Dịch giả: Hà Mai Anh
Chương XXXIV
GIA ĐÌNH ĐIỆP CÔNG

Viên thư ký Phòng Cố vấn Pháp luật đưa chúng tôi về nhà cha mẹ tôi là một ông già da mặt nhăn nheo, mặc áo đen bạc màu, đeo cà vạt trắng. Khi chúng tôi ra đường, ông ta xoa hai bàn tay vào nhau, bẻ những đốt ngón tay và cổ tay kêu lắc cắc và vung chân cho rãn gân, mạnh quá như người muốn quẳng đôi giầy vẹt gót đi. Ông ta nghếch mũi lên trời hít mạnh hơi sương nhiều lần, lấy làm khoan khoái như người mới ở trong nhà giam ra.
Mã-Tư nói với tôi bằng tiếng Ý:
- Ông này hít hơi sương thấy thơm chăng?
Ông ta nhìn chúng tôi, không nói gì. Ông ta kêu “sùy! Sùy!” như giục những con chó săn phải đi liền chủ, kẻo lạc.
Không mấy lúc chúng tôi đã đến một phố lớn đầy xe cộ. Ông ta gọi một cái xe ngựa. Chiếc xe này hơi lạ, là người đánh xe không ngồi ở trước xe mà ngồi ngất ngưỡng ở ngoài trời trên chiếc ghế cao sau mui xe. Mãi về sau này, tôi mới biết thứ xe ngựa đó gọi là xe “cáp”
Ông ta bảo chúng tôi lên xe, phía trước không có cửa. Qua cái lỗ sổ ở sau mui, ông ta nói chuyện với người đánh xe. Tôi nghe ông ta nói nhiều lần tên “Bethnal Green” (Thanh-Lâm), tôi đoán là tên phố cha mẹ tôi ở. Tôi biết tiếng Anh “Green” nghĩa màu xanh lá cây, tôi tưởng tượng phố đó chắc có nhiều cây cao bóng cả, râm mát và xinh đẹp lắm.
Phố đó có lẽ không giống như những phố khổ ở Luân-Đôn vừa tối vừa buồn mà chúng tôi đã đi qua khi mới đến. Nhà cha mẹ tôi có lẽ là một tòa lâu đài tráng lệ trong một thành phố lớn, chung quanh có cây to.
Cuộc cãi cọ của viên thư ký đưa chúng tôi đi với người đánh xe diễn ra khá lâu. Khi người này so vai ghé ra cửa sổ để cắt nghĩa, khi người kia muốn nhảy xuống ghế chui vào cửa sổ con để trả lời là mình không hiểu gì về điều người nọ hỏi.
Mã-Tư và tôi chụm vào một góc, con Lãnh-Nhi ngồi rúc dưới chân chúng tôi. Nghe hai người cãi nhau, tôi rất lấy làm lạ: một người đánh xe ở Luân-Đôn lại không biết đến một nơi danh tiếng như Bethnal Green: có lẽ ở Luân-Đôn có nhiều “khu phố xanh”? Cũng là một sự lạ vì cái Thanh-Viên chúng tôi vừa đi qua lúc đầu chẳng khác chi đám mồ hóng.
Chúng tôi đi qua các phố lớn rồi đến các phố hẹp rồi lại ra các phố lớn, nhưng chẳng thấy gì ở hai bên vì sương xuống dầy quá. Khí trời bắt đầu lạnh. Chúng tôi thấy khó thở. Nói “chúng tôi” là trỏ Mã-Tư và tôi, chứ còn ông thư ký hướng đạo chúng tôi trái lại nghe chừng khoái lắm, vì ông ta ngửa mũi, há mồm hít vào từng hít dài cái không khí đầy hơi nước đó như muốn trữ rất nhiều trong buồng phổi lâu nay khô khát. Rồi thỉnh thoảng ông lại bẻ ngón tay răng rắc và vươn dài đôi chân mỏi. Phải chăng đã nhiều năm ông bị câu thúc không được cử động và hô hấp.
Chỉ trong lát nữa hay vài giây nữa, tôi sẽ được gặp cha mẹ và các em tôi. Lòng tôi hồi hộp vô cùng, nhưng tôi cũng cố nhìn thành phố mà tôi đang đi qua vì đó chính là thành phố của tôi, quê hương của tôi.
