Dịch giả: Nguyễn Hoàng Sa
Chương XII
Bữa tiệc của tay nhà giàu

     à thấy trời hửng sáng, nàng Shêhêrêdađa ngừng câu chuyện của mình...
Nghìn lẻ một đêm  
Mấy bức tường trong phòng làm việc khá chật hẹp của Simonie xếp dày sách. Giống như Montaigne, Gaston Simonie gọi phòng làm việc của mình là cửa hàng sách. Một sự bừa bãi kinh khủng trên các giá sách. Như chính ông chủ nói, chỉ mình ông ta mới có thể biết rõ chúng. Những cuốn sách cực kỳ sang trọng đặt xen lẫn với những cuốn sách nhỏ, những cuốn sách đóng bìa đắt tiền phô trương cạnh những cái gáy sờn rách mà các trang sách thì đã cuộn xoắn tít bẩn thỉu.
Trên mặt lò sưởi cũng để mấy chồng sách. Bàn làm việc chất đầy tạp chí, hàng chồng giấy viết chi chít và hàng núi sách khác. Khắp nơi đầy những đồ vặt vãnh: mấy con thú bé xíu bằng thủy tinh, bằng sành sứ, bằng thiếc. Đó là một thú vui của Simonie. Mỗi tuần một lần, và đôi khi còn thường xuyên hơn, mà mọi người đều biết rõ chuyện ấy, ông ta sục sao khắp các cửa hiệu buôn đồ cổ để tìm những đồ mới lạ khác. Đó là những con khỉ hẳng ngà voi, mấy ông Phật mấy pho tượng người hút thuốc nhỏ xíu hay là lại một cục chặn giấy khác nữa.
Vào tối hôm đó có rất nhiều khách có mặt ở phòng làm việc của Simonie. Đó là một hiện tượng cực kỳ đặc biệt. Thường thường Simonie không cho phép ai vào phòng làm việc của mình, thậm chí cả bà quét dọn nữa và không bao giờ ông ta tiếp ai ở đây cả.
Hiện giờ trong phòng làm việc có mặt Joseph Robenne, dĩ nhiên cả Max Bary, Tổng biên tập “Paris-Nouvelles”, Rosie Sauvage, d’Arjean, Simonie, nhà văn Vollar, một chàng trai nhỏ con, đậm người với vẻ mặt chua chát và thêm hai viên thanh tra cảnh sát đã đến đây vì lý do đặc biệt.
Joseph quay về phía Tên giết người. Hắn ta ngồi đó đầu gục xuống.
- Tôi nghĩ rằng tất cả những chuyện này khỏi cần phải giải thích chi tiết làm gì. Phần lớn những người có mặt ở đây nói chung đã biết rõ sự việc. Tuy nhiên ông phải giúp đỡ chúng tôi...
Anh mỉm cười và đưa tay lên trán. Giờ đây khi đoạn kết đã đến, anh cảm thấy nỗi mệt mỏi choán hết trong mình. Đó là một kiểu mệt mỏi dễ chịu. Nó đòi hỏi anh phải nghỉ ngơi, ngủ bù cho lại sức. Con người ta cấu tạo thật lạ lùng!
Trong căn phòng yên tĩnh này, nơi mà khung cảnh chung động viên ta lao động, suy nghĩ, tìm tòi nghiên cứu khoa học, có tám người ngồi kể cả hai viên thanh tra cảnh sát và Tên giết người. Joseph nhìn tên tội phạm. Đúng thế, tất cả đúng như vậy, không thể có sự nhầm lẫn nào nữa. Sương mù đã bị xua tan. Chỉ còn vài chi tiết nhỏ phải xác định lại cho chính xác.
- Các ông có thấy không, - Joseph rút một điếu thuốc từ trong hộp ra - tôi làm hiểu ra nhiều điều nhờ ông giáo sư lịch sử mà tôi đã làm quen lúc ở Mouasac. Ông ta là một người có tầm hiểu biết rộng lớn, có lòng say mê điên cuồng... Và chính niềm say mê của ông ta, một nỗi cuồng dại thật sự, có thể nói như vậy, đã đưa tôi chiếc chìa khỏa mở nút câu chuyện mà chúng ta đang lo lắng. Giáo sư Recceque ấy ham mê những di tich cổ đến mất trí, ông ta nghiên cứu lịch sử tu viện ở Mouasac một cách điên cuồng. Điều đó đã gắn liền ông ta với người buôn sách cũ quá cố. Và tôi tự nói với mình - bí mật của vấn đề chính là ở đây. Nếu như một người đam mê đến mức mất cả lý trí và bản năng bảo tồn thì người đó có thể đi đến tội lỗi. Với Tên giết người cũng xảy ra đúng như vậy. Hắn ta muốn đạt được vinh quang văn học, muốn cho tên mình xuất hiện trên tất cả các báo để tất cả phải ghen tỵ kêu lên khi gặp mình: người được giải thưởng văn học Goncourt đấy!... Nhưng cho tới nay hắn ta toàn không gặp may. Cứ mỗi năm lại thêm một người đoạt giải còn hắn ta thì bị bỏ qua. Cuối cùng thì hắn ta phát điên lên và lập một kế hoạch thật kỹ lưỡng nhằm đoạt giải...
