Dịch giả: Hà Mai Anh
Chương XVI
VÀO BA-LÊ

Chúng tôi hiện còn xa Ba-Lê lắm. Chúng tôi phải khởi hành, trên những con đường tuyết phủ, lặn lội từ sáng đến chiều, gió bắc hắt vào mặt mũi không lúc nào ngớt.
Những độ đường dài làm sao! Ông Vỹ-Tiên đi đầu, tôi đi giữa, Lãnh-Nhi đi sau. Chúng tôi đi nối đuôi nhau, cái đuôi ngắn ngủn, chẳng ai nói với ai câu nào, im lặng đi hàng giờ, mặt mét xám xanh, chân dẫm tuyết, dạ dày rỗng không. Những khách qua đường thường dừng lại nhìn theo chúng tôi.
Chắc họ cũng lấy làm lạ: không biết ông già đưa đứa bé và con chó đi đâu?
Sự yên lặng làm tôi buồn quá, tôi cần nói cho quên đường dài, cho khuây khỏa. Nhưng thầy tôi chỉ trả lời tôi bằng một hai tiếng cụt ngủn mà cũng chẳng thèm ngoảnh đầu lại.
May có con Lãnh-Nhi, con vật nhiều tình cảm, thỉnh thoảng lấy lưỡi liếm vào tay tôi như bảo tôi rằng:
- Anh nên biết, còn có Lãnh-Nhi đây là bạn của anh.
Tôi lại vừa đi vừa lấy tay xoa đầu nó.
Tôi và Lãnh-Nhi đều thấy phấn khởi: chúng tôi hiểu nhau và mến nhau. Nó nương tựa tôi, tôi nương tựa nó, tinh thần chúng tôi ấp ủ cho nhau vì trái tim con chó không kém phần cảm xúc bằng trái tim một đứa trẻ con.
Nhờ sự vuốt ve của tôi, con Lãnh-Nhi cũng quên được cái chết của các bạn nó. Nhưng đôi khi, theo thói quen, tự nhiên nó đứng dừng lại như để duyệt lại bạn đồng đội khi nó còn làm Đội trưởng. Nhưng trong một vài giây, nó sực nhớ ra cái lý do mà bạn nó không bao giờ đến nữa, nó liền vượt lên trước chúng tôi, quay lại nhìn chủ để chủ chứng nhận cho rằng không phải lỗi tại nó không làm hết bổn phận. Sở dĩ Thùy-Nhi, Hiệp-Nhi không đến là vì chúng không bao giờ đến nữa. Nó nhìn ông Vỹ-Tiên bằng đôi mắt đầy ý nghĩa hơn là lời nói, khiến chúng tôi mủi lòng.
Khắp đồng quê chỗ nào cũng thấy trắng xóa một màu. Mặt trời không có, chỉ có một thứ ánh sáng xanh xao. Không trông thấy nông dân hoạt động ở ngoài đồng. Không nghe thấy tiếng ngựa hí, bò kêu. Trên cành trơ trụi, chỉ còn mấy con quạ quàng quạc kêu vì không có một chỗ đất nào có thể xuống được để kiếm mồi. Trong làng không có nhà nào mở cửa sổ, im lặng như tờ vì trời rét người ta ở cả trong nhà, bên cạnh lò lửa hay làm việc trong chuồng bò, trong vựa thóc.
Đường trơn như mỡ, chúng tôi đi thẳng trước mặt không dừng, chỉ nghỉ trong những giấc ngủ ban đêm ở các chuồng ngựa hay trại cừu. Bữa ăn chiều thường chỉ có một khoanh bánh mỏng, có khi kiêm cả bữa sáng và bữa tối.
Đêm xuống, gặp một trại cừu thì sung sướng biết bao. Hơi nóng của cừu ủ cho chúng tôi đỡ rét, mùa đó là mùa cừu cái nuôi con, những người chăn cừu thường cho tôi uống sữa cừu.
Vẫn giữ giá, chúng tôi không hề tỏ ra là sắp chết đói. Ông Vỹ-Tiên, một người rất khôn khéo thường tán với người coi cừu rằng: “Cháu Minh thèm sữa cừu lắm vì thuở bé quen dùng sữa cừu và được uống thì nó tưởng tượng như là ở quê nhà”. Câu ngụ ngôn này không phải là lúc nào cũng có hiệu quả. Nhưng một khi có hiệu quả thì tôi thấy tôi thèm sữa cừu thực và khi được uống, tôi thấy sáng hôm sau trong người rất khoan khoái và khỏe hẳn lên.
Những cây số thêm vào những cây số. Những độ đường thêm vào những độ đường. Dần dà chúng tôi tới gần Ba-Lê. Tuy rằng những cột bên đường không đề rõ, nhưng tôi đoán được vì sự lưu thông thấy sầm uất hơn và sắc tuyết trên đường cũng thấy bẩn hơn, không trắng ngần như ở bình nguyên Champagne.
