Xỏ xong quai dép bằng lá chà là, Anh Tư Luân rút ống thuốc mỡ trong túi dết, kéo cao ống quần, bóp thuốc trên đầu gối, nắn chỗ sưng. Anh cứ đủng đỉnh như ông câu dầm. Thấy tôi đứng lên dòm lần nữa, anh cười khà - Chưa đâu, lão. Săn heo rừng phải lì đợi chờ. Hai Mẫn đánh coi như ăn gỏi, con nhỏ lanh kỳ cục lắm đó. Tôi bị bắt quả tang đang sốt ruột, chỉ cười theo xí xoá. Cái bình tĩnh khi nằm đợi nổ súng bay đâu mất, tôi nhấp nhổm hoài, và cãi gượng với mình rằng tôi bị buộc phải đứng ngoài xem đánh nên mới lo giùm anh em. Tôi không dám truy tới cùng thử coi lo cho ai nhiều nhất. Một con bìm bịp nhảy trong bụi, thoáng màu cánh nâu chìm vào lá. Một tràng hụp hụp dội ra. Dứt tiếng chim, tôi đoán: ”Sắp nổ đây nè, sắp …”. Không nổ. Con rắn mối bò trên đá, đương ngó tôi, óng ánh như một vật chặn giấy bằng sành phủ men xám. Nó há miệng hớp nắng, thè cái lưỡi đỏ liếm mép ngon lành như vừa uống bia vàng, lại chui vào kẽ. Tôi tìm việc làm cho mắt và tai. Cu đất gù ngoài xa. Đám mây hình con gấu khi nãy đã co lại hình mèo ngồi…Đầu tôi cứ tự ý quay về phía làng. Mẫn vào trong ấy đã ba hôm, và chiều nay sẽ đánh trận táo bạo: diệt vọng gác giữa ban ngày, lấy cho được súng, ép địch co lại. Đó là trận mở màn “chiến dịch” mới của Tam Sa. Anh Luân thích gọi nó là chiến dịch giành lúa. Tôi đặt tên khác: cuộc chạy đua với Mỹ. Mẫn đùa, tuyên bố với du kích rằng ta sắp đồng khởi từng xóm. Chẳng ai sai cả, vì đợt tấn công này có đủ các nét ấy gộp lại. Đồng lúa chạy dài mé trên đường cái đen đang chín rộ, chín gấp, từng mảng nối tiếp nhau ngả vàng tươi, trông mà bắt cồn cào cả người. Mùa gặt đầu tiên sau lụt lớn đến sát sau lưng, bà con Tam Sa thấy giặc sửa soạn cướp lúa mà phát cuồng. Cha con xã Chinh chưa dám tính chuyện lấy lại ruộng hay đòi tô cũ, chỉ hằm hằm ăn xổi vài chục ngàn ang thóc cái đã. Đồng Nhơn Phước chín sớm hơn, bị một đại đội giặc đổ ra vừa gặt vừa xéo, M.113 chở lúa bỏ chạy tuốt về An Tân, bà con đấu và du kích đánh suốt ngày mới giữ hơn được một nửa. Chín Cang chạy vào báo tin với cặp mắt sưng đỏ. Chậm chân là mất lúa. Sau đó, dù được giải phóng, bà con cũng phảo bỏ xứ đi kiếm sống, du kích bám làng chỉ có nước ăn củ chuối. Riêng tôi cứ nhắc hoài vụ quân Mỹ sắp vào Chu Lai. Sân bay dưới ấy đủ cho máy bay cánh quạt lên xuống, các cứ điểm xung quanh xây gần xong, số Mỹ cai quản lính ngụy lên tới tám chục. Tôi xuống đấy hai đêm vơi Năm Ri, đoán chậm nhất chỉ vài tuần nữa Mỹ sẽ đổ bộ, tiếc rằng chủ lực ta bận đánh nơi khác, không kịp nện một đòn phủ đầu. Bây giờ Tam Sa nổi dậy khó một, tháng sau sẽ khó gấp đôi gấp ba. Tôi kể lại cuộc chạy đua giữa C.215 với tiểu đoàn biệt động ở Đèo nhông, ta nhanh hơn vài phút mà dành được cái thế từ trên đạp xuống mặt địch. Chi bộ họp trắng đêm, quyết định cái điều Mẫn nói: cài răng lược mạnh nữa, dù phải giành chính quyền từng liên gia cũng cứ nổi dậy, lập “xóm chiến đấu” mà đánh! Mẫn được cử làm “chỉ huy trưởng” chiến dịch, vào ở hầm trong ấp. Năm Tuất về vùng cát nắm Nhị Lộc, Tư Luân đóng sở chỉ huy ngoài gò. Anh Liệp về họp với bộ mặt ủ rũ của người đợi bị kỷ luật, cậu Quỳ xoắn hai tay phân bua mãi phát ngấy. Còn hai đồng chí nữa trong nhóm Anh Liệp lặng lẽ vắng mặt, chi bộ hiểu ngay rằng họ bỏ cuộc, làm Đảng viên trong thời đánh Mỹ này quá khó đối với họ. Cũng được thôi, họ có thể nhận việc khác vừa sức hơn. Anh Luân bàn riêng với Mẫn và tôi, rồi giao Tám Liệp lo chung đợt thu và giấu lúa nuôi quân sắp tới. Tôi thoáng thấy trong mắt anh Liệp một ánh mừng thầm kín, không muốn vội đoán xem anh mừng vì ai. Tôi bốc, giơ tay nhận làm ”Tham mưu trưởng chiến dịch”. Nói xong mới biết mình hớ. Chi bộ cười, Mẫn cúi xuống đọc cái gì trong sổ tay, anh Luân lại vỗ đùi: ”Đồng ý cái rốp!”