- Và cái kế hoạch đó suy tính một vụ giết người không tang chứng. - Có ai đó nhận xét.
- Đúng thế - Chàng phóng viên châm điếu thuốc lá và đồng tình - Những suy đoán đầu tiên hóa ra đúng đắn: Chúng ta ngờ rằng đó là một tội ác văn học, điều này đã được khẳng định. Nguyên nhân thúc đẩy là giành cho được giải thưởng văn học Goncourt trong một hoàn cảnh thật không bình thường... trong sự huyên náo của báo chí... Ngoài ra còn là khát vọng không thể chối cãi được nhằm thách thức ban giảm khảo và dư luận xã hội: Ồ, thế đấy! Một khi các ngài không muốn trao vòng nguyệt quế mà tôi đã nhiều lần xứng đáng được hưởng, các ngài đã giành cho tôi cái vị trí xoàng xĩnh của một nhà văn không ai biết tới... Được rồi, tôi sẽ cho các ngài biết khả năng của tôi như thế nào, tôi sẽ chơi cho các ngài một vố đau... Chắc hẳn ông Doubois đã nghĩ như vậy.
Joseph chăm chú nhìn Tên giết người đang ngồi đó đầu cúi gục.
- Có phải thế không nhỉ, ông Doubois? Rõ là tôi nói đúng đấy chứ?
- Đúng! - Hắn ta khàn khàn buông một câu.
- Không thể chối cãi được điều đó - Joseph hài lòng nói - Và bây giờ chúng ta chuyển sang những tình huống mà tội ác đã được tiến hành. Tên giết người là một kẻ có đầu óc. Hắn ta đã suy tính tất cả. Chắc là hắn ta đã bỏ ra vài tháng để chuẩn bị. Đầu tiên hắn ta phác thảo kế hoạch hành động chung: mô tả vụ giết người, trang điểm chuyện đó bằng những lý luận bên ngoài về văn chương, về tâm lý và phản triết học rồi sau đó thì thực hiện nó, thực hiện chính cái vụ giết người đã được vạch ra từ trước theo đúng nghĩa của từ đó. Phần thứ nhất của kế hoạch đã được thực hiện kỹ lưỡng và rất có tài năng. Đúng thế, nhân vật chính của chúng ta rất có tài. Thêm vào đó hắn ta đã biết những bất đồng giữa các thành viên trong Hội đồng giám khảo và điều đó đã mang lại hy vọng thành công cho hắn ta: Bởi rõ ràng hắn ta đã đưa ra một tác phẩm khác thường, và cần phải công nhận là tác phẩm viết ra thật ghê rợn, rất khêu gợi lòng tò mò và chính vì thế mà rất có sức lôi cuốn.
Chàng phóng viên mỉm cười:
- Nói chung thì tất cả mọi sự cùng không quá phức tạp và không cần phải thật anh minh mới đoán ra rằng ai là kẻ giết người... Thế nhưng hắn ta đã tính toán trước hàng loạt chi tiết... và chúng đã được nghĩ ra rất tài tình để loại hắn ta ra khỏi vòng nghi vấn. Thứ nhất là chiếc áo chùng xanh của nhà thơ Simonie. Nó có liên quan đến chuyện gì ở đây? Và tại sao nhà thơ Simonie lại đến gặp tôi đề nghị chớ làm sáng tỏ sự việc một cách quá ầm ĩ? Xin thú thật là rất lâu tôi không sao hiểu được nỗi lo ngại của nhà thơ yêu quý của chúng ta. Hóa ra mọi sự được giải thích rất đơn giản. Chiếc áo chùng xanh của ngài thành viên viện Goncourt chỉ giữ vai trò tượng trưng trong chuyện này. Người ta biết rõ nó trong giới văn học Paris và Tên giết người đã sử dụng nó để xóa sạch dấu vết rồi đồng thời để thách thức cả xã hội. Bằng cách đó hắn ta như muốn nói: Đúng thế, văn học có liên quan đến vụ giết người. Mọi chuyện còn lại thì rõ cả rồi. Tên giết người bắn chết ông lão buôn sách cũ và lấy chiếc áo chùng phủ lên tử thi. Sau đó hắn ta tìm thấy mấy đồng tiền vàng và để nhấn mạnh rằng vụ giết người này hoàn toàn không có mục đích cướp của, hắn ta để tiền lại trên mặt chiếc áo chùng. Thế nhưng người ta đã phát hiện ra vu giết người quá muộn. Trước khi đi khỏi, Tên giết người mở toang cửa và lão Frizou ngây dại đã mò vào nhà. Ông ta lấy đi cả tiền lẫn áo. Chính vì thế mà việc gây hiện trường giả lần này đã không thành công, thưa ông Doubois.
Gaston Simonie đứng dậy đi về phía chiếc bàn con. Ông ta cầm con khỉ bằng thủy tinh lên và vuốt ve nó theo thói quen.
