Dịch giả: Hà Mai Anh
Chương XII
NGƯỜI BẠN THỨ NHẤT CỦA TÔI

Bà mẹ An-Tuyên là người Anh, tên gọi Mỹ-Lưu. Bà góa chồng và tôi tưởng An-Tuyên là con một của bà; – nhưng sau tôi được biết bà còn có người con đầu lòng bị mất tích trong một trường hợp bí ẩn mà người ta không tìm thấy dấu vết gì. Việc đó xảy ra trong khi ông Mỹ-Lưu hấp hối mà bà Mỹ-Lưu thì ốm trầm trọng: mê mẩn không biết gì. Khi bà tỉnh dậy thì chồng đã ra người thiên cổ và con cũng biệt tích bao giờ. Việc tìm kiếm bà giao cho ông Mỹ-Giang là em chồng bà. Người ta thấy có sự bất lợi trong sự ủy thác đó, vì nếu chồng bà chết mà không có con thì đến lượt Mỹ-Giang được thừa hưởng sản nghiệp của người quá cố.
Tuy vậy, Mỹ-Giang không được quyền thừa kế đó là vì sáu tháng sau khi chồng mất, bà sinh hạ được một người con trai, chính là cậu An-Tuyên bây giờ.
Nhưng đứa trai đó mảnh dẻ, yếu ớt, khó lòng nuôi được, các thầy thuốc bảo thế, ngày một ngày hai nó sẽ chết. Đến lúc đó Mỹ-Giang sẽ đương nhiên được hưởng tước vị và tài sản của anh, vì luật lệ về quyền thừa kế mỗi nước một khác, nên ở nước Anh, trong một vài trường hợp người anh mất đi, em có quyền thừa kế, người vợ góa phải chịu thiệt thòi.
Cháu trai ra đời làm cho Mỹ-Giang thất vọng, nhưng không phải tuyệt vọng, vì ông ta có thể đợi.
Ông ta đã đợi.
Những lời tiên đoán của thầy thuốc không nghiệm. Đứa bé tuy ẻo lả thật nhưng nó vẫn dai dẳng, không chết, có hy vọng nuôi được, đó là nhờ lòng hy sinh săn sóc của bà mẹ. Và ơn Thượng-Đế! Đó là một sự kỳ diệu.
Đã hai mươi lần người ta tưởng nó chết, đã hai mươi lần nó lại được cứu sống. Rồi cứ quặt quẹo luôn, có khi hàng trăm thứ bệnh sả vào mình nó.
Gần đây nó mắc chứng đau xương hông. Thầy thuốc khuyên nên đi tắm ở suối nước có chất lưu hoàng. Bà Mỹ-Lưu không quản ngại, đã sang Pháp tìm đến núi Py-rê-nê, nhưng dùng nước suối đó vô hiệu. Một danh y lại cho cách điều trị khác là giữ cho thân thể bịnh nhân nằm thẳng, không được bước chân xuống đất.
Vì thế bà Mỹ-Lưu phải đặt làm ở Boóc-Đô cái thuyền lạ kiểu mà hiện thời tôi đang nương náu ở đó.
Bà nghĩ không thể giam con mãi trong nhà được, nó sẽ chết mòn vì buồn và thiếu khí lành. An-Tuyên không đi được thì cái nhà sẽ đi thay cho An-Tuyên.
Người ta đã chế cái thuyền thành một thứ nhà nổi, có buồng ngủ, có bếp, có phòng khách và hiên ngồi hóng mát, thuyền đó đặt tên là Thiên-Nga. Chính ở trong phòng khách ấy hay ở dưới mái hiên ấy, tùy theo tiết trời, An-Tuyên ra nằm đó từ sáng đến chiều, chuyện trò với mẹ hay nhìn phong cảnh luôn luôn diễn ra trước mắt, không mất công di chuyển và cũng không phải nhọc nhằn gì. Con thuyền khởi hành từ Boóc-Đô đã hơn một tháng nay rồi. Sau khi ngược sông Ga-ron, thuyền vào sông Nam. Do sông này, thuyền qua những cừ, những lạch, lượn theo ven bờ biển Địa-Trung-Hải để đến sông Rôn. Lại ngược sông Rôn và phụ lưu Sa-ôn để sang sông Loa, đến tỉnh Briare thì rẽ vào sông đào tỉnh ấy. Rồi từ sông này vào sông Xen, xuôi xuống hải cảng Ru-En; ở đó bà Mỹ-Lưu cùng con sẽ đáp tàu về Anh-Quốc.