Có điều tôi lấy làm lạ là cảnh quê không thấy đẹp hơn mà làng mạc cũng chẳng khác những miền mà chúng tôi đi qua mấy hôm trước. Đã bao lần tôi nghe nói Ba-Lê có nhiều kỳ quan, óc thơ dại của tôi cứ tưởng tượng rằng những kỳ quan đó tất báo trước bằng những cái gì khác thường. Tôi không dám hỏi thầy tôi. Nhưng tôi cố đợi xem những điều kỳ diệu như cây cối bằng vàng, ngọc, lâu đài bằng đá hoa, phục sức nhung gấm lụa là, mà tôi cho là tất nhiên phải có.
Dù để hết tinh thần tìm những cây vàng ngọc, tôi cũng nhìn thấy những khách đi đường gặp chúng tôi mà chẳng để mắt tới chúng tôi, chắc hẳn họ vội vã hoặc họ quen nhìn những cảnh khổ hơn cảnh thầy trò tôi.
Tôi chẳng chắc dạ chút nào!
Chúng tôi sẽ làm gì ở Ba-Lê, nhất là đang ở trong cảnh cùng khốn này?
Đó là một câu hỏi rất buồn mà nó cứ lẩn quất trong óc tôi suốt quãng đường trường.
Tôi định hỏi thầy tôi song lại thôi vì thấy thầy tôi ủ rũ và nói rất ít.
Rồi có một hôm, ông Vỹ-Tiên thân mật ngồi cạnh tôi, trông con mắt của ông, tôi đoán sắp được thỏa mãn những điều băn khoăn trong lòng tôi.
Đó là một buổi sáng, sau khi ngủ nhờ trong một cái trại thuộc một làng to, theo chiếc biển xanh cắm ở cạnh đường thì gọi là làng Boissy, chúng tôi dậy sớm và lên đường vào lúc rạng đông. Khi đi hết địa phận làng này, đứng trên một cái dốc, chúng tôi nhìn về phía trước mặt, xa xa có một đám khói đen bay là là trên một thành phố lớn.
Tôi cố phân biệt những mái lâu đài, những gác chuông, những ngọn tháp trong đám khói đen lẫn sương mù ấy, chợt thầy tôi đi chậm lại, đợi tôi đến gần và nói như là tiếp tục câu chuyện đang bỏ dở:
- Thế là đời chúng ta thay đổi hẳn. Trong 4 giờ nữa chúng ta đến Ba-Lê.
- A! Thế Ba-Lê ở trước mặt kia à?
- Phải.
Chợt một tia sáng trên trời chớp xuống, tôi nhìn thấy lấp lánh như vàng. Nhất định tôi không lầm. Tôi sắp được xem những cây cối bằng vàng, bằng ngọc.
Thầy tôi nói tiếp:
- Tới Ba-Lê thầy trò ta phải lìa nhau.
Vụt tối lại. Cây cối vàng ngọc biến hết.
Tôi quay lại nhìn thầy tôi, thầy tôi cũng nhìn tôi. Thấy sắc mặt tôi xám lại, môi tôi run run; thầy tôi biết có mối xúc động lớn trong lòng tôi, nên bảo tôi:
- Ta biết con buồn lắm. Thầy đây cũng khổ tâm.
Tôi kêu:
- Trời ơi! Thầy trò chia lìa!
- Con ơi!
Hai tiếng nói bằng giọng đầy yêu thương làm cho tôi rỏ nước mắt, vì đã lâu không được nghe những lời âu yếm đó.
Tôi kêu:
- Thầy ơi! Thầy tốt quá!
- Chính con tốt, là đứa trẻ tốt, một trái tim đảm! Con ơi! Ở trong đời, nên có những lúc để tỏ những tâm tình đó, để thông cảm nhau và thương yêu nhau. Khi mà mọi việc đều hay, người ta cứ bước thẳng đường không cần nghĩ đến những kẻ đi sau. Nhưng khi mọi việc đều thất bại, khi người ta thấy đang xuống dốc, nhất là khi người ta thấy mình già yếu, nghĩa là không có tin tưởng vào ngày mai, người ta cần phải nương tựa vào những người ở chung quanh và người ta rất sung sướng thấy họ đến cạnh mình. Ta cần nương tựa vào con, điều đó có phần làm cho con lạ, phải không? Nhưng chính sự thực là như thế. Những giọt nước mắt của con đã chứng minh điều đó. Ta thấy lòng ta nhẹ nhàng, vì ta, con ơi! Ta cũng đau khổ.
Mãi về sau này, tôi có người để yêu thương, tôi mới biết và cảm thấy lời cụ già nói không sai.