- Tất cả những chuyện đó rất thú vị, - Nhà thơ nói - nhưng xin anh hãy kể về chính vụ giết noười!
- Thế này nhé - Joseph kể - Cái ý muốn được diễn trò cứ lởn vởn trong đầu Tên giết người không rời một phút. Những cú điện thoại bí ẩn, cái giọng nói cố ý thay đổi khiến ta không thể hiểu được là ai nói - đàn bà hay đàn ông... Tôi sẽ không nói lâu về chuyện dấu vết. Ở đây có một điểm không nhất quán: Không có một dấu tay nào cả bởi vì Tên giết người đã dùng găng tay, thế mà trong khi đó lại có những vết giày rất rõ ràng. Có thể nghĩ đây lại là một màn kịch gây hiện trường giả nữa. Những dấu giày đàn ông cỡ 42, còn của đàn bà cỡ 37. Tôi đã nghĩ ngay rằng đó chỉ là giả mạo. Bởi vì một người đi giày cỡ 41 đâu có vất vả gì khi đi đôi giày cỡ lớn hơn? Chỉ cần đi thêm một đôi tất nữa là xong. Còn dấu giày đàn bà thì cũng có thể làm giống hệt như vậy thôi. Nói tóm lại mặc dù tôi đã tin chắc rằng tất cả những chuyện đó chỉ nhằm đánh lạc hướng nhưng ngay lúc đó đầu tôi vẫn cứ thử xác định xem những dấu vết nào là của Tên giết người. Những dấu vết đàn ông hay là những dấu vết đàn bà. Hoặc là cả những dấu vết này lẫn những dấu vết kia. Nhưng dần dần tôi hiểu ra rằng Tên giết người hành động chỉ có một mình. Sẽ không có lợi nếu để thêm một kẻ thứ hai biết được điều bí mật. Tên giết người đã mang theo trong túi một đôi giày phụ nữ và để xáo trộn các con bài hắn ta đã để lại cả dấu vết của mình lẫn của một người phụ nữ khác... Nhưng đó không phải là mấu chót của vấn đề dù rằng chính điều này đã gợi cho tôi ý nghĩ cho rằng có đàn bà dính líu trong chuyện này.
Joseph chỉ vừa mới nói đến đây thì Tên giết người đã nhảy chồm dậy. Mọi thứ còn lại xảy ra nhanh như chớp khiến tất cả mọi người đều bàng hoàng.
Ở trên bàn viết có một con dao bằng thép xanh biếc như kiểu dao găm Tây Ban Nha mà Simonie dùng hoàn toàn với mục đích hòa bình và cụ thể là để rọc giấy. Nhưng đó lại là một thứ vũ khí thực sự và mặc dầu trong Tên giết người có vẻ ủ rũ nhưng rõ ràng hắn ta đã nhắm sẵn từ trước và bây giờ lao tới giật con dao găm.
Vồ lấy con dao găm, Tên giết người dí vào ngực mình. Nhưng vô ích, Joseph đã lao tới bóp chặt tay hắn.
- Tôi biết một số thế võ Judo đó. - Chàng phóng viên mỉm cười.
Bây giờ thì người ta phải giữ Tên giết người thật chắc chắn.
Một viên cảnh sát lấy khóa tay ra. Tiếng chốt bật tách và bây giờ thì tên tội phạm có thể vùng vẫy bao nhiêu cũng được, hắn ta đã bị vô hiệu hóa.
- Cần phải làm điều đó từ trước thì hơn, thưa quí vị! Chàng phóng viên nhận xét - Cảnh giác hơn một chút không bao giờ thừa cả.