Hôm tôi xuống thuyền, tôi chỉ biết cái buồng dành cho tôi thôi. Mặc dầu nó dài chừng hai mét, rộng độ một mét, nhưng rất điểm dáng và sạch sẽ. Đồ đạc trong buồng chỉ có một cái tủ thấp, nhưng cái tủ này chẳng khác gì cái chai của một nhà vật lý học, bên trong chứa đựng không biết bao nhiêu là thứ. Mở nắp tủ ra người ta thấy một cái giường đầy đủ đệm, gối, chăn. Dưới giường là một ngăn kéo có đủ các thứ dùng về việc tắm rửa. Dưới ngăn kéo này lại có cái ngăn kéo thứ hai chia làm nhiều ô để xếp quần áo. Không có bàn, không có ghế. Nhưng ở đầu giường, một tấm gỗ xinh xắn, đóng vào bức ngăn, hạ xuống thành cái bàn; cuối giường một miếng gỗ nhỏ hơn, hạ xuống thành cái ghế dựa.
Một cái cửa sổ tròn, chọc ra ở sườn thuyền, có cánh lồng kính, dùng để lấy ánh sáng và thay đổi khí trời.
Những bức ngăn, đều bằng gỗ thông sơn bóng. Trên sàn rải một cái khăn bằng vải sơn kẻ ô vuông đen và trắng.
Cái buồng này không những làm đẹp mắt mà còn làm cho lòng tôi thích thú nữa.
Sau khi cởi áo rồi, lên giường nằm, tôi có một cảm giác êm đềm mới. Lần đầu tiên tôi được đặt mình trên cái khăn trải giường mịn màng, không cắn da. Ở nhà mẹ tôi, tôi nằm trên cái khăn bằng gai cứng ráp. Đi với thầy tôi, chúng tôi thường ngủ trên rơm, trên cỏ có khi vào nhà trọ thì chỗ nằm chẳng hơn ổ súc vật bao nhiêu.
Ôi! Cái chăn mềm ấm và thơm tho biết bao! Cái nệm êm ái hơn ổ lá thông hôm trước rất nhiều. Cái yên lặng ban đêm không làm cho tôi lo lắng, bóng tối cũng không chập chờn như ma nữa! Và cả những ngôi sao nhìn tôi qua cửa sổ, khích lệ tôi và hứa hẹn rất nhiều.
Tuy được ngủ ngon trên chiếc giường êm ấm, tôi không quên dậy sớm, vì tôi vẫn nghĩ đến những bạn tôi không biết đêm qua ngủ ngáy thế nào.
Tôi thấy tất cả gia nhân tôi đều nằm yên ở chỗ tối qua tôi xếp đặt và ngủ dài như ở nhà mình. Khi tôi lại gần, những con chó thức dậy, vui mừng chạy lại cho tôi vuốt ve. Còn Hảo-Tâm tuy một mắt có hé mở, nhưng không cử động và nó cứ ngáy khò khò như tiếng kèn hai ống.
Thấy thế tôi hiểu ngay. Ngài Hảo-Tâm bản chất hay chạnh lòng, mỗi khi phật ý thì giận rất lâu. Vì hoàn cảnh bắt buộc, hôm qua tôi không để ngài ngủ trong phòng cùng tôi, nên ngài giận tôi và giả cách ngủ.
Tôi không làm sao cắt nghĩa cho con Hảo-Tâm hiểu được rằng tôi phải buộc lòng cho nó ngủ ngoài sàn. Tôi liền bế nó lên tay vuốt ve nó và tỏ lòng áy náy của tôi.