Nhưng ngoài những ngọn đèn gaz bên đường phố le lói trong sương mù hay những đèn xe chập chờn trước mặt, chúng tôi không trông thấy hay chẳng nhìn thấy gì. Thỉnh thoảng chúng tôi dừng phắt lại để tránh những người qua đường không nhìn thấy xe chúng tôi.
Chúng tôi đi mãi, từ Phòng Cố vấn Pháp luật đến đây nghe chừng đã lâu rồi mà chưa tới nơi. Tôi đoán có lẽ gia đình tôi ở ngoại thành hoặc ở nhà quê và có lẽ chúng tôi sắp rời thành phố để ra miền thôn dã.
Mã-Tư và tôi cầm tay nhau; nghĩ đến lúc sắp về đến nhà tôi, tôi tự nhiên siết chặt tay Mã-Tư, như truyền cái tình thân ái sang anh, một mối tình không những nồng nàn trong lúc này mà cái thắm thiết mãi mãi. Nhưng đáng lẽ ra cánh đồng, thì lại rẽ vào một ngõ hẻm và chúng tôi nghe thấy tiếng còi xe lửa.
Tôi nhờ Mã-Tư hỏi ông dẫn đạo sắp đến nơi chưa thì câu trả lời đã làm cho tôi thất vọng: Ông thư ký bảo ông không rõ lắm vì ông chưa từng bước tới khu “ăn cắp” này. Chắc là Mã-Tư nhầm vì không hiểu câu ông thư ký trả lời. Nhưng Mã-Tư quả quyết rằng “thieves” ông thư ký nói có nghĩa là “ăn cắp, ăn trộm”, đúng thế không sai. Tôi buồn quá. Nhưng tôi tự nghĩ ông thư ký vào hẻm này sợ trộm cướp cũng phải, chứ tiếng “Green” (là xanh) ở sau tiếng “Bethnal” phải là phố có cây cối hoặc là nơi có đồng cỏ. Tôi liền đem ý đó nói cho Mã-Tư nghe. Hai anh em cười rũ cho là ông thư ký nhát quá. Những người không bước chân ra ngoài thành phố thường ngốc!
Nhưng không có dấu hiệu gì báo là sắp ra cánh đồng. Vậy Anh-quốc chỉ là một thành phố lắm đá và lắm bùn mà người ta gọi là Luân-Đôn à? Lớp bùn đó ngập bánh xe chúng tôi, bắn cả vào người ngồi trong xe từng mảng lớn, đen sì. Từ nãy đến giờ một mùi ngai ngái bao bọc chúng tôi. Đúng là một hẻm bẩn thỉu nhất, tồi tàn nhất mà chúng tôi phải đi qua để ra cánh đồng Bethnal Green. Bỗng nhiên thấy xe như quay tròn rồi thỉnh thoảng người đánh xe đi chậm lại và ngần ngại hình như không biết đấy là chỗ nào. Tự nhiên xe dừng lại, lỗ sổ sau xe vạch ra.
Một cuộc nói chuyện hay đúng hơn, một cuộc đấu khẩu bắt đầu. Mã-Tư thông ngôn cho tôi biết rằng người đánh xe không muốn đi xa hơn nữa vì hắn không biết lối. Hắn hỏi viên thư ký là phải đi lối nào, viên thư ký cứ một mực nói là mình không hề đặt chân đến “ngõ ăn cắp” này. Tôi lại nghe thấy tiếng “thieves”. Chắc không phải là Bethnal Green. Hai người cứ cãi nhau qua lỗ sổ.
Cuối cùng, viên thư ký trả tiền rồi xuống xe mặc người đánh xe lẩm bẩm. Một lần nữa, viên thư ký lại “sùy! Sùy!”. Hiểu ý, chúng tôi nhẩy cả xuống.
Chúng tôi ở giữa một ngõ lội lặm đầy sương mù. Gần đó có một cửa hàng sáng choang. Ngọn đèn gaz do những gương, những đồ sơn kim nhũ, những chai thủy tinh phản chiếu ánh sáng ra đến ngoài đường tới rãnh nước. Đó là một tiệm giải khát, ở đấy người ta bán đủ thứ rượu nhất là rượu mạnh.