Và anh tiếp tục câu chuyện của mình:
- Tôi xin chuyển sang một số điểm khác của vụ giết người này. Nghi vấn đầu tiên của tôi bắt đầu từ chỗ tôi được biết rằng Max Bary, Tổng biên tập của “Paris-Nouvelles”, một tờ báo lớn xuất bản hàng ngày, một nhà báo có kinh nghiệm vốn biết đánh giá chính xác tin tức, thích những đề mục giật gân và thêm vào đó còn là một nhà thơ: tình cờ tôi nhặt được tờ nháp một thơ của ông ta. Sau đó một thời gian người ta đã phát hiện ra một bài thơ khác bị xé từ tập thơ viết tay cũng của ông ta ở trong tro bếp lò của ông lão buôn sách cũ. Một tình huống trùng hợp: Bary sinh ra ở Mouasac, ở đó ông ta còn có bà dì đã già và một ngôi nhà nhỏ mà ông ta sẽ được hưởng thừa kế mà thỉnh thoảng Bary thích về đó để tập trung suy nghĩ và vui thú với nàng thơ. Tất cả những điều đó thật tuyệt diệu, thật thơ mộng và đáng yêu. Bary biết khá rõ các thói quen của ông lão buôn sách cũ. Vâng, còn ai ở Mouasac mà không biết nữa? Ông lão là đề tài cho mấy bà ngồi lê đôi mách khi họ hết chuyện bàn tán. Đó chính là mắt xích đầu tiên gắn liền vụ giết người với “Paris-Nouvelles”. Và ở đây tôi chợt nhớ ra một phương pháp dù là không mới mẻ gì nhưng lại rất đáng lưu ý. Thường thường thì cảnh sát và tất cả những người tiến hành điều tra tội phạm hành động như thế nào nhỉ? Họ tìm kiếm những chi tiết cụ thể và các tang chứng càng nhiều càng tốt. Sau đó từ số tư liệu thu thập được họ lọc ra nhưng tin tức cùng dẫn đến một điểm, tới một người và khi đã có đủ tang chứng chống lại thì cảnh sát sẽ bắt anh ta. Nhưng các ông hãy hình dung một tên tội phạm muốn chơi xỏ cảnh sát đúng ở điểm này. Hắn ta để lại tang chứng nhiều đến nỗi một ý nghĩ vô tình nảy sinh: Điều đó quá hấp dẫn, quá dễ dàng, quá sáng tỏ, ở đây có điều gì đó không phải như vậy. Và tên tội phạm sẽ được loại ra khỏi vòng nghi vấn chính là vì có quá nhiều tang chửng chống lại hắn ta... Xin lỗi là tôi đã bắt các ông phải chú ý quá lâu về chuyện đó nhưng thú thật là giả thiết này rất lâu không để tôi yên. Chắc là vì thế mà cuộc điều tra của tôi đã kéo dài như vậy.
- Chà, cũng sáng tạo ghê thật! - Simonie đế vào.
- Ồ, bọn giết người đôi khi rất sáng tạo đấy! - Joseph mỉm cười.
- Trong câu chuyện của anh - Simonie nói tiếp - thì tôi quan tâm hơn cả về những bức thư nặc danh ở Mouasac.
- À, ông nói về mẩu giấy vẽ cái đầu lâu ư? Đơn giản hơn mọi chuyện đơn giản. Tên giết người đã nhét nó vào túi áo gi-lê của kẻ quá cố nhưng người ta không phát hiện ra ngay lúc đầu. Chính vì thế mà người ta có cảm tưởng như thể là Tên giết người đã nhét nó vào túi kẻ bị giết sau đó một thời gian...
- Không phải, tôi nói về bức thư nặc danh gởi ông dự thẩm ấy, - Simonie nói - về bức thư thông báo rằng bài thư tìm thấy trong đống tro bếp lò là của Bary viết.
- Cũng rất đơn giản - Joseph trả lời - Bà dì của Bary đã bỏ bức thư ấy vào thùng thư. Chỉ có mình bà ta trong cả Mouasac có thể làm được chuyện đó. Nếu không trong trường hợp ngược lại thì ta phải chấp nhận rằng Tên giết người mà tôi đang điều tra ở Paris đồng thời lại ở cả Mouasac. Chắc hẳn là bà dì đã nhận được một bức thư đánh máy trên giấy in sẵn của tòa soạn, ở trong thư người cháu yêu cầu dì bỏ vào thùng thư chính cái bức thư mà chúng ta đang nói tới và tất nhiên là nó đã được gửi kèm theo trong phong bì dán kín.
Chàng phóng viên châm một điếu thuốc khác.
- Tội ác đã được thực hiện như vậy đấy. Tên giết người đã suy tính kỹ lưỡng thời gian của mình. Hắn ta đến Mouasac bằng tàu đêm và quay lại Paris bằng tàu sớm. Chắc là hắn ta đã lấy vé khứ hồi. Hắn ta không rẽ vào khách sạn hay một quán cà phê nào. Không ai nhìn thấy hắn ta cả. Ta có thể nói về hắn như thế này: Có một kẻ nào đó vội vã chìa vé ra cho kiểm soát viên rồi chuồn ra phố và lẫn vào đám đông. Tên giết người đến vào buổi tối. Mùa này trời hay tối sớm. Hắn ta đi về phía nhà bà dì của Bary. Đó là một khu phố tĩnh mịch. Tôi nghĩ rằng lúc đầu Tên giết người định chui vào nhà như một tên ăn trộm nhưng hắn ta đã gặp may. Tuy rằng điều này có vẻ như không cần thiết nhưng tôi đã thiết lập lại được toàn bộ sự việc. Tôi đã đến thăm bà mệnh phụ ấy. Bà ta thú nhận với tôi rằng vào đêm xảy ra vụ giết người bà ta đã quên khóa cửa. Nhưng thực ra sự việc không phải như vậy. Bà dì của Bary đã khóa cửa nhưng có một kẻ nào đó đã ra khỏi nhà, cái kẻ mà sau đó không thể khóa cửa lại được nữa. “Cái kẻ nào đó” này chính là Tên giết người mà chúng ta gọi là ông Doubois. Chuyện gì đã xảy ra? Ông Doubois định đánh cắp bản thảo của Bary nhưng đúng lúc hắn ta tới gần nhà và thấy bà lão ra khỏi nhà đến cửa hàng tạp hóa nằm cách đó khoảng 50 mét. Vì cửa hàng rất gần đó nên bà dì không khóa cửa lại. Tên giết người lợi dụng ngay thời cơ luồn vào nhà. Hắn ta đi trong nhà khá tự tin bởi đã biết rõ cách bố trí trong căn nhà. Tên giết người đi về phía phòng làm việc của Bary. Lục lọi ở ngăn kéo bàn, hắn ta tìm thấy tập bản thảo. Rồi bà chủ nhà đi chợ về khóa cửa lại... Tên giết người ở lại trong nhà. Tìm đâu ra một chỗ ẩn náu nào tốt hơn ở đây nữa? Ở ngoài đường thì gió bão, bà lão thì hoàn toàn không hề ngờ vực rằng có ai đó đã mò vào nhà. Bà lão lo việc bếp núc rồi ăn tối và đi ngủ. Tên giết người chờ đợi. Giờ hành động đã đến. Hắn ta chuồn ra phòng ngoài, mở khóa, đẩy chốt cửa và đi về phía nhà ông lão buôn sách cũ. Trời tối đen như mực và phố xá vắng tanh. Những thành phố nhỏ kiểu này buổi tối thường rất vắng vẻ. Ông Doubois thưc hiện cái tội ác đã định, sắp xếp hiện trường rồi biến mất sau khi đã áp dụng mọi biện pháp phòng xa.
