Dịch giả: Nguyễn Hoàng Sa
Chương III
Cơn giận

     inh bạch - đó là sự lịch thiệp của nhà văn
Jule Renard
D’Arjean mỉm cười. Đấy là một thanh niên trạc ba mươi tuổi, ăn mặc lịch sự. Anh ta đưa tay trái lên sửa lại chiếc khăn mùi soa lụa gài ở túi ngực áo com-lê.
- Ồ, đâu có, tôi không giận chút nào cả. Một khi Bary đã kiên quyết đề nghị anh nghiên cứu việc này như vậy thì có nghĩa là theo quan điểm của anh ta, chuyện này đã vượt ra khỏi phạm vi của văn học. Tôi nghĩ là ông ta có lý. Ông ta rất nhạy bén. Đây là một Tổng biên tập mẫu mực và suy đoán cực kỳ chính xác cái gì mà hôm nay hay ngày mai có thể đưa lên trang nhất và sẽ ăn khách hơn cả. Ông ta có tài đoán trước mọi việc.
- Mọi việc thì như vậy - Robenne trả lời - nhưng đấy chưa phải là chứng cớ rằng tội ác trên giấy giống như một vụ giết người thực.
Anh lịch sự nghiêng mình và nói tiếp:
- Tôi sẽ điều tra vụ này chỉ trong trường hợp nếu như tội ác văn học như tôi gọi nó có những nét hiện thực. Và lẽ dĩ nhiên là cùng với anh. Bởi vì tôi không quen biết lắm với giới văn học.
Đôi môi thanh tú của d’Arjean tạo ra một nụ cười. Dường như nụ cười ấy muốn nói lên rằng: “Cái giới đó mới kỳ cục làm sao!”, và đồng thời cũng thể hiện rằng: “Cái giới đó làm người ta phải kính nể!”.
Joseph đứng dậy. Anh đến bên cửa sổ và kéo rèm lên. Qua lần cửa kính trông rõ cái sân tối thẫm được rào bằng những vật không có hình dạng nào đó. Một chiếc xe tải nằm sâu phía trong. Những cuộn giấy lớn nhô cao lên trên thùng xe. Mấy cái khung cửa sổ lắp kính lớn của xưởng sắp chữ lấp loáng ở phía bên phải. Tiếng máy đúc chữ linôtip đã bớt ầm vọng lại vào căn phòng. Các tầng gác phía dưới bên trái tối om. Ở đó là các bộ phận quản lý hành chánh. Từ đâu đó rất xa vẳng lại tiếng máy in rôtatip.
Hai nhà báo ngồi nói chuyện trong căn phòng làn việc bẻ nhỏ ấm cúng của d’Arjean. Trên tường của căn phòng treo những bức chạm trổ cổ.
- Vẫn mưa à? - Nhà bình luận văn học hỏi.
- Không! - Joseph trả lời.
Anh rời khung cửa sổ.
- Nói chung, từ những điều mà anh đã tìm hiểu được về cuốn tiểu thuyết của Doubois khó có thể rút ra được kết luận gì. Nếu như lược bỏ... biết nói thế nào nhỉ... lược bỏ lớp vỏ bọc văn học, tất cả những vấn đề tâm lý và triết lý ở trong đó, thì sẽ chẳng còn gì cả..
- Đúng thế - D’Arjean đồng tình - Thực ra tôi chỉ xem qua bản thảo rất đại khái. Nhưng theo như tôi còn nhớ, và theo ghi nhận của tôi và cái chính là qua lời kể của Morelly thì cốt truyện đúng là hơi yếu.
Joseph lôi ra từ trong túi áo com-lê một quyển sổ ghi chép nhỏ được đóng bìa bằng vải cứng.
- Tôi đã ghi lại một vài điều ở đây. Chúng ta thử xem xem... Thứ nhất là địa điểm xảy ra sự việc... Tác giả không nêu chính xác. Một thành phố nhỏ nào đó ở vùng Garonne chuyên nghề sản xuất rượu vang. Mà ở hai bên bờ sông Garonne thì khắp nơi là các vườn nho... Nhưng có thể là...
- Xin lỗi, tôi không nhớ là tôi đã kể cho anh nghe rằng ở đầu chương III hay chương IV có viết rất đạt về thứ rượu nho Chartelly...
- Về thứ rượu nho Chartelly ư? Vậy thì rõ rồi, chuyện xảy ra ở thành phố Mouasac, nói về thứ rượu nho Chartelly ở Mouasac rồi!
- Tôi cũng nghĩ vậy.
