Đừng lay tôi nhé cuộc đời
Tôi còn trẻ dại cho tôi mơ mòng...Tôi Đang Mơ Giấc Mộng Dài Từ ngày rời bỏ miền Bắc thân thương nhưng đầy bất trắc để di cư vào Nam, trong vòng mười năm, tôi được sống tại một phần đất nước tương đối vững chãi và thanh bình. Nhưng riêng tôi phải trải qua dăm ba cơn sóng gió dữ dội, bị tay sai của thực dân giam trong nhà tù hay tự dìm mình vào tù ngục của tình yêu rồi phải xa lánh mọi người vì e ngại dư luận. Nhưng kỳ diệu thay, dường như lúc nào cũng có đôi bàn tay tiên gỡ tôi ra, đưa tôi đi... khiến tôi đã hơn một lần thoát hiểm, từ từ vươn lên từ hố sâu hệ lụy để tiếp tục ca hát. Cũng giống như mọi người mà thôi, vào giữa đời mình, tôi nếm đủ mùi hạnh phúc và khổ đau, trong cuộc đời cũng như trong cuộc tình. Và tôi luôn luôn nghĩ tới cái chết... Đã có một lúc tôi quyết định không đem nghệ thuật của mình ra để chỉ nghe theo mệnh lệnh nào đó, xưng tụng một chiều. Bên cạnh vinh quang còn có nhục nhằn, nếu ở một nơi nào tôi không được nói tới của hai khía cạnh cuộc đời thì tôi ôm đàn ra đi. Đã chủ trương hai chiều trong nghệ thuật thì trong đời sống riêng tư, tôi cũng chấp nhận của vinh quang lẫn tủi nhục. Vào lúc tôi vừa ở Pháp về và đang dương dương tự đắc vì dăm ba cái thành công (!), muốn kiềm chế bớt tính kiêu căng, tôi cần phải uống một liều thuốc nhục. Rồi từ đó, trải qua nhiều năm, từ khi chế độ nhà Ngô vững chãi cho tới lúc sắp sửa sụp đổ, tôi được nếm thêm ít nhiều ngọt bùi và đắng cay. Là người muốn sống trung thực với mình, với người, tôi đem tất của cái buồn cái vui, cái sướng cái khổ, cái thực cái giả, cái xấu cái tốt, cái sống cái chết vào những bài hát của tôi. Tôi soạn những bài nói tới cuộc đời toàn diện chứ không phải chỉ là những mảnh đời vụn vặt. Một Bàn Tay là tất cả. Bàn tay đưa ta vào đời, dẫn dắt ta đi, đánh đập ta hay vỗ về ta, cuối cùng, bàn tay vuốt mắt ta:Bàn tay đưa anh ra khỏi lòng ngườiMột đêm kêu lên hơi thở tuyệt vời.......Bàn tay đưa anh đi gặp cuộc đờiMột Xuân bao dung ai cũng là người.......Trong cơn mưa hèTay nào khô héo bắt anh vềBàn tay che mắt, ôi còn ngăn câu hát, Bàn tay ám khí u mêNhưng tay em về thơm mùi gỗ quý, gỡ anh ra............Bàn tay ôm anh trong cuộc tình đầy,Một Thu sang, tim anh nở tròn ngày..........Một mai đưa anh thăm thẳm lìa đờiMùa Đông khăn tang mây bỏ đường dàiBàn tay thương nhớ, một đêm băng giáLạ lùng, tay khép làn mi... Tiếp theo là bài Những Bàn Chân. Bài này phát triển ý niệm lên đường mà tôi nuôi dưỡng. Tôi xưng tụng:Những bàn chân, trên ruộng cằnDưới nắng hè lửa thiêu đất khanVỡ đồi nương, cho máu đào rơi thắm cỏ hoang.......Những bàn chân trên sa trườngNhững bước buồn đạp trên máu xươngVẫn hoài mong cho đất vàng hoa nở nhiều hơn........Những bàn chân trong hoà bìnhMang những lời yêu, trong gió xanhBước hiền minh đi