. Tôi quên mất nạn ở chung hầm! Nhưng rồi anh Luân cũng can, vì huyện cấm xã dùng tôi kiểu ấy. Thật tình, nếu không có cái Chu Lai từng lúc gọi giật tôi về nhiệm vụ làm quen với Mỹ, tôi đã biến hẳn thành một cán bộ của Tam Sa. Cái cảm giác hoá tan mình trong một tập thể thật là thú vị, như tôi ngâm cả mình dưới suối giữa trưa hè cho nứơc ngấm vào từng nếp da mát rượi. Tiễn Mẫn vào làng dưới sáng trăng, Anh Luân đấm lưng tôi, nói tưng tửng: - Từ giờ trở đi, ông cố vấn quân sự của tao có nhảy mũi, máy mắt, té lên té xuống, là tại mày nhắc miết đó nghe! - Chú - Sáng trăng tôi được chồng ai; tôi cột gốc xoài, ai chuộc tôi cho…May mai mày ra chuộc, nhớ vai mang vò rượu tay bồng con heo, ừ chứ? Mẫn bịt tai, chạy mất. Tôi ngượng nín thinh, lại muốn nghe Anh Luân nói nhiều về cô cháu gái cưng cho khuây cái ý nghĩa day dứt; Mẫn đi vào chỗ nguy hiểm mà vắng tôi bên mình. Nhưng Anh Luân bắt sang chuyện hai đảng viên vừa rút lui êm. Tôi nghe nửa giờ chẳng hiểu anh nói gì. Tối hôm sau, cùng đi Nhơn Thọ và về tới giếng Tiên lúc hai giờ sáng, Anh hỏi độp trong khi buộc võng: - Nè ông lính Binh Định, cắm rễ làng Cá thì tính làm rể luôn chớ? - Mô Phật! - Đừng làm bộ! Lâu nay mình để ý kiếm chồng cho Hai Mẫn, ngó đi ngó lại chẳng thấy ai xứng nó. Sắp du kích kêu chị Hai riết rồi coi nó như chị thiệt, đố dám lấy. Con trai đi bộ đội sạch trơn, sót đứa nào lớ ngớ ở làng cũng bị địch nắm đầu đi quân dịch. Thời buổi này, gái ngoan tìm chồng ở chốn ba quân chớ ở đâu. Lão hỏi con Mẫn, chắc nó ừ. Con gái ở đây trầm trồ khen lão bảnh trai lắm đó. Nếu một ai khác ghép đôi cho tôi bằng cái giọng cha nội ấy, chắc tôi đã cáu. Anh Luân nói, tôi chỉ cười dài, thu thú nữa, còn anh thì lại phát bực: - Gì mà cười? Chuyện chung thân đại sự mà cứ hả hả hả…..Đừng tưởng con Mẫn dễ đâu nghen. Sáu bảy anh đâm đơn bị bác hết rồi. Mình tính dùm cho lão vậy. Lão bỏ nhỏ một tiếng, tụi mình xúm lấy cuốc vun vô, nó gật một cái là lãi cưới luôn. Lão đi tứ xứ mặc kệ lão, để vợ đó tụi mình giữ giùm, hồi rảnh rang lão về bồng con….Cười nữa à? Nửa đời người không lo vợ con, ở đó nhăn răng cười! Anh tức thật sự, phẩy cái quạt mo phành phạch một hồi, ngủ luôn. Chẳng biết các cô “tưởng sự lấy chồng, tỉnh như con sáo” thật không, chứ cơn buồn ngủ cứng mắt của tôi tan đâu mất. Tôi hiểu, anh Luân tự thấy phải lo cho đứa cháu mất mẹ vắng cha, cũng muốn Mẫn gọn bề chồng con để yên bụng làm công tác, khỏi lo già hết duyên, hay là ngại lên cấp cô khó lấy chồng trẻ…Chú Luân ơi, chú tốt bụng lắm, nhưng mà cha mẹ lấy vợ cho chú cách một phần tư thế kỷ rồi, cô cháu gái của chú ngày nay nghĩ về tình yêu và hạnh phúc khác xa chú thím rồi. Thằng Thiêm có thể bảnh trai, được cô ấy anh anh em em ngọt lừ đấy, nhưng nó suồng sã một chút là ăn báng súng các bin M.2 vào sườn cho coi. Lấy cuôc cuốc vào theo lối chú, biết đâu chẳng lấy cào cào ra! Tôi xoay lưng về phía ông mối bất mãn, ngáy một lát, con mắt cứ tráo trưng. Đang đánh Mỹ mệt phờ râu, ông lại đi gợi chuyện ba lăng nhăng…. Nhưng lại hấp dẫn mới chết chứ…. Người ta bảo “Dân thợ chậm vợ hiếm con”, có lẽ đúng. Cả họ Đặng phía ba tôi, hầu hết làm thợ, đàn ông đều theo cái lệ tam thập nhị lập, muộn nữa càng hay. Chỉ một người phá giới sớm là anh con đầu ông bác tôi. Mới hăm mốt, làm ét xe hơi, Anh mê một cô hàng xén rất xinh ở An Khê, quyết lấy cho được. Ba tôi khuyên:”Đời thằng thợ, để gia tài cho con có hai thứ thôi: tay nghề là một, thất nghiệp là hai. Ba mày với tao chí thú tới vậy, bây giờ đầu hai thứ tóc vẫn là sống nhờ đất nước ông bà, chết cậy mã tà đi đưa. Mày chưa vững nghề đã vợ đuổi con đeo, liệu sắm bị gậy sẵn đi!”