ạnh Hoa bị ốm từ lúc chớm thu. Cơn bệnh kéo dài qua suốt mùa đông lãng nhãng theo những trận mưa phùn thâu đêm rả rích. Nàng nằm rũ rượi đưa mắt nhìn những sợi mưa nhỏ mưa như kim đâm nhói vào lòng. Khoảng trống lặng trong lòng nàng cứ lan rộng mênh mông đến tận những bến bờ xa xôi lạ lẫm ở đây cũng mưa dầm ủ rủ. Nhưng mùa Xuân tuyệt đẹp của năm Quý Sửu đã đến với nàng như một liều thuốc hồi sinh, có sức kéo nàng ra khỏi giường bệnh. Sức lực trong cơ thể trẻ trung của nàng bỗng trỗi dậy giành lấy tiếng nói cuối cùng. Và hôm nay lần đầu tiên nàng đặt bước ra đường về phường Thái Hoà thăm quê Thái Úy, tiện thể xem lễ phóng thích chim sâm cầm. Con ngựa bạch lâu ngày vắng chủ thấy nàng bỗng cất tiếng hí vang. Nàng thót lên ngựa và ngạc nhiên cảm thấy thân mình như cánh chim. Mọi vật chung quanh đối với nàng đều mới mẻ. Bầu trời Xuân dát một lớp mây lụa ánh sáng chia đều tỏa khắp, một thứ ánh sáng ngọt dịu đê mê. Chùm lá bồ đề nhỏ lăn tăn kết lại đong đưa như mái tóc thề. Cả những gốc cây cụt ngọn ngày nào còn chìa bộ xương khô trên nền trời u ám nay cũng đưa cánh tay khẳng khiu lên cố vơ một túm lá non như đang kêu lên với nàng: "Lá về đây, mùa Xuân về đây! Mau đến chia phần!". Hạnh Hoa cảm thấy rõ rệt trong mỗi thân cây đứng lặng bên đường cũng đang có gì khao khát rạo rực như trong lòng nàng. Chắc hẳn phần lớn huyền thoại tình yêu đẹp nhất của dân tộc cũng bắt đầu nảy sinh từ một ngày xuân nắng ngọt như thế này. Hạnh hoa quay sang lão Vũ đang đóng cương đi lặng lẽ bên nàng: - Lão Vũ, trong lúc ta ốm, không biết trong triều có chuyện gì mới không? - Có chứ. Thái Phi Ỷ Lan đã được phong Thái Hậu Linh Nhân thay bà Thượng Dương cầm quyền nhiếp chính. Còn ông nhà thêm hàm Thượng phụ công làm Tể Chấp phụ chính, cầm đầu văn võ bá quan, coi sóc cả mọi việc ở cấm đình. - Sao lâu nay ta thấy cha ta kém vui? - Là vì... ông nhà trăm công nghìn việc, bận bã tối ngày... Lão Vũ có phần đúng. Cuộc chính biến năm trước lúc đầu cồn lên như sóng; giờ đây đã lắng xuống. Thái Úy nắm chặt dây cương chính sự, cải tổ lại hành chính. Triều đình đang thay da đổi thịt. Người dân kinh thành cũng dễ quên và không hay tò mò đến chính sự. Họ nhòm vào bữa ăn đời sống hàng ngày và nhìn vào lòng trời mà đo tài đức của kẻ trị vì. Mà trời thì đang thuận mưa vừa vừa gió, chúng dân trúng mùa. Không có điềm gở xảy ra. Sét không đánh sập mái cung nào, quạ không bay về kêu trên điện ngọc, hoa tre không trổ trên các đường thôn. Trời như cũng thuận lòng người báo trước một thời thái bịnh thịnh trị. Nhưng trong triều người ta lại không dễ quên. Mật đắng đọng lại trong lòng hoàng tộc và các vị lão thần. Đem cả vận mệnh đất nước, giao phó vào tay một viên quan trẻ mà lại hoạn quan như Thái Úy, điều chưa hề có trong lịch sử nước nhà - trách sao lòng họ tránh khỏi lo âu day dứt, mà quyền hành càng tập trung vào