Ông Vỹ-Tiên nói tiếp:
- Cái họa phân ly nó thường đến đúng lúc người ta cần phải gần nhau.
Tôi rụt rè nói:
- Nhưng thầy không định bỏ con ở Ba-Lê chứ?
- Không con ạ. Ta không muốn bỏ con. Con hãy tin như thế. Một mình con, còn bé thế, con làm gì được ở Ba-Lê? Vả lại ta không có quyền bỏ con, có thể nói được như thế. Từ ngày mà ta không thể cho bà Mỹ-Lưu giữ để nuôi dạy con như con đẻ, ta thấy có bổn phận phải đem hết sức mình chăm nom và gây dựng cho con. Không may, những biến cố đã phản ta. Trong lúc này ta không thể làm gì cho con được, vì thế ta nghĩ đến nước phải chia tay con nhưng không phải là vĩnh viễn, mà chỉ trong một thời gian vài tháng thôi để thầy trò ta mỗi người một ngả có thể tìm sống cho qua mùa đông này. Chúng ta sẽ đến Ba-Lê trong vài giờ. Chúng ta sẽ làm trò gì với đoàn của ta rút lại còn có một con Lãnh-Nhi?
Nghe nhắc tới tên nó, con Lãnh-Nhi lại gần chúng tôi, lấy tay giơ lên ngang tai để chào theo kiểu nhà binh rồi đặt tay vào ngực ý nói chúng tôi hãy tin vào lòng trung thành của nó.
Trong tình trạng bi đát của chúng tôi, lòng trung nghĩa của con Lãnh-Nhi cũng không sao làm cho chúng tôi nguôi được.
Ông Vỹ-Tiên ngừng một lúc để xoa đầu con chó và bảo nó:
- Còn con nữa, Lãnh-Nhi! Con cũng là một con vật đảm. Ở đời người ta không thể chỉ sống về lòng tốt được. Đành rằng lòng tốt cũng cần phải có, để tạo hạnh phúc cho những người ở chung quanh ta, nhưng ngoài lòng tốt ra ta cần phải có điều khác. Mà điều khác ấy ta không có. Con muốn ta làm trò gì với một mình Lãnh-Nhi? Bây giờ chúng ta không thể diễn trò được nữa. Con có hiểu không?
Lãnh-Nhi gật đầu như có ý nói:
- Thực vậy.
Ông Vỹ-Tiên nói tiếp:
- Những trẻ ranh sẽ chế nhạo ta, lấy những miếng khoai ném chúng ta. Chúng ta không thể thu được 20 xu một ngày, đủ nuôi thế nào được 3 miệng ăn. Rồi những ngày mưa gió, những ngày tuyết giá kiếm đâu ra tiền?
Tôi nói:
- Nhưng còn cái đàn của con?
- Nếu ta có hai đứa trẻ như con thì may ra đứng vững được. Nhưng một ông già với một đứa bé con thì khó khăn lắm. Ta không đến nỗi già lắm. Nếu ta già yếu hơn nữa hay ta mù chẳng hạn… nhưng không may ta lại còn khỏe, nghĩa là không ở vào cái tình trạng gợi lòng thương của mọi người, và ở Ba-Lê này, muốn được lòng thương hại của những người có công việc vội vã, phải có một bộ dạng tiều tụy, thiểu não và không biết xấu hổ chìa tay xin. Điều đó ta không thể làm được. Phải tìm cách khác. Vì thế ta đã nghĩ và định gửi con cho một ông thầy diễn trò để con cùng với các trẻ khác biểu diễn nghề đàn.
Khi tôi nhắc đến cây đàn của tôi không phải là tôi mong được như thế.
Thầy tôi không để tôi ngắt lời, nói tiếp:
- Về phần ta, ta dạy thụ cầm, đàn pi-va, đàn vi-ô-lông cho những trẻ người Ý đang làm nghề hát rong ở các phố Ba-Lê. Ở Ba-Lê nhiều người biết ta vì ta ở đó đã lâu, và chính từ Ba-Lê ta đã về qua làng con. Chúng ta đều sống được tuy thầy trò ta ở mỗi người một nơi. Trong khi ta dạy đàn, ta có thể luyện thêm cho hai con chó nữa để thay cho con Hiệp-Nhi và Thùy-Nhi. Ta sẽ cố gắng việc rèn luyện đó cho đến đầu mùa xuân, thầy trò ta lại có thể lên đường, con ơi! Để không phải xa nhau nữa, vì cái số phận không xấu mãi cho những người có can đảm phấn đấu. Chính bây giờ là lúc ta cần con có can đảm và nhẫn nại nữa. Rồi ra cũng đến ngày sáng sủa. Ta chỉ phải chịu đựng trong một thời gian ngắn thôi. Đến mùa xuân, chúng ta lại trở về đời tự do của chúng ta. Ta sẽ đưa con sang Đức, sang Anh. Bấy giờ con đã lớn và trí con đã mở rộng. Ta sẽ dạy con nhiều điều và làm cho con thành người. Ta đã cam đoan trước mặt bà Mỹ-Lưu điều đó, ta sẽ giữ lời. Vì cốt đưa con đi các nước nói trên, nên ta chả đã bắt đầu dạy con học tiếng Anh, Pháp và Ý đấy ư? Với tuổi con, được như thế là khá lắm không kể sức khỏe của con. Coi đó, con ơi! Ta sẽ không đến nỗi mất cả.