. Anh tôi không nghe, nhà gái thách mấy cũng cố vay mà cưới, ở gửi rể luôn, nghe đâu quần quật bốn năm mới sạch nợ. Bẵng đi rất lâu, hết đánh Tây, mà tôi gặp lại anh về Quy Nhơn tìm việc, ngó mãi mới nhận ra: Anh già sọm đi, vai còng, tóc bạc một mảng sau gáy. Tôi nghe anh kể mà kinh. Anh là cái đầu máy hụt hơi kéo một xâu toa dài thêm mãi: tám đứa con nối vào anh, chị vợ rất đoảng níu vào bầy con, ông già lười biếng với bà già vỡ nợ móc xích vào vợ, đeo them vào đấy còn cả chùm những cậu em vợ lêu lỏng về nã tiền nhà, những họ hàng gần xa cứ nhất định tin rằng làm ô tô là hái ra bạc. Đã vậy, bấy nhiêu người cứ thi nhau nhắc ra rả rằng anh lấy được chị là phước bảy mươi đời, mấy đứa con lớn cũng bắt chước nói theo, đau lắm…. Hồi nhỏ đã khiếp, lớn lên tôi gặp vô số cặp vợ chồng Ngâu rất tội, mười một năm chưa một lần được qua sông. Tôi lại lao hết mình theo dòng thác đánh Mỹ. Có lẽ tim tôi không chứa nổi hai say mê lớn, nên tôi quên nhanh những rung động chợt đến trước một đôi mắt bồ câu nhìn tôi khuyến khích, để nghĩ tới cây tom-xơn của tiểu đội ba trúng đạn toác vành cò. Người cứ nhẹ thênh, rất khoái. Cho đến nay…ma quỷ nào xui mà tôi nhớ Mẫn hoài vậy? Ừ, nhớ đấy, thì đã sao? Có gì là bậy nếu tôi nhớ cô bạn sắp đánh một trận khó? Nhớ hẳn đi một keo thử coi, đằng nào cũng chưa ngủ được….. Giả sử tôi nghe lời Anh Luân, tôi đặt vấn đề….chà, mấy tiếng này cứ khô khốc. Tôi liều gọi Mẫn bằng em chẳng hạn. “Em Mẫn”. Cái báng các bin nằm im, chỉ có đôi mắt rất đen ngước nhìn tôi, luống cuống hỏi thầm: “Có phải …hay em nghe lầm?”. Hãy cứ vơ vào một chút, mất gì. Trong văn chương, tới đó người ta chấm lửng, qua chuyện khác, coi như ai thắng ai đã rõ. Ngoài đời chắc là khác, tôi phải nói thêm nhiều nhiều, chết nỗi nói gì đây? Một chuỗi câu hát rất xưa đến ngỏ dùm tôi. Những câu hát nhẹ như sương mỏng bay qua, phủ mờ khuôn mặt Mẫn, đôi mắt nghiêm dịu lại thành mắt người yêu đắm đuối….Lụt nguồn trôi trái lòn bon: mẹ mất cha còn, em chịu mồ côi. Thương ghê. Khúc dạo đầu đó, rồi tới gặp nhau một bữa nhớ anh ngàn ngày. Ngàn ngày là gần ba năm đó nghen. Gặp lại hai chục bữa thì phải nhớ sáu mươi năm….Màn sương đẫm trăng bạc đọng dần trên môi chúng tôi thành những giọt vui rưng rưng: Anh với em….. Một chú gà rừng gáy xa thé thé. Bỏ mẹ, gà gáy đầu rồi sáng mai lên lớp tha hồ mà ngáp, con ma sốt rét cứ rình xuống sức mà quật. Vướng. Mang tiếng thấy mồ. Sắp quần lộn ẩu với địch mà định mê gái à? Không khổng khồng không. Tôi cố vẽ trong đầu một số không thật tròn, cảm thấy cái võng tự do đong đưa bay lên, rất dễ chịu. Chân tay tê dần, tới đầu tôi cũng tan trong con số không ấy. - Ai đốt than cháy tới canh này mà chưa chịu hạ lửa, cà nông bắn chết á. Ai như chị Biền dưới chân dốc gọi lên lảnh lói. Tôi quay nhìn đằng sau: Một cột khói mỏng đang bốc đứng bỗng đứt gốc, phá ngang thành nhiều bung tròn lộn xộn. Đội du kích đang ngủ một giấc “ứng trước”, chắc có cậu nhen lửa đun nước uống, vừa dập vội. Mặt trời gần gác núi. Ba phát cối 60 đã bắt bà con quay về hết ấp, không còn đám khói “hợp pháp” nào để cho chúng tôi nấu chen vào. Chị Biền vạch bụi leo đến chỗ chúng tôi, bắp chân vạm vỡ bị gai bớm rạch mấy đường, mặt bánh mật đỏ rựng. Chị hổn hển: - Tôi… các cha ẩu quá…lộ cả xâu cả xốc rồi đó…. Chị Biền đem tin mới. Tin xấu. Cha con xã Chinh đã cho Ba Thấn về trại hồi chánh, tưởng êm, trưa nay lôi hắn trở lại làng Cá. Thằng Chinh con vừa khịt mũi vừa đánh thằng Thấn hộc cơm rồi hộc máu, bắt khai du kích bí mật: “Nhứt định mày còn giấu ranh lắm, mày chừa chỗ để về sau cộng sản thắng mày khỏi bị tù”! Ba Thấn muốn ngừng trên sườn dốc làm phản, nay phải lăn tiếp. Một lính ngụy mà chị Biền