Thoạt tiên nó cứ hờn dỗi mãi, một lúc lâu, vì tính hiếu động, nó nghĩ đi việc khác rồi ra hiệu cho tôi biết nếu cho nó lên bộ chơi một lúc thì nó không giận nữa.
Lúc đó người lái thuyền đã dậy và đang lau sàn. Tôi nhờ bác ta bắc cầu cho tôi cùng các con vật lên cánh đồng cỏ chơi một lúc.
Tôi chơi đùa với các con chó và Hảo-Tâm, tôi chạy, tôi nhảy, tôi leo lên cây. Thời giờ đi nhanh quá. Khi chúng tôi trở về chỗ thuyền đậu thì hai con ngựa đã buộc dây sẵn sàng chỉ còn chờ lệnh chạy.
Chúng tôi vội vàng xuống thuyền. Vài phút sau, người chân sào tháo dây ở bờ và rút cầu. Người kéo thuyền lên mình ngựa. Tiếng dây kèn kẹt: chúng tôi bắt đầu đi.
Đi thuyền thú biết bao! Những con ngựa chạy đều trên bờ. Chúng tôi lướt trên mặt nước rất êm. Cây cối hai bên bờ chạy trốn về phía sau chúng tôi. Người ta chỉ nghe thấy tiếng nước lách tách vỗ vào mạn thuyền lẫn tiếng nhạc đồng xoàng xoảng trên bờ.
Đứng ở trên bao lan thuyền, tôi nhìn những cây bạch dương, rễ bò trong đám cỏ tươi, lá hiu hiu động trong bầu không khí yên lặng ban mai. Rặng cây liền xít trên bờ sông như một tấm màn màu lục, ngăn ánh triêu dương, chỉ để lọt qua kẽ lá một vài tia nắng dịu dàng.
Mặt sông có chỗ nước đen thẳm như phủ trên những vực sâu, có chỗ nước trong vắt trông rõ cả những viên sỏi bóng loáng và những đám cỏ mịn như nhung.
Tôi đang mải ngắm cảnh, chợt có tiếng gọi tôi ở phía sau. Tôi quay lại thấy cậu An-Tuyên, người ta đã đưa cậu ra nằm chơi ở đó. Mẹ cậu ngồi bên cạnh. An-Tuyên hỏi:
- Đêm qua anh ngủ được hơn ở cánh đồng chứ?
 Tôi chạy lại gần, tìm những câu lễ phép để trả lời cậu và mẹ cậu.
Cậu hỏi:
- Những con chó đâu?
Tôi gọi chúng đến. Những con chó vừa đến vừa giơ tay chào; Hảo-Tâm nhăn mặt cúi đầu. Chúng tưởng sắp có cuộc diễn trò.
Nhưng sáng nay không phải làm gì cả.
Bà Mỹ-Lưu cho con nằm chỗ khuất nắng và bà ngồi bên cạnh con.
Bà bảo tôi:
- Con đem các con chó và con khỉ ra chỗ khác chơi để chúng ta làm việc.
Tôi theo lời, đưa đàn chó và Hảo-Tâm ra mũi thuyền.
Cậu bé tàn tật cũng có thể làm việc được sao?
Tôi nhìn thấy mẹ cậu cầm quyển sách đọc từng câu và bắt cậu nhắc lại.
Nằm trên tấm ván, cậu miệng lẩm nhẩm nhắc những câu mẹ đọc.
Cậu nhắc khó nhọc lắm, nhắc lại ba tiếng cũng không xuôi, thường nói lộn.
Bà mẹ kiên nhẫn sửa lại nhiều lần những câu sai đó một cách dịu dàng nhưng không kém phần cương nghị. Xong bà nói:
- Con không thuộc bài ngụ ngôn của con rồi.
An-Tuyên kêu bằng một giọng chán nản:
- Ô!
- Hôm nay con đọc sai hơn hôm qua nhiều.