- Nghĩa là chúng ta đã xác định được điều đtó. Nhưng thậm chí nếu tình tiết của cuốn truyện xảy ra không phải ở chính Mouasac thì chắc hẳn tác giả biết rõ thành phố và ngụ ý chính là ở đó. Chúng ta tiếp tục. Ở trên một trong những đường phố nhỏ mà thường là im ắng và vắng lặng có một người buôn sách cũ tên là Muet bị giết... Tôi gọi tên ông ta có đúng không nhỉ?... Ông ta bị giết bởi ba phát súng lục. Tội ác do tác giả, nghĩa là kẻ đã kể lại chuyện này thực hiện. Nguyên nhân là sự căm ghét không thể giải thích được.
- Tiện thể tôi muốn nói rằng nội dung cơ bản của cuốn tiểu thuyết chính là ở chỗ đó. - D’Arjean đế vào - Điều này còn quan trọng hơn cả chính chuyện giết người, dù là vấn đề miêu tả nó đã chiếm phần lớn cuốn truyện. Thực tế thì chuyện giết người chỉ là điều kết luận từ những thổ lộ trong những chương đầu.
Với vẻ lơ đãng, Joseph đưa tay vuốt mép quyển sổ ghi chép của mình.
- Thế đấy - Anh nói - Nhưng tạm thời chúng ta hãy gạt suy luận sang một bên và chỉ lấy các sự kiện thôi. Theo ý anh thì đường phố và quầy hàng được miêu tả cu thể như thế nào?
- Có cần thiết nhờ vào đó mà tìm ra địa điểm gây tội ác hay không nhỉ? Tôi có cảm tưởng là có thể được... Dù rằng, như anh biết đấy tôi không chú ý sâu vào chuyện đó lắm. Tôi giữ tập bản thảo trong một thời gian rất ngắn nên tôi chỉ lật xem qua thôi. Bởi vì tôi đâu có nghĩ rằng vụ giết người sách vở này lại có thể giống hệt một vụ giết người thực...
- Đúng là tạm thời vẫn chưa có chứng cớ gì cụ thể cho giả thiết này - Joseph mỉm cười - Chỉ đơn giản là tôi bẩm sinh vốn đa nghi đấy thôi.
D’Arjean nhíu máy căng óc suy nghĩ.
- Tôi cho rằng có khá đủ chi tiết cụ thể trong đó. Thậm chí có thể nhận biết những chỗ đó nếu cần. Đúng rồi, có thể được... Morelly rất khen cái chương miêu tả vụ giết người... ở đó có nhắc tới cái mặt tiền vàng vàng nào đó của ngôi nhà, cái hành lang đầy mùi ẩm thấp, gian bếp chật chội bẩn thỉu... Có thể là còn có những chi tiết nào đó nữa, nếu được xem qua bản thảo lần nữa thì tốt quá...
- Vậy là chúng ta thử tổng kết lại xem - Joseph nói - Đấy là thành phố Mouasac hoặc ngoại ô của nó. Một đường phố nhỏ, quầy hàng của người buôn sách cũ. Ông lão Muet bị giết bởi ba phát súng lục. Nguyên nhân thúc đẩy là văn học!
D’Arjean giơ tay phản đối.
- Không, anh đơn giản đi quá nhiều. Tất cả 300 trang sách được dành cho việc giải thích rõ nguyên nhân thức đẩy tác giả gây tội lỗi. Đấy chính là nội dung chủ yếu của tác phẩm! Tác giả, ờ có thể nói là kẻ giết người đã giải thích rõ cái gì đã đẩy anh ta tới lòng hận thù như vậy. Ông lão Muet (nghĩa là người câm, tiếng Pháp) - cái họ rất lạ lùng, có đúng không nhỉ? - Ông lão sống một mình và dường như hoàn toàn thỏa mãn với số phận của mình. Còn kẻ giết người thì không chịu được cảnh cô đơn nhưng bắt buộc phải sống cô độc.
- Bắt buộc ư?
- Có nghĩa là... Kẻ giết người bẩm sinh vốn là kẻ chán đời. Hắn ta là một tay chưa vợ đã già. Ờ, cũng có những mẩu tình dang dở nào đó... Hắn ta cho rằng địa vị xã hội của hắn hơn hẳn địa vị của ông lão buôn sách cũ, mà trong khi đó thì có nhiều điểm giống nhau trong nếp sống của cả hai người. Nhưng ông lão Muet sống có vẻ như bình thản, còn kẻ giết người thì bị dày vò bởi những mâu thuẫn phức tạp, những nỗi nghi ngờ bởi chưa thỏa mãn và nỗi buồn... anh có hiểu không? Trong cuốn sách đã đưa ra một phân tích tâm lý rất sâu sắc...