nắm được báo tin tối nạy địch sẽ cho quân đi bắt hơn chục người trong xóm Đinh sáng mai bắt tiếp ở hai xóm kia. Tư Luân bạnh quai hàm: - Hai Mẫn ở đâu? Chị Biền liếc tôi một cái rất nhanh. Tôi hiểu, nhỏm dậy định lảng, Anh Luân níu tay lại: - Lão là tham mưu mà… Nói hết đi chị! - Con Mẫn ở hầm nhà tôi. Cho Út Liềm báo động dây chuyền, biểu ban cán sự với số bị khai né tạm xuống xóm Đuồi thôi, đêm nay du kích về trụ luôn mà. Nó bỏ cú hốt vọng gác. - Hừ, đáng lẽ…. - Lo diệt cái ác đã. Tính quét cả thằng Chinh, thằng Thấn, đánh ngay chỗ cổng đình, giấc chạng vạng. Tôi giật mình. Anh Luân chồm vai tới, mắt trừng trừng.. Đình làng Cá nằm giữa xóm, hai đại đội giặc đóng lúc nhúc như vắt đầu mùa mưa, làm sao lọt mà đánh, đánh xong rút đường nào? Mẫn điên tiết tính đổi mạng à? Chị Biền kể rành rẽ như một anh lính lâu năm sau buổi lên bàn cát. Thằng Chinh con ưa bắt người vào đúng bữa cơm tối, khi ngoài đường đã vắng, ai ở nhà nấy đông đủ. Mẫn với hai cô nữa bó tiểu liên và lựu đạn trong gánh rơm nếp – nhiều nhà đã gặt lúa nếp- nhân lúc nhá nhem sẽ lọt vào căn nhà nát trước cổng đình. Út Liềm ở nhà khác gần đấy, đợi. Một chị nữa núp trong bụi rình. Khi nghe tiếng chửi mất gà báo lính ra, Út Liềm châm ngay cây đèn gió to như ngọn đuốc, chạy tới cổng đình, kêu có Việt cộng vô xóm. Chắc chắn tụi lính sẽ chặn hỏi Liềm, gọi cảnh sát tới nhận mặt. Liềm cố gắng dằng co sao đó để hai thằng Chinh và Thấn phải tới gần đèn, trước họng súng của tổ du kích…. Tôi nhăn trán, cố hình dung trận đánh rắc rối ấy. Một loạt câu hỏi nảy ra tới tới. Tôi vặn mãi chị Biền, không tin chị trả lời được, nhưng chị nắm rất chắc: - Dân vệ nằm bên Nhơn Thọ, muốn bắt ai thằng Chinh phải tự đi, xóm đông lính nên nó không sợ…Đánh mìn ban đêm, làm sao giựt cho trúng con thịt lớn?…Đường tiến đường lui êm rồi, tôi lo hết, cây rào nhổ sẵn cắm hờ, rút qua xóm Giữa chớ dại gì chạy ra gò…Súng nổ, cả xóm đánh mõ la làng, nó đốt nhà thì ùa tới dập lửa….Lấy mủ mít dán hai con đom đóm trên đầu ruồi, lỗ ngắm, bắn gần xịt thôi mà….Tụi này quân dịch hết, thứ cá sơn cá chốt đó đâu dám rượt ban đêm…. Rốt cuộc, tôi phải nhận ra rằng Mẫn đã liệu hết các trắc trở có thể xảy ra. Tôi chỉ góp thêm một mũi dương công nên đặt vài người nữa ở hướng chạy ra gò, khi tổ Mẫn rút thì họ nổ sung kéo địch về phía khác. - Hay! Mà các ông đừng vô sớm, khua chó sủa rần, đám lính vụn nó hoảng, không dám ra là hỏng ăn đó nghen. Đôi vai lực lưỡng, khúc gáy đỏ lủng lẳng búi tóc của chị Biền đã khuất sau bụi. Tôi vin một cành sim, rứt dần từng trái non trắng mốc, lật ngược xuôi mãi cái kế hoạch của Mẫn trong đầu. Lâu nay tôi truyền nghề cho Mẫn bằng giọng ông thầy lên lớp. Đến khi Mẫn tự xếp đặt một trận, tôi lại không hiểu nổi. Tôi chưa hề nghĩ đến kiểu hợp đồng rất khít giữa du kích nổi, di kích chìm với những chị Biền, em Liềm, lính ngụy đưa tin, với bà con cả xóm. Chị Biền còn phải nhắc chúng tôi đừng vào quẩn chân những người sắp đánh. Xấu hổ thật. Anh Luân hỏi lần nữa - Ngó bộ chắc ăn chớ, ông cố vấn? - Hết chỗ bắt bẻ rồi. Tôi nói cho tôi đỡ lo thôi. Tôi không tin còn đủ vô tư để xét việc làm của Mẫn. Đôi mắt sâu của anh Luân lấp láy. Anh lấy giọng như người cha sợ con nghe lời khen: - Lão thấy chưa? Đâu xa chẳng biết, mấy xã quanh đây khó kiếm được một đứa như nó. Bình thi đua dạo đầu năm, con nhỏ tráo qua tráo lại sao đó, đẩy thằng Ri lên huyện, lãnh đạo có một giấy khen diệt tám ngụy, cay không. Mình truy gắt, nó mới thú thiệt: cấp trên hay ưu tiên cho con gái, nó sợ đưa miết lên tỉnh, khu, Trung ương, phải đi họp thi đua cả năm mới về, bỏ việc chẳng ai làm. Nghe tức ói chưa! Chị Tám Giàu về hỏi, phải chi nó khai đầy đủ cho giới phụ nữ họ mừng, đây nó kêu quên hết. Sắp du kích tính giùm nó được có ba ác ôn, mười bảy ngụy, hai Mỹ, còn đánh chung cả đội thì chia phần nó đâu được chục ngụy nữa, là hà tiện tới chữ rồi. Vậy mà nó còn cãi bướng: “Cháu lượm hai thằng công an trên đường cái đen, lấy súng, cũng có chị em rình mỏi mắt, có anh em yểm hộ, cháu giành hết thì họ đi chơi không à? Cháu cộng thành tích ăn chung đổ lộn, trên mới thưởng cho xã cái huân chương đó chớ!”