- Con vẫn cố học.
- Và con chẳng thuộc gì cả.
- Con không thể học thuộc được.
- Tại sao?
- Con không biết… bởi vì con không thể học thuộc được… con ốm.
- Óc con không ốm. Mẹ không bằng lòng con không học gì. Con cứ lấy nê ốm mà không học thì lớn lên con sẽ dốt nát.
Bà Mỹ-Lưu tỏ ta nghiêm nghị nhưng bà nói rất ôn tồn, êm ái:
- Tại sao con chán học bài?
- Thưa mẹ, con không sao học được, quyết rằng con không sao học được.
Rồi An-Tuyên khóc òa lên. Nhưng bà không chuyển lòng, măc dầu bà vẫn thương con. Bà nói:
- Hôm nay mẹ định học xong thì cho con chơi với Lê-Minh và đàn chó. Nhưng con lại không thuộc thì chơi làm sao được?
Nói xong, bà đưa sách cho con và bước vài bước định vào trong phòng để mặc con nằm trên tấm ván.
An-Tuyên khóc nức nở. Ở ngoài mũi thuyền tôi cũng nghe thấy tiếng khóc của cậu.
Bà Mỹ-Lưu sao lại quá nghiêm nghị với đứa con ốm yếu mà bà thương yêu nhất đời thế? Cậu không thuộc được bài, không phải lỗi tại cậu, mà là do bệnh nạn sinh ra.
Bà định bỏ con nằm một mình ở đó và không bảo con lời nào hay sao?
Không. Bà không bỏ con nằm đó. Định vào trong phòng nhưng bà lại trở lại. Bà nói:
- Vậy mẹ cùng học với con nhé?
- Thưa mẹ, cùng học, vâng.
Bà liền ngồi cạnh con, cầm lấy sách và đọc rất thong thả bài ngụ ngôn, chó sói và con cừu non. An-Tuyên theo mẹ nhắc lại từng tiếng từng câu.
Bà đọc như thế ba lần, xong bà trao sách cho An-Tuyên bảo con tập đọc một mình và bà vào trong thuyền.
An-Tuyên tiếp tục đọc bài ngụ ngôn. Ở chỗ tôi ngồi, tôi nhìn rõ môi cậu lắp bắp.
Cậu cũng biết nghe lời mẹ và chịu khó đấy chứ?
Nhưng sự chăm chú ấy không được lâu. Lát sau cậu nhìn ra ngoài quyển sách, môi cử động chậm dần rồi im bặt.
Cậu không đọc nữa, không nhẩm nữa. Cậu nhìn quanh nhìn quẩn và trông thấy tôi. Tôi giơ tay làm hiệu, khuyến khích cho cậu tiếp tục học bài.
Cậu mỉm cười như để cảm ơn tôi rồi lại nhìn vào quyển sách.
Nhưng được một lát, cậu lại nhìn ra bờ sông.
Lúc đó, tôi vô tình đứng dậy, làm cho cậu chú ý nhìn tôi, tôi trỏ vào quyển sách, cậu luống cuống, lại nhẩm bài.
Không may, hai phút sau, có con chim trả bay vụt như mũi tên ngang sông, qua đầu thuyền để lại sau nó một vệt màu lam.
An-Tuyên nghến đầu nhìn theo. Khi con chim trả đã biến rồi, cậu nhìn theo tôi và nói:
- Anh ơi! Tôi muốn học lắm, nhưng…
Tôi lại gần cậu và nói:
- Bài ngụ ngôn này không khó lắm đâu.
- Ô! Khó lắm chứ!
- Tôi thấy dễ. Nghe bà đọc ban nãy, tôi đã nhớ cả rồi.
Cậu mỉm cười có ý nghi ngờ.
- Cậu có muốn tôi đọc lại cho cậu nghe không?
- Đọc làm sao được?
- Không. Tôi đọc được. Cậu cầm sách dò, tôi cố đọc xem có đúng không?