Cái giải pháp đó có lẽ sẽ thích hợp với hiện tình của chúng tôi. Ngày nay mỗi khi tôi nghĩ đến, tôi nhận thấy thầy tôi đã khổ tâm lắm mới nghĩ được lối thoát đó. Nhưng ngày ấy, tôi lại nghĩ khác.
Qua lời thầy tôi nói, tôi trông thấy hai điều: sự chia ly và ông thầy diễn trò.
Trong những cuộc lữ hành của chúng tôi qua các làng và các tỉnh tôi thường gặp những ông thầy diễn trò dắt những trẻ con – mà các ông ấy đã mộ tập ở các nơi – đi diễn trò và đánh đập rất tàn nhẫn.
Họ không được như ông Vỹ-Tiên. Toàn là những hạng người độc ác, bất công, khó tính, rượu chè, lúc nào cũng cầm roi. Tôi rất có thể sa vào tay một người trong bọn đó.
Nếu sự ngẫu nhiên đưa tôi vào cửa tử tế, thì lại là một sự thay đổi.
Sau bà mẹ nuôi tôi, đến ông Vỹ-Tiên, sau ông Vỹ-Tiên đến một người khác.
Có phải cứ bắt thay đổi mãi thế không?
Có phải tôi không bao giờ tìm được người để kính yêu suốt đời?
Tình thâm mỗi ngày một nảy nở đã khiến tôi coi ông Vỹ-Tiên như cha tôi.
Như vậy, không bao giờ tôi có cha ư?
Cứ phải trơ trọi suốt đời hay sao?
Cứ phải lưu lạc trên cõi đất này không bao giờ tìm được một chỗ dừng chân?
Tôi có nhiều câu để nói với thầy tôi, những lời đó phát tự đáy lòng lên tới miệng tôi, nhưng tôi phải nén xuống.
Thầy tôi đòi hỏi tôi phải can đảm và nhẫn nại, tôi phải nghe lời và không dám tăng nỗi đau khổ của thầy tôi.
Vả lại thầy tôi cũng không đứng cạnh tôi nữa. Có lẽ thầy tôi sợ phải nghe những câu sắp nói mà thầy tôi đã đoán được, nên thầy tôi bước vội lên trước cho cách xa tôi.
Tôi lẳng lặng theo thầy tôi. Không mấy lúc chúng tôi đến một bờ sông con, qua một cái cầu đầy bùn, tuyết đen như trộn than, lội đến mắt cá chân.
Đầu cầu là một làng có những phố hẹp. Qua làng đó đến một miền quê chen chúc những cửa nhà tiều tụy.
Trên đường, xe cộ ngược xuôi như mắc cửi. Tôi phải đi sát cạnh thầy tôi về bên tay trái, còn con Lãnh-Nhi cắm đầu theo gót chúng tôi.
Không bao lâu đi hết miền quê vào một đường phố mà không nhìn thấy đầu phố đâu. Hai bên, xa xa có nhiều nhà, nhưng những nhà nghèo nàn và bẩn thỉu, không được như những nhà ở Boóc-Đô, Tu-lu và Ly-Ông.
Tuyết đã hốt thành từng đống ở bên vệ đường. Trên những đống tuyết đen và rắn đó, người ta vứt nào tro nào rau úa cùng đủ thứ rác rưới. Không khí sực mùi hôi thối.
Trẻ con chơi ở trước cửa, đứa nào cũng xanh xao. Thỉnh thoảng có những xe ngựa chở nặng đi qua, chúng tránh rất lẹ và chẳng e ngại gì.
Tôi hỏi thầy tôi:
- Đây là đâu thầy?
- Ba-Lê, con ạ.
Ba-Lê…
Đây là Ba-Lê, có tin được không?
Vậy thì những nhà cửa bằng đá hoa của tôi đâu?
Những thị dân y phục nhung gấm lụa là đâu?
Mới biết sự thực vẫn xấu và tồi tàn!
Có phải kia là Ba-Lê mà tôi hằng mơ ước được để chân đến không?
Than ôi! Phải đó. Chính nơi đó mà tôi sắp phải ở cho qua mùa đông, mà tôi sắp phải chia tay ông Vỹ-Tiên, thầy tôi và Lãnh-Nhi, bạn tôi.