- Và sáng hôm sau hắn ta đã ở Paris và có mặt trong buổi lễ trao giải thưởng văn học Goncourt của năm nay. - Bary nói đế vào.
- Tất nhiên rồi!
- Vâng, - Bary kéo dài giọng với vẻ đăm chiêu - anh đã làm việc hết sức mình, Joseph thân mến, thế nhưng số độc đắc chính là ở chỗ anh đã làm Tên giết người tức tối để lộ nguyên hình bằng cách khiêu khích hắn ta.
- Quí vị thấy đấy, - Chàng phóng viên trở lại câu chuyện của mình - tôi muốn nhận được sự khẳng định cho những giả thuyết của mình. Tôi có nhiều chứng cớ hiển nhiên và sự tin tưởng của tôi gần như là chắc chắn rằng tội ác này do một kẻ điên cuông thèm khát vinh quang trong văn học gây ra. Bằng bất kỳ giá nào Doubois muốn giành được vòng nguyệt quế của giải thưởng Goncourt. Nói với hắn ta rằng hắn không xứng đáng được giải thưởng thì khác nào làm nhục hắn, khác nào đập hắn một đòn vào chỗ đau đớn nhất. Và lúc đó tôi chợt nảy ra một ý định là đồn ầm lên rằng cuốn tiểu thuyểt “Sự im lặng của Harpocrate” chẳng là cái gì cả và tôi đã nhờ Vollar giúp đỡ bằng cách viết cái bài báo chê bai kia.
Chàng phóng viên mỉm cười.
- Giới phê bình văn học đã hưởng ứng mà ta có thể nói là trong việc giúp đỡ công lý. Một sứ mệnh cao cả! Và tất nhiên là Tên giết người, hay đúng hơn là nhà văn cuồng tưởng kia đã phản ứng lại theo tâm lý thần kinh đặc biệt của mình: Hắn ta quyết định giết Vollar. Tội ác đầu tiên thường lôi kéo theo tội ác thứ hai. Chính vì thế ngày hôm nay chúng ta đã bày ra màn kịch nhỏ này. Gaston và Vollar định ăn tối ở nhà hàng. Tôi đã cố gắng để Tên giết người biết được chuyện này. Sau bữa tối Vollar tiễn nhà thơ Simonie về nhà ở bờ sông Anjou. Đó là một khu vực yên tĩnh và hoàn toàn thích hợp trong việc thực hiện kế hoạch của Doubois. May mắn sao là chúng ta đã áp dụng mọi biện pháp đề phòng và Doubois đã không thể báo thù kẻ xúc phạm mình. Thú thật là chúng ta đã đùa với lửa và tôi mong ông Vollar sẽ thứ lỗi vì tôi đã để ông ấy phải mạo hiểm bởi có thể nhận một viên đạn vào trán.
Vollar nhăn mặt hài hước:
- Chuyện vặt ấy mà!
Simonie thở phào nhẹ nhõm:
- Suy đoán thông minh thật! Hay nói một cách khác, chỉ đơn giản là anh đã đánh vào lòng hiếu danh của Tên giết người.
- Hoàn toàn đúng như vậy. Khi phê phán tác phẩm của hắn tôi nói rằng theo quan điểm văn học thì tác phẩm không có giá trị gì lớn cả. Hắn ta đã thay đổi nét mặt trái với ý muốn của mình và tôi đã nhận thấy điều đó.
- Hóa ra thế! - Nhà thơ thốt lên.