. Nó cãi ngang xương, mình lý cả buổi không xuôi, chút nữa nổi khùng. Vậy mình mới nhắm cho lão, tay non cầm cương nó đâu nổi…. Tôi lảng vội: - Chị Biền giỏi thật, nói như anh tác huấn lành nghề. - Chưa biết à? Trung đội trưởng du kích hồi chín năm, dẫn quân đi dự chiến phía Bà Ren, Trà Kiệu miết đó. Tù hai năm, bây giờ một nách năm con, nuôi cả anh chồng bị xã Chinh đá giập phổi, cực ớn. Trên đồng ý cho kết nạp đơn tuyến rồi, chưa kịp làm lễ. Địch xúc dân qua bên Mỹ, chị ta cũng theo tới đất Mỹ làm cách mạng, nói cứng vậy đó. Lão thấy chị ta cà rà mượn súng, nhớ đuổi đi thiệt xa nghen, còn ngứa nghề du kích lắm, lộ mặt thấy bà! Anh đặt túi dết kê đầu, nằm trên cỏ, phủ khăn che mặt. Anh tập được cái nết ngủ rất hay: ngủ say mà không ngáy, nghe tiếng động khác thường là mở mắt tỉnh liền, định ngủ một tiếng thì đúng một tiếng anh dậy, hơn kém chỉ vài ba phút. Anh còn làm chủ được tất cả các đòi hỏi của thân thể: Ăn, uống, ho, đái, ỉa, chỉ trừ căn bệnh thấp khớp là không trị nổi. im một lát, anh bỗng nói trầm ngâm như nói một mình dưới tấm khăn: - Lão hỏi đố sắp du kích thử coi: Ai dám đổi mạng, giết cha con xã Chinh rồi chết luôn? Ít nhất một nửa tay xung phong, mình đoán vậy, mà số đông là dân làng Cá, Cái làng thiệt kỳ lão à, một làng hơn hai chục họ khác nhau, hồi Tây Sơn giành ruộng với họ Võ dưới Lộc Chánh hay lắm, lúc rảnh lão hỏi cho biết. Anh thiếp đi. Ông thầy Mười đã chữa sốt rét cho tôi. Ông lấy mảnh chai lể năm huyệt trên lưng tôi, xoa lá trầu, cắt ba chén thuốc nam chỉ cay và ngọt chứ không đắng. Cái lạ nhất là tôi dứt cơn sốt khá gọn. Hôm lể lưng, ông kể một đoạn sự tích làng Cá, hay thật. Thêm một ít thương nhớ nữa dành cho nghĩa quân Tây Sơn. Những người đồng hương lẫy lừng của tôi đã in dấu chân trên đất này, rất chậm. Thời ấy, khúc đường Thiên Lý từ Quy Nhơn ra Phú Xuân rôn ràng lắm, quan quân đi về không ngớt, tiệm quán mở dày. Bắc Bình Vương trẩy qua làng Cá nhiều lần, nhưng ra thẳng Tam kỳ hay vào luôn Châu ổ. Các cụ thường gặp Đức Ngài ngủ trên Bành Voi, hễ bước xuống là họp tướng, kiểm quân, hiểu dụ dân chúng không biết mệt. Một lần, hình như sau chuyến ra Bắc diệt Trịnh, có ông đô đốc Tây Sơn dừng chân nghỉ tại làng Cá. Đó là chuyện lạ, vùng này mới có hai làng: Lộc chánh là dân cố cựu chánh tri, thuần một họ Võ, ông thần hoàng được sắc phong hẳn hoi, còn làng Cá toàn dân tứ chiếng góp lại, cày rẽ ruộng nhà giàu Lộc Chánh, đến cái tên chữ cũng chưa có, đình làng chỉ bằng điếm canh xứ người. Ông đô đốc tên gì chẳng nhớ-cái lệ kiêng húy tai hại- chỉ biết họ Trần, ham vui hội vật làng Cá mà rẽ vào, mặc kệ hào lý Lộc chánh bày hương đón trên đường quan. Trần Đô đốc đóng khố bước vào bãi, quật ngã hết các đô vật tới thi, sau bị Sáu Thìn làng Cá hất nhào ngửa, vỗ đét vào rốn. Bà con sợ mất máu, tưởng anh trai cày rụng đầu đến nơi. Nhưng ông Đô đốc cười lớn, mặc khố đứng giữa bãi, túm vai Sáu Thìn mà phong làn chưởng đội tại chỗ. Dân làng Cá rất khoái ông đô đốc chưa tới ba mươi tuổi, gọi Bắc Bình Vương là “Anh Huệ” làm các cụ già giật thót, đi chơi với Sáu Thìn như bạn vai vế, đặt tên làng Cá là Thiên Ngư thôn, nhân hỏi thăm về đàn bà goá mà chém luôn một tên mọt dân. Cuối cùng, ông làm việc rung chuyển