Viên thư ký “sùy! Sùy!”, chúng tôi theo ông ta vào tiệm. Trước chúng tôi tưởng ngõ này là một ngõ khốn nạn. Chúng tôi đã nhầm. Chưa bao giờ, tôi thấy một hiệu lộng lẫy như thế. Chỗ nào cũng gương lóng lánh, có kim nhũ vàng ối, bàn bán hàng mạ bạc bóng loáng. Tuy nhiên những khách đứng ở trước bàn, người thì dựa vào tường, người thì tỳ vào thùng rượu, đều ăn mặc rách rưới. Một vài người không đi giầy, bàn chân họ đã lội bùn trông đen bóng như những đôi giầy mới quét xi chưa khô. Viên thư ký của chúng tôi đến cạnh bàn mạ bạc hỏi mua một cốc rượu thơm. Ông ta hớp một hơi dài như kiểu ông ta vừa hít khí trời ban nãy. Ông ta nói chuyện với người đàn ông bán hàng mặc sơ-mi cụt tay. Tôi không cần hỏi Mã-Tư, cũng biết ngay là ông ta hỏi đường đi.
Ông ta trở ra. Chúng tôi lại theo chân ông ta. Ngõ ngày càng hẹp dần. Vì thế mặc dầu sương xanh như khói, chúng tôi nhìn rõ những nhà cửa ở hai bên lối đi. Trên đầu chúng tôi, có những sợi dây mắc ngang từ nhà nọ sang nhà kia, thỉnh thoảng lại trông thấy những quần áo cũ rách vắt trên các dây đó.
Chúng tôi đi đâu bây giờ? Tôi bắt đầu buồn… chốc chốc Mã-Tư lại nhìn tôi. Nhưng anh không hỏi gì.
Từ ngõ này, chúng tôi lại rẽ sang một ngõ khác, đi qua một cái sân rồi lại vào một ngõ nữa. Nhà cửa trông tồi tàn hơn là những nhà cửa ở những làng tồi tàn nhất nước Pháp. Nhiều nhà lụp xụp, đóng bằng ván gỗ trông như cái lều chứa xe hay cái chuồng ngựa. Nhưng chính là những nhà để ở, đàn bà và trẻ con lúc nhúc trên ngưỡng cửa.
Một vài nhà thắp đèn. Tôi nhìn thấy những đàn bà người nào cũng xanh xao, tóc rối xõa xuống vai, trẻ con đứa thì cởi trần, đứa thì đeo những đồ rách. Thỉnh thoảng lại trông thấy những con lợn thả rông đang chúi mõm trong rãnh nước tù, mùi xông lên rất khó chịu.
Ông dẫn đạo tự nhiên đứng dừng lại. Đích là ông lạc lối. May sao lúc đó có một người vận áo dạ xanh, đội mũ dạ, trên cổ tay áo đính lon đen và trắng, ngang lưng đeo bao da, đi đến phía chúng tôi: đó là Cảnh-sát.
Hai người nói chuyện, xong người Cảnh-sát đi trước, chúng tôi theo sau. Chúng tôi qua những ngõ, những sân, những hẻm quanh co như rắn lượn và nhìn đây đó có những nhà xiêu nát như sắp đổ.
Sau cùng, chúng tôi đến một bãi đất, giữa có cái ao con.
Người Cảnh-sát nói:
- “Red lion court”.
Tiếng này tôi đã nghe nói đến nhiều lần. Mã-Tư bảo tôi:
- Bãi Hồng-Sư (sư tử đỏ).
Sao lại dừng lại ở đây? Lẽ nào đã đến Bethnal Green? Lẽ nào cha mẹ tôi ở đây? Thế thì…
Tôi đang mãi nghĩ, thấy người Cảnh-sát đến gõ cửa một căn nhà nhỏ vách gỗ giống như những nhà để chứa đồ. Xong ông ta quay ra, nhận lời cảm ơn của ông dẫn đạo chúng tôi rồi đi. Phải chăng chúng tôi đã tới nơi?