Cậu cầm sách nhìn, tôi đọc lại. Cậu chỉ phải chữa một hai tiếng tôi quên thôi. Cậu hỏi:
- Thế anh thuộc thực à?
- Không được thuộc lắm. Nhưng bây giờ tôi có thể đọc lại không sai.
- Anh làm thế nào mà thuộc được?
- Tôi nghe bà đọc, nghe một cách rất chăm chú, không để ý hoặc nhìn những vật chung quanh tôi.
Cậu đỏ mặt, nhìn ra chỗ khác. Xong, hết thẹn, cậu bảo tôi:
- Tôi đã hiểu cách nghe của anh thế nào rồi. Tôi sẽ cũng nghe như anh. Nhưng anh làm thế nào mà nhớ được tất cả những tiếng ngổn ngang trong óc?
Tôi đã làm thế nào? Tôi cũng không biết vì không bao giờ tôi để ý đến điều đó. Tuy nhiên tôi cũng theo kinh nghiệm của tôi, cắt nghĩa cho cậu nghe, tôi nói:
- Bài ngụ ngôn nói về cái gì? Về con cừu. Tôi bắt đầu nghĩ đến những con cừu. Rồi tôi nghĩ đến chúng nó làm gì: “Những con cừu đang ở yên lành trong vườn”. Tôi trông thấy những con cừu nằm và ngủ trong vườn vì chúng được yên ổn. Và đã nhìn thấy chúng tôi không quên được.
Cậu nói:
- Phải đấy, tôi cũng trông thấy chúng: “Những con cừu ở yên lành trong vườn”. Tôi trông thấy có con trắng, có con đen, tôi trông thấy cả những con cừu cái, cừu con. Tôi trông thấy cả vườn rào giậu thưa.
- Như vậy cậu không quên được nữa chứ?
- Ô! Không quên được.
- Thường thì ai giữ việc chăn cừu?
- Những con chó.
Khi chúng không cần coi cừu vì những con này đã được yên lành thì chúng làm gì?
- Chúng chả làm gì cả.
- Lúc đó chúng có thể ngủ được. Vậy ta nói: “Những con chó nằm ngủ cả”.
- Chính thế! Dễ quá!
- Có phải dễ lắm không? Bây giờ, ta nghĩ đến cái khác. Ai thường coi cừu với chó?
- Trẻ chăn cừu.
- Nếu những con cừu được yên lành, trẻ chăn cừu ngồi rỗi thì nó dùng thì giờ để làm gì?
- Để thổi sáo.
- Cậu có nhìn thấy không?
- Có.
- Vậy nó ở đâu?
- Dưới bóng cây du.
- Nó có chơi một mình phải không?
- Không. Nó chơi với những trẻ mục đồng khác.
- Bây giờ cậu đã trông thấy cừu, thấy vườn, thấy chó và trẻ chăn cừu. Vậy cậu có thể nhắc lại không sai đoạn đầu bài ngụ ngôn được không?
- May ra được.
- Cậu cố nhắc lại xem.
Nghe tôi nói và cắt nghĩa cách học bài thế nào cho chóng thuộc. An-Tuyên nhìn tôi vừa cảm động vừa e sợ vì không tin điều tôi nói là thật, tuy nhiên, sau vài giây ngập ngừng, cậu nhất định đọc:
- “Những con cừu ở yên lành trong vườn. Những con chó nằm ngủ cả. Em bé chăn cừu ngồi dưới bóng cây du đang thổi sáo chơi với mấy trẻ mục đồng khác”.
Xong cậu vỗ tay reo:
- Tôi thuộc nhẵn, không sai chữ nào!
- Vậy cứ theo cách đó, cậu học các đoạn sau.
- Ừ! Với anh, tôi tin rằng tôi có thể học thuộc hết được. A! Mẹ tôi sẽ sung sướng biết bao!
Rồi cậu theo phép học đoạn đầu, cậu tiếp tục đọc đoạn dưới.
Không tới 15 phút, cậu thuộc hết và đọc rất trôi chảy. Khi cậu đọc vừa xong thì mẹ cậu ở trong ra, đứng sau chúng tôi.