nối liền hai cõi tử sinh... Trước đây, tôi có bài Lữ Hành. Bây giờ tôi soạn một bài cũng nằm trong ý niệm lên đường là bài Xuân Hành. Bài Lữ Hành là một tuyên ngôn: Ta đi trên dương gian, đi trong thanh xuân, đi trong thiên nhiên, đi trong nhân gian, đi trong thời gian và bao giờ ta cũng phải bước nhanh vượt chân đời.Với bài Xuân Hành tôi muốn trả lời một câu hỏi muôn đời: qui es tu? d'où viens-tu? où vas-tu?:Người là ai? Từ đâu đến?Và người ơi, người sẽ bước chân về nơi nao?Người vì sao mà chớm nở? Rồi sớm tối, cánh hoa tươi tơi bời theo với những lá úa?Người là chi? Là cơn gió?Là cát trắng hay bụi xanh lơ? Có phải người từ xưa, thuyền theo lái về bến cũ? Hay người lên xe đi từ hư vô qua hư vô? Câu trả lời trong Xuân Hành là: Người từ lòng người đi ra rồi sẽ trở về lòng người. Người vừa là người, vừa là thần thánh và ma quỷ, biết thương yêu dai và cũng biết hận thù dài, làm bất cứ điều gì thì cũng phải rất là đắm say. Nhưng trong khoảnh sống ngắn ngủi này, người phải biết nhìn toàn đời trong từng chớp mắt, người phải biết vui biết buồn ngay trong một cơn tim đập, tim ngưng. Cuối cùng, khi chết đi, người đời còn nhớ tới mình thì có nghĩa là mình ra đi từ lòng người rồi sẽ trở về lòng người:Người là TA, đường nhân ái còn đi mãi mãiHết bước Xuân, TA gọi nhau về trong NGƯƠI... Trong thời gian này, tôi có cái nhìn bao la hơn trước. Được người tình vỗ về chăm sóc, trong một bài hát tình yêu, tôi cám ơn người tình đã đem vào đời tôi trăng sao vời vợi... Quả thật là như vậy! Những buổi gặp nhau nàng thường tặng tôi những câu ca dao, trong đó có một câu tôi yêu vô kể:Sao tua chín cái ối a nằm kềThương em từ thuở mẹ về với cha... Người Việt Nam khi xưa đã cho của thời gian bất tận lẫn không gian vô tận vào một câu thơ tình lục bát. Tình yêu của người soạn câu ca dao thật vĩ đại bởi vì người này nhìn vào tinh tú vô biên để thương yêu một người từ thuở chưa có người đó. Tôi thêm lời vào câu ca dao bất diệt này để soạn thành Bài Ca Sao> nói lên tình yêu của tôi đối với người tình:Sao vua sáu cái nằm xaThương em từ thuở người ra người vàoSao Khuê chín cái nằm dàiThương em từ thuở tình ngoài nghĩa trongSao măng năm cái nằm ngangThương em từ thuở mẹ mang đầy lòng.Sao đôi hai cái nằm chồngThương em từ thuởmẹ bồng mát taySao hoa ba cái nằm xoayThương em từ thuở được vay nụ cườiSao băng ngã xuống gầm trờiThương em từ thuở mẹ ngồi nghĩ xa.Sao sa, sa xuống vườn hoaThương em từ thuở người ta lại gần.Sao hôm le lói đầu hèThương em từ thuở em về với aiSao mai le lói ngọn câyThương em từ thuở về xây tình người........Sao Vân muôn cái mịt mùngThương em từ thuở nghìn trùng cách chia.Sao quanh theo gót người điThương em chỉ có trời khuya nhìn vềSao ơi, sao hỡi buồn gì?Sao ơi, sao hỡi buồn chi? Người tình còn đem tới của trăng non, trăng