Thái Úy thì mũi nhọn của họ càng chĩa vào Thái Úy. Họ ngồi im, chờ đợi, đưa cặp mắt không lấy gì làm thiện cảm theo dõi từng việc làm nhỏ của Thái Úy... Những điều ấy, Hạnh Hoa đâu có biết. Nàng quay lại định nói gì thì lão Vũ đã nhanh nhẹn ném chiếc nón chóp buông tua ngũ sắc vào tay nàng. - Trời sắp mưa đấy! Hạnh Hoa ngẩng đầu nhìn lên. Trời đã xuống thấp. Những hạt mưa li ti mờ mờ như bụi ở tít tận đâu trên cao, sà xuống thành hạt, lững lờ rối rít, vương vương như vừa đủ mát cho lớp đất khô mịn bốc lên một mùi thơm nồng ngây ngất. Rồi bỗng chốc mặt trời lại ló ra. Nắng ngọt lại chan hòa... Khướu sáo đang ru rú gù nhỏ trong cánh rừng Thái Hòa bỗng choàng dậy cất cao tiếng hót. Cả những loại chim không tốt giọng cũng cố đằng hắng dọn cổ để đua hơi. Hạnh Hoa cũng cảm thấy khao khao trong cổ họng. Nàng vụt roi cho ngựa lồng lên, vô cớ cười ngặt nghẽo rất bất thình lình nghìm cương lại. - Lão Vũ, lão thử đoán xem hôm nay ai là kẻ vui nhất. - Chim sâm cầm. - Ai rồi, chính ta, bé Hạnh mới là kẻ vui nhất. Còn ai là kẻ buồn nhất lão biết không? Các bà cung nhân già đấy. Vì còn lấy đâu ra lông chim sâm cầm để nhồi gối nữa phải không nào? Thấy lão Vũ lặng im, Hạnh Hoa lại liến thoáng: - Không hiểu thịt chim sâm cầm có gì ngon mà cha ta thích đến thế? Lão Vũ đủng đỉnh đáp: - Thịt chim này thơm mềm, như nhai vào miệng vị ngọt đã túa khắp chân răng - Còn ta thì ta chỉ thích nhai cặp giò nó thôi. - Thế thì cô bé ăn khôn đấy. Vì loại chim này phải bay hàng vạn dặm, đôi chân không ngớt quạt gió trên không nên chất tinh bổ đều dồn xuống ở đấy. - Ta chả ưa mềm mà cũng chả chuộng bổ. Ta chỉ thích nhai cái gì giòn tan trong mồm thôi - Và nàng cất lên một chuỗi cười cũng giòn tan. Cái vui dễ lây của cô gái khiến lão Vũ nhếch một nụ cười nửa miệng. - Có điều ta không hiểu tại sao cha ta nghiện ăn thịt chim sâm cầm mà bỗng dưng lại đi thả chim sâm cầm. Nụ cười vừa lóe lên bỗng tắt ngấm trên môi lão Vũ. Mặt lão đanh lại. Chuyện phóng thích chim sâm cầm là do một sự tình cờ ngẫu hứng của Thái úy nhưng đâu phải chuyện đem ra để tán ngẩu... Lão Vũ nhớ lại cái hôm Thái Úy được tin triều Tống đã rút viên biên thần Tiêu Chú về kinh và bổ nhiệm một viên quan khác tên Thẩm Khởi xuống thay Tiêu Chú. Lão có cảm giác rõ rệt như làn da nhạy cảm trên người Thái Úy căng ra sẵn sàng đón nhận từng hơi gió lạnh từ phương Bắc thổi xuống. Liệu đây có phải là làn gió báo hiệu trận bão lớn sẽ ập đến nay mai. Luồng tin mật từ Hán Dương còn báo thêm có một tên Vệ Uông nào đó ở đất Việt cưỡi thuyền vượt sóng về tận Biện Kinh gặp tể tướng Vương An Thạch để hặc tội Tiên Chú đã dìm thư của y. Hắn ta còn xui giặc Tống nên đánh gấp Giao Châu vì theo hắn, đây là thời cơ thuận lợi nhất. - Lại Vệ Uông! Nhưng Vệ Uông là ai, Thẩm Khởi là người thế nào, điều này phải soát kỹ cho ta - Thái Úy nhìn lão Vũ rồi nói tiếp - Tên Vệ Uông này khá nguy hiểm đấy. Hắn bảo Tống đánh ta lúc này là đúng thời cơ, điều đó không phải không có lý. Nhưng hắn quên rằng liệu Tống đã có thời cơ để dự bị đánh ta chưa? Tiếp theo câu nói là giọng cười gằn của Thái Úy. Thái Úy hiểu rằng nhà Tống hiện nay chưa phải đã rỗi tay để nhòm ngó phương Nam. Cái nước Liêu mà người Tống quen miệng gọi một cách miệt thị là rợ Khiết Đan đã lớn mạnh và trở thành một nớc lân bang ở phương Bắc. Hai lần Tống đánh Liêu đều bại. Một lần Liêu đánh Tống cũng bị thua. Hai bên ngang tài ngang sức. Họ đành hòa hiếu với nhau. Lập đàn thể thân thiện ở Đàn Uyên. Nhưng từ trong làn sương mù dày đặc ở vùng núi phía Tây, nước Hạ lại nhô ra với gương mặt bừng bừng sát khí. Chúa của Hạ theo Liêu, lấn đất Thổ Phồn rồi xưng đế. Quân Hạ liên tiếp quấy nhiễu Tống suốt dọc biên thùy Tây Bắc. Và Liêu cũng được thể, lớn tiếng yêu sách Tống nhiều điều. Hơn ba mươi năm nay, nước Liêu như mụ đàn bà đanh đá chua ngoa, hướng về đất Tống xắn váy quai cồng, không ngớt ngoạc mồm xỉa xói nay kể nợ kể nần mai đòi tiền đòi đất. Các danh tướng và phần lớn quân thiện chiến của Tống đều bị đóng đinh trên đất phương Bắc để chống Hạ phòng Liêu. Hiểu rõ tình cảnh ấy, ngay từ lúc mới chân ướt chân ráo về triều, Vương An Thạch đã theo kế của Vương Thiều đưa quân đánh Thổ Phồn để chặt bớt cánh tay của Hạ. Quân Tống chiến được đất Hi Hà nhưng chinh chiến vẫn dây dưa mãi đến nay chưa dứt. - Chẳng lẽ việc Hi Hà đã xong rồi ư? Thái Úy thầm tự hỏi. Gương mặt ông như mờ trong sương. Hiện tình Thái Úy đang bận tay sắp xếp nội chính, chỉnh đốn quân ngũ. Không để chiến sự xảy ra. Phải nghĩ được kế sách hòa hoãn... Thái Úy đứng lên, lững thững bước ra cổng phủ. lão đầu bếp đi chợ về tươi tỉnh chào Thái Úy rồi đưa cái lồng chim lão đang xách trên tay: - Hôm nay con sẽ làm cho cụ lớn một món ăn thật thích khẩu. Thái Úy chăm chú nhìn lồng chim như mới thấy lần đầu: - Thế ngươi có biết giống chim này ở đâu ra và tại sao họ lại gọi là chim sâm cầm? - Dạ, thưa cụ lớn, là vì giống chim này ăn sâm ạ. Mà phàm đã ăn sâm là ở phương Bắc, nghe đâu tận nước Liêu cơ. - Nước Liêu! Ờ nhỉ - Thái Úy thò tay vào lồng chim bắt một con xoa xoa đôi chân vịt đỏ như son rối bất ngờ buông tay. Chim vỗ cánh bay. Người đầu bếp á lên một tiếng tiếc rẻ. - Ta không buột tay đâu. Nó là con chim ở tận nước Liêu đến làm khách nước ta nên ta thả đó. Thái Úy lại lôi thêm một con nữa ra, vuốt bộ lông cánh mịn màng một màu nhưng ánh tím - Này ta không hiểu con chim này ở bên Liêu sang ta làm gì nhỉ. Ở ta có sâm đâu? Được Thái Úy hỏi đến, người đầu bếp già có dịp thao thao giảng giải: - Dạ theo lời các cụ đời trước kể lại thì loại chim này biết ăn, biết ở lắm. Mà cái xứ phương Bắc ấy hễ mùa lạnh đến là rét kinh người, rét đến mức đưa tay vào ngọn lửa cũng không thấy nóng. Tuyết phủ kín trắng như bông không