Joseph lắc đầu.
- Tôi hiểu rồi... Có nghĩa cả hai đều là hai lão già chưa vợ. Một người nói chung là một ông già bình thường, còn kẻ kia là một nhà văn với tâm lý phức tạp.
- Gần như vậy đấy.
- Và tay nhà văn ghen tức với người buôn sách cũ, bực bội vì cảnh bình thản, sự giản dị của ông ta... Và giết ông ta! Hừm!
Tay phóng viên đứng dậy và khẽ vươn vai.
- Anh biết vùng Garonne chứ? - Anh hỏi.
- Cũng sơ sơ thôi.
- Nhiều chỗ rất đẹp. Đất đai mầu mỡ, các cô gái tuyệt diệu...
- Mouasac nằm trong quận Tarn-et-Garonne phai không nhỉ?
- Đúng rồi. Trong thành phố có một tu viện tồn tại gần như là từ thế kỷ XI với phần chính môn cực kỳ tráng lệ.
- Tôi ít khi xuống miền Nam Pháp lắm.
- Tiếc thật! - Joseph nhận xét.
Anh cúi đầu và chăm chú nhìn mũi giày của mình.
- Tôi rất lưu ý đến tên gọi của cuốn sách... “Sự im lặng của Harpocrate”... Cái đó có nghĩa gì? Sự im lặng... Ông lão Muet... có thể ở đây có một mối liên hệ nào đó. Nhưng, ngoài ra... Không, tôi chẳng hiểu gì cả.
- Tôi có cảm tưởng là ở đây thì mọi việc rõ quá rồi. - D’Arjean nói - Về chính bản thân Harpocrate thì tôi đã biết khi lục lọi trong bách khoa toàn thư. Harpocrate có nguồn gốc từ Hor là thần Ai Cập mà người ta mô tả với cái đầu chim ưng. Hor có nghĩa là cao lớn, nhô lên cao. Như anh đã biết, đấy là thần của dân tộc Ai Cập. Có rất nhiều dạng thần hor. Chẳng hạn như Horbedit là thần Hor của thành Bedit, hoặc Hormachit tượng trưng cho chân trời. Người ta gọi con Sphinx lớn ở Gida là gormachit. Ngoài ra còn có Horpechrude hay là Horditie, con của Ocidis và Idida. Người Ai Cập mô tả thần này với một ngón tay đưa lên môi. Người Hy Lạp đã giải thích không đúng cái cử chỉ trẻ con đó và chuyển thành thần im lặng - thần Harpocrate. Anh nghe tôi nói đấy chứ?
- Tất nhiên rồi. Tất cả những cái đó rất thú vị...
- Như anh thấy đấy, tên gọi được giải thích hoàn toàn đơn giản. Thần đặt ngón, tay lên môi, ngài ra lệnh im lặng! Nhưng cái gì ẩn sau sự im lặng, vẻ náu mình ấy có nghĩa gì trong cuốn tiểu thuyết sôi sục đầy những điều khủng khiếp như vậy? Đấy chính là vấn đề mấu chốt trong tác phẩm và cuối cùng, như anh biết, đã dẫn tới vụ giết người - dẫn tới vụ giết ông lão Muet.
- Hay thật - Joseph nhận xét - Tất cả những cái đó có vẻ rất hợp lý. Nếu được làm quen với tay Paul Doubois bí ẩn đó thì hay quá! À, mà chính cái họ đó cũng lạ lùng thế nào ấy.
- Có vẻ như đấy là bí danh...
- Chắc là thế...
Chàng phóng viên quay về phía cửa sổ và lại kéo rèm lên. Phân xưởng sắp chữ sáng trưng trông như một cung điện trong truyện viễn tưởng. Trong ánh hào quang đó có những hình người nhỏ đen sẫm chạy ngược xuôi tất bật, hiện rõ hình những thợ cả xếp chữ đang nghiêng người bên bàn lắp khuôn chữ... Những chiếc máy sắp chữ linôtip đặt tít trong cùng gõ liên tục và những dòng chữ kim loại mới coong xuất hiện... Máy in rào rào. Những cỗ máy dữ tợn trên lầu một gầm gừ, luôn ra những số báo địa phương. Hơi thở nặng nề của máy khiến tường nhà phải rung lên.
Joseph buông rèm xuống.
Ngồi sau bàn viết d’Arjean lơ đãng mân mê nắp cây bút máy trên tay.