già thì tôi phải có Bài Ca Trăng. Bài này là một bài ca tình tự với trăng, tức là với người yêu: Trăng ơi, trăng ới kìa là trăng ơi Trăng lá trai trong chiều vơi Lưỡi trăng treo đầu trời, ngoài đồng hoang vắng rơiTrăng ơi, trăng ới tình còn nhỏ nhoi Theo gió đưa trăng về khơiTrăng ơi, trăng ới kìa là trăng xanhTrăng sáng soi trong vườn chanh Sáng luôn trong vườn đào, kià là soi trắng đêmTrăng ơi, trăng ới mặn nồng tình duyênTrăng thức lâu trên giường êm.Trăng ơi, trăng ới kìa là trăng đêm, Trăng đến khuya thăm người quenGối chăn đã lạnh mềm, người về trong cõi duyênTrăng ơi, trăng ới tình già bình yênTrăng khuất mau sau màn đêm... Tình yêu đã đem trăng sao đến cho tôi rồi và qua một bài thơ của nàng do tôi phổ nhạc -- mà Tạ Tỵ, người viết chuyện đời tôi, cho rằng đó là bài tình ca hoan lạc nhất của tôi -- quả rằng vào lúc gần tàn của chế độ nhà Ngô, tôi... ... đang mơ giấc mộng dàiĐừng lay tôi nhé cuộc đời chung quanhTôi đang nhìn thấy mầu xanhỞ trên cây cành trôi xuống thân mìnhTôi đang nhìn thấy mầu hồngỞ khắp nẻo đường nhẹ thấm vào hồnTừ bình minh tươi mátVề hoàng hôn thơm ngátLàn gió đưa hương trờiVào chứa chan lòng tôi... Đúng vậy! Tôi nghe từ cõi đời vui vượt qua đêm dài lên tới sao trờiTôi nghe từ cõi lòng người lời nói bồi hồi tìm kiếm ngọt bùiVà nhìn thấy trong tim, tình yêu nở những con chim tuyệt vời... Như bất cứ đôi người tình nào trên thế giới, chúng tôi van xin: Đừng lay tôi nhé cuộc đờiTôi còn trẻ dại cho tôi mơ mòng... Tuy nhiên, bây giờ ngồi nhớ lại cuộc tình xưa, tôi tự thấy vào lúc đó tôi chỉ mơ mòng có khoảng 50% của giấc mộng. Không những tôi cố gắng không biến cuộc tình của mình thành một sự chiếm đoạt, một cuộc đụng chạm xác thịt hay một cuộc hứa hẹn trăm năm gì đó, vào những lúc đằm thắm nhất hay chua sót nhất của tình yêu và vào lúc chúng tôi đều hiểu ngầm của đôi bên muốn đi đến chỗ "trói chặt nhau", tôi đều cố gắng thoát ra khỏi ràng buộc đó. Tôi không vì vợ hiền con ngoan mà bỏ mất cuộc tình thì tôi cũng không thể vì người tình mà bỏ bê vợ con. Có thể biết rõ như vậy cho nên vợ tôi -- có người gọi là á thánh (!) -- không bao giờ sợ mất tôi cả. Chắc chắn vợ tôi biết tôi có đủ những nết tốt của một người chồng và chỉ có một nết xấu của đàn ông mà thôi. Cái tật này thì hình như nhiều bậc nam nhi đều có hoặc muốn có, và được các bà vợ tha thứ hay nhất định không tha. Tôi vẫn thường khoe với bè bạn rằng dù là người thích bay bướm nhưng không bao giờ tôi vắng mặt trong bữa cơm hàng ngày. Rất ít khi đi ngủ đêm ở ngoài. Không bao giờ phản đối vợ dù trong những việc cỏn con nhất. Bên trên tất ca là vấn đề tiền tài. Từ khi lập gia đình cho tới bây giờ, làm được đồng nào là đưa cho vợ giữ, không bao giờ tôi biết tôi có bao nhiêu tiền trong túi, trong ngân hàng hay trong hầu bao của