Thoạt tiên, bà có ý không bằng lòng tưởng chúng tôi họp nhau để chơi, nhưng An-Tuyên không để bà hỏi, nói luôn:
- Mẹ ơi! Con thuộc rồi! Chính Minh đã dạy con học đấy!
Bà Mỹ-Lưu ngạc nhiên nhìn tôi. Bà định hỏi tôi thì An-Tuyên không chờ mẹ bảo, đọc luôn bài ngụ ngôn một mạch, không ngập ngừng và không sai chữ nào, đôi mắt sáng ngời đắc thắng.
Trong khi đó, tôi nhìn bà Mỹ-Lưu gương mặt kiều diễm của bà tươi hẳn lên, hai mắt long lanh ướt. Bà cúi xuống ôm lấy con hôn, không biết bà có khóc không.
An-Tuyên nói với mẹ:
- Những chữ, tồi quá, không nghĩa lý gì, nhưng những vật thì người ta nhìn thấy. Minh bảo con nhìn thấy trẻ chăn cừu với cái sáo của nó. Khi con học con không nhìn vơ vẩn chung quanh con, con chỉ nhìn thấy cái sáo của trẻ chăn cừu và con nghe thấy cả điệu sáo thổi nữa. Mẹ muốn nghe con hát điệu đó không?
Rồi cậu hát một bài điệu hơi buồn bằng tiếng Anh.
Lần này thì bà khóc thực. Khi bà đứng dậy, tôi trông thấy những giọt nước mắt đã rỏ trên má cậu con. Rồi bà bước tới cạnh tôi, cầm tay tôi và bắt rất chân thành khiến tôi vô cùng cảm động. Bà nói:
- Con là một đứa trẻ tâm địa tốt.
Tôi kể lại việc phụ này hơi dài dòng là cốt để độc giả biết vì đâu mà địa vị của tôi ở trong thuyền từ đó bỗng nhiên thay đổi. Hôm qua, người ta cho tôi là một đứa trẻ diễn trò để làm vui cậu bé ốm, nhưng hôm nay, bài ngụ ngôn đó đã chia rẽ tôi với các con vật của tôi, tôi trở nên một người bạn, một người bạn thân của cậu An-Tuyên.
Cũng nên nói ngay rằng – điều này về sau tôi mới biết – bà Mỹ-Lưu rất sầu não thấy con chẳng học gì được. Mặc dầu con ốm yếu, bà muốn cậu làm việc đôi chút vì bệnh cậu còn kéo dài, bà muốn luyện ngay từ bây giờ cho óc cậu bắt những thói quen để dễ kéo lại những thời gian đã mất khi mà cậu bình phục hẳn.
Bà lại thất bại trong việc rèn luyện đó. Cậu rất dễ bảo về phương diện làm việc, nhưng rất khó bảo về phương diện chú ý và chuyên cần. Cậu không sợ sách. Khi người ta trao cho cậu quyển sách, cậu sẵn sàng mở hai tay ra đón, nhưng còn óc cậu, cậu không mở và giống như cái máy; miệng cậu nhắc lại không hay không dở, hoặc dở nhiều hơn hay, những tiếng mà người ta đem nhồi vào óc cậu.
Vì thế, bà rất sung sướng thấy con thuộc được bài ngụ ngôn cùng học với tôi trong có nửa tiếng đồng hồ, mà chính bà, bà vẫn dạy cậu trong bao nhiêu ngày mà cậu không thuộc.
Bây giờ, mỗi khi tôi nhớ lại những ngày đã ở trong thuyền Thiên-Nga với bà Mỹ-Lưu và cậu An-Tuyên, tôi cho là những ngày sung sướng nhất trong thời thơ ấu của tôi.