tìm đâu ra một thứ gì ăn được trên mặt tuyết cả. Vì vậy, trước khi trời rét, tuyết sắp rơi là các chú chim sâm cầm trai tráng chọn những củ sâm mập nhất tộng vào miệng các con chim con và chim già rồi ra đi trốn rét. Như vậy mỗi con chỉ ngậm một củ sâm để lấy sức bay qua miền đại lục xa hàng vạn dặm. - Ngậm một rễ sâm thôi - Thái Úy chữa lại. - Dạ vâng một nhánh sâm con thôi, các cụ cũng nói thế. Chim bay về phương Nam, hạ cánh quanh các đầm hồ ở ta để sưởi nắng ấm. Còn lũ chim non chim già ở nhà nhờ sâm mà qua được mùa tuyết vùi để gặp lại bọn trai tráng bay trở về cứu giúp. Con chim trên tay Thái Úy bay vụt lên. Thái úy mở rộng nắp lồng. Những con chim còn lại trong lồng lần lượt cất cánh. Lão đầu bếp sững sờ đứng đực người ra. Lão hết đưa mắt ảm đạm nhìn chiếc lồng chim trống không rồi lại lấm lét nhìn sang Thái Úy đang đứng ngẩng đầu mơ màng dõi theo cánh chim bay. Giây lâu Thái Úy quay lại bảo: - Này, ngươi đừng tiếc nữa. Chả lẽ những con chim hiếu thảo biết thương già nhường trẻ như thế lại không đáng cho ta tha tội chết hay sao? Thấy dáng bộ của người đầu bếp còn tiu nghỉu như mèo bị cắt tai, Thái Úy mỉm cười vỗ vai tiếp: - Không mất đâu cả. Lũ chim ấy sẽ là sứ đoàn mang lại thái bình cho dân ta đấy. Thôi, ngươi chịu khó tìm cho ta món ăn khác vậy. Mấy hôm sau có lệnh truyền cho khắp bàn dân kể cả nội đình cấm không một ai được đánh bắt chim sâm cầm. Viên tùy tướng trẻ tuổi chạy long tóc gáy đi tập hợp các phường săn chia nhau về các sông hồ giăng bẫy tìm bắt sống cho kỳ hết chim sâm cầm đem về nộp cho Thái Úy. Còn bản thân Thái Úy cũng đích thân đi chọn mấy chục viên lại ở các bộ, có hoa tay viết chữ đẹp mang về giao cho lão Vũ. Vì vậy là việc cơ mật nên lão Vũ. Vì đây là việc cơ mật nên lão Vũ nhốt họ vào ngôi nhà kín để tránh mọi con mắt tò mò. Và ngay đêm ấy tại tư phòng dưới ánh đèn khuya, ngọn bút của Thái Úy thảo vội mấy câu thơ thần: - Tống triều tham địa Mưa ư Nam Phương Thụ vạn tai ương Dẫn Liêu nhập cương Đại ý: ( Triều Tống tham đất Mưu sự ở phương Nam Chịu muôn vàn tai ương Đưa Liêu vào đất Tống) Bốn câu thơ ấy được bọn viên lại suốt ngày đêm gò lưng hí hoáy khắc trên những tấm thẻ bài nhỏ xíu bằng bia phất cậy ngoài có quết kim nhũ óng ánh. Cứ mỗi con chim. chân đeo một thẻ bài. Và từng tốp chim sâm cầm được bí mật thả ra lần lượt bay về phương Bắc. Không hiểu những điều phao ngôn ấy từ miệng người nào nói trước, ngay từ lúc lệnh cấm bắt chim vừa ban ra. Nhưng phe chống đối Thái Úy chỉ đợi có thế. Người ta đồn nào Thái Úy chiếm mọi quyền hành, quyền nghiêng thiên hạ, chỉ cần phẩy tay là ngôi vua lật đổ, nào ông ta thích thịt sâm cầm là không ai được mó vào chỉ để riêng nhà ông ta hưởng, nào đó là triệu chứng độc quyền sắp đổi đời vua. Câu chuyện cứ giăng giăng cửa miệng. Lời đồn đại ác độc này như làn khói mù hình lưỡi rắn trườn ra trên