- Nhưng chúng ta cũng chẳng thiệt - Vollar nhận xét - Chúng ta đã có cả người đoạt giải lẫn Tên giết người. Quý vị có biết không dù thế nào chăng nữa tôi vẫn đi đến kết luận rằng cuốn tiểu thuyết không thể được cho là tuyệt tác. Nó có thể là tuyệt tác chỉ theo quan điểm của bên hình sự và cảnh sát chứ không phải văn học. Tóm lại, bài phê bình của tôi vẫn còn hiệu lực và nó sẽ giúp chúng ta kết thúc vụ án này.
- Nhưng mà anh nói với tôi rằng cho tới phút cuối cùng anh vẫn còn nghi hoặc cơ mà? - Bary quay sang Joseph hỏi.
- Đúng thế - Joseph khẳng định - Tên giết người đã tạo cho mình khá nhiều chứng cớ chắc chắn về tình trạng ngoại phạm của mình. Tôi sẽ kể cho các ông nghe bây giờ.
Joseph im lặng nhìn Tên giết người, anh nhìn chăm chú. Hắn ta ngồi gục đầu trên ghế.
- Tôi không thể ngờ rằng anh có thể liều mạng đến thế, d’Arjean ạ! - Chàng phóng viên chậm rãi nói.
Tiếng khóa tay kêu loảng xoảng. D’Arjean ngẩng đầu lên, miệng méo xệch đi vì tức tối.
- Còn tôi thì không ngờ anh lại gian giảo đến như vậy, thưa ông Robenne! - Hắn ta khàn khàn nói.
Joseph nhún vai. Nói chung thì Tên giết người trước hết là một kẻ cuồng tưởng, một kẻ điên khùng cho dù hắn có nhiều mưu ma chước quỷ.
- Vâng - Joseph mở đầu - Có một điểm vẫn còn bí ẩn đối với tôi cho tới tận phút cuối cùng. D’Arjean đã bị thương bởi Tên giết người. Ít ra là tôi đã nghĩ như vậy. Chính tôi đã nhìn thấy vết thương ở vai trái của d’Arjean, và tôi cũng đã thấy tấm kính của thang máy bị bắn thủng. Giả thuyết của d’Arjean hoàn toàn có thể chấp nhận dược. Viên đạn đầu tiên đã bay ngang qua mà không chạm vào anh ta. Sau đó như anh ta đã khẳng định thì anh ta luống cuống lao vào thang máy quên phắt mất là đèn sẽ tự động bật sáng khi người ta bước vào. Và như anh ta đã kể lại, đúng lúc đó Tên giết người đã bắn phát thứ hai. Tất cả những việc đó hoàn toàn giống sự thật. Nhưng nếu d’Arjean là Tên giết người thì giả thuyết đó chỉ là sự bịa đặt hoàn toàn.
- Chà, nếu thế thì sự thật đã xảy ra như thế nào? - Vollar hỏi - Ai đã bắn d’Arjean?
- Đã có câu trả lời cho cả câu hỏi này - Joseph mỉm cười - D’Arjean đã bắn vào d’Arjean. Phát đạn đầu tiên như anh ta nói với tôi đã được bắn từ ngoài phố thì thực ra anh ta đã tự bắn vào vai mình. Quý vị cứ thử hỏi các chuyên viên xem, họ sẽ khẳng định rằng chuyện đó có thể làm được. Tất nhiên d’Arjean phải mạo hiểm, viên đạn có thể vào sâu hơn. Nhưng anh ta đã gặp may, thậm chí anh ta cũng không làm cháy thủng cái áo com-lê của mình quá mức. Bởi vì bắn trực diện rất khó, đòi hỏi phải cực kỳ khéo léo. Chắc hẳn anh ta đã vươn tay hết cỡ về phía trước và gập cổ tay lại. Nhưng tôi xin nhắc lại là tôi đã nói chuyện với một chuyên viên và ông ta khẳng định có thể làm được điều đó.
- Thế còn phát súng thứ hai thì sao? - Simonie hỏi.
- Lần thứ hai thì d’Arjean bắn vào ca-bin không người. Tôi đã lầm khi cho rằng có một người đứng trong ca-bin, còn kẻ kia thì đứng ngoài.
- Thế nhưng d’Arjean bắn vào d’Arjean để làm gì? - Rosie Sauvage hỏi thêm.
- Ồ, xin lỗi cô - Joseph cắt ngang lời cô gái - Tôi hoàn toàn có quyền đặt giả thiết là d’Arjean đã cản đường và Tên giết người muốn loại bỏ một nhân chứng thừa. Tiện thể tôi xin nói thêm là chính d’Arjean đã tự nói bóng nói gió với tôi về chuyện này.
- Thật là một chuyện rắc rối! - Simonie lắc đầu.
- Thú thật là cho đến giờ tất cả những cái đó đối với tôi vẫn như một giấc mơ hãi hùng. Một tội ác chỉ vì vinh quang văn học! Lần đầu tiên trong đời tôi vấp phải hiện tượng này. Về bản chất nó khá tiêu biểu cho thời đại của chúng ta. Chúng ta cần phải suy tính cẩn thận hơn trong việc trao giải thưởng. Chúng ta đã trao vòng nguyệt quế cho một tên tội phạm.