- Tôi sẽ không làm phiền anh nữa - Joseph đi ra cửa - Chào nhé! Tôi sang chỗ Bary đây.
- Tôi còn phải xem lại đoạn cuối bài báo của mình đây. - Bình luận viên văn học lẩm bẩm.

*

Joseph đi dọc theo hành lang tòa soạn có các bộ phận tin tức chung, ban kinh tế, thể thao...
“Dường như ta có cảm giác rằng việc này đâu hợp với ta. - Joseph thầm nghĩ - Nó liên quan trực tiếp với ban văn học... Nhưng biết đâu là ta nhầm? Trong trường hợp này thì đây là một vụ khác thường nhất trong năm nay.. Ờ, mà không chỉ trong năm nay thôi... Phải chăng vụ giết người trong cuốn sách đã được thực hiện ngoài đời thực. Đã được thực hiện sau khi viết ra... Không... Thôi, tưởng tượng làm gì. Tạm thời ta đã biết một điều chắc chắn là giải thưởng Goncourt được trao cho một kẻ vô danh một tay đùa cợt nào đấy, và điều đó đã làm náo động cả giới văn học...”.
Chàng phóng viên nhún vai.
Tử phía sau tường vọng lại tiếng gõ của máy điện báo tê-lê-tip. Đó là chiếc máy tự động thu nhận những tin tức cuối cùng, những cái cần đánh chữ gõ liên tục trên dải băng và nhưng bản tin lần lượt xuất hiện. Đó là tiếng ồn thường ngày của tòa soạn. Những dải băng cứ dài ra từ sáng đến tối. London - Paris - Washington. Người ta nói rằng... Tin le Caire. Theo những nguồn tin đáng tin cậy... Tin Rome: Từ những nguồn tin thu thập đầy đủ người ta được biết rằng... vân vân. Các hãng thông tấn liên tục đưa tin: Một số thì ngắn gọn, súc tích, một số khác thì rộng khắp, một vài hãng thì giật gân, còn vài hãng khác thì chẳng có gì đặc biệt. Mỗi một tòa soạn đều gắng sức săn tin cho mình, phân tích, chọn lọc, thu ngắn lại và thay những đề mục nhạt nhẽo thành giật gân.
Đến gần phòng thu thập tin tức Joseph Robenne nghe thấy nhiều giọng nói lao xao. Đã gần mười giờ tối. Joseph dừng lại bên cánh cửa hé mở. Giọng nói oang oang của tay thư ký tòa soạn Norbert vọng đến tai anh.
- Không, không, không thể thế được - Ông ta hét tướng lên - Các cột báo đâu có phải bằng cao su. Nếu như không ai chịu nhường thì cứ việc tự đi mà lên khuôn! Không, nếu bỏ nhưng chuyện đùa cợt ra thì các vị có biết suy nghĩ hay không? Tôi còn phải dành cả cột hai lẫn cột ba cho mục thông báo... Phải cắt bỏ.
Max Bary đứng gần chiếc bàn la liệt bản thảo và bản in. Ông ta đứng khoanh tay, đầu hơi nghiêng để lộ vầng trán rộng đã hơi điểm bạc của mình. Bary có đôi mày rậm, cái mũi hơi to, má tròn hồng hào. Với vóc người đậm chắc, ông làm người ta liên tưởng tới một con bò lúc nào cũng sẵn sàng lao về phía trước.
Nhưng Norbert không hề bối rối trước ánh mắt tối sầm của ông Tổng biên tập.
- Còn tôi thì nói với ông là không thể thế được - Thư ký tòa soạn nói tiếp - Ai cũng dúi cho tôi những miếng vải trải giường nào đó. Cứ làm như là không ai có khả năng thu ngắn bài của mình lại được. Ông thấy đấy, bài của ai cũng quan trọng tuyệt đối. Ban nội vụ thì khẳng định dường như sắp nổ ra khủng hoảng, còn mấy ông bên ngoại giao thì tất cả đều vô cùng quan trọng, rồi cần phải dành 4 cột ngay trên trang nhất cho chuyện giải thưởng văn học Goncourt... Nhưng bây giờ thì chắc phải cần đến 5 hay 6 cột! Tôi không cho, thế là xong... Ông có biết là tôi có bao nhiêu thông báo ở trang hai không? Hơn một nửa trang! Tóm lại, tôi sẽ không nhận gì thêm. Không nhận gì hết. Đủ lắm rối! Số báo đã sẵn sàng, xong cả rồi. Tôi còn có đủ tư liệu cho bốn trang nữa, mà cũng có thể cho hơn nữa kia, ông hiểu chưa?