mặt đất lan nhanh vào tận cung đình – Nhưng rồi đám khói độc ấy cũng tan nhanh trước tin lễ phóng thích chim sâm cầm để cầu phúc cho muôn dân và mừng trăm họ được mùa. Lễ thả chim đã thực sự làm tắt ngóm mọi lời bình phẩm ác ý trên những miệng lưỡi rắn rết còn xầm xì đó đây trong các góc tối ở cung đình. Nhưng dụng ý thả chim của Thái Úy Lý Thường Kiệt đâu chỉ có vậy. Và cũng không một ai rõ được tác dụng của nó ra sao khi những con chim hiếu thảo ấy bay về đến đất Liêu. Không hiểu sắc vàng nhũ kim óng ánh trên chân chim có thu hút được sự chú ý của một vài dân Liêu và có chiếc thẻ bài nào mang bốn câu thơ thần của Thái Úy lọt đến tay vua Liêu không. Chỉ biết một điều là qua đầu năm sau, nước Liêu lớn tiếng đòi Tống nhượng thêm đất ở phần Thủy Lĩnh. Biết đâu trong tiếng kêu đòi đất gắt gao của Liêu lại chẳng có tiếng chim sâm cầm được thả về góp giọng? Sử sách không nhắc đến việc này và chỉ ghi vắn gọn là chuyệnđòi đất quyết liệt của Liêu cộng với nhiều nfguyên cớ khác đã buộc Vương An Thạch phải tự ý rút lui khỏi ghế Tể Tướng vào tháng tư năm Giáp Dần. Đó là chuyện về sau, còn lúc này lão Vũ đang gục đầu tặc lưỡi. Có lẽ lão tiếc rẻ chuyện thả chim sâm cầm thú vị đến thế mà lão biết tường tận lại không thể đem ra để mua vui cho cô gái vừa ốm dậy. Lão bực dọc đáp cho xuôi chuyện: - Thái Úy phóng thích chim sâm cầm là ể cầu phúc choc ô nương khỏi bệnh. - Lão khéo nói dối để làm vừa long ta - Hạnh Hoa cười khói chí – Ta biết tỏng cha ta thả chim để cầu phúc cho muôn dân. - Chẳng lẽ trong cái muôn dân ấy lại không có bé Hạnh ư? - Ôi! Về tài chống chế thì ta chịu lão đấy. Ngựa đã đến gần cái sân gạch rộng trước ngôi nhà cũ của Thái úy. Người cháu họ xa của Thái Úy hiện đang coi sóc ngôi nhà này đon đả chạy ra đón khách. Câu chuyện thù tạc trà nước qua nhanh, ông ta bắt đầu dần dà nhắc lại kỷ niệm tuổi ấu thơ của Thái Úy. Ông ta dắt lão Vũ lại gần cây cột lớn ở chái tây, trỏ tay vào vết cháy sém to tướng hình thuôn trên thân gỗ chò, thuật lại câu chuyện cũ: - Hôm đó, bác tạ Đức trao cho chú Tuấn nhà này mấy cuốn binh thư. Chú ôm lấy sách đọc thâu đêm suốt sáng. Đến khoảng cuối canh ba, chừng như quá mệt mỏi, chú thiếp đi. Đĩa đèn cạn mỡ bùng ngọn cháy lém lên chiếc quạt long treo cột bên án thư. Quạt cháy sạch mà chú Tuấn vẫn không hay biết gì. Sau này chú ấy lấy dây buộc tóc lên xà nhà. Hễ mỗi lần ngủ gật, tóc lại giật đánh thức chú tỉnh lại. Ôi! Lúc trẻ chú ấy ham đọc sách như kẻ máu mê trên chiếu bạc. Ông bố tôi thường mắng lũ tôi là sao không biết học gương chú Tuấn…. Qua câu chuyện kể của người cháu Thái Úy, tuy đã già nhưng thuộc dòng thứ, lần đầu Hạnh Hoa mới được biết tên tục của cha nuôi mình. cả một mảnh đời niên thiếu trong xanh của Thái úy như hiện ra trước mắt nàng. Thì ra chú bé Tuấn ngày ấy đã sớm có chí khí hơn người. Ngày lo tập cưỡi ngựa bắn cung, lập