẳng có mấy hột sức cũng nghĩ cách nào đánh được lão Quạ một cái.