Mã-Tư vẫn cầm tay tôi. Anh liền nắm chặt bàn tay tôi, có cũng nắm chặt lại tay anh. Chúng tôi đã hiểu nhau. Cái buồn của tôi là cái buồn của anh.
Tôi bối rối không biết cánh cửa nhà đó đã mở ra lúc nào – khi tôi vào căn phòng đó có đèn sáng và than cháy trong lò, tôi mới định thần lại. Trong chiếc ghế bành bằng mây kê ở cạnh lò sưởi, có một cụ già râu bạc, đầu đội mũ len che cả tai. Ở hai bên cạnh bàn, một người đàn ông và một người đàn bà ngồi đối diện nhau. Người đàn ông độ bốn mươi tuổi, mặc áo nhung xám nét mặt thông minh nhưng hơi dữ; người đàn bà trẻ hơn độ năm sáu tuổi, tóc buông xuống chiếc khăn san kẻ ô đen và trắng buộc chung quanh vai. Gương mặt bà còn in lại những nét đẹp đã tàn. Vẻ lãnh đạm hiện ra trên đôi mắt lờ đờ và trong cử chỉ ơ hờ ẻo lả. Trong phòng, bốn đứa trẻ hai trai và hai gái, tóc đều đỏ như màu tóc của mẹ, người con trai lớn nhất trạc mười một, mười hai tuổi, người con gái út độ lên ba đang chập chững đi.
Vừa bước chân vào, hình ảnh trên đã thoáng in vào mắt tôi. Khi đó ông thư ký xì xồ bảo tôi.
Ông ta nói gì? Tôi không nghe rõ mà cũng không hiểu gì. Chỉ có tiếng “Điệp-Công” đập vào tai tôi thôi.
Mọi con mắt đều chĩa về phía Mã-Tư và tôi, cả con mắt ông già ngồi không cử động ở ghế. Duy có đứa con gái út chú ý nhìn Lãnh-Nhi.
Người đàn ông mặc áo nhung xám hỏi bằng tiếng Pháp:
- Trong hai người, ai là Lê-Minh?
Tôi chạy lên và thưa:
- Con.
- Thế thì con lại hôn cha đi.
Trước kia, tôi nghĩ lúc gặp gia đình tôi, có lẽ tôi mừng nhẩy vào cánh tay cha mẹ tôi. Nhưng lúc này, tôi không thấy cái mừng đó. Tuy nhiên tôi vẫn tiến lại hôn cha tôi.
Xong cha tôi giới thiệu:
- Đây ông con, mẹ con, và các em con.
- Bắt tay ông con đi, bắt nhẹ chứ, ông con bị bệnh tê liệt đấy.
Bắt tay ông tôi xong, tôi lại bắt tay các em tôi. Tôi muốn bế em bé nhưng em mãi chơi với Lãnh-Nhi, đẩy tôi ra.
Trong khi tôi đi trình diện từ người này đến người khác, tôi cảm thấy bực mình. Thế ra tôi không cảm thấy cái vui sum họp hay sao? Tôi có cha có mẹ, có em trai, có em gái, có ông, tôi được đoàn viên mà lòng tôi thấy nhạt nhẽo. Tôi đã âm ỉ chờ đợi giờ phút này, tôi đã sung sướng điên người khi nghĩ đến lúc gặp gia đình yêu dấu, thế mà bây giờ tôi thẫn thờ, nhìn hết người nọ đến người kia, lòng tôi trống rỗng, không có một câu thương yêu gì để thổ lộ. Tôi là một con quái vật hay sao? Tôi không xứng đáng có một gia đình hay sao?
Nếu tôi tìm thấy cha mẹ tôi ở một tòa lâu đài tráng lệ, tôi có tỏ hết tình yêu thương nung nấu trong lòng tôi bấy lâu không? Mà bây giờ gặp gia đình ở dưới mái tranh nghèo nàn này, sao tôi lại không đem lòng yêu thương đó đối với cha mẹ tôi?
Ý nghĩ đó làm tôi xấu hổ. Tôi liền lại trước mẹ tôi, tôi quấn quít và hôn mẹ tôi để tỏ lòng hiếu nghĩa của đứa con rơi. Nhưng có lẽ mẹ tôi không nghĩ đến nỗi lòng của tôi, nên đáng lẽ hôn trả tôi, mẹ tôi lạnh lùng nhìn tôi rồi hơi nhún vai quay về phía cha tôi nói những tiếng gì tôi không hiểu, nhưng cha tôi phì cười lên. Vẻ lãnh đạm kia và cái cười nọ làm tôi tan nát tim gan.