doanh bày trận, đêm lại miệt mài đọc sách. Thấy vậy, ông Tạ Đức, chồng cô ruột Tuấn đem long yêu, gả cháu gái cho Tuấn. Tuấn lấy vợ lúc mười sáu tuổi. Nàng Tạ Thuần Khanh xinh người đẹp nết ấy, có một mái tóc đen mượt dài chấm gót. Thương vợ, Tuấn thường chỉ biết xòe tay nâng mái tóc vợ lên lúc vợ gội đầu. năm sau nàng Khanh có chửa. Theo đúng như lời cháu họ Thái Úy kể thì “người chửa là cửa mả”. Và trong lần sinh nở đầu tiên ấy, nàng Khanh không đủ sức vượt cạn. Cả hai mẹ con đều chết. Suốt đêm ấy, Tuấn ngồi ôm xác vợ gỡ từng sợi tóc rối cho vợ… Tuy lão Vũ đã mấy lần giục Hạnh Hoa đi xem lễ cho kịp giờ thả chim nhưng Hạnh Hoa vẫn chần chừ. Cái chết của Thuần Khanh, người vợ yêu của Thái Úy cứ ám ảnh nàng. Số kiếp mỏng manh của đời người con gái ấy làm nàng bần thần và bất giác thấy lòng buồn rượi. Nàng tha thẩn ra vườn, lần vào gian nhà sau đến ngồi xổm trước bếp. Tro tàn vung vãi, bếp núc lạnh tanh. Trên góc tường ám khói lâu năm những mảnh váng nhện không biết giăng tự năm rào đã bị ngọn gió hồ Dâm Đàm thốc vào xé rách bươm trông tả tơi, toang hoác. Đó đây lơ thơ sót lại dăm sợi tơ bền nhất còn vương. Nắng xế bơ thờ loang lổ chiếu qua song cửa rọi sang những đường tơ nhện đơn côi ánh lên một màu bạch phếch. Rầu rầu, Hạnh Hoa tự nhủ: - Thế đấy, bao giờ cũng còn một vài sợi. Chắc hẳn những sợi này, nhện đã rút trong ruột mình ra từ nơi sâu kín nhất nên nó bền chặt nhất. Gió mưa mấy cũng không dứt được. Nghe tiếng chân lão Vũ bước đến, Hạnh Hoa quay lại. Gương mặt buồn thiu của nàng như nói với lão: - Lão được tin tức gì về Lý nGân không? Chẳng biết bây giờ chàng ở nơi chân mây góc biển nào? – Trong những trường hợp như thế, lão Vũ thường im lặng gục gặc dầu. - Vũ nhi đâu? Nghe tiếng Thái Úy gọi, lão quay quả bước lên nhà trên. Vừa trông thấy lão, Thái Úy đã nói ngay: - Vũ nhi! Con có việc gấp phải về quê đấy. Hạnh Hoa đi sau lão Vũ bỗng reo lên: - Cha ơi! Cha cho con đi theo lão Vũ nhé! Cha đã chẳng hứa khi nào con khỏi ốm, cha sẽ cho con đi một chuyến chơi xa ư? Thái Úy cùng lão Vũ, hai người cũng thấy trước rằng Hạnh Hoa cần có một chuyến đi chơi xa cho khuây khỏa để dứt hẳn bệnh tâm của nàng. Song chuyến đi này của lão Vũ. Hồi lâu lão Vũ ý tứ gật đầu. Thái Úy nhìn Hạnh Hoa nghiêm giọng: - Được, lần này ta cho con đi chơi. Nhưng cấm tự ý tự quyền mọi việc con phải tuân theo lời lão Vũ. Hạnh Hoa mừng rơn suýt nhảy cẫng lên. Nhưng nói xong Thái Úy quay lưng bước vội ra cáng. Lúc Hạnh Hoa và lão Vũ vừa lên ngựa ra về thì có tiếng trống chiêng lẫn trong tiếng reo hò ầm ĩ. Nàng ngẩng đầu lên vừa kịp thấy một bầy chim sâm cầm từ núi Thái Hòa bay vút ra hồ Dâm Đàm. Nàng nhìn theo những cánh chim lấp lóa mãi cho đến lúc chúng biến mất sau làn nước hồ mông mênh xanh nghít, rồi quay sang nhìn lão Vũ. Hình như lão Vũ thấy thoáng trong mắt nàng một ánh cười tinh nghịch.