Cậu An-Tuyên đối với tôi có một tình hữu ái nồng nàn. Còn tôi, tôi cũng tự nhiên và coi cậu như tình ruột thịt. Chúng tôi không bao giờ cãi nhau. Về phần cậu, cậu không hề tỏ ra chút chi là quyền quý. Về phần tôi, tôi không thấy chút chi là bịn rịn, mà tôi không bao giờ nghĩ đến điều đó.
Sự làm thân đó là do tuổi thơ dại của tôi chưa biết việc đời là thế nào, mà cũng là do tính tình cao nhã và lòng tự ái của bà Mỹ-Lưu, bà coi tôi như con đẻ của bà.
Cuộc đi chơi bằng thuyền này đã đem lại cho tôi nhiều thích thú. Không một giờ nào buồn, không một giờ nào mệt. Từ sáng đến chiều giờ nào cũng thanh thản.
Từ ngày thiết lập đường hỏa xa, người ta không viếng và không biết đến sông Nam nữa, đó là một khuyết điểm vì sông này cũng là một kỳ cảnh của nước Pháp.
Từ tỉnh Villefranche, qua Avignonnet tới Naurouse, người ta thấy dựng ở đây một đài kỷ niệm để nghi ơn ông Riquet, người đã khai con sông này. Đài kỷ niệm đó ở trên đỉnh đất phân cách hai triền sông: một chảy về Đại Tây Dương, một chảy về Địa Trung Hải.
Lần lượt chúng tôi qua Castelnaudary, thành phố lắm cối xay, qua Carcassonne, một thành thị của thời trung cổ, tới đập Fouserannes có tám thủy hạp kết liền nhau, rồi đến tỉnh Béziers.
Qua miền nào đẹp lạ thì chúng tôi đi chậm lại, mỗi ngày độ vài dặm, trái lại miền nào hiu quạnh thì chúng tôi đi nhanh.
Chính đường đi định đoạt tốc độ và giờ khởi hành của chúng tôi. Chúng tôi không thể bận óc như những kẻ bộ hành, chúng tôi không thể phải đi những thôi đường dài để chóng tới quán trọ tìm nơi ăn, chốn ngủ.
Ngày nào cũng giờ ấy, bữa ăn dọn sẵn ở ngoài hiên. Trong khi ăn chúng tôi lặng nhìn những phong cảnh linh hoạt ở hai bên bờ sông.
Khi mặt trời lặn, chỗ nào màn đen tỏa xuống thì chúng tôi cắm thuyền; chúng tôi nghỉ ở đó cho tới khi ánh trời tỏ rạng, chúng tôi lại nhổ sào. Lúc nào cũng ở nhà mình, chúng tôi không biết những giờ vô sự của buổi chiều, dài dằng dặc và buồn tẻ cho những khách bộ hành.
Trái lại, những giờ hôm-tăm đó đối với chúng tôi, rất ngắn. Có khi đến giờ ngủ mà chúng tôi không buồn đi nằm.
Khi thuyền dừng lại, nếu trời lạnh, chúng tôi ở phòng khách. Sau khi đã đốt than củi, để khu trừ khí ẩm và hơi sương không tốt cho bệnh nhân, người ta thắp đèn và đưa An-Tuyên đến cạnh bàn. Tôi ngồi bên cậu. Mẹ cậu giở cho chúng tôi xem những sách có tranh vẽ hay những tấm ảnh đẹp và giảng cho chúng tôi nghe. Cũng như con thuyền kiểu đặc biệt kia, những tranh và những hình ảnh đó đã được lựa chọn và dự bị sẵn cho cuộc đi chơi này.
Khi chúng tôi xem tranh ảnh chán rồi, bà kể cho chúng tôi nghe những chuyện cổ tích hay những dã sử thuộc về miền chúng tôi đi qua. Bà vừa nói vừa nhìn vào mắt con, cảm động nhất là những lúc bà vỗ trán cố tìm những tiếng dễ hay cố phát biểu những ý vừa sức cho con hiểu.
