Tuần sau, buổi tổng duyệt để lựa học sinh ra Hà Nội dự cuộc thi "Âm Nhạc Mùa Thu" sẽ được tổ chức tại hội trường. Giữa ba má vẫn còn chiến tranh lạnh, nhưng má đã lên thành phố dẫn tôi đi may cái áo đầm tuyệt đẹp chuẩn bị cho buổi diễn sắp tới. Có ba ở nhà mà má vẫn ghé tìm tôi, dù không nói với ba một lời nào, nhưng đây là một dấu hiệu tốt đẹp. Đó là nhận xét của cô Nguyệt Hằng khi tôi kể chuyện cho cô nghe, điều này đã làm tôi hy vọng trở lại. Tôi chăm chỉ tập đàn đến quên ăn quên ngủ, tôi nhất định phải được chọn đi Hà Nội, niềm tự hào này xin dâng cho má, cho ba. Và tôi càng mừng thêm khi thấy má lên ở với tôi hai ngày trước khi thi, má lo cho tôi từng tấm áo lót, giày vớ, và cả đồ trang sức thật đẹp. Chị Hai thì suốt ngày ca cẩm: --Vợ chồng chi mà như mặt trăng với mặt trời, vô duyên chưa từng thấy. Đúng như lời chị Hai, má thường tránh mặt ba bằng cách ở trong phòng tôi tối ngày, đến bữa cơm cũng không ăn chung, mỗi lần muốn làm cho tôi một món ăn bổ dưỡng, má viết giấy và chỉ cách cho chị Hai đi chợ nấu nướng rồi dọn ra cho ba và tôi cùng ăn, tuyệt đối má không muốn đối diện với ba. Ba chắc cũng đã nản lắm rồi, chiến thuật "tiến công từng bước" của ông ngoại đã bị phá sản từ hồi nào không biết, chỉ biết ba cũng suốt ngày đóng chặt cửa phòng đọc sách, và chỉ ra ngoài khi tôi gọi ăn cơm mà thôi. Rồi kỳ tuyển chọn cũng đến. Buổi sáng chủ nhật trời nhiều mây trắng, tôi diện chiếc áo đầm xanh vào, đứng trước gương và cảm thấy mình cao sang như một nàng công chúa. Má tô thêm một chút son lên môi, phấn hồng lên mặt, kẻ xanh mi mắt rồi nghiêng người ngắm nghía "tác phẩm" của mình: --Ồ, con gái của má đẹp như tiên nga. Tôi nép đầu vào vai má: --Má ơi, sáng nay má lên trường với con nha. Má sửa chiếc nơ trên tóc tôi: --Con đi với ba, má sẽ đến sau. Ba đâu rồi, nãy giờ tôi quên mất ba. Tôi chạy lên lầu, cửa phòng ba còn đóng, tôi đập mạnh: --Ba ơi, ba ơi. --Vào đi con, cửa không khóa đâu. Ba từ trong phòng tắm bước ra nhìn tôi, trên mép còn đầy xà bông. --Ba ơi sửa soạn mau lên trường với con nha. Ba dùng khăn lau vội đám bột xà bông dính đầy râu. --Ồ, con gái của ba đẹp tuyệt vời, cố gắng lên con nhé. Tôi lặp lại: --Ba ơi, mau lên trường với con. Ba đưa tay nựng cằm tôi: --Con đi với má nhé, ba sẽ đến sau. Tôi cảm thấy đất trời tối sầm lại, nỗi tủi thân dâng lên ngào nghẹn cho dòng nước mắt chảy ngược vào tim. Suốt thời gian qua, tôi đã cố quên tất cả, niềm cô đơn, sự lạc lõng, những ngày dài thui thủi một mình trong căn nhà rộng thênh thang. Làm bạn với tôi chỉ có bầy chim ngoài cửa sổ, giàn thiên lý cùng nhóm hồng nhung đã tàn rụng những bông hoa vì thiếu bàn tay người chăm sóc. Tôi như bóng lạc đà bơ vơ trên sa mạc, không có hạt mưa nào rơi xuống tâm hồn bỏng rát của tôi sao? Ba má ơi, con đã cố gắng tập đàn suốt ngày đêm cũng vì ba má. Những đầu ngón tay con dần chai cứng trên phím ngà để ngân lên từng nốt nhạc xanh và mong bắc nhịp cầu tái ngộ giữa ba má nhưng