cả phủ Tam Kỳ: Ông tự tay thảo tờ lệnh khoanh cho làng Cá tất cả các phần đất từ đường thiên lý lên tới sông Rù Rì, ai cày rẽ đám nào được giữ luôn đám ấy. Nghe nói tờ lệnh ấy văn dở chữ xấu, nhưng được con Ấn đỏ chói đóng vào, đằng sau con ấn lại có lưỡi gươm rất nhạy, nên quan tri phủ cũng chịu phép. Dân làng Cá mừng mà khóc, gánh rượu thịt tiễn quan quân mấy chục dặm đường vào. Làng Thiên Ngư mở mặt từ đấy, xây đình to, tạc bia ghi công đức Trần đô đốc, mộ dân lưu lạc về vỡ ruộng thêm mãi, lan thành nhiều xóm phía Nam. Đám nhà giàu dưới Lộc Chánh kẹp dù đi kiện, rồi kéo tráng đinh đi gặt ào, keo nào cũng thua. Anh Sáu Thìn lâu lâu cưỡi ngựa về thăm làng, bà con lại gửi quà biếu ông Đô đốc: Phần ông có thứ chè nhỏ của Tam Kỳ, thơm mộc mà đậm, còn bà Đô đốc được hồ tiêu, con ông ăn bột chà là với chuối mít khô. Ông đô đốc giữ ý, thỉnh thoảng nhờ Sáu Thìn đưa về một lượng bạc, nói là bíêu quả phụ cô nhi. Bẵng đi một dạo, làng vắng tin Sáu Thìn. Nghe đâu vua băng, việc trào lộn bậy hết, viên quan Tây Sơn mới đổi về lại ăn tiền như mỏ khoét. Rồi giữa một đêm mưa lớn, Sáu Thìn đánh voi về làng. Ông đô đốc tử trận nằm trên bành, mặt vẫn tươi như Bắc Bình Vương xưa ngủ trên lưng voi, tay còn nắm chuôi thanh kiếm còn dính máu đen và mẻ mấy chỗ. Bà mẹ Sáu Thìn chẳng gọi ai, một mình cầm đuốc dẫn voi lên núi Chúa. Hôm sau quân Nguyễn Ánh tràn tới, theo dấu voi vào vây núi, xỉa giáo vào từng bụi cây một. Ba người một voi đã biến mất. Từ đấy, trong những đêm mưa gió, dân làng hay nghe tiếng voi rống và tiếng gươm khua loảng xoảng trên núi chúa…. Ông thầy Mười hẹn sẽ kể tiếp phần giữ ruộng vào sau nữa. Tôi nghe rât mê, ông cũng cần một người chịu khó nghe như vậy, bởi “Sắp nhỏ bây giờ dễ quên ráo ông bà”. Nhiều đêm tôi lắng nghe tìm những tiếng của thờo Tây Sơn vọng về, chỉ nghe những ngón tay mưa gõ trên mái nhựa và gió hú rất thường so vói gió Trường Sơn, chưa đủ gợi nên thần thoại khi lọt vào đôi tai quá quen với máy nổ và sung nổ. Tiếc lắm chứ. Thế nhưng tôi bắt đầu ngắm trái đồi trọc chừa chỏm cây bằng cặp mắt kính nể, cũng không tức cười nữa khi lội qua sông Rù Rì hay đèo Trâu lăn: có lẽ người xưa phong chức cho sông núi hơn là đặt tên. Tôi vừa mở hé cuốn sử ghi những chuyện anh hùng qua rồi mà không hề đứt đoạn, đã mừng gặp ngay cái tên Tây Sơn rất yêu của tuổi nhỏ…. Anh Luân nhỏm dậy gọn như chưa hề ngủ, trải khăn trên tay lau nhanh bộ mặt xương, lau cả cái đầu trọc, kiểu rửa mặt khô của người quen ở hầm. - Đi hè, lão! Bóng núi đằng Tây đổ dài qua đồng, trùm trên làng Cá. Lúa vàng tươi càng sẫm màu thêm, chín thêm một ít nữa để giục chúng tôi đánh gấp. Nền trời nổi sáng gắt. Bốn chiếc phản lực đón nắng dưới bụng trắng loá – Bụng chúng khi đi gắn lổn nhổn những trái bom đen, bây giờ trơn tru – Sà qua đầu chúng tôi với cặp cánh phụ cụp xuống cản gió, xì đuôi khói đậm dần. Chúng con rướn ra đến tàu mẹ đỗ ngoài khơi, mới có tụi cánh quạt đáp xuống sân Chu Lai. Tôi nhớ cái đèo Rập cu ở Quế Sơn: từng bầy cu đất nối nhau lao qua chỗ yên ngựa giữa hai sườn núi, đâm vào tấm lưới dăng cao, rơi xuống túi dưới, đập giãy tòe long trắng trước khi vào lồng. Ước tới cao xạ thì quá cao, nếu có mươi cây 12 ly 7 mà dăng ở đây một tấm lưới lửa dập tạu bay nhỉ! Đôi du kích cuốn võng cho vào bao, xuống đồi theo chỗ bóng khuất, tránh hẳn nét động trên nền mây đỏ bầm. Năm Ri dẫn một tiểu đến chỗ bến phà Gò Trúc, sẽ bắn vào tụi lính gác cổng ấp, chia lửa cho tổ Mẫn. Anh Luân với tôi rẽ qua phải. Một em chăn trâu đợi trong bụi, dẫn chúng tôi vào ấp. Địch ở ngay trong ấp mà vẫn sợ, từ bốn giờ chiều đã khoá các cổng, bỏ khúc giữa và khúc đuôi con cá, kéo về dồn cục ở khúc cầu, vây quanh