Tôi đang buồn bã, chợt cha tôi chỉ vào Mã-Tư và hỏi:
- Em này là thế nào?
Tôi cắt nghĩa cho cha tôi hay. Mã-Tư không những là người bạn đối với tôi không khác chi tình ruột thịt mà tôi còn chịu ơn anh rất nhiều.
Cha tôi bảo:
- Tốt lắm. Em muốn về chơi với con?
Tôi chưa kịp trả lời thì Mã-Tư đã đáp:
- Thưa ông, đúng thế.
Cha tôi hỏi:
- Thế còn Bảo-Liên? Sao ông ta không đến?
- Ông ấy chết rồi.
Tôi liền kể lại khi chúng tôi về Văn-Ông thăm bà Bảo-Liên, bà có cho biết là cha mẹ đang tìm tôi. Chúng tôi vội trở về Ba-Lê để gặp ông Bảo-Liên thì không may ông vừa mới mất.
Cha tôi liền dịch ra tiếng Anh cho mẹ tôi nghe. Mẹ tôi trả lời là “tốt”, “hay lắm” vì tôi nghe nhiều lần có tiếng well và tiếng good mà tôi hiểu. Tại sao cái chết của Bảo-Liên lại tốt và hay lắm: Tôi nghĩ mãi không tìm ra lý do.
Cha tôi hỏi tôi:
- Con không biết tiếng Anh à?
- Không. Con chỉ nói tiếng Pháp và biết tiếng Ý do một ông thầy diễn trò dạy con.
- Tên ông ta là Vỹ-Tiên?
- Cha có biết…
- Bảo-Liên có nhắc đến tên ông ấy khi ta sang Pháp tìm con. Chắc con lấy làm lạ sao trong 13 năm trời cha không tìm con, bỗng tự nhiên cha lại đi kiếm Bảo-Liên?
- Thưa cha, vâng, con thực lấy làm lạ.
- Con hãy lại ngồi gần lò sưởi, ta sẽ kể cho con nghe.
Cái đàn của tôi lúc mới vào tôi dựa ở chân vách. Bây giờ tôi tháo cái túi đeo ở vai tôi ra và đến ngồi chỗ cha tôi vừa chỉ.
Nhưng khi tôi vừa duỗi chân tôi ra gần lửa, ông tôi liền nhổ bọt về phía tôi và không nói gì, coi bộ như con mèo đang nổi giận. Tôi hiểu ngay là tôi đã chắn chỗ ông tôi, nên tôi rụt chân lại.
Cha tôi nói:
- Kệ ông già, ông ấy không thích người ta ngồi ở cạnh lò sưởi của ông ấy. Nhưng nếu con có rét, cứ việc sưởi. Không cần chú trọng đến ông ấy.
Tôi ngạc nhiên khi nghe cách đối xử với một ông già đầu bạc như thế. Tôi nghĩ trong nhà này, nếu có người được chú trọng thì chính là ông già ấy, người ta phải chú trọng trước nhất. Tôi liền co chân tôi vào dưới ghế tựa.