- Đúng vậy - Bary nói - Còn đến lượt mình thì báo chí đã vội vã một cách vô ích làm rùm beng tất cả chuyện này lên và tiếp tay cho Tên giết người. Máu loang ngay trên trang nhất! Một kiểu hiếu danh bần
tiện và hủ hóa!
- Tất nhiên - Joseph đồng tình - Nhưng chính các ông cũng biết và cả các bác sĩ cũng đã khẳng định rằng tất cả bọn tội phạm là những kẻ không có đầy đủ giá trị con người. Tôi có cảm tưởng rằng ngay cả anh ta dù với học thức và lý trí của mình cũng không bình thường lắm. Anh ta không tìm thấy con đường của mình trong cuộc sống. Khi ở Mouasac tôi ngắm những hình chạm nổi và các pho tượng của tu viện Saint-Pierre. Ở đó có một cảnh diễn tả một bài thuyết giáo cổ về bữa tiệc của một tay nhà giàu. Thế này nhé, các ông chớ nghĩ rằng trong một chừng mực nào đó tôi muốn giảm nhẹ tội lỗi của anh ta nhưng d’Arjean đã lâm vào tình cảnh của anh nhà nghèo ngồi sau bàn tiệc của tay nhà giàu. Anh ta là ai? Một bình luận viên văn học hiểu biết và khéo léo. Anh ta dẫn chương trình tin văn học rất đạt, đưa ra những bài báo sinh động và lý thú. Đã nhiều năm anh ta tham gia trong những cuộc trao giải thưởng văn học. Và lần nào cũng vậy giải thưởng không được trao cho anh ta mà lại về tay một kẻ khác nào đó. Anh ta vẫn chỉ là con lừa kéo xe nặng, một tên cu-li thực hiện cái công việc vô hình. Anh ta viết một cuốn tiểu thuyết mà người ta hờ hững tiếp nhận. Trên báo xuất hiện mấy bài phê bình khô khan với vẻ lịch sự đôi chút và chỉ có thế mà thôi. Chính lúc đó nỗi giận dữ và lòng ghen tỵ bắt đầu gặm mòn tâm hồn anh ta. Anh ta khát khao được kính nể. Dần dần anh ta cảm thấy tiêu tan hy vọng giành được niềm vinh quang bằng cách thông thường. Thế là anh ta đặt ra cái kế hoạch khủng khiếp ấy. Anh ta biết rằng Bary thích làm thơ trong thời gian rảnh rỗi...
Joseph ngừng lời.
- Tôi có cảm tưởng rằng tên tội phạm đã phát khùng lên khi thấy Bary làm thơ mà không để ý lắm đến chuyện đó, không đeo đuổi vinh quang văn học và cũng không định xuất bản chúng mà chỉ làm cho bản thân, cho bạn bè của mình. Đúng thế, cách xử sự của Bary khiến cho d’Arjean trở nên ác độc. Anh ta dò la tin tức về Tổng biên tập của mình, hỏi han chính ông ta, được biết về sự tồn tại của bà dì và ngôi nhà cũ ở Mouasac... Và anh ta bắt đầu chuẩn bị cơ sở cho tội lỗi của mình. Chắc hẳn anh ta đã đến Mouasac từ trước. Như tất cả mọi người anh ta đã đến tu viên và đụng phải cái quầy hàng bán sách cũ lạ lùng mà ông chủ của nó là Gustave Muet. Họ của ông lão buôn sách cũ đã làm anh ta sửng sốt. Anh ta suy nghĩ, hỏi han hàng xóm, lục lọi trong sách vở và phác họa cốt truyện bắt đầu từ cái họ lạ lùng đó: Muet nghĩa là người câm.
- Và chính lúc đó đã sinh ra “Sự im lặng của Harpocrate” - Rosie khẽ bổ sung thêm.
- Đúng thế - Joseph nói - Thậm chí ngay cả trong việc chọn bí danh Paul Doubois tôi đã thấy nỗi thèm khát được thách thức với xã hội. D’Arjean đã lấy cái họ Dubois rất phổ biến ấy nhưng lại đổi nó sang một cái họ rất đặc biệt bằng cách thay “u” bằng “ou”.
Tay phóng viên quay về phía Tên giết người và hỏi:
- Thế nào, anh bọn thân mến, phải chăng tôi đã lầm?
Tên giết người rùng mình một cái và nói một cách khó chịu:
- Ồ, anh rất khôn ngoan sắc sảo, anh đã biết được rất nhiều nhưng không phải tất cả. Anh sẽ không bao giờ biết được tất cả đầu!
Và hắn ta lại gục đầu xuống ngực. Bộ mặt gầy gò của hắn ta thể hiện vẻ ghen tỵ kinh khủng. D’Arjean vốn nổi tiếng là một thanh niên lịch thiệp với phong thái quý tộc thế nhưng bây giờ trông hắn ta thật thảm thương với vẻ tức tối điên cuồng.
D’Arjean không hề nhúc nhích.