con mắt lồi là gò Đinh. Chúng tôi đi dọc xương sống làng Cá, hỏi lượt nữa các đồng chí sắp kéo dân nổi dậy, rồi đi đón Mẫn. Đèn dù lác đác xòe sáng trên ruộng, thứ đèn nhỏ của cối 60. Địch chưa nghỉ, Mẫn đang chĩa súng vào cổng đinh… Chỗ đón là một dải ruộng hẹp chia xóm Giữa với Xóm Đinh, được gọi rất đúng là ruộng mang cá. Nhóm chị Biền đã nhổ rào, moi mìn, dọn một khúc đường ruộng băng ngang, nối vào lối đi xuyên qua các vườn mít vườn chè rậm chông tới tận rốn địch. Tôi hồi hộp quá. Chưa bao giờ tôi đợi tiếng súng mà trống ngực đập dữ như đêm nay. Tôi tự nhủ một cách cả vú lấp miệng em rằng trận này có phần táo bạo, vả lại người ngoài cuộc lo cho người trong vòng chiến vốn là quy lụât của tình đồng chí. Tôi dối mình rất vụng….Các bin! Không lầm được! Các-bin M.2 kéo một tràng cắc cắc, tới nửa băng mới chen tiếng tuyn cải tiến pằng pằng hệt búa mát tán ri-vê. Ăn rồi! Tôi sững người khi đại liên nổ tiếp liền. Óc tôi quay tanh tách như máy tính, dừng ở cây đại liên trong lô cốt góc sân, chĩa họng dọn con đường làng. Chúng nó kịp nhấc súng qua lỗ châu mai khác ư? Không có nghe tiếng vỗ tiếng réo băng qua đầu tôi. Nó bóp cò từng loạt ngắn lấy tiếng nổ thôi, khác hướng. Đã nghe tiếng ò ré dội xa. Lựu đạn nổ ba bốn trái, của ai, chắc là của ta, tụi ngụy không nhạy rút lựu đạn đến thế. Bây giờ thì các cỡ súng đều bắn, đạn đi cao không chém lá, chắc chị em quật được mớ lính đổ xuống trước nhà, đủ chặn làn đạn thấp để rút cho êm. Ngón trỏ của tôi vẫn gác trên vành cò cây P.38, nhưng bốn người còn lại cứ bóp chuôi súng ngắn muốn toác vỏ nhựa nâu. Mắt tôi xói mãi vào chỗ rào trổ bên kia ruộng, nơi tổ Mẫn sắp vọt ra. Súng địch quét như bão. Lưới lửa xuống thấp rồi, một chòm lá cau chợt rung giật ràn rạt như có bầy sóc ngủ bị đuốc soi. Trận mưa chì bọc đồng xối vào lưng người. Nếu ai đó bị thương… nếu Mẫn ngã trẹo chân…Cần người cứu…Địch đuổi, chị em đuối sức, ai không chạy nổi thì trao súng, nằm đợi, rút lựu đạn đánh trận cuối đời…Không được! Tôi nói vội: ”Anh Luân ở đó, tôi đón”. Mới buông miệng, tôi đã vọt lên khúc bờ ruộng ngắn, tới rào tre ven xóm Đình. Có người chạy tới. Chân nhẹ. Một người thôi sao? Từ trong vườn tối om, một bóng nhỏ nhô ra, tay vẫy khăn trắng, suýt húc vào ngực tôi. Út Liềm! Tôi túm vai Liềm làm cô bé hoảng, kêu “ứ” trong cổ, quẫy mạnh. - Anh đây, Thiêm đây, Chị Mẫn đâu? Liềm lắc đầu không nói, chỉ thở dồn. Nguy rồi. Tôi cuống lắm rồi. Mùi phấn ở đâu thơm gắt nhỉ. Một xuồng đạn xối qua vườn mít, cành gẫy văng tới bên tôi. Liềm hít mãi mới ấp úng ra lời, tôi ghé tai sát miệng mới nghe lõm bõm: - Khô-không biết….Em ném cây đèn….chạy trước… Tôi chồm qua chỗ rào trổ, nhưng còn đủ tỉnh để dừng lại, bước lùi. Sai nơi hẹn, rất dễ bắn lầm nhau. Nhất là khi tai ù và súng ồn rất khó nghe mật khẩu. Tôi kéo Liềm lui về xóm giữa. Vẫn cái hoa gì nở đêm bay thơm như phấn. Mười hai phút, Cối địch gõ tang trống không ngớt, trái bung dù trên trời, trái nổ ngoài gò. Hướng này chưa lộ. Mười lăm phút, mười lăm năm đúng hơn. Mười bảy, mười tám. Thôi thế là xong! Chúng nó đang rọi đèn pin tìm xác, ồ, a. Cộng nữ bay ơi, cây các bin nó đây…Tôi đứng gượng trên đầu gối mất gân, chẳng hiểu sao lại đau buốt ở hai khoeo tay. Súng địch cứ xổ ào ào, băm vằm tôi mãi; Cho đáng kiếp, ai bảo tôi nằm đây như con bò chết ương để Mẫn luồn sâu đánh nhau với hai đại đội! Út Liềm lặng lẽ cởi áo, cởi mãi không hết áo lớp này tiếp lớp khác, có lẽ mắt tôi nhìn loạn đấy thôi. Bên kia ruộng có tiếng cười rúc rích. Nói chuyện rì rầm nữa. Một bóng bà ba đen đi qua lỗ hổng đen giữa rào. Súng lách cách. Bắp chân trắng, khăn trắng buộc tay. Có lẽ thật. Thật rồi. Hai bóng, ba bóng nối nhau bước