Cha tôi kể tiếp:
- Con là đứa con đầu lòng của ta. Ta kết duyên với mẹ con được một năm thì con ra đời. Khi cha cưới mẹ con, có một người thiếu nữ vẫn muốn lấy ta liền đem lòng thù oán và coi mẹ con là một tình địch không đội trời chung. Khi con được sáu tháng, thiếu nữ độc ác đó liền bắt trộm con đem sang Pháp và bỏ con ở phố thành Ba-Lê. Cha sai người tìm kiếm con khắp nơi nhưng không thấy gì. Ta không sang đến Pháp vì đâu biết họ lại đem con đi xa thế. Cha đinh ninh rằng thế là con biệt tích hay là con đã chết rồi. Bỗng cách đây ba tháng, người đàn bà nói trên bị bệnh trầm trọng, lúc hấp hối mới thú sự thực. Cha sang ngay Pháp, tìm đến sở cảnh-sát khu phố con bị bỏ rơi. Ở đó người ta cho biết một người thợ nề đã rước con về nuôi. Cha đi luôn Văn-Ông. Bảo-Liên nói rằng đã cho con đi ở với ông Vỹ-Tiên, một nghệ sĩ hát rong. Vì cha không thể ở lâu bên Pháp được nên đã đưa tiền và nhờ Bảo-Liên đi tìm con. Khi nào thấy thì cứ giao dịch với Phòng Cố vấn Pháp luật Greth and Galley cho tiện. Cha không để địa chỉ ở đây vì ta chỉ có mặt ở Luân-Đôn trong mùa đông thôi. Các mùa khác cha đi buôn hàng rong ở các nơi trong nước Anh và ở xứ Tô-Cách-Lan nữa. Khi đó cả gia đình đều cùng đi với xe hàng. Con ơi! Thế là cha đã tìm thấy con và sau 13 năm lưu lạc, con đã được trở về với gia đình. Cha biết rằng con hãy còn bỡ ngỡ, e sợ vì con lạ cả mọi người, con lại không nghe được tiếng cha mẹ nói và con cũng không nói cho cha mẹ hiểu được. Nhưng rồi cũng quen đi. Ta rất mong cho con chóng quen đi.
Phải lắm. Tôi sẽ quen đi. Cố nhiên tôi phải quen vì tôi ở trong gia đình tôi, những người tôi chung sống là cha mẹ, là các em tôi.
Những cái tã đẹp đã không nói thực. Đó là tai hại cho bà Bảo-Liên, cho Lệ-Hoa, cho ông An-Thanh, cho tất cả những người đã cưu mang tôi. Tôi không thể thực hiện được những điều tôi mơ tưởng, vì những người lái buôn rong, nhất là những người ấy ở trong một căn nhà lụp xụp, thì làm gì có nhiều tiền. Nhưng về phần tôi, cái đó có hề gì. Miễn là tôi có một gia đình và theo cái sở ước ngây thơ của tôi thì tiền cũng không bằng người mẹ. Tình thương hơn là châu báu. Tôi không thiết tiền, tôi khao khát một tình mẫu tử.
Trong khi tôi chăm chú nghe cha tôi kể chuyện, người ta đã đặt bát đĩa lên bàn, giữa bày một miếng thịt bò bỏ lò to với những khoanh khoai tây đặt chung quanh.
 Cha tôi hỏi Mã-Tư và tôi:
- Các con có đói không?
Mã-Tư nhe răng để trả lời.
Cha tôi bảo:
- Ta vào bàn ăn đi!
Trước khi ăn, cha tôi đẩy ghế ông già lại sát cạnh bàn. Rồi cha tôi ngồi quay lưng vào lò sưởi, cầm dao thái thịt bò và tiếp chúng tôi mỗi người một khoanh thịt lớn với khoai tây nữa. Mặc dầu tôi không được nuôi nấng trong khuôn phép, hay nói cho đúng là không được giáo dục bao giờ, tôi cũng nhận thấy lạ khi các em tôi đều ăn bốc hoặc chấm ngón tay vào nước mắm rồi mút mà cha mẹ tôi có lẽ coi là thường nên không nói gì. Còn ông tôi, hai mắt chỉ để vào đĩa ăn, và một tay cứ luôn luôn đi lại từ đĩa đến mồm. Tay ông tôi run run, lỡ khi đánh rơi miếng gì thì các em tôi lại cười khúc khích. Ăn xong, tôi tưởng còn được ngồi chơi chung quanh lò sưởi. Nhưng cha tôi bảo chúng tôi đi ngủ vì cha tôi còn bận đợi mấy người bạn. Rồi cha tôi xách một cái đèn đưa chúng tôi sang một căn nhà khác cạnh gian chúng tôi vừa ngồi ăn. Ở đó có hai cái xe ngựa lớn vẫn dùng để chở hàng. Cha tôi mở cửa xe, chúng tôi nhìn thấy cái giường hai tầng. Cha tôi nói:
- Giường các con đấy. Ngủ cho ngon giấc!
Đó là tất cả cuộc đón tiếp tôi về với gia đình, gia đình Điệp-Công.