Hắn ta cứ ngồi như vậy, đầu cúi gục, vai buông thõng với đôi mắt nhắm nghiền. Người ta không thể moi thêm lời nào từ hắn ta được nữa. Mấy ngày sau nhà văn Jules Vollar gặp phóng viên Joseph Robenne. Họ chào nhau và nói về những sự kiện đã đầy ngập trên báo chí.
- Anh bạn thân mến của tôi ơi, hãy giải thích xem d’Arjean đã có ý gì khi nói rằng có một điều gì đó mà chúng ta sẽ không bao giờ biết được?
Joseph khoát tay.
- Chúng ta không định tìm hiểu tất cả các hành động của anh ta và tìm xem nguyên nhân gây ra chúng. Để hình dung lại toàn bộ bức tranh cần phải tiến hành một công việc cực kỳ vất vả mà để làm chuyện đó cần phải tốn thời gian và kiên nhẫn. Nhưng tôi cảm thấy nghi ngờ những lời nói của anh ta mặc dù rất có thể anh ta nói thật. Khó mà biết tất cả mọi chuyện được. D’Arjean ấy là ai? Một thanh niên sinh ra trong một gia đình có danh giá. Dòng dõi nhà họ hình như cũng khá lâu đời. Thế nhưng tộc hiệu họ d’Arjean đã mờ nhạt từ lâu rồi. Bản thân d’Arjean dù không nghèo khổ quá nhưng lúc nào cũng thấy thiếu thốn về vật chất. Trong khi đó anh ta cho rằng mình sinh ra với một số phận hoàn toàn khác... Nhưng đó mới chỉ là phỏng đoán... Tất nhiên nếu biết được sự thật thì tốt quá...
- Vâng, đúng vậy! - Vollar nói - Và thêm vào đó anh ta sống cô độc. Anh ta không có cả bạn bè lẫn nhân tình... Cô đơn, cô đơn hoàn toàn.
- Một sự cô đơn nguy hiểm. Còn một nguyên nhân nữa, nhưng điều này chỉ nói nhỏ giữa hai chúng ta thôi, đó là tôi có cảm tưởng rằng d’Arjean phải lòng Rosie Sauvage. Và anh ta nhận thấy là giữa cô ta và sếp của chúng tôi Max Bary có quan hệ ngày một thân mật hơn. Nhưng tôi không muốn nói về chuyện đó. Không có nó thì công lý cũng đã có quá đủ tư liệu rồi.
- Tất nhiên rồi! Hơn nữa anh xác định đúng nguyên nhân thúc đẩy chủ yếu là anh ta đã điên cuồng với cành nguyệt quế của giải thưởng Goncourt.
Robenne và Vollar đã nói chuyện như vậy khi họ lách qua đám đông trên đường phố Paris.
Làn khói lúc hoàng hôn bao phủ thành Paris. Khách bộ hành vội vã với công việc của mình. Những khối nhà đồ sộ thẫm dần sau làn sương mù. Hàng ngàn người đi lại trên vỉa hè, những dãy xe ô tô kéo dài vô tận trên mặt đường. Đó là khung cảnh Paris mùa đông với những con đường trải nhựa bóng loáng, những bức tường thẫm màu gần như màu đen. Mấy tấm biển mắc đèn nê-ông là vật duy nhất mang lại vẻ sáng sủa cho khung cảnh xám xịt của thành phố. Tiếng ồn ào không bao giờ ngừng của Paris vây quanh Robenne và Vollar.
- Đám đông... - Vollar đăm chiêu nói.
- Anh muốn nói gì vậy? - Joseph hỏi.
- Thái độ cư xử của chúng ta đối với đám đông còn chưa đúng. Đám đông không phải là một khối người không có khuôn mặt. Chúng ta cần phải học cách nhìn nhận khuôn mặt.
- Anh nói đúng đấy - Chàng phóng viên đồng tình - Không thể xét đoản người ta theo bề ngoài được. Trong mỗi con người đều ẩn nấu một cái gì đó của riêng mình, nhưng cụ thể là cái gì?...
- Đó chính là điều mà chúng ta cần phải khám phá.
- Vâng, nghề nghiệp của chúng ta là như vậy - Joseph mỉm cười. Và đưa tay về phía trước anh nói:
- Anh Vollar thân mến, anh có nhìn thấy cái quán rượu nhỏ ở góc đằng kia không?
- Trông bề ngoài có vẻ ghê ghê ấy... Anh làm tôi sợ đấy. Chủ quản đã giết ai đó ư?
- Không, không, ông chủ quản là một kẻ trung thực hoàn toàn. Ông ta vốn gốc gác từ bờ sông Garonne và ông ta sẽ dọn cho chúng ta một thứ rượu vang trắng khiến anh phải rỏ dãi. Thế anh sẽ nói gì về miếng jambon tuyệt vời của vùng Garonne mang đến? Những món ăn như vậy sẽ làm giàu cho văn học. Rồi anh sẽ kể cho tôi nghe về cuốn tiểu thuyết mà anh đang viết. Tôi hy vọng là nó có nội dung vui nhộn. Tôi chúa thích những chuyện vui nhộn.
HẾT

Xem Tiếp: ----