chậm như dạo xem ruộng. Anh Luân hỏi to: - Quốc? - Hận! Cái giọng lanh lảnh ấy còn của ai vô đó! Làm người ta gần phát cuồng, lại cứ cười, cười, cười nữa kia… - Chú Luân hả chú? Liềm về chưa? Anh em đâu hết? chu choa, đánh ngon quá thể…Đi vô xóm cháu kể, nó động bắp chuối rách áo uổng…. Tôi lẳng lặng nối vào cuối hàng, chân tay mỏi không muốn nhấc. Phải chi tôi được ôm Mẫn như ôm anh em xê mình sau một cơn cháy ruột chờ nhau! Pháo 105 tới giờ mới lên tiếng, đạn mài gió xèn xẹt qua xóm, cũng đánh trống ngoài gò. Chúng sẽ bắn suốt đêm. Của đi thay người mà. Ngồi bên miệng hào cẩn thận, cả ba cô mới kể thôi là kể, cười từng chùm cười như giũ chà là rào rào trên nón ngửa. Họ đánh gần đúng như đã bàn, còn vượt mức hai chỗ. Một là bắn nhào thằng Chinh cha chứ không phải là Chinh con, luồng đạn từ ngực Ba Thấn chạy rẹt qua xã Chinh, gục cả hai, chắc mặc áo gỗ hết. Trận đánh kéo dài không phải vì địch chống cự mạnh, mà ngược lại, vì chúng đạp nhau chạy. Khiếp là phải, như đang ngủ ngon bị ong bầu chích giữa bụng hay con rết cắn trong nách. Các cô nổi ham, chạy ra khỏi nhà, ném lựu đạn túi bụi vào tụi lính trong sân đình, chụp vội được hai súng rớt trên đường làng, thêm một điểm “tăng” nữa. Mẫn chép miệng tiếc hoài những cây súng không kịp tìm, nghề đời là vậy, cá đầy giỏ vẫn còn thèm cá sẩy…Tôi xem cây Tom-xon kiểu cải tiến và cây ga-ran M.1, lại ngắm ba cô gái lấm lem, nhận lấy bài học đánh tiêu diệt rất tuyệt. Một tổ đặc công của bộ đội có thể lập công gấp bội, nhưng khó lòng chọn mặt gửi đạn như các cô. À, ra vậy, tiếng đại liên nổ thùng thùng mở đầu cơn hoảng của tôi ban nãy chỉ là cây tuyn của cô Xuân kê trên cái thùng sắt Tây gỉ, lượm ngay trong nhà bỏ hoang. Cái trò này địch biết từ lâu, đem ra chơi vẫn được việc như thường, ngay tôi cũng lầm. - Sao đó thầy Thiêm, trật đường lối chỗ nào? Tôi cười trừ. Mẫn sẽ không bao giờ biết tôi đã một lúc rụng rời vì Mẫn. Nếu biết chắc Mẫn giễu hơn là thương, bởi tôi được xếp lẫn vào cái số đông “anh em” trong bậc thang tình cảm của cô ấy, giỏi chen cũng đến sau lưng Út Liềm. Công bằng thôi. Một anh bộ đội mới tới, có giúp đôi chút nhưng chưa phải chung đắng ngọt vui buồn nhiều năm với Mẫn…. Anh Luân giục Liềm: - Thôi, biến đi cháu. Đừng ra láng cháng với du kích nghen. - Dạ, cháu về đây ông. Út Liềm đi khuất mà mùi phấn còn bay nồng. Cô em út của chi đoàn này đổi dạng rất khéo: da mặt và cổ vốn nâu được xoa phấn dày như quét vôi, lông mày quét than đậm; tóc ghép thêm cái chang búi tròn sau gáy, người to ra gấp đôi với bộ ngực độn và sáu lớp áo. Sáng mai, tụi lính sống sót sẽ lùng trong xóm Đinh, tìm “cái con mập ú, da trắng, mày rậm, tóc búi”. Gan lì thiệt, vừa kêu có việt cộng vô, vừa giơ đèn gió thiệt cao trước mặt hai con mồi cho các chị quét, cứ tỉnh rụi, một cô Mẫn nữa đang lớn gấp. Tôi đi giúp bà con sửa lại bờ đai ấp thành công sự “xóm chiến đấu”. Súng nhỏ đã ngớt, chỉ còn cối và đại liên bắn mãi ra gò. Đồng bào cầm rựa vác cuốc tuôn tới bìa xóm, các khoanh kẽm gai địch để chất đống cũng mang ra giăng hết. Từng tốp kéo qua, rậm rịch lào xào, hổn hển. - Nặng kinh mấy cha! - Ai áo trắng lên trước cho theo với, tối thui đây. - Để kêu nó bắn thêm đèn, ước lính… - Còn mấy khoanh trước nhà bà Vành? - Nát bét. Bả tưới nước dưa mấy lần, căng đâu gãy đó. - Mỹ thua bà già…Nè, tránh chớ! Một cuộc khởi nghĩa rất lạ, không đèn lửa, không tiếng súng tiếng loa, khác xa những năm xưa đồng khởi, nhưng vẫn là nhân dân nổi dậy phá kẹp. Và làng Cá bị hai đại đội giặc đóng chốt vẫn cứ được giải phóng hai phần ba, có đủ chính quyền, du kích, xóm chiến đấu. Cuộc đánh vật bắt đầu đêm nay. Ai sẽ làm chủ mảnh đất bàn đạp gần căn cứ Chu Lai?