vợ. Chót là một nghệ sĩ chỉ biết xưng tụng tình yêu, không bao giờ tôi trốn tránh tình yêu cả. Nhưng vì tôi sống trong một xã hội không có sự tự do quá trớn (như xã hội Âu Mỹ chẳng hạn), tôi biết tôn thờ tình vợ chồng, tình cha con, nói tóm lại là tình gia đình. Lạy Phật lạy Chúa, gia đình chúng tôi luôn luôn bình an, chưa bao giờ biết tới bi kịch hay thảm kịch. Gia đình nào mà chẳng có những phút hiểm nguy, nhưng tôi xin phép được thưa rằng trong suốt một đời vợ chồng, chúng tôi không bao giờ to tiếng với nhau, ngay của vào lúc gay go nhất. Vì cầm tinh con bướm, tôi có thể là một người tình lang chạ, bao giờ cũng biết yêu, biết quý từng cuộc tình một, nhưng tôi không thờ chủ nghĩa đa thê. Cũng chẳng khác chi các văn nghệ sĩ khác, chưa bao giờ tôi hài lòng với tác phẩm của mình cả. Một bài hát, dù ngắn dù dài, nếu chưa được ấn hành và thu băng thì tôi cứ đem nó ra sửa chữa hoài hoài.Tôi đã từng bỏ ra 5 năm, 15 năm để hoàn tất một tác phẩm là thế đó. Có khi hoàn tất rồi mà vẫn thấy chưa như mình mong muốn. Đem so sánh, tôi thấy những cuộc tình của tôi cũng chỉ là những tác phẩm chưa thành. Chẳng bao giờ hoàn thành cả. Người tình nào tới với tôi cũng chỉ đem cho tôi một thứ gần như là tình yêu. Tôi yêu ai cũng thấy hoặc mình yêu chưa đủ hoặc người tình chưa hết mực yêu mình. Cho nên nếu tôi có thể đi vào đi ra khá nhiều cuộc tình, trong lòng có thể rất vui vẻ hay rất buồn thương nhưng chẳng bao giờ tôi phải khổ sở vì những tác phẩm nửa chừng (oeuvre inachevée) như vậy. Nói cho rõ hơn, chẳng có cuộc tình lẻ nào có thể hoàn thành được cả, khi tôi là kẻ rất "có hiếu" với vợ con. Tuy nhiên mỗi một mối tình không hoàn thành cũng đều là một phần hạnh phúc của đời tôi nên lúc nào tôi cũng mang một ơn sâu đối với tất của những người tình lang chạ. Để bênh vực thêm quan niệm (vơ vào) về tình yêu của một nghệ sĩ sống bằng con tim, xin thưa rằng: tôi chẳng bao giờ là một vị thánh hay một nhà đạo đức. Tôi luôn luôn đi tìm tình yêu nhưng chẳng bao giờ tôi muốn phá tan tổ ấm. Về vấn đề này, tôi học mót ở người xưa: người Việt Nam có một quan niệm khá rõ rệt về chữ tình nên đã phân chia ra ba thứ: tình yêu, tình duyên và tình nghĩa... Yêu nhau rồi có thể xa nhau, đó là tình Khi đã kết hôn với nhau, đó là duyên (và nợ). Khi con cái đầy đàn thì chuyển sang nghĩa. Tình có thể rất mỏng manh, còn đó, mất đó, nhưng đã là duyên và nợ, đã là ơn và nghĩa, thì phải ràng buộc lấy nhau. Giản dị là như vậy. Nhưng than ôi, cũng chẳng cần đến quan niệm về tình của người xưa hay đến tính sợ vợ muôn đời của đàn ông -- ha ha -- để giúp tôi ra khỏi cuộc tình mười năm mà kết quả là một số bản tình ca đôi lứa đi trước môt số bản tình ca một mình... Biến cố tháng 11 năm 1963 tới và nhất là biến cố Tết Mậu Thân giúp cho chúng tôi vĩnh viễn xa nhau.