sao ba má vẫn thờ ơ? Tôi chán nản đi xuống nhà, đôi giày mới siết những đầu ngón chân đau buốt. Phòng khách vắng lặng, má đã đi đâu mất, tôi đến bên cửa sổ nhìn ra vườn, mặt trời soi bóng lá xanh ngắt lối đi. --Reng.. reng.. Chuông điện thoại reo vang. Nhấc máy lên, tôi nghe tiếng cô Nguyệt Hằng: --Thảo Phương, sao giờ này em chưa đến, nhanh lên, cô đang chờ đây. Ôi, cô Nguyệt Hằng thương yêu của tôi, cô là giọt mưa em mong đợi, là chiếc phao cấp cứu cuối cùng em tìm thấy trong trận hồng thủy đời em. Em sẽ đến ngay. Tôi cầm vội chiếc xắc nhỏ, chạy ra đường gọi xích lô. Cô Nguyệt Hằng đợi tôi bên cổng trường, có cả Minh Châu, Ngọc Tuyết, Thanh Hằng... tất cả nhìn tôi bằng ánh mắt khích lệ. --Chúc Thảo Phương một buổi sáng tốt lành. --Cố gắng nhé Thảo Phương. --Cả lớp mình đều có mặt để cổ vũ mày và Tuấn đó, nhớ đánh thật bốc nhé, Thảo Phương! Cô Nguyệt Hằng đưa tôi vào phòng đợi, nhìn vào mắt tôi, chắc cô đã hiểu rõ: --Thảo Phương, em hãy quên đi mọi nỗi ưu phiền để chú tâm vào bài thi sắp diễn nhé. Vẻ lo âu trên mặt cô làm tôi xúc động: --Vâng... em sẽ đàn tốt.. hay là, em đánh thử một lần nữa cho cô nghe nhé. --Không nên, em hãy nghỉ ngơi một lát, điều cần nhất là nên bình tĩnh, phải bình tĩnh, nhớ nha em. Hội trường rực rỡ. Tấm màn nhung mới tinh màu huyết dụ phản chiếu ánh đèn làm hồng hào những gương mặt tươi vui. Không gian đầy ắp âm thanh. Giọng cô xướng ngôn viên vang lên: --Tiếp theo, chúng tôi xin giới thiệu em Trần Thị Phương Thảo, Trung cấp I piano, học trò của giảng viên Lê Nguyệt Hằng. Em Phương sẽ trình bày hai tác phẩm của nhạc sĩ thiên tài Ba Lan: Frédéric Chopin. Bản đầu tiên là bài Nocturne số 9 cung Mi giáng trưởng... Tràng pháo tay vang dội... Tôi bước ra sân khấu, vạt áo đầm rung rinh như cánh bướm, màu đen láng bóng của cây piano làm tôi lóa mắt, tôi cúi đầu chào khán giả và cảm thấy chóng mặt... Nhưng ơ kia dường như trong mơ, khi tôi ngẩng lên, tôi thấy, ngay cửa ra vào, ba má, đúng rồi, ba mặc sơ mi xanh, má áo hoa vàng, hai người đứng cạnh nhau, tay trong tay, mắt cùng nhìn về phía tôi đầy âu yếm tin yêu... Ồ, khúc nhạc nào nhiệm mầu đưa ba má đến gần nhau? Tôi ngồi vào đàn, những ngón tay xoay tròn trên phím trắng, tôi tan biến vào không gian, tôi hòa mình vào đám lá khô trở giấc trong đêm, sương khuya đọng trên từng cánh hoa rơi thánh thót... tôi thấy một khung trời đầy tuyết trắng của quê hương người nhạc sĩ... tôi thấy dãy Ngân Hà xao xuyến trên cao, tâm hồn tôi mọc cánh, tôi bay, bay mãi, những nốt nhạc cuốn theo tôi trầm lắng... mơ hồ.. đêm yên tĩnh làm sao. Tôi đánh tiếp bài thứ hai trong nỗi vui bất ngờ, tôi thả hồn vào ý nhạc, tôi chơi vơi giữa cánh đồng bát ngát hoa thơm, tôi ngây ngất say sưa... Tôi biểu diễn một cách thoải mái đầy sáng tạo cho tiếng vỗ tay muốn nổ tung cả hội trường. Tôi đứng dậy, cúi chào khán giả, giàn đèn loang loáng chói chang, hình ảnh cuối cùng tôi ghi nhận là ba má đứng tựa bên nhau, mặt mày rạng rỡ.