- Tất nhiên, mọi việc đều rõ rồi. - Một giọng phụ nữ vang lên từ góc phòng - Mọi việc đều rõ rồi. Tin thời sự như thường lệ vẫn còn nằm trên khuôn xếp chữ... Và sau đó người ta bắt đầu khiếu nại là tòa báo đưa tin quả kém!
- Rosie thân mến, thế tôi biết làm gì được? Tất nhiên là chữ vẫn còn nằm trên khuôn. Nhưng tôi thì dính gì đến chuyện đó! Ai cũng dủi cho những đống tướng, hoàn toàn chẳng quan tâm gì tới những người láng giềng của mình. Còn tôi thì khẳng định rằng làm việc như vậy không thể được...
- Ở điện Bourbon đang tiến hành cuộc họp - Biên tập viên ban nội vu tuyên bố - Sẽ đặt ra vấn đề về sự tin cậy. Nếu cần ngoáy mấy đồng thì tôi sẽ làm. Chỉ có...
- Thôi được - Bary cắt ngang - Norbert đúng đấy. Tờ báo đâu có phải là sợi thun, và mỗi người phải giúp đỡ...
- Nếu như không phải là thông báo thì... - Norbert khẽ lầu bầu.
- Hãy nghe đây, ông bạn già ạ! Không thể cắt bỏ thông báo được.
- Tôi đâu có nói là phải loại bỏ thông báo đi. Chính tôi cũng biết là thông báo thời sự rất cần cho chúng ta. Nhưng dù sao...
- Thôi chấm dứt, chuyện này coi như xong... - Bary nói tiếp - Thông báo được chấp nhận, vả lại cũng đã muộn để di chuyển đi. Tôi yêu cầu ông dành cho giải thưởng văn học Goncourt năm cột. Đấy chính là mấu chốt của số báo ngày mai...
- Tôi sẽ làm tất cả những gì có thể được, - Norbert càu nhàu - nhưng nếu những quý vị đó không chịu nhường...
Joseph thản nhiên ngồi vào phía trong căn phòng, gần chỗ cô gái đã bảo vệ cho tin tức thời sự. Không phải lần đầu tiên anh chứng kiến những màn kịch kiểu này. Chúng được nhắc đi nhắc lại hàng ngày, và đôi khi nhiều lần trong ngày nữa.
Thư ký tòa soạn từ xưởng xếp chữ lao ra. Vừa chửi thề ông ta vừa lắc lắc đống bài vả khua khoắng cái thước kẻ của mình.
- Các bài của tôi đã vượt quá ba cột rồi. Không còn một chỗ nào nữa. Tờ báo đâu phải dây thun!
Đúng thế, không còn chỗ nào nữa. Nhưng chiếc máy tê-lê-tip vẫn kiên nhẫn tiếp tục gõ chữ trên các băng giấy. Tin tức nối đuôi nhau, những tin vặt vãnh được thay bằng các tin tức ngoại giao, các bản báo cáo lại được thay bằng tin vặt. Trên bàn của các biên tập viên ở các ban mọc lên hàng núi tư liệu. Và tất cả đều thuộc loại quan trọng bậc nhất. Họ o ép, cắt bỏ, lược lại, nhưng cuối cùng cũng phải đến lúc mà không thể cắt bỏ thêm được thì họ đến gặp Norbert hay ai đó. Họ khéo léo xoay xở, nài nỉ “một mấu be bé khoảng hai cột ở trang ba cho một tin cực kỳ quan trọng”. Norbert khua khoắng cái thước kẻ dọa dẫm và hét lên rằng ông ta sẽ không chịu, sẽ không chịu bởi vì không còn chỗ nào cả. Không, không, không còn chỗ nào hết, tất nhiên rồi, không thể nào được...
Nhưng dù sao chăng nữa, cứ mỗi lần như vậy lại xảy ra phép mầu, đủ chỗ cho “hai cột nhỏ” và lại còn cho nhiều, cho rất nhiều cột khác nữa.
- Ông thử đi mà nhìn khuôn xếp chữ xem người ta đã dúi cho tôi những cái gì đây? - Norbert nói với Tổng biên tập.
Họ cùng đi ra. Trong phòng làm việc trở nên yên tĩnh hơn...
Joseph đến bên Rosie và mời cô một điếu thuốc.
- Xin chào Joseph... Cám ơn... Anh mới ở Grenoble về hôm nay phải không? Tôi rất thích bài phóng sự đầu tiên của anh... nhưng những bài sau có vẻ dở hơn thế nào ấy...