Còn tôi, những buổi chiều đẹp, tôi cũng có công việc để hoạt động. Tôi vác đàn lên bộ, tìm một gốc cây tỏa bóng sẫm đen, ngồi đó, tôi hát và đánh lại tất cả những bản nhạc tôi thuộc. Cậu An-Tuyên thích nghe những tiếng đàn trong đêm vắng, không trông thấy người chơi nhạc. Cậu thường kêu to “Đánh nữa đi!”. Tôi lại gảy lại khúc đàn cậu ưa thích.
Đó là một đời sống êm đềm và sung sướng cho một đứa trẻ như tôi, đã rời bỏ mái nhà tranh của bà Bảo-Liên để rong ruổi trên con đường vô tận của Vỹ-Tiên, thầy tôi.
Món khoai suông của mẹ nuôi tôi với thịt đông, với bánh nhân mứt, cờ-rem, và bánh ngọt của bà Mỹ-Lưu bây giờ có khác nhau nhiều.
Cuộc đi đường trường dưới mưa dầm nắng rát lẽo đẽo theo thầy tôi so với cuộc du lịch bằng thuyền này cũng khác nhau xa.
Cho được công bình, tôi phải nói rằng trong cuộc sinh hoạt mới này, sự nương tựa về vật chất không làm cho tôi cảm động bằng sự nương tựa về tinh thần.
Thực vậy, được ăn miếng ngon cũng thú, không phải chịu nắng, chịu rét, cũng sung sướng lắm. Nhưng có điều thú hơn và sung sướng hơn là một tình yêu thương đã tràn ngập vào trái tim tôi.
Đã hai lần cái dây vô hình ràng buộc tôi với những người tôi yêu bị cắt đứt: lần thứ nhất là khi tôi bị dứt trong tay mẹ tôi, bà Bảo-Liên; lần thứ nhì là tôi bị chia lìa ông Vỹ-Tiên, thầy tôi. Cả hai lần tôi đều thấy tôi bơ vơ trên đời. Không nơi nương tựa, không chỗ cậy nhờ, chỉ có mấy con vật làm bạn bên mình.
Trong lúc bơ vơ, trong cơn khổ não, tôi đã gặp được người rất yêu thương tôi và tôi rất quý mến, một bà kiều diễm, hiền hậu và dịu dàng; và một cậu con trai bằng tuổi tôi, coi tôi như tình ruột thịt.
Sung sướng biết bao cho một trái tim – như trái tim tôi – đang khát tình thương.
Đã bao lần, nhìn cậu An-Tuyên nằm trên tấm ván, xanh xao, yếu ớt, tôi thèm hạnh phúc của cậu, tôi, một người lành mạnh!
Không phải vì đời sống sung sướng của cậu mà tôi thèm, không phải vì những sách quý của cậu, vì những đồ chơi đắt tiền của cậu hay cái thuyền du lịch của cậu mà tôi thèm, tôi chỉ mơ ước được cái tình mẫu tử tuyệt vời của mẹ đã chan hòa cho cậu.
Cậu thực sung sướng biết nhường nào! Không bao giờ tôi lại có được mẹ hôn đến mười lần, hai mươi lần một ngày và được hôn người mẹ hiền, mà tôi chỉ được sờ tay khi bà giơ cho tôi.
Lúc đó, tôi âm thầm nghĩ ngợi: không bao giờ tôi lại có một người mẹ hôn tôi và tôi được hôn lại. Có thể một ngày kia tôi được gặp bà Bảo-Liên, tôi sẽ sung sướng lắm, nhưng hôn bà và gọi bà là “mẹ” thì thật là dối lòng, vì bà không sinh ra tôi.
Một mình, suốt đời tôi chỉ có một mình!
Vì thế tôi không nên yêu sách quá về phần hạnh phúc trên đời. Tôi không có mẹ, không có anh em, không có gia đình, tôi phải biết nhận rằng tôi rất sung sướng vì có bạn.
Tôi nên sung sướng và thực ra tôi đã được sung sướng!
Nhưng than ôi! Mẩu đời sung sướng này ngắn ngủi quá! Tôi phải từ bỏ để trở lại cuộc đời cũ, lang thang trên đường vô định.