- Ừ, - Chàng phóng viên đồng tình - Những bài sau dở thật.
- Không, không, đâu có dở lắm. - Cô gái kêu lên.
Joseph chuyển ngay sang chuyện khác.
- Ờ, thế có gì mới trong số báo buổi chiều không? Có nhiều thông báo lắm không?
- Rất nhiều, nhưng chẳng có gì đáng lưu ý cả. Nếu như không tính đến chuyện giải thưởng văn học Goncourt...
- Ừ, tôi đã nói chuyện với d’Arjean.
- Anh ta kể lại những gì?
- Không có gì đặc biệt cả. Không có người nhận giải, thế thôi.
- Một việc bí ẩn - Rosie thốt lên - Bên diễn viên châm biếm tha hồ mà nhe nanh! Người ta đồn rằng các thành viên của Hội đồng giám khảo không dám xuất hiện ở đâu cả.
Rosie Sauvage năm nay hai mươi tám tuổi. Cô có nước da ngăm ngăm, thân hình cân đối với khuôn mặt thanh tú. Đôi mắt nhìn mềm mại dường như đã xoa dịu những nét thô và cái miệng hơi rộng của cô. Rosie vốn nổi tiếng là một đồng nghiệp tuyệt vời và một nhà báo có kinh nghiệm. Cô phụ trách ban tin tức. Bất kỳ một mẩu tin nào vỏn vẹn ba dòng đều có thể chuyển sang trang nhất và chiếm luôn cả sáu cột. Nhưng cũng có những trường hợp là có một tư liệu giật gân thế mà chỉ sau một ngày đêm đã xẹp xuống y như bọt xà phòng.
Rosie Sauvage rất có nhạy cảm nghề nghiệp. Cô rất yêu nghề của mình và luôn luôn đoán đúng gu của độc giả.
Joseph rít thuốc với vẻ đăm chiêu. Rosie đứng cạnh anh, nghiêng người bên máy điện thoại và nói vào ống nghe:
- A lô, ông Norbert đấy ư, Rosie đây... Ông có nhớ là ông đã hứa cho tôi ba cột với vụ tai nạn máy bay hay không? Ông đừng phản tôi đấy nhé, chuyện đó rất quan trọng. Người ta sẽ nói về nó vài ngày...
- Thôi được, thôi được, chuyện đó sẽ xem sau...
Joseph ném mẩu thuốc, vớ lấy xấp báo “Paris-Nouvelles” và giở ra đọc.
- Anh đọc lại bài phóng sự của mình à - Rosie hỏi.
- Ồ, đâu có! - Chàng phóng viên khẽ lẩm bẩm - Chẳng qua tôi xem lại mấy tờ báo thôi... Đôi khi có lẽ cũng có ích khi xem lại những số báo cũ...
- Anh có biết Adrien Ebrar, người xuất bản báo “Tana” trước đây đã nói thế nào không? Hãy quên số báo ngày hôm qua đi!
- Ông Adrien Ebrar nhầm rồi - Joseph trả lời vẫn với vẻ bình thản - Cần phải coi trọng độc giả chứ.
Anh gấp tập báo lại và hỏi:
- Đây là những số báo cuối cùng phải không? Thế cô có còn những số báo cũ hơn không?
- Anh thử tìm trong các tập lưu trữ xem. Thế anh tìm gì vậy?
- Chính tôi cũng không biết nữa.
- Sao lại không nhỉ?
Rosie Sauvage nhìn Joseph với nụ cười trên môi.
- Nào, anh Robenne thân mến của tôi, anh đừng có mà láu lỉnh. Anh đã lần ra một dấu vết nào đó. Đừng có mà giấu tôi nhé! Chuyện gì đã xảy ra vậy? Anh vẫn đang nghiên cứu vụ giết người ở Grenoble ư? Không phải à? Thế cái gì nào?
Joseph lắc đầu một cách mập mờ và đi về phía tủ. Lục lọi trên mấy ngăn tủ anh lôi ra một xấp báo.
Anh trải chúng lên bàn và đưa tay dò theo các cột báo.
- Anh tìm thấy chưa? - Rosie hỏi.
- Không thấy, sao mà chẳng thấy gì cả.
Chàng phóng viên chạm rãi bỏ mấy tờ báo vào chỗ cũ.
- Nhưng anh tìm gì chứ? - Cô gái lại quan tâm hỏi.
- Thôi được - Joseph không trả lời thẳng vào câu hỏi - Tôi buồn ngủ quá. Mệt mỏi rất có hại cho tôi. Thật là buồn cười nhưng khi mệt mỏi tôi thường mất cảm giác thực tế và bắt đầu tưởng tượng...
- Tưởng tượng như thế nào?
- Nếu tôi kể lại thì cô sẽ cười tôi thôi.
- Nhưng dù sao thì anh cũng cứ kể đi!
- Không, tốt hơn hết là cho tôi hỏi cô một câu. Trong mấy ngày qua, ở giữa vùng Toulouse và Agian có xảy ra vụ giết người nào không?
Rosie hiểu rằng tay phóng viên không đùa và nàng nhíu mày đăm chiêu suy nghĩ.
- Giữa vùng Toulouse và Agian ư? Tại sao lại ở giữa Toulouse và Agian nhỉ? Ồ, anh cứ để tôi. Anh chờ một chút nhé... Có một vụ giết người vì ghen tuông ở Rostford, một cuộc ẩu đả ở Arle mà hậu quả là có người chết, một đám cháy lớn gần Montpellier. Nhưng giữa Toulouse và Agian... Thế nào mà tôi không nhớ ra nhỉ. Ta vẫn có phóng viên thường trú ở Toulouse mà... Ngày hôm nay anh ta không gửi tin tức gì... Ngày hôm qua cũng không. Chúng ta thử kiểm tra xem... Tôi còn một đống điện tín đấy, tôi sẽ xem xem... Thế đấy... Cháy ở Brest, không, chuyện đó chiếm vỏn vẹn có hai dòng. Một vụ trấn lột có vũ khí ở Perpignan không đáng lưu ý... Người ta phát hiện ra một vụ áp phe ở công trình xây dựng gần Limoges... Không, không phải chuyện đó. Tôi chẳng tìm thấy cái anh cần đâu cả.
- Ờ, thế trong các báo khác cô có thấy xảy ra chuyện gì trong những ngày gần đây không?
- Không - Rosie trả lời sau phút suy nghĩ - Theo tôi thì không có gì hết, bởi vì tôi rất chú ý theo dõi những kẻ cạnh tranh với chúng ta mà... Không, chẳng có chuyện gì giật gân xảy ra giữa Toulouse và Agian cả...
Cô gái vẫn ngồi đó nhìn đống điện tín trên bàn phía trước mặt.
Một trong số các biên tập viên trẻ lao vào phòng như một cơn lốc.
- Xin chào Joseph! Công việc thế nào?
- Tốt thôi.
Chàng trai ngồi xuống sau chiếc bàn con và cắm đầu cắm cổ viết.
- Có chuyện gì xảy ra thế Moris? - Rosie Sauvage hỏi - Có chuyện gì đặc biệt ư?
- Không, chỉ đơn giản là phải ngoáy mấy dòng về vụ ẩu đả ở Arle. Đầu óc làm sao ấy. Công việc thế đấy! Và nói chung đúng là một thảm họa thực sự với số báo hôm nay. Norbert kêu gào. Cũng phải thôi, hàng đống tư liệu, rồi người ta o bế, đòi hỏi ông ta từ khắp mọi hướng...
- Joseph - Rosie ngạc nhiên thốt lên - Tôi đã tìm thấy vụ giết người anh cần rồi. Nhưng chẳng có hấp dẫn đâu!
Joseph nghiêng người đọc bức diện qua vai Rosie. Bức điện rất ngắn ngủi, chỉ vẻn vẹn có vài dòng do phóng viên từ Toulouse gửi về.

*

Lúc đầu các chữ cái cứ nhảy nhót trước mắt Joseph như thể là chúng sắp chạy ra khỏi tờ giấy. Joseph nắm chặt tay lại. Cần phải làm chủ được bản thân và bình tĩnh đọc tất cả từ đầu đến cuối... Đúng rồi, thông báo điện thoại từ Toulouse, từ Toulouse... Vậy là chúng ta chuyển sang chính phần thông báo từ Toulouse. Ở một trong những miền xa xôi của đất nước đã xảy ra một tội ác nữa, một tội ác rất tầm thường. Chỉ cần bốn dòng là đủ thông báo về nó trong hàng chục sự cố kiểu này. Các độc giả ở Brest và Strasbourg sẽ chỉ đọc lướt qua mà chẳng hề lo ngại hay quan tâm gì đến. Rồi sau đó họ nghĩ: “Ờ, bọn lưu manh thật là lộng hành quá thể. Biết nói gì nữa, nghề ăn cướp đã phát triển quá mức! Sống một mình thật là nguy hiểm, nhất là nếu anh kiếm ra tiền...”. Độc giả sẽ chỉ nghĩ thế thôi.
- Anh tìm cái này ư? - Rosie hỏi.
- Chờ một chút...
Joseph chăm chú đọc:
“Người ta đã phát hiện thấy xác người buôn sách cũ tên là Gustave Muet trưa hôm thứ ba ở Mouasac. Ông lão bị giết bởi mấy phát đạn súng lục. Ông ta nằm ở hành lang nhà mình. Gustave Muet năm nay 73 tuổi và sống một mình. Vụ giết người được thực hiện với âm mưu cướp của. Người ta đã tìm thấv một đồng tiền vàng chắc hẳn là do kẻ giết người hay là bọn giết người đánh rớt ở bên cạnh xác chết. Ông lão buôn sách cũ vốn nổi tiếng là keo kiệt và người ta đồn rằng ông ta cất giấu một số tiền rất lớn. Người ta đặt giả thuyết rằng tên cướp hay là bọn cướp không định sử dụng vũ khí nhưng ông lão đã chống cự lại nên chúng buộc phải giết đi. Điều tra sơ bộ thấy rằng vụ giết người xảy ra vào ban đêm hoặc là sáng sớm hôm sau, vào ngày thứ ba. Người đầu tiên kêu cứu là chủ tiệm buôn, hàng xóm của ông lão buôn sách cũ. Ông ta bỗng thấy lo ngại tại sao ông lão không đến mua hàng của ông ta như thường lệ. Cảnh sát đang tiến hành điều tra”.
Chỉ có vậy thôi.
Joseph ngẩng đầu lên. Cơn buồn ngủ tan biến.
Lúc này là 11 giờ tối.
- Ừ thì sao? - Rosie sốt ruột hỏi.
- Thế này nhé. Tôi phải gặp Bary và d’Arjean ngay lập tức.
- Để làm gì? Vì chuyện này ư?
- Hoàn toàn đúng vậy!
- Tôi phát điên mất ví tò mò. Thế tôi phải làm gì với cái tội ác này?
- In năm hay sáu cột ngay trên trang nhất ấy!
- Anh làm sao thế, Joseph? Đây chỉ là chuyện vặt thôi! Một vụ giết người rất tầm thường, vả lại chúng ta đã có chi tiết gì cụ thể đâu. Tôi sẽ gửi ngay một bức điện cho phóng viên ở Toulouse và...
- Hãy đợi đã! Hôm nay là thứ ba, 26 tháng 11. Ông lão đã bị giết đêm hôm qua hay sáng nay.
- Thế là chúng ta đã chậm chân rồi. Ôi giời, mấy ông phóng viên địa phương ấy! Họ có bao giờ phải vội vã đâu!
- Thế cô có thấy gì trong các báo buổi sáng khác không?
- Không, tôi thề với anh là chẳng thấy gì. Và sau đó mỗi ngày có biết bao chuyện xảy ra nên tội ác ở Mouasac sẽ không bị ai để ý, hoặc cùng lắm thì người ta chỉ đăng vài dòng về nó ở một góc nào đó thôi.
- Thế thì được rồi! Bây giờ chúng ta sẽ đặt ngòi nổ!
- Bằng cách nào nhỉ?
- Tôi đã nói với cô là cần phải đưa vụ này lên trang nhất mà.
- Nhưng trên trang nhất chúng ta đã đăng chuyện giải thưởng văn học Goncourt với kẻ được giải giấu mặt như anh đã biết rồi đấy.
- Ừ thì sao? Chúng ta sẽ cứ để nguyên như vậy, chỉ có điều là nếu Bary và d’Arjean không phản đổi thì đề mục sẽ được đăng chẳng hạn như là: “Kẻ giết người được giải thưởng văn học Goncourt” và trong ngoặc đơn là: Bài của đặc phái viên Joseph Robenne ở Mouasac.
- Tôi chả hiểu gì cả.
- Hãy nghe đây, Rosie! Mọi việc hoàn toàn đơn giản, và mấy phút nữa tôi sẽ giải thích cho cô. Còn bây giờ tôi phải nói chuyện với Bary đã. Thời gian gấp rút lắm rồi.
- Với Bary ư? Ồ, vâng... Thế anh có biết là anh ấy gốc ở Mouasac không?
- Thế à! Vậy mà tôi cứ nghĩ rằng ông ta là người Paris...
- Anh ấy sống ở Paris từ nhỏ nhưng sinh ở Mouasac. Có một lần anh ấy nói thoáng qua về chuyện đó. Nói chung chuyện này chả có ý nghĩa gì hết.
- Tất nhiên rồi. - Joseph đồng tình - Tôi sẽ quay lại ngay...